Buổi sáng, những tia nắng rừng vạch sương rọi thẳng xuống sân trại. Những tàn cây, thân thẳng như những chiếc đũa chọc trời, không đủ sức che những vạt nắng càng lúc càng hừng hực trên lưng người tù. Những chiếc ba sườn cong lên khi người tù khom xuống. Một ngày như mọi ngày, đám tù tập họp chờ lao động. Hơn ba tháng lao động giữa rừng xanh, cơm mục lẫn sạn cát, canh măng trộn muối, ngủ không mùng, đi chân trần, đau ốm không thuốc men, chết nhẹ nhàng như giun dế. Cả chục người chết chỉ mới mấy mươi ngày tập trung lao động, chờ hoài không thấy bút giấy, học hành gì. Thét rồi dường như người tù nhận luôn cái số kiếp con người lên khu rừng này chỉ có nhiệm vụ lao động và ngả xuống theo ông bà, không cần một giọt nước mắt của mẹ cha. Hà quay sang người bạn thắc mắc: - Mày thấy bữa nay có cái gì là lạ không? - Ừ! Nói nhỏ nhỏ vậy! Tụi nó nghe rắc rối! - Lẽ ra bây giờ đã chui hết vào rừng cắt tranh và xắn măng. Bây giờ còn đứng đây, chả có lệnh lạc gì! Tao thấy trên trại có mấy tên cán bộ mới đến. Toàn trại gần như im thin thít. Gần với cái chết, gần với bệnh tật, gần với cảnh chôn bè bạn không một miếng ván hòm... làm cho đám tù chai đi, ù lì và phó mặc. Nhưng quả thật, sáng nay, trong đầu đám tù, người nào cũng thắc mắc như Hà. Bỗng mọi người không hẹn, mấy trăm cái đầu quay nhìn về văn phòng trại trưởng. Trung Ống Vố đi với một tên cán bộ lạ mặt, thẳng xuống sân trại, sau hắn là hai tên bộ đội, súng cầm taỵ Dường như cả hai khẩu AK đạn đều trong tình trạng tác chiến. - Tất cả các anh, thứ tự từng dãy trại, mang hết đồ đạc ra sân tập họp và chờ lệnh. Các anh nghe rõ không? - Rõ!! Đám tù như những cái máy, tuần tự mang gia tài rách rưới ra sân sắp hàng. Bóng nắng đã nghiêng góc. Rừng Kà Tót hôm nay khác lạ, ngay cả chiếc lá rơi cũng không bình thường, nó không rơi xuống đất mà đậu trên vai người tù, nhẹ nhàng, êm ái. Tâm trạng những người tù cũng không giống như mọi ngày. Một chút âu lo, một chút hy vọng. Có kẻ lại cóc cần. - Kệ mẹ mày! Đi đâu cũng được! Miễn là thoát được chỗ này! - ê mày! Mấy thằng sốt rét bò càng mỗi đêm lên cơn sốt làm sao nó chuyển trại? - Tao đâu biết! Cái thân tao tao không biết có lết nỗi vài chục cây số đường rừng hay không thì còn lo cho ai được! Không chừng lúc tụi mình đi, mấy ông nội sốt rét sợ cọp ăn cũng phóng theo. Mày khỏi lo. Trên ban chỉ huy trại, một tên bộ đội bỗng ôm ra mấy cái võng. Hắn bỏ võng xuống đất, chống súng và nhìn vào đám tù. - ê! Anh kia! Ra khỏi hàng... Anh kia! Anh kia nữa!... Khẩn trương lên! Hai anh nhận một cái võng để khiêng người bệnh, nhanh lên! - Thưa cán bộ! Tôi yếu, mới hết cơn hôm qua, chắc khiêng không nổi! Một tên bộ đội lên nòng đạn AK, nhát gừng: - Địt mẹ! Tôi không cần biết! Anh có khiêng hay không thì bảo! Thế là đám tù tong teo phải thay phiên nhau võng những đám tù da bọc xương rời trại. Lệnh chuyển trại không hề được báo trước, nó đến một cách đột ngột. Nó cũng không cho đám tù biết sẽ về đâu... Đám tù dắt díu đưa nhau rời trại, vượt rừng theo một lối mòn hướng về liên tỉnh lộ số 8, hai bên súng ống bộ đội chạy ngược chạy xuôi... Đoàn