Tập 1

Trong màn đêm tĩnh lặng, tiếng gió thổi hù hù lùa qua kẽ lá. Thỉnh thoảng, lại đan xen tiếng cây đổ nghe lạnh cả gáy.

Trời rét. Cái rét đầu đông với những cơn mưa phùn lất phất quất vào mặt.

Không gian Đà lạt như chìm vào u tối. Bên ngoài, những cây thông già cỗi cứ đong đưa rì rào trên sườn dốc.

– Sợ thật! Cảnh vật cứ như đang đi vào địa ngục ấy! Cháu lạnh quá!

– Cháu đeo găng tay vào đi. Đà lạt vào đông mà. Lạnh lắm!

Chú Thiện lấy trong túi xách ra một đôi găng tay thảy cho Khang Dũng. Anh co ro rùn vai nhìn ra ngoài cửa xe:

– Đường còn xa không chú?

– Cũng không biết chừng! Theo như trong bản đồ thì còn khoảng ba cây số nữa. Nhưng sao bên ngoài thấy lạ lẫm quá.

Việt Khoa ngồi trên ghế tài xế thều thào:

– Trời ạ! Tám năm rồi chú không quay lại đây. Đường sá thay đổi hết trơn mà biểu hổng lạ sao được. Không khéo lạc đường thì khổ!

Khang Dũng làu bàu:

– Tớ lạy cậu! Cái miệng xui xẻo! Nhìn thử bên ngoài coi, bây giờ mà lạc đường thì có nước chết chứ sống gì nổi!

– Cậu ngồi phía sau mà còn rên rỉ. Có biết là tớ phải chạy xe không? Nói nữa tớ vặn họng cậu đấy!

Chú Thiện vừa bật cái đèn trong xe lên xem tờ bản đồ trên tay, vừa lẩm bẩm:

– Hai đứa bây có thôi đi không hả! Để yên tao coi kỹ đường coi. Lạc đường một cái là ma nó vặn họng cả hai đứa đấy.

– Nói gì mà nghe phát ớn! lạnh cả xương sống mà còn nhát ma! Mà cũng có thể lắm chứ. Xung quanh đây toàn là rừng cây, mấy cây thông già cứ vi vu vi vu, tối thui ... Khiếp quá!

Việt Khoa vừa nói vừa thè lưỡi. Khang Dũng gằn giọng:

– Tớ bóp cổ cậu thật đấy, cái thằng quỷ! Có im đi không hả?

– Thì cũng tại cậu. Tự dưng chui về cái xứ này tìm ... vợ. Báo hại tớ bị cậu dụ dỗ mà cũng theo về tận đây. Cậu nhớ là tớ cũng chưa có vợ đấy. Tớ mà bị ma bắt “tiêu đời trai” thì cậu chết với tớ!

– Cậu bị ma bắt, tớ còn sống được à? Thằng điên!

Việt Khoa định nói gì thì bỗng dưng chiếc Innova của Khang Dũng đang chạy ngon lành thì “bụp bụp ... xịch xịch ... ” tắt máy!

– Ôi, mẹ ơi! Không phải vậy chứ ...

Cả ba chú cháu kêu lên. Việt Khoa cố sức đề máy nhưng chiếc xe vẫn nằm lì ra đấy.

– Trời ơi! Tiêu thật rồi! lần này thì chết chắc rồi!

Việt Khoa kêu lên. Khang Dũng hốt hoảng:

– Tớ không đùa đâu nhé! Chuyện gì vậy?

– Chuyện gì vậy Khoa? Xe làm sao thế?

Chú Thiện lo lắng. Việt Khoa nhăn nhó:

– Ai đùa giỡn hồi nào! Tự dưng nó chết máy rồi nè. Má ơi!

Cả ba người cùng bước xuống xe. Chiếc xe quái quỷ không biết bị cái gì mà cứ trơ ra như đá.

– Hồi chiều, tớ xem kỹ thùng xăng rồi mà. Xe tớ vừa đi bảo dưỡng ba hôm trước ...

– Lê Khang Dũng! lần này thì cậu giết tớ thật rồi.

Bên ngoài, trời tối đen như mực, mưa lất phất càng lúc càng nặng hạt. Còn đường dốc vắng tanh với một rừng thông già đung đưa trong gió.

Chú Thiện rùng mình:

– Không ổn rồi! Phải vào trong xe đợi đến sáng mai rồi tính tiếp. Tình hình thế này khó mà đi được nữa.

Cả ba người chui vào trong xe. Không khí rất lạnh. Lạnh buốt! Hai hàm răng Khang Dũng liên tục va đập vào nhau:

– Tại sao mẹ tớ lại muốn tớ cưới vợ ở đây nhỉ! Cái xứ gì mà toàn sương mù, rét còn hơn cả lúc tớ ở Paris nữa.

– Có khi nào hồi nhỏ cậu bị nổi “sẩy” hay không? Nên mẹ cậu mới bảo cậu lên đây sống cho “mát mẻ”?

Dũng liếc xéo Việt Khoa, lẩm bẩm:

– Điên vừa vừa thôi, ông nội!

– Mà cậu có thấy mặt cô ta lần nào chưa?

– Thấy rồi. Thì cái bức ảnh hôm trước tớ đưa cậu xem đấy.

Việt Khoa nhăn mặt:

– Bức ảnh “đứa bé” mặc váy đỏ cậu đưa hôm trước đó hả? Gì kỳ vậy chứ!

– Hồi đó cô ta có năm tuổi hà. Lớn lên, tớ có biết cô ta ra làm sao đâu. Có chú Thiện thì còn gặp được cô nàng.

Khoa hỏi chú Thiện:

– Ủa! Nói vậy chú thấy cô ta rồi hả? Đẹp hay xấu vậy chú?

Chú Thiện trầm ngâm:

– Hồi tao gặp nó, nó cũng chỉ năm hay sáu tuổi gì đó ... Con nhỏ hồi đó xinh xắn mà dễ thương lắm. Rồi biệt tích đâu mười mấy năm tao không lên Đà lạt, không biết bây giờ con bé ra sao. Cách đây tám năm, tao có lên trên này, có ghé qua nhà thăm nhưng đúng lúc nó vừa đi ra ngoài. Tao chỉ thấy được cái lưng nó chứ có thấy gì đâu.

– Trời ạ! Vậy mà cũng nói!

Việt Khoa trề môi:

– Lỡ bây giờ cô nàng đó lớn lên đẹp y chang ... Chung Vô Diệm thì hên cho cậu rồi!

– Thằng này chuyên nói gở. Con nhỏ chắc cũng đâu đến nỗi nào ...

Khang Dũng không nói gì. Anh im lặng co người lại. Thời gian qua anh sống và làm việc ở Pháp, vừa về thăm mẹ được hai tháng thì bà mất. Bà qua đời khi căn bệnh ung thư máu đang ở giai đoạn cuối. Dũng đau lòng lắm. Trước lúc ra đi, mẹ anh có nhắc đến cuộc hôn nhân của anh và Mỹ Lan, con gái bác Thống.

Ngày đó, gia đình bác Thống là bạn thân lâu năm với ba mẹ anh. Họ cùng hoạt động cách mạng trong thời chiến tranh. Bác Thống đã có lần cứu ba anh thoát chết trong một tai nạn, nên ba mẹ anh luôn xem bác ấy là một vị ân nhân. Hai người bạn già thân thiết vì muốn gắn bó tình thân nên đã ước hẹn làm sui gia khi hai trẻ lớn lên.

Hồi đó, anh cũng thường hay chơi chung với Mỹ Lan. Cô nhỏ có hai cái bím tóc xinh xinh dễ thương. Nhưng đến năm Mỹ Lan được năm hay sáu tuổi gì đó, cả nhà bác Thống chuyển lên Đà lạt sinh sống. Ba mẹ anh thì di cư ra Bắc.

Được khoảng mấy năm thì bố anh mất, Khang Dũng sang Pháp du học. Thật ra thì cuộc hôn nhân này anh không nhất thiết phải đồng ý. Nhưng trên đời này anh cũng chỉ còn lại một mình, người thân duy nhất là chú Thiện, anh muốn làm một điều gì đó cho bố mẹ an lòng.

– Dũng! Dũng!

Việt Khoa đột nhiên khều tay Khang Dũng:

– Dậy đi toa-lét với tớ!

– Gì?

– Đi toa-lét! Nhanh lên! Tớ mắc quá ...

“Trời ơi! Cái thằng cha nội này! Khổ quá!”.

Khang Dũng đành đứng đậy mở cửa xe đi cùng Việt Khoa. Bên ngoài, trời càng lúc càng tối. Cơn mưa phùn mùa đông cứ cuốn bụi quấn vào mặt.

– Cậu nhanh đi! Tớ đứng đây nè!

Việt Khoa đứng gần một lùm cây ... xả stress. Khang Dũng xoa hai tay vào nhau, môi run lên vì lạnh. Không gian chìm vào tĩnh lặng. Xung quanh đây chỉ toàn là những cây thông già rậm rạp. Thỉnh thoảng lại ru rú lên những âm thanh rùng rợn của tiếng gió lùa.

Đột nhiên Khang Dũng nhíu mày. Một bóng trắng lướt qua trước mặt. Trong màn đêm dày đặc, nó xõa mái tóc dài quá lưng nhè nhẹ đi sâu vào rừng thông ...

Đôi mắt Dũng mở to, lông tóc dựng đứng. Anh khẽ gọi:

– Khoa! Khoa ơi ...

Việt Khoa không trả lời. Dũng quay lại thì thấy anh chàng biến mất tiêu.

Thấp thoáng đôi giày của hắn trong lùm cây, có lẽ y đang ... xả stress.

Mưa càng lúc càng nặng hạt, gió thổi mạnh hơn. Tim Dũng đập thình thịch.

Anh chần chừ rồi đi theo cái bóng. Nó đi nhè nhẹ .... nhè nhẹ, mỗi lúc một nhanh.

Làn lụa trắng mỏng quấn quanh người cứ lất phất trong gió, lúc ẩn lúc hiện ...

Dũng không biết mình đi bao lâu, lúc anh chợt khựng lại thì thấy mình đang đứng trước một ngôi mộ. Dũng nhìn quanh, bóng trắng lúc nãy biến mất. Mặt Dũng tái xanh.

Trời tối mờ mờ, anh nhìn không rõ dòng chữ khắc trên tấm bia. Bỗng dưng, Dũng nghe rợn cả người. Có một điều gì đó cứ mập mờ sau lưng. Run rẩy xoay người lại, Dũng hét lên kinh hoàng. Một tia sáng lóe lên trên bầu trời làm hiện rõ mồn một gương mặt ghê tởm bị tàn phá, mái tóc lù xù ướt đẫm trong bộ đồ trắng ...

– Á ...

– Ắt xì ...

Đang ngồi trong lớp học mà Nguyệt Hoa ắt xì liên tục. Nước mắt nước mũi của cô chảy tùm lum.

– Nè!

Bảo Trâm chìa cho cô mảnh khăn giấy.

– Nay làm gì mà nó lạnh quá trời. Sáng này tao định trốn luôn khỏi đến lớp đấy chứ.

– Sắp thi rồi bà. Nếu hổng phải sắp thi, tao cũng ở nhà luôn.

Hoa vừa lau mũi vừa lẩm bẩm. Nhỏ Thắm ở bàn sau chồm tới:

– Ê, hai đứa bây! Hồi tối hôm qua tao lại nghe tiếng hú nữa đấy. Cứ nửa đêm nó lại tru lên nghe ghê lắm.

– Mày nói cái vụ đó đó hả?

– Thì ừ. Chứ còn chuyện gì nữa!

Thắm gật gật đầu. Mắt cô mở to, tay giơ ra trước mặt diễn tả:

– Tối qua, đâu khoảng mười hai giờ khuya, tao học bài xong, định đi ngủ thì chợt thấy cửa sau nhà của căn biệt thự đó mở toang. Lúc đó trời mưa, gió thổi mạnh làm cánh cửa cứ đung đưa đập vô tường. Tao đứng nép vô cửa sổ nhìn qua. Nhưng nhìn hoài cũng không thấy gì hết, chỉ nghe tiếng hú cứ tru lên, thỉnh thoảng lại đan xen tiếng khóc.

Hoa rùng mình:

– Trời ơi! Gì mà ghê quá! Nhưng quả thật là hôm ngủ lại nhà này, tao cũng có nghe. Có khi nào là ma không mậy?

– Chuyện đó thì có trời mới biết.

Bảo Trâm thè lưỡi, cô kéo tay Hoa và Thắm lại, thì thầm:

– Này, hay tối nay ba đứa mình ở lại nhà con Thắm rình thử coi sao, tụi bây!

Vừa nói tới đó, chưa kịp phản ứng gì thì thầy giáo ở phía trên bục nói lớn:

– Này! Ba đứa em không lo ghi bài mà châu đầu lại làm gì thế hả?

Các cô nàng lấm lét quay sang ghi bài.

Lúc tan học, Nguyệt Hoa kề tai Trâm:

– Tối nay, tao với mày qua nhà con Thắm nghen! Nói với má mày là đi học nhóm, ôn bài rồi ngủ lại đó luôn.

– Ừ, ừ.

Trâm gật gật đầu. Cô quay sang Thắm:

– Tối nay hai đứa tao qua. Mày nhớ chuẩn bị kỹ nha. Coi sửa cây đèn pin nhà mày đi, hôm bữa nó đứt bóng rồi đấy.

– Ừ. Tao biết rồi. Thế nhé! Nhớ đấy!

Thắm nói rồi lên xe đạp đi. Nhà cô nằm khác hướng với nhà Hoa và Trâm.

Đi được một đoạn, Bảo Trâm cũng rẽ đường. Cô vẫy tay:

– Tối tao qua nhà mày. Tao sẽ gọi điện trước.

– Ừ.

Nguyệt Hoa gật đầu, đi về một mình. Đường về nhà cô phải đạp xe lên một đoạn dốc dài, ngang qua đồi thông. Con dốc này lúc đi xuống thì dễ, lúc chạy lên thì thế nào cũng vã cả mồ hôi.

– Trời ơi! Mệt quá!

Đang nhăn mặt thở hổn hển, Nguyệt Hoa chợt mở to mắt, thắng xe một cái “ét”.

Ét ...

Đằng sau gốc thông già hình như là có cái chân người. Rón rén nhìn, Hoa bất ngờ trông thấy một người đàn ông đang nằm bất tỉnh. Đó là một thanh niên có gương mặt sáng láng, trực chừng hăm bảy, hăm tám tuổi.

– Này! Này!

Nguyệt Hoa dừng lại, lay người anh ta dậy. Nhưng không ổn. Có vẻ như người đàn ông này bị cảm lạnh ...

– Tiêu rồi! Biết làm thế nào đây!

Quanh đây không có ai cả, đường vắng chỉ toàn cây cối. Đi qua con dốc này là tới nhà Hoa. Cô cố sức kéo người anh ta dậy. Khó khăn lắm Hoa mới có thể đặt anh ta ngồi ngay ngắn lên yên xe đạp. Và rồi lại ì ạch đẩy xe lên sườn dốc.

– Trời ơi! Đi một mình thôi còn hổng nổi. Giờ lại đèo thêm cái của nợ này!

Nguyệt Hoa người mỏng manh yếu đuối, mình hạc xương mai ... Cô gần như bị vắt kiệt sức không thở nổi!

– Tui lạy anh! Anh đừng có chết! Anh mà chết chắc tui thắt cổ luôn quá!

Nhiệt độ bên ngoài vẫn khá thấp. Trời rất rét. Mặt người đàn ông này tái đi vì lạnh.

– Mẹ ơi! Mẹ! Phụ con với mẹ ơi!

Về tới nhà, Nguyệt Hoa la lên inh ỏi. Mẹ cô vội vàng chạy ra. Bà ngạc nhiên:

– Trời đất! Chuyện gì vậy Hoa?

– Mẹ đừng hỏi nữa! Mau giúp con đi!

Hai mẹ con cô vội đỡ anh ta vào nhà. Hoa đắp khăn nóng, cho anh uống thuốc và bắt đầu sưởi ấm.

– Liệu anh ta có sao không mẹ?

– Chắc không sao đâu. Mặt mày có vẻ hồng hào lại rồi. Ngủ một lát sẽ tỉnh.

