Tập 1

Giáng Ngọc cùng nhóm bạn chuẩn bị đi chơi biển Phan Thiết. Các cô nôn nao trong lòng. Dù đã đến nơi đây rồi, nhưng mỗi dịp nghĩ lễ nhiều ngày, các cô vẫn chọn Mũi Né làm điểm đến.

Giáng Ngọc cười khi thấy các cô bạn thân bàn bạc. Giáng Ngọc nói:

– Đi Mũi Né hoài, vậy mà vẫn cứ nôn nao hoài, mấy bạn nhỉ?

Thúy cười:

– Ừ. Cứ đi biển là ta mê, lại nao nao để ... Quỳnh Dao xen vào:

– Để khoe đồ mới chứ gì?

Giáng Ngọc cười vui:

– Đúng rồi, khoe đồ tắm ...

Thúy cong cớn.

– Đúng là “suy bụng ta ra bụng mình”.

Quỳnh Dao gật đầu:

– Đồ đẹp người đẹp ... Nói chung, cái gì cũng đẹp hết.

Giáng Ngọc gõ gõ muỗng vào đĩa, bát, cô nói:

– Thôi ... ăn đi các bạn, ở đó mà ca mãi bài ca ...

– “Bài ca người lính đảo” phải không?

Ba cô gái cười vui rồi cùng ăn uống vui vẻ.

Thúy chợt hỏi:

– Ê! Nhỏ Ngọc ... có anh Thuận Hưng đi không?

Giáng Ngọc ngừng ăn:

– Sao mi lại hỏi thăm anh Phong chứ? Ê! .... Hãy coi chừng đấy.

Thúy cười:

– Tao ... “thay lời muốn nói” cho người khác thôi. Có đúng không Quỳnh Dao?

Quỳnh Dao ngập ngừng:

– Con nhỏ này ... phải cái tội “lăng xăng”.

– “Lăng xăng” cho người khác nhờ, được không?

Giáng Ngọc bỗng đăm chiêu, cô nói:

– Anh Thuận Hưng không đi được vì ... bạn của anh ấy về.

– Là sao? - Thúy kêu lên.

Giáng Ngọc buồn buồn:

– Bạn của anh Phong ở nước ngoài về, họ họp mặt ... Đúng ra ...

Quỳnh Dao nhìn Giáng Ngọc rồi cười trêu bạn:

– Có phải mi định bảo ... đúng ra mi sẽ đi họp mặt với anh Phong.

Thúy xen vào:

– Vô duyên chưa?

Quỳnh Dao ra vẻ hiểu biết:

– Mi không biết gì sao?

– Gì là gì?

Quỳnh Dao khúc khích cười nói nhỏ:

– Chàng hoàng tử đã trở về, vậy mà đi chơi với bọn mình ... mi không thấy sao Thúy?

Hai cô bạn phá ra cười Giáng Ngọc thầm vui sướng. Anh Đông Ngữ đã trở về, thời gian anh ở lại còn dài ... chẳng biết anh có nhớ nhiều về cô bé hay không. Ngọc mỉm cười rồi lẳng lặng ngồi ăn nhưng trong lòng cô cứ nao nao ...

một cảm giác khó tả khi nghĩ đến Đông Ngữ ...

Ba cô bạn rời quán ăn rồi lại tiếp tục đi chơi và tán gẫu.

Thúy lên tiếng:

– Bọn mình phải cùng nghỉ phép một lúc để đi chơi xa một chuyến.

Quỳnh Dao cười, hỏi:

– Đi đâu?

– Đi nước ngoài, như Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan ...

Giáng Ngọc cũng góp vào:

– Ừ! Bọn mình phải đi chơi xa một chuyến ... Đi châu Á rồi đến châu Âu.

Thúy tán thành hồ hởi vỗ tay.

Quỳnh Dao chỉ cười.

Thúy chợt reo vui, cô nói tiếp:

– Nếu đi châu Âu, mi chọn đi đâu, Giáng Ngọc?

Giáng Ngọc cũng tươi vui:

– Nếu đi châu Âu hay châu nào khác ... ta chọn Pháp ...

– Ừ! Pháp là nơi ai cũng mơ ... để được đến.

Quỳnh Dao lên tiếng:

– Ta chỉ mơ đi khắp thắng cảnh của Việt Nam trước đã ...

Thúy cao giọng:

– Mi là đứa bảo thủ ...

Giáng Ngọc lắc đầu:

– Không phải bảo thủ mà Quỳnh Dao là đứa có tâm hồn “yêu nước nồng nàn” ...

Ba cô lại cười vui vẻ ...

Đồi cát ở Mũi Né tuyệt đẹp, có vẻ hơi hoang vu. Cát ở đây mịn màng, uốn lượn càng tôn vẻ đẹp hoang sơ. Đặc biệt, là hình ảnh những cư dân quảy gánh đi bằng đôi chân trần trên cát bỏng. Thương làm sao! Và có lẽ hình ảnh này làm day dứt tâm hồn bao thi sĩ ...

Quỳnh Dao say sưa với hình ảnh đồi cát thoai thoải và dòng nước biển trong xanh, tất cả mới tuyệt đẹp và xúc động lòng người.

Việt Thúy và Giáng Ngọc mải mê đấm chìm dưới dòng nước biển mát lạnh, trong xanh nên quên mất cô bạn Quỳnh Dao vẫn còn tư lự mơ mộng.

Giáng Ngọc nói với Việt Thúy:

– Quỳnh Dao vẫn như ngày nào, thích mơ mộng.

Việt Thúy cười, gật đầu:

– Không mơ mộng đâu phải là nhỏ Quỳnh Dao.

– Hai đứa mình lên lôi nhỏ Quỳnh Dao xuống biển đi.

– Ừ!

Giáng Ngọc và Việt Thúy lao lên bờ lôi Quỳnh Dao xuống biển. Ba cô gái tung tăng đùa nghịch sóng nước thật vui.

Giáng Ngọc chợt hỏi Quỳnh Dao:

– Mi làm biên tập cho đài có thích không?

Quỳnh Dao cười vui:

– Tất nhiên là thích rồi. Ta không làm bên kinh tế như hai nhỏ được.

Việt Thúy gật đầu:

– Xã hội đã phân công rồi, ai cũng có việc may mắn là làm đúng sở trường ...

Quỳnh Dao vẫn giữ nụ cười trên môi:

– Không may mắn là “lương thì ít”, đúng không?

Giáng Ngọc xen lời Quỳnh Dao:

– Đúng luôn! Nhưng mà nè ... công việc của mi như thế nào?

Việt Thúy:

– Nhìn nó là biết liền. Chúc mừng mi đó, Quỳnh Dao.

Quỳnh Dao tát nước vào các bạn:

– Chúc mừng hai nhỏ luôn đó.

Ba cô gái tát nước lên nhau rồi cùng nhảy sóng cùng đùa nghịch thật vui ...

...

Họ ghé vào một hiệu bán đồ mỹ nghệ.

Quỳnh Dao mân mê những món đồ mỹ nghệ bằng vỏ ốc, bằng san hô ...

tuyệt đẹp. Đối với Quỳnh Dao, đấy cũng là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Quỳnh Dao chỉ một món đồ rồi hỏi cô gái:

– Con ốc đó đã đẹp, lại có hàng chữ thư pháp nữa, trông đẹp quá!

Cô gái bán hàng:

– Chị thích món đồ đó à?

Quỳnh Dao gật đầu:

– Rất thích ... À! Có thể đặt viết thư pháp lên mấy nhánh san hô được không cô?

Cô bán hàng gật đầu:

– Được chứ!

Giáng Ngọc, Việt Thúy cứ đi quanh cửa hàng ngắm nhìn nhưng không màng đến việc mua sắm, chỉ có Quỳnh Dao là mê say với các đồ chơi bằng đá, các loại mỹ nghệ từ những sinh vật của biển.

Chợt có tiếng của cô chủ cửa hàng gọi cô gái:

– San Hô ơi! Cháu có thể viết chữ vào các món hàng mà khách yêu cầu đến chiều mai lấy không?

San Hô gật đầu:

– Nhưng mà có nhiều không cô?

Chủ cửa hiệu:

– Cháu lại đây xem giùm cô.

San Hô gật đầu chào cô gái đang chọn hàng rồi bước sang chỗ quầy đồ đang được tính tiền.

Lát sau, San Hô trở lại chỗ cô khách hàng.

Quỳnh Dao trố mắt nhìn cô gái, cô nàng lên tiếng:

– Bạn ... bạn tên là ...

San Hô cười:

– Là San Hô ... tên nghe kỳ quá phải không chị?

Quỳnh Dao lắc đầu:

– Không phải như vậy, cái tên nghe hay ghê!

– Cái tên xấu thấy mồ ...

– Không xấu đâu, cô bạn ạ!

Quỳnh Dao và San Hô trò chuyện một lúc thì Giáng Ngọc và Việt Thúy hối thúc đi về.

Trước khi ra về, Quỳnh Dao còn dặn San Hô:

– San Hô viết mấy câu thơ đó giùm mình nghe ...

Quỳnh Dao vừa đi vừa nói về San Hô cho hai bạn nghe. Cuối cùng, Việt Thúy phán một câu:

– Nếu cô ta sinh ra ở vùng quê khác chắc là có cái tên Tí, Sửu, Dần, Mẹo ...

nhưng mà cái đó thì xưa rồi ... Còn ở biển đặt tên như vậy cũng dễ hiểu thôi.

Giáng Ngọc mỉm cười:

– Đúng là nhà quê. Thay vì San Hô thì đặt là Hải Quỳ hay Thùy Dương ...

Thậm chí là là gì nhỉ ... cho có vẻ biển một chút ...

– Biển à! Thì là “San Hô”.

Quỳnh Dao:

– San Hô, ai cũng biết rồi. À! Phi Lao cũng được ... Nhưng nếu có ai gọi là Lao Lao nghe cũng kỳ như Hô Hô ... chẳng hạn.

Quỳnh Dao cười:.

– Người ta là San Hô. San Hô, cái tên nghe hay vậy đó ... mà bọn mi cứ méo mó.

Thúy:

– Ê! Làm gì bênh vực nó quá vậy.

Quỳnh Dao:

– Cái nào đúng thì thôi ... Ai lại gọi là Lao Lao hay là Hô Hô chứ ... mà phải là Phi Lao hay là San Hô.

– Biết rồi ... khổ lắm nói mãi.

– Đồ quỷ nè!

Ba cô gái làm rộn vang cả một góc trời chiều biển lặng nơi Mũi Né thơ mộng ...

San Hô trở về nhà nơi xóm biển nghèo. Ở nơi đây, cô bé lớn lên cùng những người bạn nhỏ nghèo, bất hạnh, được các sư cô ở chùa Huệ Phúc nuôi dưỡng, được đi học và lớn lên cô bé được học nghề ... Các sư cô, ai cũng khen San Hô khéo léo, xinh đẹp. Cô bé học trung cấp nghề, có khiếu về mỹ thuật nên xin làm ở một cửa hàng mỹ nghệ.

Sư cô Huệ Tâm - người từng nuôi nấng, đùm bọc khi San Hô còn bé xíu. Sư cô nói:

– Con cũng có sắc, lại có tài ... sau này đôi khi chịu phận “hồng nhan”, âu đó cũng là lẽ đời ...

San Hô lo lắng:

– Vậy con phải làm sao?

Sư cô Huệ Tâm:

– Con phải để cho cái tâm của mình trong sáng ... đừng nên ...

Sư cô không nói tiếp, cho đến bây giờ San Hô vẫn cứ thắc mắc hoài.

Mỗi lần thắc mắc hỏi, cô thường ghé qua chùa để phụ giúp các sư và gởi một ít tiền lương ít ỏi để phụ với các sư lo cho các em nhỏ.

San Hô luôn luôn học hỏi nên cũng giao tiếp khá, do vậy cô chủ cửa hàng rất mến San Hô.

San Hô ghé qua chùa gặp sư cô Huệ Tâm, San Hô hỏi:

– Cô ơi! Không phải ngày rằm chắc là cô rỗi ...

Huệ Tâm cười:

– Chắc là nhận viết nhiều nên nhờ đến cô phải không?

San Hô vui vẻ:

– Cô hay ghê! Sau này, nhất định cô phải đào tạo để có em tiếp tục làm việc này ... Nét bút của cô đẹp lắm ...

Sư cô lắc đầu cười:

– Con mới có nét bút đặc sắc hơn ta.

– Không phải đâu cô, con chỉ là “hậu sinh”.

Sư cô là tiền bối ...

– Trời đất! Cái con bé này ...

San Hô lý luận:

– Con không hiểu sao sư cô lại không muốn để mọi người biết đến việc làm của sư cô.

Sư cô trầm ngâm nói:

– Đơn giản một điều, sư cô không thể là người kinh doanh hay làm việc này vì tiền.

– Nhưng đồng tiền chân chính mình kiếm ra thì đâu có gì là sai trái hả sư cô.

– Nhưng ta đã mang kiếp tu hành, tất phải chấp nhận những qui định của nhà chùa. Vả lại, đó cũng còn là lẽ sống nữa, con à.

– Như vậy có quá khắt khe đối với các sư cô không?

– Không con à?

– Vậy tại sao con lại ...

Sư cô đặt tay lên vai San Hô:

– Con phải có hướng đi của con, hướng đi của con phải phù hợp với sự phát triển của xã hội. Con có tài năng phải cống hiến cho xã hội chứ. Còn các sư là cũng do “tiền kiếp” nên chọn con đường này ... Thôi, vào đây cùng làm với cô.

Lúc nào rảnh rỗi hãy đàm luận chuyện đạo và đời.

San Hô gật đầu:

– Dạ.

San Hô bày bút, cọ, mực ra rồi đặt các món đồ lên bàn, một quyển tập ghi nội dung theo yêu cầu của khách hàng ...

Vừa làm, thỉnh thoảng, họ trao đổi với nhau đôi điều.

Sư cô hỏi:

– Con sống bên ngoài thế nào?

San Hô nói:

– Con nhớ các sư, các em ở đây và nhớ sư cô nhiều lắm ... nhưng ...

– Nhưng sao?

– Công việc cuốn hút khiến con không còn thời gian để nhớ, để suy nghĩ ...

– Vậy là tốt rồi. Con đi, các sư cũng buồn lắm, nhưng biết làm sao chứ. Các con còn phải ra đời, phải sống cho mình nữa, đâu thể nào bắt con sống kiếp “tu hành khổ hạnh” như các sư.

– Sao lại là “khổ hạnh” hả sư?

– Con cũng biết đó, sự khổ hạnh là để mình tìm ra chân lý đạo đó khiến cho người ta đánh giá sự tu hành đời nay chỉ là vì trốn chạy, vì muốn được sung sướng và thậm tệ hơn là ...

– Là sao hả sư?

Sư cô Huệ Tâm buồn buồn, sư im lặng không nói, lẳng lặng viết những câu thơ bằng tiếng Việt kiểu thư pháp lên những con ốc, hay nhánh san hô ... Vậy đó, đau lòng khi nghĩ có kẻ đã làm cho nhà chùa bị ô uế bởi những lời:

“Những người tu là những người lười lao động ...”. Nói ra điều này, sư cô rất đau lòng, đành chôn giấu, bao giờ San Hô hiểu được thì thôi.

Khi nào nhận nhiều đồ, San Hô ở lại chùa cùng với sư Huệ Tâm nắn nót những nét chữ lên đá, thổi vào một lời thơ chữ thư pháp ... Tất cả những hòn đá, những nhánh san hô cũng như những món đồ mỹ nghệ khác bỗng trở nên mềm mại, sống động ...

Sáng hôm sau, San Hô ghé qua chỗ ở rồi mới đến chỗ làm. Vừa rời khỏi chỗ ở, San Hô gặp ngay Mộng Thường.

Mộng Thường gọi:

– Ê! Nhỏ San Hô! Ta định đến rủ mi đi ăn sáng rồi đi làm luôn.

San Hô gật đầu:

– Ờ ... mi nhắc ta mới nhớ là ta chưa ăn gì cả.

Mộng Thường cười:

– Vậy cám ơn ta đi. Mà nè, bình thường mi ăn gì buổi sáng?

– Thì “mì ăn liền” muôn năm.

– Con nhỏ này ... ăn mì nóng trong người, mặt nổi mụn đó ...

San Hô cười:

– Ta không sợ ăn nhiều mì sẽ nóng đâu vì ...

– Vì sao?

San Hô tự tin:

– Vì cái lượng rau và nước ta ăn kèm sẽ lấn lướt cái nóng trong sợi mì.

– Cái con này ...

Hai cô bạn ghé vào một hiệu ăn. Mộng Thường gọi hai tô bún nước lèo thật ngon.

San Hô nhìn Mộng Thường ăn một cách ngon lành, cô bé nói:

– Đây là món khoái khẩu của nhỏ, phải không?

Mộng Thường ngừng ăn:

– Phải rồi. Sao mi biết?

– Cái con nhỏ này ... hai đứa học với nhau mấy năm.

– Ờ há! Còn mi thì sao, hả San Hô, món nào là khoái khẩu?

Bất chợt ánh mắt San Hô chùng xuống và buồn bã, cô bé nói trong xúc động:

– Mi cũng biết thuở giờ ta sống ở chùa, làm sao biết được các món ăn ngon ...

Ta lớn lên từ cơm chùa với các món ăn chay tịnh ... Trời ạ! Vậy mà giờ đây đi làm rồi ở bên ngoài, thỉnh thoảng nhớ mấy món ăn chay vô cùng.

Mộng Thường nhìn San Hô, trong lòng cô ray rứt vô cùng. Mộng Thường không muốn khơi lại vết thương lòng của San Hô, một nỗi đau rất lớn của một quãng thời niên thiếu, có thể kéo dài đến mãi ...

Mộng Thường lên tiếng để phá tan không khí lặng buồn mà cô vốn rất sợ:

– Mai mốt, ta dẫn mi ăn món khác rồi hãy chọn một món là khoái khẩu.

San Hô cười.

– Đến lúc đó sẽ tính. .... – Thôi, ăn nhanh rồi đi làm, kẻo muộn:

Mộng Thường suy nghĩ rồi lên tiếng.

– Ê nhỏ! Bữa nào hai đứa đi tắm biển nha!

San Hô gật đầu:

– Ừ, ta cũng đang muốn đây ...

Mộng Thường tán thành:

– Hay ngày mai nghỉ, đi chơi cả ngày nhé!

San Hô lắc đầu:

– Không được!

– Sao vậy San Hô cười nhẹ:

– Ta còn tranh thủ qua chùa để làm một ít việc có thể ...

– Vậy thì lúc nào mới đi ra biển ...

San Hô đắn đo một lúc:

– Xế xế chiều nhé!

– Khoảng mấy giờ?

– Mi định mấy giờ?

Mộng Thường cười:

– Một giờ trưa có được không?

San Hô nhăn nhó:

– Trời đất! Trưa nắng như thế ... ra Mũi Né, tiểu thư không sợ cát nóng làm bỏng da hay sao?

– Nói đùa thôi! Ba giờ nha ... tắm đến chiều tối.

– Ừ, tha hồ.

– Vậy nhé!

Hai cô bạn đã rời quán ăn để đến chỗ làm.

Mặt trời đỏ hồng một góc trời chiều, mặt nước ửng hồng long lanh, sóng sánh tuyệt đẹp. San Hô lao lên bờ và vẽ vẽ trên cát. Bất chợt San Hô nhớ đến những bức tranh cát của Lý Lan, đã có lần San Hô cũng đến phòng tranh cát ở thị xã để học, không ngờ người khiếm khuyết như P.L cũng có được phòng tranh và truyền nghề lại cho những người kém may mắn như anh. San Hô cũng biết làm nhưng chưa sắc sảo, cuối cùng không biết vì sao cô lại đến với cửa hàng mỹ nghệ với vai trò nhân viên bán hàng nhưng kiêm cả việc vẽ, viết trang trí cho các món hàng ... San Hô yêu thích công việc của mình vô cùng, được làm việc, được phụ giúp cho sư cô, San Hô cảm thấy hạnh phúc và không còn cảm giác cô độc như ngày nào, cái thời niên thiếu thật tội nghiệp của cô.

Mộng Thường nhìn nét họa trên cát của San Hô, cô nói:

– Công nhận mi có hoa tay ghê, San Hô ạ!

San Hô khiêm tốn:

– Có gì đâu con quỷ ...

– Ta chẳng có chút tài vặt vãnh nào cả.

San Hô đắp cát lên vai bạn rồi nói:

– Không có tài vặt vãnh à? Vậy mà làm nhân viên ngành bưu điện. Đã thế, còn ca rất hay ...

Mộng Thường ngồi bật dậy:

– Ờ há! Ta cũng có cái tài vặt vãnh là ca rất hay. Có đúng không?

– Í ẹ! Trời ơi! Tự tin dữ vậy ta.

