Hồi đó, đi kháng chiến chống thực dân Pháp ở tại Cần Thơ, tôi mới tập tễnh viết văn nên muốn sống thực tế chiến trường để thu lượm đề tài... sống.
Tôi lặn lội xuống bộ đội địa phương huyện Ô Môn và luôn luôn ra trận ở vùng Ba Xe Cầu Nhiếm. Thấy thú lắm mặc dù cũng có rất nhiều lần chạy tóe phở vì bị Tây đuổi hoặc xe nồi đồng bắn vét đít.
Một buổi chiều, tôi thấy Ban Chỉ Huy Đại đội thì thầm hội ý với nhau ở ngoài bờ kinh xáng dưới một khóm chuối. Chập sau, Đại đội được lệnh ăn cơm gấp để hành quân. Sự thực thì Ban Chỉ Huy chỉ chọn lấy có non hai Tiểu đội, toàn chiến sĩ ngon lành và các cán bộ Trung đội, Tiểu đội có thành tích, chứ không hành quân toàn Đại đội.
Xong rồi, ông Đại đội Trưởng kiêm Chính Trị Viên, người to béo phục phịch hối tôi: "Ông nhà báo có đi không? Đề tài đặc biệt đấy!"
Cố nhiên là tôi hăng hái, nhận đi ngay không suy nghĩ gì cả.
Những chiến sĩ gạo cội được chọn kéo nhau ra đi, võ trang toàn thứ vũ khí ác: tiểu liên Mas (#1), Thompson, súng lục, không có súng trường.
Đi tới một cánh đồng trống, tất cả được lệnh ngồi lại để Đại Đội Trưởng - Vị chỉ huy trận đánh đêm nay - phổ biến kế hoạch.
Ông cho biết đây là một trận đánh nội ứng, do sự móc ngoéo được với lính đồn Phán Đặng ở gần Cái Răng. Mọi sự đã bố trí chu đáo cả rồi. Ta chỉ cần đến và theo mật hiệu của anh lính nội ứng gác phiên khuya vào lúc 2 giờ sáng bằng bật lửa, ta sẽ vào diệt sạch lính bên trong, có chừng 20 tên, lầy đồn gọn hơ. Mai sẽ ăn liên hoan to, có Tỉnh đội xuống dự và phát bằng khen.
Đại khái như thế. Mặc dù không ai rõ gì hết về địa hình địa vật nơi sắp xảy ra trận đánh cũng cứ đi, tin chắc ba bó vô một giạ theo kiểu nông dân làm mùa. Trời chiều, ánh nắng lướt thướt trên mái rạ. Tôi cố bước nhanh trong đoàn quân, vai mang cây tiểu liên Mas nhẹ nhàng. Tôi bỗng thấy một con bướm đen to bằng bàn tay xòe, đốm vàng bay lởn vởn trước mặt tôi. Nó chấp chới đậu trên lưng Đại Đội Trưởng. Vì muốn ưu đãi tôi nên người ta cho tôi đi với Ban Chỉ Huy. Lúc đầu, tôi không để ý tới con bướm lắm, nhưng khi thấy nó cứ trở đi trở lại thì tôi bèn xua nó đi. Nó biến dạng khá lâu.
Chập sau, lúc băng qua một cánh đồng nho nhỏ, tôi lại thấy con bướm, cũng con bướm đen đốm vàng lúc nãy. Vẫn chấp chới trước mặt tôi và sau lưng viên Chỉ Huy Trưởng.
Tôi hơi chướng mắt nên lại quơ tay xua nó. Nó bay đi xa nhưng chỉ chập sau thì trở lại. Tôi cho rằng nó thấy người thì bay theo vậy thôi chứ chẳng có chuyện gì, cho nên chỉ khi nào nó đáp vào mặt tôi tôi mới quạt nó ra vì sợ phấn của nó làm tôi ho. Chốc nữa ho sẽ lộ bí mật.
Sau vài tiếng đồng hồ hành quân thì mặt trời lặn. Chúng tôi đến mé sông. Có mấy chiếc xuồng và ghe tam bản chờ ở đó để độ quân sang sông. Lính cứ theo lệnh chỉ huy không dám hỏi thêm gì. Chỉ biết bên kia là rìa vùng tạm chiến, nơi tiếp giáp khu giải phóng và khu quân Pháp kiểm soát. Đơn vị được lệnh tước bỏ những gì không cần thiết để nhẹ mình di chuyển cho nhanh, chỉ giữ lại súng và bao đạn. Lính lẫn chỉ huy đều cởi trần và mặc quần tiều.
Khi tất cả xuống xuồng xong thì con bướm lại xuất hiện. Vẫn con bướm đen đốm vàng. Nó bay là là trên mặt nước, vòng ra mũi xuồng, rồi lại len vào giữa tôi và ông Đại Đội Trưởng.
