Thằng Ngô đứng nhìn mãi con diều của nó đang bay lượn trên không. Con diều bằng giấy thật mỏng, nhiều màu, và trông rất lộng lẫy! Ngoài ra nó còn có cái đuôi rất dài, cái đuôi uốn éo bay lượn khiến nó nhìn mãi không biết chán mắt. Đó là công trình của nó, bỏ ra cả tuần lễ mới làm được cái diều này, nếu kể thời gian nó đi tìm giấy nữa thì phải mất cả mấy tháng trời! Năm ngoái nó cũng có một cái diều, không phải là nó làm, nhưng là bắt được! Không hiểu diều của ai bị đứt dây mà lại bay đến nhà nó rồi vướng ngay vào ngọn cây ở góc vườn! Vậy là nó có diều để chơi mà không mất công gì cả! Nhưng rồi một hôm nó đang chơi, con diều đang bay bổng bỗng lại đứt dây, bay mãi, bay mãi, đến khi nó không còn thấy gì nữa. Tối hôm đó nó tiếc đến ngẩn ngơ, nhưng rồi cũng tự an ủi, đó chỉ là diều bắt được, có mất thì cũng coi như chưa có diều vậy thôi! Nhưng cái diều này mới thật là diều của nó, nó bỏ công bao nhiêu ngày trời mới làm được, nên nó phải thật cẩn thận đừng để mất. Muốn thế, nó phải tìm cho được một cuộn chỉ ni lông làm dây, mà chỉ ni lông bây giờ hiếm quá nên nó chưa biết làm thế nào bây giờ, thành thử vừa chơi diều vừa hồi hộp! Cách nó một khoảng, thằng Lương cũng đang thả diều, nó không dám lại gần thằng Lương vì diều của nó chao quá, sợ hai cái lẹo vào nhau rồi đâm đầu xuống đất thì hỏng cả diều. Diều của thằng Lương thì không nói làm gì vì xấu xí chứ đâu có được đẹp bằng của nó! Con diều đang bay bổng ngon lành thì mẹ nó réo: -Ngô ơi, về ăn cơm! Vậy là nó phải thu vội dây diều trở về. Nó không thích mẹ nó gọi lớn, mỗi lần mẹ nó gọi như vậy là cái thằng mất dạy Chung-thọt hay chọc: -Kìa, u mày gọi về cho bú! Cả khu này chỉ có mình nó gọi mẹ là ụ Nhiều khi nó muốn nói với mẹ nó đổi lại cách gọi như thằng Lương và những thằng khác mà không dám, hơn nữa nó cũng ngượng miệng, gọi là u quen mất rồi! Thằng Ngô cuộn vội sợi dây diều rồi chạy ù về nhà. Về nhanh, không thì thế nào bố nó cũng cốc đầu nó. Cái đầu đã không có tóc mà bố nó cứ cốc ngày hai, ba lần thì còn gì là đầu! Về đến nhà là nó thấy cả nhà nó ngồi quanh mân cơm rồi. Nó ngạc nhiên khi nhìn vào mâm cơm. Hôm nay chẳng những có xôi mà còn có cả thịt gà luộc. Mỗi lần nhìn thấy thịt gà là nước dãi chảy đầy miệng. Lâu lắm nó mới lại được ăn thịt gà. Thằng Ngô lấm lét nhìn bố nó. Mọi khi mà để mẹ nó gọi về ăn cơm là thế nào ông cũng cốc đầu nó, nhẹ nhất cũng chửi nó mấy câu. Nhưng hôm nay thì hình như ông cũng vui vì có bữa ăn thịnh soạn lại có cả một chai rượu trắng nữa nên ông đã không để ý đến tội của nó! Thằng Ngô gắp xôi ăn với thịt gà trước tiên, đó là hai món mà nó thường nghĩ là ngon nhất, nên nó ăn rất nhanh. Nó ăn nhanh quá đến nỗi mẹ nó phải nói: -Thằng "đốp" này ăn chầm chậm thôi, mày làm như đói ba năm rồi ấy! Mẹ nó hay gọi nó là thằng đốp, nhưng thường bà chỉ nói thế thôi, chứ nó làm gì thì làm. Nhưng ăn mãi thì cũng phải no, phải chán. Nó đành đứng lên mà còn tiếc