Nhưng mà con có chuyện gì vậy, sao lại đưa anh ta về nhà?

Nguyệt Hoa ngồi phệt xuống giường. Cô rót tách trà thở hổn hển:

– Con có biết mô tê gì đâu. Đi ngang qua đồi thông thì thấy anh ta nằm bất tỉnh bên vệ đường. Vậy là lôi về đây.

Bà Hồng săm soi:

– Hổng lẽ đi nhậu nhẹt gì đó rồi say rượu nằm té ở đó về không được?

– Hổng phải vậy đâu mẹ ơi! Người anh chàng này đâu có mùi rượu.

Nói rồi, cô đứng dậy nhíu con mắt to tròn, đen láy nhìn người đàn ông đang nằm bất động:

– Mẹ à! Có khi nào anh ta là một đại công tử con nhà tỉ phú nào đó, vô tình đi qua đây, gặp tai nạn và được con cứu về. Rồi khi tỉnh lại anh ta mất trí nhớ, anh ta yêu “Lọ Lem”, yêu một Nguyệt Hoa xinh đẹp hiền lành, dễ thương ... Và sau đó thì anh ta nhớ lại, quay lại nhà tỉ phú, nhưng vẫn thương nhớ khôn nguôi, da diết cô thôn nữ nghèo ... Mang một đóa hoa khổng lồ và 999 ... ký vàng đến đón con không mẹ ....

Bốp!

Bà Hồng đánh một cái chát vào đầu Nguyệt Hoa, làm cô nàng thức tỉnh sau cơn ... mộng mơ:

– Trời ơi! Tỉnh chưa con! Mày lậm phim quá rồi. Khùng vừa vừa thôi Hoa!

– Ui da! Đau mà mẹ!

Nguyệt Hoa nhăn nhó. Bà Hồng lấy cái nón lá đội lên đầu định đi ra ngoài:

– Ở nhà trông coi nó ra làm sao. Mẹ đi lên nhà thím Bảy phụ đám giỗ đây.

– Dạ. Đi đâu cũng được nhưng nhớ đem bánh về là được rồi ...

– Trời ơi! Cái con này ...

Bà Hồng định cốc đầu cô nhưng lại thôi. Thiệt hết nói nổi!

Bà nguýt dài rồi bỏ đi. Nguyệt Hoa chu môi. Nhìn kỹ mặt anh chàng này cũng sáng lắm, nếu không muốn nói là hơi bị .... đẹp trai. Nhưng tại sao tự dưng hắn lại nằm té giữa đường thế nhỉ ...

Nguyệt Hoa kề sát mặt hắn săm soi. Đột nhiên hắn ... mở mắt nhìn vào cô trừng trừng và ...

– Á.

Anh ta bất ngờ hét lên. Há hốc mồm la lên thất thanh như đang ... thử giọng.

– Này!

Hoa giật cả mình. Cô lùi lại quát lên. Hắn im bặt nhưng vẫn cứ nhìn cô chăm chăm. Mồ hôi trên trán hắn vã ra, gương mặt vẫn còn hoảng sợ.

– Này! Anh không sao chứ?

Nguyệt Hoa chay mày. Trời! Hổng lẽ tên này mất trí thiệt ta! Mình nói chơi mà hổng ngờ linh như vậy sao?

– Này!

Cô nghiêng đầu vẫy vẫy bàn tay trước mặt hắn. Có vẻ như hắn đã kịp định thần, miệng lắp bắp:

– Cô là ai?

– Hả?

Hoa chớp mắt:

– Câu đó tôi phải hỏi anh mới đúng. Nói đi! Anh là ai? Tên gì? Sao tự dưng lại lăn đùng ra té giữa đường thế?

Không trả lời, anh ta đưa mắt nhìn quanh:

– Đây là đâu? Sao tôi lại ở đây?

– Đây là nhà tôi. Trên đường đi học về, tôi thấy anh bị ngất trên đồi thông nên đã đưa anh về đây.

“Đồi thông à ... ”.

Anh ta ôm đầu nghĩ ngợi ... Đúng vậy! Đồi thông! Anh đã đi theo con ma đó đi vào trong rừng thông, rồi đột ngột nó biến mất. Anh trông thấy ngôi mộ và gương mặt kinh hoàng ...

– Ôi.

– Anh không sao chứ?

Thấy anh ta có vẻ mệt mỏi, Nguyệt Hoa nhíu mày hỏi.

– Tôi không sao. Chỉ là hơi đau đầu.

– Anh nằm xuống nghỉ đi. Anh vẫn chưa khỏe hẳn đâu. Anh mới vừa bị cảm lạnh đấy.

Kéo gối nằm xuống, anh nhẹ giọng:

– Cảm ơn cô.

– Anh tên gì? Tại sao bỗng dưng lại bị như vậy?

– Tôi tên Khang Dũng. Tôi lên Đà Lạt có một số việc nhưng giữa đường lại gặp tai nạn.

– Ra là vậy. Thế anh đi một mình hay đi với ai? Có xe cộ gì không?

Khang Dũng chợt nhớ lại chú Thiện và Việt Khoa. Không biết giờ này họ ra sao. Anh định lấy điện thoại ra gọi nhưng nó tắt ngúm.

– Tiêu rồi! Điện thoại hư rồi còn đâu.

Ngẩng mặt lên, anh hỏi Nguyệt Hoa:

– Lúc cô tìm thấy tôi, tôi đang nằm ở đâu? Ở đó có ai không?

– Anh đang nằm bất tỉnh bên gốc cây thông. Chẳng có ai cả.

– Vậy cô có trông thấy một ngôi mộ không?

– Hả!

Nguyệt Hoa tròn mắt. Cô lẩm bẩm:

– Làm gì có! Chỉ có một mình anh nằm trơ trọi chứ có ngôi mộ nào đâu.

“Sao lại thế nhỉ! Rõ ràng hôm đó mình trông thấy có một ngôi mộ mà ...

Không thể nhầm lẫn được ... ”.

Thấy Khang Dũng ngồi thừ ra suy nghĩ, Nguyệt Hoa khẽ gọi:

– Này! Ê! Anh không sao chứ?

Dũng giật mình:

– À không! Tôi không sao! À, mà nãy giờ tôi chưa biết tên cô?

– Tôi tên Nguyệt Hoa.

– Tôi cảm ơn cô nhé. Nhờ cô đã cứu tôi, chứ nếu không, tôi cũng không biết mình ra sao nữa.

– Có gì đâu!

Nguyệt Hoa bình thản.

– Nhưng kể ra thì cũng mệt thiệt. Phải vất vả lắm tôi mới đèo anh trên chiếc xe đạp về tận nhà. Vậy bây giờ anh định thế nào?

– Tôi phải tìm cách liên lạc được với chú tôi và một thằng bạn. Họ lên đây cùng tôi nhưng giờ bị thất lạc rồi. Điện thoại của tôi lại hỏng, phải đi sửa thì mới biết được số của họ.

– Thế à! Vậy anh nghỉ cho khỏe chút đi. Chiều, tôi đưa anh đi sửa điện thoại.

– Vâng. Mà Hoa này! Cô ở Đà lạt, cô có biết một gia đình nào đó có chủ nhân tên Thống không? Hay người tên Mỹ Lan?

– Thống ư?

Nguyệt Hoa chau mày lắc đầu.

– Hình như đó là một căn biệt thự to thì phải. Khổ nỗi địa chỉ và bản đồ đường đi chú tôi giữ nên tôi cũng không biết nữa.

– Những căn biệt thự to thì ở Đà Lạt này cũng nhiều lắm, không biết hết được đâu. Còn cái tên anh nói, tôi cũng nghe lạ hoắc à. Để lát tôi về hỏi mẹ xem sao.

– À, không. Cảm ơn cô.

– Thôi, anh nghỉ đi.

Nguyệt Hoa toan đứng dậy đi thì Khang Dũng gọi lại:

– Khoan đã, Nguyệt Hoa!

– Hử?

– Ở Đà lạt này ...

Dũng ngập ngừng:

– Liệu ... liệu có ma không?

– Hả! Ma à?

Hoa tròn mắt.

– Ừ, ừ.

Kéo ghế ngồi xuống, Nguyệt Hoa đăm chiêu:

– Thật tình, nói thấy cái con ma thì tôi chưa được thấy mặt mũi nó ra làm sao, nhưng nghe tiếng nó thì tôi nghe rồi.

– Nghe tiếng? Cô nghe rồi à?

– Ừ.

Nguyệt Hoa gật đầu – Tôi thề đấy! Tôi thề là tôi không bịa chuyện để nói dối đâu. Đã có mấy lần tôi qua nhà nhỏ bạn để học thêm, buổi tối tôi ngủ lại đó. Kế bên nhà nó là một gia đình giàu có. Họ sống trong một ngôi biệt thự rộng lớn, xung quanh có hàng rào bao bọc. Nhưng hễ đêm đến là tôi lại nghe tiếng khóc ...

– Tiếng khóc?

– Đúng vậy. Nó cứ tru lên từng hồi đan xen vào tiếng mưa rơi, tiếng gió lùa ...

nghe mà phát ớn!

– Cô nói âm thanh đó phát ra từ căn biệt thư kế bên nhà bạn cô à?

– Ừm. Là nhà nhỏ Thắm. Nhà nó cách đó một bờ rào, nằm trên một đồi cao.

Chợt Nguyệt Hoa đứng dậy:

– Anh muốn biết thử thế nào? Anh có dám tận tai mình kiểm nghiệm không?

Tối nay, tôi có hẹn với nhỏ Trâm qua nhà nhỏ Thắm. Bọn tôi nhất định phải rình xem cho bằng được chuyện gì đang xảy ra, xem có đúng là có ma không.

Anh có muốn đi cùng không?

Khang Dũng nuốt nước bọt ... Chuyện hôm đó anh trông thấy cũng đã đủ gợn tóc gáy rồi. Bây giờ còn thêm cái vụ này nữa ...

– Thôi, anh cứ suy nghĩ đi nhé. Tối nay, bọn tôi mới đi. Nếu anh sợ thì có thể ở nhà, không cần phải tham gia.

Nguyệt Hoa mỉm cười rồi đi lại nhà sau.

Tối đến, Bảo Trâm cầm theo cây đèn pin, trùm áo mưa đến nhà Nguyệt Hoa:

– Trời ạ! Mưa gì mà mưa hoài, đi đâu cũng ướt nhẹp hết trơn. Hoa ơi ...

Đang định gọi Nguyệt Hoa lên, bỗng dưng mắt Trâm chớp chớp lia lịa. Mèn đét ơi! Con nhỏ này giấu anh chàng nào ở nhà mà đẹp trai quá trời! Ôi trời ơi!

Mũi cao, mắt to, mày rậm ... Hoàng tử nào thế này ...

– Này! Qua hồi nào vậy?

Nguyệt Hoa từ nhà sau đi lên hỏi Bảo Trâm. Cô nàng hất hất mặt nhìn về phía Khang Dũng đang nằm ngủ. Hiểu ý, Hoa giải thích:

– À! lúc sáng đi học về tao thấy hắn ngất xỉu bên đường nên lôi về nhà.

Vẫn khuôn mặt ... mơ màng, Trâm chắt lưỡi:

– Chàng là hoàng tử phương nào mà đẹp trai quá, mày ơi ...

Nguyệt Hoa thở dài:

– Tỉnh lại giùm con đi bà! Khổ bà quá! Thấy “trai” là cứ tươm tướp. Tao xong rồi. Giờ đi được chưa?

– Má mày đâu?

– Mai nhà thím Bảy đám giỗ. Hôm nay má tao qua đó phụ rồi, tối nay hổng có về.

Trâm thắc mắc:

– Vậy giờ mày đi thì anh chàng này làm sao?

– Làm sao à?

Hoa gãi đầu:

– Thì cứ để anh ta ở trong nhà. Nhà tao cũng đâu có gì quý giá. Lỡ anh ta là người xấu thì cũng có mấy cái nồi đen thui dưới bếp ấy, chứ có gì đâu mà sợ mất.

Trâm gật đầu.

– Này! Hay rủ anh ta đi cùng cho vui mày?

– Hồi sáng tao có nói rồi, nhưng hình như sợ, mày ơi.

– Đàn ông gì mà chết nhát thế!

Trâm tiến lại gần định nhìn kỹ mặt Khang Dũng. Bất ngờ, anh cựa mình thức dậy:

– Ơ kìa ...

– Anh dậy rồi à? Đây là bạn tôi Bảo Trâm. Lúc sáng tôi có nói với anh đấy.

Khang Dũng khẽ gật đầu chào. Nguyệt Hoa ôn tồn:

– Bây giờ anh ở nhà nhé! Tối nay, anh cứ ngủ lại nhà đi. Khóa cửa cẩn thận.

Mẹ tôi có việc cũng không về, còn tôi thì đi qua nhà bạn.

– Cô đi thật à?

– Ừ.

Chần chừ một lúc, Dũng ngồi dậy xỏ giày vào:

– Cô cho tôi đi cùng với?

Bảo Trâm tròn mắt:

– Anh đi nữa à? Anh không sợ sao?

– Các cô còn không sợ, tôi sợ sao được!

Nguyệt Hoa lấy cái áo mưa đưa cho Dũng:

– Anh mặc vào đi. Anh vẫn còn đang ốm, ra ngoài thế này coi chừng trời lạnh đấy.

– Í, mà anh tên gì thế nhỉ?

Bảo Trâm nói.

– Tôi tên Khang Dũng. Nhà bạn các cô gần đây không?

– Khoảng chừng một cây số rưỡi hà. Không xa đâu. Đi thôi. Con Thắm nó đang chờ đấy!

Cả ba người rón rén, tay cầm đèn pin nhanh chóng đến nhà nhỏ Thắm. Nhà nhỏ Thắm đúng là chỉ cách một bờ rào với một căn biệt thự lộng lẫy, đồ sộ.

Xung quanh đây cây cối xanh um, mát rượi. Chỉ có buổi tối là không gian chìm vào một màu đen tĩnh mịch. Hàng dương, hàng thông già cứ phất phơ trong gió bão ...

Thắm đứng chờ trước cửa. Cô ngạc nhiên:

– Sao tụi bây đến trễ vậy? ... Ủa! Ai đây?

– Thành viên mới. Vào nhà nhanh đi rồi tao nói.

Nguyệt Hoa xua tay. Cả bọn kéo nhau đi lại nhà sau. Thắm thì thầm trỏ qua phía căn biệt thự:

– Tụi bây nhìn cho kỹ đi. Là cánh cửa đó đó. Một lát nữa nó sẽ được mở tung ra và bắt đầu “tru”. Nhưng tuyệt nhiên không hề thấy ai hết.

Từ những ô cửa sổ dưới bếp nhà nhỏ Thắm có thể nhìn xuyên thẳng qua gian nhà sau của căn biệt thự.

Gió bắt đầu thổi mạnh hơn. Tiếng mưa bên ngoài rả rích. Đột nhiên cánh cửa mở tung. Nó bật ra đập mạnh vào tường. Im lặng lắng nghe, chỉ vài giây sau, tiếng khóc bắt đầu. Tiếng khóc thút thít, thỉnh thoảng lại rên lên từng hồi tru tréo, nghe như tiếng kêu ai oán ai hờn ...

Khang Dũng nín thở, anh cố đưa mắt tìm xem có ai không. Đúng như lời Thắm nói, không có ai cả. Chỉ một màu đen với hàng dương liễu rũ rượi phất phơ trong gió ...

Dũng toan bước đi qua bên đó xem, Nguyệt Hoa nói với theo:

– Ơ, anh đi đâu đấy?

Dũng cầm cây đèn pin từ từ đi ra ngoài. Ba cô gái thu hết can đảm đi theo anh. Tới bờ rào, Dũng thu người nhảy phóc qua. Vẫn tưởng các cô nhỏ này trông dáng người ai cũng ốm yếu, mong manh, sẽ khó mà vượt được cái bờ tường cao kiên cố này. Nào ngờ, nhanh như cắt, họ vắt áo mưa lên cổ leo rào dễ như ... ăn cháo.

– Suỵt! Chẳng biết nhà này có chó không nữa, cẩn thận đấy.

Khang Dũng ra dấu. Bước chân họ rón rén đi lại gần. Tiếng khóc nỉ non vẫn đều đều. Nó phát ra từ dãy nhà sau.

– Hoa cầm cây đèn pin cho anh!