Đoàn xuồng lặng lẽ nhắm bên kia bờ sông đâm qua. Chỉ vài phút thì tới nơi. Lệnh của Đại Đội Trưởng: súng lắp đạn sẵn sàng chiến đấu, không được nói chuyện. Và mật hiệu rút lui là: "Tiến!", có nghĩa là hễ khi nghe Đại Đội Trưởng hô to: "Tiến!" thì ai nấy phải hiểu rõ đó là rút lui. Ngắn gọn có thế.
Lính đã lên bờ. Đại Đội Trưởng duyệt lại lần nữa rồi ra lệnh tiếp tục hành quân. Nhưng có người kêu lên ở dưới xuồng. Thì ra một anh chiến sĩ đang nằm sau lái ghe tam bản. Anh ta đang đau bụng. Ông Đại Đội Trưởng nhanh nhẩu nói:
"Tại ăn rau muống sống bóp 'con mẻ' hồi chiều! Thôi, cậu ở lại coi xuồng và đồ đạc cho anh em. Nằm đây chờ chở chiến lợi phẩm và tù binh về nhé."
Rồi đơn vị kéo đi.
Trời tối dần và tối hẳn. Đi vào vùng tạm chiến, không khí rờn rợn lạnh. Nhà nào cũng treo đèn trước cửa như con mắt canh chừng quân gian.
Càng đi sâu vào càng nghe rõ tiếng mõ canh của các đồn bót tứ phía. Rạ khô đã nghe ẩm ướt dưới bước chân và lưng cũng lạnh dần. Đường xa, đêm khuya sâu thẳm.
... Đơn vị được lệnh dừng lại ở một ven vườn rậm để đợi người của nội ứng đến đưa đơn vị vào khu tiếp cận bót Phán Đặng. Đây là người nhà, phải là ruột thịt, hoặc anh em, hoặc cha mẹ của nội ứng. Như vậy mới khỏi lo bị phản phé. Vì nếu nội ứng làm phản thì thân nhân của họ sẽ không tránh khỏi bị trừng trị tại trận. Trừ Ban Chỉ Huy không ai rõ người này là cha mẹ hay anh em của nội ứng.
Ngồi nghỉ một chập lâu thì được lệnh sẵn sàng chiến đấu và hành quân tiếp - lúc ấy mới biết là đối tượng đã đến và đưa đơn vị vào trận địa.
Riêng tôi, cứ mỗi lần chuẩn bị xuất quân thì thấy hăng hái lắm, nhưng khi đã nằm tại trận chờ địch đến thì cứ mắc đi tiểu liền liền vì trong bụng xao xuyến hồi hộp mất bình thường. Lần này cũng mắc tiểu nhưng không đi được vì đang hành quân.
Bót Phán Đặng đã hiện ra lù lù trước mặt với cái nóc nhọn nhô lên giữa màn đêm như một trái núi con. Tội bị tụt hậu hồi nào không hay. Có lẽ các chiến sĩ đã được lệnh đi lên phía trước để vào đồn, còn tôi, một kẻ chầu rìa nên được cho ra chót đội hình. Thật vậy, tôi đoán đúng, đơn vị sẽ luồn vô từ phía sau đồn do nội ứng đã mở cửa sẵn và do đối tượng đưa đường. Vừa nghĩ vậy thì tất cả được lệnh ngồi xuống. Tôi nhận ra đây là vòng rào bìa đồn. Tôi rút chiếc khăn tay bịt mặt chiếc đồng hồ Lu-mi-nơ. Ban đêm con số hiện lên xanh lét rờn rợn như ma trơi, trông ớn quá. Gần hai giờ. Mọi việc xảy ra xuông xẻ y như kế hoạch. Ông Đại Đội Trưởng bò qua suốt lượt đơn vị ra dấu tỏ ý chắc ăn trăm phần trăn. Ông nắm tay tôi giật giật và trỏ trên nóc chuồng cu. Ý nói rằng anh nội ứng của mình đang ngồi gác trên đó. Tôi ngó theo thấy đóm lửa điếu thuốc nháng lên đỏ rực, rồi một vạch đỏ cắt màn đêm: anh ta ném điếu thuốc. Ông Đại Đội Trưởng bò lộn lại phía trước. Có lẽ mật hiệu ném tàn thuốc cho biết là bên trong đã xong xuôi, các anh hãy cho đơn vị luồn vào.
Quả thực, từng tổ một lom khom đi vào. Nhưng hai tổ cuối cùng thì được lệnh ngồi lại bên ngoài chờ lệnh, hoặc đóng vai dự bị quân.
Tiếng mõ canh lốc cốc nổi lên cầm chừng từ bót này qua lô cốt khác như lời nhắc nhở hãy thức canh chừng quân gian. Bót Phán Đặng là bót lớn cho nên có toán Pa-trui ban đêm chăng? Tôi nghĩ vậy vì thấy có bóng đèn pin xẹt lên ở phía trước rồi tiếng giày khua động, mà không đoán được là tốp Pa-trui đang trở lại đồn hay mới bắt đầu ra đi.
Một tiếng cú buông lỏng giữa trời khuya lạnh buốt. Tôi ôm khẩu tiểu liên trong lòng mà hai hàm răng đánh bò cạp. Lưng đã ướt đẫm sương. Tôi hé chiếc khăn để ngó mặt đồng hồ. Thì "bốp'. Rồi "Đoành! Đoành!...!" Súng nổ hằng loạt trong đồn. Rẹc, rẹc không dứt. Tiểu liên, Thompson, cả súng trường.
