Con cứ tưởng là con đã hiểu tất cả. Hoá ra con không hiểu gì cả. Mọi vật cứ quay cuồng rồi chính con cũng xa lạ với chính con. Con không biết là mình ở đâu nữa, ở trong mình, hay ở một nơi nào rất xa. Con những tưởng là ba biết rõ tất cả. Vậy mà ba bỏ con, ba vui thú với mấy ông bạn già bỏ mặc con với những nỗi lo toan không nơi nương tựa. Con sợ lắm! Nhưng phải cố gượng dậy. Không còn cách nào khác.
Ba ơi! Con thầm gọi ba những lúc thế này để trái tim con ấm lên tưởng như bàn tay ba che chở vỗ về. Ba ở bên con hay ở một nơi nào rất xa. Ba con mình luẩn quẩn bên nhau. Còn cuộc đời thì như những thước phim cứ quay đi quay lại. Đã có lúc con mặc kệ nó. Nhưng rồi nó cứ cuốn con đi. Chân con cứ phải chạy, tai con cứ phải nghe, mắt con cứ phải nhìn thấy và miệng con thì cứ phải huyên thuyên những điều vô nghĩa lý.
Con chẳng biết kể cho ba nghe chuyện gì cả. Chuyện mẹ Ở nhà vật lộn với bệnh già ca cẩm suốt ngày, một mình, chỉ có một mình ư? Mẹ hiểu tuổi già của mẹ hơn con. Mẹ bận tâm về nó hơn là bận tâm về con. Con cũng chẳng giúp được mẹ ngoài việc lắng nghe một cách thờ ơ và sốt ruột. Con thấy mẹ lẩm cẩm còn mình thì như có lỗi, như nhận ra mình là đứa con bất hiếu. Tại sao con không già như mẹ để thông cảm với mẹ hơn, để kiên nhẫn hơn và nói được với mẹ một điều gì đó có nghĩa. Các em con cũng thế. Chúng nó chẳng có thì giờ để chia xẻ với mẹ nỗi bận tâm của mẹ. Chúng có bao nỗi bận tâm của chúng. Cái đầu nối giữa tuổi già và tuổi trẻ thật mong manh. Nó cứ trượt đi theo vòng quay thời gian. Đuổi nhau mà chẳng bao giờ nắm bắt được nhau. Nhưng rồi sẽ đến lúc chúng con sẽ già lúc ấy chúng con sẽ thương xót và nuối tiếc. Rồi ai sẽ thương xót và nuối tiếc chúng con? Chắc là các con của chúng con. Giá mà có thể đổi chỗ cho nhau được.
Cái Hường đang mải mê đi thi tay nghề giỏi. Trông nó phởn phơ lắm. Nó giật giải nhì ở huyện đấy ba. Bây giờ nó đang chuẩn bị đi thi thành phố. Chồng nó đang phất, mua sắm được khối thứ. Nó rất ngạc nhiên khi thấy con bỏ nhà bỏ cửa ra đi. Làm sao nó hiểu được. Giá mà nó hiểu được một chút nó sẽ không nhìn con như thế.
Thằng Hưng đang xây khách sạn. Nó gầy rộc đi. Nó chẳng nói với con một câu nào. Con thấy mình thật là vô tích sự.
Con cũng chẳng còn nhận được ra thằng Phú nữa. Nó giống như bọn thanh niên bây giờ, ăn mặc, đầu tóc, nói năng, cả phong cách tiêu sài. Con thật cổ lỗ sĩ phải không ba?
Còn cái Minh, nó nuôi thằng Tiến cho con. Thỉnh thoảng chồng nó lại dúi cho con một ít tiền. Hễ con quà cáp một tý là y như rằng chúng nó kêu lên: "Bác làm gì có tiền mà mua". Khách khứa của chúng đến nhà bằng đủ phương tiện, xe hơi, xe máy... chúng miễn cưỡng giới thiệu: "Bà chị em, viết văn". Thế là con nhận được đủ loại ánh mắt thờ ơ, ái ngại và cả thương hại nữa.
