Chương 1

Thế là hoa phượng vĩ không còn làm lôgô cho các mùa hè trong phần đời sau này của tôi nữa. Tôi đã thế chỗ cho nó bằng cây thông xanh kể từ mùa hè năm ấy.

Vâng! Tôi không thể quên một cách dễ dàng những biến cố đã xảy ra từ mùa hè năm 1996…

Nhà tôi có hai chị em. (Đúng ra là ba, nhưng vì tôi xem con bé Nâu như là đứa em định mệnh trong gia đình, nên tôi sẽ kể về nó sau). Tôi và thằng Nga cách nhau một cấp học. Tôi chuẩn bị bước lên lớp chín thì nó đã được mẹ ráo riết tầm sư cho đi luyện thi tốt nghiệp tiểu học ngay từ khi tiếng ve còn đang tập tọe gọi hè. Mẹ muốn thằng Nga phải vào trường chuyên. Một lời mẹ phán ra đã làm thằng Nga vừa lo sợ, vừa có vẻ tức anh ách trong lòng. Trời ạ, bao nhiêu dự định, bao nhiêu phấp phỏng chờ đợi một mùa hè hừng hực những trò vui nhộn tuổi thơ, giờ phải đành “gác kiếm xó bếp”. Tức! Nhưng nó không phản đối gì. Nó răm rắp ôm cặp đến nhà cô giáo chủ nhiệm cả sáng lẫn chiều. Nom thằng Nga cần mẫn đi học cứ y như ông chủ tịch phường ở gần nhà lom khom xách cặp táp đi làm mỗi ngày ấy!

Chẳng biết có phải do mang cái tên rất con gái hay không mà thằng Nga lại quá nhu nhược trong mọi quyết định như thế. Lúc mới chào đời, nó đã trở thành đề tài luận bàn thật sôi nổi giữa bố mẹ tôi. Không sôi nổi sao được khi gia đình có đủ cả nếp lẫn tẻ? Cái phòng khách xinh xinh lúc nào cũng đầy chặt như nêm tiếng cười cười nói nói của bố mẹ hòa cùng tiếng khóc oa oa của cậu quý tử. Rộn vui, cứ như thể người mù thấy được ánh sáng!

Nhưng, trong niềm sung sướng tràn ngập đó, bố mẹ tôi lại quên phéng mất một điều quan trọng là cái tên “Nga” ai đời lại đem đặt cho một thằng cu chính hiệu con nai vàng cơ chứ? Lúc bấy giờ, tôi còn đang trong tuổi ăn tuổi ngủ, chưa đủ nhận thức sâu sắc để phân biệt và để phản đối một cái tên nghe hết sức chướng cho đứa em trai. Về sau này, tôi có thắc mắc hỏi, mới được nghe mẹ kể rằng sở dĩ đặt nó tên Nga vì tên của tôi là Ngân. “Ngân - Nga”, nghe thanh như tiếng chuông đồng của cái đồng hồ quả lắc thánh thót, lại vừa có vẻ như mang dư âm loan báo tin vui của một gia đình hạnh phúc đến tận hai mặt họ.

Thế nhưng, lúc thằng Nga vừa lên năm tuổi, tôi đã phải chứng kiến cảnh tan đàn xẻ nghé. Và rồi sau đó, một buổi sáng kia, bố tôi ra đi thật sớm, không thấy quay về nữa.

Có lẽ “chiến tranh lạnh” đã âm ỉ trong lòng bố mẹ từ lâu lắm rồi, giờ mới có dịp bùng phát ra. Nó nổ bùng! Mạnh đến độ rung chuyển nhà cửa, và tần số volume của hai cái cổ họng tội nghiệp của bố mẹ đều được kích hoạt mát-xi-mum một lúc. Cứ oang oang lời qua tiếng lại, chỉ cốt giành lấy phần đúng về mình. Cuộc tình được đổi bằng cả một đời người ấy cuối cùng kết thúc chỉ bằng mỗi cái tát tai “nảy lửa” trên gò má đang dăn dúm vì uất ức, vì sợ hãi của mẹ tôi!

