Căn nhà nhỏ ở giữa vườn cây ăn trái um tùm vừa đủ cho đôi vợ chồng già trú ngụ. Ông bà Tư-chủ của căn nhà đã qua cái tuổi hoạt động, làm việc để kiếm sống. Tất cả một đời cần cù làm lụng còn lại là căn nhà nhỏ và vườn cây ăn trái ở ngoại ô Sài Gòn. Đám con ông bà đã đủ lông đủ cánh để bay nhảy khắp nơi. Công việc làm ăn tranh đấu với đời sống ngày càng hỗn độn của một thành phố lớn nên đám con vài ba tháng mới ghé thăm một đôi lần, thảng hoặc có thì giờ nghỉ tạt ngang biếu ông bà gói trà hộp bánh. Ông bà Tư sống nhờ huê lợi trong vườn và số tiền hưu trí ít ỏi của ông dành dụm được.

Mảnh vườn hai công đất trồng đủ các loại cây ăn trái như cam, ổi, mít tố nữ, xoài cát, đu đủ, mãng cầu, nhãn lồng, cóc, chùm ruột... và một khoảng nhỏ dành cho cái vườn non bộ của ông đầy đủ phong lan, thược dược, cúc đại đóa, mồng gà, vạn thọ, mấy gốc lão mai, vài ba cây thiên tuế, vài chậu kiểng và đặc biệt là cái hồ với hòn giả sơn to bằng nữa chiếc chiếu đầy đủ ngư-tiều-canh- độc, lã vọng, tiên ông, cầu to thác nhỏ... Nơi đây là thế giới của riêng ông.

Người khách thường trực hằng tuần là thằng Út cháu ngoại của ông từ Sài Gòn lên chơi. Ba má thằng Út là người duy nhứt trong gia đình ông bà Tư theo nghề buôn bán, có một sạp trái cây ngoài cửa Bắc chợ Sài Gòn. Ông Tư làm công chức, nhưng gia đình nho học quan niệm còn cổ xưa nên không ưa nghề buôn bán, ông Tư chỉ muốn con cái theo nghề đèn sách. Ông nghĩ buôn bán là lường thưng tráo đấu hao tổn âm đức, nhưng con gái ông lại nghĩ khác "phi thương bất phú". Con gái ông buôn bán trái cây ông cũng được yên ổn trong tâm phần nào, Ông bà lúc nào cũng mang cái ấn tượng không tốt về cái nghề buôn nghiệp bán.

Ngày thứ bảy chúa nhật là những ngày nghỉ của Út ở bên ông bà ngoại. Nó nói: "Ngoại già, ngoại hổng có bạn con muốn đến chơi với ngoại. Ngoại biết nhiều chuyện con khoái nghe". Ông Tư nhiều chuyện để kể, từ chuyện Tàu đến chuyện ta, những chuyện Thạch Sanh Lý Thông, Mục Liên Thanh Đề, Lục Vân Tiên, Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, Trần Minh Khố Chuối, Bạch Viên Tôn Các. Ông Tư ngoài chuyện kể còn ngâm vịnh chuyện Kiều, chuyện Lục Vân Tiên có tuồng tích bài bản hẳn hòi làm thằng cháu ngoại có đầu óc giang hồ khoái chí tử.

Nhà ngoại ở một vị trí rất thuận tiện đối với trí óc còn non của Út. Ngôi nhà không xa bờ sông có mấy hàng dừa nước, những cây sung, những khóm ô rô cóc kèn trên con lạch chảy bên hông nhà làm nó liên tưởng đến khung cảnh của câu chuyện trinh thám nó đã đọc.

Thằng Út, vì nó út trong nhà, mỗi lần tới thăm ngoại là bạn nó đến chật vườn, gây náo động sự yên tĩnh của vườn cây suốt tuần chìm trong tĩnh lặng.

