Chương 1

Động cơ của chiếc xe ba gác máy dưới con hẻm lọt vào phòng đánh thức Tường Duy. Mắt vẫn nhắm nghiền, lơ mơ ... anh huơ tay và chạm phải bờ vai tròn lẳn của Yến Lan.

– Gì vậy anh? - Cô nàng làu bàu, giọng ngái ngủ.

Tỉnh giấc mới cảm nhận rõ hơn cái lạnh đêm đông. Yến Lan nhích sát vào Tường Duy. Cả hai đều không mảnh vải trên người và cuộn người trong tấm chăn dày. Duy kéo chăn lên trùm kín đầu cho mình và Yến Lan. Anh đã tỉnh ngủ hơn.

Vừa ve vuốt người yêu, anh vừa đáp:

– Gần bốn giờ rồi! Bữa nào cũng vậy, lão ba gác siêng năng đúng giờ kinh khủng.

Tay anh sờ soạng hai bầu ngực căng tròn của Yến Lan làm cô cũng tỉnh ngủ theo anh. Cô nũng nịu:

– Ghét ghê đi! Người ta dậy sớm làm anh thức giấc rồi anh chuyển sang phá em.

Kỳ lạ! Cũng có thể là kỳ diệu! Cái lạnh bay mất. Hai người nghe nóng ran lên. Tường Duy cười nhỏ:

– Coi bộ em cũng thích vậy chớ bộ.

Yến Lan vờ vùng vằng giận dỗi. Điệu bộ ấy làm Duy thêm thích thú. Anh tung chăn nhỏm dậy, hai cùi chỏ tì dưới nệm:

– Gì nữa đây, ông tướng?

Lần này giọng Yến Lan nhừa nhựa, đặc quánh như keo dính và có sức hút kỳ lạ. Tường Duy chồm người lên:

– Ông tướng muốn cùng bà tướng đón chào một ngày mới theo cách của mình. Bà tướng có chịu không?

Tường Duy hỏi nhưng Yến Lan không thể đáp bởi môi cô đã bị khoá lại bằng một nụ hôn tham lam.

Mà tại sao Yến Lan lại không chịu chứ? Tường Duy hỏi một câu quá thừa.

Cô ôm ghì lấy anh. Họ hoà vào làm một, cảm nhận đê mê chất ngất ...

Khi nhịp thở dần trở lại bình thường, Yến Lan thủ thỉ bên tai Duy:

– Em không thể tưởng tượng được nếu em phải xa anh.

Tường Duy xỉ tay vào giữa trán cô:

– Làm gì có chuyện xa nhau? Em phát biểu linh tinh.

Yến Lan cười nhỏ, dụi đầu vào vai Duy. Ừ, làm sao cô và anh xa nhau chứ?

Tình yêu của cô và anh đang nồng nàn thế này mà. Nếu được ở bên anh nhiều hơn thì ...

Cô ngóc đầu lên:

– Anh!

– Gì?

– Hay là ... mình đám cưới đi?

Yến Lan thấy Tường Duy thoáng chưng hửng sau lời đề nghị của mình. Duy hỏi cô với vẻ thận trọng:

– Sao tự nhiên em lại nói vậy? Chẳng phải là chúng mình đã ...

– Em vẫn chưa quên. - Yến Lan nói ngay - Em và anh đã thoả thuận với nhau cứ như thế này. Nhưng tự nhiên bây giờ em muốn mình cưới nhau. Vì như vậy thì mình sẽ được ở bên nhau nhiều hơn.

Tường Duy lật người nằm ngửa, vắt một tay lên trán, mắt nhìn thao láo lên trần nhà, giọng ráo hoảnh:

– Một khi quyết định cưới thì phải có quá trình chuẩn bị! Nếu cả hai đều đồng thuận. Anh thì chưa hề nghĩ đến nên chưa một chút chuẩn bị. Hơn nữa, ba mẹ em cũng không đồng ý, cho nên tốt hơn là khoan nghĩ đến chuyện cưới lúc này. Mà cớ gì phải cưới nhau mới được bên nhau nhiều hơn? Anh thấy suốt thời gian qua, đôi khi chúng ta còn ở bên nhau còn nhiều hơn những đôi vợ chồng son ấy chứ.

Căn phòng bắt đầu có màu sáng mờ mờ của buổi hừng đông.

Yến Lan véo hông Tường Duy một cái đau điếng:

– Quỷ anh nè!

Duy xoa xoa chỗ đau, xuýt xoa:

– Anh nói có sai đâu mà bị đòn oan mạng thế này?

Yến Lan phụng phịu:

– Em không giỡn!

Tường Duy nghiêm mặt:

– Anh cũng vậy! Bất cứ lúc nào muốn và có thể thì chúng ta gặp nhau. Bao nhiêu đó đủ rồi cưng ạ.

Anh khoát chăn ngồi dậy, liếc nhìn Yến Lan. Mặt cô đang nặng trịch hờn dỗi. Anh so vai, rời giường đi vào phòng tắm. Đứng dưới những tia nước ấm áp, anh vẫn cảm thấy có chút gì khó chịu nơi lồng ngực. Như nhiều lần, đêm qua anh đã ân ái thoả thuê, nhưng lại không thoải mái dễ chịu như mọi lần. Bảo anh kỳ quặc, anh chấp nhận. Những cách nghĩ, nếp sống anh đã đặt ra thì đừng mong anh thay đổi.

Quay vào phòng anh thấy Yến Lan đang gom áo quần chuẩn bị vào phòng tắm. Anh nói:

– Em đi tắm rồi chúng ta ra ngoài ăn sáng. Đừng bày đặt giận hờn như trẻ con, cưng à.

Yến Lan dấm dẳn:

– Ai mà thèm giận anh!

– Vậy thì tốt! - Duy nói gọn hơ.

Khi chàng và nàng áo quần chỉnh chu tươm tất rời khỏi nhà của Duy thì đồng hồ trên tường chỉ sáu giờ đúng.