Tôi mọp xuống một cách máy móc để tránh làn đạn, mặc dù không có dấu hiệu nào thấy đạn bay ra phía này.
Như vậy là hốt gọn rồi. Tôi nhổm lên để nhìn vào. Thì nghe tiếng chân lẻ tẻ chạy ra trên lối đơn vị vừa vào. Rồi tiếng hô thất thanh: "Tiến! Tiến!" liên tục. Ủa, sao kỳ vậy? "Tiến! Tiến!"
Chẳng còn biết ất giáp gì nữa, hai tổ quân dự bị còn ngồi bên ngoài, cố nhiên là trong đó có tôi, hiểu ngay tiếng gào "Tiến!" có nghĩa là rút lui. Cho nên cả bọn co giò phót bạt mạng trong lúc súng vẫn lẹt đẹt nổ giữa đồn phía sau lưng chúng tôi.
Một cách rất bản năng, chạy băng đồng trở lại bến sông bằng sự linh mẫn của cặp giò. Hai "mắt cá" đóng vai "thiên lý nhãn" cho nên dù đường lạ, ngoắc ngoéo, ban đêm, bằng ấy dự bị quân phóng như tên mà không lạc lối.
Chúng tôi đến mé sông, nơi anh lính giữ xuồng ngồi chờ "chở tù binh và chiến lợi phẩm." Anh ta tên Phúc (đúng là phúc đức ông bà ba đời nhà anh ta để lại. Cái tên đặt thật đúng!) Phúc bình tĩnh bảo như đã tiên đoán sự bất trắc này:
"Xuống xuồng ngay. Tôi đưa qua sông để còn trở lại chở chiến thuơng."
Tù binh không bắt được. Chiến lợi phẩm hóa thành chiến thương. Tưởng ăn chắc ba bó một giạ, nào ngờ lúa lép. Ai cũng biết cú địch vận này bị phản thùng. Đạn từ bốt bắn đuổi theo, rơi nhiễu xuống sông "chùn chụt" nghe rợn tóc gáy.
***
Hôm sau độ giờ Ngọ, đàn bà đi chợ Thành về - đường ra vào mở ngõ thông thương - một người phụ nữ có lẽ ở lối xóm đơn vị đóng quân, đi thẳng vào nhà có bộ đội ở và nói to, đả đớt:
"Chèn đét ơi! Mấy em có ai gảnh không? (rảnh không)"
"Chi vậy chị! " Một chiến sĩ hỏi gặng: "Tụi em đang bận rối rít."
"Gối ghít gì thì 'gối' (rối rít thì rối) cũng phải vô lấy xác mấy anh em về. Oánh giặc gì bỏ anh em chết ác đức vậy!"
Quả thật đơn vị đang bận rối rít mà không có cách gì gỡ rối được. Sự "rối" đó là gần một nửa anh em đột nhập vào đồn đêm qua, trong đó có cả Đại Đội Trưởng, tới giờ này không thấy về. Không rõ ai thất lạc, ai hy sinh trong đồn. Chị phụ nữ thúc giục:
"Thằng xếp đồn nó biểu tui về nhắn với mấy anh là nó cho lấy xác đó. Nó không có khó dễ gì đâu. Nhưng nội ngày nay thôi. Nó lôi đem để ra mé sông che đậy kỹ lưỡng. Cứ việc tới đem về chôn. Hễ tới chiều mà không ai lấy thì nó phải đào lỗ dập."
Chị nói thêm:
"Thằng xếp đồn nói có một ông mập dữ lắm, xuồng ba lá chở phải khẳm!"
Thế là đơn vị chạy đôn chạy đáo đi tìm ông già bà cả nhờ đi ra Thành lấy xác giùm.
Tôi gặp Phúc ở bờ kinh. Tôi nói:
"Hú vía cho cậu đấy!"
"Hú vía cho anh chớ cho tôi!" Phúc tiếp. "Phải anh đi với tổ 1 thì..."
"Phải cậu không đau bụng thì..."
Phúc vênh mặt:
"Tôi biết trước là 'hổng' có xong mà."
"Sao cậu biết?"
"Anh không thấy con bướm đen bay chấp chá đậu trên lưng Đại Đội Trưởng sao? Giống đen xui lắm! Tôi muốn thụt trở lại mà không dám, cho nên phút chót mới đau bụng giả đò đó chớ! Tôi ngồi dưới xuồng lại nghe tiếng chim cú kêu. Rõ ràng là điềm xui đã báo ứng mà!"
"Sao cậu không nói với Ban Chỉ Huy để thua đau vậy?"
"Mấy ổng người đảng mà! Đâu có tin. Nói còn ăn bộp tai nữa là khác!"
Chú thích:
(1-) Mas: tiểu liên cực nhẹ do Manufactures d'Armes St. Etiennes Pháp sản xuất năm 1950.