Vườn cây ăn trái nhỏ nhưng ngoại trồng đủ thứ. Nhưng thằng Út khoái nhứt hết thảy chỉ có cây ổi. Cây ổi sẻ trái nhỏ bán nhiều nhưng huê lợi ít, nhưng với Út và đám bạn là cả một thiên đường. Cây ổi sẻ già cao to chiếm một góc vườn trái ra chi chít, lúc chín mùi thơm điếc mũi. Trái nhỏ vừa một miếng tuy hột nhiều nhưng ngọt và thanh không lạt như ổi xá lị trồng theo lối tháp cành. Ổi xá lị được cái dòn ít hột vỏ láng o, dòm đã con mắt. Út thích ổi vì cây ổi ít huê lợi nên nó được tự do leo trèo hái trái làm đồ hàng buôn bán với đám con trai con gái hàng xóm. Cây ổi sẻ còn có những cháng ba hình chữ V dùng làm ná giàn thung hết sẩy. Cây ổi ngoài việc cung cấp ná dàn thung đeo tòng teng trên cổ, vài hòn bi ve cũ mẻ sờn, vài hòn sỏi nhỏ trong túi là Út cùng đám trẻ bạn làm vương làm tướng trong khu vườn nhà ngoại bắt nạt đám chích chòe, se sẻ, chào mào. Cây ổi còn có một kỷ niệm đầu đời của thằng bé tuổi mới lớn. Trò chơi của thằng Út kể ra thì nhiều lắm lại tùy theo mùa "mùa nào thức nấy". Bắn chim ngoài bụi tre ở đống gò mả Xóm Đồng, trèo cây bắt chim con, đạp lon, tạt hình, bắn bi, cút bắt...

Hàng tuần, trong miếng sân nhỏ bên hông nhà dưới tàn cây bóng mát rười rượi gần như không có ánh nắng lọt vô. Khoảng sân bằng đất không nện chặt như sân trước nhà, nhưng lâu ngày chạy chơi, được quét dọn hàng ngày do bàn tay của ngoại đã trở nên quen thuộc với Út. Mặt đất láng o như mặt phản, dưới gốc cây Lê-ki-ma Út khoét một cái lỗ nhỏ bằng đầu ngón tay cái để bắn bi.

Trong túi Út lúc nào cũng đầy bi ve chai nhiều màu sặc sỡ. Những hòn bi ve tròn trong suốt, láng và mát lạnh trong túi quần soóc mỗi lần đút tay vô túi mân mê làm Út khoái một cách lạ kỳ. Những tiếng kêu sột soạt mỗi lần Út mân mê bàn tay trong túi là những cảm giác khó quên.

Trong những chuyến du hành buổi trưa với đám bạn có nhỏ Hương, người bạn gái dễ thương khi cười có cái lúm đồng tiền trên má. Ngoài bắn bi, thẩy bông vụ, thám hiểm dọc con lạch nhỏ, câu cá bống dừa. Út thích những buổi trưa sau khi nhào lộn lội bì bõm dưới sông lên nằm dưới gốc cây sung bên cạnh nhà thờ đọc chuyện "Ngôi nhà ma" với nhỏ Hương. Nhỏ Hương im lặng ngồi nghe và lâu lâu lại chêm đôi ba câu làm cả bọn cười bò. Hương ăn nói có duyên lại học giỏi nên trong đám bạn trai đứa nào cũng thích. Một chiều, sau khi lặn lội những vườn cây tìm con cu gáy-giống chim theo ngoại kể lại là giống rất mực chung tình. Ngoại nói: Không biết tại sao người đời có câu thành ngữ "Trên đời có bốn cái ngu: Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu". Theo ngoại thì "chơi cu" cũng nhiều công phu lắm. Người "mê cu" khi nghe tiếng cúc cu cu mỗi trưa hè là không thể nào bỏ qua được. Họ phải lắng nghe để biết cu này là cu mồi hay cu rừng, cu lỡ hay cu cốt. Cu cũng có nhiều loại như cu một, cu hai. Phân biệt được là do tiếng "Cu" kéo dài của nó sau mỗi lần cất tiếng gáy. Thông thường cu gáy "cúc... cu cu... cu" nghe theo tiếng cu kéo dài phía sau thêm vô cái âm thanh lảnh lót lên bổng xuống trầm thì người rành chơi cu phân biệt được cu hay hoặc cu dở.

