Chương 1

Chàng Kim đẻ ở Hà Nội.

Cô Kiều là gái Huế.

Chàng Kim mười sáu tuổi.

Cô Kiều vừa mười lăm.

Chàng Kim tên là Hải.

Cô Kiều tên là Trâm.
[/center]

Trâm và Hải biết nhau và khổ vì nhau như sau này: ông Cả Lâm và bà Cả Lâm, sinh ra Hải, vỡ nợ Ở Bắc. Ông bà vào Huế thuê nhà ở Đông Ba Bến Tượng mở một ngôi hàng vừa bán giấy, vừa bán tạp hóa. Hàng tạp hóa không chạy. Giấy chạy hơn. Đêm đêm họ ngồi trên gác nghe những câu "hò" ở ngoài sông vọng vào và đếm giấy từng "lam" năm trăm tờ để cho người nhà nhuộm ra màu xanh, tím, đỏ, vàng.

... Hò ơ!

Anh là người đáo xứ đường xa,

Nghe em có nghĩa bôn ba đến hò...

... Hò ơ!

Tàng bằng âm chất lưỡng tương phò,

Tới đây kiểng đẹp ai rủ hò hò chơi!

Hai vợ chồng bác Kiểm nả Hồ Sĩ Hòe, sinh ra Trâm, thì làm đậu hủ bên An Cựu. Họ không rán đậu như ở Bắc. Người Kinh ăn đậu sống. Ông Cả Lâm và bà Cả Lâm, ngày nào cũng cho Hải sang muạ Đồng chịu, đồng trả, hai nhà thành quen biết.

Bỗng có việc này xảy ra:

ông Cả Lâm, một hôm có khách ở Bắc vào, cho Hải sang mua mười bìa đậu và dặn lấy những bìa đậu tốt. Những bìa đậu của bác Kiểm nả đưa cho Hải cầm về ngửi chua loét và đếm ra chỉ có tám bìa. Bác Kiểm nả xưa nay vẫn có tiếng là luộm thuộm, nhưng, lần này, thì không thể bỏ qua được, bởi vì ông Cả "có khách ở tận ngoài Bắc vào chơi". Ông Cả sai Hải cầm sang đổi lấy những bìa đậu tốt và "bảo cho bác Kiểm biết rằng lúc nãy bác đếm thiếu mất hai bìa". Bác Kiểm bảo "chỉ có đậu hủ thế thôi, muốn ăn thì ăn" và lại có ý nghi ngờ Hải ăn vụng mất hai bìa, về nhà, sợ, nói dối ra như thế!

ông Cả Lâm không nói gì cả. Đến chiều, ông cho người nhà sang bên An Cựu đòi hai hào bác Kiểm nả còn chịu lại. Hôm sau, ông bảo bà Cả và Hải:

"Sơn bất cao, thủy bất thâm, nam đa trá, nữ đa dâm", thiên hạ nói chẳng sai bao giờ.

Bà Cả bảo: "ừ!" và không cho Hải sang bên An Cựu nữa.

Bác Kiểm nả và vợ, lâu lâu không thấy bà Cả và Hải sang chơi, bắt đầu còn hỏi han sau dần dần cũng quên đi. Họ nói:

- Muốn qua thì qua, không qua thì thôi, không cần.

Trâm nghe thấy bố mẹ nói với nhau như thế lảng ra chỗ khác. Nàng thấy xốn xang tấc lòng. Trâm sợ rồi ra không được gặp Hải nữa. Vì Trâm yêu Hải lắm. Trâm kém Hải một tuổi: gái hơn hai, trai hơn một, như thế thì tốt. Về phần Hải, Hải lấy việc biết Trâm là một điều rất maỵ Hải thích hai cái má Trâm và đôi guốc Trâm đi. Hải thích Trâm vì Trâm là gái Huế đội nón ngựa và mặc quần chật ống, khi nào đi trên bờ sông Hương thì bóng lung linh dưới nước xanh. Vả lại, những buổi chiều hè, khi ngồi cạnh nhau bên cái chõng kê dưới bóng sầu đông ngoài vườn, Trâm và Hải nắm lấy tay nhau lúc vắng người. Lần nào cũng vậy, cứ mua đậu hủ xong ra về thì Hải cũng đứng lại ở hàng rào, ghé mắt vào chỗ Trâm ngồi làm đậu mà gọi: "O Trâm! O Trâm".