Mộng Thường bị San Hô đuổi, hai cô chạy vòng vòng trên bãi cát, rồi lại ngã dài trên cát ca hát nghêu ngao.

San Hô bỗng dưng nói:

– Mộng Thường? Mi ca bài “Biển nhớ” đi, tự dưng ta muốn nghe ghê.

Rồi cô bé hát khe khẽ:

Ngày mai em đi Biển nhớ tên em gọi về Gọi hồn liễu rũ lê thê Gọi bờ cát trắng đêm khuya ...

Mộng Thường cũng hòa vào giọng ca của San Hô:

Ngày mai em đi Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ Sỏi đá trông em từng giờ Nghe buồn nhịp chân bơ vơ Ngày mai em đi Biển nhớ em quay về nguồn Gọi trùng dương gió ngập hồn Bàn tay chắn gió mưa sang Ngày mai em đi Thành phố mắt đêm đèn vàng Hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn Nghe ngoài biển động buồn hơn ...

...

Giọng nói của San Hô thật vô tình bên tai Mộng Thường:

– Biết đâu mai mốt này một trong hai đứa mình sẽ có đứa bỏ thành phố biển với bãi cát vàng tuyệt đẹp này để đến một nơi khác ...

Mộng Thường vô tư:

– Tại sao chúng ta lại bỏ quê hương gió cát của mình mà đi chứ?

San Hô ngô nghê:

– Ờ ... Biết đâu mi ... đi theo chồng chẳng hạn.

Mộng Thường cười thành tiếng:

– Ơ ... Tự dưng nói đến chuyện “lấy chồng”, cái con nhỏ này à, mà xinh đẹp như mi thì có lẽ “chống lầy” trước ta đấy.

Mộng Thường lại chuyển sang đọc thơ:

Sột soạt gió trêu tà áo biếc Trên giàn thiên lý bóng xuân sang Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời Bao cô thôn nữ hát trên đồi Ngày mai trong đám xuân xanh ấy Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi ...

San Hô mê mải nghe bạn hát ca rồi ngâm thơ nên khi sực tỉnh, cô lại đánh đuổi bạn chạy quanh đồi cát:

– Con quỷ! Nhỏ ghẹo ta hoài. Ta làm gì theo chồng bỏ cuộc chơi chứ, ta ở với các sư trên chùa.

– Sống phải lạc quan, phải yêu đời, yêu người chứ. Không có niềm tin vào đời thì sống làm gì?

– Nhưng ta còn phải giúp các sư.

Mộng Thường gật đầu.

– Đồng ý, các sư đã nuôi mi từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành, mi có thể sống mãi mãi ở chùa với các sư, nhưng mi đã chọn con đường ra đời và lập nghiệp thì phải sống cho tốt chứ.

San Hô kêu ca:

– Bộ bây giờ ta sống không tốt hay sao?

– Không phải là không tốt ... nhưng cái tâm của mi cứ nghĩ về “nơi ấy” thì làm sao được ...

– Nhưng ta không thể.

Mộng Thường cười:

– Đồng ý là mi có thể giúp các em ở chùa cùng với các sư, nhưng chuyện riêng tư của mi ... mi cũng phải nghĩ đến chứ!

San Hô cười, đập lên vai bạn:

– Ý của mi là ta ... bị “ê sắc” phải không?

– Con quỷ nè, ế gì mà ế, mi vừa đẹp xinh, tuổi còn quá trẻ ... ý của ta là cách sống, cách suy nghĩ của mi khiến cho ta lo sợ mi giống như các nữ tu.

San Hô trầm ngâm:

– Chuyện gì đến sẽ đến. Ta không ... có ý trở thành nữ tu đâu đừng lo.

– Vậy thì phải năng nổ hơn.

– Ta vẫn năng nổ, ta vẫn yêu đời đấy thôi.

– Yêu đời mà yêu màu tím.

– Ủa! Bộ yêu màu tím là chán đời sao?

– Không phải như vậy ... nhưng màu tím là màu buồn, màu chờ đợi.

– Màu của sự thủy chung, màu của tấm lòng thánh thiện ... màu của lãng mạn hư không ...

– Màu của ... “con tim”.

San Hô nhìn Mộng Thường, tỏ vẻ không hiểu. Mộng Thường cười:

– Bao nhiêu điều tốt đẹp đều từ màu tím ... vậy thì nó là màu của con tim, không đúng sao?

– Cũng đúng thôi, con tim muốn nghĩ sao thì mình cứ cho là như vậy cho rồi.

– Vậy mà cũng nói ...

Hai cô lại chạy đuổi trên bãi cát và miệng vẫn hát nghêu ngao:

“Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi thầm, gọi hồn liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya ...”.

Bất giác San Hô nhìn lên, có mấy gã thanh niên bấm máy lia lịa. Cô bé nhìn Mộng Thường rồi nhìn mình, hai cô đang mặc đồ tắm và tung tăng trên bãi cát rất lâu, chẳng lẽ bọn họ đã chụp hình lén hai cô.

San Hô kéo tay Mộng Thường tiến lại chỗ bọn họ ...

Cô cau mày nói:

– Xin lỗi ... sao “các bạn” lại chụp hình lén chúng tôi.

Một gã có vẻ “thủ lĩnh”:

– Xin lỗi ... ai là bạn của hai cô bé. Với lại, chúng tôi có chụp lén bao giờ.

– Không chụp lén sao lại bấm máy lia lịa?

Gã kia cười:

– Không nhìn sao biết mà nói người khác chụp lén.

San Hô dỗi:

– Các bạn ... nói ngang quá.

Một gã trông mạnh mẽ, con trai hơn nói:

– Nhưng mà nè, đừng kêu là các bạn, không hay chút nào.

Mộng Thường xen vào:

– “Hay” hay “không hay” cũng chẳng liên quan.

Gã thủ lĩnh:

– Sao không liên quan chứ. Các cô xem lại đi, bọn này không lớn hơn hai cô hay sao mà gọi là bạn này, bạn nọ.

San Hô kéo tay Mộng Thường bỏ đi, nhưng không quên nói:

– Xin các ... anh bỏ giùm, thiếu gì hình ảnh đẹp để chụp. - San Hô chỉ tay ra biển - Biết bao cô gái xinh đẹp trong những chiếc áo tắm cực kỳ quyến rũ. Vả lại ...

Anh chàng trông mạnh mẽ nói:

– Biển, cát đều rất đẹp và các cô gái trên cát cũng tuyệt đẹp. Các cô yên tâm đi, chúng tôi chỉ sưu tầm cảnh, ảnh đẹp.

San Hô mặc cả:

– Hay là chúng ta thỏa thuận nhé!

Gã “thủ lĩnh”:

– Cô định giá à! Xin lỗi, chẳng có giá trị gì về những tấm ảnh “gió cát” đó đâu.

San Hô vô tư:

– Sao lại là “gió cát” chứ!

– Thì hình cát, hình biển và con người cũng như là ...

Mộng Thường xen vào:

– Thì tất cả cũng chỉ là “gió cát” mà thôi!

– Đúng rồi đó.

San Hô bực bội, cô bé kéo tay bạn tung tăng lao xuống nước rồi cùng bơi đuổi.

Bọn họ cũng tung tăng lao xuống biển chọc trời khuấy nước. Đông Ngữ lên tiếng:

– Mày có quá đáng không Thuận Hưng?

Thuận Hưng phì cười:

– Có gì đâu tao muốn trêu hai cô bé. Trông hai cô cũng được quá đấy chứ!

– Cái thằng “già không bỏ, nhỏ không tha”.

Hưng cười:

– Mày có nói quá không đó?

– Với mày như vậy là bình thường mà.

Hưng lắc đầu cười:

– Chỉ tại vì ta chưa gặp đúng đối tượng thôi.

– Như thế nào thì đúng đối tượng ... Có bao nhiêu điều mày đưa ra.

– Bí mật!

– Thằng quỷ!

Thuận Hưng cười nói:

– Tại sao mày lại muốn trở về ...

Đông Ngữ:

– Chuyện đó ... từ từ hãy nói.

– Còn bây giờ ...

Đông Ngữ đưa tay chỉ San Hô và Mộng Thường rồi nói:

– Chúng ta làm quen hai cô bé lúc nãy đi.

Thuận Hưng cười:

– Trời đất! Mới gặp đã bị “sét” rồi à!

– “Sét” gì mà “sét” ... Đi thằng quỷ!

Hai gã đàn ông ào xuống biển và bơi theo hướng hai cô bé ... San Hô và Mộng Thường đang bơi mải miết, đến khi phát hiện có hai gã theo mình, hai cô bơi trở vào và ngồi chơi trên bãi cát đến khi trời chiều dần ...

Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy.

Ta có thêm ngày nữa để yêu thương ...

San Hô nắn nót viết lên những vỏ sò, những con ốc với những dòng thơ, những lời nhạc tuyệt hay.

– Xin cho tôi khoảng hai mươi món đồ với cùng một câu thơ tuyệt hay này.

Gã thanh niên đặt con ốc trắng to đẹp lại chỗ cô gái đang ngồi nắn nót từng nét chữ thư pháp.

Cô gái ngẩng mặt lên, ánh mắt của gã thanh niên sáng lên.

Gã kêu:

– Cô ... là cô bé!

San Hô thì há hốc mồm:

– Là anh ... Giờ này là giờ nghĩ trưa. Xin lỗi anh, tôi không thể.

Gã nhìn chung quanh rồi cười:

– Tôi xin lỗi mới đúng chứ! Nhưng do tôi thấy cửa hàng mở cửa nên vào xem. Cô bé là chủ cửa hàng à?

San Hô lắc đầu:

– Tôi chỉ là nhân viên ở đây. Anh muốn đặt hàng thì gặp ... tôi cũng được.

San Hô im lặng nghĩ thầm:

“Cái gã này thật trơ trẽn ... Muốn trêu chọc mình chứ gì?”.

Gã nhìn đồ đạc trưng bày trên kệ, trong tủ, gã đi tới đi lui săm soi một lúc rồi lại chỗ San Hô:

– Cô có nét bút tuyệt đẹp vô cùng ... khiến tôi liên tưởng tới nhân vật Huấn Cao với nét vẽ tài hoa rồng bay phượng múa. Nếu có dạy, cho tôi làm học trò tập viết chữ với cô nhé!

San Hô chợt nhớ đến sư cô Huệ Tâm, cô nói:

– Tôi không có dạy nhưng có thể chỉ người dạy cho anh được không?

Gã cười:

– Nhưng tôi muốn cô dạy.

– Tôi đâu phải là cô giáo.

– Đâu phải hễ cô giáo là đều đứng trên bục giảng. Giả sử tôi học ẩm thực do cô dạy ... thì cô đã là cô giáo của tôi rồi.

– Nhưng rất tiếc ... tôi không phải ...

– Nhưng ít ra cô cũng phải mời khách ngồi chứ!

– Khách là anh ... à, cứ tạm cho là như vậy. Nhưng mà giờ này anh đến không đúng ...

– Nhưng ...

San Hô nhìn gã thanh niên rồi lịch sự nói:

– Vì phép lịch sự .... xin mời quý khách ngồi. Chúng tôi có các mặt hàng mỹ nghệ đủ các loại cả cao cấp.

Gã cười:

– Nhưng tôi thích những hòn đá, những con ốc được viết những câu thơ chữ thư pháp của cô ... Thật cao quý khi để món quà quý giá này trên bàn làm việc hay trưng bày trong tủ.

San Hô không để ý tới lời anh nói và tiếp tục giới thiệu:

– Anh có thể xuống nhà xưởng để xem ...

Gã lắc đầu:

– Tôi chỉ xem mỗi cô viết chữ lên đá thôi. Trông cô viết mới đẹp làm sao ...

San Hô ngẩng mặt lên, cô bỏ cọ, rồi đứng lên đến chỗ ngăn kệ đựng những con ốc, những vỏ sò, cô tần ngần một lúc rồi đến chỗ gã thanh niên đang chăm chú nhìn.

San Hô lên tiếng:

– Anh nhất định chỉ ghi hai dòng thơ “Cảm ơn đời ...” thôi sao?

Gã gật đầu:

– Vâng!

San Hô thuyết phục:

– Tôi thấy “Sống trong đời sống cần phải có một tấm lòng ...” hay là “Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ - Đi hết đời lòng mẹ vẫn bên con” ... Có quá nhiều câu hay.

– Đúng là có nhiều câu khác tuyệt hay nhưng tôi thích “mỗi sớm mai thức dậy” ai cũng thấy yêu đời để sảng khoái tâm hồn mà làm việc chứ. Cô thấy có đúng không?

San Hô cũng rất thích ghi câu thơ ấy nhưng còn có câu khiến cho cuộc đời của cô không thể nào quên được. Cô bé nói:

Sống trong đời sống Cần có một tấm lòng Để làm gì em biết không?

Để gió cuốn đi Để gió cuốn đi ...

– ... Đó là một lối sống tốt ... thật tốt ...

Gã nhìn cô gái, trong lòng ngưỡng mộ. Gã cười nhã nhặn:

– Vậy cô bé cứ chọn những câu nào cô bé thích, tôi sẽ thích theo.

– Tôi không thích kiểu đó ... khách yêu cầu gì ... chúng tôi sẽ đáp ứng trong phạm vi công việc.

– Thôi được rồi ... Coi vậy mà cũng rắc rối đây!

– Anh nói sao? Ai rắc rối chứ!

– Không phải là tôi.

Đôi mắt San Hô sắc lên nét giận. Gã cười:

– Là tôi, có được không?

– Hứ!

San Hô bỏ đi. Cô lại chỗ trưng bày các món hàng mỹ nghệ chọn cho gã một số rồi sắp xếp các món hàng lại.

Nhân viên bán hàng của cửa hàng bước vào có cả cô trưởng phòng. Thấy khách lạ là gã đàn ông điển trai, cô trưởng phòng bước lại ra vẻ với San Hô.

Trưởng phòng Nhật Hương nói:

– San Hô! Cô đã làm xong chưa?

Gã thanh niên nhìn San Hô một cách lạ kỳ.

San Hô nhìn Nhật Hương rồi dõng dạc nói:

– Số hàng em đã viết xong ... em đã cố gắng không nghỉ trưa nên mới có thể hoàn thành đó.

– Không nghĩ trưa à! Như vậy không phải là tốt vì cô buồn ngủ, mệt mỏi sẽ không làm tốt công việc được.

– Thì cô cứ xem mọi thứ có như ý của cô yêu cầu không?

Nhật Hương cau có:

– Không phải là tôi mà là khách hàng yêu cầu à! Cô San Hô nè! Thật tình mà nói ... tôi không ngờ cái màu tím của cô lại được một số khách hàng chuộng rồi đó.

Gã thanh niên lại gần chỗ San Hô, gã cười:

– À! Làm thêm cho tôi nhiều món đồ ... nhớ viết chữ màu tím đấy nhé, cô San Hô.

Nhật Hương nhìn người khách rồi hỏi:

– Anh cũng chuộng màu tím sao?

Gã gật đầu:

– Thật đẹp với nét chữ của cô San Hô ... Cái tên của cô bé này thật lạ đó ...

San Hô cau mặt khi thấy gã cứ lò dò chỗ của cô.

Những món đồ của gã đã được bỏ vào thùng giấy và đóng gói kỹ càng.

San Hô đang ghi nhận lại số hàng cần phải làm. Đúng lúc ấy có một gã thanh niên khác bước vào. Gã đến bên người thanh niên và hỏi:

– Mày mua ngần ấy à?

Gã thanh niên gật đầu.

Anh ta lại nói tiếp:

– Bộ định mở cửa hàng mỹ nghệ hay sao chứ, thằng quỷ?

Gã lại cười:

– Để biếu đó.

Gã thanh niên nhăn mặt:

– Biếu à? Trời ơi! Cho tao xin đi Đông Ngữ.

Thì ra gã tên là Đông Ngữ. San Hô nghĩ:

Tên của anh ta mới hay, vậy mà anh ta lại trêu mình. Anh ta thừa biết San Hô là một loại sinh vật biển ... Trời ơi!

Cũng may, nếu người ta đặt tên cho cô là Tí, Sửu hay Dậu, Tuất, Hợi gì đó ...

chắc là quê lắm mỗi khi người khác gọi.

Anh chàng tên Hưng nhận ra San Hô, anh lại kêu lên:

– Là cô bé này sao?

San Hô sợ bị trưởng phòng xét nét, cô lại chỗ hai gã thanh niên rồi nói với Đông Ngữ:

– Của anh đã xong rồi.

Đông Ngữ nhìn San Hô, nói:

– Còn số kia, bao giờ tôi đến lấy.

San Hô:

– Đã có ghi trong hóa đơn ngày giao hàng ...

Đông Ngữ hỏi nhẹ:

– Tôi có thể gặp cô được không?

– Gặp tôi?

Đông Ngữ gật đầu, anh nhìn San Hô.

Thuận Hưng kéo tay Đông Ngữ, nói riêng với Ngữ:

– Mày đừng nói với tao là mày sẽ đem qua bên đó nghe.

Đông Ngữ gật đầu.

– Trời ơi! Mày khùng thật đó Ngữ.

– Mày nghĩ thế à?

– Không khùng là gì? Ai đời “đem củi về rừng”. Mày đã làm gì rồi?

– Làm gì là sao?

– Là đem bao nhiêu món đồ về để trưng bày.

– Đã bảo ta làm quà biếu người thân quen mà!

Thuận Hưng rụt vai:

– Chịu ... chẳng biết có phải mày vận chuyển “hàng hóa” này bằng tàu thủy không?

– Thằng quỷ sứ ... làm như nhiều lắm không bằng. Nè! Trước hết tao sẽ tặng cho mày để mày phải biết một điều:

“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng ...” biết chưa thằng quỷ.

– Ê! Làm gì chửi ta quỷ hoài vậy?

– Nhưng quỷ dễ thương mà!

Thuận Hưng nhăn nhó:

– Quỷ gì dễ thương.

– Thôi, đem đồ ra xe cho tao đi.

– Ừ! Đi lẹ chứ, để thôi, mày hứng chí mua nữa ...

Đông Ngữ gật đầu:

– Thì tao đã đặt một số rồi ...

– Thôi đi ông khùng.

– Đồ quỷ!

Hai gã thanh niên rời khỏi cửa hàng mỹ nghệ.

Đông Ngữ rất vui vì quen biết được với cô gái làm ở cửa hàng. Cô gái có cái tên thật ngộ nghĩnh, dễ thương:

“San Hô”. Thoáng nhìn lần đầu, Đông Ngữ đã thích cô, không ngờ cô bé là một cô gái có cái nghề cũng thật dễ thương ...

Đông Ngữ không về khách sạn mà kêu lái xe đưa về nhà ông nội ở chơi.

Thuận Hưng càu nhàu:

– Không về khách sạn sao?

– Tao muốn ghé thăm ông.

– Ừ.

Thuận Hưng đi cùng Đông Ngữ mấy ngày nay đã thấy chán vì sự tẻ lạnh ở nơi đây. Đã thế, Đông Ngữ lại không sôi nổi ồn ào để vào vũ trường. Thuận Hưng đã nhắn Giáng Ngọc và các bạn của Ngọc để có dịp tung hoành ...

– Đang nghĩ gì vậy thằng quỷ.

Đông Ngữ nhìn gương mặt Thuận Hưng rồi phá lên cười và hỏi tiếp:

– Nghe về ông nội là mày ngao ngán phải không?

– Làm gì có.

– Vậy thì vui lên ... Về biển mà đi vũ trường, quán bar thì đâu có lý thú ...

– Nhưng vẫn hào hứng hơn là ru rú ở xóm chài buồn. Tao không hiểu sao ông của mày lại sống “khổ hạnh” như thế, trong khi con cháu ...

– Biết rồi khổ lắm nói mãi ... Tại ông nội thích sống ở nơi đó để có bạn, để nhớ về một thời từng rong ruổi trên biển ...

Thuận Hưng cười rồi nói:

– Nhưng tao cũng mê mảnh vườn của ông toàn nho và thanh long. Nho Bình Thuận nổi tiếng là ở đây phải không?

– Mày là đàn ông mà cũng dẻo mồm ghê?

– Cái mồm là lợi thế của con người kia mà ...

– Ừ. Vậy thì mày cứ mượn cái mồm của mày để làm vũ khí ...

Đông Ngữ và Thuận Hưng vào nhà, ra vườn nhưng không gặp ông nội.

Đông Ngữ hỏi thăm người làm vườn:

– Chú có thấy ông của cháu đi đâu không?

Người làm vườn:

– Chắc là ông ấy đi lại chỗ mấy người bạn.

Đông Ngữ chỉ cười:

– Ông nội đi như vậy là thường hả chú!

– Ừ! Đó cũng là niềm vui của ông mà!

Thuận Hưng nói với Đông Ngữ:

Tại ông của mày ổng rảnh và cô tiền.

– Ê ... mày nói vậy là sao?

– Người ta tất bật để kiếm miếng ăn. Còn ông của mày, thì ...