Dũng đưa cây đèn cho Hoa. Tim anh đập thình thịch, tiến lại gần đốm sáng chập chờn bên trong cánh cửa ...

– Á ...

Đột nhiên Bảo Trâm hét lên. Cô là người đi sau cùng. Quay lại thì thấy một cái “bao bố” đang đứng kế bên mình. Chính xác đó là một người đang trùm cái bao bố lên đầu, chỉ khoét hai cái lỗ chừa hai con mắt ra ngoài.

Cả bọn giật mình, họ nép sau người Khang Dũng. Rọi đèn vào hắn, Dũng lắp bắp:

– Mày ... mày là ai?

– Ơ kìa ...

Hắn mở bao chui ra. Trời đất là Việt Khoa.

– Là cậu à? Tớ nè!

– Sao lại là cậu? Sao lại ở đây?

Khang Dũng ngạc nhiên, chưa kịp nói gì nữa thì có tiếng chó sủa lên inh ỏi.

Sợ bị phát hiện, Nguyệt Hoa vội hối mọi người đi:

– Rời khỏi đây nhanh lên! Chó sủa kìa!

Họ nhanh chóng trèo rào quay lại nhà Thắm. Chưa kịp xem thử có thật sự là có ma bên trong căn biệt thự âm u đó không.

Việt Khoa ngồi phệt xuống ghế, anh thở phào:

– Phù! Mệt quá! Ướt nhẹp hết trơn!

– Này! Sao tự nhiên cậu lại ở đó thế?

Khang Dũng hỏi. Khoa từ tốn:

– Cậu còn nói nữa! Tự nhiên hôm đó sao cậu biến đi đâu mất tiêu vậy? Báo hại tớ và chú Thiện đi tìm cậu khắp nơi. Tưởng cậu bị ma bắt rồi chứ. Tìm không được, tớ với chú ấy đành đến nhà bác Thống chứ làm sao.

– Hả! Cậu nói căn biệt thự đó chính là nhà của bác Thống và Mỹ Lan à?

– Ừ.

Khoa gật đầu:

– Vậy còn cậu? Còn những người đẹp này là ...

Việt Khoa đưa mắt nhìn sang Nguyệt Hoa, Bảo Trâm và Thắm. Mắt anh dừng lại ở có gái có đôi mắt to, đen láy và xinh như thiên thần.

– Chuyện dài dòng lắm. Để tớ kể cậu nghe.

Khang Dũng kể rõ lại sự việc anh đã trải qua trong đêm hôm đó. Chuyện tưởng hoang đường nhưng đúng thật là như vậy.

– Cậu khẳng định là mình không hoa mắt chứ?

– Hôm đó tớ rất tỉnh táo.

Nguyệt Hoa nhìn Khang Dũng:

– Hèn gì mà lúc phát hiện anh bị ngất, trên mặt vẫn còn nguyên vẻ hoảng sợ.

– Vậy còn anh, sao tự dưng lại trùm bao bố đi giữa đêm vậy? Báo hại tôi tưởng là ma, giật cả mình.

Bảo Trâm hỏi Việt Khoa. Anh giải thích:

– Thì tôi cũng như các cô thôi. Tối hôm qua tôi ngủ lại nhà đó, giữa đêm lại nghe tiếng khóc, tiếng tru, hú nỉ non ... nên tôi tò mò định đi xem xét mà.

– Ơ, tay anh Dũng chảy máu kìa!

Thắm chợt phát hiện bàn tay Khang Dũng dính đầy máu đỏ. Nguyệt Hoa cầm tay anh lên:

– Anh bị đau sao không chịu nói?

Dũng chau mày:

– Anh có đau đâu!

– Hả?

Máu trên tay Khang Dũng không phải là máu của anh. Dũng không bị thương.

– Vậy là do lúc nãy anh đã chạm tay vào cánh cửa nhà đó. Đây đúng là máu thật rồi.

Nguyệt Hoa rùng mình, cô rút người víu vào vai Khang Dũng. Tại sao lại có máu? Ngôi biệt thự đó ... máu ở đâu ...

– Hôm qua cậu và chú Thiện ở lại đó, đã gặp bác Thống với Mỹ Lan chưa?

Việt Khoa nhăn mặt:

– Bác Thống mất rồi. Còn Mỹ Lan tớ với chú Thiện cũng gặp rồi, nhưng tớ thấy kỳ kỳ sao ấy ...

– Kỳ là thế nào?

– Là như vầy!

Khoa chậm rãi:

– Khi tớ và chú Thiện đến nhà, trong nhà chỉ có một người đàn ông trạc chừng năm mươi mấy tuổi, tên Khắc. Ông ta tự xưng là chủ nhà và là bố dượng của Mỹ Lan. Ông ta nói cách đây tám năm, bác Thống mất. Mẹ của Mỹ Lan đã đi thêm bước nữa, kết hôn với ông ấy và hiện nay bà Hường đã trở nên mất trí, lắm khi điên loạn, vô cảm, đồng thời bị liệt phải ngồi trên xe lăn. Bà ta không còn nhận ra chú Thiện nữa. Còn Mỹ Lan, tớ thấy lạ một điều là khi nghe về cuộc hôn nhân sắp đặt với cậu, cô ta không hề tỏ ý phản đối, ngạc nhiên, hay đại loại như có ý kiến ý cò gì. Trái lại, hình như cô ta ... muốn chồng lắm thì phải ...

Khang Dũng đăm chiêu suy nghĩ. Anh quay sang hỏi Thắm:

– Thắm à! Cô sống gần đây, cô có biết gì về gia đình đó không?

– Thú thật là nhà tôi cũng chỉ mới chuyển lên đây không lâu, nên không biết rõ. Nhưng kể từ lúc ở đây, thì tôi thấy hầu như nhà đó không tiếp xúc với ai cả, ít khi giao du qua lại với hàng xóm. Quan sát thì thấy ông Khắc thỉnh thoảng có hay lái ô tô đi ra ngoài, không biết là đi làm hay đi đâu ... Còn cô gái mà anh nói tên Mỹ Lan gì gì đó, cô ta trông rất kiêu ngạo, dữ dằn và khinh người lắm. Có lần tôi nghe cô ta mắng chửi người làm thậm tệ, mạt sát người ta trông mà phát khiếp. Còn người phụ nữ ngồi trên xe lăn thì tuyệt nhiên không hề đi ra ngoài, bà ta chỉ quanh quẩn trong nhà, nhiều lắm thì cũng chỉ ở vườn hoa thôi ...

Việt Khoa thở dài:

– Coi bộ cậu “hơi mệt” rồi đó!

– Bây giờ anh tính sao?

Nguyệt Hoa hỏi.

Khang Dũng trầm ngâm. Anh chau mày:

– Các người có thấy quả thật có một điều gì đó không ổn từ gia đình đó không?

– Không phải không ổn, mà là rất không ổn.

Bảo Trâm dõng dạc:

– Này nhé! Đầu tiên là những hiện tượng lạ luôn xảy ra vào lúc nửa đêm, mà đến giờ mình vẫn không lý giải được. Kế đến là ông chủ nhà đó. Đã có lần tôi và Nguyệt Hoa được dịp tiếp xúc với ông ta. Hôm đó, tôi và nhỏ Hoa đến nhà Thắm. Hai đứa tôi vô tình va vào ông ta ngay trước cổng. Lúc đầu, nhìn bên ngoài thì trông ông ta có vẻ lịch sự nho nhã, nhưng lúc quay đi, tôi vô tình trông thấy cái ánh mắt đáng sợ của ông ta. Nó cứ xoáy vào Nguyệt Hoa như muốn thiêu đốt con nhỏ ...

– Hóa ra con người này cũng là một tên háo sắc à?

– Nếu như ông ta là kẻ háo sắc như thế, thì việc Mỹ Lan sống cùng nhà với ông ta chẳng phải là nhốt thỏ chung với cáo sao? Nhưng tại sao Mỹ Lan vẫn cứ bình chân như vại, thậm chí còn kiêu ngạo nữa chứ!

Lời của Nguyệt Hoa đúng là rất có lý. Khang Dũng lên Đà Lạt cũng chỉ vì muốn hoàn thành tâm nguyện của mẹ, nhưng không ngờ sự việc lại như thế này.

– Hay là thôi đi, cậu đừng cưới xin gì nữa. Về Sài Gòn tớ tìm cho cậu một cô khác.

Việt Khoa đưa mắt nhìn Khang Dũng.

– Cưới xin mà anh làm như đi chợ ấy! Không mua được thì thôi, đi về.

Bảo Trâm làu bàu. Việt Khoa hất cằm:

– Chứ cô không thấy tình hình này sao? Lỡ như cưới nhầm “Bạch cốt tinh”.

về nhà thì chẳng phải bạn tôi sẽ chết à?

Khang Dũng suy nghĩ một hồi thì quay sang Nguyệt Hoa:

– Hoa giúp anh một việc nhé! Thời gian này em đang nghỉ để ôn thi đại học, phải không?

– Vâng. Nhưng có chuyện gì vậy?

Dũng chậm rãi:

– Bây giờ mà quay về thì mình cứ thấy có một điều gì đó không an ... Nhưng nếu cứ thế mà vác trầu cau tới cưới Mỹ Lan thì cũng không được. Anh muốn tìm hiểu kỹ một chút về gia đình này. Mà muốn biết những bí ẩn bên trong căn biệt thự đó thì không có cách nào khác là ... đi vào trong đó. Anh định là trước tiên sẽ vờ đến dạm hỏi, đặt trước một số sính lễ có giá trị. Nhân tiện nhận lời hợp tác với tập đoàn An Thị ở đây. Trong một thời gian ngắn, mình sẽ tìm cách ở lại căn biệt thự đó, nói là khi làm việc xong sẽ về Sài Gòn làm đám cưới. Anh muốn nhờ Nguyệt Hoa đóng vai em họ anh, cùng anh điều tra. Em là người Đà Lạt, cũng là con gái, có một số trường hợp sẽ dễ bề hơn.

– Nhưng đã có lần em chạm mặt với ông Khắc rồi. Làm vậy em sợ ....

– Sẽ không sao đâu! Chúng ta cứ nói là em đi du lịch lên đây chơi cùng bạn là được.

Nhìn sang Khoa, Dũng từ tốn:

– Cậu về lại bên đó đi, kẻo họ sinh nghi. Sáng mai, tớ và Nguyệt Hoa sẽ đến.

– Tớ biết rồi.

Việt Khoa toan đứng dậy đi thì Bảo Trâm gọi lại:

– Ê này! Trả cho tôi, cây đèn pin đó là của tôi mà!

– Thì cô cho tôi mượn đi.

– Vô duyên.

Bảo Trâm cong môi.

– Cho anh mượn lấy gì tôi về. Trả đây!

Trâm giật lại cây đèn pin trên tay Việt Khoa. Anh chàng nhìn xéo cô rồi quay đi:

Đồ con gái ... ích kỷ!

– Chúng ta về thôi. Trời tối quá, hay Trâm ngủ lại nhà Thắm đi. Tôi ở lại đây không được tiện lắm.

Khang Dũng nói. Bảo Trâm gật đầu:

– Ừ, vậy anh đi với Hoa về trước đi. Đi đường cẩn thận đấy!

Dũng và Nguyệt Hoa ra về. Nhưng chỉ đi được một đoạn, cả lại trượt chân ngã nhoài xuống đất.

– Á ...

– Em có sao không?

Có lẽ do trời mưa đường trơn nên cô không giữ được thăng bằng.

– Chân em đau quá!

– Lên anh cõng về.

Dũng cõng Hoa trên lưng. Trên con đường tráng nhựa với không gian tối mịt, anh cố hỏi chuyện cho cô, vơi đi nỗi sợ:

– Năm nay em định thi vào trường đại học nào?

– Em thi đại học Đà Lạt, khoa Du lịch. Anh Dũng học ở Pháp à?

– Ừ. Anh học và làm việc ở Paris. Thật ra thì trước đây, khi đọc sách, anh cũng có xem một số truyện về thành phố Đà Lạt, cũng có những giả thuyết xung quanh những căn biệt thự bí ẩn ... Và thật sự đến giờ anh cũng chỉ nghĩ là hư cấu ... Nhưng hai ngày nay anh thấy bối rối quá ...

– Thì từ nào giờ ở đây em cũng có thấy gì đâu. Nhưng anh Dũng chắc là mình không bị hoa mắt chứ?

– Anh chắc mà Hoa! Anh còn thấy rất rõ khi ánh sáng của sấm chớp lóe lên nữa kia mà.

Nguyệt Hoa rùng mình. Cô rụt người víu vào anh. Khang Dũng trầm giọng:

– Nhỏ sợ à? Anh xin lỗi. Thôi, anh không nói nữa. Mình nói sang chuyện khác há! Nhà Hoa không còn anh chị em gì hết hả? Em chỉ có một mình thôi sao?

– Vâng. Nhà em đơn chiếc lắm, có hai mẹ con hà. Còn anh Dũng?

– Anh cũng vậy. Mẹ anh vừa mới mất cách đây không lâu. Bây giờ trên đời này, anh cũng chỉ còn một mình.

– Anh Dũng ... có định là cưới Mỹ Lan thật không?

– Ngày xưa, nhà anh với gia đình bác Thống là chỗ thân thiết. Lúc nhỏ, anh cũng đã từng chơi đùa cùng Mỹ Lan. Nhưng ký ức thật sự nhạt nhòa quá ... Cuộc hôn nhân này cũng là tâm nguyện của ba mẹ. Anh có thể không thực hiện nếu không muốn, nhưng nếu bỏ hẳn thì anh lại thấy ray rứt ... Chính vì thế, anh muốn tìm hiểu xem thế nào ...

Nguyệt Hoa im lặng. Khang Dũng cười nhẹ:

– Ngày mai, chúng mình làm anh em họ nhé! Em có cảm thấy khó chịu khi phải giúp anh không? Có phiền đến cuộc sống của em không?

– Nếu em nói phiền thì anh sẽ thế nào?

– Ơ thì ... thì anh sẽ thôi. Ở lại đó cùng chú Thiện và Việt Khoa. Nếu thấy không ổn thì lui về Sài Gòn.

– Đơn giản vậy à?

Nguyệt Hoa cong môi:

– Vậy thì “cái giá trị” của em nó đâu có cao. Đâu có ký lô gam nào đâu.

Khang Dũng phì cười:

– Đâu có! Nhiều ký lô gam lắm. Nãy giờ nặng quá, đè lên lưng anh gần chết nè. Hì hì ... Ngốc quá! Tất nhiên là anh cũng phải cần sự giúp đỡ của Hoa nên anh mới nhờ đấy chứ.

– Anh cũng ngốc quá! Thế thì em có cái gì mà phiền với không phiền nào?

Nhưng nếu anh có nhã ý hậu tạ thì em cũng không khách sáo.

– Trời! Thế à? OK. OK. Anh sẽ hậu tạ cho đại tiểu thư. Vậy thì đại tiểu thư muốn gì nè?

– Tạm thời thì em chưa nghĩ ra. Nhưng anh nhớ là đã nợ em một lời hứa nhé?

– OK. Anh hứa!

Khang Dũng cõng cô suốt cho đến lúc về đến nhà. Nguyệt Hoa ngủ gật trên vai anh. Ở cô nhỏ này luôn toát lên một vẻ hồn nhiên trong sáng khiến cho người ta phải xao lòng ...

Ở trong phòng, chú Thiện hỏi Việt Khoa:

– Mày đi đâu giữa đêm hôm cho người ướt như chuột thế? Không sợ người ở đây phát hiện, họ nói trộm à?

– Nhờ vậy mà cháu mới thu được chiến lợi phẩm về cho chú nè.

Khoa kể lại rành rọt việc gặp Khang Dũng. Ông Thiện xanh mặt:

– Mày nói thật chứ? Thế không lẽ nhà này có ma thật à?

– Chuyện đó thì còn chưa biết. Để mai thằng Dũng đến đó hẵng hay.

Bỗng dưng anh đổi nét mặt hồ hởi:

– Nhưng mà chú biết không? Trời ơi. Trong ba cô nhỏ lúc nãy, có một cô xinh như hoa hậu ấy. Chính là cái cô mà ngày mai sẽ đi cùng Khang Dũng đến đây nè.

– Cái thằng! Cái tật không bỏ, thấy con gái đẹp là con mắt sáng rỡ lên!

