Có nhiều lúc tôi thèm viết truyện. Nhất là những lúc ngồi chờ máy bay giờ nầy qua giờ khác ở phi trường. Hoặc những lúc đi công tác xa, về lại hotel sau năm sáu giờ chiều, nằm chèo queo trong khách sạn tôi muốn viết thật nhiều. Nhưng tôi không biết viết chuyện nào. Ký ức của tôi đầy ấp những hình ảnh, kỷ niệm vui buồn từ thưở nhỏ.Một trong những hình ảnh mà tôi không bao giờ quên là hình ảnh chị Thảo. Hồi đó tôi độ chừng sáu bảy tuổi gì đó, thì chị Thảo độ mười bốn tuổi. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên mẹ chị dẫn chị đến năn nỉ xin má tôi cho chị Thảo vào giúp việc. Mới đầu má tôi từ chối vì thấy chị còn nhỏ quá, vả lại nhà đã có đủ người làm rồi. Nhưng mẹ chị Thảo kể lể khóc lóc quá, má tôi thấy tội nghiệp đành nhận mướn để sai vặt.Theo lời mẹ chị Thảo, chồng bà là một Thượng Sĩ đang trú ở xạ Bà và đàn con chừng 5, 6 đứa nheo nhóc sống trong một trại lính ở Ngả Ba Tiệm Rượu là một khu phố nhỏ ở Trà Vinh. Tôi có đi vào đó một vài lần vì các chị Ở người Miên có cha đi lính và gia đình họ cư ngụ Ở đó.Hình ảnh của trại lính nầy vẫn còn in sâu đậm trong tôi. Những buổi chiều các bà mẹ ngồi ở thềm cửa vạch vú cho con bú. Vừa cho con bú, vừa nấu cơm đợi chồng đi hành quân về. Thỉnh thoảng, các bà tụm năm tụm ba lại để bàn chiêm bao mua số đề. Đôi khi các bà tụm nhau lại đánh bài cào, tứ sắc, đua ngựa. Mấy đứa nhỏ bò lê bò lết dưới đất. Lâu lâu nó bò tới mẹ nó rồi kéo vú quặc ra sau bú ngon lành. Mấy đứa lớn hơn bày trò chơi lò cò, tạt lon, trốn kiếm, la hét ầm ỉ cả một khu.Buổi chiều, mấy tiểu đội của Sư Đoàn 9 Bộ Binh đi hành quân về, tất cả hoạt động trong trại đều được đình hoản. Các bà vợ vui vẻ ra đón chồng. Các ông lính quân phục bê bết đất bùn, da sạm nắng nhảy từ xe cam nhông xuống đón lấy con từ tay vợ, dắt díu nhau về nhà.Chị Thảo ở trong trại lính đó với bà mẹ có tính đỏ đen. Máu cờ bạc làm bà có nợ nần tứ phía, nên bà cần đem con đi ở đợ để lấy tiền trả nợ. Ngày hôm đó, má tôi nhận chị vào với số lương là 3 ngàn một tháng, mẹ chị Thảo sẽ lấy trước nửa năm lương. Lúc đó thầy cô giáo bậc Tiểu Học lãnh cở 18 ngàn đồng một tháng nên 3 ngàn lúc đó to lắm đối với chị Thảo. Má tôi đếm tiền đưa cho mẹ chị Thảo. Bà nhận tiền cho vào túi rồi liếc nhìn đứa con gái đầu lòng đang ngồi chồm hổm dưới đất. Bà chợt thấy đáy quần con bé có một lổ rách to tổ bố làm bà đỏ mặt: - Thảo, sao mầy ngồi đưa bẹn ra thế hở con?Cái giọng Bắc Kỳ đặc của bà dù cố làm ra vẻ ngọt ngào nhưng sao nghe chanh chua thế nào. Thảo nhìn xuống thật nhanh rồi bẻn lẻn nói:-Bu ạ, con chỉ có cái quầnnầy là cònvừa thôi.Giọng Bắc của chị Thảo đã lai Nam Kỳ nhiều lắm, giọng chị trong thanh khác hẳn với những người con gái Bắc mà tôi gặp trong những ngày nghỉ Hè ở Sài Gòn hay Đà Lạt. Thế là ngày hôm đó chị Thảo vào làm cho gia đình tôi. Chị có trách nhiệm rửa chén, đi chợ và phụ nấu ăn với chị bếp.Những buổi trưa rỗi việc, mấy chị Ở và anh làm vườn thích ngồi đánh bài hay tán gẩu trên bộ ván ngựa trong bếp. Chị Thảo không chơi bài hay góp