Mạnh Tử hỏi vua Tề Tuyên Vương:

- Giả sử có người đem vợ con tài sản gởi gấm cho một người bạn thân nhờ trông nom giùm, vì anh ta bận việc đi xạ Lúc trở về mới hay người ấy để vợ con mình đói rét, tài sản bị chiếm đoạt hết thì nên có thái độ với người bạn ấy như thế nào?

Vua đáp:

- Tuyệt giao!

Mạnh Tử lại hỏi:

- Giả sử có người làm quan, công việc cẩu thả, bê trễ mọi việc thì bệ hạ sẽ xử y ra sao?

Vua đáp:

- Cách chức!

Thầy Mạnh lại hỏi:

- Thế thì, người làm vua một nước mà không chăm lo đời sống dân chúng cho no ấm, bình trị lại đắm mê tửu sắc… thì nên xử như thế nào?

Đức vua tìm cách nói lảng sang chuyện khác.

Em thân mến!

Tại sao Tề Tuyên Vương không trả lời câu hỏi thứ bả Nếu nhà vua kém trí hay chậm chạp thì ông đã không trả lời hai câu hỏi trên một cách mau lẹ và dứt khoát như thế. Cái gì đã làm cho ông vua này “chuyện người thì sáng mà chuyện mình thì quáng” như thế?

Thời quân chủ đã qua rồi, các ông hoàng bà chúa cùng thầy Mạnh, thầy Khổng đều biến mất nhưng câu hỏi trên vẫn chưa được trả lời.

Chúng ta chưa hề làm vua và cũng sẽ không bao giờ làm vua nên ta cũng không biết trả lời giùm Tề Tuyên Vương ra sao hết. Chỉ nhân câu hỏi em cũng có nghĩa là tôi tự hỏi chính mình vậy.

- Nếu có người nhận tiền hàng xóm gởi, đi ra chợ mua gạo. Lúc trở về, người bạn đến hỏi, gạo cũng không mà tiền đã xài hết, thì nên đối xử với họ ra sao?

- Lại có người, nhận một số tiền lớn của bạn hứa sẽ mua giùm đất đai, nhà cửa ruộng vườn… rồi quỵt luôn, nên xử với họ ra sao?

Và, có người nhận tiền của, nhà cửa, y phục, thuốc men, ẩm thực, quà bánh, sự thanh nhàn, lòng cung kính tôn trọng… của người chung quanh đóng góp, với lời hứa sẽ đi tìm đạo giải thoát cho mọi người. Xong, người ấy sáng ngắm kiểng, chiều xem huê, nay dạo làng thăm thân thuộc, mai rảo xóm viếng người quen, chưa đói đã lo ăn, chưa lạnh đã lo đắp, mùa nào thức nấy, vui thú thanh nhàn. Nhận lãnh của mọi người từ những thứ phụ tùng xa xỉ cho đến các nhu cầu cần thiết… để rồi suốt ngày vào than ra thở, đòi hỏi tìm cầu không chán mỏi… Những hạng người như thế nên đối xử ra sao đây?

Câu hỏi này, đức Phật đã trả lời giúp cho tôi và em khỏi lúng túng:

“Thọ của tín thí, tiêu dùng không đúng chỗ sẽ bị đọa vào tam đồ, chịu sự khổ sở, mang lông đội sừng mà đền nợ cũ…”

Đây không phải là lời hăm dọa suông đâu. Chúng ta chớ có xem thường, các thiền sư cũng đã từng nhắc nhở chúng ta:

“Liễu đạo rồi thì ngày tiêu muôn lượng vàng ròng cũng được. Bằng ngược lại thì một hạt cơm, giọt nước cũng không tiêu nổi.”

Hay:

“Học đạo bất thông lý

Hoàn thân đều tín thí…

v.v… và v.v…

Hết