Tên anh chỉ hơn tên tôi một nét chấm phá nhỏ xíu - một cái dấu - nhưng đó lại là điều thỉnh thoảng chúng tôi vẫn tranh cãi. Anh bảo:

- Ê nhỏ, em chôm cái tên của anh để làm tên mình sao không chôm cho hết, để rơi rớt lại chi cái dấu cho nó cô đơn buồn bã kia?

Tôi thì lại cứ cho rằng anh mượn cái tên của tôi để hoàn chỉnh cái tên của mình. Cuộc tranh cãi rốt cuộc chẳng đâu vào đâu như chúng tôi vẫn là hai cuộc đời riêng biệt, ngay cả cá tính chúng tôi cũng chẳng có gì giống nhau. Có lần Trâm Anh bảo:

- Ông ấy và mi tính nết khác hẳn nhau; sao tụi mi lại chơi với nhau được nhỉ.

Tôi cười:

- Để cãi nhau cho cuộc sống thêm phần thi vị đó mà.

Đã bao lần, chúng tôi tranh cãi, giận hờn nhau vì những chuyện nhỏ nhặt chính từ những cái không giống nhau của hai đứa. Anh là người rất nghiêm túc. Anh luôn tuân thủ theo qui luật sống của mình, luôn đúng giờ kể cả lúc đến cơ quan hoa*.c hẹn với tôi - nếu có gì đột xuất anh luôn tìm cách báo trước. Hơn một năm quen nhau, tôi chưa lần nào nếm mùi vị chờ đợi của hẹn hò. Mùa nắng phải có nón, mùa mưa luôn mang theo áo đi mưa. Với mọi người, anh cũng luôn cư xử đúng mực, với cha mẹ tôi anh lễ phép, với lũ em tôi anh vui vẻ, với bạn bè tôi anh hoà nhã,lịch sự và với tôi anh ân cần, chăm sóc. Mọi người quen thân đều cho rằng tôi thật hạnh phúc khi có anh.

Trái lại, tôi luôn sống không theo một qui luật nào. Tôi có thể đến lớp trễ chỉ vì chở giúp một bà cụ không quen với cái giỏ to kềnh về nhà. Tôi có thể quên giờ hẹn với anh chỉ vì ngồi trò chuyện say sưa với đám học trò lớp chồi của nhỏ Tú mỗi lần có dịp ghé thăm nó. Tôi không thích nón, tôi ghét áo mưa nên tôi có thể phóng xe giữa Saigon nắng gắt với mái tóc rối tung, nên tôi có thể đứng hàng tiếng đồng hồ ở một góc phố để đợi chờ một cơn mưa dứt hoặc dầm mưa suốt buổi chiều, để khi về nhà nghe tiếng cằn nhằn yêu thương của mẹ. Tôi ghét những qui luật - dù đó là những qui luật của anh. Tôi chưa bao giờ có ý định thay đổi những thói quen của mình dù tôi yêu anh, dù tôi luôn cảm nhận được một sự rạn vỡ mơ hồ nào đó luôn hiện diện giữa chúng tôi.

Tôi xòe lòng bàn tay, đường chỉ tay ngoằn ngoèo rối rắm. Trâm Anh bảo:

- Tâm hồn mi rắc rối y như những đường chỉ tay của mị Mi khó mà giữ được những gì mi muốn giữ.

Tôi cười buồn:

- Ta cũng chẳng muốn giữa những gì không muốn ở lại với mình.

Tôi kéo Trâm Anh vào quán nước quen. Cái quán nằm trong một khu vườn râm mát cây xanh. Từ hôm giận nhau với anh đến giờ tôi không vào đây. Hai tuần không gặp anh, hai tuần để tôi dò dẫm quả tim bướng bỉnh hay bị "trái gió trở trời" của mình. Mệt mỏi. Muộn phiền. Lần đầu tiên sau một năm quen nhau tôi biết đợi chờ: một tiếng chuông điện thoại, một lá thư, hay một lời nhắn... đại loại một cái gì đó để tôi biết tôi còn có anh. Không, không có gì. Im lặng. Anh im lặng. Tôi cũng im lặng. Chỉ có quả tim tội nghiệp của tôi đôi lúc cứ lúc lắc nhoi nhói đau.

Cô bé bán hàng có mái tóc tém xinh xắn, hỏi:

- Hai chị uống gì?

Trâm Anh nhanh nhẩu:

- Cho chị hai đá chanh, bé.

- Không, một cà phê đen.

Trâm Anh tròn mắt nhìn tôi:

- Cà phể Phá lệ hả?

- Hôm nay ta tự do.

Nó thận trọng hỏi:

- Lại giận nhau phải không?