chuyện, nhưng khi có câu chuyện nào hay hoặc khá buồn cười chị nhe hàm răng trắng cười khúch khích thật dễ thương. Nhiều đêm, chị mon men lên nhà trên kiếm tôi, có lần thấy tôi ngồi học viết chị đến bên cạnh khen:- Em chăm học nhỉ, ước gì chị cũng được đi học như em.Chị Thảo ở nhà tôi được hơn một tháng thì biến cố thứ nhất xảy ra. Như thường lệ, buổi sáng hôm đó má tôi đưa chị ba trăm đồng đi chợ từ lúc tám giờ sáng. Hơn mười một giờ chị Thảo vẫn chưa về. Má tôi sai anh làm vườn đưa chị bếp ra chợ kiếm Thảo nhưng hai người đi giáp vòng chợ đến mười hai giờ trưa mà chị Thảo vẫn bóng chim tăm cá. Má đành phải sai chị bếp xách gà mên đi mua đồ ăn nấu sẵn ở bến xe về cho cả nhà ăn đở ngày hôm đó.Buổi chiều má tôi sai chị Dên, chị vú của tôi dắt tôi vào trại lính kiếm gia đình chị Thảo. Từ xa tôi đã thấy má chị đang ngồi đánh bài với các bà vợ lính khác. Tôi đến bên cạnh bà hỏi:- Thím ơi, chị Thảo có về đây không thím.Bà ngước mắt nhìn tôi rồi cúi đầu nói nhỏ:- Nó không có về cô em ạ, sao cô em lại hỏi tôi?Tôi kể cho bà nghe chuyện chị Thảo biến mất. Bà không lộ vẻ ngạc nhiên hay lo lắng chi cả, chỉ chú tâm vào những lá bài đang xòe trong taỵ Rồi thấy tôi còn ngần ngừ bà xua tay đuổi khéo:- Cô em về đi, nếu nó về đây thím sẽ nói là có cô em đến tìm.Tôi lặng lẽ ra về với chị Dên. Buổi chiều hôm đó buồn lạ lùng. Không có bóng xe cam nhông nào chạy về ngang qua cổng. Bên cạnh cái giếng nước, các bà vợ ngồi giặt quần áo trong im lặng. Ba hôm sau chị bếp đi chợ về, một tay chị xách cái giỏ đựng đầy thức ăn, tay kia chị nắm chặt bàn tay chị Thảo. Tôi sững sờ nhìn chị Thảo đang riu ríu đi bên cạnh chị bếp. Từ ngoài ngỏ chị bếp đã nói sang sảng. Bà ơi, con bắt được con Thảo ở ngoài chợ nè. Má tôi đang ngồi trên cái băng cây trên xi tẹt vội bước ra trố mắt nhìn.- Mèn đéc ơi, mấy ngày nay con đi đâu vậy Thảo? Chị Thảo bổng òa lên khóc sướt mướt:- Bà ơi, bà tha cho con, không phải lỗi của con đâu bà ạ.Má tôi bảo chị Thảo nín khóc kể cho má nghe sự tình. Một hồi sau cả nhà mới biết là ngày chị Thảo biến mất là ngày bà mẹ vừa mới thua đề, con nợ đến đòi tiền dữ quá, bà đến trước nhà tôi núp chờ chị Thảo vì biết chị Thảo sẽ có tiền trong taỵ Bà hâm dọa tự tử nên chị Thảo sợ quá phải đưa tiền cho mẹ mình. Sau đó chị trốn không dám về nhà, ban ngày chị lang thang ở bến xe đò, tối chị về ngủ ở mấy thớt thịt trong nhà lồng chợ với bọn ăn mày. Được ba hôm thì gặp chị bếp bị lôi xển về đây.Nghe hết câu chuyện má tôi không tỏ một cử chỉ giận dữ hay trách móc gì cả. Bà nói tôi lấy đồ cũ của mấy chị tôi cho chị Thảo tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ. Mấy chị tôi đã lớn hết rồi, đã lấy chồng và theo chồng ở Sàigòn và Đàlạt.Hơn một tháng sau thì biến cố thứ hai xảy ra. Lần nầy chị Thảo lại biến mất với số tiền chợ hơn 500 đồng. Nhưng má tôi không sai tôi đi vào trại lính nữa. Thái độ im lặng của bà làm cho mấy người làm trong nhà ngạc nhiên lắm. Rồi không ai nhờ nhỏi hay xúi bẩy, họ tự động đi thăm dò tin tức của chị Thảo. Buổi trưa xong công việc họ lại xầm xì cho nhau nghe tin tức về chị Thảo.