Tôi thật sự bàng hoàng và lo lắng cho khuôn mặt đẹp như hoa của mẹ. Cái tát dồn nén tức giận của bố lúc ấy hệt như sợi dây da quất mạnh vào tâm hồn con bé còn đang mê chơi thú nhồi bông và chỉ thích đọc truyện cổ tích. Tôi kinh khiếp ngồi thu lu chết lặng sau cánh cửa phòng khách dòm ra, mãi một lúc nước mắt mới bắt đầu ứa ra trên đôi mắt thơ ngây và rơi vãi xuống nền gạch hoa xanh hoa đỏ.

Thằng Nga diễm phúc hơn tôi. Nó đi nhà trẻ nên không hề có ấn tượng gì về tấn bi kịch gia đình đã xảy ra như thế. Tối hôm đó và vài tối tiếp theo, nó chỉ hỏi duy có mỗi câu khi đã nhong nhong chơi chán:

- Bố đâu hở mẹ?

Cả mẹ và tôi đều thật sự bối rối trước câu hỏi theo quán tính thơ ngây của nó. Biết giải thích thế nào cho một thằng bé mẫu giáo hiểu được sự biến mất một cách vô ý thức và vô lý của người bố mà nó từng xem như một người bạn vĩ đại nhất, người không thể thiếu được trong các trò chơi cũng như trong bước đường đời nó đi sau này?

Mẹ không đồng ý kí đơn ly dị mỗi khi bố gọi điện về, mặc dù biết rõ bố đã có con riêng với người đàn bà làm cùng cơ quan. Đơn giản là vì mẹ chỉ muốn chị em tôi sau này trưởng thành trong xã hội với danh chính ngôn thuận là những kẻ có đủ cả cha lẫn mẹ đề huề như con cái bao gia đình khác(?!). Sự tan vỡ hạnh phúc có làm thân mẹ tiều tụy đi đôi chút. Nhưng những hợp đồng kinh tế với các đối tác, mẹ vẫn bình thản tiến hành đều đặn, đều đặn đến độ đã làm mẹ ngày càng thêm kiêu hãnh trước sự phản bội của bố.

Dần dần, thằng Nga cũng quen với cái phòng khách trống hoác, không còn thấy bố nằm đọc báo ở ghế salon sang trọng như thường khi, sau mỗi bữa ăn. Nó cũng quên luôn cả những câu hỏi vẩn vơ có liên quan đến bố. Nó vứt đồ chơi tứ tung mỗi nơi vài món, bừa bộn như một bãi chiến trường. Ai vào phòng khách cũng phải trông chừng để khỏi đạp phải khi thì một cái đầu con robot, khi thì chiếc xe cẩu bằng nhựa nằm ụ do mất hết bánh xe. Đã có lần mẹ dọn dẹp phòng khách, sơ ý giẫm phải mảnh vụn sắt bung ra từ con khủng long khiến cho chân mẹ rướm máu. Nhìn nước mắt ứa ra từ khóe mắt đang bắt đầu có vài dấu chân chim của mẹ, tôi chợt nghĩ, những giọt nước sóng sánh ấy không bắt nguồn từ cái gót chân nhói đau kia đâu mà mẹ khóc vì một lẽ gì khác nữa cơ!

Lúc tôi học gần xong lớp bảy, bỗng dưng một hôm, tôi thấy mẹ dọn dẹp căn phòng của bố sạch sẽ tươm tất. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên, còn mẹ thì chỉ mỉm cười bí hiểm. Mẹ nửa đùa nửa thật bảo:

- Bố chúng mày sắp dọn về đấy!

Bố tôi sắp về ư ? Ôi, mẹ có xem tôi là đứa con nít để mà chế giễu không?

Vài ngày trôi qua.

Ô kìa, bố tôi về thật đây này!

Tôi khép nép sau lưng mẹ và ngắm bố đang kéo lê chiếc va ly từ xe tắc xi vào trong sân. Bố không có vẻ gì là gầy đi, duy có mái tóc là thêm nhiều sợi màu muối tiêu nhấp nhô gợn sóng, những lọn tóc phủ cả lên ánh mắt ngỡ ngàng của bố trước một không gian quen thuộc.

Bố xoa đầu tôi, mỉm cười:

- Sao? Khỏe không con? Thế còn Nga đâu?

Tôi xúc động, nắm chặt bàn tay bố. Một cảm giác thô ráp khô cứng. Một cảm xúc nghẹn ngào cộng với một tình cảm nhớ thương dồn nén lâu nay thúc dục… Tôi ôm chầm lấy vai ông, sung sướng nấc lên:

- Bố!… Bố!…

Mẹ lặng lẽ quay đi, cố tình giấu những giọt nước mắt xúc động nhưng mẹ lại không thể giấu được cái giọng nghẹn ngào như thể giọng của người đang bị... nghẹt mũi. Mẹ nhắc khẽ:

- Con để bố vào thay đồ, còn ăn cơm nữa chứ!