Thuận Hưng không nói tiếp mà bước cùng Đông Ngữ vào nhà. Thuận Hưng lại cao hứng, nói tiếp:

– Cái mảng này chắc mày giống ông. Tự dưng đi mua một đống đồ mỹ nghệ .... chắc là muốn hào phóng với người đẹp phải không?

– Mày chỉ tài nói bậy.

– Nói bậy à? Hình như mày bị con bé kia hớp hồn rồi đó! Mà nè! Con bé đó đẹp thật. Nét đẹp không giống mấy người dân miền biển.

Đông Ngữ đập lên vai bạn:

– Tao không thích mày có kiểu suy nghĩ như vậy.

Tao không sống theo chuẩn mực của mấy ông hiền triết đâu. Đừng lo!

Đông Ngữ phì cười:

– Tao mà lo cho mày à? Thôi đi ông!

Hai gã đàn ông đang nói cười rôm rả thì ông nội của Đông Ngữ về.

Ông đem về một mớ cá lạ, ông bảo cá ngon nên kiếm đem về cho Đông Ngữ ăn.

Thuận Hưng lên tiếng:

– Bộ ông nghĩ Đông Ngữ nó nhớ món ăn quê nhà lắm sao? Cháu thấy nó muốn quên rồi đó ông?

Đông Ngữ biết Thuận Hưng đùa nhưng lại không ngờ Thuận Hưng nói năng vô duyên thế, nếu là phái nữ nhất định Đông Ngữ không hề thích ...

Đông Ngữ ăn bữa cơm với cá nấu chua, ông bảo đó là món nấu ngót. Món chi mà ngon quá. Có lẽ Đông Ngữ đã rời xa Việt Nam từ lâu nên thấy món ăn nào cũng lạ, cũng ngon.

Ông Chánh gắp bỏ thức ăn cho Đông Ngữ rồi nói:

– À! Cháu định như vậy không sợ ba mẹ buồn hay sao?

Đông Ngữ gật đầu:

– Dạ cháu quyết định, mẹ và bà phản đối kịch liệt, chỉ có ba là cho cháu tùy ý ...

– Còn cô của cháu ...

Đông Ngữ ngừng ăn, nói:

– Cô lo công việc cho ông nên ủng hộ ....

Ông Chánh im lặng. Đông Ngữ không biết ông suy nghĩ gì ... Sao ông lại sống cô độc thế này, trong khi cả gia gia đình đoàn tụ sống vui bên nhau.

Đến khi trưởng thành, Đông Ngữ chẳng hiểu vì sao anh lại thích quay về cội nguồn và muốn làm điều gì đó thật có ý nghĩa ... Đông Ngữ cảm thấy yêu quý ông và muốn gần gũi với ông nên anh đã trở về quê nội để tiếp tục công việc của gia đình.

Đang ăn, bỗng Đông Ngữ chợt nhớ ra điều gì anh hỏi:

– Con hỏi thật ... ông đừng giấu con nhé!

Ông Chánh nhìn Đông Ngữ rồi cười, hỏi:

– Vẫn là câu hỏi ... tại sao ông không đi bước nữa, hay người ấy của ông là ai?

Đông Ngữ cũng cười rồi nói:

– Con biết “người ấy” của ông lúc nào cũng “mà từng thu chết, từng thu chết, vẫn giấu trong tim bóng một người” ...

– Cái thằng nhóc, ông của mày bây giờ đã bao nhiêu tuổi rồi chứ!

– Trong tình yêu không có ranh giới của tuổi tác mà ông ... Nói như thế có nghĩa là tuổi nào cũng vẫn có và tồn tại một tình yêu vĩnh cửu tuyệt đẹp ... dẫu cho đó là sự “đổ vỡ”, ông nhỉ?

– Cái thằng nói y như là “triết gia” ... về tình yêu.

– Nói cho dễ nghe là “nhà tâm lý học”, phải không ông?

– Ừ! Cứ hiểu như vậy đi, thằng nhóc.

Thuận Hưng ngừng ăn, phì cười, nói:

– Ông ơi! Thằng nhóc của ông đã biết yêu rồi đó.

Ông Chánh thật tình:

– Ừ! Nó có tình yêu cho đỡ khổ người khác.

– Trong đó có ông, phải không ông?

– Ừ! Cứ như vậy đi cháu. Ông đã già rồi ... thỉnh thoảng nghĩ đến chuyện tình yêu cũng thấy vui vui, có sao đâu?

– Ông thật trẻ trong tâm hồn.

– Ừ. Nhờ vậy mà trông ông mới khỏe như vậy đó!

Nghe cháu và bạn nói chuyện, ông Chánh chỉ cười.

Ăn uống xong, hai chàng thanh niên cùng với ông đi dạo quanh trang trại nhỏ của ông. Đông Ngữ thích vườn nho của ông, còn Thuận Hưng thích bầy ngan, ngỗng và đàn bò sữa ... Một mình ông với cơ ngơi như thế này thật là to tát. Vậy mà ông vẫn điềm nhiên thỉnh thoảng ra xóm chài rồi cùng bạn bè đi thả lưới, đi câu mực để cùng uống rượu và bàn bạc chuyện đời ...

Đám bạn của em gái Thuận Hưng làm ồn ào cả một không gian vốn yên tĩnh. Quỳnh Dao được ông trò chuyện nhiều hơn vì cô bé biết cách làm vừa lòng người lớn. Còn Giáng Ngọc thì đài các nên ông Chánh không vui lắm. Cả cô gái tên Việt Thúy cũng vậy. Các cô con gái Sài Gòn lúc nào cũng mang sự đài các để lấp che sự vụng về. Ông Chánh bỏ đi và ở lại bên xóm chài với mấy ông bạn.

Giáng Ngọc tỏ vẻ vui sướng, hí hửng, cô bé nói với anh trai:

– Ông nội của anh Ngữ vô cùng lịch sự .... có người lớn ở cùng ... mất tự do.

Việt Thúy luôn là “cộng hưởng” của Giáng Ngọc, cô reo vui:

– Nhất trí! Hai anh ơi! Chiều nay mình đi biển và picnic ở lại đó suốt đêm cho vui.

Thuận Hưng tán đồng:

– Anh có nghĩ đến điều này ... nhưng không phải chiều nay.

Giáng Ngọc tròn xoe đôi mắt nai chờ đợi:

– Vậy hôm nào thì đi hả anh Thuận Hưng?

Thuận Hưng cười, chỉ Đông Ngữ:

– Đợi ý kiến của Đông Ngữ.

Đông Ngữ trợn mắt cau mày:

– Tùy vào mày thôi, Hưng ạ! Tao đâu có rành ở khu này.

– Chuẩn bị cho khu resort ở biển mà không tìm hiểu địa hình, địa thế là thua đó, thằng quỷ ...

Đông Ngữ cười:

– Biết rồi ... ta đã và đang thực hiện các bước. Nhưng trong trường hợp này, ta giao quyền quyết định cho “huynh muội” của mày.

Giáng Ngọc nghe Đông Ngữ nói thế, cô vô cùng thích thú. Cô bé đưa ra quyết định:

– Vậy ngày mai nhé! Bọn em đâu có ở lâu được ...

Việt Thúy hùa theo:

– Mai mốt cuối tuần mình lại về ...

Quỳnh Dao xen vào:

– Thôi đi bạn ... làm như đây đó gần lắm. Một tháng đi một lần chưa chắc đã được.

Việt Thúy cãi:

– Vậy ai có sức khỏe và nhu cầu thì cứ về, được không?

Giáng Ngọc gật đầu:

– Quyết định vậy nhé! Bây giờ đi tắm biển ... Chiều nay, biển đẹp lắm đó!

– Sao biết vậy nhỏ? - Thuận Hưng hỏi.

Giáng Ngọc cười, gật đầu nói:

– Thì ... nhìn bầu trời trong xanh tuyệt đẹp thế này ... em nghĩ chiều nay thật lý tưởng.

Quỳnh Dao trêu bạn:

– Ê! Mi lãng mạn từ bao giờ thế nhỏ?

Việt Thúy cao hứng:

– “Từ khi biết yêu em thấy chiều rất đẹp. Đẹp như tranh, như nhạc, như thơ ...”.

Quỳnh Dao đọc tiếp:

“Như tình yêu của kẻ dại khờ ...”.

Quỳnh Dao chưa kịp ngừng, Giáng Ngọc đã kêu ca.

– Thôi đi hai cô nương, tự nhiên làm thơ “con cóc”, sến dễ sợ ....

Thuận Hưng hùa theo, ngợi khen:

– Không “con cóc” đâu, anh thấy thơ của hai em có âm điệu của “thơ mới”.

đấy chứ!

Đông Ngữ phì cười:

– Cho tôi xin đi ... Có biết “thơ mới” như thế nào không?

Giáng Ngọc ra vẻ hiểu biết:

– Chỉ sợ anh đi nước ngoài đã lâu nên chẳng rõ về những dòng tuyệt tác đó đâu.

– Nhưng anh có biết về họ đó?

Mọi người nhìn Đông Ngữ, anh chàng mỉm cười nói tiếp:

– Gì mà căng thẳng quá vậy mấy bạn. Thật ra, mình có người quen là con cháu, họ hàng với những người đã từng tham gia phong trào “thơ mới” đấy!

– Vậy à? Anh có biết gì về “Công tử Bạc Liêu” ...

Việt Thúy hỏi xong thấy Đông Ngữ nhìn mình, biết bị hớ, cô nói lảng sang chuyện khác.

Mọi người chuẩn bị các thứ để ra bãi biển. Giáng Ngọc và Việt Thúy tung tăng ngạo nghễ với dáng người cân đối trong chiếc áo tắm rực rỡ. Quỳnh Dao mảnh mai, nhu mì hơn nên thường tách một mình để bơi với sóng nhẹ.

Thuận Hưng đến cạnh Quỳnh Dao và nói:

– Chắc là Giáng Ngọc với Việt Thúy hay ăn hiếp em lắm phải không?

Quỳnh Dao và Thuận Hưng lên bãi cát ngồi nghỉ ngơi, hai người trò chuyện ra vẻ tương đắc. Quỳnh Dao hỏi ngược lại lời Thuận Hưng:

– Bộ anh thấy em bị hai bạn ăn hiếp hả?

– Đúng rồi! Trông em hiền quá, hai cô bé đó thế nào cũng hiếp đáp ... cho mà xem!

– Được một điều là hai nhỏ cũng trân trọng ý kiến của em.

– Vậy là bộ ba của các em thật đẹp ... Anh ngưỡng mộ đó. Nè! Ngày mai đi picnic em có lo không?

Quỳnh Dao hỏi vặn:

– Sao lại lo hả anh.

– Vì mình phải ở lại đêm, một nơi vắng vẻ ... chỉ có tiếng sóng biển vỗ và tiếng gió thổi lào xào ...

Hai người đang trò chuyện thì Việt Thúy và Giáng Ngọc lao đến. Hai cô ồn ào một lúc rồi nhìn quanh kiếm tìm bóng dáng của Đông Ngữ.

Giáng Ngọc hỏi:

– Anh Hưng ơi! Anh có thấy anh Đông Ngữ ở đâu đây không?

Thuận Hưng cũng dáo dác nhìn quanh:

– Bộ nó không có ở đây sao? Hồi nãy nó còn tắm ở đây mà. Chắc là ...

Giáng Ngọc hỏi:

– Anh ấy đi đâu anh?

– Anh đâu có quản lý nó. Tưởng em mải trông nó ...

Giáng Ngọc đánh túi bụi lên vai anh rồi chợt thấy Đông Ngữ từ phía xa, cô vội tìm đến:

Giáng Ngọc lên tiếng:

– Anh Ngữ ở đây mà em tìm mãi.

Đông Ngữ nhìn Giáng Ngọc rồi hỏi:

– Tìm anh làm gì?

– Tìm anh để trò chuyện ... Em thấy anh về lần này có vẻ xa lạ quá.

– Sao lại là xa lạ?

– Anh không quan tâm đến em nhiều.

– Em lớn rồi chứ có còn bé nhỏ như ngày xưa đâu?

Giáng Ngọc bĩu môi:

– Lớn thì quan tâm theo kiểu người lớn. Bộ anh không còn thương em hay sao?

Đông Ngữ cười:

– Em hiểu như thế nào là tình thương hay sự thương yêu ...

– Trời đất! Bộ anh định làm triết gia sống theo các bậc hiền triết chắc.

– Không nói chuyện đó. Nghiêm túc ở đây là vấn đề tình cảm. Với anh, em là em gái của bạn, tức là em gái của anh.

– Em gái à?

– Sao?

Đông Ngữ nhìn Giáng Ngọc, cô bé nguýt anh rồi đứng lên, nói:

– Em không phải là em gái của anh ... Em. .... Giáng Ngọc bỏ đi. Đông Ngữ nhìn theo lắc đầu, cười ...

Đông Ngữ mân mê từng món đồ bé xinh với những dòng chữ tuyệt đẹp màu tím. Anh cười nói:

– Cô thích màu tím phải không?

San Hô nhăn nhó:

– Có cần biết điều đó không, khi mà anh là khách hàng, còn tôi là nhân viên ...

Đông Ngữ cười nhẹ:

– Tôi muốn biết vì thấy San Hô rất đặc biệt ... mà những người “đặc biệt” lại hay chuộng “màu tím”.

– Có phải ý của anh là vì những người đó muốn mình nổi bật, đúng không?

– Những điều đó không thể tự tạo, tất cả là do bản chất tự nhiên. San Hô này ... hôm nào có rỗi ...

San Hô nhìn anh chàng “kỳ khách”. Với cô, anh ta là người khách thật kỳ lạ.

Anh ta muốn gì đây, San Hô lắc đầu nói:

– Thật ra, anh muốn điều gì mà hỏi tôi như vậy?

– Tôi muốn ... có một người bạn như cô.

– Trời đất! Khi mà tôi và anh là hai người xa lạ.

– “Trước lạ sau quen” được không?

– Có nhất thiết như vậy không?

Đông Ngữ ngước nhìn San Hô. Cô bé thật lạ, chẳng bao giờ trả lời câu hỏi của anh mà luôn luôn đặt câu hỏi ngược lại. Đông Ngữ lại thích cái lối đối đáp của cô bé - thông minh, lạ lùng và nhanh nhẹn ...

Đông Ngữ đánh bạo lên tiếng:

– Tôi ... có thể mời cô đi uống nước vào một buổi nào đó, được không?

San Hô nhìn Đông Ngữ nói:

– Tại sao anh lại mời tôi đi uống nước?

“Lại một câu hỏi nữa rồi!”. Đông Ngữ vừa suy nghĩ, vừa tìm câu trả lời cho “xứng” với câu của cô bé.

– Tôi muốn mời San Hô đi uống nước, vì tôi ... mến mộ cô đó, có được không?

– Ơ ... tôi không thích người khác nói kiểu đó đâu nghe!

– Kiểu đó là thế nào, cô bé?

– Anh làm như ... tôi và anh quen biết nhau từ lâu lắm không bằng.

Đông Ngữ gật đầu:

– Đúng rồi, tôi cũng có cảm giác như vậy.

– Trời ạ! Tôi gặp một người khách thật là bất ...

– Bất thường à! Cũng được, không sao? Tôi cũng thích được như vậy lắm.

– Đồ ...

– Đồ khùng chứ gì? Không sao, miễn cô hứa với tôi là ... chiều mai tôi đợi đón cô đi uống nước đấy nhé. Nghe nói ở thành phố biển nơi đây có những quán nước thật đẹp ... Tôi thích gió biển, cát biển lắm.

– Điên vô cùng ... Thật là điên ...

Quán “Gió Cát” nằm trên đồi cát cạnh hàng phi lao mượt xanh, tiếng gió thổi xào xạc làm đong đưa cành lá hòa cùng tiếng sóng vỗ rì rào nghe mới êm đềm làm sao. Đông Ngữ rất thích cái cảm giác thật dễ chịu này, trong đầu anh lại hoạch định bao nhiêu ý tưởng độc đáo cho dự án sắp tới của mình.

Đông Ngữ khuấy nhẹ ly nước rồi đặt trước mặt San Hô.

– San Hô uống nước.

– Cám ơn anh.

– Ở đây thích thật, vừa nghe tiếng sóng biển vừa nghe tiếng gió biển ... thích ghê, San Hô có thích không?

– Sao anh “thích đủ thứ” vậy?

– Không được sao cô bé. Vậy cô bé thích gì?

– Thích cuộc sống yên bình, thích cả tiếng chuông chùa mỗi sáng, mỗi chiều vọng lại:

Đông Ngữ ngạc nhiên hỏi lại:

– Tiếng chuông chùa là sao, có giống tiếng chuông nhà thờ không?

San Hô lớ ngớ nhìn Đông Ngữ:

– Vậỵ. anh theo đạo Thiên Chúa à?

– Đúng rồi!

– Hôm nào đi chùa nghe tiếng chuông để mà so sánh cho chính xác, chứ tôi ...

không có đi nhà thờ nên nhận xét không chính xác đâu.

– Cô thật là.

– Là sao?

– Không nói được.

– Vậy thì đừng nói.

– Không bàn chuyện đó nữa, San Hô nhé! À, chắc là San Hô rất thích công việc đang làm.

– Tất nhiên rồi ...

– Có khi nào San Hô nghĩ đến việc thay đổi công việc hay không?

– Thay đổi công việc à? Không bao giờ, nhưng có thể thay đổi hay là bổ sung cách làm thì được.

– Thí dụ ....

– Anh có vẻ “tò mò” rồi đó.

– Không phải “tò mò” nhưng vì trò chuyện với San Hô hay quá nên anh muốn tìm hiểu.

– Anh là dân thị thành ... đừng có chọc quê San Hô đó nghe.

– À! Anh đọc trên mạng biết được việc bán hàng mỹ nghệ qua mạng ...

Không ngờ người đó là San Hô.

– Bây giờ người ta vẫn làm như thế đó thôi. Mà nè! Sao anh lại mua hoài và mua nhiều món hàng quá vậy ... Bộ dư tiền chắc?

– Quà Việt Nam có ý nghĩa như thế, xứng đáng và vinh dự cho những ai được sở hữu, San Hô đồng ý không?

– Anh nói cao siêu quá, San Hô không hiểu.

– Cô bé thừa thông minh để hiểu ... Mà thôi, không nói chuyện đó nữa nghe.

– Vậy thì ... còn gì để nói không, San Hô phải về.

– Thứ bảy là ngày của nghỉ ngơi, cô bé nên thư giãn một chút.

– À! Tại vì ... San Hô ...

San Hô chợt ngừng lại, cô không nói tiếp vì anh chàng là một người bạn mới quen, làm sao hiểu được cuộc sống của những mảnh đời như San Hô. Một mảnh San Hô bị bỏ lại bên đời không thương tiếc ...

...

Đông Ngữ trở về lều trại khi trời đã tối. Mọi người đang quây quần bên bếp lửa nướng cá.

Thấy Đông Ngữ, Thuận Hưng nói:

– Mày đi đâu từ lúc chiều đến giờ, các cô quậy quá, tao mệt đừ ...

Giáng Ngọc đến bên cạnh Đông Ngữ, cô săn sóc:

– Anh rửa mặt rồi cùng ăn uống ... À? Xin giới thiệu với anh, đây là người bạn mới.

Đông Ngữ nãy giờ không để ý đến gã thanh niên lạ đang có mặt ở lều trại của các bạn.

Quỳnh Dao lên tiếng:

– Em xin giới thiệu với anh Ngữ đây là anh Viễn, anh họ của Quỳnh Dao.

Tình cờ anh đi công tác ở đây nên bọn em mời anh ấy cùng tham dự buổi picnic.

Đông Ngữ đưa tay ra, các bạn nam vui vẻ, hồ hởi bắt tay nhau. Họ nhanh chóng làm quen và chuyện trò rôm rả.

Buổi tối quây quần ở đây thật vui, mọi người đàn ca làm cho không khí tĩnh lặng bỗng chốc vui tươi hơn.

Giáng Ngọc cứ mon men đến gần chỗ của Đông Ngữ. Giáng Ngọc ngồi bên anh, đưa cho anh cốc cà phê, cô nói:

– Anh uống nước đi.

– Cám ơn em.

Giáng Ngọc ngồi sát vào Đông Ngữ. Cô khẽ hỏi:

– Em có nghe anh Hưng nói về dự án của anh. Mà nè, sao anh không chọn thành phố biển Vũng Tàu hay Nha Trang sẽ tốt hơn đó.

Đông Ngữ trầm ngâm:

– Em cũng biết chuyện đó à?

– Em quan tâm đến anh ... Hay là anh chọn Vũng Tàu đi, ở đấy thuận tiện hơn, bảo đảm sẽ rất là đông khách.

– Anh thích biển ở Bình Thuận có vẻ im lìm hơn. Vả lại, ông của anh ở đây mà.