– Hổng tin, ngày mai chú gặp đi, chú sẽ biết cô ta xinh như thế nào.

Chú Thiện leo lên giường trùm chăn lại:

– Tao không hơi đâu nói với mày. Ở đó mà tưởng tượng!

Chú Thiện nhắm mắt ngủ. Việt Khoa còn ngồi ... mơ mộng tới khuôn mặt thánh thiện xinh đẹp của Nguyệt Hoa. Công nhận cô nhỏ đẹp thật. Nhưng cũng thấy ghét ghét cái cô nàng chanh chua tên Bảo Trâm gì gì đó ... Thấy mà phát ghét! Con gái gì mà dữ như chằn!

Sáng hôm sau, Khang Dũng cùng Nguyệt Hoa đi đến căn biệt thự đó. Đón tiếp họ là một người đàn ông trạc chừng năm mươi tuổi tên Khắc.

– Chào cậu. Cậu ngồi đi!

Đưa mắt nhìn Nguyệt Hoa, ông Khắc chau mày:

– Cô này là ...

Dũng cười nhẹ:

– Dạ, đây là em họ cháu, tên Nguyệt Hoa. Mẹ cháu với ba của Hoa là chị em ruột. Lúc này đang nghỉ hè nên em nó theo cháu lên đây chơi.

Thấy ánh mắt nghi ngờ, săm soi của ông Khắc, Nguyệt Hoa giả lả:

– Lúc trước, cháu có lên Đà Lạt chơi cùng bạn bè, hình như cháu đã có dịp gặp bác ...

Dò xét, ngẫm nghĩ rồi không nói gì, ông Khắc quay sang Khang Dũng:

– Về cuộc hôn nhân với Mỹ Lan, cậu định thế nào?

Dũng chậm rãi:

– Dạ thưa bác, ba mẹ cháu hiện đã không còn. Thật tình thì cháu cũng không muốn làm trái di nguyện của mẹ cháu để lại. Nhưng cháu không biết ý của Mỹ Lan thế nào. Và dẫu sao cháu và Mỹ Lan cũng đã mười mấy năm không gặp, nên hiện tại, ý của cháu là nếu Mỹ Lan đồng ý, cháu sẽ đặt trước một số sính lễ hỏi, coi như là trầu cau ... Một thời gian ngắn cho hai đứa tìm hiểu nhau, để dễ bề hơn cho cuộc sống vợ chồng sau này. Cháu cũng vừa nhận lời làm việc cho tập đoàn An Thị ở Đà Lạt. Cháu sẽ lưu lại Đà Lạt một khoảng thời gian. Chính vì thế, cũng sẽ thuận tiện hơn. Tất nhiên, nếu Mỹ Lan không đồng ý, cháu cũng không có lý do gì để ép buộc cô ấy.

Ông Khắc cười tươi:

– Tôi nghĩ là sẽ không có chuyện đó đâu. Mỹ Lan nhà này ngoan hiền lắm.

Nó sẽ không cãi lại ước nguyện của ba mẹ nó đâu. Hiện nay thì bà nhà tôi sức khỏe không được tốt lắm, thần trí đôi lúc không còn minh mẫn. Nhưng cậu đừng ngại, không có vấn đề gì đâu. Nếu cậu đã nói như vậy, tôi nghĩ hãy cứ làm như vậy đi. Sáng nay, Mỹ Lan có việc đã đi ra ngoài rồi. Lát nó về, cậu sẽ gặp nó.

Khang Dũng gật đầu. Ông Thiện thêm lời:

– À, mà còn chuyện này nữa? Đúng là lúc này thằng Dũng nhà tôi cùng với thằng Việt Khoa sẽ làm việc cho tập đoàn An Thị. Nên tôi nghĩ để tiện bề cho việc của Dũng và Mỹ Lan, ông có thể nào cho chú cháu tôi ở lại cùng trong căn biệt thự này không? Như vậy chắc là tiện hơn cho hai gia đình nhỉ!

– Đúng đó bác.

Việt Khoa chen vô.

– Cháu nghĩ cũng nên như vậy đi, cho anh Dũng với chị Lan dễ tìm hiểu nhau hơn. Chứ thật ra thì ra ngoài thuê nhà cũng không phải khó khăn gì. Mà nếu có cơ hội ở gần thì ta nên tận dụng.

– Chắc chiều nay cháu sẽ gửi sính lễ đến nhà cho Mỹ Lan ...

Ông Khắc có vẻ không muốn. Ông ta chau mày suy ngẫm, nhưng bị đưa vào tình thế khó xử nên cuối cùng cũng miễn cưỡng gật đầu:

– Vâng, được rồi! Tôi sẽ dặn quản gia bố trí chỗ ở tiện nghi cho cậu và chú.

Khang Dũng thở phào:

– Vâng ạ. Nếu được như thế thì tốt quá. Cháu cảm ơn bác.

Ông Khắc nghiêm giọng:

– Nhưng mà tôi phải nhắc nhở cô cậu điều này. Cô cậu ở trong nhà này thì đi đứng cho cẩn thận. Nếu không có việc gì thì tốt hơn hết là đừng nên đi vào những nơi không nên đến.

Nguyệt Hoa rùng mình. Cái ánh mắt của ông ta trông mới đáng sợ làm sao nó vừa sắc lẻm vừa đe dọa.

Cô kề tai Khang Dũng, nói khẽ khi ông ta vừa khuất dạng:

– Dũng à! Em thấy con người này cứ như thế nào ấy. Ông ta là cha dượng Mỹ Lan à?

– Ừm.

Việt Khoa hồ hởi cười tươi nhìn Nguyệt Hoa:

– Em đừng sợ! Có anh ở đây không ai dám bắt nạt em đâu.

– Thôi, mấy đứa đem đồ vô cất đi, để ở đây lung tung quá!

Ông Khắc bố trí cho Dũng và Hoa mỗi người một phòng riêng. Nhìn quanh căn nhà quan sát, Nguyệt Hoa thắc mắc:

– Mọi người có thấy căn nhà này có điểm gì lạ không?

– Điểm gì?

Khoa cau mày.

– Không có ảnh. Một căn biệt thự rộng lớn, trong nhà cũng được thiết kế rất đẹp mắt, nhưng tuyệt nhiên không có một bức ảnh nào cả. Thông thường thì người ta hay có thói quen treo những bức ảnh gia đình, hay ảnh chân dung lên tường. Thiết nghĩ Mỹ Lan là con gái xuân thùy, chí ít cũng phải có một vài bức ảnh phóng to lên chứ!

– Ừ nhỉ! Cháu nói chú mới nhớ! Không hề thấy bức ảnh nào của gia đình ông Thống cả.

– Chú Thiện này! Chú thấy Mỹ Lan bây giờ so với ngày xưa có khác nhiều lắm không?

Nghe Dũng hỏi, chú Thiện trầm ngâm:

– Thiệt tình thì ngày đó nó nhỏ xíu, lớn lên tất nhiên phải thay đổi nhiều. Tao đâu có nhận ra. Nhưng quả thật, nếu không nói nó là Mỹ Lan thì tao cũng không hình dung ra nổi.

– Thì để chiều nay cô ấy về, cậu gặp thì sẽ biết thôi chứ nôn nóng gì.

Nguyệt Hoa đứng dậy:

– Thôi, em về phòng đi tắm. Em thấy ngột ngạt quá!

– Nhớ đóng cửa cẩn thận nghen Hoa.

– Ừm.

Kéo Nguyệt Hoa vô việc này, Khang Dũng cũng không an tâm. Nhưng nếu có cô, là phụ nữ trong một số trường hợp cũng là cần thiết.

Hoa về phòng, cô khóa chặt cửa lấy đồ vào toa-lét. Căn nhà này bao trùm một không khí u ám, rờn rợn ... nghe lạnh cả xương sống.

– Ối ...

Bỗng dưng Hoa cảm giác như có một điều gì đó cứ chập chờn sau lưng mình.

Quay người lại thì không thấy ai, nhưng cứ như là có ai đó đang theo sát bên chân. Lồng ngực phập phồng, tim Hoa đập thình thịch. Cô cố hít một hơi thật dài, thu hết can đảm đi vào toa-lét. Nhưng vừa mới khóa cửa lại thì ...

– Á.

Nguyệt Hoa la lên thất thanh khi một gương mặt nhăn nheo lụ xụ tóc đang trợn trừng lên nhìn cô. Hoa ngất lịm xuống sàn ...

– Em tỉnh rồi à? Em thấy trong người thế nào?

Từ từ mở mắt, Hoa nhìn lên trần nhà rồi nhìn sang Khang Dũng. Cô giật thót người:

– Anh Dũng!

– Không sao! Không sao rồi! Em đừng sợ!

Vỗ về trấn an cô, anh cười nhẹ ân cần:

– Anh xin lỗi. Em sợ lắm phải không?

– Anh Dũng à! Lúc nãy em trông thấy ...

Vừa nói tới đây thì Nguyệt Hoa im bặt, cô mở to mắt nhìn người đàn bà đang ngồi trên xe lăn.

– Anh Dũng ...

Hoa xanh mặt bám víu vào người Dũng.

Anh từ tốn:

– Em đừng sợ! Đó là mẹ của Mỹ Lan đấy. Bà ấy tâm thần không được tỉnh táo nên vừa nãy đã lẻn vào phòng em. Đừng sợ!

Đúng là bà ta. Cái gương mặt nhăn nheo, mái tóc lù xù và đôi mắt đờ đẫn vô hồn ...

– Xin lỗi cô Nguyệt Hoa. Phu nhân bị mất trí nên mới như vậy. Nhưng bà chủ hiền lắm, không làm hại gì cô đâu.

Bác Tư quản gia lên tiếng. Nguyệt Hoa thở phào. Cứ cái đà này chắc có ngày bị ú tim mà chết.

– Bà ấy ... tại sao lại như vậy?

– Dạ .... tôi cũng không biết. Từ khi tôi về đây làm thì bà chủ đã như vậy rồi.

– Thôi, cô cậu nghỉ ngơi. Tôi đi làm việc sắp đến giờ cơm rồi. Một lát, mời cô cậu xuống dùng cơm.

Bác Tư lui ra ngoài. Chú Thiện hỏi Nguyệt Hoa:.

– Con có ổn không? Nếu thấy không được, chú bảo thằng Dũng đưa con về nhà.

– Đúng đấy! Anh chỉ sợ là em chịu không nổi.

Việt Khoa nói. Khang Dũng im lặng nhìn cô.

Nguyệt Hoa lắc đầu:

– Không, con không sao đâu! Con đã hứa là ở lại đây với anh Dũng, khi chưa rõ mọi việc con sẽ không đi đâu.

Dũng cười nhẹ. Chẳng hiểu tại sao anh cũng không muốn cô đi. Mặc dù nếu tiếp tục ở lại đây, anh cũng không biết là có thể bảo vệ được cho cô không.

– Em nghỉ một chút đi. Một lát xuống nhà dùng cơm.

Hoa gật đầu. Mọi người đi ra ngoài. Chỉ còn lại một mình trong phòng, cô kéo chăn ngồi im lặng. Lúc nãy, khi vừa tỉnh dậy, hình như có đã thấy một bóng người đứng thập thò ngoài cửa. Bước lại gần cửa kính, trên cánh cửa vẫn còn một luồng hơi đọng lại trên mặt kính thủy tinh. Đúng là cô đã không nhìn lầm.

Có một kẻ nào đó đã ấp mặt vào cửa, hơi thở của hắn đã phả vào tấm kính.

Nhưng ... là ai?

Sau buổi cơm chiều, vẫn không hề thấy Mỹ Lan về nhà. Ông Khắc thì vẫn im lặng, ít nói. Cả một bầu không khí nặng nề bao trùm lên căn biệt thự. Đến mười hai giờ đêm, khi không gian chìm trong yên tĩnh, tất cả mọi người đang say giấc nồng, bỗng dưng từ sau nhà bếp phát ra một âm thanh leng keng như chén đĩa khua. Càng lúc càng nhiều, càng lúc càng mạnh, tiếng chén bát thi nhau đổ vỡ, rền rĩ ...

Khang Dũng choàng tỉnh. Điện thoại của anh nhấp nháy. Là Nguyệt Hoa gọi.

Có lẽ cô ấy cũng nghe và đang rất sợ. Dũng rón rén đứng dậy. Anh cầm cây đèn pin sang phòng Nguyệt Hoa.

– Hoa ơi! Anh đây ...

Nguyệt Hoa run bắn. Cô từ từ mở cửa, víu tay vào người Dũng. Cả hai cùng nhau đi xuống bếp. Bước từng bậc thang, cây đèn pin mập mờ ánh sáng trong đêm tối ...

– Anh Dũng ...

Nguyệt Hoa sợ xanh mặt. Cô run rẩy chỉ tay vào vệt máu nhỏ giọt trên hành lang. Khang Dũng cúi xuống. Đúng là máu thật rồi! Vết máu nhỏ dài dọc theo cầu thang dẫn đến nhà bếp. Khi Dũng và Hoa vào đến bếp, thì tiếng khua không còn nữa. Rọi đèn pin khắp phòng, tuyệt nhiên vẫn không thấy ai. Dũng đưa tay bật đèn.

Cụp!

Ánh đèn sáng trưng lên. Những mảnh vỡ ngổn ngang văng ra tứ tung.

– Cô cậu làm gì ở đây thế?

Ông Khắc đột ngột xuất hiện từ sau lưng làm cả hai giật mình.

– Ối.

Ông ta lù lù xuất hiện nhìn vào Khang Dũng. Trấn tĩnh lại, anh giải thích:

– Dạ không. Đang ngủ, chợt nghe có tiếng động nên cháu đi xem. Xuống đây thì thấy như thế này.

– Không có gì đâu. Chỉ là mấy con mèo giữa đêm phá phách làm bể chén đĩa thôi, không sao đâu. Cô cậu đi ngủ đi.

– Nhưng mà bác à ...

Nguyệt Hoa ngập ngừng:

– Trên sàn ... có vết máu ...

– Là con chó nhà tôi bị con chó nhà kế bên cắn nên bị thương ở chân. Nó đi làm máu nhểu ra sàn ... Cô cậu mau đi về phòng của mình đi. Đừng đi lại lung tung.

Không còn cách nào khác, Dũng đành nắm tay Hoa đi lên. Căn nhà này đúng thật là có vấn đề. Nếu như không phải ma, thì là cái gì ...

Sáng ra, mặt Khang Dũng lờ đờ như con gà gù. Anh khẽ vươn vai ngáp dài:

– Oáp ... Trời ơi! Mệt quá!

– Cậu làm gì mà mệt mỏi dữ vậy? Đêm qua đi ăn trộm à?

– Bộ đêm qua cậu không nghe thấy gì à?

Dũng nhíu mày.

– Hôm trước mệt quá, hôm nay tớ ngủ say như chết, có nghe thấy gì đâu!

– Vậy còn chú?

Dũng hỏi chú Thiện.

– Tao có nghe. Nhưng nửa đêm sợ quá nên tao trùm chăn ngủ luôn, không dám dậy.

Khang Dũng thở dài. Cũng khó trách. Cảnh tượng đêm qua chính anh còn muốn rùng mình sợ hãi. Nguyệt Hoa sáng nay dậy không nổi, nằm luôn trong phòng. Rốt cuộc thì chuyện gì đã xảy ra ...

– Tớ và chú Thiện đi qua tập đoàn An Thị xem công việc thế nào. Cậu mệt thì ở nhà nghỉ tí đi cho khỏe.

– Ừ.

Việt Khoa và chú Thiện lái xe đi. Còn lại một mình, Khang Dũng đi vòng lại nhà sau quan sát. Cánh cửa nhà kho ban ngày được đóng kín bưng, khóa chặt bên trong, chỉ chừa một ô cửa sổ thông gió nhỏ xíu mà phải bắc ghế trèo lên mới thấy được.

Đang loay hoay không biết làm thế nào, Dũng giật mình khi có tiếng nói từ phía sau vang lên:

– Anh có cần tôi giúp không?

Giọng nói ngọt ngào, êm dịu phát ra từ một cô gái có thân hình gợi cảm, đẫy đà. Cô nghiêng đầu hỏi Khang Dũng.

Anh lúng túng:

– Ơ, xin lỗi, tôi ...

