Chương 1

Tôi ngồi trên xe buýt ngắm làn mưa đêm Sài Gòn gao gắt cuối tháng mười, nhìn qua cửa sổ thấy gương mặt bí xị buồn tình của mình phản chiếu lại. Cũng giống như đa phần những thằng con trai mười tám tuổi nào khác trên đời bị bồ đá, tôi đương nhiên phải buồn. Nhưng tôi buồn không phải vì từ nay mình không được gặp cô nữa, mà tôi buồn là vì từ nay không còn cớ để tỏ ra mình “đàn ông”.

Ông lão phía sau lưng tôi mở hộp dầu nước xanh hít vài ngụm, mùi bạc hà the cuốn vào mũi và mắt tôi són cay. Sau đó tôi nghe tiếng quát của chú tài xế:

- Ai sứt dầu dậy? Cay mắt gần chết hà, kiểu này có láy xe đâm vào cột điện cũng đừng trách!

Ông ta cáu bẳng hệt như đứa trẻ đi chơi về nhà nhưng mẹ chưa nấu cơm. Cô nhân viên soát vé thì nhìn về phía tôi bằng ánh mắt chán ghét đến giật mình, con người có thể nhìn nhau bằng cái ánh mắt đáng sợ đó sao? Hình như có lần tôi đọc một bài báo viết về chuyện siêu nhiên con người ta có thể vô tình giết người qua “ánh mắt”, mà cụ thể đó là một nhân viên công sở đi làm trễ thường xuyên nên bị sếp mình kêu vào phòng trách mắng, anh ta đùng đùng nổi giận rồi thôi việc, trước khi đi ra cửa còn quăng lại một ánh mắt căm phẫn cho sếp trẻ của mình. Vài phút sau, người ta đi vào phòng thấy vị sếp đột tử trên ghế.

Cô nhân viên soát vé trên xe hiện tại nếu có bức tử người ta bằng ánh mắt thì người chết may mắn cũng không phải là tôi, mà là ông lão đau yếu ngồi ghế đằng sau lưng tôi.

Đôi môi xinh đẹp không làm nên một chất giọng dễ nghe, cái giọng chua như cức mèo cứ thế ong ỏng bên tai tôi:

- Đáng lẽ là không cho ông lên xe đâu, ông quá tuổi đi xe buýt gòi, với lại thấy trời mưa quá. Lên xe buýt mà còn xài dầu nước xanh, bác tài bị cay mắt gòi thấy chưa, hoi, hoi xuống xe, đón xe khác đi dùm con cái!

Ông lão lẫn quẩn không biết nói gì, hừ hừ thở, cuống quýt dẹp chai dầu vào cái khăn mùi soa nhàu cũ màu trắng, tôi thấy trong đó có vài tờ hai nghìn và một tờ năm nghìn. Trong xe không có người lên tiếng, im lặng đến mức khiến tôi nghĩ nước mưa ngập lên xe buýt, ngập qua tai bọn họ mất rồi, và...cũng ngập qua tai tôi. Tôi ngồi đấy siết lấy chiếc cặp da trong lòng mình, im lặng nhìn những mảnh đời hối hả va quẹt nhau trên đường phố Sài Gòn bằng cặp mắt cận thị mờ căm.

Một cô sinh viên mặc áo đồng phục của một trường đại học tư nhân nào đó đứng dậy, thần thái đúng chất của một phụ nữ Mỹ rặt độc lập và tự tin, mặc dù cô là người Việt, mắt hí, mũi tẹt và môi dày, ngữ điệu đậm chất nam bộ, nhưng âm lượng lúc nói đủ nặng dằn xuống lượng nước mưa đang ngập qua hầu hết những cái tai đang điếc, tôi nghe:

- Làm dì thì làm cũng phải có đạo đức một chút chứ chời, ông lão đang ho, với lại cũng có ai nói trên xe hông được xài dầu đâu!

Bác tài dừng xe buýt ở trạm kế tiếp nhưng trước đó tôi không nghe thấy có ai báo muốn xuống, đáp lại nghi vấn của toàn thể hành khách, ông ta quát lên dữ dằn:

- Hai cái người đó, xuống dùm!!!!