xe chở tù từ trại Kà Tót về đến Sông Mao thì trời đã về chiều. Trại tạm trú là doanh trại của một đơn vị bộ binh VNCH bỏ hoang phế tự bao giờ. Có một số tù các nơi được chuyển về đây mấy hôm trước. Họ đứng từng nhóm nhìn đám tù mới đến. - Trời đất ơi! Mấy anh em này bị nhốt ở đâu mà ông nào cũng như ông nấy, ốm và xanh xao như những thây ma! - Có mấy anh em không xuống xe được, làm sao mình tới giúp họ! - Bộ mày muốn bị nằm chuồng cọp chắc! Mày không thấy mấy thằng bộ đội hầm hầm nhìn đám tù hay sao? Họ cấm quan hệ với người mới tới. Bộ mày quên tên cán bộ nói buổi sáng hay sao? - Tao thấy dường như có mấy thằng bạn quen! Đ M, tụi nó hành con người ta cái kiểu gì mà thằng nào cũng như những con ma đói! Khi mọi người đã xuống xe, tập trung điểm danh, bộ đội đuổi tất cả đám tù cũ đang tụm năm tụm ba bàn tán về đám tù mới đến về phòng. Hà nói nhỏ với người bạn tù: - Mấy ông nội kia ở đâu mà sao tao thấy họ còn mướt và khỏe mạnh quá vậy mậy? - Tao loáng thoáng thấy mấy thằng Đà Lạt và Phan Rang. Có lẽ tụi nó trình diện ở Lâm Đồng, Đà Lạt hay Ninh Thuận thì phải. Tụi mình số con rệp mới trình diện ở Bình Thuận để bị đày lên Kà Tót. Chắc kiếp trước mắc nợ Trung Ống Vố! Nghĩ mà tội những anh em không về Sông Mao với mình! - Ai? - Sao mày ngu quá vậy! Mấy chục đứa chết trên Kà Tót kể từ lúc mất Lâm Đồng, vượt rừng về Phan Thiết bị bắt, và một số anh em nghe lời xúi dại trình diện sớm, như thằng Biên, chi khu Tuy Phong... đa số đều ngủ lại thiên thu trên Kà Tót. Về đây tao mới thấy cái sống, may ra có cơ còn sống! - May ra là sao? Sao lại may ra? - Thì ai biết!? Mình như con dế trong hộp, tụi nó rinh đi đâu thì mình chết dí ở đó. Ai cấm sáng mai, tuần sau tụi mình bị chuyển đi nơi khác còn tàn độc hơn Kà Tót! - Kệ mẹ nó! Coi như hết số rồi! Tìm chỗ ngả lưng cái đã! Mai còn sống thì thấy mặt trời mọc, còn chết thì bỏ, trở về với cát bụi, lo nghĩ hoài mệt quá! Đêm đầu tiên ở Sông Mao là đêm thần tiên. Đám tù ngủ say như chết. Sáng ra không thấy rừng cây u ám, không thấy những rừng tranh ngun ngút, không thấy cắt lên rừng đốn tre, chặt mây... và không thấy cái cùm dài hàng chục thước xỏ chân người như xâu cá nục, nhung nhúc những rệp mỗi đêm về. Nhưng khi nắng lên, hực lửa đổ xuống mái tôn, anh em bỗng nhớ những tàn cây trong rừng Kà Tót, nhớ dòng suối uốn quanh bên sân trại, nước trong và mát. Kà Tót vô cùng nên thơ trong những đêm trăng tỏ, trừ những đêm trăng cọp gầm hay về chụp mấy con heo của trại. Trại không có hàng rào, chỉ nghe tiếng lách cách của AK ở đâu đó, nó làm cho trăng vỡ, nó làm cho đêm thành ác mộng... Cuối hè 1975, đầu tháng Tám, trời Sông Mao đổ nắng, nước không có, từng toán tù chia nhau đào giếng. Chẳng có giếng nào có nước trên vùng đất cao. Những ngày đầu chưa phân trại, nhìn ra bên ngoài hàng rào thấy dân qua lại cũng đỡ buồn, nhưng nghe tiếng bà bán xôi bắp rao hàng, hàng trăm bao tử của đám tù thi nhau co thắt. Đói! Cái đói trên rừng Ka Tót cận kề tử sinh nên nó ngủ yên, nay về đồng bằng, gần dân, gần thôn làng, gần với những giấc mơ được gia đình tiếp tế.. . nên nó thao thức, nó