– Thì anh đón ông về Vũng Tàu hay Nha Trang, ở đây còn hoang sơ, có vẻ nghèo hơn nơi khác nữa. Làm “resort” ở đây là “thua”, em cam đoan như thế!

Trò chuyện với Giáng Ngọc, Đông Ngữ chẳng thấy hứng thú gì cả. Cô bé chỉ toàn nói về đời sống vật chất. Vốn là cô gái sống ở Sài thành nên Giáng Ngọc chỉ thích hợp với sự tiện nghi cao sang ... nên suy nghĩ của Giáng Ngọc, theo Đông Ngữ thật là rỗng tuếch ...

San Hô đang nắn nót những nét cọ trên từng hòn đá, một cảm giác vui sướng cứ lan tỏa khiến cho cô quên đi có người xuất hiện bên cạnh.

– Say mê dữ vậy nhỏ?

San Hô ngẩng mặt lên, cô bé bắt gặp cái nhìn tinh nghịch của anh Triều, người anh thân thiết của một thời gió cát, cái thuở bơ vơ mà những giọt nắng mưa cứ rả rích lên đầu tuổi thơ và Triều là người bạn, người anh luôn che chở cho cô bé.

San Hô reo vui:

– Anh về bao giờ?

Triều trách nhẹ:

– Lần này anh đi biển về, sao em không đón.

San Hô bối rối trước lời trách móc của Triều.

– Dạo này em phải làm nhiều.

– Có một mình mà em làm nhiều để làm gì?

– Em còn muốn làm nhiều, kiếm nhiều tiền để ...

– Để làm gì chứ?

– Anh cũng biết là ở chùa rất cần sự giúp đỡ của bà con cô bác, mà em thì cũng từ đó mà trưởng thành và có được như ngày hôm nay. Em muốn góp một chút công sức với các sư để ...

Triều đặt tay lên vai:

– Thì mỗi đợt đi biển về, anh và em cũng đến góp phần cho các sư rồi ...

– Đó là phần của anh, bây giờ em đã kiếm được tiền nên em cũng muốn góp phần của mình chứ.

– Thì của anh cũng như của em thôi.

– Sao lại như vậy chứ?

Triều nắm tay San Hô:

– Chứ không phải sao, anh và em từ lâu rồi vẫn gắn bó với nhau.

– Gắn bó không có nghĩa là ... thân nhau ...

– Em nói gì lạ quá vậy?

Triều nhìn San Hô, anh háo hức nói:

– Chúng ta đã từng là bạn và thân hơn tình bạn thân ... Anh định đi theo tàu đánh cá một thời gian ... rồi ở lại đất liền với em ... mình làm một việc gì đó để có cuộc sống tốt hơn ...

San Hô ngừng tay đang viết, cô nghe trong lòng lo lo một điều gì đó rất mơ hồ. Cô bé hốt hoảng nói:

– Anh nói gì xa xôi quá! Em nghĩ ... anh cứ làm công việc của anh. Còn em ...

em rất vui vì giờ đây công việc rất tốt ... Anh biết không, qua mạng người ta đặt hàng cũng khá ...

Triều không hài lòng, anh nói bừa:

– Em không sợ bị lừa à?

– Anh thật lạ .... Em đang thực hiện công việc mua bán trên mạng đây ... Rất tốt anh à!

– Tốt ở một lúc nào thôi, anh cam đoan chẳng tốt đẹp mãi đâu ...

– Sao anh lại như vậy? Đáng lẽ anh phải cầu cho em làm ăn khấm khá mới phải chứ.

– Đã bảo anh sẽ lo cho em.

San Hô lắc đầu:

– Em có cuộc sống riêng của em chứ.

– Em quên là ... Mà thôi, em ngưng làm, vào chuẩn bị đi ăn với anh. Chắc là em chưa chuẩn bị để ăn tối phải không?

– Ôi, có một mình, tí nữa em ăn chút gì đó cũng xong.

– Ăn chút gì chắc là tô mì quá. Thôi đi cô nương, ăn uống kiểu đó làm sao mà có sức khỏe để làm việc. Nào, đứng lên vào trong thay đồ, anh đợi ...

Thái độ chăm sóc của Triều vẫn như ngày nào nhưng sao San Hô không thấy lòng nao nao. Cô vẫn thản nhiên ... Triều đưa tay kéo San Hô đứng dậy, anh vòng tay vào ngang người San Hô, cô đẩy ra và nói:

– Anh à! Đừng mà ...

– Sao vậy? Anh ... nhớ em vô cùng. Anh đi biển lần này cả tháng, không nhớ anh sao?

– Nhớ nhưng không phải như vậy, em và anh ... chỉ là ...

– Là gì ... là hai người bạn hay hai anh em. Sao lúc nào em cũng nghĩ như vậy, trong khi em và anh không phải là rất thân hay sao?

– Anh Triều à! Chính vì thân nhau nên em không muốn anh ngộ nhận giữa tình bạn và tình cảm.

– Sao em không nói thẳng ra là anh ngộ nhận tình yêu. Không! Anh ... thương em thật.

San Hô chống chế:

– Đó là tình cảm của anh. Còn với em ... anh vẫn là ...

– Không thể như vậy mà ...

Triều ôm chầm San Hô, San Hô đẩy ra, sắc mặt lạnh, nghiêm trang:

– Anh ... anh làm như vậy với em nữa, em sẽ không thèm nhìn anh đó.

Triều ngạc nhiên nhìn vẻ căng thẳng của San Hô. Anh đổi giọng:

– Hay là em đang có bạn trai ...

– Không có mà!

– Vậy thì tại sao chứ?

– Đơn giản là vì em ... em và anh dù đã rất thân nhưng đâu có nghĩa là tình yêu.

Triều ngồi phịch xuống ghế, mắt nhìn San Hô thật kỳ lạ. San Hô né tránh ánh mắt vừa trìu mến nhưng vô cùng gay gắt, có một tia nhìn như hờn giận, trách móc. San Hô càng ngại, càng sợ. Cô đứng lên nói:

– Anh đợi em một chút ...

San Hô vào phòng thay vội bộ đồ rồi trở ra. Triều nhìn San Hô nói:

– Em càng ngày càng xinh đẹp ... chắc là em đang ...

– Đang làm việc, được không?

– Mình đi ăn ... em thích ở đâu?

San Hô lắc đầu nói:

– Tùy anh, em không biết.

Triều dừng xe trước một nhà hàng. San Hô ngập ngừng nói:

– Đừng vào nơi này, em ngại lắm:

– Không sao đâu. Chúng ta cũng nên vào những nơi này chứ em.

Gởi xe xong, Triều nắm tay San Hô cùng bước vào nhà hàng. Anh chọn một góc bàn riêng rồi kéo ghế cho San Hô. Ra vẻ sành điệu Triều nói:

– Từ rày, mỗi lần đi biển về, anh sẽ đưa em đi ăn hay đi chơi những chỗ sang trọng.

– Tại sao lại như vậy?

– Anh không muốn em bị thua thiệt vì quen với anh.

– Em cũng không muốn anh có ý nghĩ như vậy.

Triều gọi thức ăn rồi sành điệu gấp bỏ vào chén cho San Hô ... Từ bao giờ San Hô cảm thấy có một điều gì đó thật trống rỗng khi cô ngồi bên cạnh Triều.

Phải chăng điều đó chứng tỏ cô chẳng rung động thật sự. Đó không phải là tình yêu, Triều ạ!

Suốt buổi tối cùng ăn rồi cùng đi dạo với Triều nhưng trong lòng San Hô cảm thấy trống vắng, vô cùng trống vắng ...

San Hô nghe những lời của Đông Ngữ lại càng thắc mắc nhưng vô cùng thích thú, vui sướng. Đông Ngữ là ai, làm gì, cô cũng chưa rõ, nhưng qua thái độ trân trọng của anh đối với công việc của cô, San Hô càng không hiểu vì sao anh lại mê say với công việc viết chữ thư pháp vào những món hàng mỹ nghệ mà cô đang làm. Như thế, cô cũng cảm thấy vui vui như có người chia sẻ với công việc của mình.

Chiều nay anh đến và đón cô đi chơi. San Hô cảm thấy run run và nôn nao chờ đợi.

Hai người đi dọc bãi biển, buổi chiều tuyệt đẹp. Đông Ngữ đưa tay chỉ bãi cát trước mặt:

– Cát trước mặt chúng ta buổi chiều tuyệt đẹp.

– Tại sao anh lại bảo là “cát trước mặt” chứ.

– Nói chuyện với cô sợ thật trước những câu hỏi như thế.

San Hô cười:

– Có gì đâu! Đó chỉ là sự thắc mắc thôi.

– Thắc mắc nhưng kèm theo cách hỏi khiến cho người trả lời phải ...

– Phải sao chứ?

– Phải ... khớp.

– Anh mà khớp sao?

– Bộ .... anh dữ lắm à?

– Cũng ... gần gần như vậy.

Đông Ngữ bật cười rồi bình thản nói:

– Vậy San Hô chỉ cho anh cách gì để không “dữ dằn” đi.

– Ai nói anh “dữ dằn”?

Đông Ngữ nháy nháy mắt nhìn San Hô, tay vẽ vẽ lên cát:

– Chính San Hô vừa nói đó thôi.

– Anh ... anh thật là ... khôn ... đến phát sợ.

– Huề nhé! San Hô này ...

– Chi anh?

– Một resort như thế nào là phù hợp?

– Một người không biết kinh doanh như San Hô mà anh hỏi chuyện đó?

– Anh chỉ hỏi ở góc độ làm sao cho tốt, cho đẹp, cho hay ...

– Vậy thì phải phù hợp với không gian nơi đó và phải có nhiều hình thức giải trí lãng mạn, lành mạnh ... Hình như ở đây đang có một resort đang sắp đi vào hoạt động ... ở đây chưa có khu resort nào, nếu resort mới mở này đáp ứng được chắc là người ta tìm đến nhiều lắm.

– Anh thấy ở đây cũng có.

– Không, theo San Hô đó chỉ là mấy điểm du lịch.

Đông Ngữ gật đầu. Ra vẻ cô bé có suy nghĩ rất tinh tế ... Nếu như có một cửa hàng mỹ nghệ có nghệ nhân viết thư pháp hoặc vẽ thủ công trên gốm sứ ... Nói chung những điều đó nếu được tự làm qua một buổi, một ngày, thậm chí một giờ đồng hồ được hướng dẫn ... rồi tự làm chắc là ai cũng thích thú lắm ... Ý tưởng của San Hô độc đáo thật và cũng phù hợp với suy nghĩ của mình. Đông Ngữ cảm thấy sung sướng vì có người đồng điệu với mình.

San Hô chợt hỏi:

– Bạn bè anh về Sài Gòn hết rồi, còn anh sao vẫn “nhởn nhơ” ở đây?

– Bộ anh giống kẻ “nhởn nhơ” lắm sao?

San Hô nghiêng người nhìn sang Đông Ngữ rồi nói:

– Anh giống kẻ “nhàn nhã” hơn!

– “Nhàn nhã” hay “nhởn nhơ” cũng giống vậy thôi.

– Không giống, vì hai từ “nhàn nhã” nghe lương thiện hơn, còn “nhởn nhơ”.

nghe có vẻ bất lương hơn.

Bất chợt Đông Ngữ nắm tay San Hô, giọng anh lạc hẳn:

– Cám ơn vì em đã cho anh hiểu rõ hai từ ngữ đó ... Bây giờ chúng ta đi ăn cái gì rồi đi uống cà phê, tự dưng anh thích nghe San Hô giải thích cả “từ ngữ” nữa.

San Hô xoe tròn đôi mắt đen láy u uẩn, cô bé kêu:

– Trời ạ! Anh làm như anh không phải là người Việt Nam vậy. Nè ... hay là ...

tôn tôi làm “sư phụ” đi, tôi sẽ dạy cho ...

Đông Ngữ vẫn còn nắm chặt bàn tay của San Hô. Anh nói khi hai người đối diện:

– Anh rất mong như thế, mong cả đời được San Hô dạy ...

– Thôi đi, anh nói chuyện gì khó nghe quá!

San Hô rời khỏi bàn tay của Đông Ngữ, cô bé nói:

– Anh đi đua với em nghe ...

San Hô quen thuộc khi đi trên cát, còn Đông Ngữ ... anh có vẻ e dè vì bước chân cứ lún xuống, lún xuống hoài.

– Đợi anh với, San Hô ...

...

Sau khi dùng bữa xong, hai người lại ngồi trò chuyện ở quán cà phê “Gió Cát”.

Đông Ngữ nhìn vẻ đăm chiêu của San Hô, anh lo lắng nói:

– Sao em có vẻ lo lắng chuyện gì đó. Đúng không?

– Mình về thôi anh ... Em còn việc phải làm.

– Ngày mai chủ nhật, ngày nghỉ mà, đừng nói với anh là em đem cả công việc về nhà nhé.

San Hô gật đầu.

– Trời ạ! Em làm gì dữ vậy ... Đam mê công việc à? Bấy nhiêu thời gian trong một ngày em đã làm suốt, phải có thời gian nghỉ ngơi chứ!

– Nhưng mà ... em muốn có tiền.

– Có tiền ... Em sống một mình sao lại cần nhiều tiền?

– Đồng tiền em kiếm được là đồng tiền chân chính mà.

– Anh biết, nhưng cho anh xin lỗi ... vì nếu như bị em hiểu lầm.

– Hiểu lầm. anh về điều gì?

– Nếu như em cần gì, anh sẵn sàng giúp đỡ chỉ xin em hãy nhận và đừng hiểu lầm ý tốt của anh.

– Sao anh không hỏi em dùng tiền để làm gì?

– Nếu người ta không muốn nói, anh không hỏi, không tìm hiểu làm gì?

– Nhưng không có nghĩa là em nhận tiền của anh đâu?

– Anh thành thật xin lỗi ... Nếu như anh nói điều chỉ có liên quan đến tiền khiến cho em buồn.

– Không có ...

– Vậy thì em uống nước đi ...

Hai người đang trò chuyện thì từ bàn gần bên, một cô gái trông thật quý phái cao sang bước qua, cô đứng trước mặt Đông Ngữ và San Hô. Cô gái nói với Đông Ngữ:

– Sao anh cứ ở miết ở dưới này ... Công việc sắp xong rồi, anh phải về Sài Gòn để còn chuẩn bị khai trương. Anh Ngữ ... em tìm anh suốt cả ngày nay ...

San Hô nhìn cô gái. Trong bóng mờ của ánh sáng đèn màu, nhưng San Hô vẫn không quên gương mặt kiêu sa lộng lẫy của cô gái. Đông Ngữ cười hỏi:

– Ủa! Em về đây với các bạn à?

Cô gái giận dỗi:

– Em về một mình để đón anh về Sài Gòn. Sáng mai về Sài Gòn nghe anh, bác nhắc anh đó.

– Sao em biết ba mẹ anh về?

– Làm sao em không biết. Nhưng chuyện đó nói sau, bây giờ mình đi về, em có chuyện muốn nói.

Đông Ngữ gỡ tay cô gái ra và nói:

– Giáng Ngọc à! Em trở về chỗ bàn của em với bạn bè đi ... Anh phải đưa bạn của anh về, còn có chuyện gì thì về Sài Gòn rồi nói.

Giáng Ngọc khinh khinh nhìn San Hô. Cô ngờ ngợ trước cái gật đầu của cô gái.

Giáng Ngọc nói với Đông Ngữ:

– Bạn anh? Anh làm cái gì có bạn ở cái vùng biển mặn này?

San Hô ghét lối nói chuyện của Giáng Ngọc nên lên tiếng:

– Chào chị .... Chị nói vùng biển mặn là ý gì?

Giáng Ngọc cao giọng:

– Anh ấy không thể có bạn ở một vùng biển nghèo như thế này ... Chắc cô biết anh ấy là ai nên mới bám lấy anh ấy chứ gì.

San Hô đứng lên:

– Chị xúc phạm tôi rồi đó. Tôi không cần biết ai là ai hết, nhưng tôi nhớ ...

chị .... là khách hàng có ghé qua chỗ tôi làm.

– Vậy thì sao? Cô muốn nhìn người quen à? Không đời nào!

San Hô giận dỗi bỏ đi, sau khi nói với Đông Ngữ:

– Anh Ngữ ... cám ơn anh về những gì anh đã nói ... nhưng em không muốn bị hiểu lầm, nhất là bị xúc phạm.

San Hô bỏ đi một mạch. Đông Ngữ trả tiền rồi đi theo năn nỉ San Hô lên xe anh đưa về.

...

San Hô vô cùng buồn bã nên kêu Đông Ngữ dừng xe ở gần chùa. Đông Ngữ ngỡ ngàng:

– Em định vào đây để làm gì?

– Đâu phải nhất thiết đi tu mới được vô chùa.

– Em à! Giáng Ngọc và anh cũng chỉ là chỗ quen biết. Giáng Ngọc nói năng lung tung quá, em đừng giận cô ấy.

– Cô ấy ỷ là cô gái nhà giàu ... rồi muốn nói gì thì nói hay sao? Em tuy là con gái nhà nghèo, em mồ côi ... nhưng em không vì sự giàu sang của người khác mà chạy theo đâu ... Anh về đi!

– Ngày mai anh đến đón em đi ăn sáng.

– Anh lo cho bạn gái thành thị của anh đi.

Đông Ngữ vừa lo sợ, vừa thắc mắc, nhưng bóng của San Hô đã khuất trong hàng hiên vào chùa. Anh cảm thấy lo lắm.

Quay trở ra, bắt gặp Giáng Ngọc ở gần đó Đông Ngữ giận run:

– Em theo dõi anh sao, Giáng Ngọc?

Giáng Ngọc leo lên xe của Đông Ngữ, cô nói:

– Anh đưa em về khách sạn giùm.

– Em chưa trả lời anh!

– Tối rồi, về đó em trả lời. Chẳng lẽ ở đây cãi vã hay sao?

Giáng Ngọc không muốn đôi co ở ngoài đường vì cô biết tính của Đông Ngữ, anh sẽ cáu gắt rồi bỏ mặc cô nên cô đành nhỏ nhẹ để trở về khách sạn cùng anh ...

– Em ở đâu, nói đi!

– Em về cùng chỗ của anh.

– Anh không muốn có sự theo dõi như thế, em đừng quá đáng.

– Em muốn về khách sạn.

Đông Ngữ không ngờ Giáng Ngọc lại thuê phòng cũng ở khách sạn này, đã vậy còn ở gần phòng của anh nữa chứ! Thật là quá đáng. Anh không thích con gái kiểu đó - hành động điều gì chỉ vì cá nhân của mình mà thôi ...

Buổi sáng, San Hô dậy sớm giúp các sư quét sân chùa. Lâu lắm rồi cô bé mới hít thở được cái cảm giác thật dễ dịu này. Hoa nguyệt quế trong sân chùa tỏa hương thơm ngát thật dễ chịu. Sư cô và San Hô ngồi bên đống lá. Sư cô gom lá lại và dùng diêm quẹt đốt lá khô.

Hai người ngồi nhìn làn khói tỏa và tiếng lá kêu lách cách thật vui tai.

Sư cô vuốt tóc San Hô:

– Có chuyện gì buồn phải không? Nói cho sư cô biết đi ... Nhưng mà ...

– Nhưng sao, sư cô?

Sư cô cười:

– Chuyện tình cảm thì không nên hỏi ta ... Ta không giúp được gì cho con đâu ...

– Dạ, con biết. Nhưng sư cô có thể cho con lời khuyên.

– Con nghe theo lời khuyên của một người không từng trải về tình cảm hay sao?

San Hô đứng lên, cô đến cạnh sư cô Huệ Tâm, ôm vai sư cô, San Hô nói:

– Lời khuyên của sư cô rất có ý nghĩa vì đó là những lời của tình yêu thương con người, của cái tâm thiện ...

– Cái con bé này khéo ăn nói. À! Ông của cháu thế nào rồi?

San Hô cười:

– Nghĩ cũng vui, tự dưng ông lại được mọi người xem như là ông của cháu ...

người dưng cả, phải không cô.

– Ừ! Người dưng nhưng có tấm lòng nên họ gặp nhau, đó là họ hàng của những người có trái tim.

San Hô chợt nhớ đến ông Chánh - người mà cô rất kính phục và xem như họ hàng ruột thịt. Ông có trang trại nho nhỏ nhưng thu hoạch được bao nhiêu, ông đều đóng góp hết cho chùa và các công tác từ thiện. Ông sống ung dung như một lão phu đã từ bỏ chốn quan trường.

San Hô nói:

– Sư nhắc con mới nhớ ... Thời gian gần đây con lu bu công việc nên ít ghé chỗ của ông ... Thế nào hôm nay con cũng ghé.

Sư cô gật đầu rồi nói:

– Để sư cô vào xem các sư đã châm trà nước chưa ... phải đổ chuông lúc năm giờ sáng.