Tôi nhìn qua cửa sổ thấy một già một trẻ nép bên dưới một mái hiên bên cạnh quán cháo đêm, cô gái lúc nãy tự quàng tay ôm lấy mình trước cơn gió Sài Gòn lạnh thấu, mặt mài cô cáu bẳng âm âm và ở ánh mắt của cô tôi không thấy được sự vững tin của người vừa mới làm theo cá tính mình mách bảo, mà chỉ thấy đa phần là giả trá, bốc đồng và cả bâng khuâng tự hỏi: “Mình vừa làm cái qủy gì vậy trời? Tuyến cuối cùng rồi, làm sao mà bắt được chiếc xe khác mà trở về nhà trọ đâ?&^%*$@!)(^$@#%%*”

Bác tài chửi:

- Cha mẹ không biết dạy con cái hay gì, để nó nói chuyện với người lớn mà xong xỏng, xong xỏng.

Soát vé chửi:

- Sinh viên lúc rày đạo đức suy đồi.

Xe buýt dừng lại ở trạm kế.

Tôi chửi:

- Ba mẹ hai người ở nhà cũng đang ngứa ngáy lắm đấy!

Đi qua cổng nhà, tôi theo thói quen hơi nhón người để đỉnh đầu chạm đến giàn hoa giấy, chỉ đơn giản là một cử chỉ tự mãn vì mình đã trưởng thành và cao vụt hơn so với năm mới vào cấp ba. Bước vào trong, nghe thấy mùi cá chiên thơm phức thách thức cuốn vào trong mũi. Tôi cởi giày thể thao đã ướt dộp, cởi luôn đôi vớ đen hôi rình rồi nhét luôn vào bên trong, nhìn qua bên cạnh thấy một đôi giày Derby màu bò ngay ngắn. Tôi từng nghĩ, anh mang giày nào cũng không hợp bằng loại giày này, vừa chuyên nghiệp, vừa thanh lịch, vừa mạnh mẽ...giống như con người anh...

...giống như con bọ cánh cứng Hercules, haha...

Tôi đi tới tủ lạnh tìm một chai nước lọc. Anh đứng bên cạnh đeo tạp dề, chiên cá, im lặng, im lặng, vẫn im lặng như cái im lặng của bảy năm qua. Sẽ không có cái kiểu: “Đình về rồi hả con? Hôm nay học hành thế nào!” hay “Chú đang chiên cá, đợi chút nữa ăn cơm được rồi!”, “Hôm nay mưa lớn quá chừng, ngập qua luống mười giờ ngoài cửa luôn...hahaha...haha...ha...ha...”

...

“Ha”?

Anh không cười kiểu ngớ ngẩn vậy đâu và cũng không bao giờ mở miệng nói những thứ dư thừa. Anh là người khá trầm tính.

Tôi đi tắm xong thì mở tivi, gặp đúng chương trình hài của một nam diễn viên nhiều scandal tình cảm. Xem suốt buổi nhưng không cười nổi, trò đùa nhạt nhẽo, gượng gạo, diễn xuất không ra hồn. Tôi sẽ cười nếu họa may nam diễn viên hài đột nhiên nói rằng anh ta đi nhầm kênh, đáng lẽ ra anh ta phải đang ở bên kênh thời sự quốc gia, hờ hờ...

Màn hình tắt ngóm, anh cầm đĩa cá chiên đi ngang qua chỗ tôi, quăng rì-mốt lên ghế, nói:

- Qua ăn cơm.

Nhìn mỹ vị trước mắt, tôi nhịn không được nuốt nước miếng. Anh gõ đũa xuống bàn để so chúng có bằng nhau hay không rồi đưa cho tôi cặp đũa đẹp đôi nhất, anh nói:

- Hôm nay mẹ con về khuya lắm, ăn hết cá đi, đừng chừa.

Tôi hỏi:

- Lại trực đêm nữa ạ?

- Không, có ca cấp cứu gấp.

- À.

Tôi nhớ “À” là âm thanh cuối cùng của bữa ăn tối đó, ngoài tiếng chén đũa muỗng khua vào nhau thì là tiếng mưa rỉ rỏn ngoài hiên, không còn âm thanh sự sống nào khác nữa. Bữa cơm chóng vánh, buồn, đơn điệu nhưng nó là bình thường, là cái “vốn dĩ phải như vậy” diễn ra trong suốt bảy năm qua kể từ lúc mẹ tái hôn. Tôi ăn cơm rồi nhưng không muốn về phòng, anh rửa chén xong rồi cũng không muốn về phòng, chúng tôi ở phòng khách, một xem tivi, một trầm ngâm đứng ở cửa sổ hút thuốc lá. Mưa đánh tan bợn khói trắng khi chúng vừa mom mem bước ra bầu trời đen quánh đặc, anh ném điếu thuốc ra ngoài mưa nghe một tiếng “xèo” nhỏ phía sau là tiếng sấm rờn lạnh gáy, quay trở vào trong nhìn tôi. Tôi biết anh hút thuốc xong sẽ nhìn tôi, vì anh không còn chuyện gì khác để làm nếu còn ở phòng khách, tôi bắt được cơ hội, tự nhiên nói:

- Chú Tiệp, con thất tình rồi.