rẻ. Ăn xong nó mới hỏi mẹ nó: -Tại sao hôm nay nhà mình ăn sang thế, u? Mẹ nó cầm tay nó: -Thỉnh thoảng có việc thì ăn, nhưng đi ra ngoài chơi đừng có nói với ai là nhà mình ăn cái gì! Ăn gì cũng chỉ nói là nhà mình ăn cơm, thế thôi! Con hiểu không? Thằng Ngô gật đầu, mặc dầu nó không hiểu gì cả! Ăn xong nó định chạy ra chơi diều nữa nhưng trời đã tối. Nó chạy sang nhà con Oanh ở cách nhà nó một thửa đất trồng khoai lang. Con Oanh cứ đòi chạy theo nó đi chơi nhưng nó không cho vì mấy thằng, như thằng Chung-thọt, tụi nó hay chọc: - Ê, sao mày đi đâu cái con vợ mày nó cũng theo để kiểm soát mày vậy? Không biết những câu thằng Chung-thọt nói có câu nào con Oanh nghe được không mà lần nào đi chơi nó cũng đòi theo, có khi còn rơm rớm nước mắt muốn khóc nữa! Nhưng nó nhất định rồi, nó chỉ chơi với con Oanh ở nhà nó hay nhà con Oanh thôi, còn đi đâu thì nó chỉ đi một mình. Hơn nữa, nó biết những trò mà nó chơi con Oanh không chơi được, không thể nào chơi được! Với lại cái miệng con đó cũng hay bép xép lắm, cho nó đi rồi về nhà cái gì nó cũng nói cho người lớn nghe hết là "vỡ nợ" ngay! Thằng Ngô phải đi vòng tránh mấy luống khoai, dẫm bừa lên trên là thế nào cũng bị chửi, nhìn cái dấu chân của nó ai cũng biết nên nó không thể đổ tội cho ai được, hoa. chăng là chỉ có thể đổ tội cho con Oanh thôi, nhưng với con Oanh thì đôi khi nó còn gánh tội cho con Oanh nữa, vì chẳng thà nó bị mắng còn hơn là nó thấy con Oanh bị mắng! Vừa bước vào sân nhà con Oanh thì con nhỏ chạy ra: -Tao nghỉ chơi mày ra! Thằng Ngô đứng khựng lại trố mắt nhìn, cái con nhỏ này, hơi tí là nghỉ chơi, nghỉ chơi, nó cũng hơi bực mình, nạt lại: -Mày cà chớn vừa vừa thôi, tao làm gì mà nghỉ chơi? -Ai bảo mày đi chơi diều mà mày không rủ tao đi? -Tao nói với mày rồi, mày có thấy đứa con gái nào chơi diều không, nếu mày thấy mày chỉ tao, tao cho mày đi. Con Oanh không nói gì nữa nhưng nó có vẻ buồn, kể cũng tội nghiệp, ở quanh khu kinh tế mới này, con gái bằng tuổi con Oanh chỉ có mỗi một mình nó. Nhà nó lại nghèo, có lẽ nghèo thật, vì ít khi nào thấy nhà nó ăn mà có thịt, chứ không như nhà thằng Ngô thỉnh thoảng vẫn có những bữa ăn linh đình. Thằng Ngô cũng hiểu mang máng đó là lý do tại sao mỗi khi ăn cái gì hơi ngon là mẹ nó lại dặn đừng nói cho ai biết. Nó ao ước, giá đừng phải giấu giếm gì cả nó ăn sẽ cảm thấy ngon hơn! Hơn nữa, nhiều khi nó muốn cho con Oanh ăn một miếng những gì nó được ăn nhưng lại không dám. Mẹ nó mà biết thì chắc bà cũng cốc đầu nó chứ không chờ đến bố nó nữa! Con Oanh tuy nói: "Tao nghỉ chơi mày ra!", nhưng một lúc sau nó lại quên ngay, chính vì thế mà nó mến con Oanh hơn. Con Oanh đang kể cho nó nghe chuyện nó định bắt bướm ép lại cho khô, nó sẽ bắt thật nhiều bướm và nhiều loại nữa, nó còn dụ khị thằng Ngô bắt hộ nó nữa. Cũng may vừa nói đến đấy, thằng Ngô chưa kịp trả lời thì nghe thằng Hữu huýt gió gọi nó ra. Thằng Ngô nghe tiếng huýt gió, nói với