– Ủa! Sao vậy sư?

Sư cô cười:

– Quên rồi há con ... Ngày rằm đến rồi đó.

– Vậy mà con quên, hôm nay con phải ăn chay ở đây.

– Không ghé qua chỗ ở sao?

– Con đã làm gần xong số đồ con mang về nhà rồi ... Dạo này, con không dám đưa nhiều cho sư, con muốn sư nghỉ ngơi.

– Hay chê tôi già không làm được cái gì?

– Sư ơi? Con còn phải học hỏi ở sư nhiều mà. Con chỉ muốn sư khỏe để sư còn là nơi bọn trẻ chúng con được chở che ...

– Con cứ nói làm sư xúc động.

– Bọn con xúc động vì tấm lòng bao la của các sư mới đúng. Sư ơi! Nếu sau này con không sống theo hạnh phúc đời thường của con người, sư cho con vào đây nhé!

– Nơi đây lúc nào cũng dang tay đón tất cả mọi người ... Sư vẫn mong con sống hạnh phúc như bao người khác, nhưng nơi đây vẫn mong mỏi mọi tấm lòng cùng nhau hợp sức lại để chúng ta còn có thể góp chút công sức nhỏ của mình con nhé!

– Điều đó sư khỏi lo ...

– Có mới nói nghe.

Một sư cô còn nhỏ tuổi tay xách chiếc ấm nước bước lại chỗ San Hô và sư Huệ Tâm.

Sư cô nói:

– San Hô ơi! Có cô gái sang trọng lắm muốn gặp cô kìa.

“Giáng Ngọc tìm mình làm gì? Nếu không ra gặp cô ta, liệu cô ta có chịu về không hay là lại làm om sòm nơi đây? Ai chứ cô ta dám lắm”. Nghĩ như vậy nên San Hô xin phép các sư rồi đi về.

San Hô gặp Giáng Ngọc trước cổng chùa Huệ Phúc.

San Hô gật đầu chào. Giáng Ngọc nhìn San Hô rồi nói:

– Cô sống ở chùa à?

Hồi nhỏ thôi.

– Tôi gặp cô một chút có được không?

San Hô lắc đầu:

– Xin lỗi ... tôi và cô không quen biết thì đâu có chuyện gì để nói. Tôi phải về vì tôi còn công việc nhiều lắm.

– Cô không nói chuyện với tôi à? Tôi cũng theo cô về nhà để nói.

– Rất tiếc bây giờ tôi không về nhà ...

– Cô ... là đồ “vô gia cư” chăng?

San Hô gật đầu:

– Đúng rồi, tôi là kẻ vô gia cư mà!

– Vậy thì ... tôi nói cho cô biết, cô không có xứng với anh Đông Ngữ. Nhớ đó! Nếu không, tôi không để yên cho cô đâu!

Giáng Ngọc đi rồi. Nhưng xem ra cô ta sẽ còn quay lại. Lạ thật, chẳng lẽ Đông Ngữ nói gì với cô ta, sao lại nói những lời nặng nề như vậy.

Mặc kệ cô ta, San Hô thả dọc theo bờ biển. Buổi sáng thật trong lành. Khu xóm nơi đây yên bình. Cảm giác thật dễ chịu. Có không gặp ông Chánh ở khu làng chài. Vậy là đêm qua ông đã ở bên trang trại. San Hô thích gặp ông ở đây hơn vì cứ mỗi lần sang bên ấy, cô ngại vì ông hay thuyết phục cô về quản lý trang trại. Ông còn bảo là sẽ để cho cô làm chủ trang trại khi ông về già. Ông bảo con cái của ông giàu có, nhưng ở xa nên chẳng ai quản lý và người ông thương mến và xem như con cháu của mình là San Hô, ông tin tưởng cô bé nên muốn giao lại tài sản cho cô ...

Tiếng chân ai đó lại gần, San Hô ngẩng mặt lên.

Triều cười hỏi:

– Sáng nay, anh có ghé qua chùa, các sư nói em đã về. Anh về chỗ em ở cũng không thấy, anh đoán ngay là em đến chỗ của ông.

San Hô cắt lời Triều:

– Anh kiếm em có chuyện chi không?

– Trời đất! Em còn hỏi anh như vậy sao? Anh đi cả tháng mới về, kiếm em là chuyện bình thường. Bây giờ đi ăn sáng với anh. Tối, anh qua đón em đi chơi, đi ăn luôn một thể ...

Làm gì hào phóng với em dữ vậy ...

– Anh không hào phóng, không quan tâm đến em, vậy anh còn biết lo cho ai bây giờ?

– Anh để dành mà cưới vợ.

– Đúng rồi, anh đang để dành cưới vợ .... và em hãy giữ giùm anh nhé!

– Em không thể ... Hay để em tìm giúp anh một người để ...

– Em muốn nói đến Mộng Thường chứ gì? Nhưng anh chưa ... anh chỉ muốn cưới em thôi.

San Hô nhìn quanh. Bãi biển vẫn im ắng trong buổi ban mai. Theo lời của Triều, ít hôm nữa đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi. Mùa này biển tương đối bình yên nên ngư dân trở về rồi lại ra khơi trong vòng một đôi tháng, có khi nhanh hơn thời gian họ định ...

San Hô rất e ngại chuyện tình cảm, cô đã nói rõ với Triều, vậy mà anh chẳng để ý đến điều cô nói, anh cứ muốn làm theo ý của anh.

Triều nói:

– Chúng ta đi ăn sáng rồi ghé chỗ của ông nhé.

San Hô lắc đầu:

– Để khi khác nhé anh, em có ăn ở chùa với các sư rồi ...

– Ăn ở chùa ... ăn đồ chay đó mà no gì. Với lại ...

– Không được, em còn nhiều việc lắm, anh cũng biết mà.

– Hay là em nghĩ ở cửa hàng mỹ nghệ đó đi, nhận đồ về nhà làm để không bị gò bó theo giờ giấc. Làm cho em vui thôi, còn việc khác anh sẽ lo cho em ... Em giữ “tài khoản” cho anh nghe. Của anh cũng như là của em mà.

– Không được mà!

– Em ngại à? Chẳng có gì để mà ngại, anh chỉ còn có mẹ .... nhưng ...

– Em không muốn nói chuyện đó. Em chỉ muốn nói ... là ...

– Là sao? Thôi, vào quán nước gần đây đi.

– Ở ngoài này cũng tốt mà.

– Nhưng anh muốn uống cốc cà phê. Về đất liền là thèm cà phê vô cùng.

San Hô đành theo anh ghé một quán nước gần đấy. Ngồi ở quán nhìn ra biển, những con thuyền neo ở đây chờ đợi ít hôm nữa là cùng ra khơi ... Những ngày qua chắc là ông thường đến nơi đây để nhâm nhi cùng bạn già, trẻ của ông sau mỗi chuyến họ đi biển về.

– Em uống gì?

– Cho em uống cà phê với.

– Nhiều sữa nhé!

Nói xong, Triều gọi nước. Triều đã là một thanh niên thật lịch sự, ga-lăng.

Anh cũng tốt bụng nữa. Nhưng San Hô vẫn chưa thấy xốn xang, rung động ...

Vậy mà gặp “gã” có vài lần, nàng đã nghe thắt đau trong lòng khi nghĩ đến người ta ở thị thành, còn mình, một cô gái miền biển nghèo, lại mồ côi, được lớn lên từ tấm lòng của các sư ở chùa ... Nếu một mai nàng bỏ nơi này mà đi, chắc là nàng đau lòng lắm và các sư, các sư sẽ như thế nào ...

Tiếng hát của K.L từ đâu đó vang ra, nghe sao mà não ruột tha thiết đến tê lòng:

Ngày mai em đi Biển nhớ tên em gọi về Gọi hồn liễu rũ lê thê Gọi bờ cát trắng đêm khuya Ngày mai em đi Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ Sỏi đá trông em từng giờ Nghe buồn nhịp chân bơ vơ ...

Ngày mai em đi Biển có bâng khuâng gọi thầm Ngày mưa tháng nắng còn buồn Bàn tay nghe ngóng tin sang Ngày mai em đi Thành phố mắt đêm đèn vàng Nửa bóng xuân qua ngập ngừng.

Nghe trời gió lộng mà thương ...

Giáng Ngọc nhìn Đông Ngữ rồi nũng nịu nói:

– Em về, nhưng cuối tuần em lại ra đây nữa.

Đông Ngữ kêu:

– Chi vậy?

– Anh không về Sài Gòn là em ra Phan Thiết. Vậy thôi!

Đông Ngữ lắc đầu:

– Em là gì mà giám sát anh dữ vậy. Anh không thích kiểu đó đâu nhé!

– Dẫu sao chúng ta cũng đã có tình cảm với nhau.

– Là vì em là em gái của bạn anh, thế thôi.

– Anh nói dối. Hai bên gia đình mình cũng thân thiết nhau. Lúc ở Sài Gòn, em và anh Hưng cũng hay qua lại chơi. Ba mẹ anh đi Mỹ, giờ họ về Việt Nam, hai bên gia đình lại thân thiết.

– Đó là tình thân của hai gia đình. Còn chuyện tình cảm thì không phải như vậy.

– Em không tin! Có phải vì cô gái đó mà anh hờ hững em không?

Đông Ngữ lắc đầu:

– Vậy anh coi em là gì?

Giáng Ngọc đứng lên rồi lại phía sau lưng Đông Ngữ. Cô vòng tay ôm cổ anh. Cô cố gợi cảm anh bằng cử chỉ đụng chạm thật mạnh. Rồi cô kéo anh đứng lên. Hai gương mặt đối diện kề sát nhau. Đôi gò bồng đảo của cô chờ đợi phập phồng theo từng nhịp thở:

– Anh nói đi, anh không cảm thấy em có sức rung động anh sao? Em không cần biết, anh phải là người yêu của em.

Giáng Ngọc ôm anh, tay cô mân mê gương mặt của anh, rồi lần xuống cổ áo, cô lần từng chiếc nút nơi áo anh. Đông Ngữ đẩy Giáng Ngọc ra rồi nói:

– Giáng Ngọc! Em là con gái ... không nên như thế.

Giáng Ngọc bất bình:

– Như thế là sao? Ý của anh, em là con gái không đàng hoàng chứ gì? Mặc kệ! Em chỉ muốn dành điều đó cho người em yêu. Anh có khinh em cũng được.

Nhưng anh hãy đón nhận tình yêu của em cũng như ... “dáng ngọc” là em dành cho anh ...

Giáng Ngọc tìm đủ mọi cách lay động cảm xúc tình yêu và dục vọng ở Đông Ngữ.

Nàng nghĩ mình kiên quyết sẽ có lúc đạt được thôi, vì anh cũng là đàn ông.

Cái đam mê của đàn ông là gì nếu không phải là một hình thể phụ nữ đẹp và làm sao biết được hết khu vườn cấm. Người ta còn lén lút để đến với vườn địa đàng để “ăn trái cấm” ... Ở đây “trái cấm” để sẵn mời anh ... Anh không phải là thánh, Đông Ngữ ạ? Em tin một ngày nào đó em sẽ “lật đổ” cái ngai vàng “đạo đức lạnh nhạt” của anh đối với em. Nếu như em biết được tình cảm của anh và cô gái kia, em sẽ không tha đâu.

– Đêm nay em ở đây với anh. Tự dưng nghe Giáng Ngọc thốt lên câu đó Đông Ngữ càng lo lắng nên đành rủ cô đi chơi đâu đó một vòng.

Thành phố Phan Thiết về đêm thật nhẹ nhàng, yên tĩnh ... không ồn ào náo nhiệt, không lộng lẫy kiêu sa như Sài thành. Đông Ngữ cảm thấy quyết định mở khu resort ở Bình Thuận là đúng. Thỉnh thoảng sẽ về Sài Gòn và trở qua Mỹ.

Trong đầu Đông Ngữ, ở khu resort có nhiều hình thức cho du lịch. Anh đã nhấm vào nghệ thuật viết thư pháp rồi đọc thơ, tập viết chữ, ca nhạc, bình luận thơ nhạc. Tất cả những điều này sẽ làm cho du khách thêm hứng thú với khu resort này ... Và San Hô là cô gái mà anh đang để ý. Anh muốn nói lời tình yêu với cô trước, còn việc kia thì chờ bao giờ cô đồng ý ... Cô bé sẽ giúp anh làm cho khu resort này đầy đủ và mới lạ hơn ...

Ngồi trong quán nước, Giáng Ngọc nói:

– Sao anh không đưa em vào quán bar có phải hay hơn.

– Em đi quán bar ở Sài Gòn không đã sao? Đừng đòi hỏi! Em uống gì?

– Em muốn uống rượu.

Về Sài Gòn mà uống.

– Em có thể về ngay đó.

– Tùy em! Em đến, em về tùy em. Đừng bắt anh can dự vào.

– Anh ... anh ... là đồ ...

– Đồ gì? Con gái gì ăn nói không giữ ý tứ gì cả!

– Em có nói gì sai đâu. Em muốn nói anh không phải là đàn ông ...

Cô tưởng Đông Ngữ sẽ phản đối kịch liệt, nào ngờ anh bình thản nói:

– Ừ. Vì anh là thanh niên, thanh niên thì trẻ hơn “đàn ông” chứ! Đúng không?

– Không đúng! Em nói đàn ông là chỉ chung cho những gã con trai quá là hờ hững trong chuyện “tình yêu”.

– Biết đâu đó là những tình yêu đẹp, lãng mạn.

– Anh ở nước ngoài mà sao không tiếp thu cái mới. Tình yêu bây giờ là phải nắm bắt, phải ... thân thiết, phải ... không được thì thôi, có sao đâu.

– Em có suy nghĩ như vậy là thực dụng, là hiện sinh quá ... Con gái không nên nghĩ đến chuyện “thử” đó ... Muôn đời sự tổn thương và thiệt thòi cũng là phụ nữ.

– Anh nói tình yêu bây giờ lãng mạn, đàng hoàng lắm sao? Em không tin, không tin.

– Rồi em sẽ tin, phải tin.

– Có phải vì anh giàu có nên cô ta mới bám riết lấy anh không?

Đông Ngữ cao giọng:

– Em không được nói về San Hô như thế.

– Vậy sao cô ta không buông tha anh?

– Là anh không buông tha cô ấy ... Anh theo đuổi ...

Giáng Ngọc đứng lên:

– Anh nói với em như vậy sao?

– Em bình tĩnh đã.

– Em không bình tĩnh được. Anh không biết là cô ta ở trong chùa, có nghĩa là cô ta đi tu ... Đi tu thì yêu đương cái gì? Đồ đạo đức giả. Em không phục ... Em phải gặp cô ta.

– Chẳng phải là em đã gặp rồi sao?

Giáng Ngọc ngồi xuống, trong lòng vô cùng ấm ức, cô không để yên việc này đâu. Cô làm không xong thì sẽ nhờ đến hậu thuẫn. Nhất định mẹ cô, mẹ của Đông Ngữ sẽ có cách, họ biết phải làm gì ... Hãy đợi đấy. Mi chỉ là một loại sinh vật biển bình thường thôi, “San Hô”, đừng ảo vọng, hoang tưởng về một vùng đất hứa nhưng không phải của mình ... Chỗ của mi không phải ở đó đâu San Hô?

Mộng Thường ghé nhà San Hô. San Hô đang hí hoáy viết chữ lên đá, lên vỏ sò, ốc. Trông San Hô làm chẳng khác nào một nghệ nhân thực thụ. San Hô có “hoa tay”, nhiều khi Mộng Thường muốn làm cùng bạn nhưng lại không tài nào ...

– Nghĩ gì đó nhỏ?

Nghe San Hô lên tiếng, Mộng Thường cười nói:

– Lo làm đi ... nói chuyện rồi ghi nhầm câu thơ bây giờ ...

– Ta à ... chẳng có đâu.

– “Chưa” chứ không phải là “chẳng” đâu đó nghe. Sắp xong chưa ... Nghỉ chút xíu đi. Ta có cái này ăn ngon lắm nè!

– Có ăn hả ... Ừ! Để ta viết xong câu này đã.

– Còn ta sẽ bày món chả giò lên đĩa cho mi thèm chơi.

Mộng Thường lăng xăng bày các thứ ra đĩa và dọn lên bàn. Cô lấy chén đũa ra. Hai cô vừa ngồi vào bàn thì Triều xuất hiện. Mộng Thường reo vui:

– A! Anh Triều hên quá đấy nhé, có lộc ăn!

Triều cũng cười:

– Anh cũng định mang lộc đến đây.

– Vậy à! Tiếc quá! - Mộng Thường tỏ vẻ tiếc rẻ.

San Hô nhìn Triều, cô lên tiếng:

– Sẵn tiện ... anh ăn với bọn em luôn ... Em thay mặt Mộng Thường mời anh đó.

Triều ngồi xuống:

– Anh định mời San Hô đi ăn tối, nhân có Mộng Thường, em đi luôn nghe.

Mộng Thường lắc đầu:

– Thôi, hai người đi đi, tôi đi theo đặng làm “kỳ đà” hay sao?

Bạn bè cả mà.

San Hô cười rồi cô nói với Mộng Thường.

– Mi là bạn thân mà, có gì đâu mà nói là “kỳ đà”. Nè! Anh Triều đối với ta hay mi đều như nhau thôi.

– Như nhau sao được ... Phải không anh Triều.

Mộng Thường chợt nhớ điều gì nên nói:

– San Hô! Cái ông khách lạ của mi sao rồi?

– Ừ? Mua một lúc thật nhiều đồ để làm quà.

Triều xen vào:

– Chắc mấy anh chàng Việt kiều hào phóng chứ gì?

Mộng Thường cười:

– Anh nhầm rồi ... không phải là Việt kiều ... Dân thành thị nhưng có tâm hồn đấy chứ!

Triều công kích:

– Tâm hồn gì mà tâm hồn. Tâm thần thì có.

Mộng Thường cãi:

– Tâm thần sao có tiền đặt hàng chứ!

Triều cãi lại:

– Công tử con nhà giàu nên được cưng chiều, có tiền thì làm bậy vậy mà. Có khi gã là con một. Con một thường là “con cầu con khẩn” mấy tên đó đâu có xài được, có vấn đề về thần kinh ...

Nghe Triều nói, San Hô nửa muốn xen vào nửa lại thôi vì ngại Triều. Tự dưng đem người khác ra đàm tiếu, thật là khó coi. Thật ra, San Hô không muốn đi ăn với Triều, nhưng may mắn có nhỏ Mộng Thường đến nên cô cố tình rủ bạn đi cùng.

– Đi ăn với ta và anh Triều nhé?

Mộng Thường lắc đầu:

– Thôi, mi cứ đi đi, ta coi nhà cho. Tối nay ta ở lại đây với mi nhé! Mi cứ đi với anh Triều.

Mộng Thường từ chối, San Hô mời gọi. Cuối cùng hiểu ý của San Hô nên Mộng Thường đành đi cùng để làm “kỳ đà cản mũi”, theo cô là như vậy ...

Không hiểu từ khi nào San Hô và anh lại thân nhau như thế, cách vài ngày anh lại đến đón đưa nàng đi chơi, đi ăn, anh còn chịu khó cặm cụi tập viết thư pháp trên đá.

Đông Ngữ ngừng tay:

– Mình đi nghe nhạc rồi đi dạo cho thư thả một chút nghe ...

San Hô lắc đầu:

– Nhưng anh đã viết xong chưa?

– Anh còn phải học dài dài ...

– Em thấy anh viết đẹp đẹp rồi đó ... Nhưng mà sao có người nhàn rỗi quá, bỏ phố về quê chơi mải miết. Em nghi ngờ anh lắm đó!

Đông Ngữ cười:

– Nghi anh cái gì?

– Chắc là bị ba mẹ rầy nên giận bỏ nhà đi làm nư vậy mà!

– Bộ anh giống vậy lắm sao?

– Giống lắm!

Đông Ngữ đứng lên, đến bên chỗ San Hô, anh nói:

– Nếu vậy ... anh có gia đình chắc là giàu có lắm phải không?

– Cái đó anh biết chứ em làm sao biết. Vả lại, chuyện đó không liên quan tới em.

– Tại em không biết đó thôi, anh đang có công việc làm ăn ở đây.

– Đừng nói với em là anh đang định làm công việc ở cửa hàng mỹ nghệ.

– Biết đâu ...

– Không thèm nói chuyện với anh nữa.

– Vậy thì em đi với anh nhanh lên.

San Hô không thể nào từ chối Đông Ngữ. Cô không hiểu ở gã này có điều gì mà cô dễ dàng chấp nhận như thế. Có lẽ vì ở anh, cô bắt gặp một điểm quen thuộc của mình. Hay là đó chỉ là sự ngụy tạo, vì anh muốn tán tỉnh mình nên tỏ yêu thích nghệ thuật viết chữ ... Nhưng mình có gì để anh ấy phải như thế. Nếu anh biết rõ về tình cảnh của mình, liệu anh sẽ nghĩ sao?