Muốn chọn một con cu làm mồi người chơi phải biết phân biệt được từ đầu đến mắt, mũi, lông cườm và bộ lông cánh. Đầu phải nhỏ mỏ ngắn lỗ mũi to thì tiếng gáy mới to và đi xa, lông cườm phải đều và dài xuống phần ức, mắt không được lộ. Mắt lộ là cu nhát gặp địch thủ chưa đánh đã hàng. Bộ lông cánh gọi là lông qui. Lông qui phải xếp đều, đầu qui phải tròn mới tốt. Một con cu lỗ mũi nhỏ, mắt lộ, lông qui không tròn đều chỉ là cu thịt, chỉ đáng cho vô chảo mỡ, hoặc ướp sả ớt nướng than hồng. Âm thanh cũng là một phần quan trọng không kém. Giọng thấp là gọng xền, giọng cao là giọng đồng. Giọng xền nhỏ trầm bền bỉ, giọng đồng thanh, cao đi xa.

Chim cu thuộc loại chung tình, lúc nào cũng một vợ một chồng. Ít khi thấy cu đi ăn lẻ loi một mình hoặc một ông hai bà. Đến mùa sinh nở-thường mùa hè-cu trống đi tìm một chị mái để kết bạn "trăm năm" và tìm một góc vườn, góc rừng nào đó để xây tổ ấm. Đặc biệt cu mái mỗi lần chỉ cho ra hai trứng, chỉ hai trứng mà thôi và chắc chắn trong đó khi nở ra là một trống một mái. Điều này ngoại của Út chưa giải thích tại sao. Có một điều Út được biết là giống cu gáy rất làm biếng trong việc xây dựng "Tổ uyên ương". Sau khi cặp nhau dẫn nhau dung dăng dung dẻ vui chơi tháng ngày và tới cận ngày "khai hoa" cặp vợ chồng cu mới vội vàng quơ quào bậy bạ sơ sài vài ba chục cọng rác, lá cây vá chùm vá đụp cho xong một cái ổ, đẻ hai trứng vô đó. Bọn thằng Út đã từng đứng dưới gốc cây dòm lên thấy nguyên con hai cái trứng chim trong ổ.

Chiều nay Út và hai ba thằng lội vô đám cây trong khu vườn bên kia con lạch nhỏ theo tiếng cúc cu cu cu của con cu hai. Út biết chắc nó là chim rừng vì tiếng gáy khoáng đạt cao vút lảnh lót. Út có cảm giác như con cu này chưa biết thất bại lần nào. Theo miết đến chiều nhưng Út vẫn chưa dòm tận mặt con cu. Út ức lắm nó trở về nhà hẹn đám bạn ngày mai theo nữa.

Về đến nhà ngoại mặt trời còn một con sào. Út ra vườn sau đến bên gốc cây ổi leo lên với cái túi sau lưng định bụng làm một túi để ngày mai ra bờ sông đi tắm. Bỗng nó nghe tiếng nước dội ào ào bên nhà Hương. Bên kia hàng rào bông bụp là nhà sau của Hương. Thằng Út chỉ trèo cây hái ổi vào buổi sáng không khi nào trèo cây ổi buổi chiều nên nó không hay biết có gì bên kia hàng rào bông bụp.