Bố về ở với chúng tôi chỉ được gần một tháng. Gần một tháng, tôi sống trong niềm vui sướng của đứa con an tâm rằng kể từ nay, nó lại tìm được chỗ dựa tinh thần, kể từ nay sẽ không còn cảm giác nơm nớp lo sợ nếu có đứa bạn cùng lớp thóc mách tọc mạch: “Ê, bố mày đâu?”. Gần một tháng, thằng Nga được bố chở đi đây đi đó mua sắm thêm đồ chơi mới lạ, xóa dần đi sự thờ ơ khi nhà vắng bố đã gần như thường trú trong lòng nó mấy năm trời nay. Và cũng gần một tháng, bố chỉ vẽ cho đứa con gái sắp lớn những phương cách ứng xử mỗi tình huống phức tạp trong khi giao tiếp ngoài xã hội. Cái sân thượng nhỏ bé có cây mai chiếu thủy đang điểm hoa li ti trắng mà bố trồng từ hồi xưa đang rũ hương xuống ghế xích đu, thơm ngào ngạt. Đấy là điểm hẹn của hai bố con tôi mỗi khi cơm tối xong. Những lúc ấy, tôi rất muốn hỏi xem bố sống ra sao trong từng ấy năm, bố có luôn nghĩ và nhớ nhiều đến mẹ, đến chị em tôi?… Nhưng rồi, sự bình an là điều mà ai trên thế gian này cũng cần thiết, cũng yêu thích. Phần nữa, tôi không muốn khuấy lên trong lòng bố một sự day dứt, lúng túng khó giải thích. Và cũng thật lòng mà nói, tôi rất sợ bố sẽ lại phải ra đi một lần nữa khi không tìm được sự đồng cảm của ai trong gia đình. Tất cả từng ấy lý do đã mách bảo tôi đừng bao giờ đặt những câu hỏi ngốc nghếch như thế. Tiếp chuyện bố, tôi luôn giành nói tía lia, nói nhiều đến độ không kịp nuốt nước miếng. Toàn là những chuyện quanh co trong lớp học. Ví dụ như chuyện mấy thằng con trai ưa kiếm cớ làm cho mặt tôi biến thành nắm xôi gấc cho chúng nó cười vang. Tất nhiên là có cả vài chuyện do tôi bịa ra để khéo léo khỏa lấp những khoảng trống giữa hai bố con. Bố ngồi nghe, thỉnh thoảng cứ cười rũ ra. Một đứa con gái lớp bảy thôi mà tinh khôn quá chừng! Có nên không nhỉ? Người ta bảo, con gái ở tuổi trung học cơ sở thường sống ý nhị và sâu sắc hơn bọn con trai? Rồi cũng lại người ta thường nói, những đứa không cha, không mẹ hoặc không cả hai thường tỏ ra “lanh” hơn những đứa cùng trang lứa? Tôi chỉ thấy chính bố cũng ngạc nhiên xác nhận: Con gái bố dậy thì quá sớm đấy!

Chao ơi, gần một tháng quý giá làm sao! Có lẽ suốt cả đời tôi chưa từng có gì quý giá hơn những giây phút được kề bên bố như thế. Quả đúng là khi người ta tìm lại được cái gì đã mất thì nó trở nên có giá trị gấp vạn lần lúc còn sờ sờ trong tay.

Thế rồi mọi chuyện cũng chấm dứt sau vỏn vẹn gần một tháng. Tiếng nói tiếng cười của chị em tôi bị chưng hửng tắc nghẹt trong lòng khi nhìn bố lặng lẽ kéo va ly ra đi. Đến tận xe, bố mới quay lại, bảo khẽ:

- Bố phải đi, con ạ!

Bố đi, để lại cho mẹ một cái thai tròn trịa cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vậy sao bố lại bảo “phải đi…”? Có phũ phàng quá không?

Tôi nhìn mẹ mỗi ngày mỗi nặng nề ì ạch lên xuống thang gác. Thương mẹ quá, tôi muốn phụ giúp nhưng mẹ lại bảo: “Đừng, bác sĩ khuyên hãy cố tự đi bộ một mình thì sanh sẽ rất dễ”.