– Anh coi chừng ngã đấy!

Gương mặt được điểm tô khá sắc nét. Đôi mắt nồng nàn quyến rũ, cô gái mỉm cười nhìn anh. Dũng bước xuống, anh ngập ngừng:

– Xin lỗi, cô là ...

– Là chủ nhân của căn biệt thự anh đang đứng.

Dũng tròn mắt:

– Mỹ Lan?

Gật đầu, Mỹ Lan cười rất tươi. Cô đưa tay vén mạng nhện vương trên tóc anh:

– Đã lâu quá rồi không gặp. Anh Dũng khỏe không?

Khang Dũng không thể hình dung được cô bé Mỹ Lan xúng xính, đáng yêu ngày xưa lại là cô gái đang đứng trước mặt. So với ngày ấy, Mỹ Lan lớn lên khác đi nhiều quá.

– Anh sao vậy? Sao mà cứ đứng ngây ra thế?

– Ơ, à không! Tôi bất ngờ quá nên ...

– Có gì đâu.

Mỹ Lan tự nhiên khoác tay Khang Dũng đi vào trong. Rót tách trà đưa cho anh, cô ngồi tréo chân để lộ một cặp đùi thon thả.

– Hôm qua em có chút việc nên đã không về nhà. Anh Dũng ở lại đây có quen không?

– Thật tình thì cũng không quen lắm. Mỹ Lan thay đổi nhiều quá, nếu gặp ngoài đường chắc anh không thể nào nhận ra.

– Anh nhận ra được mới là chuyện lạ. Hồi đó em mới có năm tuổi. Lớn lên cũng phải cho người ta thay đổi chứ. Công việc của anh bây giờ thế nào?

Dũng chậm rãi:

– Anh vừa về nước không bao lâu. Trước đây, anh làm việc bên Pháp. Hiện nay, anh định cộng tác với tập đoàn An Thị ở Đà Lạt. Còn Mỹ Lan?

– Em kinh doanh một cơ sở xông hơi mát-xa. Cũng ở trung tâm thành phố này thôi. Nếu có dịp, em sẽ dẫn anh Dũng đến đó cho biết. À, bác gái mất lâu chưa anh?

– Mẹ anh cũng vừa mất.

Mỹ Lan thở dài:

– Em xin lỗi. Lúc bác gái mất, em đã không hay biết gì hết. Chắc anh Dũng buồn lắm hả?

– Không sao đâu.

Dũng cười lắc đầu. Vừa lúc đó, chú Tư đi vào:

– Thưa cô Lan, ông chủ cho gọi cô lên phòng.

Mỹ Lan đứng dậy:

– Thôi, em xin phép. Chắc dượng gọi em có việc. Có gì chúng ta sẽ nói chuyện sau nhé.

Mỹ Lan bỏ đi. Khang Dũng nhìn theo trầm ngâm. Bất chợt hình ảnh cô bé có hai bím tóc xinh xinh ngày xưa hiện về. Mỹ Lan đúng là khác đi nhiều quá.

Trong trí tưởng tượng của anh, Mỹ Lan sẽ giống như một cô tiểu thư kiêu sa, ngây thơ và tinh khiết ... Nhưng sự thật ngoài đời, cô ấy có vẻ già giặn hơn rất nhiều.

– Không phải là anh đang ngất ngây vì người đẹp đó chứ?

Nguyệt Hoa bất ngờ xuất hiện làm anh giật cả mình.

– Ừ, thì cũng công nhận là cô Mỹ Lan này đẹp thiệt. “Điện nước đầy đủ”.

Vòng một, vòng hai, vòng ba, vòng nào cũng đẫy đà hấp dẫn. Chẳng trách có người cứ mê mẩn nhìn theo.

– Em đang nói nhảm cái gì thế hả?

Khang Dũng xoay lại tựa ngửa vô ghế. Nguyệt Hoa bình thản:

– Có gì đâu! Có sao thì em nói vậy thôi. Bộ không phải à? Này, hay là anh cưới luôn đi, khỏi tìm hiểu gì nữa.

– Cưới cái đầu em đấy!

Khang Dũng lườm cô. Anh dõng dạc:

– Em coi chừng nói nhiều quá, tối nay con ma nó bắt thì chớ có mà la làng.

– Anh Dũng này! Anh nói mới nhớ, cảnh tượng đêm qua ghê quá. Nghĩ lại mà em còn thấy rợn cả người. Có đúng là có ma thật không anh?

Uống một ngụm trà, Khang Dũng đăm chiêu:

– Anh không tin trên đời này có ma. Nhưng với những gì tận mắt trông thấy, anh cũng không biết phải nói thế nào.

– Căn nhà này đúng là không được bình thường. Ngay cả chủ nhân của nó cũng vậy. Ông Khắc thì cứ lấm la, lấm lét, chẳng nói chẳng rằng. Bà Hường thì lù lù lúc điên lúc dại, cứ muốn dọa cho người ta chết. Bây giờ thì chẳng biết cái cô Mỹ Lan này thế nào ...

– Hay mình đi một vòng xem thử đi.

– Ừm.

Khang Dũng nắm tay Nguyệt Hoa đi ra sau nhà. Lúc nãy anh chưa kịp xem xét gì thì Mỹ Lan đã xuất hiện. Xung quanh đây toàn là cây cối, rất ít nhà cửa.

Hơn nữa, căn biệt thự được bao bọc bởi một tường rào kiên cố, nên ít khi thấy được bóng người.

– Anh Dũng xem này!

Nguyệt Hoa chỉ tay vào một tấm lụa trắng vắt ngang trên một cành thông.

Dải lụa phất phơ đung đưa theo gió. Khang Dũng rùng mình. Nhìn tấm lụa mỏng manh này, anh chợt nhớ đến đêm hôm nào vừa mới lên Đà Lạt. Hôm ấy, cái bóng đó cũng khoác lên người bộ đồ trắng muốt như thế này. Nó cứ tha thướt đi trong mưa rồi vào thẳng trong rừng thông.

– Nguyệt Hoa à! Đàng kia có ô cửa thông gió, anh đỡ em lên, em xem trong đó như thế nào nhé!

– Ừ.

Khang Dũng đỡ Hoa dậy. Cô đứng trên vai anh nhìn vào trong.

– Anh đứng cho yên coi, sao mà cứ cục cựa hoài vậy, làm sao mà em thấy được.

– Không phải là anh không muốn, nhưng anh đang phải nhắm mắt nên không giữ thăng bằng được.

– Cái gì? Nhắm mắt à?

– Đúng rồi.

Dũng gật đầu:

– Em mặc cái váy trùm hết đầu anh lại, không nhắm mắt thì con mắt anh sẽ mở to ra mãi, không bao giờ khép lại đấy.

Nguyệt Hoa đỏ mặt, cô cong môi:

– Anh còn nói nữa là em nhảy xuống đó.

– Í, í! Thôi mà! Xem coi bên trong có cái gì không?

Hoa đưa mắt nhìn. Căn nhà kho đầy bụi bặm với ngổn ngang đồ dùng, nhện bám đầy tường.

– Lông gà!

– Cái gì?

Nguyệt Hoa chau mày:

– Có rất nhiều lông gà vương vãi dưới sàn. Hình như không có người ở trong này. Bụi không hà!

– Rõ ràng là hôm đó mình nghe tiếng tru, tiếng khóc phát ra từ đây. Em cố nhìn cho kỹ xem.

Có vẻ như đã lâu rồi nơi này không được quét dọn. Nguyệt Hoa trông thấy những mảnh vỡ của gương văng đầy dưới đất. Trên bàn còn có những vệt máu còn dính lại. Và một vài sợi tóc bết vào máu khô.

– Thế nào rồi Hoa?

– Đỡ em xuống đi!

Đỡ Nguyệt Hoa xuống, trông vẻ mặt cô đăm chiêu, anh hỏi:

– Em sao vậy?

– Hầu như bụi bám khắp nơi. Trên bàn, trên ghế và cả trên tường. Nhưng có một cái không hề có bụi.

– Là gì?

– Tấm gương. Em để ý thấy tấm gương treo trên tường không hề bị bám bụi.

Hình như có người thường hay soi gương bên cạnh đó còn có một cái lược chải tóc cũng vậy. Những sợi tóc dài bết vào máu khô vương vãi lên sàn.

Khang Dũng trầm ngâm. Làm thế nào để điều tra được việc này. Anh không tin trên đời này lại có ma. Nhưng những hiện tượng này làm sao mà lý giải.

– Chúng ta vào nhà thôi, kẻo người ta sinh nghi.

Dũng và Hoa đi vào trong. Trong khi đó ở trên phòng, Ông Khắc đang nói chuyện với Mỹ Lan:

– Sắp tới phải tăng cường canh phòng bắt được “nó” kìa. Chứ để thế này thì không được.

Mỹ Lan nhăn nhó:

– Sao ông lại để họ ở lại trong nhà? Như vậy có phải khó khăn hơn không, kẻo họ biết được thì sao?

– Đó là ý của Tony, không phải ý của tôi. Tôi nghĩ có lẽ Tony muốn dùng họ để bắt được “nó” chứ để nó lộng hành thế này, có ngày cũng có chuyện.

– Sắp tới, tôi phải làm gì?

Ông Khắc trầm giọng:

– Tốt nhất là cô nên bảo hắn cưới sớm. Thứ hai nữa là kềm hãm mụ đàn bà.

Dù hiện nay bà ta đã không thể làm được gì, nhưng đề phòng vẫn hơn. Cái chính là phải tóm được “nó” mới mong mở được “cái đó” cô hiểu không?

– Mấy năm nay nó biệt tích. Tưởng đâu là đi luôn rồi, tự dưng nay bỗng trở về. Có nhiều đêm tôi cũng sợ gần chết. Tru tréo suốt đêm ... Nếu không vì “cái đó” chắc tôi cũng không dám làm nữa.

Ông Khắc trấn an:

– Mấy năm nay Tony đối xử với cô cũng đâu có tệ. Ăn ngon mặc đẹp, muốn gì được cái đó. Nay cô cũng đã là bà chủ của một sơ sở mát-xa đồ sộ đó còn gì!

– Ông khỏi phải nhắc. Điều đó tôi biết. Nhưng việc Tony xuất hiện ở bên cạnh hắn, nhiều lúc tôi cũng thấy ngờ ngợ ....

– Cố gắng đi! Nhớ là không được để lộ bất kỳ điều gì đấy. Nếu không thì hỏng việc hết. Cô xem này! Đêm qua “nó” lại phá làm tôi phải thu dọn mảnh vỡ đứt cả tay.

Ông Khắc chỉ vào vết tay bị cứa đứt của mình cho Mỹ Lan cười nhẹ.

– Xem ra, ông nên nhắc mình phải cẩn thận thì hơn. Nhưng không biết là nó trốn ở đâu à?

– Chưa! Không tìm được! Chúng ta không thể manh động ra ngoài, vì còn phải mở được “cái đó”. Chỉ có “nó” mới biết.

Mỹ Lan đứng dậy:

– Thôi, tôi biết rồi. Tôi đi về phòng đây.

Mỹ Lan đi ra ngoài. Ông Khắc đứng khoanh tay nhìn theo, đôi chân mày rậm chau lại ...

Chú Thiện cùng Việt Khoa đi lên tập đoàn An Thị. Vừa ra khỏi công ty, chú Thiện ghé sang nhà một người bạn lâu năm không gặp.

– Mày lái xe về trước đi. Lát tao tự đón xe về. Mày khỏi phải đón.

– Ừ. Vậy con về trước à.

Việt Khoa lên xe về. Đi được một đoạn, chiếc Mercedes anh lái vô tình chạy ngang một vũng nước mưa, nước văng lên cao bẩn vào người một cô gái đi song song.

– Ối! Trời ơi!

Cái váy màu xanh da trời bị lấm lem đầy bùn, chỗ ướt chỗ khô. Cô nàng hét lên:

– Có đứng lại không hả, cái đồ khốn kia!

Việt Khoa không dừng lại, anh vẫn bon bon nhấn ga, tỉnh queo. Và ...

Bốp!

Nguyên một chiếc giày được chọi thẳng vào kính xe. Như có phản ứng, nó từ từ de lui. Dừng ở chỗ cô, anh chàng ló đầu qua cửa kính:

– Này, cô kia! Cô làm cái gì thế hả?

Rồi anh nhướng mày ngạc nhiên. Cô nàng đó chính là Bảo Trâm, bạn của Nguyệt Hoa.

– Ủa! Là cô à?

– Hóa ra là anh à?

Khoa mở cửa xuống xe. Anh hất mặt:

– Tự dưng sao cô lại chọi đá vào kính xe của tôi?

– Anh còn dám nói nữa hả? Anh nhìn đi, coi tác phẩm của anh nó tuyệt vời đến thế nào!

Cô chỉ xuống váy áo mình. Nó nhơ nhuốc bùn sình trông mà phát khiếp. Việt Khoa bỗng bật cười:

– Trời đất! Nay cô thiết kế thời trang mới hả? Hay là định chơi trội cho người ta chú ý đây?

Tức điên người, Bảo Trâm cong môi:

– Anh có tin là tôi cho anh phù mỏ không hả? Không biết xin lỗi lại còn nói như thế nữa à? Nếu không phải tại chiếc xe quỷ quái của anh thì tôi đâu ra nông nỗi này.

– Xe tôi làm sao?

– Anh ăn cái gì mà ngu dữ vậy! Thì xe anh chạy ngang vũng nước làm nước bẩn tung tóe vào người tôi chứ làm sao. Bây giờ thì đền đi!

Việt Khoa bình thản. Anh chàng lơ đãng nhìn sang chỗ khác:

– Đền? Mắc mớ gì tôi phải đền. Đường trống thì tôi chạy. Tôi đâu có biểu vũng nước nó đọng lại ở chỗ này. Tôi càng không biết là cô sẽ đi qua đây. Nếu muốn trách, tôi nghĩ cô nên trách chính mình đã không chịu tránh đi hay trách mình xui xẻo đi thì hơn.

– Anh ...

Bảo Trâm không thể chịu nổi nữa. Cô hét lên:

– Anh có còn là đàn ông không hả?

Việt Khoa nở nụ cười ... quyến rũ. Anh vuốt nhẹ bàn tay lên mặt cô. Tất nhiên! Tôi vẫn là đàn ông! Mà còn là người đàn ông hấp dẫn nữa kìa, cô em à ...

Nói rồi, anh leo lên xe phóng vụt đi. Bảo Trâm cắn môi cố nuốt cục tức xuống.

Cô nhìn theo lẩm bẩm:

– Đồ khốn! Tôi trù cho anh tuyệt tự, tuyệt tôn ... tuyệt sản luôn! Tên khốn!

Ngồi trên xe, Việt Khoa nhìn qua kính chiếu hậu, nhếch miệng cười. Trông cô nàng lấm lem như con chuột ướt. Xinh thì không xinh lắm, nhưng gương mặt cũng có cá tính. Việt Khoa là bạn học cùng tiểu học với Khang Dũng. Một thời gian dài không gặp lại nhau, gần đây khi Dũng về nước, Khoa có dịp hợp tác với anh trong một dự án kinh doanh ngành truyền thông. Nghe nói Dũng có ý định lên Đà Lạt tìm hiểu về gia đình Mỹ Lan, Khoa đã cùng đi theo anh lên bàn công việc với tập đoàn An Thị.

– Alô.

Điện thoại reo, Việt Khoa chợt đổi giọng nghiêm nghị:

– Làm như tôi dặn. Nếu không có gì quan trọng chớ có gọi cho tôi trong lúc này. Nghe rõ chưa?

Tắt máy, sắc mặt Khoa biến đổi. Ánh mắt lạnh lùng dưới đôi chân mày sắc bén ...

– Bác há miệng ra, con đút cho nhé!

Nguyệt Hoa ân cần ngồi xuống kế bên bà Hường. Cô khẽ mỉm cười đưa miếng táo lên miệng bà. Nhưng vẫn đôi mắt lờ đờ vô hồn, mái tóc lù xù phủ trước trán, bà ấy chẳng nói chẳng rằng, vô cảm như một pho tượng đá ...

Lắc đầu, Nguyệt Hoa dùng một sợi thun buộc lại tóc cho bà. Tội nghiệp! Sao lại ra nông nỗi này thế nhỉ?

– Bà ấy vẫn không có phản ứng gì à?

