Lão Cận lay lãy mũi kim, khâu mẩu vải vào lỗ thủng của đít quần. Không biết lớp vải cứng, kim lụt hay tay yếu mà lụi mãi không thấu hai lớp vải. Cây kim dường như cũng kiệt sức như chủ nó, như con trâu già trên luống cày sâu.

Buổi chiều tù, cơm nước xong, ai cũng bận rộn rối rít cho công việc cá nhân. Người thi nấu trà uống, người thì đâm lá rừng vặt vết thương. Kẻ lại đan rổ để hái rau bắt ốc, kẻ khác thì chế tạo thìa bằng những mảnh nhôm vụn, hoặc nối quai dép bằng những mẩu dây kẽm rất hiếm nhặt ở đâu đó.

Cuộc sống tàn tạ héo queo, tuy có vẻ lao xao, nhưng sự xôn xao đó chỉ là sự run rẩy của những chiếc lá vàng còn cố níu lại cành, chỉ một cơn gió là sút cuống.

Bỗng Lão Cận nghe tiếng chân đến gần từ phía sau lưng. Vốn quen chừng, lão biết đó là ai. Thì đúng như rằng tên quản Bành.

- Ông già khâu gì đó?

- Vá cái lỗ quần! Lão Cận cố ý không ngó lên, đáp.

- Vá xong cụ cho tôi mượn cây kim tôi kết lại chiếc cúc long lay được không? Vừa rồi đi dự lễ quốc khánh trên trung đoàn, tôi lãnh được huân chương chiến công hạng ba đeo nặng suýt đứt cả cúc áo.

- Cái huân chương hạng ba mà nặng thế, nếu huân chương hạng nhất chắc là...

- Hề hề... đứt cả hàng mấy cúc đó cụ. Nào, xong chưa?

- Dạ chưa đâu ạ. Tôi kém mắt tay lại run nên khâu chậm quá đi mất!

- Cụ hượm đã, cho tôi mượn tí teo...

- Ông Quản đưa áo đây cho tôi kết lại cho!

- Tôi còn mấy cái áo ở nhà cũng đứt mất cúc, cụ cho tôi mượn về kết luôn một thể.

- Ông Quản đem xuống đây tôi làm cả cho!

- Tôi còn vá mấy cái lai quần nữa!

- Tôi còn phải vá cho xong cái quần để sáng mai mặc đi lao động.

- Cụ còn có cái lai quần thôi sao?

- Tôi còn hai cái, cái mặc ngủ. Tôi vô đây ba năm có ai thăm nom gì, nên quần áo chỉ vá lại mặc. Lão Cận tiếp - Tiền kiếp của cái quần tà lỏn này là một cái quần tây kaki màu cỏ úa của một người cùng trại mãn hạn cho tôi. Dần dần nó trở thành quần tây ngắn vì tôi phải hớt hai ống vá lên mông, vá hết hai ống đó rồi cắt hai túi đắp tiếp. Cuối cùng cắt luôn hai cái túi sau chầm nốt. Bây giờ nó chẳng ra cái quần gì, tây cụt không ra tây cụt, tà lỏn không phải tà lỏn. Toàn những mẩu vải chằn chịt nhăn nhíu như tấm bản đồ thế giới, ông Quản coi đây - Lão Cận giơ cái quần có cây kim ghim ở mẩu vải vá dở lên cho tên Quản giáo xem và tiếp - Tôi có cố lắm thì cũng phải đến chạng vạng mới xong các lỗ. Hà hà... cái quần "tố lãm" mà thưa ông Quản!

- Vậy mai cho tôi mượn kim nghe! Tên Quản giáo tỏ vẻ bực rọc trong giọng nói khô khóc rồi đi thẳng không để lão già từ chối như mấy lần trước. Nhưng Lão Cận nói với theo:

- Anh em ở lâu họ "đăng ký" mượn trước rồi ông Quản ạ!

Lão Cận khất lần cho qua truông chứ kỳ thực thì lại không muốn cho tên ôn binh này mượn. Hắn mượn vật gì của ai, hắn hay "quên" lắm, có nhắc hắn cũng hứa trả nhưng rồi lại quên và quên luôn. Người chủ của món đồ bị mượn không dám đòi nữa. Vừa rồi hắn thấy có anh tù được người nhà thăm nuôi cho một cái hộp quẹt Zippo mới. Hắn mượn đốt thuốc rồi đút túi luôn. (Hôm ấy ăng ten báo cáo hiện tượng vượt ngục nên hắn mới đích thân lên chỗ lao động) trên đường về, khi lội qua suối hắn kêu làm rớt. Ai nấy biết cái hộp quẹt nằm trong túi áo hắn, nhưng tình hình đang nghiêm trọng, đòi cái hộp quẹt lại có thể là một hiện tượng ám sát Quản giáo cũng nên, bởi vậy người chủ chiếc Zíp đành cho nó rớt luôn.