– Mình đi ... Nhưng mà em suy nghĩ gì mà trầm tư quá vậy?

San Hô vô tình:

– Em nghĩ đến một ... một lúc nào đó ... bỗng dưng anh biến mất khỏi thành phố biển, bỏ lại nơi đây ... lúc đó chắc là em buồn lắm ...

Đông Ngữ vòng tay ôm ngang người cô, anh xúc động nói:

– Có khi nào em nghĩ đến việc phải rời xa thành phố biển này không?

– Sao em phải xa rời thành phố biển nhỏ bé, nghèo nàn này chứ!

Đông Ngữ ca nho nhỏ bên tai San Hô:

Ngày mai em đi.

Biển nhớ tên em gọi về.

Gọi hồn liễu rũ lê thê Gọi bờ cát trắng đêm khuya Ngày mai em đi Thành phố mắt đêm đèn vàng Hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn Nghe ngoài biển động buồn hơn Ngày mai em đi Biển nhớ tên em gọi về Chiều sương ướt đẫm cơn mê Trời cao níu bước sơn khê ...

...

– Em ... đâu thể xa rời nơi đây?

– Chẳng lẽ em không “theo chồng” hay sao?

San Hô đẩy Đông Ngữ ra rồi đánh vào người anh thùm thụp:

– Em không thể ... bỏ quê hương.

– Vậy thì ... có kẻ phải bỏ phố về biển thôi. Em chịu không?

– Để xem kẻ nào “ngốc” thế!

– Dám nói anh ngốc hả ... Vậy thì phải phạt thôi ...

Bất ngờ Đông Ngữ ôm chặt cô và xoay mặt cô sát mặt anh, gắn nhẹ lên môi cô một nụ hôn ... Thật lâu, thật lâu, San Hô như quên tất cả bởi ... nụ hôn như không muốn rời xa đôi môi của nàng cứ bị quyện chặt trong hương yêu nồng nàn ...

Đông Ngữ trở về Sài Gòn. Vừa bước vào nhà đã nghe bà nội lên tiếng:

– Bộ cháu định ở lại đây với ông ấy hay sao?

Đông Ngữ ngồi xuống ghế, anh nhìn nội rồi nhìn mẹ.

– Mọi việc đã xong rồi, cháu sẽ ở lại đó.

– Với ông ấy à?

Đông Ngữ cười:

– Có muốn cũng không được ... Ông có “cõi” riêng của ông ...

Bà Hạnh lên tiếng:

– Bà cũng không hiểu nổi ... cái nhà này, tự dưng ba mẹ cháu đòi về ... Thời gian đó chưa đủ để tích lũy đâu.

Ông Đông cười:

– Mẹ à! Con cũng chưa dự định về Việt Nam luôn đâu. Con muốn xem ba sống như thế nào?

Bà Hạnh cười:

– Ông ấy vẫn sống tốt mà ... Nếu như mẹ không gặp lại ông “Kim” ... làm sao chúng ta có được như ngày nay ...

Ông Đông:

– Đừng nhắc chuyện đó mẹ!

– Ừ, không nhắc ... Nhưng mẹ không về đó dự buổi khánh thành đâu.

Bà Thanh Hiên xen vào:

– Mẹ về Việt Nam để xem công việc của cháu nội, sao mẹ lại không về dự được. Mẹ là “cổ đông” lớn của Đông Ngữ mà ...

Bà Hạnh lắc đầu:

– Mẹ không xem đó là “cổ đông”. Mẹ cho Đông Ngữ toàn quyền sử dụng.

Có điều giá như nó ... đừng đầu tư vào resort gì đó ... Mà dẫu nó có đặt ở thành phố Hồ Chí Minh mẹ càng ủng hộ hơn.

Ông Đông nhìn mẹ rồi giải thích:

– Công việc này nên chọn một vùng biển hay cao nguyên Đà Lạt hoặc nơi nào đó, chứ ở Sài Gòn thừa rồi ...

Bà Hiên an ủi mẹ:

– Thôi mẹ à! Mẹ không gặp lại “ông ấy” là được rồi ...

– Nhưng mẹ muốn về dự.

– Vậy thì con sẽ nới cháu đừng mời ông ấy.

Ông Đông cắt lời:

– Mình nói gì kỳ vậy? Ba ở đó thì phải mời ba đến dự khánh thành chứ!

Bà Hiên:

– Nhưng mẹ không muốn ... Biết làm sao bây giờ ...

– Mẹ à! Mẹ cũng nên gặp ba một lần, hai người bây giờ ...

– Tại sao mẹ phải gặp lại ông ấy, khi mà ...

Đông Ngữ đứng dậy:

– Bà và ba mẹ thôi đi, tại sao chẳng ai còn chút tình nào với ông cả vậy. Bây giờ ông sống thanh thản lắm.

Ông Đông hỏi:

– Thanh thản là sao?

– Ông có một trang trại nho nhỏ trồng nho, thanh long ... và nuôi một vài loại động vật.

Bà Hạnh cười:

– Vậy là ông ấy cũng khá giả quá rồi!

– Nhưng ông sống đạm bạc lắm, ông thường đóng góp cho công tác từ thiện ...

Ông Đông:

– Vậy thì tết rồi ...

Đông Ngữ vô tình nói:

– Ông đóng góp cho chùa nhiều lắm, con không hiểu vì sao? Ông nói là đem “cúng dường”. Cúng dường là sao hả bà?

– Bà nghĩ ông ấy cúng chùa ... biết đâu ở đó có nhà tình thương nuôi trẻ em cơ nhỡ.

– Dạ, đúng rồi! Con quên ... ở đó có nuôi trẻ em lang thang ...

– Đóng góp thì đóng góp, còn bày vẽ ... chắc là ông ấy còn lưu luyến ... nhưng người ta đã cắt đứt dây chuông ...

Bà Hiên phì cười:.

– Mẹ mê chuyện tình Lan và Điệp nên cứ nghĩ về việc cắt đứt dây chuông.

Bà Hạnh lắc đầu:

– Mẹ à? Mẹ ghét thì có ... đừng nhắc tới sư cô hay chùa gì ... mẹ bị dị ứng đó ...

Mọi người nói chuyện với nhau, Đông Ngữ không hiểu gì cả ... Ông bà đã chia tay với nhau từ lâu, chẳng biết vì sao? Điều này cho đến bây giờ Đông Ngữ cũng không rõ. Trong thời gian qua vô cùng bận rộn nên Đông Ngữ chỉ ghé ông vài lần. Những lần ông ở xóm chài, Đông Ngữ không gặp và cũng không có thời gian để đến xóm chài. Thời gian của anh đến với San Hô còn không có.

Chợt nghĩ đến San Hô, Đông Ngữ cảm thấy ấm lòng, giá như giờ này cùng ngồi trò chuyện với San Hô hay cùng cô bé viết chữ thư pháp lên các món đồ mỹ nghệ .... từng nét chữ được viết một cách điệu nghệ bay bổng với những lời thơ đầy tình nghĩa, đầy triết lý sống cao thượng.

Cả nhà đi ăn ở nhà hàng rồi bàn bạc kế hoạch đi chơi ở Đà Lạt.

Ông Đông đề nghị:

– Chúng ta đi về Phan Thiết ít ngày để xem công việc ra sao?

Bà Hiên nhăn mặt, lắc đầu:

– Tất nhiên phải về đó dự lễ khánh thành ... nhưng sau đó đi chơi đâu đó ngay.

– Mình làm như ở đó có gì ghê gớm lắm vậy.

Bà Hiên:

– Nói gì thì nói, em vẫn thích biển Nha Trang hơn. Phan Thiết chẳng có gì ngoài bãi cát vàng ở Mũi Né ...

Ông Đông:

– Chính vì sự hoang sơ đó, chúng ta cần khai thác để ở nơi đó có cái hấp dẫn riêng chứ!

Đông Ngữ xen vào:

– Đúng rồi đó ba, ở đây còn có nhiều thắng cảnh, nhiều lễ hội độc đáo nè. Ai đến Phan Thiết đều thích Mũi Né, xung quanh Mũi Né còn có nhiều cảnh đẹp như Suối Tiên, Lầu Ông Hoàng ... Địa danh này khiến cho du khách tò mò thích thú vì ... nó in nhiều kỷ niệm ...

Bà Hiên và bà Hạnh cười. Bà Hiên bĩu môi:

– Bộ con tưởng ai cũng biết gã thi sĩ điên Hàn Mặc Tử chắc.

– Mẹ ví von gì kỳ vậy - Hàn Mặc Tử là nhà thơ được nhiều người biết đến.

Đó là một nhà thơ tài năng nhưng bạc mệnh ...

– Đừng nói với mẹ là đến Lầu Ông Hoàng, chỉ nghe thôi nhiều người cũng đã tò mò ...

– Vậy cũng nên những đêm đọc ngâm thơ Hàn Mặc Tử ở Lầu Ông Hoàng, ba nhỉ?

– Ừ. Điều này, con nên hỏi ý kiến ông ... ông hiểu biết nhiều về các thi sĩ tiền chiến lắm đó.

Hai cha con bàn bạc tâm đắc.

Bà Hạnh ngăn:

– Cháu làm sao mà bà không dám về dự lễ khánh thành đó.

– Bà ngại gì chứ! Nè ... ở đây có Suối Tiên. Suối Tiên nằm ở vùng ngoại ô thành phố Phan Thiết, cách trung tâm thành phố mười tám kí lô mét về hướng Đông Bắc trên đường đi Mũi Né. Suối Tiên là một điểm du lịch dã ngoại rất lý thú của Bình Thuận ...

– Trời đất! Nó định làm hướng đẫn viên du lịch luôn chắc.

Bà Hiên xen vào.

Bà Hạnh nghe đến Suối Tiên nên hỏi tiếp:

– Suối Tiên chắc là nơi linh thiêng lắm phải không cháu?

Đông Ngữ nói tiếp:

– Đó là một con suối nhỏ từ độ cao hơn sáu kí lô mét chảy trên sườn đồi bao quanh Hàm Tiên, chảy qua những hàng dừa xanh, qua đồi cát khô cao vút màu đỏ chạy dọc theo con suối. Suối Tiên đẹp nhờ sự pha lẫn nhiều màu sắc của đất và cát ...

Bà Hạnh cười:

– Cái thằng ... bà hỏi để xem có nhiều chùa chiền hay không?

Đông Ngữ cười:

– Chùa và lễ hội thì bao la ... Bà muốn đi chùa nào?

Bà Hạnh cũng cười:

– Cháu không giới thiệu, bà đâu có biết.

Đông Ngữ vui vẻ nói:

– Nào là chùa Hang, chùa được xây dựng trong hang đá. Chùa Bảo Sơn, chùa Linh Sơn, Trường Thọ ....

Bà Hiên ngăn lại:

– Thôi được rồi, lo mà ăn đi. Bà sẽ ghé resort để tham quan mọi việc xem vốn của bà đầu tư có đúng chỗ hay không?

Ông Đông vừa định lên tiếng về sự khó nghe trong lời của vợ, nhưng ông lại thôi vì không muốn rắc rối.

Mọi người ăn uống vui vẻ. Bà Hiên lên tiếng:

– Mẹ có kêu Giáng Ngọc với cô Giang Ny đến dùng bữa nhưng họ bận việc đi đám họ hàng gì đó. .... Ông Đông càu nhàu:

– Cô Giang Ny là bạn của em thì mời cô ấy, còn kéo theo con gái để làm gì?

Bà Hạnh lẫy:

– Con nói vậy là không quan tâm đến con cái. Theo mẹ biết, chẳng phải Giáng Ngọc và Đông Ngữ có mối quan hệ thật tốt hay sao?

Về nước lần này, bà muốn làm lễ đính hôn cho cháu Ngữ ...

Đông Ngữ giật mình:

– Hả! Bà nói sao ... cháu chưa đầy ba mươi tuổi cháu chưa muốn cưới vợ đâu?

Bà Hạnh cười:

– Thì làm lễ đính hôn rồi vài năm nữa cưới, khi đó cháu đã trở thành doanh nghiệp tài giỏi rồi.

Bà Thanh Hiên cười vui. Bà nói:

– Mẹ thấy con với Giáng Ngọc quá đẹp đôi, về chỗ thông gia lại càng tốt hơn vì có mối quan hệ bạn bè.

– Mẹ à! Chuyện đó nói sau đi!

– Nói sau là chưa muốn có vợ hay là con đã quen đứa nào khác.

Nghe lời của mẹ nói, Đông Ngữ biết mẹ chỉ thích và quý mến Giáng Ngọc, con gái của bạn mẹ. Trời ạ! Giáng Ngọc đối với anh chỉ là cô em gái nhỏ kiêu kỳ mà thôi.

Bà Hạnh tán thành:

– Cháu cũng nên chọn một nơi thích hợp với lối sống của gia đình mình.

Ông Đông nhã nhặn bênh con:.

– Mẹ và vợ con muốn cưới vợ cho cháu phải “môn đăng hộ đối” hay sao?

– Tất nhiên rồi! - Bà Hiên gật đầu.

– Nhưng chuyện đó cũng đã xưa rồi. Quan điểm đó không nên duy trì.

Bà Hiên:

– Theo em, mãi mãi điều đó vẫn là quan niệm sống đúng.

Đông Ngữ xen vào:

– Thời đại này là thời đại nào rồi. Đã vậy, mẹ từng sống ở nước ngoài, sao tư tưởng của mẹ lại “cổ hủ” như vậy.

– Trời đất! Mẹ và anh thấy không. Con trai của chúng ta nó hiện đại quá nên xem chuyện gia phong là cổ hủ ...

– Thấy vợ nổi giận vô cớ nên ông Đông lảng sang chuyện khác.

Bữa ăn vẫn rôm rả về buổi khánh thành, nhưng cuối cùng bà Hiên vẫn khẳng định:

– Nói gì thì nói, mẹ chỉ ưng con Giáng Ngọc cho con mà thôi, Ngữ ạ!

Đông Ngữ muốn dành cho San Hô một bất ngờ lớn khi phát hiện về anh, nhưng mọi việc lại không may mắn - San Hô đã đi công tác ở thành phố Hồ Chí Minh, nên buổi khánh thành khu resort “Biển Gọi” San Hô không được dự và cũng không biết gì ...

Buổi chiều, mọi người đến trang trại của ông Chánh - ông cho người nấu nướng để đãi người thân sau thời gian xa cách khá lâu. Chỉ có Đông Ngữ là “hậu sanh” nhưng lại thừa nhận ông nội và lúc nào cũng sống có tình nghĩa.

Bà Hạnh thấy ông Chánh, lăng xăng nên ngồi xuống ghế và điềm tĩnh nói:

– Ông không cần phải đón tiếp rình rang như vậy. Nghe nói ông sống đạm bạc, thanh nhàn ... nhưng ông lại “góp phần” vào resort của Đông Ngữ, tôi muốn trả lại cho ông để không phải “cổ phần hóa” resort này ...

Ông Chánh khổ sở:

– Sao ... không có thằng Ngữ đến đây, để nó nói rõ cho bà rõ ... Tôi không có ý đó đâu.

– Bà hiểu không?

Bà Hạnh sắc lạnh:

– Tôi không tin có “thánh” như vậy ở cõi đời này. Mà ông đừng có làm gì để đãi tôi và tụi nhỏ ... Lát trở về khu resort ... tha hồ ... À! Sao ông không đến dự?

Ông Chánh thấy thái độ của bà Hạnh nên lạnh lùng nói:

– Mà ý của bà ... cũng muốn vậy mà!

– Nhưng ông được lòng của thằng cháu ...

Ông cười buồn:

– Chẳng qua nó thương hại thôi ...

Bà Hạnh cay cú:

– Ông biết nó thương hại tại sao lại còn ... cho nó tiền, nếu không vì ông cũng muốn góp chút ít vào để có “cổ đông”.

– Sao bà lại nói như vậy?

– Tôi muốn trả tiền cho ông để không phải mang tiếng là Việt kiều mà lợi dụng vào ông.

Ông Chánh khổ sở:

– Bà nghĩ sao mà nói như vậy? Đừng nhắc chuyện tiền bạc với tôi ... Tôi không quan trọng, vấn đề ở đây là tôi chỉ có chút đỉnh nên cho thằng nhỏ ... Nếu như nó không đầu tư kinh doanh thì nó cũng là kẻ có tiền. Ở xứ người, đi làm như nó là giàu rồi ... cần gì tiền bạc của ông già này.

Ông Đông xen vào:

– Ba à! Ý của mẹ cũng không có gì đâu ... Chỉ là vì ba ở đây có một mình, cũng nên để dành tiền mà hậu thân.

Bà Hạnh:

– Tôi không quan tâm chuyện đó. Ông ấy có con đường của ổng. Tôi đã có con đường của tôi ...

– Vậy thì thôi. Tôi xin mọi người đừng hành hạ lẫn nhau dù đó chỉ là lời nói.

– Vậy thì ông hãy thẳng thắn cho tôi biết, ông đã đưa cho Đông Ngữ bao nhiêu tiền.

Nghe bà Hạnh nói, ông Chánh nghe đau lòng vô cùng. Trong quá khứ, ông có lỗi với bà nên cả đời ông đã sám hối bằng tất cả tấm lòng. Ông xem công việc từ thiện là trên hết. Ông có cơ sở làm ăn nhưng ông không màng phú quý.

Vậy mà trong lòng bà Hạnh - người vợ của ông một thời - bà cứ giữ mãi nỗi đau để rồi vô tâm với nhau. Rất may là cha con Đông Ngữ vẫn còn dành cho ông chút tình cha con, ông cháu. Ngay cả đứa con gái mà ông rất mực thương yêu là Quý Đông, vậy mà con gái của ông lại ngoảnh mặt với người cha đẻ của mình ...

– Ông nói đi! Nếu như ngại thì thôi vậy, tôi sẽ hỏi Đông Ngữ. Thật ra, tôi và các con không muốn Đông Ngữ nó làm khu resort ở nơi đây. Có thể do sự sai lầm hay do bị xúi giục. Nhưng thôi, đã lỡ rồi. Nhưng tôi cũng không cho nó ở hẳn nơi đây. Công việc của nó ở bên ấy tốt lắm, không biết tại sao nó lại đòi về Việt Nam lập nghiệp. Tôi mà biết người xúi giục nó, tôi không để yên đâu.

– Chắc là bà nghĩ tôi xúi giục cháu chứ gì?

Bà Hạnh:

– Tôi không nói ai hết ... Nếu ông không để ý đến điều tôi nói thì chẳng có gì bận tâm.

Ông Chánh đành im lặng. Gặp lại những người thân bao năm trời xa cách, dẫu cho mỗi người một nơi, trong lòng ông chưa kịp vui mừng thì bà Hạnh lại buông những lời khó nghe khiến cho niềm vui của ông chưa kịp đến, nỗi buồn tủi đã lại kéo đến ...

Cũng may con bé San Hô xuất hiện, nó đến như cơn lốc.

Lao vào nhà, chỉ kịp gật đầu chào mọi người rồi nói với ông Chánh:

– Ông ơi! Hôm nay là ngày Phật Đản, bộ ông quên hay sao mà lại không đến.

Ở chùa, ai cũng nhắc ông ... Nhưng mà nhà đang có khách, vậy cháu về nha ông?

– San Hô à ... Nhưng thôi, cháu về đi. Tối, ông sẽ qua chùạ. San Hô đi rồi, bà Hiên góp lời:

– Con nhỏ thật “vô duyên” Bà Hạnh đồng tình:

– Ừ. Sống ở quê riết chẳng còn cái lịch sự tối thiểu.

Ông Chánh bênh San Hô:

– Con nhỏ có chào mọi người đó chứ! Cũng đừng nên bắt bẻ, nó vốn là đứa mồ côi được nuôi dưỡng và lớn lên ở chùa ...

– Hay là con cháu gì rơi rớt của người ta.

– Phải được như vậy cũng tốt.

Bà Hạnh lạnh lùng, cao giọng:

– Tôi thật không ngờ, ông già rồi mà cũng còn tệ ....

Ông Đông cằn nhằn rồi bỏ đi:

– Mẹ ơi! Mẹ thấy mẹ có quá đáng không? Hai người đã không còn gì với nhau, đã sống cách xa nửa vòng trái đất, thì còn gì phải hành hạ lẫn nhau.

Không phải là mẹ đầy kiêu hãnh vì mẹ từng là “quý bà” giàu có ...

Bà Hiên:

– Anh đừng có càu nhàu mẹ ....

Quay sang bà Hạnh, bà Hiên nói:

– Mình về thôi mẹ.

Bà Hạnh gật đầu:

– Ừ. Mẹ cũng muốn đi về ngay thôi, cứ thấy ông ấy là lòng mẹ sôi sục lên.

Ông Đông đến bên mẹ và vợ, ông nói:

– Mẹ và vợ con về bên khu resort đi, con sẽ ở lại đây. Đừng chờ, có thể mai hoặc mốt con về.