Khang Dũng đi tới hỏi Nguyệt Hoa.

Anh kéo ghế ngồi xuống đối viện với bà Hường.

– Không! Em đã tìm đủ mọi cách nhưng bà ấy vẫn cứ như vậy đấy. Chẳng biết ngày trước đã xảy ra chuyện gì mà bà ấy lại trở nên như thế này.

– Có lẽ cũng phải bị đả kích mạnh lắm nên mới như thế. Chứ theo anh nhớ thì ngày xưa bác ấy là người phụ nữ vốn sang trọng, bên ngoài luôn toát lên vẻ quý phái, kiêu sa ... Anh thật không thể ngờ được bác ấy lại hóa điên hóa dại, mà lại phải ngồi trên xe lăn như vậy.

– Anh có hỏi thử Mỹ Lan xem tại sao không?

Khang Dũng nhún vai:

– Không! Ở chung một nhà nhưng anh không tiếp xúc được với cô ấy nhiều.

Chẳng hiểu tại sao mỗi lần nói chuyện với cô ấy, anh cứ thấy nó thế nào ấy.

Đứng gần nhau mà tưởng đâu người ở Sài Gòn, người ở Hà Nội. Xa lắc xa lơ ...

Anh cứ gượng gạo mà không nói được gì cả.

Nguyệt Hoa bật cười:

– Ôi trời! Anh không biết đó chính là vị hôn thê của anh à? Hình như nghe đồn là anh sẽ phải cưới cô ta đấy.

– Ừ, thì ... cũng chưa chắc mà ... Mà này, nhỏ! Bộ em ... chưa có bạn trai hả?

Khang Dũng ngập ngừng hỏi. Nguyệt Hoa giật mình, đỏ mặt. Cô ú ớ:

– Gì chứ? Sao tự dưng lại chĩa mũi sang em? Mắc mớ gì em phải trả lời anh chứ!

– Thì ... thì anh thấy nhỏ suốt ngày quấn quýt bên anh, không đi cùng ai hết, nên anh ...

– Ai quấn quýt bên anh? Hứ!

Hoa cong môi:

– Để mai mốt em dẫn bạn trai em về giới thiệu với anh là được chứ gì? Xí!

Dũng định nói gì thì Mỹ Lan từ sau đi tới, cô đến bên bà Hường:

– Mẹ à! Đến giờ đi tắm rồi. Con đưa mẹ đi tắm nhé!

Nguyệt Hoa gật đầu chào. Cô nhỏ nhẹ:

– Chị à! Tại sao ... sao bác ấy lại bị thế này vậy chị?

– Năm đó ba tôi mất, mẹ tôi vì không chịu nổi đả kích nên dần dần tâm trí trở nên bấn loạn, không còn nhớ gì nữa. Ngay cả tôi, bà cũng không nhận ra ...

– Tội nghiệp bác ấy!

Mỹ Lan quay sang Khang Dũng:

– Nguyệt Hoa là em họ của anh Dũng à? Thật không ngờ anh Dũng có cô em xinh xắn đến như vậy.

– Ừ, Mỹ Lan hôm nay không đi làm à? Mấy bữa nay ít thấy em ở nhà?

– Dạ vâng. Tại em cũng bận quá. Thôi, hay là tối nay em mời anh Dũng đi tham quan Đà Lạt nhé. Dẫu sao mình cũng còn có thời gian để tìm hiểu nhau mà, phải không?

Khang Dũng cười gượng không trả lời. Mỹ Lan bước đến đẩy xe lăn của bà Hường đi, Nguyệt Hoa nhìn theo, kề tai Dũng:

– Xem ra, cô ấy có cảm tình với anh lắm đấy. Cố gắng lên. Nhé!

Cô nhìn xéo qua, hích cùi chỏ vào bụng anh.

Dũng thở dài:

– Lại định nói gì nữa đây nhóc?

– Có nói gì đâu! Nói vợ tương lai của anh vừa dịu dàng lại vừa có một thân hình hấp dẫn, gợi cảm, đẫy đà ... Nhất anh rồi còn gì!

Nói rồi, cô chu môi bỏ đi. Khang Dũng cười bó tay. Có trời mới hiểu nổi con gái!

Nguyệt Hoa lên trên phòng. Cô định thay bộ đồ rồi đi sang nhà Thắm. Từ ngày dọn đến đây, mặc dù ở sát bên nhà nhưng cô không dám qua chơi với nhỏ Thắm nhiều, vì sợ người ở đây sinh nghi.

– Xem ra, cô nàng Mỹ Lan đó cũng quan tâm, hiếu thảo với mẹ đó chứ.

Lẩm bẩm rồi Hoa khóa cửa phòng đi ra ngoài. Lúc đi ngang phòng bà Hường, cô thấy cửa phòng đóng kín mít. Định không để ý nhưng lại chợt nghe có tiếng “ư ư”, tiếng rên lên khe khẽ phát ra từ bên trong, Nguyệt Hoa rùng mình. Lại gì nữa đây? Bây giờ là ban ngày mà. Thu hết can đảm, Hoa cố trèo lên thành cầu thang, bám vịn vào tường nhón chân nhìn qua khe cửa nhỏ.

– Ư ... ư ...

Nguyệt Hoa mở to mắt kinh ngạc. Trước mắt cô là hình ảnh Mỹ Lan đang dội nước lạnh vào người bà Hường. Cô ta túm tóc bà ấy xách lên cao, lạnh lùng từ từ đổ từng gáo nước lạnh trên đầu bà xuống, mặc cho bà Hường run cầm cập, mặt tái đi vì lạnh.

– Sao vậy? Lạnh không?

Nhếch môi cười, Mỹ Lan cầm chặt cằm, nâng mặt bà ta lên, ánh mắt hằn học:

– Đừng ngoan cố nữa! Nếu không muốn tiếp tục như thế này thì hãy mau tỉnh dậy, và kêu nó về đi!

Giọng nói nhẹ nhàng nhưng chua gắt, đay nghiến. Nguyệt Hoa như không thể tin được vào mắt mình. Cô từ từ bước xuống, trầm ngâm đi qua nhà Thắm.

Thấy cô cứ thừ người ra, Thắm nhăn mặt:

– Mày làm gì mà ngây ra như thế? Có chuyện gì à? Sống ở nhà đó thế nào?

Hoa quay sang Thắm:

– Này! Mày sống ở đây thỉnh thoảng có để ý, có thấy xem cái cô Mỹ Lan đó là người thế nào không?

– Cô ta à?

Thắm ngẫm nghĩ:

– Chưa bao giờ tao tiếp xúc với cô ta cả. Nhưng theo như tao thấy thì cô gái đó là người rất kiêu ngạo. Ăn mặc rất thời trang, sang trọng. Đã có lần tao trông thấy cô ta quát mắng người làm dữ tợn lắm. Biết sao được, nhà giàu mà!

– Vậy còn mẹ cô ta? Mày có thấy cô ta đối xử với mẹ mình như thế nào không?

– Người đàn bà điên ngồi trên xe lăn đấy, phải không? Không khi nào thấy cô ta ở cùng với bà ấy cả. Lâu lâu, chỉ thấy ông quản gia đẩy xe lăn đưa bà ta ra vườn hóng gió thôi. Kể cả ông Khắc, ông ấy cũng không có làm cái việc đó bao giờ.

Tại sao kỳ lạ thế nhỉ! Nếu nói ông Khắc chỉ là một người chồng sau, vì tiền bạc, gia tài mà cưới bà Hường, thì việc bỏ bê không lo lắng cho bà ta cũng đã đành. Còn Mỹ Lan là con gái ruột bà ấy tại sao cô ta lại nhẫn tâm đối xử với mẹ mình như vậy? Sao cô ta lại tàn ác như thế?

– Mày làm sao thế?

Thấy Nguyệt Hoa cứ ngây người suy nghĩ, Thắm thắc mắc:

– Ở bên đó có vấn đề gì sao?

– Vấn đề ở chỗ, vị hôn thê Mỹ Lan của anh Dũng là người như thế nào, tao không biết nữa. Bề ngoài, khi tiếp xúc với tao và anh Dũng, trông cô ta rất biết cách ăn nói, dịu dàng, quyến rũ ... Nhưng vừa nãy, khi đi qua đây, tao trông thấy một cảnh tượng rất khủng khiếp. Cô ta đang hành hạ mẹ mình, dội nước lạnh vào người bà ấy với ánh mắt hằn học, trông đáng sợ lắm.

– Có chuyện đó nữa sao?

– Có!

Hoa gật đầu:

– Bởi thế cho nên tao mới không hiểu. Gần đây, những chuyện ghê rợn, rùng mình cứ liên tiếp xảy ra. Đêm nào cũng như đêm nào ... Tao và anh Dũng vẫn chưa kịp tìm hiểu xem thế nào ... Bây giờ cô ta lại như vầy ...

Thắm nghiêng đầu:

– Anh Dũng ... chắc chắn là phải cưới Mỹ Lan à?

– Không biết. Chuyện đó tao đâu có quyết định được.

Nguyệt Hoa bâng quơ nhìn ra ngoài. Cưới hay không là quyền của anh ta. Cô đâu có là gì ...

– Thắm! Thắm ơi!

Bỗng dưng bên ngoài có tiếng gọi cửa inh ỏi, hình như là giọng của Bảo Trâm. Đúng là cô nàng, cái giọng chua lè này thì không lẫn vào đâu được hết.

– Trời đất! Mày làm gì mà người ngợm trông kinh thế?

Nguyệt Hoa và Thắm nhìn vào bộ dạng lem luốc của cô mà nhăn mặt.

Dường như cục tức vẫn còn nằm ứ đọng ở cổ, Trâm cong môi:

– Tất cả cũng tại cái tên khốn Việt Khoa gì đó ở cùng nhà với con Hoa nè.

Chính hắn làm tao ra nông nỗi này đấy. Bực cả mình!

Nguyệt Hoa tròn mắt:

– Mày nói anh Khoa đó hả? Ảnh làm sao?

– Còn trăng sao gì nữa? Tên khốn đó không những chạy xe làm tạt nước vào người tao, hắn không thèm xin lỗi lấy một tiếng, còn lớn tiếng vênh váo rằng đường công cộng thì hắn mặc tình mà chạy. Có muốn trách thì trách tao xui xẻo.

Hoa bật cười. Cô bảo Thắm lấy một chiếc khăn đưa cho Trâm:

– Chắc tại anh ấy muốn trêu mày đấy thôi. Mà sáng nay đi đâu cho bị ra nông nỗi này?

– Định đi lên nhà ông anh họ ăn giỗ. Giữa đường bị thế này còn đi gì được nữa. Hắn đúng là đồ khốn mà! Để tao gặp lại hắn, tao sẽ cho hắn nhừ xương.

Thắm rót cho cô bạn ly nước, miệng cười hiền:

– Thôi, vuốt giận đi! Chắc ảnh muốn làm quen với mày nên biết đâu lại kiếm cớ như thế. Mày hổng coi mấy bộ phim Hồng Kông đó sao, lúc đầu chẳng phải hai nhân vật chính lúc nào cũng cãi vã um sùm, nhưng sau đó lại yêu nhau thắm thiết đấy sao.

– Ọe ... Ọe ...

Trâm ôm lấy cổ vờ nôn mửa. Môi cô nàng trề ra ... cả thước:

– Nghe nói thèm phát ói! Tao mà đi thèm cái loại như hắn à? Còn lâu à!

Quên đi cưng!

Hất mặt lên như hươu cao cổ, mặt cô nàng quạu lại trông thật buồn cười.

Hoa khều tay Thắm:

– Nghe đồn là hình như “ghét của nào trời trao của đó” hả mày?

– Hình như là vậy đó.

Thắm gật đầu.

Bảo Trâm quay sang hắng giọng, đe nẹt:

– Hai đứa tụi bây coi chừng tao vặn cổ hết bây giờ. Ê, nhỏ Hoa kia? Lúc này mày sao rồi? Có điều tra được gì mấy cái vụ đó không?

– Vẫn chưa biết được thực hư thế nào. Chỉ thấy càng ngày càng xuất hiện thêm nhiều chuyện lạ lùng đến kinh dị. Liên tiếp nhiều đêm dưới bếp chén khua rổn rảng, đến lúc chạy xuống chỉ thấy những mảnh vỡ mà không thấy ai cả, rồi lại có những vết máu nhỏ giọt lấm tấm. Trong gian nhà kho cũng vậy, bê bết máu dính trên tường, trên bàn ghế, dưới sân thì vương vãi lông gà.

Bảo Trâm rùng mình, cô nàng thè lưỡi:

– Trời ơi! Sao mà mày gan thế, dám ở lại cái căn nhà quỷ quái đó. Dám chắc là có ma rồi còn gì. Tao nghe không mà muốn nổi cả da gà, huống hồ gì tận mắt chứng kiến.

– Biết làm sao được. Tao đã hứa giúp anh Dũng rồi mà.

Ngó sang Thắm rồi liếc con mắt nghiêng đầu nhìn Nguyệt Hoa, Bảo Trâm nhíu mày:

– Này! Nói sao nghe nghi ngờ quá! Vì lỡ hứa hay ... là vì mày “khoái” anh Dũng rồi?

– Gì chứ?

Nguyệt Hoa đỏ mặt:

– Ai nói là tao thích ảnh hồi nào? Nói bậy gì thế?

– Làm gì mà phản ứng dữ vậy? Kiểu này thì chắc “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” quá! Há Thắm há!

Thấy Trâm cứ trêu mình, Nguyệt Hoa mắc cỡ vùng dậy ví cô nàng chạy lòng vòng:

– Mày có im đi không hả con quỷ! Cho mày chết nè!

Thắm nhìn theo hai cô bạn, cười hiền. Trong ba người bạn, Thắm là người trầm tính nhất. Nhiều lúc cũng liến thoắng, tinh nghịch, nhưng cô dịu dàng hơn.

Có thể có một ngày nào đó, cô yêu một người mà không dám nói cũng nên ...

– Thắm ơi! Mày đi ra chợ mua cho mẹ chai phấn hoa coi.

Thắm đang nằm học bài trên giường, cô thều thào:

– Để mai được không mẹ? Con lười quá! Tối rồi mà mẹ.

– Đi giùm mẹ đi! Không có nó mẹ chịu không được, chai của mẹ hết rồi.

– Trời ạ ....

Thắm thở dài. Đã lên giường nằm rồi mà cũng hổng yên nữa. Nhà có hai mẹ con, cô bình thường bao nhiêu thì mẹ cô lại điệu bấy nhiêu. Ngủ mà cũng phải thoa phấn hoa nữa. Thiệt không chịu nổi mà!

Cuối cùng cô cũng đành phải lê lết cái thân gầy đi ra chợ. Nói là chợ chứ thật ra cũng không đến nỗi xa lắm. Cứ coi như là đi chợ, tập thể dục cũng được.

Chỉ khổ cái là mắt của Thắm bị cận. Cận nặng nữa là đằng khác. Cô nhỏ đeo một cặp mắt kính to đùng như hai cái đít chai. Đi đường mà cứ phải nhướng nhướng con mắt lên nhìn coi có xe không ...

– Ối, ối coi chừng ...

Ầm!

Chú Thiện la lên thất thanh rồi đâm sầm vào cô. Chiếc xe đạp bị vẹo bánh cong vòng. Cũng may là Thắm đi bộ còn chú chạy xe đạp nếu không thì tiêu rồi.

– Ui da! Đau quá.

– Xin lỗi, cô có sao không? Ắt xì ...

Thắm lom khom, quờ quạng kiếm cái mắt kính của mình. Không có nó cô không thấy đường, trời lại đang tối thế này.

– Mắt kính của tôi ...

– Mắt kính ư?

Chú Thiện cúi xuống tìm:

– Để xem nào ... A, đây rồi!

Chú Thiện cầm lên. Nhưng hình như không ổn cho lắm. Nó vỡ hết một bên, chỉ còn được có một bên tròng ...

– Xin lỗi cô, vỡ rồi ...

Thắm đón lấy gắn tạm lên mắt. Chưa kịp nói gì thì chú Thiện đã ắt xì liên tục. Tay chân mình mẩy ngứa ngáy, nhìn chú loay hoay như con lật đật Thắm ngạc nhiên:

– Chú làm sao vậy?

– Tôi ... tôi bị dị ứng phấn hoa. Ắt xì ...