đòi hỏi, nó dày vò. Trại thì cấp lương thực cho tù gần như lấy lệ kiểu nuôi mèo hoang, nên đám tù phải kiếm thức ăn như trâu bò để dằn bao tử. Cả một khu doanh trại quân đội VNCH bỏ hoang mọc lên đủ thứ, khoai mì, rau đồng tiền, rau lang, rau dền trơn, rau dền gai nuôi heo và những cây bắp rài. Các toán tù đến trước đó vài ngày từ các nơi khác, khỏe mạnh, hồng hào, còn dự trữ thức ăn của gia đình, họ nhìn bọn tù về từ Kà Tót như những tên ăn mày đói rách, thất thểu lang thang dưới nắng hè tìm đủ mọi thứ rau để ăn dậm. Lúc đầu thì chỉ nhặt các loại rau lang, đồng tiền, rau dền trơn. Vài ngày sau, đến bắp non, đọt mì... Và một tuần sau nữa thì sạch, chỉ còn những thảm cỏ còi cháy nắng và khu dền gai mọc cao hơn đầu người đầy sâu bọ, rắn rết. Hà nằm trong toán tôi. Tôi chịu đựng, lầm lì. Hà bất xúc lo âu. - Anh Hai! Tụi mình quả ăn nhanh hơn trâu bò. Chưa đầy 10 hôm mà mình ngốn cha nó hết những thứ rau dại, cỏ hoang, mà vẫn đói thấy bà tổ. Chẳng hiểu tại sao mấy thằng chả cho tụi mình ăn như mèo! - Ở Kà Tót, tôi thấy tụi mình là những con vật. Về đây, nhìn anh em Đà Lạt, Lâm Đồng, Ninh Thuận mình mới thấy hy vọng mình được đối xử như con người một chút. Nhưng đói thế này thì thành ma đói, cắt đi lao động là chắc chết! Hà có biết đại úy Nguyễn Văn Tư hấp hối từ hôm qua không? Chắc Tư ra đi trước bọn mình! - Toán mình có bác sĩ Lê Bá Dũng mà! - Bác sĩ Lê Bá Dũng làm gì được với mấy triệu con trùng sốt rét tràn ngập trong máu Tử Bộ anh tưởng hễ là bác sĩ thì có quyền án ma ni thần phù chữa hết bệnh, khỏi cần Chloroquine, Quinine, Fansida chắc? - Tôi không rành chuyện thuốc men. Không về đây, anh Tư cũng chết trên Kà Tót, về đây ảnh chết gần nhà hơn! Số kiếp! Thôi anh để tôi chạy tìm chút rau cỏ gì để cải thiện chiều nay! Hà chụp lên đầu cái mũ làm bằng bao cát bước ra ngoài. Tôi nghĩ bụng " bây giờ là lúc Hà BĐQ tận dụng hết ngón mưu sinh thoát hiểm" trong các lớp rừng núi sình lầy trước đây. Ở trong cái rọ này, mưu sinh thét rồi cũng không còn một cọng cỏ non, còn thoát hiểm thì vô kế khả thi! Ngày xưa, quân trường Sình Lầy Dục Mỹ đâu có ngờ, đâu có dự liệu cái ngày phe ta thê thảm như hôm nay. Tôi qua phòng Lê Bá Dũng, Tư hai mắt lờ đờ gần như đứng tròng. Tôi phụ Dũng đổ một ít nước vô miệng Tự Dũng lắc đầu. Dũng là y sĩ chỉ huy phó Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch Phgan Thiết và Tư là sĩ quan tài chánh. Hai người cùng đơn vị, hội ngộ trong tù, và sắp chia tay, chia tay không có ngày gặp lại! Tôi là bạn học cùng lớp. Hai thằng trơ mắt, xuôi tay trước cái chết sắp xẩy ra trong giây phút của bạn mình. Tư tắt thở sau đó trên tay tôi và Dũng. Thêm một đứa ra đi. Những người ở lại cũng chai đá trước cái chết gần như định số, kẻ trước, người sau... Buổi chiều, Hà trở về, kéo theo một bụi rau dền gai tổ chảng bị chặt gốc. Hay tin Tư qua đời, Hà khựng lại, thở dài rồi tiếp tục với bụi dền gai, coi như không có chuyện gì xẩy ra. - Bụi dền gai tổ bố này Hà kiếm ở đâu vậy? - Ở gớc trại, sát hàng rào kẽm gai. Chỗ đó chui ra được bên ngoài là thoát, vì nó nối sát với một đường mương. Nhưng