Văn phòng công ty nơi Tường Duy làm việc cách đây không xa lắm. Anh có hơn ba mươi phút để ăn sáng đàng hoàng không cần vội vã và thời gian còn lại lái xe ung dung mà không sợ muộn giờ vào sở làm.

Anh và Yến Lan ăn sáng trong một quán ăn ở gần nhà anh. Ăn xong chia tay, mạnh ai nấy đi. Đã thành thói quen, Duy rất hiếm khi đưa đón Yến Lan và cô cũng không phàn nàn về điều đó.

Bảy giờ, Tường Duy vào công ty. Ngày cuối cùng của tháng, mọi hồ sơ sổ sách đã làm xong và trình qua trưởng phòng từ hôm kia. Hôm nay Duy cầm chắc mình sẽ nhàn hạ hơn đầu tháng.

Vừa ngồi vào chỗ của anh thì Duy được chị Ánh ở bàn kế bên đưa cho mẫu giấy. Chị nói:

– Vừa nãy có ai gọi điện thoại tới hỏi cậu. Tôi bảo gọi lại sau, nhưng họ nhờ nhắn với cậu hãy liên lạc theo số này.

– Cảm ơn chị!

Liếc nhìn dãy số điện thoại trên mẫu giấy, Tường Duy nhận ra ngay là số điện thoại của ông Đậm, viên quản lý trang trại gia đình mình. Anh lục tìm điện thoại di động trong túi quần và chợt hay mình vẫn còn tắt máy.

– Alô! Chú Đậm à? Tôi Tường Duy đây. Có chuyện gì mà chú gọi điện tìm tôi sớm vậy?

– Ui trời, cậu Duy! Có chuyện quan trọng tôi mới gọi cho cậu chứ. Kỳ này cậu phải về một chuyến mới được.

– Này này, chú nói cụ thể một chút đi. Gì mà chú bảo tôi phải về trên ấy?

Ông Đậm chép miệng:

– Chuyện dài dòng lắm cậu à! Họ cố tình gây khó dễ với chúng ta. Nếu cậu không về thì tôi đành bó tay thôi. Tôi nghe đâu hai bên đều muốn sang lại trang trại nhà ta nên mới bày ra cái chuyện căng lại ranh giới.

A, thì ra là chuyện ranh giới. Vấn đề này ông Đậm đã nói sơ với Duy vào cái hôm tổ chức đám tang ông nội. Tuy nhiên hôm ấy vì quá bận rộn nên Duy không mấy chú tâm. Bây giờ nghe ông Đậm nói, Duy mới nhớ lại. Hình như trước kia cũng đã có lần ông nội phàn nàn chuyện mấy cây cọc cắm làm ranh giới giữa hai trang trại.

– Vậy chứ họ đang làm những gì?

– Dạ, chỉ sau hai đêm mà hàng cọc mọc chân, mọc cẳng chạy thêm gần chục thước. Bây giờ bên lão Quang đòi đẵn cây dầu. Phía bên này thì họ bảo sẽ xây bờ kè đoạn gần cuối trang trại.

Xem chừng sự việc đang nghiêm trọng thật chứ không phải đùa. Có lẽ anh phải về trên ấy xem thực hư thế nào rồi còn liệu bề ứng phó.

– Được rồi, chú yên tâm đi. Tôi sẽ xin nghỉ phép rồi về trên xem sao.

Dập máy, Tường Duy tựa lưng vào ghế, bần thần ...

Nãy giờ nghe anh nói chuyện điện thoại, chị Ánh đoán được phần nào nội dung câu chuyện, chị hỏi:

– Ở gia đình có chuyện gì hở cậu?

Tường Duy gật đầu:

– Dạ, có vài việc lộn xộn. Chắc em phải xin phép nghỉ vài hôm. Chậc! Chả biết có được cho nghỉ không nữa.

Chị Ánh cười:

– Sao lại không? Cậu với sếp là “cốt” chứ đâu phải “dão”.

Tường Duy đứng lên:

– Để em đi gặp hắn hỏi thử xem.

Nhìn theo Tường Duy, chị Ánh lắc đầu cười. Có lẽ chẳng mấy ai như Duy.

Gặp trực tiếp sếp thì “ông ông” lúc vắng mặt thì “hắn”.

Sếp Cừ hơn Duy vài tuổi, học trước Duy một khoá, có mối quan hệ thân thiện với nhau từ khi Duy chưa vào công ty này, và vì Duy là một nhân viên có năng lực cao nên Cừ luôn dành cho Duy một sự ưu ái đặc biệt.

Tường Duy gặp Cừ ở hành lang ngay trước cửa phòng làm việc của Cừ:

– Nè, ông định đi đâu vậy?

– Còn cậu? Mới sáng sớm đã tới tìm tôi.

Tường Duy khoác vai Cừ:

– Vô đây, có tí chuyện tôi nhờ ông.

Cừ quay vào phòng, Duy đi theo phía sau. Như mọi khi, Cừ ngồi xuống chiếc ghế của mình phía sau bàn giấy và bảo Duy:

– Ngồi đi! Nói tôi nghe, chuyện gì?

Tường Duy ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Không vòng vo rào đón, anh nói luôn:

– Ông giải quyết cho tôi nghỉ phép ít hôm nhé?

Cừ ngạc nhiên:

– Ủa! Sao xin nghỉ phép bất tử vậy?

– Người nhà vừa mới gọi. Có chuyện quan trọng cần tôi về xem xét.

– Quan trọng hay nghiêm trọng?

– Có lẽ cả hai. Thế nào?

Một tay xoa cằm, một tay lật tờ lịch để bàn. Vài giây sau Cừ nói:

– Nếu trong vòng một tuần lễ thì không có vấn đề gì.

– Cám ơn! Vậy tôi sẽ thu xếp để về trên ngay hôm nay. Chào sếp!

– Ê, này này - Cừ gọi giật - Gì thì gì, cậu cũng phải làm đúng theo thủ tục.

Phải có cái đơn xin nghỉ phép đàng hoàng chứ.

– Tôi nhớ mà, ông yên tâm đi.

