"Sao Diệu, về Hội-An kỳ này có gì lạ không, kể cho nghe với. Hè về, mình nhớ Hội-An quá!"
Ngần ngừ giây lâu, Diệu trả lời nhát gừng:
"Vui thì nhất định phải vui, nhưng buồn nhiều hơn. Thay đổi ghê lắm. Mùa hè của tụi mình, không còn gì hết, dù chỉ nhỏ bằng một dấu chấm. Sạch sành sanh kỷ niệm!"
"Ghê gớm thế cơ à? Thay đổi dữ dội! Chính vì thế mà mình "rét" không dám về."
"Nhưng có một tin buồn của tụi mình: Ngọc chết rồi! Một cái chết thương tâm và đầy ý nghĩa, đáng cho các nhà xã hội học viết đề tài trình luận án. Mình nghe, bủn rủn tay chân. Đến bây giờ vẫn còn thương mẹ con Ngọc quá."
"Saỏ Kể cho bọn này nghe đị Tội nghiệp Ngọc ghê!"
Gia đình Ngọc bị quy tội phản động gì đó, do những hoạt động của Hiếu - chồng Ngọc - với các bạn bè viết văn thời trước. Chính quyền địa phương buộc gia đình Ngọc phải đi kinh tế mới hoặc tù. Không còn đường để chọn lựa, nên Hiếu và Ngọc cùng hai con đã thu gom chút gia sản nhỏ nhoi để đi kinh tế mới. Ngọc điệu đà và tiểu thư nhất trong đám bạn, thế mà phải lăn lộn mưu sinh cùng chồng trên vùng kinh tế mới, chó ăn đá, gà không còn gì để ăn!
Tội nghiệp Ngọc lắm. Người ta chỉ nghe qua lời kể lại hoàn cảnh bi đát của Ngọc, nhưng không ai biết sự cực khổ của Ngọc cùng chồng con lại ở cao độ, không có thể cơ cực hơn được nữa. Sau khi Hiếu cùng Ngọc dắt díu hai con đi vùng kinh tế mới ở Sông Bé, đang là những người dân sinh trưởng ở thành phố, nhưng họ phải trôi dạt về miền núi để sống như một con vật đi bằng hai chân, nghĩa là nửa người, nửa thú rừng. Đất đai cằn cỗi, phương tiện thô sơ ngoài những rựa, cuốc, xẻng cũ kỹ, sức tàn lực kiệt sau những ngày tháng bươi chải nơi thành phố. Bây giờ nỗi cơ cực lầm than tăng lên gấp bội, Ngọc và Hiếu bắt đầu vắt tiếp những giọt mồ hôi cuối cùng trên mảnh đất cằn cỗi của vùng kinh tế mới, trong khi kết quả hoa mầu ít ỏi, không đủ nuôi sống bốn miệng ăn.
Bốn năm sau, trang sử kinh hoàng về đời sống ở vùng kinh tế mới bắt đầu với cái chết của Hiếu. Trong một cơn lụt, nước lũ từ đâu đổ về cuốn trôi tất cả những hoa mầu và những hy vọng vừa lú mầm của gia đình Ngọc. Một chuyến đi lấy củi, phải lội qua một dòng lũ, Hiếu đã trượt chân và bị lũ cuốn đi mất tích. Ngọc cũng chới với trong dòng lũ đó, nhưng may mắn sao, nàng đã níu được một rễ cây chằng chịt bên bờ, và đã sống còn trong cơn ngụp lặn, vật vã với nước nguồn. Nước đã rút, mưa đã ngớt, gió đã ngừng, mặt trời đã le lói ở xa, Ngọc hoảng loạn, thẫn thờ cùng hai con ngồi trên bờ suối nhìn về xa xa, tìm hình bóng của Hiếu đa~ không bao giờ trở lại với mẹ con nàng
Buổi chiều, trong túp lều rách, vuốt mái tóc khét nắng của đứa con trai, Ngọc nói như mơ:
"Thế là hết rồi. Ba đã bỏ ba mẹ con mình với nỗi cơ cực này. Hết rồi. Phần ba đã yên. Bây giờ, mẹ con mình phải tiếp tục những ngày không có ba. Mẹ sợ..."
Để yên đầu mình trong vòng tay mẹ, thằng bé ngây thơ hỏi:
"Mẹ sợ gì hở mẹ?"
Im lặng giây lâu, để kéo dài giây phút được gần mẹ, thằng bé lại nói:
"Mẹ đừng sợ ma nghe mẹ! Mình nói tiếng Huế, ma đâu có hiểu, vì ba nói là ở đây toàn ma Thượng không à!"
Như chợt nhớ ra điều gì, thằng bé lại hỏi:
"Chừng nào ba về, hả mẹ? Sao chuyến này ba đi Bù-Đăng lâu quá!"
Cắn chặt môi đến ứa máu, Ngọc bật khóc:
"Không bao giờ ba trở về nữa. Mình phải sống một mình thôi con ạ! Rồi đây, những khó khăn sẽ chồng chất hơn, sẽ cao hơn và sẽ nhiều hơn với ba mẹ con mình."
Đứa con gái gọt vỏ sắn gần đấy, thấy mẹ khóc thì buồn lắm. Nó dìm hai bàn tay vào cái chậu sành đựng mấy củ sắn mới gọt vỏ xong. Phải ngâm đấy cho ra hết nhựa mới nấu ăn được. Loại sắn H 34 này độc lắm, nếu không ngâm muối cho nhựa ra hết, ăn liền, có thể say mà chết. Nó nhớ lời ba nó thường nói: "Ông Trời cũng độc địa lắm con ạ! Sắn H 34 rất độc, ăn nhiều có thể chết người được, nhưng ngặt một nỗi là nó dễ trồng lắm, cắm hom chỗ nào nó cũng lên rất khỏe, bụ bẫm và xanh tốt.
Điều đặc biệt là nó cho rất nhiều củ, củ nào củ nấy to bằng cánh tay, chi chít bám quanh rễ, đào lên thấy mà ham. Nhưng ăn nhiều không được, chỉ để xay lấy bột là tốt nhất."
Ngọc tiếp lời chồng: "Heo rừng khôn lắm đó anh. Không bao giờ nó ăn sắn H 34 đâu. Đói mấy nó cũng không ăn." Con bé chép miệng, thẫn thờ nhớ lại mấy câu trao đổi giữa ba mẹ nó. Thế mà bây giờ nó phải ngâm loại sắn H 34 độc địa ấy để lát chiều, nấu cho ba mẹ con ăn, vì trong nhà, không còn thứ gì có thể ăn được. Nó bỗng nhiên nhớ đến ba nó đã chết tức tưởi, không có đám ma và cũng chẳng có mồ mả gì cả. Ba nó chết như chưa chết. Bảo sao thằng em nó không biết ba nó đi đâu, cứ tưởng ba nó đi Bù-Đăng như mấy lần trước. Con bé nhớ ba nó vô cùng, nhưng nó lại thương mẹ nó quá. Từ hôm ba nó mất đi, mẹ nó cứ khóc và mặt mày quắt đi. Mẹ nó không kiếm được đồng tiền nào, cho nên gạo cũng không có tiền mua, đừng nói gì đến thức ăn ngoài chợ. Mấy nhà có tiền ở Bù-Đăng họ chỉ mướn đàn ông, còn mẹ nó, ốm yếu, họ đâu có mướn làm gì. Mấy hũ gạo ba nó để dành, ba mẹ con ăn hết rồi. Dù rằng chỉ nấu cháo. Thỉnh thoảng có cô Thượng quen cho mẹ nó vài lon nếp Thượng, nấu cháo hoặc chè khoai môn, ba mẹ con ăn dè cũng được vài ngày.
Có tiếng gọi ngoài ngõ. Con bé ngước nhìn lên. Cặp mắt nó hấp háy trước ánh nắng quái chói chang của buổi chiều. Nhận ra người quen, con bé gọi lớn:
"Mẹ ơi! Cô Thượng!"
Mẹ nó chạy vội ra dắt cô gái Thượng vào nhà, cả hai ngồi bệt xuống nền đất ẩm. Con bé lắng nghe mẹ nó trao đổi gì đó với cô gái Thượng. Cô ấy muốn đổi thứ gì đó của mẹ nó để lấy gạo chắc? Được đấy. Con bé thèm cơm quá rồi. Nó không biết hai người trao đổi những gì, chỉ thấy cô Thượng nhét vật gì đó vào gùi và đi ra, đôi chân cô thoăn thoắt và hai vai cô đưa ra sau với cái gùi sau lưng nhẹ tênh, khiến cho đôi vú căng ra và gật gù theo bước đi. Cô gái Thượng này nhà giầu, có nhiều anh em trai làm nương rẫy, nên trồng được nhiều lúa, mà có nhiều lúa thì có nhiều tiền, sống thoải mái hơn những người Thượng khác. Nó còn nghe mẹ nó khen hai vú cô gái đẹp, rắn chắc, dựng đứng và nhọn hoắt. Lúc mới lên đây, mẹ nó ngạc nhiên lắm khi thấy các cô gái Thượng để ngực trần đi nhong nhong ngoài đường. Sau này, có người giải thích với mẹ nó rằng:
"Ở đây, con gái thì để ngực trần và rất quý đôi vú. Họ bảo là của trời cho, nên để mọi người chiêm ngưỡng. Khi có chồng, đôi vú như có chủ, họ mới mặc yếm che lại, để dành cho chồng và cho con, vì khi ấy, đôi vú trở thành bầu sữa của đứa bé, không còn là độc quyền của người mẹ nữa."