Bà Hiên càu nhàu:

– Anh ở đây làm gì?

– Ở lại xem ba điều hành trang trại ra sao mà ba lại có phong thái ung dung như thế ...

Bà Hạnh kéo tay con dâu:

– Mình rời khỏi nơi đây đi con ...

Khi bà Hạnh và bà Hiên về rồi, ông Đông mới nói với ông Chánh:

– Ba à! Ba đừng buồn về những lời nói của mẹ con.

Ông Chánh cười:

– Ba quen rồi. Gặp lại gia đình, ba xúc động muốn ôm mọi người, nhưng rồi cũng chỉ đứng nhìn và nghe những lời đau lòng ấy. Nhưng ba chịu đựng được mà!

– Hai cha con ôm nhau vui mừng. Ông Chánh hỏi:

– Con có muốn đến một ngôi chùa ở gần đây không. Hôm nay lễ Phật Đản nên người ta đến cúng dường đông lắm.

Ông Đông đi cùng ba đến chùa Huệ Phúc. Đến nơi đây, anh được biết có một vị sư cô đã từng mang những đứa trẻ bất hạnh về nuôi dưỡng và khi các bé trưởng thành lại được các sư cho học chữ học nghề ...

Ông Đông cúng dường một số tiền rồi cùng ba đi dạo quanh chùa. Ông Đông cũng không dám hỏi ông Chánh về mọi chuyện. Họ gặp sư cô Huệ Tâm, nghe bà nói về công việc của chùa. Đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ không có trong danh mục tham quan của thành phố du lịch biển, nhưng ngôi chùa này được biết đến như một ngôi nhà tình thương dành cho những đứa trẻ bất hạnh được các sư đem về nuôi dạy ... Nghe kể về các sư, ông Đông cũng nể phục họ vô cùng.

Gặp cô bé San Hô, ông Chánh giới thiệu:

– Đây là con trai của ông đó, San Hô.

San Hô gật đầu chào:

– Dạ .... cháu chào bác.

Ông Chánh ngợi khen San Hô:

– Con bé có tay nghề khéo léo và đẹp lắm đó con!

San Hô mắc cỡ:

– Kìa ông! Cháu có làm gì đâu?

Ông Chánh quay sang con trai, ông nói:

– Ba nhớ có bài thơ nói về “ông đồ”, có phải bài thơ trong giai đoạn thơ của thập niên ba mươi, bốn mươi lăm của thế kỷ hai mươi không con.

– Ba nói y như người thầy đang dạy.

Ông Chánh lại đọc thơ:

Mỗi năm hoa đào nở Lại thấy ông đồ già Bày mực tàu giấy đỏ Bên phố đông người qua Bao nhiêu người thuê viết Tấm tắc ngợi khen tài “Hoa tay thảo những nét Như phượng múa rồng bay ...

Ông Đông cắt ngang:

– Ý của ba là ...

Ông Chánh chỉ San Hô – Con bé này có bệt tài như “ông đồ” đó ... nhưng nó viết thư pháp chữ quốc ngữ ...

Ông Đông ngạc nhiên nhìn San Hô:

– Vậy sao? Đời này hiếm thấy lắm ... Mà nè! Bác có thể đặt hàng không? Bác cũng thích thư pháp lắm.

Ông Chánh vui sướng giới thiệu tiếp:

– Con thích chữ màu gì ... sẽ được đáp ứng ngay.

Ông Đông cười:

– Thường là chữ có nét màu đen trên vật dụng màu trắng hoặc ngược lại ...

Ông Chánh cười:

– Nhưng con bé viết nét chữ màu tím trên nền trắng của vỏ sò ... Trời ơi! Nó mới đẹp làm sao!

– Vậy hả ba? Ba làm con thắc mắc, tò mò rồi đó.

– Vậy thì đến cửa hàng mỹ nghệ để xem hàng và mua giúp ...

– Sao ba giống như tiếp thị cho một công ty nào đó.

Ông Chánh cười rồi nói:

– Đó là con bé mồ côi, nó từng ở chùa này, lớn lên được đi học và trưởng thành rồi đi làm. Nhiều đứa bé xuất thân từ mái chùa này và đã sống tốt với đời.

Ba thấy vui lắm, vì ít ra mình cũng có đóng góp đôi chút. Ba rất muốn làm điều gì đó cho đời nên ba đã đặt sự “sám hối” của mình vào công việc từ thiện.

Chẳng biết ba có làm sai không ... Với lại, chuyện đưa cho Đông Ngữ một số tiền, ba hoàn toàn không có ý gì cả.

Từ chuyện này, ông Chánh nói sang chuyện khác như để biện minh cho tấm lòng của mình. Ông Đông đặt tay lên vai ba rồi nói:

– Con hiểu mà, ba đừng quá đau khổ như vậy. Con tin là những gì ba làm thật tốt, thật hay. Đúng đắn và cao cả lắm ba ...

Ông Chánh xúc động, nên nói “lạc quẻ”:

– Hay là con ăn cơm chay ở chùa một bữa nghe ...

Hai cha con cùng cười ...

Ông Đông cùng cha được nhà chùa mời dùng bữa cơm chay. Các sư nhận được sự giúp đỡ tiền bạc và một số thực phẩm từ ông Đông và ông Chánh.

Sư cô Huệ Tâm cám ơn hai người rối rít.

Ông Đông hỏi:

– Thưa sư cô, tôi có thể giúp cho chùa được gì, tôi sẵn sàng.

Sư cô Huệ Tâm:

– Xin cám ơn thí chủ, sự đóng góp của thí chủ vô cùng quý báu, chúng tôi không dám đòi hỏi gì hơn.

Ông Chánh góp lời:

– Tôi có bàn với con trai tôi và một số bạn bè. Chúng tôi muốn xây một phòng thư viện, một phòng vi tính để cho các em có điều kiện tiếp cận với sách báo và công nghệ thông tin ...

Sư cô cười, gật đầu:

– Điều đó các sư ở đây chỉ dám mơ thôi. Các em nhỏ cơ nhỡ được ăn học và có chỗ nghỉ là chúng tôi cảm thấy quá hạnh phúc rồi. Nếu nghĩ đến những gì tiến bộ của xã hội, có lẽ chúng tôi không dám, vì còn nhiều vấn đề phải lo toan.

Ông Đông gật đầu:

– Chúng tôi biết những khó khăn mà chúng ta gặp phải ... Nhưng đây là tấm lòng của chúng tôi, chúng tôi sẽ cố gắng ... Các em nhỏ cần có sách để đọc, để học, cần có máy vi tính để thực hiện công việc. Xin các sư cứ yên tâm, chúng tôi sẽ vận động người thân để hoàn tất tâm nguyện của ba chúng tôi.

Sư cô đưa cha con ông Chánh đi xem chỗ ở của các em. Ông Đông vô cùng xúc động khi nhìn các em nhỏ. Ông cảm phục các sư ở chùa quả là có một cái tâm quá thánh thiện. Một ngôi chùa nhỏ toàn là sư nữ, các sư như những vị thánh đã giúp các em nhỏ bất hạnh có nơi nương tựa. Họ quả là đáng khâm phục.

Ông Chánh hỏi con trai:

– Con có ý định đó thật sự à?

– Dạ. Con sẽ vận động thêm bạn bè rồi sẽ thực hiện ...

– Ừ. Ba ủng hộ con.

– À! Ba chỉ con chỗ để mua hàng mỹ nghệ nha. Con sẽ đặt hàng.

Ông Chánh trố mắt:

– Để làm gì mà nhiều dữ vậy con.

– Con biếu bạn bè, người thân.

– Hai cha con có một “gu” hà.

Ông Đông cười:

– Đông Ngữ thế nào ba?

– Nó cũng đặt hàng thật nhiều như con vậy?

Ông Đông cười:

– Hay là nó mê người viết chữ nên mua nhiều cũng nên.

Ông Chánh gật đầu:

– Chắc là vậy. Nếu nó thích người viết cũng tốt thôi. Con bé viết thư pháp nó đẹp và ngoan lắm!

Ông Đông gật đầu:

– Con cũng muốn Đông Ngữ sẽ có bạn gái tốt. Tuổi trẻ ngày nay giỏi, năng động, nhưng hình như đạo đức và tình cảm kém hơn ngày xưa, ba nhỉ?

– Ừ.

Ông Chánh đưa tay chỉ những khoảng đất trống quanh chùa, ông nói:

– Có được một thư viện cho tụi nhỏ là một việc tốt, con nhỉ. Bọn nhỏ bây giờ nó đâu có chịu đọc sách, viết chữ ... cứ lên máy vi tính mà chơi games, mà đánh mà đấm, riết rồi có đứa từ ngữ sai chính tả trầm trọng. Giá mà cái gì cũng chừng mực thì hay biết bao nhiêu!

– Xã hội ngày càng tiến bộ .... Cái gì cũng phải phát triển. Nhưng ... khoa học cũng phải có cái nhược chứ ba!

– Ừ.

Hai cha con ông Chánh đi loanh quanh chùa một lúc rồi xin phép ra về ...

Ông Đông trở về trang trại với ông Chánh.

Đi quanh khu vườn nho, nhìn khu vườn thanh long bát ngát mượt xanh vời những trái thanh long hồng thắm trông mới ngon làm sao!

Mảnh đất quê hương khô cằn nhưng ít ra cũng có những loại cây thích nghi, biết đâu những loại cây này sẽ làm giàu cho quê hương. Ông Chánh chỉ vườn nho rồi nói:

– Con xem nho của quê mình có thể sánh với nho ngoại quốc không?

– Con nghĩ là có thể đó ba. Thực ra, trái cây của mình rất ngon ... Có điều, sản phẩm của mình bị xử lý phân, thuốc nhiều nên khó đảm bảo “xanh, sạch”, mà nhu cầu “xanh, sạch, chất lượng” thì ai mà chẳng thích.

– Ba có cần khuếch trương trang trại hay không?

– Ba lớn tuổi rồi nên đâu có thể mở rộng trang trại. Ba cũng muốn lắm, nhưng thôi, để sau này bọn trẻ nó làm ...

Ông Đông đưa tay chỉ những cây thanh long rồi nói:

– Giá như thanh long được đóng hộp hay làm một thức uống nào đó chắc là thích lắm, ba nhỉ?

– Ba cũng hy vọng sau này tuổi trẻ sẽ tìm ra nhiều công nghệ để xử lý các ý tưởng mà cái đời của cha con mình chưa làm được.

Ông Đông cười rồi đi quanh trang trại.

Buổi sáng đang ngồi ở trong cửa hàng mỹ nghệ, San Hô đang hí hoáy viết chữ. Ngẩng mặt lên, bắt gặp gương mặt của cô gái kiêu kỳ mà mình đã gặp, San Hô không thèm trả lời dù nghe rất rõ lời cô ta:

– Cô vẽ vẽ, viết viết như thế này một ngày bao nhiêu món đồ và quy thành tiền là bao nhiêu nhỉ?

San Hô vẫn lặng thinh, cô gái càng kiêu kỳ:

– Sao tôi hỏi mà cô không trả lời ... bộ cô không biết phép xã giao hả?

San Hô đáp trả:

– Ủa! Bộ cô hỏi tôi hả?

– Không hỏi cô, tôi hỏi ai! Tôi mà là chủ ... chắc chắn sẽ không thuê người như cô.

– Bởi vậy chẳng bao giờ cô là chủ của tôi.

– Tôi mà thèm làm chủ của cô à?

– Vậy cô đến đây để mua hàng, xin cứ lựa chọn, cửa hàng này có nhiều hàng lắm đó.

– Ở Sài Gòn khối hàng mỹ nghệ cao cấp hơn, còn ở nước ngoài thì vô cùng.

Tôi cần gì mấy thứ này. Tôi muốn gặp cô có được không?

– Xin lỗi, tôi đang bận việc.

– Tôi sẽ bù cho cô.

San Hô nổi đóa:

– Cô nghĩ sao mà nói vậy? Tôi đi làm để kiếm sống thì phải chấp hành nguyên tắc chứ!

– Nguyên tắc gì ở đây chứ! Cô có biết là chúng tôi ...

San Hô đi lại chỗ cái kệ đựng hàng mỹ nghệ, cô cầm một con ốc với hàng chữ:

“Sống trong đời cần phải có một tấm lòng”. Đưa con ốc cho Giáng Ngọc, San Hô nói:

– Tặng cho cô con ốc này để ...

San Hô lấp lửng rồi cười, Giáng Ngọc cầm con ốc và ném mạnh xuống nền rồi ngoe nguẩy bỏ đi. San Hô nhìn theo cười.

San Hô vừa bước ra ngoài thì Mộng Thường đến. Mộng Thường hoảng hốt khi thấy ngổn ngang mảnh sò trên nền, cô hỏi bạn.

– Có chuyện gì xảy ra vậy nhỏ?

San Hô rụt cổ:

– Chịu! Tự dưng có một cô gái đẹp đến quậy ta ... thử hỏi có tức cười không?

– Tại vì cô ta ghét mày.

– Ta làm gì mà ghét ta dữ vậy?

– Mi được yêu.

– Yêu đương gì ở đây?

Mộng Thường cười:

– Làm sao ta biết được. Mà thôi, đi ăn với ta nhé!

– Ừ. Đợi ta một chút.

Hai cô bạn vừa ra khỏi cửa hàng thì gặp Triều. Mộng Thường hào hứng:

– Anh có đi cùng bọn em không?

Triều cười:

– Anh định đến rủ hai cô đi ăn nè!

Mộng Thường cũng cười:

– Lời mời hấp dẫn đó ... Vậy chúng ta đi ăn nhé anh!

Triều gật đầu.

Ba người cùng ăn ở một hiệu ăn, họ vừa ăn vừa nói cười vui vẻ. Triều lên tiếng:

– Chúng ta ăn xong đi chơi luôn nha. Lâu lâu về đất liền nên thấy buồn quá.

Chúng ta đi uống cà phê trước đã.

Mộng Thường vui vẻ:

– Đúng rồi đó. Em cũng đang muốn uống cà phê đây!

San Hô đứng lên nói:

– Hai người đi uống cà phê đi, em còn có việc phải ghé qua chùa một chút.

Mộng Thường hỏi:

– Tối rồi mà, mi ghé chùa làm gì?

San Hô cười:

– Thì công chuyện của ta với các sư ở chùa đó mà. Thôi, hai người ở lại uống cà phê. Em về trước nghe anh Triều.

San Hô đi nhanh vì sợ Triều theo. Mộng Thường nhìn bạn ngầm cám ơn.

Mộng Thường nhìn theo bạn một lúc rồi lên tiếng:

– Hay mình đi về, anh nhỉ?

Triều cười:

– Đi uống cà phê chứ!

Triều đưa Mộng Thường vào quán cà phê. Hai người đang rôm rả trò chuyện, bất ngờ Mộng Thường thấy anh chàng của San Hô và cô gái kiêu kỳ vào quán, trông hai người thật thân mật.

Anh chàng và cô gái ngồi ở góc bàn gần đấy. Hai người chuyện trò ra vẻ thân thiết quá. Cô gái sang trọng, quý phái vô cùng. Tội nghiệp cho San Hô làm sao? Con nhỏ ngộ nhận tình yêu của anh ta hay là yêu nhầm? Không thể! Có lẽ vì ... quá si tình nên San Hô đã lầm. Thật tội nghiệp cho San Hô. Mộng Thường càng nghĩ càng giận gã, muốn đến để vạch bộ mặt của gã, nhưng lý do gì chứ?

Người ta đã hứa hẹn gì với San Hô đâu? Tình cảm vốn là một thứ tình cảm phức tạp kia mà ...

– Mộng Thường ... Em sao vậy?

Mộng Thường giật mình, cô ngại ngùng:

– Dạ .... em ... em.

– Em đang mơ mộng phải không?

– Em không dám mơ mộng thì đúng hơn.

– Sao lại không dám ... Em có điều kiện mà!

– Điều kiện để mơ chàng Bạch mã ... Mơ thì có mơ đó, nhưng để có được chàng “Bạch mã” của em chắc là khó lắm ...

– Em tự ti đó thôi!

– Làm gì tự ti chứ! Người ta nói mà thôi ... Có lẽ một phần vì em quá tự ti.

Triều cười:

– Em lẩn thẩn quá đấy!

Tự dưng anh chàng nói mình “lẩn thẩn”. Mộng Thường thèm giận anh chàng vô cùng. Cô bé vội lảng sang chuyện khác.

Mộng Thường cố ý:

– Chắc là San Hô có hẹn ...

Triều nổi giận:

– Hẹn gì? Với ai?

Mộng Thường rụt vai:

– Em xin lỗi, em tưởng anh biết ... Thôi, cứ xem như em chưa nói gì hết vậy.

Triều tức tối:

– Em biết gì nói anh nghe với ... sao lại giấu anh?

– Em đâu có biết chuyện gì mà giấu ...

– Em có biết.

– Không mà.

– Em có coi anh là bạn không?

– Sao anh không tự tìm hiểu.

– Anh đi suốt làm sao biết chuyện gì xảy ra. Em và San Hô thân nhau. Em biết San Hô có bạn à?

Mộng Thường suy nghĩ rồi mới nhẹ nhàng nói:

– Hình như có một chàng “Bạch mã” đang theo đuổi San Hô.

Triều cao giọng:

– Hắn là ai? ...

– Em chỉ biết đó là một anh chàng giàu có, ở thành phố về đây lập nghiệp.

– Ở Thành phố Hồ Chí Minh à?

Mộng Thường lắc đầu:

– Em quên! Anh ta ở Mỹ về Việt Nam đầu tư.

– Có nghĩa là em vẫn còn giấu anh. Sao vậy Mộng Thường?

– Em đi làm suốt, thỉnh thoảng mới gặp nhau.

– Em không nói, anh tự tìm hiểu vậy? Mình về thôi?

– Em nghĩ là anh ... đừng nên hỏi San Hô. Bạn ấy cũng có quyền yêu, có quyền tự do chứ ...

– Tự do gì chứ! Tự do yêu đương à.

– Bạn ấy có quyền lựa chọn chứ!

– Nhưng San Hô phải biết là anh ... rất thương cô ấy.

Mộng Thường giận dỗi:

– Đó là quyền của anh. Còn San Hô thì sao, anh có biết cảm nhận của bạn ấy không?

– Cảm nhận gì chứ?

– Với anh, San Hô chỉ xem như một người anh.

Triều lớn giọng:

– Anh à! Vì sao? ...

– Anh nói nhỏ một chút, kẻo người khác tưởng em và anh đang gây gổ đó.

Triều cười nhếch môi:

– Tình cảm từ bấy lâu nay, vậy mà đối với San Hô, anh chẳng là gì sao? Anh không tin, anh phải hỏi San Hô.

Mộng Thường nhã nhặn:

– Có nhất thiết như vậy không? Chẳng lẽ anh đi hỏi San Hô là có thương anh không?

– “Yêu” chứ không phải “thương”!

– Tùy anh! Em chỉ muốn nói là tình yêu không thể áp đặt hay ép buộc.

– Anh cứ ngỡ tình cảm của anh dành cho cô ấy, cô ấy phải biết chứ. Chẳng lẽ vì anh mải miết đi theo tàu ... Anh sẽ hỏi cô ấy muốn anh làm gì?

– Anh Triều à? Em nghĩ không phải như vậy.

Triều lẩm nhẩm:

– Hắn là Việt kiều à! Cũng đúng thôi. Tại sao San Hô lại đối xử tệ với anh như vậy chứ? Thật là tàn nhẫn mà!

Mộng Thường phân trần:

– Anh không nên trách San Hô ... chuyện tình cảm ...

Triều cắt lời Mộng Thường:

– Chuyện tình cảm không nên áp đặt chứ gì. Nè! Anh với San Hô không phải là đã biết nhau, thân nhau từ rất lâu rồi hay sao?

– Thân nhau không có nghĩa là yêu nhau ...

– Anh không tin như vậy ...

– Chuyện đó anh gặp San Hô mà tìm hiểu. Em chỉ biết rằng nhỏ ấy đang có người theo đuổi. Vậy thôi. Anh cho em về ...

Triều ngạc nhiên trước thái độ của Mộng Thường:

– Ủa! Em sao vậy? Em đòi đi uống cà phê, giờ đòi về ...

– Vì em hết cảm hứng rồi ...

– Sao vậy?

Mộng Thường dỗi:

– Anh tự suy nghĩ đi. Dẫu cho anh với San Hô có gì đi chăng nữa, nhưng khi đi với một cô gái này thì cũng đừng nên nói về một cô gái khác ...

– Nhưng em và San Hô là bạn thân kia mà!

– Chính vì vậy ... mới có chuyện đó!

Mộng Thường im lặng, lòng nặng trĩu. Chẳng lẽ nói thẳng với anh là mình có cảm tình với anh. Còn San Hô, San Hô chỉ xem là bạn, là bạn mà thôi.