Vậy là đến công ty chưa đầy hai tiếng đồng hồ, Tường Duy ra về. Chạy xe trên đường, anh nghĩ ngợi lung tung rồi sực nhớ đến Yến Lan, anh dừng xe gọi điện cho cô:

– Cưng à! Anh đang chuẩn bị về quê. Tạm thời mình phải xa nhau vài hôm ...

Giọng Yến Lan sửng sốt:

– Sao tự nhiên anh lại về quê?

– Trang trại có chuyện. Anh phải về để giải quyết.

– Trang trại chẳng phải là đã có ông quản lý trông coi rồi hay sao? Nay chuyện gì mà anh phải về chứ?

Tường Duy vốn không thích bị tò mò tìm hiểu những chuyện riêng tư của mình. Thông báo cho Yến Lan như vầy đã là dễ dãi lắm rồi. Khi cô hỏi tới anh đâm ra khó chịu. Tuy nhiên anh vẫn giữ giọng nhẹ nhàng:

– Đúng là lâu nay trên đó có ông quản lý coi ngó tất cả. Nhưng anh mới là chủ nhân, có nhiều việc ông ấy không thể xử lý được.

– Vậy lần này có việc gì, anh nói em nghe đi!

– Chuyện riêng của gia đình anh, em biết để làm gì?

Yến Lan nhấm nhẳn:

– Nếu quả thật có chuyện thì anh cứ nói ra, chứ việc gì phải giấu? Em nghi lắm.

– Em nghi gì nào?

– Sáng nay em đề cập chuyện làm đám cưới. Có phải vì không thích mà anh kiếm cớ để xa em?

– Trời ạ! - Duy kêu lên - Sao em suy nghĩ lung tung vậy? Đúng là anh không thích vấn đề em nói sáng nay. Nhưng dù là vậy thì nó vẫn chưa đủ là lý do cho anh xa em đâu. Đúng là anh phải về giải quyết việc quan trọng ở trang trại mà.

Em chỉ cần biết như vậy là được rồi ...

Có vẻ Yến Lan không thích như vậy. Cô hỏi:

– Vậy khi nào anh đi?

– Bây giờ anh về chuẩn bị rồi ra bến xe luôn.

Yến Lan kêu lên:

– Ngay bây giờ sao?

– Gì mà em có vẻ thảng thốt vậy?

– Em tính chạy qua giúp anh chuẩn bị.

– Ôi trời! Có gì đâu mà phải chuẩn bị chứ? Vài bộ đồ, một ít đồ dùng cá nhân. Anh lên đó vài hôm thôi mà. Không cần em phải bận tâm đâu.

– Vậy ...

– Ừ! Em tiếp tục công việc của em đi. Đừng đến làm gì thêm phiền. Ít phút nữa là anh đi rồi.

– Này này, anh khoan cúp máy đã! Anh nói anh lên trển vài hôm thôi hả?

– Ờ! Mà sao?

– Được rồi. Em chờ anh về. Anh nói chỉ đi vài hôm. Nhớ kỹ đó nghe!

– Đương nhiên! Lời anh nói thì sao anh có thể quên chứ. Tạm biệt cưng!

Tường Duy về nhà. Như lời đã nói với Yến Lan qua điện thoại anh dự định về vài ba hôm nên không đem theo nhiều đồ. Hành lý là chiếc ba lô. Nếu không cho vào thêm vài cuốn sách thì nó sẽ nhẹ tênh.

Mặc dù là con trai của gia đình giàu có, ông nội là chủ trang trại khá lớn, nhưng Tường Duy thích sống tự lập, nuôi sống mình bằng chính những đồng tiền lương mình có được. Ngoài căn nhà vốn của ba mẹ để lại và anh đang cư ngụ thì tài sản lớn thứ nhì của anh hiện giờ là chiếc xe gắn máy trị giá hơn hai chục triệu đồng. Để không phải lo về nó, Tường Duy đem qua nhà gởi xe của chung cư kế bên và đăng ký gửi dài hạn một tuần lễ. Hơn mười giờ sáng, anh ra bến miền Đông mua vé xe và chỉ ba mươi phút sau, xe khởi hành.

Xe ghế mềm nên thoải mái. Khẽ nhắm mắt tận hưởng làn gió mát xua cái nóng hầm hập của buổi trưa miền nhiệt đới, Tường Duy miên man suy nghĩ về cái nơi gọi là quê nhà, xét đến một góc độ cũng là nhà của anh.

Được sanh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Chỉ dịp tết, những ngày nghỉ hè và nghỉ lễ Tường Duy mới theo ba mẹ về trang trại của ông nội. Ở đó tuy không đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như tại thành phố nhưng những trò leo trèo cây cối, hái quả, đào củ cũng đủ thu hút Duy.

Nhưng kỷ niệm ầy đã mờ nhạt quá rồi. Sau khi ba mẹ đột ngột bị tai nạn rồi qua đời vào năm Tường Duy mười sáu tuổi. Anh đau buồn đến mức quỵ ngã để rồi sau đó dần phục hồi sức khoẻ và lao vào việc học hành. Cũng từ đó, những chuyến về trang trại thăm ông nội, người thân còn lại duy nhất của anh cũng thưa thớt dần.

Anh gần như trở thành con người khác không còn hứng thú với thiên nhiên thoáng đãng và những trò chơi trẻ thơ. Kể cả những kỷ niệm cũng không khiến anh xúc cảm. Anh có cách sống riêng của anh. Nghiêm túc trong công việc, không tình cảm lăng nhăng mà cũng không thích ràng buộc trách nhiệm với tình cảm. Ở một góc độ nào đó, người ta quan sát rồi nhận xét rằng anh là một gã cao ngạo tự đắc, anh không hề phủ nhận.

Ngày mai sẽ ra sao? Tường Duy chưa hề bận tâm nghĩ tới. Anh không trách cha mẹ đã bỏ mình lại bơ vơ trên cõi đời, bởi hai người mất đi là vì tai nạn.