Buổi chiều hắn có thói quen rảo các trại, ngó đầu này, liếc đầu kia, thế nào rồi hắn cũng tìm ra một vài món để mượn, hoặc kiếm chuyện để bắt bẻ.

Không mượn được cây kim của Lão Cận, hắn tức lắm. Lão là tên tù già yếu không gây chuyện với ai, lao động siêng năng nên được tặng bằng khen gương mẫu. Tuy vậy lão là dân Nghệ An, loại dân có tính bướng bỉnh và mưu thâm thường trực. Lão lại nói bóng nói gió với đám tù "Tao là trâu già đâu nệ dao phay... cùn". Câu ấy lọt vào tai hắn.

Hắn gờm lão lâu naỵ Hắn ít khi đến gần lão nhưng khổ nỗi là lão có cây kim. Cây kim ấy lại là kim đít vàng. Có lần lão cho hắn xem tận mắt. Quái lạ! Nhưng mà đúng thật. Cái đít kim vàng chóe như đít con ong nghệ rừng. Hắn mơ cái đít vàng ấy. Vàng! Đó là những gì hắn mơ ước. Hắn muốn có một tí vàng cất trong người. Hắn theo Cách mạng từ đầu mùa tới nay hắn cứ gằm đầu công tác mà quên khuấy đi rằng trên đời này còn có một thứ làm cho người ta say mê hơn cả công tác, say mê có thể bỏ cả công tác và bất luận ai cũng muốn có. Một lần hắn giải tù về Hà Nội, hắn được vào Bộ Công An. Hắn thấy ông nào cũng đeo đồng hồ vàng, cà rá vàng, bút máy nắp vàng. Vàng! Vàng làm cho các ông ấy sáng sủa oai vệ hẳn ra. Một tí đít kim thôi. Nhưng đó là vàng!

Có lần hắn thấy người nhà của tù nhân thăm nuôi đeo một chiếc đồng hồ ba cửa sổ, hắn muốn gạ gẫm hoặc giở ngón này ngón nọ để chiếm đoạt dù phải hành động tàn bạo đến đâu, nhưng hắn lại không làm được. Một lần khác vợ của một tù nhân đến đây. Người đàn bà đeo nhẫn vàng khi đến văn phòng. Hắn rắp tâm làm khó dễ để bà ta phải đút chiếc nhẫn cho hắn, nhưng không hiểu sao khi hắn đích thân đưa tù ra chiêu đãi sở để gặp vợ thì hắn không còn thấy cái khoen vàng kia còn nằm trên ngón tay của người đàn bà nữa. Chắc bà ta giấu đi. Thì ra người thăm nuôi cũng biết cảnh giác với cách mạng. Bây giờ lại lóe lên cái đít kim vàng của lão già này!

Lão dại gì cho hắn mượn. Lão thừa biết hắn có tính hay quên khi mượn đồ. Hơn nữa, đây là món độc nhất của vợ lão đưa cho từ khi lão bị bắt, còn lại tới bây giờ. Lão đã đi không biết bao nhiêu trại, bị đô hộ bởi không biết bao nhiêu cái loại ngợm trơ trẽn với danh xưng Quản giáo. Như thằng này, có thằng béo, thằng gầy, già, trẻ nhưng tất cả đều có những tánh đảng phú là xảo ác và ăn bẩn như nhau. Cứ mỗi trại lão đến, lão tưới mồ hôi nước mắt vài ba năm rồi đi không nhớ tên hết. Chỉ nhớ rằng tóc lão hãy còn xanh khi bước vào cổng tù thứ nhất mà nay thì đã trắng như bông. Ngày đó lão chưa để râu. Bây giờ râu dài hơn râu cụ Hồ trên ảnh treo ở hội trường. Vợ con không được đến thăm. Có lẽ gia đình không biết lão ở tù trại nào, nhất là không biết tù vì tội gì.