con Oanh: -Thôi tao về, có thằng nó gọi tao. Con Oanh đang nói, cụt hứng, dỗi: -Mày về, đi với bạn mày đi! Thằng Ngô biết nó buồn nên an ủi: -Ngày mai tao sẽ bắt cho mày hai con bướm. Con bé cười ngay: -Thật nhé! Thằng Ngô lủi ra ngoài vườn rồi chạy đến chỗ thằng Hữu, nó gặp thằng Hữu đang đứng dước gốc cây si còn sót lại khi mới khai quang: Thằng Ngô hỏi: -Sao chiều mày đi đâu mà không ra chơi với tao. Thằng Hữu nói giọng nhỏ hẳn lại: -Tao mới đi Sài Gòn về này! Thằng Ngô trố mắt nhìn bạn, "Sài Gòn!", đối với thằng Ngô như một lời thần chú, chỉ nói lên là nó liên tưởng đến đủ mọi thứ hấp dẫn trên cõi đời này, thứ mà nó liên tưởng đến đầu tiên là ánh đèn. Sài Gòn sáng trưng trong trí nhớ của nó, với những buổi tối đi ra phố ăn một bụng bò viên chấm tương ớt, sau đó còn được một ly nước mía hay sâm bổ lượng nữa. Mặc dầu đã được ăn một bữa no với xôi và thịt gà, nước dãi nó vẫn ứa ra. Nó hỏi thằng Hữu: -Mày được ăn cái gì? Thằng Hữu lắc đầu: ĐDâu có tiền mà ăn. Tao đòi, nhưng má tao nói hết tiền rồi! Thằng Ngô chợt thương bạn mình, nó cứ tưởng được về Sài Gòn là phải được ăn thứ nọ thứ kia! Nào ngờ thằng bạn của nó về Sài Gòn rồi trở lại với cái bụng lép. -Vậy chứ, mày về Sài Gòn làm gì? -Về thăm bác tao nằm nhà thương, ông gần chết rồi! Về Sài Gòn tao kiếm được nhiều giấy lắm, mày làm cho tao cái diều nghe? Thằng Ngô trả lời không do dự: -Ừ, để tao làm cho. Thật ra, ham chơi diều nên nó ráng làm một cái chứ nó cũng ngại lắm, nhưng thằng Hữu nhờ thì nó phải giúp, vì ở đây ngoài con Oanh ra, thằng Hữu là thằng bạn mà nó thân nhất. Đứng mãi một chỗ cũng chán, hai thằng rủ nhau đi dọc theo con đường mòn trong vùng kinh tế mới. Mặc dù có trăng nhưng trời đầy mây làm cho khung cảnh vẫn rất âm u, nếu một mình thằng Ngô chắc nó không dám đi đâu, nhưng có thằng Hữu ở bên cạnh nên nó không thấy sợ gì cả, thằng Hữu đã từng ngủ một mình trong ngôi nhà ở khu kinh tế mới này nhiều đêm liên tiếp khi ba má nó có việc phải về Sài Gòn để thu xếp. Nếu nó phải ở một mình như thằng Hữu trong một thời gian thì chắc nó sẽ sợ quá mà chết, nhưng cũng rất may là nó chưa bao giờ phải sống như vậy! Một lúc sau thì mây kéo đi đâu hết cả và bây giờ thì trăng rất sáng, nó có thể nhìn thấy núi Gia Ray mờ mờ ở đằng xa và ngay cả những ngôi nhà cạnh chân núi, nơi có ngôi chợ nhỏ mà một lần nó đã đến. Đi chơi vòng vòng với thằng Hữu một lúc thì nó thấy buồn ngủ, hai thằng chia tay chỗ gần nhà thằng Ngô nên thằng Ngô chạy tọt một cái là vào đến nhà. Nó len lén chui vào mùng không cho bố mẹ nó biết, nhưng nó cũng biết là giờ này chắc ông đã ngủ say sau cữ rượu buổi tối. Tưởng ngủ được ngay mà hoá ra không, thằng Ngô lắng nghe và thấy nhiều tiếng động lạ chung quanh nhà nó. Tiếng giun, dế thì nó vẫn thường ghe, nhưng đây là những âm thanh hầu như chưa bao giờ nó nghe được. Thằng Ngô không biết những tiếng động ấy từ đâu mà ra, hay do nó tưởng tượng quá mà thành như