Nhưng anh sợ sau này mình sẽ không làm tròn trách nhiệm và vì vậy mà anh không nghĩ đến một gánh nặng gia đình trên đôi vai mình.

Có vài tiếng lại lời qua hơi to và hành khách xôn xao lắm. Tường Duy dứt khỏi dòng suy tưởng trở về với thực tại và không thể không ngoái đầu về phía đang cự nự.

Ở đằng sau, anh chàng phụ xe đang gay gắt nhắc nhở một hành khách không được uống rượu trên xe. Ông khách trạc năm mươi tuổi, áo quần tuềnh toàng lôi thôi, đầu đội chiếc mũ vãi cũ kỹ và cáu bẩn. Chỉ thoáng nhìn qua đôi mắt lờ đờ là Tường Duy đoán chắc ông ta nghiện nặng. Ông ta nằn nì, bảo chỉ uống một ngụm thấm giọng cho đỡ khát mà thôi. Lập tức anh chàng phụ xe dúi vô tay ông ta chai nước khoáng và dõng dạc tuyên bố:

– Khát nước thì ông phải uống nước chứ. Đây, ông uống mà chưa đã khát thì tôi đưa thêm chai nữa. Chứ còn ông uống rượu thì tôi phải mời ông xuống khỏi xe ngay thôi!

Ông khách bợm tỏ ra khổ sở, gục đầu nhẫn nhịn. Bầu không khí trên xe dần trở lại bình thường. Tường Duy tựa vào lưng ghế. Có chút cảm xúc rất lạ vừa chợt đến trong anh:

xót xa, ngao ngán. Anh cũng không nhận ra là mình đang nghĩ ngợi chuyện thiên hạ khơi khơi. Điều mà trước đây chưa từng có ở anh.

Người đàn ông ấy có gia đình không nhỉ? Một bà vợ tần tảo, khắc khổ và lôi thôi na ná như ông ta. Một đứa con, mà cũng có thể là bảy con, ba bốn đứa nheo nhóc. Cũng tức là gia đình đó có người chồng, người cha vô tích sự và hoàn toàn không trách nhiệm.

Xế chiều, xe dừng lại thả khách. Tường Duy rời chỗ ngồi. Thế là kết thúc hành trình. Có bốn năm người nữa cùng xuống trạm này. Trong đó có người đàn ông nghiện rượu đã bị phụ xe lớn tiếng rầy rà lúc nãy. Ông ta đứng gần Tường Duy. Xe chưa kịp lăn bánh thì ở đấy ông ta đã vặn nắp chai rượu tu ừng ực.

Nhìn ông ta có lẽ bất cứ ai cũng phải chào thua. Rượu đế mà uống y như là nước lọc vậy. Uống độ cỡ vài ly, ông ta dừng lại vặn nắp chai. Thấy mọi người nhìn mình, ông ta gãi đầu, cười hề hề, giọng lè nhè bả lả:

– Mấy ông tướng nhà xe khó khăn quá! Làm tôi khát khô cả họng. Hề hề ...

Người đàn ông bệ rạc nhưng có đôi mắt khá đẹp, to, lông mi dày. Tự nhiên Tường Duy ngờ ngợ. Có cảm giác như anh đã từng gặp ông ta ở đâu đó. Nhưng rồi Tường Duy quên ngay người đàn ông nghiện ngập ấy. Trời đang về chiều, con đường đến trang trại dài hơn một cây số. Anh lại không thích gọi xe Honđa ôm nên đành phải tranh thủ cuốc bộ trước khi trời tối.

Nơi này nhà cửa khá nhiều. Những cửa hàng bách hoá, tiệm may, tiệm dịch vụ sửa chữa điện tử, sửa xe gắn máy và tiệm ăn uống ... nằm kề bên nhau.

Nhóm khách cùng xuống xe với Tường Duy cũng hối hả tản đi. Chỉ còn lại một mình anh đứng ngẩn ngơ trước khung cảnh hoàn toàn lạ lẫm sau một thời gian dài trở lại. Tuy nhiên, gần con đường đá khá bằng phẳng là mấy cây rừng cao, gốc to cỡ người ôm. Đấy là đặc điểm cho anh khẳng định mình không hề sai phương hướng.

Trước khi rảo bước, Tường Duy còn kịp thấy người đàn ông nghiện rượu đi vào một quán nhậu. Đi được một đoạn thì Tường Duy dần nhận ra những cảnh quen thuộc của ngày xưa, dù giờ đây đã ít nhiều thay đổi. Đi qua khỏi xóm nhà có thể hình thành một cụm từ tạm gọi là thị xứ. Nhà bắt đầu thưa thớt nhường cho những vườn điều xen lẫn rẫy bắp, rẫy khoai. Con đường cũng bắt đầu gập ghềnh uốn lượn theo đồi dốc.

Tường Duy dừng lại trước một ngã ba đường để thở rồi tiếp tục đi theo ngã rẽ phía tay phải. Nhà cửa càng thưa thớt hơn. Rẫy bắp thẫm lại dưới ánh hoàng hôn. Vạt cây xa xa khiến Tường Duy ngán ngẩm. Anh đoán là phía ấy đó là trang trại của mình.

Giờ này con đường vắng tanh. Tường Duy trở thành kẻ độc hành mệt mỏi.

Anh bắt đầu băng qua khoảng trống, những vạt cỏ còn gượng xanh xen lẫn phần lớn một màu khô bạc. Rồi đến một rẩy bắp xanh tốt. Trong bóng hoàng hôn dần dần lịm tắt, vẫn còn có thể nhìn thấy mỗi cây bắp cao hơn đầu người xanh tốt có hai trái to tròn nẫn na.

Tường Duy dừng lại ngắm nhìn ...

Không có gió nhưng giữa đám bắp chợt lay động làm Duy chú ý. Chỉ một thoáng anh nhận biết ngay là có người đang đi trong đám bắp. Người đó đi về phía đường cái và cuối cùng ra khỏi đám bắp.