Mỉa mai thay lão lại sinh ra trên cùng một mảnh đất với cụ Hồ, chỉ khác là sinh quán của lão là Quỳnh Lưu, không phải Nam Đàn. Còn thành phần thì cũng na ná như thành phần cụ Hồ; nhà lão có ăn... chỉ ở mức phú nông. Bố lão không có áo mão quan lại như bố cụ. Nhưng lão lại là phản động. Vì lão đã vô phúc không đầu thai vào nhà cố nông, và càng vô phúc hơn lão lại ở trong một cái làng mà dân chúng dám đứng lên làm loạn và trốn ra biển lên Tàu Mỹ vù vô Nam. Và càng đại vô phúc hơn nữa làng lão là một làng Công giáo. Vì thế mỗi người dân đương nhiên được coi là một tên phản động... Quỳnh Lưu! Đó là những điều lão suy ra chứ không ai nói rõ như thế với lão. Lão Cận tẩn mẩn vá xong các lỗ thủng ở đáy quần nhưng trời hãy còn sớm. Nắng nhợt nhạt dát mặt sân từng mảng lớn như những tấm vàng lá với những hình thù khác nhau. Ngọn núi phía tây che mặt trời chiều làm cho đêm đến sớm.

Lão vạch tìm những lỗ rách khác để vá nhưng không còn lỗ nào nữa. Lão bèn đột thêm một đường chỉ quanh mảnh vừa vá cho chắc. Lão đã mệt mỏi, định cất kim để ngã lưng, nhưng một tên tù tới, và hỏi mượn kim. Thằng Hơn.

Lão Cận vẫn không chọ Lão nói:

- Cây kim này đi theo tôi đã gần hai mươi năm. Khi ở nhà nó là vật dụng xoàng nhưng vào đây là một kỷ niệm rồi chú em ạ!

- Gãy tôi đền! tên Hơn quả quyết.

- Đã bảo nó là kỷ vật mà! Chú có kim đền sao không xài để mượn!

- Vì tôi muốn dùng cây kim đít vàng xem tác dụng ra sao?

- Cũng là kim thôi, đâu có khác gì nhau!

- Đít nó bằng vàng ắt nó phải có gì đặc biệt chớ!

- Khác thì khác nhưng vẫn là cây kim để may vá cũng như tù gương mẫu và thường cũng đều là tù cả vậy.

- Cùng là tù nhưng cũng có khác chứ ạ! Tôi là tù "tiến bộ" sắp được về rồi mà!

Lão Cận ngừng tay ngó lên vì câu nói chọc vào tim lão. Sao nó được về còn mình mãi vẫn chưa? Anh tù "tiến bộ" bỏ đi. Được vài bước thì ngó lại cười. Cụ không hiểu anh ta định nói gì với cụ qua cái cười khó hiểu ấy. Đâu có gì để anh ta cười. Với cụ lại càng không. Lão giật mình. Nó là thằng tù vừa được ở trên tặng danh hiệu "cải tạo tiến bộ". Tiến bộ gì nó. Vụ "hiện tượng vượt ngục" vừa rồi anh em ngờ nó báo cáo để lập công. Anh em cùng nhóm với nó bị phạt cơm lạt một tuần lễ, căm hắn lắm, nhưng không làm gì hắn được! Không khéo hắn lại thuổng luôn cây kim vàng của lão và lại được danh hiệu tiến bộ lần thứ hai. Nghĩ vậy, khi may xong lão không dấu cây kim vào trong bọng thanh giường bằng nứa như mọi ngày nữa, sáng mai trước khi đi lao động ta phải cất giấu nơi khác. Trời ơi cây kim của vợ đưa cho.

Bỗng nhiên hai giọt nước mắt rơi xuống má lão nhăn nheo sâu như ruộng nẻ kỳ đại hạn. Vợ lão làm gì ở nhà? Có còn ở nhà đó hay đã đi đâu? Những gì đã xảy đến? Đàn con của lão đã tan lạc hết rồi chắc! Lão đi tù, lấy ai nuôi nấng ai dạy dỗ. Ngày lão bị bắt thình lình, không kịp từ giã vợ con, không kịp chuẩn bị món gì cho thân. May sao bà vợ sáng ý, quơ quần áo cũ chạy theo ném lên xe. Khi đến nơi, lão soạn thấy có cây kim ghim trong cuộn tơ vàng bỏ trong túi một chiếc áo bà bạ Cuộn tơ ươm từ lứa tằm cuối cùng của nhà trước khi xảy ra vụ nhộn nhạo của dân làng. Như vậy bà đã đoán trước được ngày ông hoặc cả gia đình phải tù đày hay ly tán cho nên bà đã cho chăn màn quần áo vào từng bọc sẵn để đi.

