Chương 1

(Lời tựa và lời bạt trong "Tuyển Truyện Nam Cao"

của nhà xuất bản Gió Việt,

8200 Wilcrest #5, Houston, Texas 77072.)

Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri (1915-1951) thuộc thế hệ văn học tiền chiến nhưng mất rất sớm trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm của ông quan trọng là của thời trước chiến tranh với những khổ đau của dân quê và những hủ tục của một thời mà con người nghèo nàn chỉ biết bám víu vào những hư vị hão trong thôn đảng.

Giá trị con người được đề cao trong truyện của Nam Cao, nhất là trong truyện ngắn nổi danh Chí Phèo mà trước đây ít người được biết.

Truyện ngắn Nam Cao có nghệ thuật trong kết cấu và ngôn từ. Nhiều truyện của ông mang tính cách tâm lý đến bây giờ vẫn còn là những khuôn thước tốt cho người muốn bước vào lãnh vực truyện ngắn. Với Nam Cao, ta có thể nói như với Edgar Poe, truyện ngắn đã thành hình và có quy luật riêng của nó.

Có những nhà văn mà tác phẩm càng đi vào thời gian càng có giá trị Nam Cao ở vào trường hợp đó. Truyện của ông là những bộ nhớ ghi lại một cách sống động những sinh hoạt đặc biệt của nông thôn Việt Nam cách đây nửa thế kỷ. Ta yêu mến dân tộc ta. Ta tha thiết với những gì mà dân tộc ta đã trải qua tất nhiên ta tha thiết và mến yêu những nét chấm phá trong truyện của Nam Cao. Ở đây có đầy đủ hết, từ anh mõ nghèo nàn nhưng ai cũng sợ, đến những chức dịch luôn luôn ậm ọc nhưng chỉ biết có những miếng đỉnh chung tại chốn đình chung, từ một anh tha phương cầu thực tấp vào sống nhờ trong làng đến một người lính tập có dịp ra khỏi lũy tre làng xã nên đã mở mắt với đời... đủ cả.

Có người nói Nam Cao nổi tiếng nhờ truyện Chí Phèo. Đúng, nhưng thiếu, Chí Phèo là tuyện đỉnh văn chương của Nam Cao, và các truyện khác của ông cũng là những tác phẩm rất có giá trị trong văn chương Việt.

Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời. Có hề gì ? Trời có của riêng nhà nào ? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ, "Chắc nó trừ mình ra!" Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này ? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo ? Có trời mà biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết...

Một anh đi thả ống lươn, một buổi sáng tinh sương đã thấy hắn trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp để bên một lò gạch bỏ không, anh ta rước lấy và đem về cho một người đàn bà góa mù. Người đàn bà góa mù này bán hắn cho một bác phó cối không con, và khi bác phó cối này chết thì hắn bơ vơ, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ. Năm hai mươi tuổi, hắn làm canh điền cho ông lý Kiến, bấy giờ cụ bá Kiến, ăn tiên chỉ làng. Hình như có mấy lần bà ba nhà ông lý, còn trẻ lắm mà lại hay ốm lửng, bắt hắn bóp chân, hay xoa bụng, đấm lưng gì đấy. Người ta bảo ông lý ra đình thì hách dịch, cả làng phải sợ, mà về nhà thì lại sợ cái bà ba còn trẻ này. Người bà ấy phốp pháp, má bà ấy hây hây, mà ông lý thì hay đau lưng lắm; những người có bệnh đau lưng hay sợ vợ mà chúa đời là khoẻ ghen. Có người bảo ông lý ghen với anh canh điền khoẻ mạnh mà sợ bà ba không dám nói. Có người thì bảo anh canh điền ấy được bà ba quyền thu quyền bổ trong nhà tin cẩn nên lấy trộm tiền trộm thóc nhiều. Mỗi người nói một cách. Chẳng biết đâu mà lần. Chỉ biết một hôm Chí bị người ta giải huyện rồi biệt tăm đến bảy, tám năm rồi một hôm, hắn lại lù lù ở đâu lần về. Hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng sắng cá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần áo nái đen với áo Tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông thày tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!

Hắn về hôm trước hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa cho đến xế chiều. Rồi say khướt, hắn xách một cái vỏ chai đến cổng nhà bá Kiến, gọi tận tên tục ra mà chửi. Cụ bá không có nhà. Thấy điệu bộ hung hăng của hắn, bả cả đùn bà hai, bà hai thúc bà ba, bà ba gọi bà tư, nhưng kết cục chẳng bà nào dám ra nói với hắn một vài lời phải chăng. Mắc phải cái thằng liều lĩnh quá, nó lại say rượu, tay nó lại nhăm nhăm cầm một cái vỏ chai, mà nhà lúc ấy toàn đàn bà cả... Thôi thì cứ đóng cái cổng cho thật chặt, rồi mặc thây cha nó, nó chửi thì tai liền miệng ấy, chửi rồi lại nghe. Thành thử chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu... Thật là ầm ỹ! Hàng xóm phải một bữa điếc tai, nhưng có lẽ trong bụng thì họ hả: xưa nay họ mới chỉ được nghe bà cả, bà hai, bà ba, bà tư nhà cụ bá chửi người ta, bây giờ họ mới được nghe người ta chửi lại cả nhà cụ bá. Mà chửi mới sướng miệng làm sao! Mới ngoa ngắt làm sao! Họ bảo nhau: phen này cha con thằng bá Kiến đố còn dám vác mặt đi đâu nữa! Mồ mả tổ tiên đến lộn lên mất. Cũng có người hiền lành hơn bảo, "Phúc đời nhà nó, chắc ông lý không có nhà... ". Ông lý đây là ông lý Cường, con giai cụ bá nổi tiếng là hách dịch, coi người như rơm rác. Phải ông lý Cường thử có nhà xem nào! Quả nhiên họ nói có sai đâu! Đấy, có tiếng người sang sảng quát, "Mày muốn lôi thôi gì ? Cái thằng không cha không mẹ này! Mầy muốn lôi thôi gì ?... " Đã bảo mà! Cái tiếng quát tháo kia là tiếng lý Cường. Lý Cường đã về! Lý Cường đã về! Phải biết... A ha! Một cái tát rất kêu. Ôi! Cái gì thế này? Tiếng đấm, tiếng đá nhau bình bịch. Thôi cứ gọi là tan xương! Bỗng "choang" một cái, thôi phải rồi, hẳn đập cái chai vào cột cổng... Ồ hắn kêu! Hắn vừa chửi vừa kêu làng như bị người ta cắt họng. Ồ hắn kêu!