Dáng cao cao, mặc bộ đồ lụng thụng, đầu chụp cái mũ vải sùm sụp và tay xách cái túi, loại túi đựng thức ăn gia súc, nó cộm phồng lên. Có ít nhất cũng phải hơn chục trái bắp trong ấy. Duy đoán như vậy và tự hỏi đó là chủ rẫy hay là kẻ trộm?

Anh không thể nhận ra là con trai hay con gái, bởi khoảng cách không gần và bóng chiều chạng vạng. Lại thêm cái bộ dạng lôi thôi kia. Có điều anh ước đoán đó hãy còn là đứa nhỏ mười ba hay mười bốn tuổi là cùng. Nó hơi khựng lại khi nhìn thấy Duy, nhưng không lộ thêm vẻ gì là sợ sệt hoảng hốt. Nó thản nhiên chuyển cái giỏ từ tay phải sang tay trái rồi xăm xăm bước đi. Không hiểu sao, Tường Duy lại cất tiếng gọi:

– Này này, cho hỏi thăm một chút.

Nó dừng lại, ngó nghiêng:

– Chú hỏi gì?

Giọng nói khá trong trẻo. Chắc là con gái. Duy hỏi:

– Từ đây tới nhà của ông Đậm còn bao xa nữa vậy cô bé?

Nó làu bàu gì đó, Duy không nghe rõ. Rồi nó đáp trống không:

– Còn chút xíu nữa thôi.

Tường Duy toan hỏi thêm một câu thì nó đã rảo bước một cách vội vã. Cái dáng khẳng khiu trong bộ đồ rộng thùng thình bước đi thật nhanh. Đến bìa rẫy bắp, nó đi vào lối mòn và loáng sau thì mất hút dưới thung lũng có lác đác mấy căn nhà nhỏ nằm nép dưới những tán cây cao. Một khung cảnh lặng lẽ đìu hiu và ảm đạm.

Đi thêm một quãng nữa, vùng đất trống trải rộng phía bên tay phải, Tường Duy đứng lặng yên, bồi hồi. Anh nhận ra đây là vùng đất trồng cỏ cho đàn bò trước kia. Như vậy còn phải qua lô đất trồng điều trồng mít và phần trang trại chăn nuôi nữa thì đến dãy nhà dành cho quản lý, các công nhân và ngôi nhà của ông nội Tường Duy. Anh còn nhớ ngôi nhà của ông nội là nhà sàn vách ván, mái tole. Nhưng lâu quá rồi, anh không nhớ rõ chi tiết và đồ đạc trong nhà nữa.

Có lẽ đã mất đi rất nhiều, nhất là từ khi ông nội mất.

Khi trời tối hẳn thì Tường Duy cũng vào đến khu nhà chính. Anh nhận ra ngôi nhà sàn từ xa. Bươn bả đến và gần như cạn kiệt sức lực, anh ngồi phịch xuống bậc thang dưới cùng thở dốc.

Chi vài giây sau, anh giật thót vì tiếng chó bất ngờ hực hực rồi sủa vang.

Đèn mái hiên bật sáng soi rõ khoảng sân phía trước. Bóng Duy ngồi in đổ dài trên sân.

Tường Duy ngước lên, đúng lúc ông Đậm xuất hiện trên hiên nhà:

– Ai vậy? - Ông Đám lớn tiếng hỏi.

Duy đáp, giọng hơi khàn:

– Tôi, Duy đây!

– Ui trời! Là cậu sao? Cậu về mà sao im ru không chịu gọi điện báo để tôi ra đón vậy?

Ông xuống cầu thang, lăng xăng đỡ lấy chiếc ba lô của Duy. Líu tíu bảo anh lên nhà và hỏi anh đã ăn uống gì chưa.

– Chú còn món gì ăn được nào?

– Một ít cơm. Thức ăn không còn nhưng do dự trữ trong tủ lạnh vẫn còn. Tôi có thể nấu món xào và canh.

Tường Duy bước vào nhà. Sàn gỗ trơn láng mát lạnh dưới chân. Tường Duy nhanh chóng nhận ra bộ xa-lông bằng mây cũ kỹ đặt ngay gian giữa không.

Hình như không mấy thay đổi như Duy vẫn tưởng. Nếu có chăng thì đó là không gian bếp ở phía bên trái với kệ tủ bếp, bếp gas, bồn rửa, tủ ly, tủ lạnh ...

thật hiện đại và tiện ích.

Anh cởi chiếc áo sơ mi đày khoác bên ngoài, vắt nó lên thành ghế rồi đi qua bếp đến chỗ bồn rửa vặn nước rửa tay, rửa mặt.

Ông Đậm mở tủ lạnh lấy ra nào thịt, nào đậu côve, bông cải súp lơ và cải bó xôi. Ông nói như để giải thích về những nguyên liệu chế biến hơi cao cấp này:

– Linh tính của tôi hay thật! Tôi đoán thế nào nay mai cậu sẽ về nên sáng nay đi chợ mua đồ về để sẵn đó chờ cậu. Nếu không thì phải chịu phép nấu mì gói mời cậu ăn.

Đã rửa xong, Duy lười nhác không thèm mở balô lấy khăn mà kéo áo thun lên lau mặt. Anh cởi phăng chiếc áo và vò nó lại lau hai cánh tay.

– Tôi mệt quá, sẽ ăn không nhiều đâu! Chú nấu ít thôi nhé.

– Vâng, tôi sẽ nấu đủ cho cậu ăn vừa no thôi. Cậu uống nước, ngồi nghỉ một lát đi.

Duy mở tủ lạnh lấy ra một chai nước lọc. Anh đi ra hiên, ngồi bệt xuống sàn, hai chân buông thõng xuống bậc thang. Con chó lúc nãy sủa vang bây giờ nằm duỗi dài gần đó, mõm gác trên hai chân trước. Có vẻ như phớt lờ nhưng đôi mắt nó thì hướng về Duy đầy cảnh giác.

Duy thì thật sự không quan tâm đến nó. Anh nhìn vào vùng đêm tối phía trước. Nơi đó là tất cả cơ ngơi đã thuộc về anh, đang chờ anh nhìn ngó đến.