Quần áo của vợ ném theo, bây giờ không còn cái nào cũng không còn mẩu vải nào còn sót lại. Ba năm đầu nhà nước không phát. Tù phải tự túc lấy. Vải sồ nào chịu nổi với lao động càn rừng, đẵn gỗ, bè nứa. Cuộn tơ thì tháo ra thay cho chỉ trắng chỉ đen khâu vá. Lão phải gỡ những gút mắc, mới rút chạy qua trôn kim, những quần áo rách rã đến độ không mang vào người được nữa thì xé lấy vải để vá, ngoài ra lão rút lại những đường tơ đã khâu vào đấy để dùng lại lần nữa, lẫn nữa. Quần áo rách hai ba xác, sợi tơ vẫn còn chắc.

Người đàn bà ấy trong đời lão - và chỉ một thôi - bây giờ ra sao? Lão nhớ mãi lúc xe vừa nổ máy, mụ chạy theo bóng mờ trong bụi, lão cố thò cổ ra để thu vào mắt hình ảnh mà lão linh tính rằng đây là lần vĩnh biệt.

Bóng vợ đứng sửng trên mặt đường cứ xa dần xa dần rồi chỉ còn là một cái sổ đứng như chấm than trên mặt giấy. Bắt chồng đi, không để cho vợ nói một lời từ giã.

Chế độ này ác thật. Thời Tây cũng không có đến thế mà.

Bố lão ngày còn sinh tiền dặn cậu bé Cận hai điều: Nửa đêm chớ có bắt con gà làm thịt vì nó đang ngủ ngon. Con chim đậu trên cành chớ nên bắn, vì nó chết nó không biết tội gì. Chế độ bây giờ đối với con người không bằng cả người xưa đối với loài vật.

Lão Cận thở dài, đưa tay đấm đấm sau lưng rồi đứng dậy, ngó quanh quất, yên trí không ai biết lão giấu cây kim ở đâu rồi ngã lưng lên giường. Những đốt nứa chuyển răng rắc như những lóng xương của lão sắp bong ra.

Kẻng hôm nay chừng như khua sớm. Sương mù dày đặc. Người đi trước cách người đi sau vài bước mà bóng đã mờ. Như thường lệ lão Cận được xếp vào tổ lao động nhẹ: cắt lá ủ phân xanh. Việc này chỉ giao cho những ai yếu sức khỏe hoặc được sự chiếu cố của Quản giáo.

Trên đường đi, lào Cận tạt qua chân núi thăm mấy cái bẫy chuột. Lão phải đặt rất xa trại để chắc chắc rằng khi lão ăn thịt chuột thì đó là những con chuột không có khoét thây tù chết trong trại. Trong nhà xác có cả một bầy chuột cống xù lông vàng chuyên môn lấp ló ở miệng hang đào trong chân vách. Chúng nó thính hơi lắm. Những cái xác chân còn mắt trong gông, chúng đã ngửi thấy và tới làm cỗ với nhau rồi. Ở cái vùng đất xã hội chủ nghĩa dành riêng cho những người chống chế độ này, ông vua Quản giáo tự ý cho phép tù được kinh doanh cá thể tí chút, không có hại gì đến mâm cơm của lãnh tụ.

Ở chân núi có một vệt đường mòn lướt trên đầu cỏ thấp! Lão Cận biết đây là đường chuột đi. Lão đặt một dãy những ba chiếc bẫy. Hôm qua dính hai con. Cái bẫy thứ ba cũng sập nhưng không có chuột. Lão gỡ ra hai con chuột dẹp như hai miếng chuối ép. Ruột gan tróc cả ra đít và hai mắt lồi như hai hột cườm. Một con có lẽ sập từ chập tối nên thân nó đã cứng. Còn con kia thì chắc mới sập lúc gần sáng nên thịt nó còn mềm. Chao ôi lão Cận nghĩ thầm mình cũng ác thật. Lừa con vật vào ngậm mấy hạt ngô để đạp phải cái máy làm hòn đá ngót hai chục kí lô rơi lên tấm thân bé nhỏ của nó. Với loại "bẫy nhẹp" này những con vật chết không kịp ngáp. Chúng không biết chết vì tội gì. Lão đi làm luôn luôn lận lưng một dúm muối. Hễ có chuột dính thì lão thừa lúc nghỉ ngơi đem đi thui, rồi lột da, ướp muối bỏ trong ống nứa như mắm. Nếu không làm như vậy thì đến chiều sẽ sình. Về đến trại, lão tét tép sả xắt nhỏ ướp sơ rồi đốt lửa nướng. Mỡ chảy xuống than bốc thơm làm rỏ dãi biết bao người. Sáng hôm nay lão Cận chỉ được một chút tí tẹo. Nó bị đè nát bấy trông gớm quá. Lão nắm chót đuôi xách lên, xoay qua xoay lại để lượng định trên xác cái sinh vật chết bất đắc kỳ tử kia còn được bao nhiêu mẩu thịt khả dĩ bỏ vào mồm. Chuột núi ăn sỏi đá mà cũng mập đáo để. Mỡ nó trắng phau. Lão bỏ con chuột xuống đất.