Thằng Tiến đang vỡ giọng, đang tập làm người lớn. Nó không thích laÜng nhaÜng theo con như ngày xưa nữa. Trước khi đi học nó đánh giày, chải đầu, xịt gôm bọt, thỉnh thoảng buông ra một câu triết lý rất "cụ". Nó không thích con xuất hiện trước bạn bè của nó. Không thích con đưa đón và đưa tiền ăn sáng cho nó trước mặt mọi người. Con thấy nó vừa thân thiết với con vừa xa lạ với con. Con ngỡ ngàng tưởng như mình đang mất đi một cái gì đó thật quý giá. Tuổi thơ của con trai con. Tất cả chỉ còn những ký ức. Hiện diện của ngày hôm nay là một cậu thiếu niên đang dần trở thành một cậu thanh niên. Niềm vui xen nỗi lo âu làm con thắc thỏm.
Con hoang mang lắm ba. Con muốn níu giữ một cái gì đấy. Nhưng rồi nó cứ trượt đi. Con hoảng sợ đến một lúc nào đó tất cả sẽ kết thúc. Con đau xót chấp nhận cái quy luật sinh tồn nghiệt ngã.
Anh ấy vẫn cứ thế, vẫn chứng nào tật ấy. Uống rượu liên miên và nuôi mối hận thù thâm căn cố đế với mấy ông lãnh đạo. Anh ấy cho rằng sự "bất công thành doanh toại" của anh ấy là do họ. Còn con thì, cho rằng do rượu. Anh ấy đã tưới mềm ý chí bằng rượu. Đốt cháy sự nghiệp bằng rượu. Bây giờ anh ấy chỉ còn là con ve sầu rả rê than thở. Con chẳng có cách gì giúp được anh ấy dù ở gần hay ở xa. Vì có bao giờ anh ấy biết nghe con. Tại sao người ta không thể chỉ bằng lòng với những gì mình có?
Nhưng có thể muốn bằng lòng cũng không được. Con đã từng an phận, muốn bằng lòng, cuộc đời chỉ biết có chồng con, dạy học, nuôi heo, nuôi gà... Nhưng rồi dạy học, nuôi heo, nuôi gà cũng không nuôi nổi ba con người, một kỹ sư, một thầy giáo và một đứa con ba tuổi. Chúng con không dám chi phí cho một ngày đi công viên hay đi xem xinê. Phải trốn mọi đám cưới của bạn bè, chưa biết thế nào là niềm vui của ngày Tết từ khi ý thức được thế nào là Tết. Ngày xưa con còn nhớ, Tết con không có áo mới không có xe đạp để đi chơi cùng với bạn bè. Nhưng dù sao ngày đó con vẫn hồ hởi ra trò. Bao nhiêu chàng trai vẫn đỏ mặt trước con bởi gương mặt trắng hồng nổi bật trên chiếc áo tháo túi nhuộm nâu của con. Chiếc áo mà bạn của mẹ thấy con không có áo mặc đã động lòng trắc ẩn cho con. Tuổi trẻ của con đã đánh bạt chiếc áo già nua ấy. Con vẫn rực rỡ, vẫn xinh tươi, các bạn trai của con sau này bảo thế. Họ không hề để ý đến chiếc áo ấy đã từng là của một bà già năm mươi tuổi khoác lên người một thiếu nữ mười sáu tuổi. Nhưng bây giờ thì khác rồi ba ạ. Con đã là chủ gia đình, nhất là con trai và hai bên nội ngoại chưa kể đến khách khứa bạn bè và những cô cậu học sinh. Phần mứt rượu Tết của cơ quan con, chúng con mang về lễ tổ tiên bên ngoại. Rồi chúng con bỏ trốn cái Tết đi đến một nơi thật xa. Nơi ấy người ta chỉ đón Tết duy nhất có một ngày mà cái ngày duy nhất ấy, chúng con đang rông ruổi trên đường với túi