vậy! Thằng Ngô chợt nghĩ đến con Oanh, giờ này chắc con bé đã ngủ, nó cũng chợt nhớ đến lời hứa sẽ bắt giúp con Oanh hai con bướm, nó sẽ cố gắng bắt hai con bướm thật đẹp để đền vào cái lỗi đã bỏ con Oanh để đi chơi với thằng Hữu! Nghĩ ngợi loanh quanh một lúc nó ngủ quên lúc nào không biết, khi tỉnh dậy thì mặt trời cũng đã mọc. Nằm trên giường nhìn ra, cả một khu rừng trước mặt nhuộm đầy ánh nắng, giàn mướp trước nhà nó nở mấy bông hoa vàng như nghệ, đúng ra còn vàng hơn cả nghệ nữa, và một vài con bướm cũng đã đến viếng giàn mướp nhà nó. Nhìn thấy mấy con bướm thằng Ngô tỉnh ngủ, nó ngồi bật dậy, chạy ngay ra ngoài cửa và định bắt cho con Oanh chẳng những hai con bướm mà một chục con cho nó mừng. Nhưng thằng Ngô vừa bước lại gần thì đàn bướm cũng bay ra chỗ khác. Nhiều lần như vậy nó mới thật sự biết là bắt bướm không phải là dễ dàng như nó nghĩ! Buổi chiều hôm đó khi sang nhà con Oanh nó bị con Oanh đòi ngay: -Bướm của tao đâu? Thằng Ngô đành thú thật: -Tao bắt mà không được! -Tai sao tao bắt được mà mày bắt không được? Thằng Ngô bí quá trả lời bừa: -Tại mày là con gái! Sau câu nói liều, thằng Ngô tưởng là con Oanh sẽ nói lẫy kiểu như: "Tao nghỉ chơi mày ra!". Nhưng không, con Oanh chẳng những không giận mà còn chỉ cách cho nó bắt bướm nữa. Cuối cùng thì con Oanh giao cho nó cái vượt không biết ai làm cho nó, nhưng thằng Ngô phải nhận là rất thần tình, nó đã bắt cho con Oanh hai con một cách dễ dàng. Một hôm thằng Ngô được mẹ nó cho mấy cái kẹo, nói là kẹo từ nước ngoài gửi về nên nó quý lắm, nó ăn thử một cái mà muốn ăn thêm cái nữa, nhưng nó cố dằn cơn thèm để cho con Oanh và thằng Hữu mỗi đứa một cái. Cho con Oanh ăn kẹo thì chắc mẹ nó không nói gì đâu, còn thằng Hữu thì nó phải giấu. Khi nó đưa cái kẹo cho con Oanh, con nhỏ chỉ mút cái kẹo vài lần rồi tính gói lại để dành, thằng Ngô thấy vậy nó nói với con Oanh: -Mày ăn đi, tí nữa tao cho mày một cái nữa. Nói vậy con Oanh mới chịu ăn hết cái kẹo. Vì lời hứa ấy nên thằng Ngô đành lấy phần của thằng Hữu cho con Oanh, thành ra con Oanh được ăn hai cái, còn chính thằng Ngô cũng chỉ ăn có một cái mà thôi! Một buổi chiều lộng gió đi thả diều về thì thằng Ngô được tin con Oanh dẫm phải trái mìn còn sót lại trong cuộc chiến tranh vừa qua khi nó đi bắt bướm. Nghe nói người ta đã chở đi nhà thương Long Khánh để băng bó, có người còn nói là con Oanh sẽ phải cưa chân! Chỉ nghe đến đấy thằng Ngô đã thấy tối tăm mặt mũi. Sau đó thì nó khóc, nó khóc thật nhiều, nó thương con Oanh quá mà không làm sao được. Nó tự trách mình ngu dốt đã không tìm cách ngăn cản con Oanh khi nó muốn đi bắt bướm mà lại còn bắt giúp. Nó cũng thầm trách con Oanh đã nghĩ ra cách chơi tai hại! Nó còn trách chiến tranh tàn nhẫn, trách trời, trách đất, trách đủ thứ đã gây tai họa cho con Oanh! Nó tự hứa với mình nó sẽ đối xử với con Oanh tốt hơn để đền bù cho con Oanh những thiệt thòi mà nó phải chịu trên cõi đời này.