Từ trong nhà, ông Đậm hỏi vọng ra:

– Từ đường lớn về đây, cậu đi Honda ôm hay đi bộ vậy cậu Duy?

Tường Duy đáp lớn:

– Tôi vẫn nhớ từ đường quốc lộ vô đây không mấy xa. Với lại, muốn thử xem mức trí nhớ của mình nên tôi quyết định đi bộ.

– Và đúng là trí nhớ của cậu còn rất tốt. Bằng chứng là cậu đã vào tới nhà dù trời tối không rõ đường đi.

Uống một ngụm nước mát lạnh, Duy bật dậy nói:

– Không tốt lắm đâu chú ơi! Tuy nhớ đường vô nhà nhưng tôi lại chẳng thể nào nhận biết đâu là ranh giới trang trại của chúng ta.

Ông Đậm đã mở bếp nấu canh và xào. Tường Duy nghe tiếng rau đậu và thịt được thả vào chảo có dầu nóng nghe lèo xèo, thơm lừng mùi hành tỏi phi vàng.

Ít phút sau, ông Đậm đi ra hàng hiên. Đến ngồi gần cậu chủ, ông nói:

– Tôi nhớ không lầm thì hơn mười năm rồi cậu mới quay về. Như vậy không nhận ra ranh giới ở mặt ngoài đường cũng là điều đương nhiên thôi. Bây giờ không chỉ thành phố mà đầu đâu cũng thay đổi. Có nơi hầu như thay đổi hoàn toàn luôn.

Tường Duy nằm ngửa ra sàn nhà. Không sao! Cho dù có thay đến cái gì đi nữa cũng chẳng quan trọng. Điều Duy quan tâm bây giờ là những gì thuộc về anh vẫn còn nguyên vẹn. Duy chợt hỏi ông Đậm.

– Trước khi ông nội tôi qua đời, bao lâu chú về nhà một lần?

– Nhà tôi ở trên ngã ba một đỗi. Gần vậy nên vài ba hôm tội tạt về một lần cậu ạ.

– Vậy còn dạo gần đây thì sao?

– À so với thuở còn ông cụ thì công việc vẫn vậy. Tuy nhiên, không có ai trông chừng nên cứ khoảng một tuần hoặc mười bữa tôi mới chạy về nhà.

Duy lan man:

– Tôi nhớ hình như chú cũng có một đứa con trai trạc bằng tuổi tôi thì phải?

Ông Đậm gật đầu xác nhận:

– Đúng rồi! Cậu còn nhớ tên nó không? Nó là thằng Đà, năm nay vừa tròn ba mươi tuổi. Con trai lớn của tôi đó.

– Bây giờ anh ấy sao rồi? Ở đâu?

– Tôi chỉ có nó với con Giang. Con Giang gả chồng ba năm, ra ngoài thị trấn buôn bán. Nhà chỉ còn một mình thằng Đà. Năm kia, vợ chồng tôi được ông cụ nhà ta giúp đỡ lo cưới vợ thằng Đà. Vợ chồng nó sống chung với chúng tôi.

Duy lặp lại câu hỏi một cách rõ hơn:

– Anh Đà bây giờ đang làm gì?

– Dạ, nó làm tài xế cho công ty du lịch, cậu ạ!

Tường Duy trỗi dậy. Như vậy hoàn cảnh gia đình ông Đậm khá ổn. Nếu như anh cho ông nghỉ việc thì cũng chẳng ảnh hưởng gì. Ông Đậm quay vào nhà thăm chừng hai món ăn đang nấu trên bếp. Chúng gần chín cả rồi. Ông soạn chén đũa, chuẩn bị dọn cơm.

Tường Duy vào nhà. Anh ngồi ăn cơm bên chiếc bàn xuống bằng gỗ, bình thường và cũ kỹ. Anh nói với ông Đậm:

– Cám ơn chú! Chú đi nghỉ đi. Ăn xong, tôi sẽ dọn rửa.

– Từ mai thì tuỳ ý cậu. Còn bây giờ, nhiệm vụ của tôi vẫn chưa hết. Tôi đi chuẩn bị chỗ ngủ cho cậu. À, phòng tắm ở ngoài này. Cậu mở cửa đó, nhớ phải bật công tắc phía ngoài nghe.

Ông Đậm vào trong. Ngôi nhà sàn có ba phòng ngủ. Nhưng ông quyết định chuẩn bị chỗ ngủ cho Tường Duy là phòng ông cụ, vì căn phòng này tiện nghi đầy đủ nhất.

Tường Duy vừa ăn vừa lắng nghe gió đêm xào xạc ngoài kia.

Yên ắng quá! Nếu không có ông Đậm lục đục phía trong thì Tường Duy sẽ nghĩ trái đất chỉ còn lại duy nhất mình anh.

Anh là người ham làm việc. Nhưng không gian tĩnh lặng thế này thì thật khó chịu với anh. Mấy người hàng xóm kia có ý mua lại trang trại ư? Vậy cũng hay!

Anh sẽ bán nó đi, quay về thành phố tiếp tục công việc của mình. Số tiền sang nhượng trang trại chỉ việc gởi vô ngân hàng là yên.

Buổi sáng, Tường Duy thức dậy sớm. Lúc ngoài trời còn chưa sáng hẳn.

Bước ra phòng khách, anh thấy ông Đậm vừa bắt ấm nước lên bếp gas.

– Cậu thức dậy sớm vậy? Đêm qua cậu ngủ có ngon không?

– Cảm ơn chú! Tôi ngủ ngon lắm!

Làm vệ sinh cá nhân xong. Tường Duy bảo ông Đậm lát nữa đưa mình đi một vòng trang trại.

– Tôi xin nghỉ phép có vài ba ngày thôi. Thời gian không có nhiều, nên phải khẩn trương lên mới được.

Ông Đậm đáp nhỏ:

– Vâng, tôi biết rồi! Ăn sáng xong, chúng ta sẽ đi.