bánh lương khô. Nỗi khổ sở làm chúng con trở nên khó tính. Con cáu bẳn còn anh ấy thì nghiện rượu. Niềm xót xa cho cậu con trai ba tuổi ngơ ngác không biết Tết là gì làm cho con oán hận. Con oán hận anh ấy. Rồi con lại thấy mình vô lý. Con oán hận đời. Nhưng đời là ai? Là cái gì? Con chẳng làm sao định nghĩa nổi. Con oán hận cho sự hèn kém của mình. Thế là con bỏ chạy. Ba biết đấy ngày đó con đã trốn đi, gia tài duy nhất là cậu con trai. Con không đành lòng trước sự lạc lõng của con báo hiệu một sự lạc lõng định mệnh dành cho con trai con. Con bỏ cái nhà quê tĩnh lặng ấy, bỏ cái công việc dạy học đơn điệu và tẻ nhạt ấy, con chẳng biết dạy gì cho lũ trẻ ấy cả khi mà áo chúng rách còn tim con thì bươm bả, tả tơi. Con lao vào cái đám ồn ào của phố phường để đánh lừa cảm giác là mình đang sống. Con đi đưa hàng thuê dành dụm được ít vốn, đi buôn, rồi mất tất cả. Cuối cùng con đâm sầm vào văn chương hy vọng sẽ gửi gắm nơi đó một điều gì, hy vọng được an ủi, được chia sẻ, được sống...
Song văn chương cũng chẳng nuôi sống nổi con và con của con. Đã thế những nỗi niềm tâm tư trăn trở của con lại bị người ta tung hê mổ xẻ và giễu cợt. Con hoảng sợ và lại tiếp tục chạy trốn. Song con không biết trốn vào đâu ba ạ.
Con viết truyện về một ông lão bán kem bị vòng quay nghiệt ngã của cuộc đời đè nát. Người ta bảo, đừng để ông ấy chết, chỉ để ông ấy què chân thôi họ sẽ in và con sẽ có một trăm ngàn tiền nhuận bút. Đêm đêm ông lão tội nghiệp ấy về năn nỉ con:
- Đừng để tôi què chân. Hãy làm ơn để tôi chết! Đừng để tôi què chân!
- Nếu ông què chân thì tôi có một trăm ngàn nhuận bút. Nó sẽ nuôi tôi được mười ngày.
- Nhưng nếu tôi què chân thì ai sẽ nuôi tôi? Ai sẽ cho tôi năm ngàn một ngày để sống? Cô muốn tôi lê lết đi ăn xin ư? Cái thân già này, con đường nhầy nhụa nước mắt và nước bọt này, cô muốn đày ải tôi khổ sở hơn nữa hay sao. Đi bán kem với cái lão già sáu bảy mươi tuổi này chưa đủ khổ ải hay sao? Hãy để cái bánh xe xe hơi làm phúc kia đè nát tôi ngay khi tôi không còn đủ sức để đi bán kem nữa.
- Tôi còn nhớ cái lúc ông quay ngoắt xe lại trước tiếng gọi kem của lũ trẻ trêu trọc. Ông hoàn toàn mất tỉnh táo. Ông bị lừa! Ông bị chết oan! Ông không oán hận cái chết đó sao?
- Chính cái chết đó làm tôi tỉnh táo ra. Tôi đã hiểu được thế nào là sống. Còn cô hình như cô vẫn chưa muốn hiểu phải không?
- Có thể là tôi đã rất muốn mà tôi chưa hiểu được đấy thôi!
Ba ạ! Mùa xuân năm vừa rồi trên mộ ba bỗng nhiên mọc một cái cây có năm cành. Con rưng rưng không biết có phải đó là năm đứa con của ba không. Năm cành non trổ lộc đâm chồi. Con nâng niu và tưới nước mát cho chúng. Con nghe trong gió thoảng hơi thở và tiếng nói thì thầm của ba.
Mùa xuân bình thản buông những giọt bụi mềm ấm xuống lòng đất thổn thức.