Tôi tự hỏi vì sao phải nói điều này với anh, dù gì thanh thiếu niên hiện giờ cũng không ai còn cái tâm lí muốn nói chuyện yêu đương học đường của mình với bậc phụ huynh như khi xưa ba mẹ chúng hay làm, nhưng mà tôi biết cứ không nói gì anh sẽ về phòng mất. Mà anh về phòng rồi, đến tận hơn mười tiếng sau tôi mới lại được thấy anh trong cái màn ăn sáng tổ hợp của “chóng vánh - buồn - đơn điệu nhưng nó là bình thường”. Tôi thấy trong tròng mắt của anh có biểu cảm, ít nhất nó không phải ánh mắt của một người sau khi nghe chuyện không liên quan gì tới mình, anh xoay người lại, sụp cửa sổ xuống, lấy thêm một điếu thuốc để lên môi nữa rồi đột nhiên nhận ra hôm nay đã hút nhiều hơn quy định nên thôi, do dự cất vào.

Anh ngẩn đầu nhìn tôi, hỏi:

- Con bé đó không thích con nữa à?

Anh mặc định đó là “con bé” chứ không phải “thằng bé”. Nhưng cũng không sai, nhưng vì nó không sai nên làm tôi hơi cáu, nói:

- Con không biết. Cổ nói con như cục đất vậy, vì con nghe lời, con chung thủy, con không tức giận, con không ghen khi cổ đi với trai nên cổ đá con.

- Ừ. – Anh lại sờ lên hộp thuốc lá trong túi quần, xoa xoa.

Tôi thì không hiểu tiếng “Ừ” đó đại diện cho cảm xúc gì của anh. Anh luôn làm tôi thấy tò mò vì trình độ sử dụng ẩn ý đáng kinh ngạc của mình.

- Cũng gần thi đại học rồi, lo chuyện học trước, tình cảm gì đó...sau này hẳn tính. – Anh nói.

- Con cũng tính vậy... – Tôi đồng tình.

Nói thêm:

- Sau này kiếm đứa bạn gái nào dễ tính một chút.

- Ừ.

Anh lại “Ừ”.

Tôi không biết nói gì nữa. Có lẽ nỗi buồn vì thất tình trong mắt tôi quá ít, nó không đủ dung lượng để khiến anh phá lệ nói thêm một câu an ủi, mà anh cũng dư hiểu, anh luôn biết rõ ràng điều đó với tôi không cần thiết. Anh đi qua chỗ tôi, dùng bàn tay ấm áp sờ đầu tôi. Mỗi lần được anh sờ tóc, tôi luôn không nhịn được cảm giác muốn đem hai bàn tay một của anh và một của ba ruột ra so sánh, mặc dù ba tôi lâu lắm rồi ổng không làm thế nữa. Mỗi lần đều đưa ra một kết quả so sánh là...tay anh không to, không thô, không mập như tay của ba, anh xoa thì dễ chịu vì anh dịu dàng, còn ba...mỗi lần ổng vỗ đầu tôi khiến tôi cứ mường tượng ông là diễn viên trong phim kinh dị nào đó muốn vỗ cho não tôi phọt xuống cổ họng mới thôi, mà...nghĩ tới cảnh đó quá kinh khủng đi.

- Ấm...tay chú ấm quá... – Tôi không do dự gì, lấy tay của anh áp lên mặt mình, thỏa mãn nói.

Anh để cho tôi nắm tay một chút nhưng rồi cũng buông ra, lại xoa đầu tôi, nhưng không nhìn tôi mà nói:

- Về phòng học bài đi, đừng coi tivi nữa.

Anh đi rồi, tôi nghe âm thanh tiếng cửa phòng đóng lại như vừa có cây đinh tự đóng lên ngực dày vò tôi đau đến nghẹn.