Thì ra là vậy. Chai phấn hoa Thắm vừa mua đã đổ hết lên người chú khi va chạm. Hèn gì mà chú cứ gãi lăng xăng ...

– Không sao đâu! Lát chú về tắm sạch sẽ khỏi ngay thôi.

– Tại cô không biết đó chứ ... phấn hoa mà dính một tí vào người tôi thôi là y như rằng còn hơn cả nổi sẩy. Chắc tôi chết quá!

– Nhà chú gần đây không? Chú chạy nhanh về nhà tắm rửa cho sạch sẽ đi.

Chú Thiện lấy bóp ra đưa cho Thắm vài tờ giấy bạc:

– Cô à! Tôi thành thật xin lỗi. Cái này coi như tôi đền cho cô mua mắt kính khác. Cô nhận giùm.

Thắm suy nghĩ rồi ngập ngừng cầm lấy. Dù gì cũng chính đáng mà.

– Vâng, cảm ơn chú.

Chú Thiện gật đầu rồi trở về nhà. Rõ khổ! Trên đời này chú sợ nhất phấn hoa. Không hiểu sao lại có người xài được nó thế nhỉ.

Lúc chú đi rồi, Thắm mới phát hiện ra chú làm rơi điện thoại đi động.

– Ơ kìa ... khoan đã!

Định gọi với theo, nhưng chú đã đi mất rồi còn đâu. Thôi kệ, phát hiện ra đằng nào ông ấy chả gọi lại. Về đến nhà, mẹ cô trông thấy mà hết cả hồn:

– Trời đất! Con bị làm sao vậy?

– Cái ông nào đó chạy xe đạp tông vào con. Nhưng hổng sao đâu, không bị gì hết, chỉ bể mắt kính thôi, ông ta có đền tiền rồi. Chai phấn hoa cũng đổ hết trơn, còn có tí xíu nè, mẹ dùng đỡ đi. Mai mua cái khác.

Bà Tám tiếc rẻ:

– Uổng quá? Sao con hổng kêu ông ta đền luôn chai phấn hoa này?

– Thôi mà mẹ! Ông ta đưa dư tiền mua chứ bộ. Với lại, hồi nãy phấn hoa đổ hết lên người ông ta, mà ông ta thì bị dị ứng với nó. Người ta cũng biết điều, mình còn vặn vẹo làm chi.

– Ừ, mẹ về phòng đây.

Bà Tám mở cửa phòng đi ra ngoài. Kể cũng lạ. Bà Tám tuy góa chồng nhưng xưa nay rất đỏm dáng, thích sửa soạn. Trái lại, cô con gái của bà thì chẳng khác nào là con mọt sách. Thắm rất hiền lành, đơn giản. Lúc trước, cô nhút nhát lắm, nhưng từ ngày chơi thân với hai cô nàng Bảo Trâm và Nguyệt Hoa nên cũng mạnh dạn được chút xíu. Cô chưa từng tiếp xúc với chú Thiện, chỉ có gặp Khang Dũng nên cũng không nhận ra.

Về đến nhà, dù tắm đến cả giờ đồng hồ nhưng chú Thiện vẫn không thôi hết ngứa.

– Trời ơi! Chết mất!

– Ai bảo chú, bình thường ở nhà hổng chịu, tự dưng cái nổi hứng lấy xe đạp chạy lòng vòng. Ở nhà với con thì đâu ra nông nỗi này.

– Tại tao thấy dạo này bụng béo, lên cân nên định tiện thể tập thể dục. Ai có dè ...

Khang Dũng phì cười:

– Thôi, đừng có gãi nữa, một hồi rách da luôn bây giờ. Chú đó, đừng trách con không nhắc! Bộ chú định ở vầy mãi hả?

– Cũng phải lo kiếm vợ gì đi chứ!

– Vợ con gì mày ơi!

Chú Thiện thở dài:

– Tao nay cũng đã bốn mươi mấy rồi, còn con mà nào thèm nữa đâu mà cưới.

– Làm gì mà bi quan dữ vậy. Thì trẻ hổng được, người ta yêu mấy bà xồn xồn, U40 đó ... cũng được chứ có sao đâu.

Chú Thiện trề môi:

– Mấy mẹ đó, hổng góa chồng năm con thì cũng dung nhan ma chê quỷ khóc ... Tao làm sao mà cưới được.

– Cũng cái tật kén cá chọn canh vầy, cho nên mới ở giá tới giờ nè. Thôi đi chú ơi, cho con xin! Mau mau rước một người về, rồi sanh một thằng cu tí. Chú cũng không còn trẻ gì nữa đâu.

Khang Dũng vỗ nhẹ vai chú Thiện rồi đi vào trong. Chú Thiện chống cằm đăm chiêu. Bộ mày tưởng tao không muốn sao ... Tao cũng mong lắm chứ, nhưng đường tình sao mà nó lận đận quá. Đến giờ vẫn cứ một mình. Nhiều lúc thấy người ta có đôi có cặp, cũng tủi thân lắm chứ. Nhưng biết làm sao được ...

Sáng ra, phát hiện mất điện thoại, chú Thiện lập tức gọi vào số máy của mình ...

Reng ... reng ...

Nghe tiếng chuông, Thắm đang tắm, bà Tám vội chạy vào phòng. Trời ạ!

Sao con bé này lại có cái điện thoại xinh thế nhỉ. Oa! Coi bộ đắt tiền à nha ...

– Mẹ đưa đây cho con!

Thắm tắm xong, vội vàng chạy lại nghe.

– Alô ...

– Xin lỗi cô ... đây ... đây là điện thoại của tôi. Tôi đánh rơi ...

– Tôi biết rồi. Tôi là người tối đêm qua đã va vào chú đấy. Lúc chú đi rồi, tôi mới phát hiện nó nằm bên vệ đường. Bây giờ hẹn gặp tôi đi, tôi sẽ trả lại chú.

Chú Thiện mừng rỡ, ngập ngừng:

– Cám ơn cô. Cô tốt quá!

– Không có gì đâu. Một lát nữa chú đến cà phê Griatmy trên đường Lê Duẩn.

Khoảng 9 giờ. Thế nhé!

– Vâng. Phiền cô.

Tắt máy, bà Tám ngay lập tức cốc đầu cô:

– Cái con này! Trời ơi? Sao mà mày ngu dữ vậy. Cái điện thoại này chí ít cũng sáu, bảy triệu. Tự dưng đem trả cho người ta ...

– Thôi mà mẹ! Đâu phải của mình đâu mà giữ. Người ta mất họ cũng xót của vậy. Mẹ hôm nay không định đi đánh bạc nữa đó chứ?

– Mày làm như mẹ mày ham mê cờ bạc lắm vậy. Lâu lâu tao mới chơi chứ bộ. Thôi tao đi à!

Bà Tám xách giỏ đi ra ngoài. Thắm nhìn theo lắc đầu. Bà mà không mê cờ bạc thì trên đời này chắc hổng có ai đánh bài hết. Từ nhỏ, cô còn lạ gì cái cảnh nợ nần của mẹ. Tất cả cũng chỉ để nướng vào cái trò đỏ đen. Nói hoài mà cũng có tác dụng gì đâu.

Tới giờ, Thắm thay đồ đi ra ngoài. Kể cũng buồn cười, cô và chú Thiện rõ ràng là ở sát vách nhau, vậy mà kẻ trước người sau hẹn nhau đi đến quán cà phê. Đến nơi, Thắm đẩy chiếc điện thoại về phía chú Thiện:

– Của chú đấy.

– Cảm ơn cô. Thật tình là khi phát hiện mình đánh rơi, tôi không nghĩ là sẽ tìm lại được. Rất may trên đời này vẫn còn có người tốt như cô.

– Chú đừng bi quan như vậy. Thế gian này không chỉ mình tôi làm như thế đâu. Xung quanh đây vẫn còn có rất nhiều người. Nhưng mà nghe giọng chú không giống người ở đây thì phải?

Chú Thiện gật đầu:

– Cô tinh thật. Tôi là người gốc Bắc, nhưng sống ở Sài Gòn. Lên Đà Lạt vì một số công việc. Còn cô?

– Tôi sống ở Đà Lạt. Năm nay tôi cũng chỉ mới tốt nghiệp phổ thông, chuẩn bị thi đại học thôi.

– Nói từ nãy giờ, tôi vẫn chưa biết tên cô?

– Tôi tên Thắm. Vậy còn chú?

– Tôi là Thiện. Thiện trong thánh thiện ấy!

Thắm bật cười. Ông ta có vẻ lớn tuổi nhưng khuôn mặt rất phúc hậu, chững chạc.

– Chú làm về lĩnh vực nào há?

– Tôi làm về xây dựng. Gửi cô cái này!

Chú Thiện chìa cho Thắm một tấm danh thiếp. Nhìn bề ngoài, trông chú rất hiền lành, trí thức. Dù gì thì cũng là giám đốc một công ty xây dựng.

– Hóa ra, chú là giám đốc à? Chú lên Đà Lạt này lâu chưa?

– Cũng không lâu lắm. Bây giờ mà bỏ tôi ở Đà Lạt, thế nào tôi cũng bị lạc.

Thắm mỉm cười:

– Vậy à ...

Vừa nói tới đây, chợt Thắm giật mình xanh mặt khi thấy bà Tám đi cùng mấy tên thanh niên đến tìm cô:

– Ơ kìa ...

– Thắm ...

Bà Tám co ro, khúm núm. Lại nữa rồi! Lại đi vay nợ cờ bạc nữa rồi!

– Mẹ .... lại làm gì nữa vậy?

– Mẹ ....

Thắm cắn môi. Biết rồi thì cô cũng chịu hết nổi. Tên đầu sỏ nhìn cô:

– Cô em, rảnh thì ra ngoài nói chuyện một chút nhé!

Thắm đứng dậy. Chú Thiện không hiểu gì hết, nhưng chú cũng đứng dậy đi theo.

Người đàn ông gằn giọng:

– Mẹ cô em mượn tiền của tôi, đã khất mấy lần rồi không chịu trả. Bây giờ cô em tính sao đây?

– Tôi làm gì có tiền? Các anh cho bà ấy vay để đi đánh bạc thì tự đi mà đòi.

Tôi không biết!

Bà Tám nắm lấy tay Thắm, mếu máo:

– Thắm à! Mẹ xin con. Mẹ lỡ rồi. Mẹ hứa sẽ không có lần sau đâu. Con giúp mẹ với ...

– Giúp mẹ?

Thắm giận dữ:

– Con lấy gì giúp mẹ đây? Ngoài giờ học ra con phải đi làm gần chết mới có được chút tiền. Vậy mà suốt ngày cứ phải đi trả nợ cho mẹ. Mẹ đã hứa bao nhiêu lần rồi mẹ biết không?

– Mẹ .... Thắm à ...

Bà Tám rưng rưng nước mắt, thút thít. Tên cho vay hất cằm:

– Sao hả? Vậy là cô em quyết định không trả phải không? Vậy thì đừng trách bọn tôi nhé! Bọn tôi buộc phải làm theo luật. Nói rồi, hắn quay sang bọn đàn em:

– Mấy đứa đâu, chặt đứt mấy ngón tay của bà ta cho tao!

Bà Tám hoảng sợ, vội quỳ xuống van xin:

– Anh Báo à! Đừng mà anh Báo ... Tôi xin anh. Thắm à! Cứu mẹ đi con ...

Thắm ...

Thắm cắn môi ứa nước mắt:

– Hết rồi! Dù có muốn cứu cũng không cứu được, con đã hết tiền rồi. Cứ coi như con trả nợ hình hài cho mẹ vậy.

Cô quay sang tên Báo:

– Bây giờ tôi không có tiền. Nhưng nếu anh muốn chặt tay thì cứ chặt tay tôi đây này. Vì tôi là do bà ấy tạo ra. Tôi không còn cách nào khác.

Thắm chìa bàn tay ra. Cô vừa tức vừa đau. Tên Báo lạnh lùng:

– Cô em suy nghĩ kỹ chưa? Bà già này coi vậy mà có đứa con ngoan nhỉ!

– Thắm à ...

Mặt bà Tám cắt không còn chút máu. Bấy giờ chú Thiện lên tiếng:

– Khoan đã! Bà ấy thiếu anh bao nhiêu tiền? Tôi sẽ trả.

Thắm giật mình. Bà Tám mở to mắt ngạc nhiên. Tên Báo gật gù:

– Vậy à! Anh hùng cứu mỹ nhân hả? Nhưng mà không sao. Như vậy cũng được. Mười lăm triệu, cả vốn lẫn lãi.

Chú Thiện lấy ví ra đưa cho hắn mấy tờ đô la.

– Như vậy đủ rồi phải không?

Tên Báo nhếch môi cười:

– Bà già! May cho bà đó. Đi thôi tụi bây!

Bọn chúng kéo nhau đi. Bà Tám vội vàng mừng rỡ nhìn chú Thiện:

– Chú ... chú quen với con Thắm nhà tôi à? Tôi cảm ơn nhé. Mà nhà chú ở gần đây không? Chú làm nghề gì?

– Mẹ có thôi đi không hả?

Thắm hét lên. Cô giận tím người. Bà Tám xìu xuống:

– Ừ, thôi, mẹ về trước. Con tiếp bạn đi nhé ...

Bà Tám lủi thủi bỏ đi. Lần nào cũng như lần nấy, dường như máu cờ bạc đã thấm sâu vào xương tủy bà ta rồi hay sao ấy. Thắm bước lại gần chú Thiện, cô ngập ngừng:

– Số tiền đó, tôi sẽ cố gắng trả cho chú ... Cảm ... cảm ơn ...

– Không sao đâu. Cô đừng bận tâm. Đó không phải số tiền lớn với tôi.

Thắm cúi đầu:

– Nhưng thiếu nợ là phải trả ... Tôi đâu thể lấy không của chú như vậy được.

Chỉ có điều, mong chú cho tôi thời gian ...

– Tôi đã nói là cô đừng ngại mà ...

Thắm nhìn chú mỉm cười. Người đàn ông này trông có vẻ không phải người xấu, nếu như không muốn nói là rất tốt.

– Cũng trễ rồi. Nếu không phiền, cô ra xe tôi chở cô về nhà.

– Vâng ...

Cô đi theo sau chú. Lúc nãy ra ngoài nói chuyện, bây giờ phải băng qua đường lấy xe. Bất ngờ, một chiếc ôtô chạy với tốc độ cực nhanh, không làm chủ được đâm về hướng chú Thiện.

– Cẩn thận đó!

Thắm hét lên đẩy người chú ra xa. Chiếc xe đâm sầm vào cô ...

Ầm ...

Cả người Thắm ngã sóng soài xuống mặt đất. Chú Thiện hoảng hồn vội đỡ cô dậy:

– Trời ơi! Thắm ...

Cô bất tỉnh. Không còn biết gì nữa. Không kịp suy nghĩ, chú Thiện vội đưa cô vào bệnh viện. Một lúc sau chú thấp thỏm hỏi bác sĩ.

– Cô ấy có làm sao không bác sĩ?

– Không sao đâu. Đừng lo lắng quá. Chỉ là va đập nhẹ thôi. Bệnh nhân sẽ tỉnh ngay bây giờ.

Chú Thiện thở phào nhẹ nhõm. Thắm vì cứu chú mới bị như vậy. Cô ấy mà có bề gì, chú biết phải làm thế nào đây.

Một lúc sau, Thắm tỉnh dậy. Cô mỉm cười nhìn chú:

– Chú có sao không?

– Cô còn hỏi tôi nữa sao? Cô đã đẩy tôi ra, một mình lãnh trọn hết. Cũng may là chiếc xe đó còn thắng kịp. Chứ nếu không thì tôi sẽ hối hận cả đời. Sao cô khờ quá vậy?

– Chú cũng như tôi chứ có khác gì đâu. Rõ ràng là chú cũng đâu có biết gì về tôi, mà lại bỏ ra một số tiền lớn như thế ... Chú không sợ tôi không trả à?

Chú Thiện nhăn mặt:

– Cô đừng nói vậy. Tiền tài là vật ngoài thân. Tôi giúp cô hoàn toàn không có ý định sẽ lấy lại bất cứ thứ gì. Còn cô đã dùng cả tính mạng của mình để cứu tôi Tôi thật không biết phải đền đáp thế nào nữa.

