Chương 1
Bấy giờ là tiết hoa mai nở rộ. Chưa đến Tết, khí hậu ở biên giới phía Bắc đã lạnh và rất hanh heo nhưng hoa mai thì bất chấp tất cả cứ đến kỳ là nở. Mai trắng như tuyết, mai đỏ thì tựa ráng chiều, từng cây từng lùm thấp thoáng trong khe, trên sườn núi, dọc theo bờ suối và nhiều nhất là trong các vườn, nhất là vào tháng Chạp sau độ tuyết đầu mùa, hoa mai càng rực rỡ. Hoa đỏ in trên tuyết trắng mới lộng lẫy làm sao! Tất cả các con cái nhà quan nhà quí, trong thành hầu như đều thấy phấn khích, thế là đã đến mùa được đi "đạp tuyết ngắm mai" rồi. Chùa Nhàn Vân nằm ở ngoại ô phía Tây Thành, tuy chỉ là nơi ở của nhà tu hành, nhưng vì hoa mai mà trở nên nổi tiếng. Trong vườn nhà chùa toàn là hoa mai, đâu đâu cũng ẩn hiện toàn màu hoa trắng hoa đỏ. Mỗi bận đến tiết mai nở rộ hương bay xa hàng mươi dặm, người du ngoạn đến như nước chảy. Rất nhiều tiểu thư khuê các ngày thường không dễ ra khỏi được khuê phòng, chỉ thỉnh thoảng lấy cớ lên chùa thắp hương mới được ra ngoài dạo chân một chuyến, năm nào họ cũng dạo đến chùa Nhàn Vân này. Lại càng rất nhiều niên thiếu con em các nhà giàu lắm tiền bạc, lấy dịp này làm cơ hội đi săn sắc đẹp, ngày ngày lượn lờ đến chốn này kiếm tìm "kỳ tích". Vì vậy tiết hoa mai rộ thế này cũng là thời gian thịnh nhất về hương hỏa của chùa Nhàn Vân. Chùa Nhàn Vân náo nhiệt hẳn lên, chủ trì chùa là Đại pháp sư Tịnh Tu cùng các chú tiểu tới tấp chạy ra chạy vào đón tiếp các "quí khách" Vậy thì Tịnh Tu pháp sư còn làm sao mà "tịnh" mà "tu" được đây? Đây là một vấn đề khá có triết lý đấy! Hà Mộng Bạch người đang tá túc tại chùa Nhàn Vân đã từng cười mà hỏi Tịnh Tu pháp sư câu hỏi này. Pháp sư cũng mỉm cười mà trả lời: - "Tịnh" là ở trong hồn, "tu" là tại tâm, chứ còn cái thân xác mọn này chỉ là "thai phàm" mà thôi! Quả thật mà không cần phải ăn đến khói lửa của nhân gian thì trên đời này có được mấy người đây? Mộng Bạch đã từng suy nghĩ rất nghiêm túc về mấy câu nói đó của vị hòa thượng già, mới nghe thì cảm thấy có vẻ hơi “tự biện bạch" nhưng nghĩ kỹ thì lại thấy có ý vị sâu xa riêng. Mộng Bạch không thể không bái phục vị pháp sư già đó. Nhớ lại là mình đã tá túc ở chùa này gần một năm rồi, đã nhiều phen đàm luận chuyện cổ kim với pháp sư, Mộng Bạch thấy rất khâm phục học vấn và tấm lòng rộng rãi của nhà tu hành này. Chàng không bao giờ quên cái đêm mùa đông năm ngoái, khi đi tìm người thân mà không gặp, trong mình lại chẳng có một đồng tiền bát gạo, lưu lạc đến đây, đói rét khổ sở ngã trước cửa chùa và được hòa thượng cưu mang giúp đỡ. - Tiểu thí chủ, người định đi đâu nữa? - Con là một tú tài, vốn định đi tìm họ hàng thân thích, vay chút tiền ăn đường để về kinh đô ứng thí. - Cha mẹ người đâu? - Thưa, đều tạ thế rồi, gia đạo suy vi, mới đi tìm họ hàng để nhờ giúp đỡ. - Người biết những môn gì. - Thưa: cầm, kỳ, thi, thư, họa. Vị hòa thượng già cười: - Tiểu thí chủ ơi, biết năm môn đó, không phải là người, mà là thần đấy! Mộng Bạch ngạc nhiên và giật mình. - Thế bây giờ người định làm gì? - Vị hòa thượng tiếp tục hỏi. - Con cũng không biết nữa. - Ta biết - Pháp sư Tịnh Tu gật gật đầu - Con đã mệt rồi, đã đi cả một chặng đường dài, con cần phải nghỉ ngơi, mà chùa Nhàn Vân là nơi nghỉ ngơi tốt nhất, con hãy ở lại đây, đến mai ta sẽ cùng với con xem xét những thứ mà con đã biết kia. Và thế là, Mộng Bạch đã ở lại chùa Nhàn Vân ngay từ ngày hôm sau, khi hòa thượng bắt đầu luận bàn về thi thư với chàng, thì chàng mới sợ hãi nhận ra rằng mình thật là quá nhạt nhẽo và ngô nghê! chàng không còn dám nói là mình “biết" cái gì nữa cả, chàng chỉ có phận “học" mà thôi. Mười ngày sau chàng thành tâm nói với pháp sư Tịnh Tu. - Con thấy rằng con không nên đi ứng thí để cầu công danh nữa, dứt khoát con muốn ở đây, xuống tóc đi tu, xin hòa thượng nhận con làm đồ đệ. - Con ấy ư? - hòa thượng cười tủm tỉm và lắc đầu. - Trần duyên của con còn không vào cửa Phật được đâu, hơn nữa xuống tóc hay không thì cũng chỉ là hình thức mà thôi. Con còn quá trẻ con đường trước mắt còn dài lắm! con phải đi con đường riêng của con. Con nên biết, những người vào cửa của ta là có hai loại: một là những kẻ ngốc nghếch không hiểu biết một chút gì, loại kia là những con người siêu phàm thoát tục. còn con? con không thuộc loại nào trong đó cả. - Thế thầy thuộc loại nào? - Mộng Bạch hỏi lại. Hòa thượng già trầm tư giây lát. - Ta ư? - hòa thượng chậm rãi trả lời - ta nửa thuộc loại này, nửa thuộc loại kia. Mộng Bạch không truy hỏi thêm nữa, chừng như chàng đã hơi hiểu ra, lại chừng như chưa hiểu một tí nào. Nhưng chàng có biết hay không, có hiểu rõ không, đều không can hệ gì, Tịnh Tu vẫn là một ông già lạ lùng độc đáo mà chàng hằng thán phục, hâm mộ; trái lại ông già đó cũng rất thú vị với chàng. Thế là chàng đã ở được một năm trong chùa Nhàn Vân. Trong một năm đó, Tịnh Tu đã không phải nuôi không chàng một ngày ba bữa. Ông già đã nhanh chóng phát hiện ra, quả thật tài thư họa của chàng rất phi phàm; nên nhân việc quen biết rộng rãi, ông đã giúp Mộng Bạch bán tranh để kiếm sống, lại còn khuyên chàng dành dụm lấy một khoản tiền để tiếp tục lên kinh đô dự thị Nhưng mà, Mộng Bạch rốt cuộc chỉ là một thư sinh trẻ tuổi đang lưu lạc, ai đã chịu bỏ nhiều tiền ra để mua chữ mua tranh của một gã vô danh tiểu tốt? Mỗi ngày có giỏi, cũng chẳng qua kiếm được năm ba đồng bạc đủ cho chàng nuôi miệng mà thôi. Còn may là chính chàng không hề vội vã. Sống ở chùa Nhàn Vân, chàng cũng sinh ra tâm trạng “Nhàn Vân dã hạc" thích tiêu dao ngày tháng. chỉ phải đến độ hoa mai nở rộ, du khách hàng đàn, nhìn thấy mọi người dắt díu bồng bế con cái đến chùa, chàng mới bắt đầu cảm thấy quạnh