Có tiếng Ngọc nói với con gái:
"Mẹ còn mấy cái áo đẹp, muốn đổi lấy gạo ăn, nhưng con bé này không cần vì nó không mặc áo, nên mẹ đành phải đổi thứ khác vậy."
Rồi thở dài, Ngọc buồn bã:
"Nay mai, mẹ sẽ bảo nó rủ bạn nó đến đây, xem nó thích gì, mẹ sẽ đổi hết để lấy gạo cho hai đứa con ăn no nê một chút. Khổ quá, từ ngày ba chết đi, chẳng hôm nào hai chị em con được ăn ngon cả."
Nước mắt ứa ra, Ngọc nghẹn ngào:
"Ba là nồi cơm, là hũ gạo nuôi ba mẹ con mình. Trời bắt ba chết đi, tức là trời đã hất đổ nồi cơm của mẹ con mình. Mẹ lo đến mùa mưa, đói mất."
Con bé chớp đôi mắt, cúi đầu che giấu những xúc động trong lòng. Ở tuổi lên chín, nó đã sớm hiểu thế nào là đói rách, nghèo khổ và cơ cực. Nó thương mẹ lắm, nhưng không biết làm gì cho mẹ vui, chỉ biết mỗi một việc là lang thang đây đó để tìm những cây có thể ăn được, hái về cho mẹ nấu bát canh ăn cho mát lòng. Hôm qua, nó đi thật xa, phía trên một con suối trong, có thể nhìn thấy những viên đá dưới đáy. Nó mừng rỡ khi thấy một bụi rau sam mọc um tùm bên bờ suối. Con bé cũng khôn, hái chứ không nhổ, để dành cho cây lên, vài ngày hái nữa. Chỗ này gần mép nước, nên rau lên mạnh và tươi tốt. "Thế là chiều nay nhà mình có bữa canh rau sam chua chua, ngọt ngọt. Ngon tuyệt!" Bưng rổ rau trên đường về, con bé nhẩy chân sáo và lẩm bẩm một nỗi vui bất chợt. Đến cửa nhà, nó ngạc nhiên khi thấy ba, bốn cô gái Thượng đang xúm quanh mẹ nó, nói cười rất vui vẻ. Con bé ngây người nhìn cô gái Thượng có đôi vú đẹp đang choàng thử cái áo của mẹ nó, che giấu đôi vú căng phồng sau lớp vải mỏng, trong khi những cô gái khác che miệng cười khúc khích. Cởi áo ra, cô gái Thượng nói với mẹ cô bé:
"Đổi cho tôi đi. Tôi để dành sang năm cưới chồng, mặc cho đẹp."
Chợt cô nghiêm giọng hỏi mẹ cô bé:
"Chị muốn gà hay gạo?"
Ngọc đáp nhanh sau một cái mím môi:
"Gà thì ngon, nhưng... phí quá! Cho tôi lấy gạo đi. Kỳ này nhiều, tôi để dành ăn dần. Mùa mưa sắp đến rồi. Tôi lo lắm!"
Cô gái nhét vội cái áo xuống đáy gùi và hối thúc các bạn đi về lấy gạo đem đổi.
Họ đi rồi, cô bé thấy mẹ ngơ ngẩn như người mất hồn. Cầm tay mẹ, cô bé khoe:
"Hôm nay con đi thật xa, mãi tận trên suối trên, hái được nhiều rau sam lắm, mẹ ơi! Lát nữa, mẹ nấu canh nhé!"
Sực nhớ, con bé nhắc mẹ:
"Nhớ múc cho ba một chén, nghe mẹ! Ba thích rau sam lắm. Ngon hơn cải tàu bay nhiều. Xong rồi, cho con đó. Con xí phần rồi."