- Tui nghe nói mẹ con con Thảo cuốn gói dông mất rồi.Chị bếp loan tin nầy sau một tuần thăm dò những bà bạnhàng ngoài chợ Tràvinh.- Dông đi đâu hả Chị Năm? Anh làm vườn tò mò muốn biết.- Tui nghe nói con mẻ vừa thua đề vừa thua tứ sắc, bài cào nên tiền lương của ổng gửi về không đủ trả nợ, chắc con mẻ dắt đàn con qua HồngNgự Ở cho gần chồng hơn. Chị bếp kể vanh vách như đang đọc một đoạn tiểu thuyết của bà Tùng Long.Mấy tháng đầu mọi người còn bàn tán nhưng rồi chị bếp có vẻ chú ý đến những tin tức khác sốt dẽo hơn, như chuyện ông Dược Sĩ Khanh lén vợ tằng tịu với cô Yến học sinh lớp Đệ Nhất trường Trung Học Công Lập, hay ông giáo sư Ri dạy toán mê mệt cô Thu Nguyệt thư ký trong trường, nên tin tức về chị Thảo thưa dần không ai thèm để ý nghe ngóng hay hỏi han gì cả.Bẳng ba năm sau, chị Dên về thăm gia đình nhân dịp tết Miên trở lại báo một tin động trời. - Dớ, tui thiệt không ngờ má con Thảo ác đức bán con vô động đĩ.Mọi người nhốn nháo hỏi: Sao bòn* biết ?- Dớ, tui nghe mấy dầy*, mấy tà* bạn của ba má tui đồn đó mấy bòn ơi.Tôi lúc đó đã học cuối năm lớp nhì rồi thì phải, nên cũng hiểu chút chút về chuyện người lớn. Nhưng tôi chỉ chăm chú lắng nghe mà không dám chen vào. Khi ba má tôi nghe kể chuyện chị Thảo, cả hai cùng rươm rướm nước mắt rồi buông miệng nói cùng một lượt:- Tội nghiệp quá!Má tôi có cho người đi hỏi thăm tìm chị Thảo nhưng chẳng ai biết chị đã trôi dạt về đâu.Hằng đêm, cuộn mình trong chăn ấm, tôi thường nghĩ đến chị, đến máy tóc bum bê và nụ cười thật vô tư của chị khi chị lắng nghe mấy người đồng nghiệp chuyện trò. Tôi đã bắt đầu lớn để có thể hiểu là tôi may mắn lắm, có cha mẹ thương yêu lo lắng hằng ngày, tôi có vườn hoa tỏa hương ngào ngạt ban đêm để mỗi lần trăng sáng tôi có thể tựa cửa nhìn trăng mơ mộng một mình.Tôi lớn dần trong tình thương đầm ấm của gia đình và trong mịt mù khói lửa của quê hương. Thi đậu vào Đệ Thất, tôi tung tăng trong chiếc áo dài trắng và bắt đầu nghĩ đến chuyện để tóc thề như các chị lớp lớn hơn. Nhiều khi tôi chợt nghĩ đến chị Thảo và thấy thương xót cho chị, một đời con gái đang bị dày dò bởi những người khách làng chơi. Sau năm Đệ Thất, tôi nghe chị Dên kể cho chị bếp nghe là Thảo đã được một ông khách sĩ quan rước khỏi lầu xanh: - Dớ, tui nghe nói con Thảo lúc nầy đẹp lắm, ông khách chuộc nó ra động rồi lấy nó làm vợ.Trong lòng tôi nẩy niềm vui rộn rã. Tôi tự hỏi bây giờ không biết chị Thảo ra sao? Người khách nào đó chắc là yêu chị Thảo lắm mới có can đảm làm như vậy. Tự nhiên tôi cảm phục người đàn ông vô danh đó vô cùng.Nửa năm sau chị Dên dắt tôi đi coi cải lương gánh Dạ Lý Hương có hai danh ca Hùng Cường và Bạch Tuyết. Tôi vẫn còn nhớ tên tuồng cải lương đó: "Khi Người Điên Biết Yêu". Tối đó, như mỗi tối cuối tuần khác khi có gánh cải lương về tỉnh, nguyên một khu rạp hát chật nức hầu như chen chân không lọt. Tôi và chị Dên chen lấn đổ mồ hôi hột mới mua được mỗi người một vé cá kèo. Tức là