Tôi không trả lời. Nó cũng thôi không hỏi. Cô bé bán quán mang nước ra, tôi nhìn ly cà phê đen... lạ lẫm. Tôi nhớ lời anh: "Anh ghét con gái uống cà phê... " . Kệ anh. Tôi nhấp ngụm cà phê và nhăn mặt. Trâm Anh cười:

- Đắng hả?

- Ừ! Đắng. Lần đầu tiên ta biết cà phê đắng.

Lần đầu tiên tôi uống cà phệ Lần đầu tiên tôi vào quán mà được gọi một thứ gì đó mình muốn. Đi với anh, tôi luôn thụ động. Anh luôn tự kêu một thứ gì đó cho tôi nhưng không bao giờ là cà phệ Lâu dần tôi cũng quen với điều đó, như chưa bao giờ tôi thích cà phê cả. Hôm nay, tôi tự do thưởng thức cái vị đắng thấm vào đầu lưỡi, lan tỏa một chút đam mê ngọt ngào. Không có anh. Có gì đâu quả tim bé nhỏ! Hãy ngoan. Đừng sợ. Cứ ngạo nghễ chống lại cái qui luật lạnh lùng của anh đi. Như buổi tối hôm đó, anh lạnh lùng bảo tôi:

- Anh phải về nghỉ sớm ngày mai còn đi làm. Đưa đại thằng nhỏ đến một đồn công an nào đó, ngày mai nó về nhà.

- Anh về trước đi. Đưa chú bé về rồi em về nhà một mình cũng được.

Anh nhìn tôi tức giận:

- Em lúc nào cũng chuốc sự phiền phức vào mình.

Tôi nhìn anh giận dỗi phóng xe đi, con đường tối bỗng trở nên rộng thênh đến sợ. Chú bé đưa đôi mắt ngơ ngác nhìn tôi, vẻ van nài:

- Chị đưa dùm em về nhà nghe chị.

Nhìn khuôn mặt tím bầm, bộ quần áo lem luốc của nó, tôi cười:

- Lên xe đi cưng.

Suốt quãng đường, chú bé kể cho tôi nghe về những ngày làm công vất vả, về sự hà khắc của ông chủ, về bà mẹ bệnh hoạn, về ông bố nát rượu và lũ em nheo nhóc. Gánh nặng của số phận đổ dồn lên đôi vai nhỏ bé mười hai tuổi này.

- Chiều nay, ông chủ em đánh em quá trời. Em chịu không nổi nên bỏ trốn. Em đi bộ lâu lắm rồi. Mệt quá, hên còn gặp chị.

Tôi thả chú bé xuống đầu ngõ một cái xóm nhỏ vùng ngoại ô, những mái nhà lá đã ngủ yên dưới bóng tối của những vườn cây. Thằng bé lí nhí:

- Em cám ơn chị nhiều nghen.

Tôi vuốt mái tóc bết cứng của nó:

- Vào nhà đi cưng.

Thằng bé chạy biến vào bóng tối của cái ngõ nhỏ, tôi bỗng chùng lòng khi chạnh nghĩ: ngày mai đây cuộc đời của thằng bé sẽ ra sao? Quay xe trở về giữa con đường rộng thênh, giữa bóng tối và một sự yên ổn nào đó về việc làm của mình, tôi lại nhớ ánh mắt giận hờn và câu nói lạnh lùng của anh. Tôi tự hỏi: "Tại sao lại cứ phải ngủ đúng giờ nhỉ?" Anh có quyền giữ đúng qui luật sống của anh nhưng tôi cũng chưa bao giờ có ý định từ bỏ những điều tôi thích làm cả. Chúng tôi vẫn là hai cuộc đời riêng biệt nên chúng tôi vẫn cứ giận hờn nhau vì những suy nghĩ riêng biệt.

Trâm Anh kéo tôi:

- Thôi, về nhỏ.

Tôi và Trâm Anh rời khỏi quán. Cô bé bán hàng vuốt mái tóc cũn cỡn gật đầu chào chúng tôi. Tôi cười:

- Cám ơn cô bé. Cà phê của cô bé rất ngon.

Trâm Anh đánh nhẹ vào tay tôi:

- Khùng. Uống vào nhăn như khỉ mà kêu ngon.

- Cà phê ngon nhờ vị đắng. Ta bắt đầu thích uống cà phê từ hôm nay nhỏ ạ.

Trời sắp đổ cơn mưa khi tôi vừa ngồi lên phía sau yên xe của Trâm Anh. Cả hai đứa đều không mang theo áo mưa. Nhưng nhằm nhò gì! Tôi không thích nón. Tôi ghét áo mưa. Tôi có quyền dầm mưa suốt buổi chiều hôm naỵ Tôi vòng hai tay ôm eo Trâm Anh và nói thầm: "Lạy trời mưa xuống"...

Hết