- Ê, ông già? sao thăm bẫy của tôi.

Lão Cận đang cúi xuống kéo cần bẫy lên gài lại, vừa ngoái cổ nhìn thì "cốp" một cây đòn bổ ngang xuống. Lão ngã lăn, gượng kêu lên một tiếng: "Hơn!... mày... mày... "

- Lão già trộm bẫy!

... Thằng Hơn nhặt lấy cái xác con vật và đi ra đường. Thấy tốp tù đi kéo nứa ngang, hắn giơ con chuột to bằng ngón chân cái, đính chính lia lịa:

- Cái dãy bẫy nầy của tôi mà lão gỡ lấy chuột đấy các ông ạ!

- Lão nào? Một người hỏi.

- Cái lão ở lán C.

- Ở lán C có nhiều ông già, mà ông nào?

- Cái lão có cây kim đít vàng.

- Mày láo! Tao ở lán C đây! Cái dãy bẫy này là của ổng đặt ra đã lâu rồi. Tao biết mày ăn trộm của lão thì có!

Có lẽ nghe tiếng cãi vả lão Cận cố rên lên một tiếng to như cầu cứu, rồi im bặt. Đám tù chạy vào, thấy lão già quì úp mặt vào vách đá, đầu tràn những máu. Máu xối ướt cả đất. Một người tù khỏe cõng lão về lán đặt lão trên giường rồi lên văn phòng báo cáo với Quản Bành.

Quản Bành lập tức xuống lán xem sự tình. Lão Cận nằm mê man. Quản Bành kêu y tá xuống băng bó và xua mấy người vừa đưa lão về trở ra rừng lao động.

Ngó quanh quất không thấy ai nữa, Quản Bành lấy một que cây nạy thanh nứa ở đầu giường tìm cây kim nhưng không thấy!

Hắn ra lệnh cho Cảnh vê đi bắt tên Hơn về nhốt phòng tối. Toán Cảnh vệ thấy tên Hơn không có vẻ sợ hãi. Hắn cứ nói lải nhải: "Ăn trộm của tôi thì tôi đánh bể đầu." Hơn đòi gặp riêng Quản Giáo nhưng Quản Giáo bảo: "Nó là tội phạm, không được gặp ai hết."

Buổi chiều tù về, ngồi quanh mâm cơm, tiếng xì xầm không ngớt, mỗi người một phách.

- Ai cũng phải quấy?

- Dù thế nào cũng không thể đánh người ta như thế được!

- Thằng ấy là con cưng của Quản Giáo.

- Mà này, việc xảy ra cũng kỳ, Lão Cận xưa nay đâu có thế!

- Miếng ăn là miếng lộn gan lên đầu, ai biết được!

- Miếng gà chứ miếng chuột mà cũng lộn gan hay sao?

- Đã đói, lại còn mất miếng ăn gì mà chẳng lộn!

Thằng Hơn nằm trong ngục tối chẳng chút nao núng. Nó không được ăn cơm chiều. Nó nghĩ thầm: Quản Giáo bận rộn nên quên! Đến khuya nó đói quá, no bắt đầu chửi thề. Chửi xong, thấy hãy còn ấm ức, nó chửi thằng Quản giáo đểu cáng, vô học, tàn ác. Nhưng nó chỉ dám chửi thầm. Thành thử ra nó chửi nó nghe. Nó than thở. Nó không biết nó tội gì? - Cây kim đít vàng lão ghim trong lai áo ta lấy được, ta chưa kịp đưa cho tên Cảnh vệ nộp cho hắn, cho nên hắn giận giam ta chứ gì! Hắn quên cả đi rằng hắn đã hứa sẽ cho ta ra trại sớm có lẽ nào hắn quên nhanh như thế? Có lẽ nào!? Thằng Hơn hậm hực nghĩ lung tung. Thằng hơn giật mình thức dậy có tiếng cửa nghiến. Ánh sáng bên ngoài loang loáng. Một ánh đèn pin xanh kinh hoàng chĩa vào mặt hắn rồi một tiếng gắt gỏng:

- Ổng bảo mày đưa cây kim cho ổng.

- Ừ, đây này!

Nó lại lật áo lên. Trong ánh đèn pin, cây kim chói lấp lánh. Nó rút lấy đưa cho tên Cảnh vệ dặn - ghim vào túi mày kẻo rơi mất. Mày đưa cho ổng, nhớ nhắc ổng đừng cho tao nghỉ mát luôn trong này!