phải đứng tuốt đằng sau chót. Khi vào rạp rồi, còn đang đứng chờ chào cờ thì chị Dên khều tôi:- Kìa, con Thảo kìa.Tôi nheo mắt nhìn theo ngón tay của chị chỉ. Tôi thấy một thiếu nữ trang điểm khá đẹp và thùy mị trong chiếc áo dài tơ màu tím thẩm thêu bông cúc đen đi cạnh một sĩ quan vận quân phục tươm tất và trên vai có hai bông mai sáng lấp lánh. Trên cổ chị Thảo mang một cái kiềng vàng có vẻ trang trọng như các bà vợ sĩ quan đi ăn đám cưới vậy.Hai người đi sát vào nhau trông rất âu yếm. Người đàn ông choàng tay qua vai chị Thảo và dìu chị đến hàng đầu. Tôi đang mãi miết nhìn theo thì có tiếng nói từ loa phát thanh:- Xin mời quí vị đứng lên làm lễ chào Quốc Kỳ.Tôi say sưa hát nhỏ nhỏ: Nầy công dân ơi quốc gia đến ngày giải phóng, đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống... Miệng hát nhưng mắt tôi vẫn nhìn theo chị Thảo và chồng. Tóc chị bây giờ để dài óng mượt. Dáng chị nẩy nở đẫy đà. Chị Thảo không còn như ngày xưa nữa. Tự nhiên tôi cảm thấy hai giọt nước mắt mừng vui chảy dài trên má. Tôi muốn nói với chị Thảo: Chị Thảo ơi, em mừng cho đời chị nay đã hết long đong. Vài năm sau, tôi theo người chị cả tản cư qua Mỹ. Sau bao năm vất vả với sách đèn tôi cũng tìm được cho mình một cuộc sống tương đối đầy đủ và thoải mái. Tôi bắt đầu tập viết văn, làm thơ trở lại. Tôi cũng muốn làm theo lời của ông anh họ cô cậu ruột, nhà văn Hồ Trường An khuyếnkhích. Anh nói: “Viết truyện đi em, văn chương là những món trang sức độc đáo và quí giá nhất cho người con gái em à.”Tôi thích viết lắm chứ, nhưng tôi ít có được những giờ phút yên tịnh để viết. Thêm vào đó, tôi không thế nào nhớ nhiều chi tiết như các ông anh họ Trần Long Hồ và Hồ Trường An. Họ ra đi khi họ đã được trãi qua thời niên thiếu ở VN. Họ đã từng sống bằng nghề cầm bút ở VN. Còn tôi, ngoài những bài thơ con cóc, hay mấy bài văn vụn vặt kể về chuyện thật xảy ra trong gia đình đăng rãi rác trên các mục diễn đàn con nít, tôi không có kinh nghiệm viết lách gì cả.Bây giờ chữ Việt thì tôi đã quên nhiều, mà thật ra tôi cũng chẳng biết bao nhiêu so với như các bậc trưởng lão của tôi. Hình ảnh quê hương Việt Nam trong tâm não tôi mù mờ quá, như khói mây bảng lảng trong một buổi chiều Thu nơi đất khách.Nhưng tôi tự hứa là sẽ cố gắng viết. Tôi không có tham vọng trở thành một tiểu thuyết gia nỗi tiếng như chị Nguyễn Thị Thụy Vũ của tôi. Tôi không thể nào có đầu óc thâm thúy như ông anh họ bác sĩ kiêm nhà văn Trần Long Hồ hay trí nhớ tuyệt vời và lời văn lôi cuốn hấp dẫn được nhiều người yêu chuộng như Hồ Trường An. Truyện tôi, nếu có viết sẽ là những đoản văn tản mạn để ghi lại một ký ức đầy ấp những chuyện có thật trong quá khứ, về dĩ vảng "ngày xưa còn bé" của tôi. Và ngày hôm nay tôi xin bắt đầu đan kết những mảnh linh hồn lưu lạc của tôi qua hình ảnh của chị Thảo, người mà tôi hằng cầu mong rằng đang sống thật yên lành đâu đó trên thế gian.Chú thích: Vũ Thi An ( 12/19/00) Cleveland, Ohio * Chú thích của tác giả: Tiếng Miên: Bòn: Chị hoặc anh, Dầy: Bà, Tà: Ông