Ông pha cà phê sữa cho Tường Duy. Ngồi chờ cà phê nhỏ giọt xuống phin, Duy lại hỏi:

– Ở đây nếu muốn đi vòng quanh trang trại thì chú dùng phương tiện gì?

– Mùa mưa thì dùng ngựa. Đến mùa khô có thể chạy xe gắn máy. Chúng ta còn một chiếc xe tải nhỏ cổ lỗ sĩ. Nó chỉ đùng để chuyển hàng hoá ra chợ hoặc giao cho mối lái.

– À, ngựa! - Mắt Tường Duy sáng lên hứng thú - Tôi nhớ rồi, y như ngày trước. Chà! Mấy con ngựa ấy bây giờ chắc đã già lắm hả chú?

Ông Đậm bật cười:

– Cậu nghĩ ông cụ và tôi có thể nuôi dưỡng mấy con ngựa ấy tới bây giờ hay sao? Không đâu, ngựa hiện nay là ngựa tơ, rất khoẻ.

Uống cà phê xong, Tường Duy đi ra ngoài. Khoảng sân rộng được điểm tô bằng mấy cây hoa sứ trắng, vài chậu thiên tuế lâu năm và hai bụi dứa tây.

Rìa sân trồng hàng cầy bạch đàn thẳng tấp. Bước qua bên kia là vườn điều, nhưng diện tích không rộng, phía ngoài đó là những cây mít đang tuổi lớn, cho trái chín đều.

Đi qua sân phải ngôi nhà, một vùng đất thoai thoải trải rộng với từng mảng xanh của bắp và bạc khô của cỏ. Trông chắp vá, loang lổ cho người ta cảm tưởng nơi đây mới được khai phá hơn là một trang trại đàng hoàng.

Bất giác, Tường Duy thở dài:

lâu nay anh nghe nói trang trại làm ăn kém hiệu quả, nhất là kể từ sau giai đoạn khắp nơi bùng phát dịch cúm gia cầm, heo lở mồm long móng và tai xanh. Nhưng không ngờ bộ mặt của nó lại thảm hại đến thế này.

Duy tiếp tục đi vòng ra phía sau nhà. Khu vực này dành cho trại chăn nuôi.

Trên lô đất rộng hàng ngàn mét vuông, nhà chuồng trại bắt đầu xiêu vẹo. Chỉ có chuồng ngựa là còn chắc chắn. Có ba con cả thảy. Chúng đang nhàn hạ nhai cỏ, hình như việc cậu chủ chính thức của chúng vừa quay về không hề khiến chúng quan tâm.

Duy đến bên chuồng ngựa ngắm nghía. Hai con màu nâu vàng. Một con nâu sậm bờm đen óng ả. Anh thấy thích con bờm đen này. Đầu nó gọn, cổ thanh, mông nở, vai trước đầy đặn khoẻ khoắn. Có thể ví nó là một chàng trai tuấn tú.

Anh thầm nhũ lát nữa mình sẽ cưỡi nó. Anh thích nó.

Nhẹ hất hàm, Duy nói nhỏ:

– Mày liệu mà ngoan ngoãn với tao nhé. Tao là cậu chủ của mày đấy!

Nghe tiếng bước chân phía sau, Tường Duy quay lại. Người đàn bà mái tóc hoa râm búi gọn phía sau gáy, khuôn mặt tuy đen đúa nhưng phúc hậu. Tường Duy ngờ ngợ.

– Chào cậu Hai! Lâu quá chừng há! Lỡ gặp cậu ngoài đường thì tôi hổng nhận ra đâu. Chắc cậu quên tôi rồi. Tôi là bà xã của ông Đậm nè!

– Á à! - Duy reo lên - Đúng là tôi không nhận ra thím, nhưng ngờ ngợ. Thím vô sớm vậy?

– Dạ, hồi hôm ông nhà tôi có gọi điện thoại bảo tôi sáng nay vô sớm đem thức ăn điểm tâm cho cậu.

Tường Duy phàn nàn:

– Chú Đậm bày vẽ quá! Làm như vầy mất công thím quá!

Bà Đầm cười hồn hậu:

– Chi mà phiền cậu. Tôi chỉ việc ghé tiệm chút xíu. Mấy hôm trước nghe ông nhà tôi nói chắc cậu sắp về, tôi cũng trông để gặp và chào cậu mà.

Tường Duy xúc động:

– Cảm ơn thím ...

Bà Đậm giục Duy vào nhà. Thái độ bà dành cho anh vừa nhã nhặn lễ phép của người làm trong nhà đối với chủ nhân, vừa quan tâm chăm sóc như người dì người mẹ dành cho con cháu mình.

Phần ăn điểm tâm cho Tường Duy là tô phở gà đặc biệt. Ông Đậm ăn bánh cuốn. Trong lúc hai người ăn sáng, bà Đậm gom áo quần bẩn của Duy đi giặt.

Bà báo trưa nay sẽ nấu món canh gà lá gan mà bà nhớ là hồi nhỏ Duy rất thích.

Chưa tới bảy giờ sáng, mặt đất, ngọn cây, lá cỏ còn ướt đẫm sương mai. Hai người đàn ông đã lên ngựa. Ông Đậm trước, Duy sau, bắt đầu đi giáp vòng trang trại. Có lúc Tường Duy thúc ngựa lên đi song song với ông Đậm để nghe ông diễn giải thêm:

– Hiện tại, vườn mít, nghệ cơ bản còn đang giai đoạn kiến thiết. Thu nhập chủ yếu thời gian qua là từ điều. Một số diện tích đất tốt, gần như là ổn. Suối đủ nước tưới một cách chủ động thì trồng bắp. Cả bắp nếp đều thu hoạch trái để luộc, trái già lấy hột lẫn với loại bắp ngọt hạt vàng, chủ yếu bán bắp non đóng hộp làm nguyên liệu nấu ăn.

– Nói vậy rẫy bắp ngay cạnh con dốc ngoài kia là của chúng ta à? - Duy hỏi.