lạng quạng coi chừng vướng mìn phe ta còn để lại. Ớn bỏ mẹ! - Bộ gần đó không có trạm gát sao? - Bây giờ thì không. Tương lai thì không biết! Thôi bỏ chuyện này đi. Lọt tai cán bộ là khốn nạn. Lần đầu tiên kể từ ngày lên Kà Tót và chuyển về đây, bữa nay mới nghe Hà đề cập tới chuyện trốn trại. Bị cắt đứt với bên ngoài, bị khủng hoảng đến tê liệt tinh thần ở bên trong, tôi gần như không có ý niệm gì cho cái chuyện vượt thoát. Thế nhưng hôm nay,khi nói chuyện thì thầm với Hà, tôi bỗng thấy bầu trời bung rộng lớn hơn, màu xanh của đám cây ngoài trại dễ thương hơn, cánh chim trên bầu trời nhẹ nhàng hơn và nỗi khát khao tự do bừng bừng trổi dậy. Nó trổi dậy như sóng vỗ, và nó cũng tan mau như cơn sóng lùi ra biển khi tầm mắt nhìn vào lớp kẽm gai vây kín, bên ngoài lảng vảng bóng dáng những tên bộ đội đi tuần. Khi tôi tư lự, Hà bắt đầu chặt bụi dền gai ra từng nhánh. - Chiều nay toán mình bồi dưỡng mấy nhánh này. Phần còn lại cho ngày mai! - Dền gai toàn là gai làm sao ăn được? - Bộ anh không biết người ta bầm dền gai nấu cháo heo sao? Heo ăn được là người ăn được. Món này có trong danh sách các thứ rau cỏ mưu sinh. Lần này tụi mình mưu sinh, chuyện thoát hiểm hạ hầu phân giải! Con người có số, giàt saut có số, tới đâu hay tới đó! Anh em xúm nhau lặt tất cả đọt non, tất cả lá, bất kể lá non hay lá già. Thân cây dền lô nhô những gai nhọn hoắc được anh em róc bỏ, chặt ra từng khúc, tước vỏ ngoài còn lại cái lõi bên trong. Đọt và lá luột riêng, lõi thân dền luộc riêng. Cả đám chụm đầu nhau ăn buổi chiều, gạo mục, rau dền chấm nước mắm. Một bữa ăn thần tiên của anh em nhờ ngón nghề mưu sinh xưa của Hà. Sang đến đầu năm 1976, trại Sông Mao được phân trại theo cấp bậc tù nhân dưới cái tên trên giấy tờ: Tổng Trại 8 Tù Tàn Binh Sông Mao thuộc quân khu 6 của Việt cộng. Trại A ở phía đông tập trung tất cả sĩ quan từ đại úy đến đại tá. Đại tá Lê Hưng Phê, chỉ huy phó BĐQ/QK2 cũng nằm trại này. Trại B nằm ở giữa tập trung tất cả anh em sĩ quan cấp trung úy, và trại C nằm về hướng Tây gồm tất cả anh em thiếu úy và chuẩn úy. Tù nhân phải tự làm trại và hội trường lấy để chuẩn bị học tập chính trị. Từ khi tổng trại gom tù các nơi về và chia làm ba phân trại, tôi ở trại A, Hà ở trại B, cách nhau một hàng rào kẽm gai gang tấc mà anh em lại xa như ngàn trùng. Sau gần 6 tháng xây trại và các dãy phòng học, toàn trại bị dẩy vùi đầu vào các lớp học chính trị tẩy nảo, nhồi sọ với bài học số một: " Đế quốc Mỹ là kẻ thù của nhân dân thế giới và là kẻ thù số một của dân tộc Việt Nam"... " Tội ác ngụy quân, ngụy quyền... " Ba dòng thác cách mạng... " , rồi thu hoạch, rồi kiểm điểm, toàn những thứ nhét vô lại trào ra, nhưng nó lại làm cho con người phờ phạt, thèm đi lao động, thèm phơi nắng giữa trời, thèm vật lộn với mồ hôi hơn là ngồi chồm hỗm nghe những bài nhồi sọ. Cho đến khi bắt đầu trở lại giai đoạn lao động, đám tù ba trại thỉnh thoảng mới gặp nhau. Dọc đường xe lửa cách ga Sông Mao về phía Nam độ ba bốn cây số, tù nhân ba phân trại được lệnh tập trung phá rừng thưa trờng bắp. Có những buổi trưa hạnh phúc khi nhìn