Trâm giả như không nghe thấy Hải gọi, hò khe khẽ:

Hiêu hiêu gió thổi bờ đê,

Cửa nhà bỏ phế mảng mê lời mình.

Lam thao chùi sáng, để dưới ván thấy hình.

Chè đậu xanh, đường cát trắng, em thương mình quên ăn...

Hải thích lắm, ngắt mấy cái hoa dại, lấy lạt buộc lại, vứt qua hàng rào vào cho Trâm và ra về. Có khi Trâm nhận được mấy cái bánh tét gói vào một cái khăn con; có khi chỉ là một cây mía đỏ nhét qua đám ô dô vàng.

Vợ bác Kiểm nả thấy hai trẻ như thế thuật chuyện lại với bà Cả Lâm. Bác nói với Hải: Cháu Hải có bộ thương con Trâm lắm, hỉ!

Bà Cả Lâm mỉm cười:

- Ôi chao! Không cần! Bây giờ, hai nhà giận nhau rồi.

Hải là một đứa trẻ ngoan nết. Hải ít lời. Hải đã đỗ bằng Sơ học yếu lược và trông hàng cho bố mẹ, cả ngày, không vào cửa hàng Thượng Tứ với những trẻ con bên cạnh để bắn chim bao giờ. Trâm là một cô gái hơi vô nghĩa lý. Bạ cái gì cũng cười duyên, chỉ được hai cái má đẹp, đôi mắt hữu tình và điều này: Trâm hò dễ thương lắm. Nghĩ mà phiền cho Hải.

Hải biết rằng đã xảy ra chuyện gì hôm gặp Trâm đi đong gạo ở chợ Đông Bạ Hải đi gần Trâm ngoảnh mặt nhìn ra phía khác, không chào hỏi gì cả trong lúc chào hồi nãy còn vừa kịp. Trâm cũng làm như vậy, chứ biết "mần sao?". Con gái không bao giờ chào con trai trước. Người ta trông thấy sẽ cười là mê trai. Ngay lúc ấy Hải thấy hối hận. Chàng muốn lại được đi như lúc nãy để chào Trâm một câu, cho Trâm khỏi phiền.

"Chữ cận là gần, chữ viễn là xa; tui với mình cách trở tại mẹ cha ở nhà".

- Tội nghiệp cho Trâm! Mình gặp mà mình cũng chẳng hỏi han gì cả.

Hải về nhà trong dạ xôn xao và mong đợi ngày mai lắm lắm. Hải giúp sức cả cho sự tình cờ nữa. Hải đã biết Trâm thường đi chợ Đông Ba đong gạo vào lúc nào. Và sửa soạn để gặp Trâm. Lần này Hải biết xử thế nào. Chàng chào: "Chào o Trâm!". Trâm trả lời: "Dạ, chào anh Hải!". Ở bến ô tô thường vắng người qua lại, Trâm và Hải lại quay cả lại mà cười với nhau nữa. Ngày nào, họ cũng rình chào nhau như thế. Họ chào nhau, cả những khi đông người.

Một hôm, có một chuyện lạ xảy ra.

Chủ nhật Hải đi chơi một mình ở xóm Vị Dạ. Nước sông Hương xanh chảy lặng lờ; ghe đò qua lại êm đềm như trong mộng; sau đám hàng rào ô dô, ẩn hiện những ngôi nhà trắng. Hải đi thơ thẩn đến một con đường rất vắng có những cây cổ thụ mọc nghiêng ra mặt nước thì gặp một cô gái đội nón ngựa, đi đôi guốc vàng. Tự nhiên Hải thích ngay: chàng thấy ở dưới cái áo vải phin của cô gái ấy hằn lên một cái "coóc sê" xanh. Cái coóc sê cùng một mầu với coóc sê Trâm mặc. Ngay lúc ấy Hải nhận ra rằng không phải là Trâm, nhưng Hải hơi ngạc nhiên một chút: Hải đi quá lên mấy bước, nhìn cô gái kia và thấy như muốn chào: "Chào o Trâm!" và tưởng như sắp nghe thấy: "Dạ, chào anh Hải!".

Hải rất có thể yêu người con gái ấy, chỉ vì một lẽ người con gái ấy đi guốc vàng và mặc một cái "coóc sê" giống của Trâm.

Song, chẳng biết giọng hò ra thế nào...