Ông Đậm gật đầu xác nhận:

– Đúng đó cậu! Và địa giới của chúng ta ở cạnh đó là từ rẫy khoai mì. Dạo trước, phần đất ấy để trồng cỏ nuôi bò, chẳng có ranh giới cụ thể. Có lần sáng ra tôi phát hiện những cột mốc bị bứng lên dời đi mấy thước. Vậy là từ ngày đó ông cụ cho trồng khoai mì dọc theo ranh đất. Nhờ vậy cột mốc mới hết đường chạy thêm nữa.

Tường Duy cho ngựa dừng lại rẫy bắp khiến anh nhớ đứa nhỏ hôm qua.

Anh hỏi:

– Đó là chuyện lấn ranh. Còn về an ninh ở đây thì sao? Chúng ta có bị hái trộm bắp hay nhổ trộm khoai mì không chú?

Ông Đậm cười khề khà:

– Đương nhiên chuyện mất mát thế này là không khỏi rồi. Cậu bảo làm sao tôi có thể coi sóc nổi. Mà nói nào ngay, chỉ là mấy đứa nhỏ nó làm vậy thôi.

Không nhiều lắm!

Tường Duy nhìn xuống thung lũng, nơi có những mái nhà thắp bé, hỏi tiếp:

– Còn phía dưới kia thì sao? Đất của chúng ta hay của chủ những ngôi nhà ấy?

Ông Đậm giơ tay vẽ một vòng cung rộng:

– Cậu thấy đấy! Vẫn còn những cột mốc chạy dài theo hướng đó. Ở đằng kia nó bị che khuất bởi vườn điều. Ranh giới của chúng ta ở tận bên ấy. Mấy căn nhà kia là nhà của công nhân lâu năm. Tất cả họ đều cất nhà và sống ở đó từ rất lâu rồi.

Tường Duy thoáng nhíu mày:

– Công nhân lâu năm à? Chú có thể giải thích rõ hơn không?

Ông Đậm giải thích với Tường Duy là từ mấy chục năm trước, khi ấy trang trại đang hồi hưng thịnh, công việc rất nhiều nên ông nội thuê dài hạn và cho họ đưa gia đình đến cất nhà ở lại để tiện làm việc. Bây giờ mỗi người một mảnh nhưng tất cả còn rất khó khăn nếu không nói là nghèo khổ. Vì vậy mà ông nội Duy vẫn để họ tiếp tục ở trong khuôn viên trang trại của mình.

Tường Duy đề nghị:

– Chúng ta xuống đó đi. Tôi muốn ghé thăm họ một chút. Có thể lúc nhỏ tôi từng tiếp xúc họ, giờ thì quên sạch!

Ông Đậm đồng ý. Hai con ngựa song song nhau thong thả phi về phía mấy túp nhà. Ông Đậm nói với Tường Duy:

– Giờ này nếu đến chắc không gặp ai. Nếu có chăng thì chỉ một ông lão Bảnh thôi.

– Là thế nào chú?

– Thì nhà bà Hoan mọi người đều đi làm. Ông Thạo cũng vậy. Nhà anh em thằng Còm thì đóng cửa suốt vì tụi nó đi làm trên thị trấn, cả tuần mới về. Ở nhà tương đối thưởng xuyên là lão Bảnh. Lão ấy thất tình mụ vợ nên chè chén riết thành bợm, uống rượu như uống nước. Bấy giờ suốt ngày chỉ biết rượu với rượu. Chỉ tội nghiệp cho con nhỏ Hà con gái lão. Sống bên cạnh người cha như vậy thật là khổ.

Không hiểu sao tự nhiên. Tường Duy cảm thấy tò mò về gia đình này:

– Chú nói sao tôi vẫn chưa hiểu gì cả. Sao lại thất tình mụ vợ?

– À, là thế này! Thời trai trẻ, lão Bảnh làm giỏi lắm. Có thể gọi là cặp rằn, thầy cai của trang trại chúng ta. Làm giỏi được nhiều tiền, lại thuộc hàng khá bô-trai nên một cô tên Tuyết Hoa ưng thuận làm vợ hắn. Nhưng ở với nhau đến khi sanh con bé Hà thì vợ chồng lục đục. Tuyết Hoa giao con cho hắn, bỏ đi lấy thằng khác. Thời gian đầu thì còn đi đi về về, lần hồi cô ả bỏ dứt chồng con.

Hắn ấm ức mãi, nhậu nhẹt rồi đâm nghiện luôn là vậy đó.

Tường Duy lơ ngơ:

– Tôi không hiểu. Như vậy ông ta làm gì để sống, để nuôi con?

– Dạo trước lão cũng cố gắng đi làm, vào những lúc không đến nỗi quá say xin. Gần đầy lão bệ rạc lắm. May nhờ có đứa em ở thành phố, cũng đi làm thuê nhưng hơi khá nên lâu lâu lão về nhằn nhựa được chút ít.

Dẫu chưa biết mặt ông Bảnh nhưng qua lời kể của ông Đậm, Tường Duy liên tưởng đến người đàn ông nghiện rượu hôm qua mà anh gặp. Hai người đã đến rất gần ngôi nhà đầu tiên, ông Đậm nói đây là nhà bà Hoan. Mái tole thiếc, vách ván tạp nhạp, nền xi măng nhưng quá cũ, bị sụp bể nhiều chỗ ở trước.

Cách đó mấy bước chân, đi qua cái hàng rào bằng cây hoa ổi cằn cỗi là ngôi nhà thứ hai, của ông Thạo. Nhà này cũng na ná nhà bà Hoan, nhưng diện tích có phần nhỏ hẹp hơn. Đối diện nhà ông Thạo là mái nhà của anh em Còm và nằm phía sau nhà Còm, một mái nhà thấp bé hơi xiêu vẹo nép dưới tán của mấy cây mít xanh lá.

Đúng như dự đoán của ông Đậm, đi qua thấy chỉ có túp lều của lão Bảnh là cách cửa xập xệ hé mở. Còn lại đều đóng im lìm. Ông Đậm và Tường Duy xuống ngựa. Duy theo ông Đậm bước lên thềm nhà lão Bảnh.