Cái thai lớn bao nhiêu, mẹ dễ tính bấy nhiêu. Dường như lúc nào tôi cũng thấy mẹ tươi cười với chị em tôi. Thằng Nga dù có quậy phá hỏng món đồ chơi đắt tiền, mẹ cũng chỉ cười: “Chuyện trẻ con ấy mà!”. Mẹ hoàn toàn khác trước. Tôi nhớ có lần, bà kể cho tôi nghe hồi mẹ mang thai thằng Nga, bà thấy mẹ “hành” bố đủ điều. Bị sai khiến hết đi ra lại đi vào, hết chuyện này đến chuyện nọ, song bố cũng chỉ hấp háy mắt cười cười với tôi: “Chuyện đàn bà ấy mà, con nhỉ!”. Giờ tôi không tài nào hiểu được điều gì đã khiến mẹ vui quá đến thế? Lẽ ra mẹ phải tức giận khi đang bụng mang dạ chửa mà bố lại đang tâm bỏ rơi chứ? Hay niềm kiêu hãnh đã được tích lũy mấy năm qua đủ cho mẹ xem thường sự vắng mặt của bố?

Những câu hỏi không tìm được lời giải thỏa mãn ấy lẵng nhẵng theo tôi vào cả giấc ngủ, đôi lúc chúng còn làm tôi toát mồ hôi vì một vài đêm có những giấc mơ không đầu không đuôi và đầy màu sắc u tối tràn lên tuổi thơ của chị em tôi.

Hồi mẹ sanh con bé Nâu chưa đầy ba tháng tuổi, mẹ đã phải dứt sữa, để nó cho bà ngoại chăm bẵm bằng những lon sữa ngoại nhập đắt tiền. Mẹ đi biền biệt. Hầu như trách nhiệm với chị em tôi ngày càng ngắn dần đi, bởi các cuộc làm ăn “tranh tối tranh sáng” của thời buổi kinh tế thị trường cứ quấn rịt lấy mẹ. Tôi luôn tỏ ra yêu thương con bé Nâu, điều này đã làm mẹ rất vui. Ánh mắt đầy an tâm tin tưởng của mẹ khi tôi chơi với nó đủ mách bảo tôi điều đó. Thực ra, tôi yêu bố bao nhiêu thì con bé Nâu được thụ hưởng bấy nhiêu. Chỉ mỗi tội, nó không mang nét đặc trưng nào cho hình ảnh của bố tôi! Cái miệng thì nhỏ nhỏ, chúm chím giống mẹ này. Mắt mí lót cũng giống mẹ ghê! Còn lại, nó chẳng giống bất kỳ ai trong gia đình. Tóc quăn, da nâu, mũi hếch, chân tay dài lòng thòng… Tuy thế, tôi lại không thể đặt những câu hỏi thắc mắc về ngoại hình của con bé với mẹ, bởi nó nghiễm nhiên từ trong bụng mẹ tôi chui ra chứ không từ ai khác. Phần nữa, phải thú nhận rằng bé Nâu rất ngoan. Nó dễ thương hơn tôi tưởng nhiều. Tôi thật sự yêu thích nó. Suốt ngày, nó như một con gấu con hiền lành, xinh xắn rúc trong nách bà ngoại tôi, một người đàn bà nhẫn nại và lúc nào cũng toát ra cái nhìn từ bi.

Mải chơi với bé Nâu cả buổi, tôi mới chợt nhớ ra chiếc đồng hồ đeo tay đã bị chết từ lâu.

Sau khi “chụt chịt” con bé Nâu lõm cả cái má bầu bĩnh thơm mùi sữa của nó, tôi dắt chiếc “Cánh én” ra đến vuông sân trước cổng nhà vẫn còn nghe lời hát ru bé Nâu của ngoại bám dính sau lưng:

Bồng bồng i à bồng ơi...

Cái ngủ mày ngủ cho lâu.

Mẹ mày đi cấy í a đồng sâu chưa về.

Ruộng sâu i gian khó trăm bề.

Cha còn lặn lội í…đi về phương nao?

À… a… ời... … À… a… à… ơi... …

Bất chợt lòng tôi chùng xuống.

Xốn xang!

Và một nỗi buồn từ đâu tới len nhẹ vào hồn.