Đổi gạo rồi, Ngọc cho hai con ăn no nê được hơn mười ngày. Ngọc cố tìm việc làm nhưng không có ai mướn cả. Đói kém quá, nhà nào cũng cố làm lấy, làm quần quật ngày đêm, không phải vì tham công tiếc việc, nhưng họ đâu có dư để trả công cho người làm mướn. Cả cái huyện Minh-Hưng này, toàn là thành phần kinh tế mới, nghèo xơ xác và vô sản chính hiệu. Trước kia, họ ở Lăng Cha Cả gần phi trường Tân-Sơn-Nhất, sống bằng những nghề không tên tuổi. Bây giờ cả nước khó khăn, họ vẫn là thành phần cùng đinh nhất của xã hội mới. Gia đình Ngọc hội nhập vào cuộc sống với họ, nhưng không hòa tan được trong kế mưu sinh với họ, vì Ngọc chân yếu tay mềm, lại góa bụa. Hai đứa trẻ đang tuổi ham ăn, chả thế mà có người chào hàng bánh đúc, mắm tôm, Ngọc thấy bốn con mắt của hai đứa con hau háu nhìn những miếng bánh đúc vàng ngậy xếp trên lá chuối, chúng tiếc rẻ, nuốt nước bọt khi nghe Ngọc cố gắng lắm mới nói được mấy tiếng từ chối:
"Thôi, bác ạ. Các cháu không đói. Để khi khác."
Người bán bưng rổ bánh đúc đi rồi, thằng bé níu quần Ngọc, giật nhẹ và vòi vĩnh:
"Mẹ... Con đói mà! Đói thật! Sao mẹ không mua bánh đúc?"
Cay xé ở đuôi mắt, nhưng Ngọc cũng phải gượng gạo nói dối con:
"Chút nữa, mẹ nấu cơm con ăn. Bánh đúc đâu có ngon."
Buổi chiều, một nồi cháo trắng được dọn rạ Lại ăn cháo với đường thẻ! Thằng bé lắc đầu:
"Cơm đâu? Sao mẹ nói cho con ăn cơm? Con không ăn cháo đâu. Con ăn cơm à!"
Nó buông đôi đũa, ra góc nhà đứng phụng phịu. Lòng đau như xé, nhưng Ngọc vẫn phải dỗ con:
"Ra mẹ biểu. Cu Chiến hư nghe. Mẹ dọn chi ăn nấy. Con không được đòi. Chướng nào! Ngoan đi. Mai có cơm."
Nhưng thằng bé nào có biết - cho dẫu là bữa cháo trắng với đường thẻ - bữa ăn hôm đó là bữa ăn cuối cùng của ba mẹ con trên thế gian đói khổ này. Vì hai hôm sau, người ta phát giác ba mẹ con đã nằm chết trên giường. Ngọc đã pha thuốc độc cho hai con cùng nàng quyên sinh để về một nơi không có đói rách, không có cơ hàn, và không có những âu lo về một ngày mai đầy những bất trắc.
Trong lá thư tuyệt mạng nguệch ngoạc vài dòng trên tờ giấy học trò vàng ố, Ngọc đã viết:
"Tôi không sống nổi. Tôi thương các con tôi, nhưng tôi tin rằng chúng sẽ rất khổ cực, nếu tiếp tục sống còn. Rồi cũng sẽ như mẹ chúng, không khá hơn được. Tôi không muốn hai con tôi chết, nhưng cũng không muốn chúng cực khổ, vật lộn với cuộc sống. Tôi bất lực, đành phải đem các con theo tôi. Đó cũng là cách tôi nói với hai đứa con yêu quý của tôi rằng:
"Mẹ yêu hai con vô cùng! Mẹ không muốn hai con phải sống khổ sở, đầy đọa. Mẹ không muốn hai con sống như những người cùng đinh."
Xin chính quyền huyện chôn cất giùm. Đừng để thú dữ ăn thịt chúng tôi."
Câu chuyện Diệu kể xong lâu rồi, nhưng tất cả mọi người đều ngồi im, bất động như những bức tượng. Những đôi mắt đã nhòe nhoẹt nước mắt. Ngọc ơi! Sao mà khổ quá thế? Sao vội dắt con, trốn nợ dương gian? Ngọc ơi, Ngọc! Bạn bè khóc Ngọc, Ngọc ơi! Ngọc ở đâu rồi, có nghe không?