Tên Cảnh vệ ghim cây kim vào miệng túi rồi lui ra. Một tên khác bước vào với chiếc còng số 8, bảo:

- Để tao tằng mày cặp bánh còng này cái đã rồi tao sẽ tâu với ổng sau!

Tên cảnh vệ khóa tay thằng Hơn nhanh hơn chớp rồi bước ra.

... Cánh cửa đóng phập. Hắn không kịp van nài một tiếng.

Chiều hôm sau, Quản Bành cho xếp đặt hội trường và khua kẻng họp toàn trại. Hội trường lúc nào cũng trang trí sẵn với những khẩu hiệu và ảnh của các lãnh tụ mặt đỏ. Chính giữa hội trường là ảnh thằng Hồ to bằng cánh cửa, treo hơi chụp xuống có vẻ như nhìn bọn tù, đe: "Chúng mày gọi mả tao là cầu tiêu, tao nhốt chúng mày rục xương." Hai bên hình nó là hai cái khẩu hiệu dài như cánh tay vượn.

Đó là hai câu đối Mác Lê chữ viết bằng máu của tù. Cái bên trái là "Chủ Nghĩa Cộng Sản bách chiến bách thắng muôn năm." Cái bên phải là "Đảng Cộng Sản Việt Nam muôn năm." Về cái khẩu hiệu bách thắng này, có một câu chuyện hay haỵ Số là hồi đó có một phái đoàn quốc tế đến thăm. Nên trại cho rất nhiều khẩu hiệu, lớp để chào mừng phái đoàn, lớp để ưỡn ngực khoe chiến thắng. Trong đó có cái câu "bách chiến" là trọng tâm. Nhưng không biết cái anh tù được "vinh dự" giao cho việc kẻ khẩu hiệu kia. Vì anh ta dốt chữ như đồng chí tổng bí thơ nhà ta hay vì anh ta gan cóc tía mà kẻ chữ "bách" ra chữ "BẤT" kiểu như chữ "bất" của ông đạo Dừa treo ở cầu Bắc Hàm Luông.

Nếu anh tù kẻ "Bất chiến bất thắng" thì còn đỡ đỡ, đàng này anh ta lại kẻ "BÁCH chiến BẤT thắng!" Thế mới độc địa!

Nhưng vì văn hóa cao hay vì lóa mắt trước chiến thắng, cả ban Quản giáo không có tên nào thấy cái chữ quái ác đó! Càng ác hơn nữa là phái đoàn có phó nháy đi theo. Chắc chắn là tên phó nháy có mần dăm ba pô chứ sao khỏi. Đổ đường từ Hà Nội tới đây mà. Cái chữ BẤT to bằng cục thịt ba bốn lạng lẽ nào lại không dính vô ảnh?... Phái đoàn về rồi,... anh tù nào cũng làm bộ có việc đến hội trường để liếc sơ một cái và khoái ngầm thằng nào đỉnh cao trí tuệ đã kẻ một cái khẩu hiệu tài tình đến thế?

Vài hôm sau Quản Bành được giấy khiển trách nặng và cái anh tù trí tuệ kia bị bắt đi đâu mất tiêu luôn. Quản Bành nghi cho "Huế Nghệ" thâm độc bày mưu chống đối. Hắn cho là dân Nghệ An là dân thâm độc nhất nước. Cứ xem bác Hồ thì biết. Giết cả dân Quỳnh Lưu mà vẫn được dân tung hô muôn năm!

Đêm nay hắn cho trang trí hậu trường để tăng vẻ trang nghiêm của một phiên tòa. Hắn không quên đánh vần lại các khẩu hiệu để yên trí không bị tù trác như lần trước nữa. Hắn cho chào cờ, hát quốc ca, mặc niệm v.v... trước khi khai mạc phiên tòa. Tù ngồi dưới đất, ngước lên, nghe tuyên bô lý do.

Hắn mặc quân phục gắn lon trung úy, mang mề đay, đeo súng ngắn. Hắn lên giọng:

- Hôm nay toàn thể các người họp tại đây để nghe án lệnh của ban Quản giáo về anh Nguyễn Văn Hơn đà đánh chết ông Cận bằng một thanh gỗ vuông, cạnh bén. Với thanh gỗ này anh Hơn đà gây một vết thương nơi sọ đầu phía sau của ông Cận bề dài năm phân và bề rộng một phân ba ly tây. Ông Cận đã trút hơi thở cuối cùng vào 11 giờ sáng nay.