Tiếng nước dội ào ào làm gợi trí tò mò của thằng Út, nó nghểnh cổ dòm sang. Cây ổi trên cao, bên kia nhà gần giếng nước có cái buồng che quanh bằng những lớp lá dừa nước không có nóc. Một hình ảnh gai góc nổi lên đột ngột trong trí của Út làm nó không thể không dòm sang bên đó. Một thân hình trăng trắng đang quay lưng lại phía nó, làn nước mát chảy dài từ trên đầu tóc xuống khoảng lưng trần chạy dài theo xương sống. Làn da trắng nổi rõ từng lọn tóc đen dài và óng mượt... Nhỏ Hương... Thằng Út kêu lên nho nhỏ trong cuống họng. Cổ nó muốn nghẹn, thở hết ra hơi, nó có cảm giác máu chạy ngược lên đầu mặt đỏ rần như người uống rượu. Nó nhớ lại những lần chơi đi trốn đi tìm, có lần hai đứa chạy núp chung trong hàng cây bông bụt. Nó hồi hộp lạ kỳ, nhỏ Hương rất tự nhiên núp sau lưng nó, hơi thở thơm mùi bắp non phà vô cổ, vô ót, vô má nó làm nó chết điếng người, nhỏ Hương lại vô tình muốn trốn cho kỹ không để ý nên càng lúc nhỏ càng áp sát ngực vô lưng nó, nó nhột nhạt vì hơi nóng trong người nhỏ Hương truyền sang. Nó muốn nghẹt thở, thanh quản dường như co lại, thở khò khè chịu đựng hết muốn nổi lồng ngực sắp vỡ tan cho đến lúc Hương bỏ chỗ chạy vù ra đập ống lon nó mới bừng tỉnh và té bật ngửa thở phào nằm xui xị.

Hôm nay cảm giác đó trở về khi nhìn rõ lồ lộ dưới ánh sáng chiều con Hương bằng xương bằng thịt bên kia hàng rào bông bụp. Thằng Út bấu chặt tay vô cành cây ổi, mắt nó muốn lòa, tai nó ù ù như thể đàn ong đang bay ở trong. Bên kia nhỏ Hương ngưng dội nước đưa tay xoa xà bông khắp người, bàn tay nhỏ Hương đi tới đâu bên này thằng Út nổi gai ốc cùng mình tới đó. Bỗng... Hương xoay ngang mình quay trở lại. Đúng vào giây phút đó... Rắc... cành cây ổi dưới sức nặng tăng lên đột ngột, gãy ngang, thằng Út chưa kịp kêu đã rớt bịch như trái mít rụng xuống đất. Không biết nhỏ Hương có biết Út ở trên cây ổi hay không.

Út té cây, trẹo giò phải nằm nhà ngoại một tuần nghỉ học. Ba má Út lên thăm la rầy làm dữ nhưng có ngoại bênh nên mọi chuyện êm xuôi. Từ ngày đó thằng Út thấy mình lớn bộn và biết ngâm nga bài học thuộc lòng trong giờ Cổ Văn, một môn học nó thấy chán phèo, và bây giờ nó lại thấy gần gũi thân thương:

“Con gái nhà ai ấy vậy mà

Lại đây ta hỏi có hay là

Môi son má phấn hình như thê?

Mắt phụng lưng ong ấy cũng là

Ăn mặc ra tuồng người ở chốn

Nói năng phải lẽ giống con nhà

Phải chi ta được mà ta đê?

Ta để làm chi, để nữa ta... ”

Bạn bè kéo lại chật nhà, Út không nói cho lũ bạn biết vì sao nó té cây. Khi Hương đến thăm ngồi bên giường lột từng múi cam, miếng quít đưa cho Út, nó mới cảm nhận được từ ngày đó nó không còn là đứa con nít và nó đã biết hơi nhơ nhớ khi Hương từ giã ra về. Nhìn sau lưng, dáng Hương thon nhỏ gọn gàng, thân hình mảnh mai, bước đi yểu điệu, thằng Út bây giờ mới thấm, mới thương người đặt ra câu ca dao khi ngồi trong lớp chỉ học để trả cho thầy:

"Những người thắt đáy lưng ong

Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con."

Út nằm im nhắm mắt mơ màng nhớ cây ổi trước sân nhà.

Hết