hiu buồn bã, lòng rưng rưng một mối sầu quệ Đó có thể chính là lý do mà pháp sư Tịnh Tu đã từng nói, rằng chàng không thể nhập “cửa không đầu Phật" đây chăng? tình cảm của chàng quá phong phú, tâm linh chàng quá yếu đuối, tâm trạng u uất, tự buồn tự tủi rất dễ dàng xâm chiếm con người chàng. Hôm đó, cả một ngày tâm thần chàng cứ xốn xang thảng thốt, sách không đọc nổi, viết không thành văn, vẽ không ra tranh. Sau bữa cơm trưa, hòa thượng bảo với chàng rằng có nhà vọng tộc họ Giang ở trong thành sắp đến dâng hương, vì nhà có cô con gái nên chàng phải tránh đi một lát. Chàng bèn đi ra phía sau chùa, ở đó có một khe nước nhỏ, trên mặt khe có chiếc cầu gỗ cong cong, hai bên bờ khe đâu cũng có hoa mai nở, hương thơm ngan ngát, hoa rụng lấm tấm như thêu trên mặt đất. Chàng ngồi xuống một gốc mai ở đầu cầu, tay cầm một cuốn sách nhưng mắt lại đăm đăm nhìn mặt nước dưới khe đã hơi hơi đông kết sắp thành băng, đầu óc chàng dần dần tản mạn đi, mặt mũi trở nên bần thần. Tiết trời rất lạnh, ở đây lại lộng gió, vì là phía sau chùa nên du khách không đi tới, bốn bề lặng ngắt; chàng khoác một tấm áo lông rách, không chịu được rét, phải ngồi co ro dưới gốc cây. một cơn gió thổi tới, làm cho bao nhiêu cánh hoa rơi lả tả trên mình chàng rồi rắc lên đầy mặt đất và rắc lên cả mặt nước đang kết băng non. Nhìn những cánh hoa trôi dập dềnh nghe tiếng nước à à cùng tiếng mảnh băng non va vào nhau lanh canh, chàng bất giác thở dài một tiếng. Nghĩ đến thân mình tiền đồ mờ mịt lưu lạc tha hương, chàng thấy lòng trĩu nặng. Đang mải nghĩ ngợi thẫn thờ, bỗng chàng nghe thấy một hồi rung nhẹ nhẹ của vàng ngọc va chạm nhau thánh thót trong veo, tiếp đến một vật gì đó rơi xuống đầu rồi tuột vào lòng chàng; nhìn xuống xem hóa ra là một cành hoa mai trắng. Chàng giật mình “ối" lên một tiếng. Cùng lúc từ phía trên đầu vọng xuống một tiếng khe khẽ, có vẻ hốt hoảng và một giọng nói trong trẻo vang lên. - Chết rồi! có người kìa! Chàng ngẩng lên nhìn về nơi phát ra tiếng nói, thấy ngay trên chiếc cầu gỗ đó dáng người thướt tha yểu điệu của một cô thiếu nữ chừng 15, 16 tóc búi theo cách cung đình, cài trâm có hạt trân châu, mặc chiếc áo màu hồng phấn, vấy bằng gấm đoạn trắng tinh, bên ngoài khác một chiếc áo choàng lông có mũ trùm, Mới chợt nhìn thấy như là nàng Vương Chiêu Quân ngày xưa. Cô nàng đang ngạc nhiên mở to đôi mắt trong sáng nhưng sợ sệt nhìn chàng. Trong tay cô là một nắm cành mai mới bẻ. Cách trang điểm phục sức cùng dáng điệu, thần thái ấy lại thêm đôi “làm thu thủy nét xuân xanh" khiến cô có một vẻ đẹp mê hồn, làm cho Mộng Bạch chỉ còn biết đứng ngây ra mà nhìn. Mãi mà cô nàng vẫn chưa hết ngạc nhiên hốt hoảng, hiển nhiên là cô không thể ngờ phía dước cầu lại có người, mà cô thì đã vô ý để rơi cành hoa mai xuống đó. Trông cô rất giống một đứa