đoàn tàu đi ngang quạ Có những buổi trưa hạnh phúc khi một vài cánh tay nỏn nà con gái đưa tay vẫy về phía đàn tù đang chống cuốc đứng nhìn đăm đăm. Dường như ai cũng muốn tìm trong đám đông trên toa xe hình bóng thân thương của vợ con, cha mẹ. Một vài anh em vẹt nước mắt, không biết nước mắt hay mồ hôi. Có những toa tàu đi qua, có những toa tàu mất hút. Hà là người nhìn tàu hỏa đi qua một cách chăm chú như bị con tàu thâu miên. Tôi gặp lạ Hà trên các luống bắp, đang nhìn theo con tàu. Tôi kéo Hà vào một bóng cây, nhìn quanh, không có ai, tôi hỏi. - Hà! Khỏe hả? Sống bên trại B ra sao? Dường như Hà gặp tôi mà quên cả mừng, quên cả trả lời câu hỏi. Trong đầu Hà đang bị một cái gì cuốn hút. Hà bất chợt hỏi: - Nghe nói ngày xưa đơn vị đầu tiên sau khi anh ra khỏi lò Thủ Đức là An Ninh Thiết Lộ? - Ừa! Lính xe lửa! - Anh thấy sau khi rời ga Sông Mao chạy ngang khu rừng này mà xe chạy tộc độ mình thường thấy hàng ngày, anh có thể phóng theo nhảy lên tàu được không? - Hà ơi! Tôi hiểu Hà rồi! Tội quá! Bây giờ hai cái giò tôi muốn teo lại không biết có chụp tàu được không, nhưng thuở xưa thì lính An Ninh Thiết Lộ lên tàu và xuống tàu dễ dàng với tốc độ này. Hà còn trẻ, còn khỏe, tôi không biết sao, nhưng nguyên tắc là phải chạy theo tàu gần với tốc độ tương đương, rồi chụp thành tàu phóng theo. Không thể đứng một chỗ phóng lên tàu khi tàu chạy, và cũng không thể chạy chậm hơn tàu mà phóng được lên tàu. Vấn đề là có một khoảng thuận tiện để có thể chạy theo tàu. - Tôi hiểu rồi! Thôi mình chia tay, hết giờ ăn trưa, tụi bộ đội đang đi tới. Tôi lách ra, cúi đầu vun những gốc bắp. Hà biến mất trong mấy lùm cây. Hôm sau, Hà gặp lại tôi cũng vào giờ nghĩ trưa. Cũng lại một đoàn tàu đi quạ Mỗi đoàn tàu đi qua để lại trong đầu Hà một viễn tượng vượt thoát mạnh hơn. Hà tâm sự: - Thú thật, trong số anh em, tôi biết anh hơn cả. Tôi tin anh hơn cả. Tôi lại biết cả đơn vị đầu tiên của anh. Hay là tôi và anh tìm cách thoát. Về thẳng Sài Gòn, anh sống lang thang với tôi, sau đó tụi mình tìm cách chui xuống miền Nam. - Hà biết, khát vọng tự do, khát vọng thoát tù trong tôi không thua gì Hà cả. Tôi đã mơ ngàn giấc mợ Tôi mơ trong giấc ngủ, tôi mơ khi ngả lưng nhình những con chim bay, tôi mơ những đám mây lang thang trên bầu trời... Cái thân tôi đánh cuộc cái chi tôi cũng cóc cần, nhưng tôi mà thoát là cả lò nhà tôi bị hốt, bị vây bũa, khốn nạn. Tôi biết rõ cảnh này. Tôi chịu đựng, tôi an phận tù đày một phần cũng vì cái an nguy của gia đình. Chế độ này không từ một ai. Chế độ này không có chuyện ai làm nấy chịu. Họ cột nhau một chùm, họ cột cả nước một chùm. Hà nắm tay tôi xiết mạnh. - Anh giữ gìn sức khỏe. Tôi đã định một con đường. Anh cầu cho tôi nghe. Anh đạo Phật hả! Anh thầm tụng kinh cho tôi nghe! - Ừ! Tối nay, tôi sẽ lấy đũa làm nhang hướng qua trại B tụng Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế âm Bồ Tát cho Hà! Hà phải thật cẩn thận, kín đáo, đừng để ai hay, thoát không được thì tìm cách nhập vào toán lao động để về trại. Tụi nó phát giác là tàn đời, Hà hiểu không! - Anh đừng lo! Số tôi cao lắm! Hôm