Chương 1
Chính tên chị là An. Mẹ tôi gọi tránh ra là Yên. Yên là con nuôi mẹ tôi, nuôi để thay cho người nhà, để có ai hỏi thì bảo: nó là con nuôi tôi. Mẹ tôi thường kể lại rằng mua chị ta với cái giá hai quan tiền vào một năm lụt lội, đói kém. Yên như biết phận mình là con nuôi, nên không bao giờ lên mặt với tôi hết. Ngày tôi còn nhỏ, Yên trông nom tôi. Đó là người bạn gái ngày xưa, để sau này thành một người chị rất tốt. Kể ra, đối với Yên, tôi chịu lỗi nhiều lắm. Lòng tử tế, trung thành của Yên, mỗi lần nhắc đến, tôi không khỏi ngậm ngùi. Ngày nay, tuy Yên không còn sống chung với tôi trên quả đất này nữa, nhưng hình ảnh Yên vẫn theo tôi bên những hình ảnh thân mến khác.Chị Yên có một thân hình gầy nhẵng, trái hẳn lại với cái sức dai dẳng của chị. Cái nghệ thuật độc nhất, cái nghệ thuật đạt được đến độ tối cao của Yên, là bổ hết năm tạ củi trong một ngày liền. Mẹ tôi đảm đang là thế mà vẫn phải lắc đầu, mỗi lần thuật lại cái kỳ công ấy.Một hôm, chị Yên cầm dao rựa bổ củi, vô ý để lưỡi dao phập vào đầu ngón chân cái bắn ra cách đấy vài thước. Không một tiếng kêu, chị lấy vạt áo bịt ngay chỗ máu chảy, lê dần nhặt đầu ngón chân lìa ra kia, chắp lại. Tuy bị thương, chị vẫn bổ củi, với một vẻ điềm tĩnh không hai.Không phải chị Yên bị mẹ tôi bạc đãi, nhưng vì tính chị thích làm, nên Yên tự muốn đầy đọa mình luôn. Người con gái ấy, suốt trong mười mấy năm trời, đã chứng kiến cảnh lên xuống của gia đình tôi, đã chia chung niềm vui vẻ, nỗi nghèo khổ với mọi người trong nhà. Ngày hai lượt, chị gánh hàng cho mẹ tôi đi, về chợ, tiếng kẽo kẹt của chiếc đòn tre trên vai, bình yên nhịp với tháng ngày âm u, vắng mọi xa hoa của một người đàn bà Việt Nam chân chính.Chị Yên của tôi không đẹp, nhưng có duyên. Chị ăn trầu cắn chỉ và vá vai một cách tài tình. Đôi khi có ai giễu cợt chị, chị chỉ yên lặng. Tôi không hiểu có phải vì chịu thương chịu khó như vậy mà đời Yên chỉ là một chuỗi ngày đau khổ, nó thu ngắn cuộc sống của Yên lại không?Trước sau, dưới sự phán xét nghiêm nhặt của kỷ niệm, đối với chị Yên, tôi vẫn là người bội bạc. Chữ bội bạc, tôi cho còn là nhẹ, tôi toan mượn hai tiếng "dã man". Tôi không thể nào quên được, một hôm, đi học về, lục nồi không thấy cá thu, thứ cá tôi ưa nhất, vì chị đã để cho mèo tha mất rồi, tôi nóng mắt, sẵn đôi giày đang đi, nhằm xương ống chân chị mà chọt một cái thật mạnh. Yên nhắm mắt lại, nghiến răng chịu đựng sự tàn ác của tôi. Chợt nghe tiếng guốc của mẹ tôi xuống nhà, Yên vội đứng lên, xuýt xoa:- Khiếp! Cái bậc cửa cao quá, vấp phải luôn!Mẹ tôi lườm chị mà mắng:- Rõ mù! Người ta đi thì chẳng việc gì. Chỉ được cái bị thịt!Tôi không còn biết nói thế nào cả, nên yên lặng. Đợi mẹ tôi đi khỏi, tôi tháo đôi giày tây ra, trói cả hai chiếc làm một, định vất xuống ao. Chị Yên thấy thế, vội can tôi:- Đừng em! Vất giày đi lỡ mẹ hỏi không thấy, mẹ đánh chết!Tôi phụng phịu trả lời:- Nó đá chị, thì em vất quách nó đi.Đôi giày ấy, tôi đem ném nó vào một xó, nói thác với mẹ tôi là đau chân phải đi guốc. Tôi vất nó đi, nhưng thỉnh thoảng Yên lại mang nó ra lau chùi, làm tôi phát gắt:- Chị còn tiếc nó làm gì nữa. Để em chặt nó ra.Tôi chặt nó ra thật. Từ đấy, không bao giờ tôi còn dùng thứ giày tây mõm nhái và có ống như thế nữa. Thậm chí tôi ghét lây cả những người mang nó. Tôi thương Yên ngày một thêm, bởi chỗ tôi đá Yên đã loét thành một mụn sâu quảng, rồi biến thành một vết sẹo thâm đen. Lòng tôi đòi phen thắt lại, rùng rợn nghĩ đến cái cử chỉ hung hãn của mình. Còn Yên, Yên không nghĩ gì hết. Mỗi lần tôi nhắc lại chuyện xưa, Yên chỉ cười mà gạt đi:- Trò con nít, nhắc lại làm gì!Lòng Yên chỉ biết có trung thành và tận tụy. Yên không thể nào như tôi, một người tự tạo ra đau khổ để sống, để sung sướng vì thấy mình đau khổ hơn người. Tâm hồn mơ ước kín đáo của người con gái ấy chỉ hé mở để rung động vì một trong số những người thích Yên.Tôi biết chuyện, trêu Yên, và Yên chỉ đỏ mặt. Yên không biết chữ nên vẫn nhờ tôi đọc các truyện Phạm Công Cúc Hoa cho nghe. Yên thuộc lòng từng đoạn và đôi khi ngâm lên. Dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu con, nhiều tối, Yên chăm chú nghe tôi đọc, và đôi lúc đọc theo.Cuối năm ấy, người yêu Yên đến hỏi Yên. Mẹ tôi bằng lòng gả, nhưng bảo đợi đến hết tang ba tôi. Non ba năm đối với người con gái ấy có là bao, đó chỉ là một sự đợi chờ nhỏ nhặt, bên cạnh những công việc liên miên. Hơn nữa, chị Yên lại không biết thế nào là phản bội, thì mối tình chị thầm nuôi trong lòng hẳn phải là đẹp đẽ, thủy chung.