trẻ trót dại gây ra tội lỗi gì đó, đang không biết làm sao cho phải, chỉ biết ngây người ra mà nhìn chàng. Mộng Bạch bèn đứng dậy, tay cầm cành mai, tự nhiên bước tới trước mặt cộ Cô gái nhìn thấy chàng sắp tới thì càng hốt hoảng, vội nhìn chàng một cách dò xét suốt từ đầu đến chân một lượt rồi đưa ngay ra một cử chỉ hết sức sai lầm: cô lấy trong người ra một ví nhỏ bằng vải thêu vứt về phía chàng, miệng khẽ thét: - Không được lại gần! cho anh tiền được chưa? Mộng Bạch ngạc nhiên dừng lại. Cô ta nghĩ chàng là ai nhỉ? kẻ cướp? thổ phỉ hay là ăn mày? Chàng há miệng định giải thích nhưng lại không biết giải thích thế nào. Đang lúc chàng đứng lại ngớ người suy nghĩ thì cô gái nọ đã quay mình vội vã bỏ chạy về chùa, y như người chạy trốn bọn ôn dịch. Mộng Bạch mới giật mình, nhặt vội lấy túi tiền dưới đất sải chân đuổi theo, miệng kêu rối rít: - Cô ơi, cô đợi một chút! cô ơi, cô đợi chút! Cô ta càng chạy nhanh hơn, Mộng Bạch cố đuổi theo, được một lúc chàng chợt nghĩ ra, mình cứ đuổi theo một cô gái như thế này thì người ngoài trông vào sẽ thấy chướng mắt lắm, Nhìn lại bản thân mình rất dễ gây hiểu lầm. Vì vậy chàng mới dừng bước lại, ngửa cổ lên trời than thân: - Ôi! không ngờ Mộng Bạch ta, một gã thư sinh mang đầy hoài bão, lại khốn khổ đến mức bị người ta coi như là một kẻ ăn mày! Ai ngờ mấy câu oán than của chàng lại làm cho cô gái nọ lập tức dừng chân, cô ta kinh ngạc ngoái cổ, hơi thở dốc và nỗi hoảng hốt còn chưa tan hẳn, cô vẫn mở to đôi mắt ngây thơ ra nhìn chàng không chớp. Miệng hé mở, cô ấp a ấp úng, nửa ngạc nhiên nửa vui mừng, nửa thẹn nửa hãi, do dự mãi mới nói ra được một câu: - Anh... anh chính là... Hà Mộng Bạch? - Sao?... Mộng Bạch càng ngạc nhiên - cô biết tôi ư? - Thế... thế những đôi câu đối mới viết lại ở trong chùa đều do anh viết đấy à? - Cô gái nhìn anh có vẻ hiếu kỳ. - Ôi - hóa ra là cô đã đọc những câu đối, câu liễn đó à? - Mộng Bạch chợt hiểu ra - Vâng, thưa do là tại hạ viết. Sự ngạc nhiên lạ lùng càng hiện rõ trong đáy mắt cô gái, lại một lần nữa, cô nhìn xét xét chàng từ đầu đến chân. Mộng Bạch như muốn thu mình lại trước cái nhìn của cô, chàng biết cái hình dung lôi thôi lếch thếch của mình không thể nào mà giấu đi đâu được. Chưa lúc nào như trong khoảng khắc này, chàng ao ước mình có thể áo mũ đàng hoàng, phong độ ung dung. Chàng thụt lùi một bước, kéo hai vạt áo bông rách lại, nhưng lại càng có vẻ lúng túng như chân tay thừa ra mà chỗ vạt áo rách lòi cả bông trong lõi, lại càng không che được. Cô gái hít một hơi dài lại kèm theo một tiếng thở ra kín đáo: - Đã có học hành, sao không lên kinh tìm đường tiến thủ? - Tiểu sinh cũng muốn lên kinh, chỉ phải tội người thân chưa gặp mới lưu lạc thế này! - Ồ! - Cô than khe khẽ, nét mặt không giấu được vẻ đồng tình thương cảm. Đang định nói gì đó thì từ trong chùa, một a hoàn hớt hơ hớt hãi chạy đến, vừa chạy vừa hổn hển la to: - Trời ơi, tiểu thư! cô lại đi lung tung cả lên rồi! Làm em tìm muốn chết! lão phu nhân đang bực cô đấy! nhanh nhanh đi, kiệu đã chờ sẵn để về phủ rồi! Cả nhà đang chờ mỗi mình cô thôi! Cô gái không kịp nhìn chàng một lần nữa, quay lại phía a hoàn đang giục giã, cô cố ném lại cho chàng một câu: - Hãy giữ lấy túi thêu đó, mang ra mua được tấm áo cừu để chống rét, trời lạnh kinh khủng quá! Giữ được rừng thì lo gì thiếu củi đun! Nói xong, cô bỏ mặc chàng ở đó, cung cúc chạy theo a hoàn để trở lại chùa Nhàn Vân. Mộng Bạch bất giác chạy theo mấy bước, giơ túi thêu ra gọi: - Cô ơi! cô ơi! Nhưng cô gái và a hoàn đã chạy mất tăm mất dạng rồi, chỉ còn những bóng cây mai thấp thoáng trên con đường nhỏ chẳng lưu lại dấu chân người, nhưng hương thừa hãy còn quanh quất. Đằng sau rặng hoa mai, ráng chiều đã nhuộm đỏ chân trời. Trong chùa Nhàn Vân, chuông chiều đã đổ, tiếng chuông lan trong không gian, đập vào vách núi vọng xuống khe sâu, tỏa trên mặt nước, phá vỡ hoàng hôn, lay tỉnh một người đang ngẩn ngơ cầm chiếc túi thêu. Cuối cùng thì Mộng Bạch cũng đã định thần lại, chàng cúi xuống bắt đầu xem xét chiếc túi kia, nó được khâu bằng gấm màu đỏ tươi, trên có thêu một cành hoa mai trắng, rất khéo léo tinh xảo, miệng túi thắt bằng dây tơ đỏ, một đầu dây thắt nút hoa mai. Hoa mai! người con gái này sao có duyên với hoa mai đến thế! chàng nhắc thử chiếc túi, nó chẳng có gì là nặng, có lẽ chỉ là một ít bạc vụn thôi. chàng lại đứng ngẩn ngơ một lúc, mới chợt nghĩ ra, phải biết tên cô gái ấy là gì mới được. chàng bèn vội chạy về chùa, nhưng chỉ thấy người qua kẻ lại, người thì xin thẻ người thì thắp hương; khắp các điện trong chùa, chẳng tìm thấy bóng cô gái và a hoàn ở đâu. Chắc cô ta đã đi mất rồi! một cô gái chàng không hề biết họ biết tên, một cô gái không có mảy may ràng buộc mà lại đã để lại cho chàng một chiếc túi thêu, một cành hoa mai và một chút buồn tủi trong lòng. Tối hôm đó, Mộng Bạch bị mất ngủ chàng cứ trở mình trằn trọc mãi, trước mắt lúc nào cùng hiên lên hình ảnh người con gái ấy. Sao mà tha thướt yêu kiều như tiên, như mộng vậy. Tay cầm cành mai mình khoác áo choàng thật quá là nề nếp, quá ư thanh thoát nhẹ nhàng. Chàng thở dài, chẳng biết là con cái nhà ai nhỉ xem như cách phục sức, như việc có a hoàn theo hầu thế đó, chắc hẳn phải là một thiên kim tiểu thư trong nhà quyền quí. Nghĩ phận mình cơm chẳng no áo không lành, sống vật vờ qua ngày đoạn tháng dù đầy bụng thi thư cững đành để phí. Nếu như mình cũng là công tử đại gia, biết đâu lại còn có duyên được quen biết người đẹp cũng nên, nhưng nay thì... thôi, thôi, nghĩ gì vậy chứ? Mơ gì vậy chớ! một anh chàng nghèo rớt mồng tơi thì không đủ tư cách mơ mộng, cũng không đủ tư cách mà nghĩ ngợi đâu.