Tên Quản giáo cố bắt chước những kết luận trong các hồ sơ bản án mà hắn được đọc cho có vẻ quan tòa kết tội. Hắn tiếp - chỉ vì một con chuột con mà anh Hơn đã đánh chết một ông già yếu đuối. Hơn nữa trước khi đánh, anh Hơn đã chuẩn bị thanh gỗ sắc cạnh chứ không phải chụp một khúc cây ngoài rừng. Vậy là cố sát - Hất hàm ra phía tên Hơn đang đứng trước mặt hắn, hai tay bị còng ngoặc ra sau - Anh có muốn tự bào chũ+a gì không?

- Có! - Hơn đáp.

- Cho phép anh nói!

- Tôi đánh lão vì lão bắt con chuột sập bẫy của tôi.

- Tại sao anh biết là lão ta lấy con chuột của anh?

- Dạ, vì tôi gài cái bẫy đó. Có lần ông Quản giáo thấy tôi nướng chuột, ông Quản giáo hỏi tôi làm sao bắt được chuột tài vậy? Tôi nói tôi gài bẫy nhẹp ở hốc núi. Ông Quản giáo nói coi chừng ăn chuột yêu tinh đó nghe!

Tên Quản gạt ngang:

- Tôi chỉ biết là anh gài bẫy chứ tôi không biết anh gài ở đâu!

Tên Hơn vẫn nghênh nghênh cái mặt không có vẻ sợ hãi chút nào. Hắn nghĩ là Quản Bành chỉ dựng một trò chơi để cho tù "giải trí" thôi chứ Quản Bành sẽ không làm gì hắn. Nhưng tù thì nhất định sẽ nêu ra lý lẽ đầy đủ để Quản Bành trị tội tên lưu manh. Một anh tù giơ tay lên nói. Quản Bành đang cần nhân chứng nên cho phép ngay.

- Tôi biết vụ gài bẫy này rất rành - Anh tù chậm rãi trình bày với giọng quả quyết - đó là bẫy của ông Cận. Ông Cận là người ở nhà quê nên rất rành bẫy chuột. Ông nghiên cứu rất kỹ đường mòn chuột đi rồi mới đặt bẫy. Chính tôi đã giúp ông lấy hòn đá trong chân núi để làm bẫy. Nhờ đặt trúng lạch nên bữa sáng nào đi làm ông cũng gỡ được một vài con. Đích thân tôi đã theo để coi ông gài bẫy hoặc gỡ chuột vài lần.

Quản Bành hỏi tên Hơn:

- Anh có ai làm chứng đó là bẫy của anh không?

Tên Hơn ú ớ.

- Nếu anh có ai làm chứng rằng đó là bẫy của anh thì tôi sẽ nghiên cứu toàn nội vụ.

- Dạ, tôi làm bẫy bí mật vì sợ người khác gỡ lấy, nên không có ai biết cả?

- Nhưng cho rằng bẫy đó là của anh đi nữa, tôi chỉ thí dụ thôi, chứ tôi không nghĩ như vậy, thì anh cũng không thể nhẫn tâm mà đánh một ông già cùng cảnh ngộ với anh đến chết như vậy. Anh còn muốn nói gì nữa không?

- Dạ tôi không muốn nói gì thêm.

- Như vậy là anh đã nhận tội?

- Dạ tội nầy do đâu, tôi chắc ông Quản giáo là người sáng suốt, chắc ông Quản giáo biết rõ không phải tôi thù oán gì lão Cận, xin ông Quản giáo giảm nhe...

- Chừng nào giảm nhẹ chưa biết, nhưng hiện giờ thì tử hình! - Quản Bành đập bàn gắt.

Hội trường lặng ngắt.

Quản Bành tiếp:

- Anh vô phòng tối ăn năn hối cải đi rồi mai tôi cho phép anh gặp tôi.

Tên tử tội bị lôi về phòng tối. Tay vẫn còng. Nhưng bụng không nao núng.

Hắn vẫn nghĩ rằng Quản Bành chỉ làm cho tù thỏa mãn chút thôi, chứ gì mà tử hình. Mà cho là tử hình đi nữa cũng không sao. Tử tội trở thành vô tội, vô tội bỗng là tử tội, ở đây chuyện thường. Sàn xi măng lạnh cháy dạ Đây mới chỉ là đêm thứ hai. Thế mà hắn tưởng hắn đã chết xuống âm phủ hai lần. Không khí tanh nồng nặc. Tay còng, nằm bề nào cũng không yên. Hắn đoán đêm nay Quản giáo sẽ bí mật cho hắn chuyển sang trại khác và hắn lại có môi trường mới để làm một cái ăng ten mới toanh dưới lớp áo tù nhân khắc khổ, tiến bộ.