sau, các toán lao động lại tập trung ở rẫy bắp. Kể từ khi hết học tập chính trị và ra lao động đến nay, chưa có một vụ đào trại nào. Buổi trưa đám vệ binh chui vào bóng râm, các toán lao động cũng ngừng việc tìm bóng mát ăn trưa. Hà băng mình như con chuột lủi xuống ống cống và chui sang bên kia đường rầy xe lửa. Trưa đó Hà không gặp tôi. Chuyến tàu về Nam hú những tiếng còi dài rời ga Sông Mao tiến gần, càng gần đến ngang rẫy bắp. Tôi gần như bỏ ăn, hồi hộp nhìn đoàn tàu đi quạ Tôi hồi hộp sợ nghe tiếng súng nổ. Không có gì. Tôi mừng cho người bạn trẻ. Đoàn tàu mất hút. Tôi cứ đăm đăm nhìn theo mà tưởng chừng Hà đã thoát được lên tàu. Mọi người lại bắt đầu lao động tiếp. Buổi chiều, trên đường về, toán lao động trại B về trước, đi ngang qua toán tôi, tôi kinh ngạc thấy Hà thất thểu vát cuốc đi chung toán, áo quần rách toạt mấy chỗ, chân đi cà nhắc. Hà nhìn tôi lắc đầu. Tôi nhìn Hà lắc đầu rồi lục đục theo toán đi về trại. Buổi lao động kế tiếp, gặp Hà, tôi chưa hỏi được câu nào, Hà đã lên tiếng thì thầm: - Xuýt nữa là thoát! Tôi chờ toa chở gỗ sau cùng không có người, chạy theo kiểu anh nói, nhưng tôi chụp hụt thành tàu, té muốn gẩy bản họng. Chả ai thấy tôi. Tôi lăn xuống mé đường rầy, lom khom bò về ống cống, chui qua rẫy về nhập bọn lao động tỉnh bợ Phải trước kia ra trường tôi chui vô cùng đơn vị lính xe lửa với anh thì hay biết mấy! - Tôi lo điếng người. Khi tàu mất hút, tôi cứ ngỡ Hà là con chim xổ lòng tối nay tung tăng ở Sài Gòn! Một thời gian sau, khi các toán lao động không làm việc chung trên cùng một đám rẫy, tôi không có cơ hội gặp lại Hà. Tôi không biết Hà còn ở trại hay đã "hổ mất xác". Rồi mọi chuyện cũng quên đi. Một đêm Sông Mao lạnh cứng người, cơn mưa ném mạnh những hạt nước theo gió qua khe vách tù. Cái lạnh của đêm, của mưa, của gió, của những tấm vĩ sắt thay ván không ngăn nỗi những mệt nhọc của một ngày lao động mệt nhoài, đám tù cứ ngả lưng là lăn ra ngủ. Nửa đêm, bỗng có tiếng AK nổ, và thượng liên trên chòi canh nổ theo dồn dập. Có tiếng bộ đột cộng sản chạy thình thịch. Cả trại thức giấc. Cơn mưa lại tiếp tục. Tiếng súng không còn nổ. Nhiều anh em đoán chừng là có người vượt trại bên phân trại B. Tôi bỗng lo cho Hà và không ngủ được đến sáng. Buổi sáng, trời tạnh mưa và mây tan. Mặt trời lên sớm. Tôi ra sân trại, vờ đi cầu ở hầm cầu gần hàng rào kẽm gai phân trại B để quay mặt nhìn qua một góc hàng rào đầy những bụi dền gai, nơi bộ đội cộng sản chùm nhum làm cái gì đó. Bỗng tôi điếng người. Họ khiêng ra một xác người mắc dính dưới hàng rào kẽm gai. "Trời ơi! Hà!" Thì ra làHà đã tìm cách vượt trại ngay đám dền gai mà Hà phát giác từ lúc rời Kà Tót về Sông Mao, Hà đã dự trù chuyện này từ lâu,và cuối cùng Hà đã thua cuộc. Miền Nam đã không dự liệu được ngày 1975. Quân lực đã không dự liệu được cái cảnh mưu sinh mà không đường thoát hiểm, và Hà đã bỏ mình ngay bụi dền gai ban đầu trong ngững ngày mưu sinh trên vùng đất chết của cái gọi là Tổng Trại 8 Tù Tàn Binh Sông Mao. Tội nghiệp Hà, một con chim bất khuất, khao khát tự do, bị chết oan nghiệt trong chiếc lồng tù ngục.