Nỗi lòng của cô chỉ có San Hô biết. Tội nghiệp, lúc nào San Hô cũng muốn cô và Triều đến với nhau, vậy mà Triều vẫn ơ hờ như không hề biết. Chẳng lẽ cô ... cô là con gái kia mà. Mộng Thường chẳng muốn nghĩ đến Triều. Anh như con thuyền, cứ lênh đênh trên biển rộng sông dài, chẳng biết khi nào đỗ bến. Cứ muốn quên, cứ muốn không nghĩ tới, nhưng vẫn không thể, không thể nào!

Giáng Ngọc thức dậy sớm vì suốt đêm khó ngủ. Cô sang gõ cửa phòng Đông Ngữ. Đông Ngữ “sật sừ” vì thức sớm, anh cằn nhằn:

– Là em đó à?

Giáng Ngọc nũng nịu:

– Em không ngủ được. Đi xem mặt trời mọc trên biển với em đi. Đẹp lắm!

Đông Ngữ nói:

– Em về phòng rồi anh qua.

Giáng Ngọc đề nghị:

– Em về thay đồ tắm ... mình tắm luôn nghe.

– Không đi ăn sáng à?

– Còn sớm mà anh?

Đông Ngữ gật đầu:

– Ừ ... Cũng được.

Giáng Ngọc vui sướng về phòng. Cô chọn chiếc áo tắm đẹp và gợi cảm rồi mặc vào và soi gương. Cô thoa kem chống nắng và trang điểm nhẹ nhàng rồi khoác chiếc khăn lông to lên người rồi trở sang phòng Đông Ngữ.

Đông Ngữ cùng Giáng Ngọc ngắm mặt trời mọc trên biển, trong lòng anh cứ chập chờn hình ảnh San Hô. Giá như cô gái đang ngồi cạnh anh là San Hô. Tình cảm của anh dành cho San Hô thật khác lạ với cảm xúc khi ngồi bên cạnh Giáng Ngọc. Biết nói sao để Giáng Ngọc hiểu rõ lòng mình ... Hình như Giáng Ngọc không muốn hiểu điều đó nên cứ tìm cách về đây.

– Giáng Ngọc à! Thật ra anh ...

– Anh nói gì em cũng mặc kệ. Em chỉ biết rằng, em rất yêu anh và hai bên gia đình của chúng ta đã có lời hứa hẹn.

– Em quên là chỉ vì mẹ của anh và mẹ của em là bạn nên hai người nói như vậy để giữ tình bạn tốt đẹp mà thôi.

– Có nghĩa anh không hề yêu em ư? Em không tin. Anh rất lo cho em, chiều chuộng em kia mà!

– Thì anh cũng giống như Thuận Hưng, anh trai của em ...

– Em không tin như vậy.

– Hãy hiểu cho anh, anh không thể, Giáng Ngọc à!

– Không thể yêu và cưới em sao? Em đã nói rồi ... có thể vì nhất thời anh gặp và mến cô ta nên anh cho rằng anh yêu. Tình yêu đâu hề đơn giản như thế hả anh?

– Đó là “tiếng sét”, có khi là như vậy. Trong ngôn ngữ tình yêu, “tiếng sét” là một cung bậc thật dữ dội ...

Hai người lặng lẽ ngồi bên nhau. Đông Ngữ càng cố giải thích, Giáng Ngọc càng dỗi.

Đông Ngữ lặng yên. Cô bé dỗi rồi lại vui vẻ, cứ như anh phải là một đàn ông để cô sai khiến, biến anh theo cảm xúc vui buồn của mình. San Hô không hề có tính như thế, nhưng càng gần lại càng muốn che chở cho cô. Còn với Giáng Ngọc thì cái cảm xúc đó khác xa. Những ngày qua, Giáng Ngọc về Phan Thiết một mình, cô bé bảo là nghỉ phép, nhưng thật ra là để giữ anh. Đông Ngữ biết như thế nhưng vẫn không làm cho cô ngộ ra vấn đề. Đã thế bà và mẹ rất đồng tình. Gia đình anh về Việt Nam để dự khánh thành khu resort và muốn anh với Giáng Ngọc làm lễ đính hôn ... Một điều vô lý vậy mà gia đình cứ áp đặt anh.

Anh đã gay cấn với gia đình cũng chỉ vì cái đạo lý còn bảo thủ của bà và mẹ.

Sống ở nước ngoài ngần ấy năm trời, vậy mà mẹ và bà vẫn cứ chọn lựa “môn đăng hộ đối”. Anh đã bỏ Mỹ về Việt Nam, vậy mà mẹ và bà cũng không buông tha cho anh. Đã vậy còn bị Giáng Ngọc theo anh thật chặt. Chắc là mẹ và bà đã đạo diễn cho Giáng Ngọc. Giáng Ngọc càng đeo dính, Đông Ngữ càng sợ và càng muốn xa lánh.

Mặc cho Giáng Ngọc dỗi, Đông Ngữ vẫn cứ nói, nói những gì anh suy nghĩ.

– Giáng Ngọc nè! Anh chỉ mong em hiểu cho anh, đừng vì anh mà lãng phí.

Em đẹp lắm ...

Giáng Ngọc lẫy:

– Em chỉ yêu anh mà thôi ... Em muốn về đây cùng anh quản lý khu resort.

– Anh đã nói không được mà, em đừng có làm như vậy. Anh đã nói là anh không thể đến với em. Em cứ như thế này, anh sẽ ghét em lắm đó.

– Em mặc kệ, mặc kệ! Em yêu anh ... em không thể, không thể ...

Giáng Ngọc vụt chạy ào ra biển. Đông Ngữ chạy theo vì sợ cô nghĩ dại. Anh kéo cô đứng lại khi cô cứ lao ra biển. Cô ôm ghì lấy anh và hôn anh thật say đắm ...

Ngoài kia, trên bờ, San Hô cũng không thể nào ngờ cô gái đó là Giáng Ngọc và họ đang bên nhau. Nếu như sáng nay San Hô không ra biển để ngắm mặt trời thì làm sao cô thấy được cảnh tượng này. Trông họ thật hạnh phúc. Tại mình quá mộng mơ chăng? Trời ơi! Thật là những kẻ lừa dối. Hay là tại mình dại, mình chỉ là con vịt bầu, một con vịt bầu xấu xí, chẳng biết khi nàng lao xuống biển như thế thì có chàng “Bạch mã” nào xuống và đặt nụ hôn cho nàng hay không?

San Hô thơ thẩn một mình như một con điên, con ngốc đang thất tình ...

Giáng Ngọc không cam tâm làm kẻ bại trận tình như thế, cô cho người theo dõi San Hô, trước khi về Sài Gòn. Nó có gì hơn cô chứ? Giá như có thể hủy hoại bớt một chút để dung nhan của con nhỏ thê thảm đôi chút, có như vậy may ra Đông Ngữ chê. Nghĩ hoài, nghĩ mãi, Giáng Ngọc nhất định sẽ thực hiện vụ việc đó ngay. Rồi cô trở về Sài Gòn xin nghĩ việc để sau đó về Phan Thiết làm ở khu resort “Biển Gọi”. Phải chấp nhận xa rời Sài Gòn để về vùng biển buồn này nhưng cô còn có Đông Ngữ ... Cô còn có cả một khu “Biển Gọi” để làm mưa làm gió. Chỉ cần loại “đối thủ” ra khỏi vòng chiến là nàng sẽ không phải lo lắng gì cả ...

Giáng Ngọc sang phòng Đông Ngữ, hai người đi ăn tối rồi trở về khu resort.

Phòng trà ca nhạc ở đây đã giúp cô bớt buồn vì sự buồn tẻ của một thành phố du lịch trong suy nghĩ của mình. Giáng Ngọc cảm thấy thành phố Phan Thiết vẫn còn đượm buồn chưa cuốn hút cô. Giá như Đông Ngữ đừng chọn nơi đây để lập nghiệp. Nhưng vì Đông Ngữ nên cô phải về một nơi xa xôi, buồn lặng. Các bạn của cô, ai cũng ngạc nhiên vì cô vốn không thích sự lặng lẽ ... Trời ạ! Trong lòng cô thật mâu thuẫn, dù không muốn về xứ biển nắng gió này, nhưng không về đây cô sẽ mất Đông Ngữ ...

Để nàng ngồi ở phòng trà một mình, anh bảo có công chuyện nên cho người đến trò chuyện với cô. Điều này Giáng Ngọc càng giận, càng sôi gan. Có lẽ anh chàng đã tìm đến chỗ con nhỏ đó. Gã thanh niên là trợ lý của Đông Ngữ đến ngồi cạnh Giáng Ngọc, anh nói:

– Cô uống cốc rượu nhé?

Giáng Ngọc chanh chua:

– Ai mượn anh đến đây. Để rượu đó cho tôi rồi đi đi!

Gã lắc đầu:

– Không được đâu cô, tôi phải ở đây. À! Cô có muốn khiêu vũ không? Tôi mời cô nhé!

Giáng Ngọc rót rượu ra ly, cô uống cạn rồi nói:

– Anh để tôi yên có được không? Anh muốn nhảy thì cứ nhảy.

– Tôi chỉ làm theo yêu cầu của giám đốc, vì sợ cô buồn ...

– Buồn à! Bực thì có!

– Sao bực?

– A, cái anh này, hơi bị “nhiều chuyện” đó! Mặc tôi ... À! Giám đốc đâu?

– Giám đốc đang tiếp khách hàng?

– Giám đốc mà tiếp khách hàng à? Nhân viên đâu?

– Dạ, sếp nói đối tác này rất quan trọng ...

– Biện hộ?

Giáng Ngọc buột miệng nói rồi chợt im lặng. Gã thanh niên vô tình hỏi:

– Cô nói sao?

Giáng Ngọc cau mặt:

– Nói anh nhiều chuyện đó! Đàn ông con trai gì mà “bà Tám” dễ sợ.

– Nếu được làm “bà Tám” vì chủ cũng tốt mà.

– Anh có ...

– Có gì chứ cô?

– Có bất bình thường không vậy?

– Vậy cũng được.

– Sao, anh bất thường à?

– Nếu như cô cảm thấy tôi giống như thế thì tôi đành phải chịu thôi.

– Vậy anh là “con rối” rồi còn gì?

Anh chàng trả lời tỉnh bơ:

– Được làm “con rối” cho người ta giật dây cũng hay đấy chứ! Vì ít ra mọi người cũng xem sự hoạt động của con rối ...

– Do người khác điều khiển ư?

– Có sao đâu?

– Là bù nhìn đó ...

– Tôi không để ý đến điều đó, ít ra trong tình huống này.

– Vậy thì cố mà làm để được chủ thưởng. Nhưng hãy né tránh tôi ra giùm.

– Cô là mục đích của công việc, sao tôi phải né? Xin lỗi cô nghe.

Giáng Ngọc bực dọc:

– Vậy anh muốn gì?

– Muốn gì à? Muốn uống rượu với cô, muốn khiêu vũ với cô ... muốn cô ...

Giáng Ngọc đứng dậy, bực dọc nói to:

– Cái gì? Anh nói cái gì? Anh hãy biến ngay và nói với giám đốc, tôi cần gặp. Nếu không, tôi sẽ vào phòng họp để gặp đó, tôi có thể dự phiên họp với đối tác đấy ...

– Cô nóng quá.

– Cái gì nóng với lạnh ở đây?

– Không nóng sao ào ào vậy.

– Bởi vì anh nói bậy.

– Tôi không nói bậy! Tôi nói tôi muốn cô đi ăn cùng tôi hay đi uống cà phê.

Nói chung, cô thích gì tôi sẽ chiều.

Giáng Ngọc bỏ đi sau khi thòng lại một câu:

– Anh nói nghe sợ quá! Lần sau nhớ tránh tôi nghe?

Gã cũng không buông tha:

– Chỉ trừ khi cô không có mặt ở đây. Bằng ngược lại, lúc nào chúng ta cũng sẽ đối diện đấy.

– Tự tôi sẽ biết phải né tránh anh.

Gã thanh niên cười, nhủ thầm:

“Cô cứ đi mà tìm giám đốc”. Thật là:

“Theo tình, tình chạy, chạy tình, tình theo”. Để rồi xem, cô sẽ bị khuất phục vì ai? ...

San Hô vừa viết vừa hát khe khẽ. Cô bé rất thích công việc của mình, vì một phần cô được ngồi ngay ở phòng bán hàng để viết chứ không ở khu nhà xưởng. Đây là một cửa hàng rất đắt khách, vì ra đời sau nên được nhiều kinh nghiệm, khách hàng có thể trực tiếp đặt hàng và ngồi đợi San Hô viết chữ ... Cô rất vui với công việc của mình từ bao lâu nay, vậy mà cô gái kiêu kỳ từ Sài thành đến lại tỏ ra coi thường công việc của cô. Lời của cô ta cứ vang vang bên tai khiến cho San Hô cứ phải suy nghĩ rồi nóng mặt vì hổ thẹn:

“Chẳng lẽ một người như anh ấy lại chọn một cô gái mồ côi, với công việc tầm thường như thế này ư. Không đời nào! Gia đình người ta danh vọng lắm. Cô tỉnh mộng giữa ban ngày giùm cho tôi nhờ ...”.

Trời ạ! Cô ta còn xỉ vả nhiều lời thật khó nghe, chung quy cũng chỉ vì xuất thân mồ côi và công việc của cô. Đang viết, bỗng dưng nhớ lại, San Hô muốn bật khóc.

– Sao lại khóc nhỉ?

San Hô giật mình nhìn lên, có hai gã thanh niên cứ nhìn cô rồi cười cười. Họ nói với nhau:

– Đẹp đấy nhỉ!

San Hô cảm thấy tim đập nhanh, cô cố bình tĩnh nói:

– Giờ này ... cửa hàng nghỉ trưa, xin quý khách ...

Hai gã lại cười nói:

– Cũng như cô thích buổi trưa nghỉ ở đây không về, tất nhiên cũng có người buổi trưa muốn đi mua đồ ... Chúng tôi đó.

– Nhưng các anh thông cảm ... Giờ này ... nghỉ trưa.

– Nghỉ trưa ... nhưng tôi muốn ...

Hai gã bỗng dưng quày quả bỏ đi và trên kệ bỏ quên một lọ thuốc. San Hô gọi không được vì Đông Ngữ đã vào. Thấy vẻ lo lắng của San Hô, Đông Ngữ hỏi:

– Có chuyện gì vậy?

San Hô vẫn còn hờn dỗi, vô tình nói:

– Em làm sao biết được, về hỏi ... “người ta” của anh đó.

Đông Ngữ ngạc nhiên:

– Anh ... có làm gì đâu.

– Làm sao ai biết được hai người đã làm gì ở ngoài biển ...

– Cái gì? Em nói ...

– Em nói hai người ra biển tự tình. Em càng nghĩ càng thấy tội nghiệp mình ...

Có lẽ em quá mơ mộng chăng?

– Đông Ngữ vẫn không hiểu, anh cứ ngập ngừng hỏi:

– Em giận anh à? Anh có làm gì đâu?

– Em đã nói rồi, có hai người ra giữa dòng biển tự tình.

– Hả!

Đông Ngữ chợt nhớ đến Giáng Ngọc. Cô nàng giận anh vì đã từ chối nên bỏ ra biển và lao xuống dòng, anh đã kéo cô lại. Trời ạ! Bây giờ San Hô hiểu ngược lại điều đó ... Anh biết phải làm sao đây. Tình ngay mà lý gian. Ông bà ta xưa nay thường hay nói thế.

Đông Ngữ cố gắng giải thích, San Hô càng dỗi:

– Tận mắt em trông thấy, vậy mà anh còn chối bỏ. Em không tin đâu?

– Anh xin em đó, San Hô à!

– Em không biết ...

– Em muốn anh phải làm sao đây?

– Em, em không biết.

Đông Ngữ đứng sau lưng San Hô, anh vừa vịn lên vai cô thì có một thằng bé bán vé số chạy xộc vào. Thằng nhóc không lên tiếng mời mọc mà lại nói:

– Dạ thưa cô, cho con xin lại đồ lúc hai chú kia bỏ quên.

– Đông Ngữ ngạc nhiên hỏi San Hô:

– Ai bỏ quên cái gì vậy em?

San Hô lắc đầu:

– Em không biết ... À! Nhưng lúc nãy có hai thanh niên vào đây, rồi để lại cái này ...

– Họ vào để làm gì?

– Hai người xem đồ.

– Sao lại vào lúc giờ nghĩ trưa ...

– Em không biết?

Đông Ngữ lo lắng nói:

– Đưa anh xem cái gì?

San Hô chỉ cho Đông Ngữ xem bọc nilông còn đặt trên kệ.

– Em vẫn để nguyên tự nãy giờ đầy nè!

Đông Ngữ đến chỗ kệ đựng đồ mỹ nghệ, anh lấy vải lau cầm chiếc lọ. Sắc mặt anh hoảng hốt khi thấy chữ “axít đậm đặc”. Miếng giấy được dán vào chiếc lọ nhỏ. Đông Ngữ nhìn San Hô rồi nhìn thằng bé, anh hỏi:

– Cháu nói có người nhờ cháu đến lấy mà cháu có biết cái đó là gì không?

Thằng nhóc lắc đầu nói:

– Dạ .... cháu bán vé số ... Có hai chú ngồi uống cà phê nhờ cháu lấy giùm.

Đông Ngữ bỗng lo sợ khi nhớ có lần Giáng Ngọc giận dỗi, cô đã nói:

“ ... Bộ nó đẹp hơn em sao? Để rồi xem! Dẫu gì nó cũng chỉ là đứa con gái xứ biển nghèo, làm sao so với dân thị thành chứ!” Trời ạ! Lẽ nào hai gã đó định tạt axít San Hô ... Rất có thể Giáng Ngọc đã có ý đồ này. Nhưng chẳng lẽ Giáng Ngọc trở nên “ác độc” như thế. Chẳng lẽ San Hô đang bị đe đọa ư? Trời ơi! Phải làm sao đây. Nếu không nói để San Hô đề phòng thì San Hô rất có thể sẽ bị tai nạn.

Còn nói ra, liệu San Hô có tin anh không, hay lại ngờ vực anh?

Đông Ngữ suy nghĩ một lúc. Thằng bé hối thúc:

– Thưa cô ... cho cháu nhận giùm. Cháu còn phải đi bán vé số nữa.

Đông Ngữ chợt nói:

– Cháu nói hai chú đó vào đây để nhận.

San Hô vô tư:

– Chắc là hai người đó nhờ thằng bé.

Đông Ngữ lắc đầu:

– Trên nguyên tắc, em không thể làm như vậy vì nếu hai người đó đến đòi em nữa, lấy đâu em đưa, chưa kể cái mà họ bỏ quên là cái gì.

Đông Ngữ nhìn thằng bé:

– Cháu bán chú vài tờ vé số rồi ra chỗ gặp hai chú kia, nói hai chú vào đây mà nhận.

– Chú à! Cháu lấy xong còn đi bán nữa, không đem ra cho hai chú đó, cháu bị rầy, bị ....

– Bị gì?

– Hai chú đó ... Mà thôi, cháu xin cô chú đó.

Đông Ngữ lắc đầu:

– Cháu ra nói với họ tự vào đây mà lấy. Nếu không, chú báo qua công an đó.

Thằng bé hoảng hốt:

– Cháu đâu có làm gì? Cháu đâu có biết.

– Vậy thì bảo hai người đó vào đây lấy. Và cháu, từ rày về sau, ai biểu cái gì không có làm nhé ... Đưa vé số đây cho chú!

Đông Ngữ lấy vé số, trả tiền cho thằng bé. Thằng bé chạy nhanh ra đường.

San Hô lo lắng:

– Có chuyện gì vậy anh?

Đông Ngữ ngập ngừng rồi nói:

– Đó là lọ axít ...

San Hô hoảng hốt kêu:

– Axít? Trời ạ! Chẳng lẽ ...

– Chắc hai người đó bỏ quên.

– Hay là, hay là ...

Gương mặt San Hô xám xanh, cô lại lo lắng và nói:

– Chắc gì họ bỏ quên, có khi họ cố tình ... Có khi nào ... họ định hại em ... Trời ơi ...

San Hô chợt nhớ lại, nếu lúc nãy hai gã tạt vào cô rồi bỏ đi ... Trời! Giọng cô run rẩy:

– Anh ơi ... có khi nào ... hai gã đó ... định ... mà thực hiện chưa được.

Đông Ngữ ôm San Hô và trấn an cô, dặn dò cô đủ điều rồi lại trấn an tiếp.

Cứ thế San Hô như quên đi nỗi niềm mà chỉ thấy Đông Ngữ đang kề cận và an ủi mình ... San Hô cảm thấy an bình khi ở bên cạnh Đông Ngữ và cô cũng không biết rằng trong lòng Đông Ngữ đang vô cùng lo lắng ...