Bỗng nghe tiếng khóa khua bên ngoài. Rồi sợi xích rơi đánh "xoảng" xuống nền xi măng.

Cửa mở. Hai người cảnh vệ xông vào lôi hắn ra. Nửa đêm mà bắt đi thế này, hắn biết là đi đâu rồi. Hắn kêu lên:

- Đi mà gặp ông Quản giáo! - Một người cảnh vệ nói rồi lôi tuột hắn ra. Hắn nhận thấy họ không đưa hắn lên văn phòng, họ dẫn hắn ra rừng.

- Ủa lạ này, sao ông Quản giáo ở ngoài rừng. Hắn hỏi thì một người đáp.

- Ông ấy đang ở bẫy chuột! Ổng nhờ mày làm cho ổng một cái bẫy ngoài rừng.

Người cảnh vệ vừa nói vừa lên gối một phát sau lưng hắn rồi đạp cánh cửa đóng lại.

- Tôi chưa thấy ông ấy bẫy chuột bao giờ! Hắn cố cãi.

- Có chớ. Ông ấy là tay chuyên môn, ngày nào ông ấy chả bẫy được dăm con.

- Sao tôi không thấy?

- Không thấy thì bữa nay thấy!

Vừa đối thoại với tên tử tù, hai người cảnh vệ đã đưa hắn ra giữa một đám đất trống. Một người rọi đèn chụp xuống đất.

- Đây, cái bẫy đây!

Tên tử tù ngó theo: Một cái lỗ cạn cạn, méo méo tròn tròn. Đất vương vãi hãy còn mới. Bên cạnh cái lỗ, một mô đất lè tè cũng còn mới.

- Mày biết ai nằm đây không?

- Ai?

- Lão già bị mày đập đầu.

- Ông Quản Giáo bảo tôi mà! - thằng Hơn nghe lạnh buốt gáy.

- Ừ thì biết rồi, ổng không bảo thì bố mày cũng không dám!

- Ổng bảo tôi làm vậy rồi ổng cho tôi ra trại sớm, ổng cho người nhà tôi thăm nuôi thường xuyên.

- Thôi quì xuống đi rồi ra trại sớm!

Tên Hơn bật khóc. Hắn khóc rưng rức. Hắn khóc hu hụ Hắn khóc đủ kiểu. Người cảnh vệ ấn vai hắn bảo.

- Mày làm tai mắt cho ổng đã lâu. Bây giờ lộ tẩy, mày hết xài rồi. Mày hiểu chưa? Ổng không giết mày thì tù cũng giết mày. Nhưng ổng giết thì ổng được tiếng nghiêm minh, được cái đít vàng của cây kim và nay mai ổng còn được cả con nhân ngãi của mày nữa chứ. Mày thấy ổng gài bẫy tài chưa? Hề hề... Ổng sẽ chạy mấy chữ về con nhân ngãi mày, bảo lên đây rước mày xuất trại. Lần trước ổng quơ sẩy nó, nhưng lần này là dính. Mày thấy bẫy chưa?

- Mấy ông làm ơn! tên Hơn nức lên.

- Ơn gì? Nói để mày biết, tụi tao chỉ phục vụ mấy thằng tù có tư cách, kể cả những thằng dám đập cùm vào đầu tụi tao, còn thứ lem nhem như mày, tụi tao coi như dòi. Thôi quì xuống! Muốn mấy phát?

Xuân Nhân Loại

Bốn mươi năm biến tựa mù sương

Đông Âu vỡ ổ, nát như tương

Một bầy đầu sỏ rơi như lá

Ba- Đức-Tiệp-Hung-Lỗ mở đường!

Không phải mùa xuân mấy thuở sang

Liềm yêu rạch nát da khô vàng

Búa đen tanh lượm mùa xương máu

Điện đỏ xây bằng những tóc tang

Đây một mùa xuân tới, tới gần

Đây mùa bất tuyệt của muôn xuân

Tự do cuồn cuộn tràn dâng sóng

Dân chủ tung trời vạn ý dân

Tiếng kêu thống thiết của nhân gian

Mỗi xác rơi: thêm một tiếng đàn

Thành bản hòa âm vang trái đất

vách sắt tường đồng cũng vỡ tan

Lâu rồi khao khát lắm xuân ơi

Nhân loại cầu xin ánh mặt trời

Nhân loại giờ đây đà đứng dậy

Vui đón nàng xuân nhoẻn miệng cười

(Họa nguyên vận bài thơ cùng tựa của Tố Hữu)

Xuân Vũ

Hết