LỜI THƯA
MỤC LỤC1.- lá thư hong kong 2.- nhà giường 3.- khoảng không 4.- ra đời 5.- mađam thơ 6.- điên 7.- ghi chép một ngày 8.- đêm thánh 9.- cứu thế 10.- vô tướng 11.- let it be 12.- chiếc ghế trống 13.- thuyền nhân: bóng tối cuối đường hầm 14.- trục xuất 15.- diễn đàn hồi hương: hoa kẽm gai16.- đêm giao thừa đỏ lửa 17.- thư gửi veronique 18.- giao thừa 93 19.- tan đàn a.- chuyển trại b.- n.g.o vàng và cám c.- bỏ thì thương d.- trời con e.- người chơi với gián f.- hai chị em g.- đàn ông h.- trai gái 20.- bờ kia LỜI THƯAChuyện tỵ nạn thì lớn, như biển. Những dòng chữ này chỉ là vài hạt muối nhạt. Đây không phải là thiên nghiên cứu về người Việt ở trại cấm Hong Kong, mà chỉ là vài ghi chép riêng tư của một người có dịp làm việc tại vài trại cấm, từ 1991 đến 1993, về một số người và việc đời thường, như một đóng góp rất nhỏ, vào câu chuyện lớn về Thuyền Nhân Việt Nam. Thuyền Nhân Việt Nam bắt đầu rời đất nước từ năm 1975. Họ đến nhiều nước quanh vùng bằng nhiều đường. Cuộc sống của họ tại trại tỵ nạn cũng trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu khó khăn mọi mặt nhưng lại mở ra ở đoạn kết, và họ đều được tiếp nhận đi định cư ở nước thứ ba. Giai đoạn trại cấm bắt đầu từ 16.6.1988 ở Hong Kong và 14.3.1989 ở các nước Đông Nam Á còn lại. Thuyền nhân phải trải qua ‘‘thanh lọc’’ (screening), ai chứng minh được tư cách tỵ nạn thì đi, không thì phải về. Mỗi thuyền nhân đều có một câu chuyện riêng đầy tính người về chuyến đi, từ trước khi xuống thuyền, khi lênh đênh trên biển, khi đến bờ, khi ở trại, khi rời trại và sau đó. Hy vọng một ngày nào đó, sẽ có người thu thập lại thật nhiều những câu chuyện riêng này, như những hòn sỏi, hạt cát, viên gạch, để xây một đài tưởng niệm thuyền nhân, và người vượt biên, vượt biển. Thu thập lại để nhớ và cầu nguyện cho những người đã ra đi (có lẽ ít nhất là 3 triệu), những người đã chết (có thể lên tới 400.000), những người đã được định cư (khoảng 2 triệu), và những người đã trở về (khoảng 100.000). Tất cả đều lênh đênh và gian nan, suốt một phần tư thế kỷ.