– Thôi mà! Bỏ đi, nói hoài hà! À! mà chân tôi còn đau. Chú gọi điện thoại cho hai đứa bạn tôi giùm, bảo nó đem vài bộ đồ vô giùm tôi.

Chú Thiện lấy điện thoại ra:

– Cô đọc số đi. Tôi bấm cho cô gọi.

– Vâng.

Thắm đọc số. Bất ngờ điện thoại chú Thiện hiện lên số của Nguyệt Hoa. Chú ngạc nhiên:

– Ủa. Cô quen với Nguyệt Hoa à?

– Vâng. Hóa ra chú cũng biết nó nữa sao?

– Tôi biết. Hiện giờ tôi đang sống cùng nhà với Hoa mà. Tôi là chú của Khang Dũng.

Thắm ngỡ ngàng. Thì ra là như vậy. Trái đất này đúng là tròn thật!

– Vậy ra tôi và chú ở sát vách nhau mà không biết à? Nhà tôi là căn nhà nhỏ có giàn hoa tigôn trắng bên phải nhà ông Thống đấy.

– À, ra thế!

Buồn cười thật. Chú Thiện thích thú:

– Vậy cô là bạn của Nguyệt Hoa?

– Ừ. Tôi học chung với nó mà.

Gọi điện thoại vừa xong, chỉ mấy phút sau Bảo Trâm và Nguyệt Hoa xuất hiện.

Hai cô nhỏ lo lắng:

– Trời đất! Tự dưng đang yên đang lành, sao lại chui vô đây nằm làm gì vậy nè!

– Mày có chán đời quá thì bảo tao chỉ cho cái chùa mà tu. Chứ vô đây chi cho khổ quá vầy?

Bảo Trâm cố tình chọc bạn. Thắm cười nhẹ:

– Quỷ tụi bây! Có đem đồ vô cho tao không?

– Có, đầy đủ hết. Kể cả Kotex.

Trời ạ! Có chú Thiện ở đó mà con nhỏ này cũng “huỵch toẹt” hết luôn. Chịu hết nổi nó mà. Nguyệt Hoa quay sang chú Thiện:

– Lần này thì khổ chú rồi. Làm cho bạn con ra nông nỗi này. May mà nó không sao, chứ nếu không, con sẽ “thịt” chú đấy.

– Ừ, lỗi tại chú ...

Thắm lắc đầu phân bua:

– Tha cho chú ấy đi. Từ nãy giờ chú ấy đã xin lỗi tao liên tục rồi đấy. Tại tao tự nguyện mà, đâu phải tại người ta đâu.

Bảo Trâm chợt cau mày nhại lại:

– “Tại sao tự nguyện mà ...” Ôi, mẹ ơi! Câu này sao nghe ướt át quá vậy.

Nghe ở đâu rồi cà ... Trong mấy bộ phim Hàn Quốc hay có đó. Trời đất! Nói vậy hổng lẽ hai người ...

Trâm nói rồi đưa mắt nhìn Thắm, nhìn sang chú Thiện. Cô làm cho Nguyệt Hoa cũng thắc mắc nhìn theo.

Thắm đỏ mặt cốc đầu cô:

– Cái con này! Đầu óc mày chứa toàn mấy chuyện man man không hà! Làm ơn giùm tao đi!

Trâm há mỏ săm soi:

– Hổng có gì sao mặt đỏ chét vậy cà!

– Gì ...

Thắm cắn môi quay đi. Chú Thiện giải vây cho cô:

– Thôi, tôi về trước. Chiều, tôi vô thăm Thắm. Các cô ở lại đây nhé!

– Vâng. Bye chú!

Chú Thiện đi rồi, Trâm vừa gọt táo vừa đăm chiêu:

– Chú Thiện kể ra thì cũng được. Bề ngoài dễ nhìn, lịch sự, trí thức, lại là giám đốc một công ty. Chỉ có điều, là hơi lớn tuổi.

– Lớn tuổi thì chững chạc trưởng thành, không có lóc chóc chứ sao!

Nguyệt Hoa tiếp lời. Bảo Trâm nghiêng đầu:

– A, mà chú ấy có ai chưa mậy? Hay vẫn còn một mình?

– Nghe anh Dũng nói vẫn phòng không chiếc bóng. Đến giờ vẫn còn cô đơn ...

– Nhưng mà mày ơi, cái tuổi này mà chưa có vợ. Liệu ... chú ấy có vấn đề gì không? Vì dẫu sao cũng có nhiều ưu điểm thế kia. Không có lý nào lại không có ai ưng.

Nguyệt Hoa lắc đầu:

– Chắc cũng không có vấn đề gì nghiêm trọng đâu. Vì tao nghe anh Dũng nói, hồi đó chú ấy bị thất tình, đau khổ suốt một thời gian dài. Từ đó, hổng có quen ai hết ...

– Ừ. Thời nay mà còn tìm được người chung tình như vậy cũng khó à ... Lấy chồng lớn tuổi còn được cưng chiều nữa, khỏi phải lo gì hết. Ê mày! Được đó Thắm! Chịu luôn đi. Tao thấy mối này được đó!

Trâm hất hất mặt nhìn Thắm. Cô phì cười:

– Hai đứa bây tung hứng đủ chưa? Trời ạ! Đúng là đầu óc của nhà văn không hà. Nói mà không sợ chú ấy cười sao?

– Cười gì mà cười chứ! Chú ấy mà vớ được mày thì cũng phước đức lắm rồi.

– Con lạy hai bà! Cho con xin, chuyện chưa tới đâu hết ...

Nguyệt Hoa nheo nheo mắt:

– “Chuyện chưa tới đâu hết ...” A ... lộ tẩy rồi nhé. Còn dám bảo là mày không nghĩ tới chú ấy nữa sao? Có thì chịu đi, làm bộ hoài?

– Thì mày cũng cho con người ta mắc cỡ với chứ!

Hoa tung, Trâm hứng. Hai cô nhỏ này làm Thắm ngượng chín người. Ừ, thì đúng là cô có để mắt tới chú Thiện. Nhưng ... ai biết người ta thế nào. Cũng chỉ mới gặp đây thôi mà. Biết người ta nghĩ sao về mình ...

Chú Thiện về nhà, chân bước đi mà người cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Lắm lúc chú lại tự cười một mình. Khang Dũng im lặng quan sát. Gì vậy nhỉ? Trúng tà hả?

– Này!

– Hửm!

– Chú bị trúng tà hay trúng độc?

– Hì hì ...

“Hì hì ...” Cái nụ cười ngô nghê này sao mà nghi ngờ quá. Trời đất! Lại còn ...

cắn móng tay nữa chứ! Chuyện gì thế này ... Nhìn cái mặt ổng cứ như là đang gặp tiếng sét ấy ...

Dũng nghiêng đầu săm soi:

– Này! Không phải là con sắp ... có thím đó chứ?

– Hì hì ...

Lại “hì hì ...” Vậy tức là đúng rồi!

– Trời ơi! Chúc mừng nghen. Ủa, mà ai vậy?

Khang Dũng thắc mắc. Thời gian này chú ở đây, chắc là người Đà Lạt rồi.

Nhưng mà quen hồi nào vậy cà?

– Dũng này!

– Hửm?

Chú Thiện ngập ngừng:

– Hàng xóm ... là người thế nào vậy?

– Cái gì?

– Cái người ở bên đó đó.

Chú Thiện hất mặt hướng về nhà Thắm. Khang Dũng nhìn theo, anh nhăn mặt:

– Chú nói ai?

– Ừ, thì ... Thắm.

– Hả?

“Thắm?” Trời đất! Là Thắm sao? Cô nhỏ là bạn của Nguyệt Hoa ...

Khang Dũng lắp bắp:

– Chú ... chú thích Thắm hả?

Chú Thiện không trả lời, chỉ đỏ mặt ... ngó lên trần nhà. Khang Dũng đăm chiêu:

– Thắm học chung với Nguyệt Hoa. Cháu cũng đã tiếp xúc vài lần. Trông cô nhỏ hiền ngoan, cũng dễ thương lắm. Nhưng ...

Khang Dũng cắn môi:

– Nhưng ... chỉ sợ cô ấy còn trẻ quá. Sợ .... người ta không ưng chú à ...

– Ừ.

Chú Thiện buồn buồn không nói ... Chú cũng đã lớn tuổi rồi. Cô nhỏ đó còn rất trẻ ... Người ta làm sao mà chịu một ông già như chú. Lẳng lặng cúi đầu đi lên phòng, chú Thiện không cười như lúc nãy nữa.

Khang Dũng thở dài. Bấy lâu không chịu yêu, để cho luống tuối rồi mới chịu để mắt ... Giờ biết làm thế nào ...

Đợi Nguyệt Hoa về, Khang Dũng từ từ dò hỏi cô:

– Thắm có sao không em?

– Ừ, cũng không nặng lắm đâu. Nằm viện theo dõi vài hôm là có thể ra được.

– Hoa này ...

– Hử?

Khang Dũng gãi gãi đầu:

– Thắm ... có người yêu chưa?

– Hả! À, chắc là chưa. Nó đi cùng em suốt. Nó có chắc em phải biết chứ. Ủa!

Mà anh hỏi chi vậy? Có vấn đề gì sao?

– À không!

Khang Dũng giả lả:

– Anh hỏi cho biết mà. Vậy ... vậy em có biết mẫu người đàn ông của cô ấy như thế nào không?

Nguyệt Hoa im lặng. Cô nhìn Khang Dũng. Anh hỏi như vậy ... không lẽ là anh ... thích Thắm sao? Đúng rồi còn gì.. Nguyệt Hoa chợt ngồi thừ người ra. Mắt cô buồn hẳn đi.

Khang Dũng khó hiểu:

– Em làm sao vậy?

– Không ...

Nguyệt Hoa đứng dậy quay đi, cô đáp mà không nhìn anh:

– Em không biết. Anh thích cô ấy thì tự đi mà hỏi.

– Hả! Trời ạ!

Khang Dũng thốt lên – Anh ... anh thích cô ấy hồi nào? Anh hỏi là hỏi cho chú Thiện chứ bộ!

– Cái gì? Chú Thiện à?

Nguyệt Hoa ngẩng mặt lên bất ngờ.

Khang Dũng gật đầu:

– Ừ. Không phải chú ấy thì là ai? Em nghĩ lệch đi đâu vậy? Đồ ngốc!

Miệng Khang Dũng cười cười. Nguyệt Hoa thở phào:

– Ai bảo không nói sớm. Vậy mà em cứ tưởng ...

– Tưởng cái gì?

Nguyệt Hoa bẽn lẽn giấu mặt đi. Cô nàng lảng sang chuyện khác:

– Hóa ra chú Thiện cũng có cảm tình với nó à? Ừ, thì con bé Thắm chắc cũng không có kén chọn lắm đâu. Nhưng cũng còn tùy vào chú Thiện nữa. Để xem chú ấy thể hiện thế nào ...

– Vậy, Thắm có ngại chuyện tuổi tác không?

– Bây giờ là thế kỷ 21 rồi, đâu ai còn quan trọng chuyện đó. Cái chính là hai người có hợp nhau không kìa!

Khang Dũng gật đầu:

– Vậy à? Vậy thì cũng còn may! Chú Thiện lúc nãy mặt buồn xo hà. Chú sợ Thắm chê chú lớn tuổi.

– Ừ. Thì lớn tuổi. Nhưng bù lại, chú có những ưu điểm khác mà. Con bé Thắm đáng yêu lắm. Trong ba đứa bọn em, nó hiền nhất đấy. Chỉ khổ là nó có bà mẹ ham mê cờ bạc lắm. Bác Tám rất thích chơi trò đỏ đen. Ngoài giờ học ra, nhỏ Thắm phải đi làm thêm, dành dụm từng đồng, chắt chiu để trả nợ cho bác ấy. Số nó cũng không sung sướng gì ...

– Hoa này! Hay mình thử tạo điều kiện cho họ há! Thì cứ giúp họ làm quen với nhau thôi. Còn đến được hay không cũng còn phải xem nhân duyên của họ thế nào nữa ...

Nguyệt Hoa nhún vai:

– Ừ, sao cũng được. Chuyện này cũng vui à. Nhỏ Trâm mà nghe được việc này, thế nào cũng vỗ tay tháp tùng. Con nhóc đó là chúa nghịch ngợm mà ...

– Quyết định vậy đi nhé!

Khang Dũng nheo mắt.

Sáng hôm sau, mọi người cùng đi đón Thắm xuất viện. Có cả Việt Khoa nữa.

Anh thủ vai tài xế. Lịch trình hôm nay là tiện thể đi chơi, dành thời gian cho Thắm và chú Thiện làm quen với nhau.

Khoa nhìn qua kính chiếu hậu:

– Từ từ thôi, đừng nôn nóng! Chú làm gì mà căng thẳng dữ vậy. Cái mặt y như khỉ ăn ớt, nhăn nhó vậy ai mà thương cho nổi.

– Mấy đứa coi giùm tao vầy được chưa? Mặc vầy trông có già lắm không?

– Đẹp trai lắm rồi.

Nguyệt Hoa thở dài:

– Có cái áo mà chú bắt con ủi cả chục lần. Quần thì láng o, không dám ngồi.

Khổ quá!

Khang Dũng vỗ vai chú Thiện trấn an:

– Phải đó! Người ta thương là thương tấm lòng. Mấy chuyện nhỏ nhặt này ai mà để ý làm chi.

– Biết là vậy ... Nhưng sao ... run quá!

Việt Khoa liến thoắng:

– Để con bày cho chú cách. Lát nữa có đi chơi với Thắm, chú mà hổng biết nói gì, thì cứ việc nhìn cô ấy rồi cứ nhăn răng ra cười là được. Như vậy người ta nói mình vui vẻ, biết không?

– Thằng này xúi dại! Lỡ như cô ấy tưởng tao khùng, đem tao vô sở thú nhốt chung với mấy con khỉ thì sao!

– Chắc không đến nỗi như vậy đâu. Con bé Thắm cũng hiền lắm.

Nguyệt Hoa chậm rãi:

– Bất quá thì nó sẽ cho chú đu dây điện là cùng, chứ hổng đến nỗi phải vào sở thú đâu.

Khang Dũng chắt lưỡi:

– Đã bảo là không sao mà! Có phải lần đầu đi “cưa” con gái đâu mà lo dữ vậy ... Cứ việc phát huy hết sở trường cho em nó đổ là được.

Tới nơi,Việt Khoa cho xe rẽ vào bệnh viện. Ở bên trong, Bảo Trâm đã thu dọn hết đồ cho Thắm, chuẩn bị xuất viện.

Nguyệt Hoa ló đầu vào hồ hởi:

– Hi! Xong hết chưa? Đi được chưa?

– Xong rồi. Bây giờ chỉ cần chờ một người nào đó dìu bệnh nhân ra xe giùm xíu là được.

Trâm nheo mắt. Thắm lồm cồm ngồi dậy:

– Con nhỏ này! Tao đi được rồi chứ bộ. Cần chi phải dìu với dắt!

– Thắm thấy trong người thế nào? Đã khỏe hẳn chưa?

Chú Thiện từ tốn hỏi. Thắm bẽn lẽn gật đầu:

– Tôi không sao. Tôi đã bình thường lại rồi mà. Chú đến đón tôi thế này có ảnh hưởng đến công việc không?

– Có gì đâu. Không có mà!

Việt Khoa đằng hắng:

– Ủa! Gì kỳ vậy? Ở đây có đến mấy người lận. Tôi và thằng Dũng cũng phải đi làm chứ bộ, sao cô chỉ hỏi có mình chú ấy vậy?

– Ừ, thì ...

Thắm ngập ngừng cười nhẹ. Bảo Trâm đáp thay cô:

– Tại thấy anh khó ưa quá nên người ta không thèm hỏi đó. Vậy mà cũng không biết nữa à?

– Ôi trời! Lại suy bụng ta ra bụng người rồi. Cô làm như Thắm là cô không bằng. Há Thắm há! Ai như cô, con gái gì mà đi thăm bệnh ngồi ăn sạch hết một ký cam của người ta! Thấy phát ớn!

Bảo Trâm cong môi nhìn Việt Khoa:

– Anh ... anh bảo ai ăn hết một ký cam hả?

– Thì cô chứ còn ai! Đừng nói với tôi là cô không có nhé! Miệng cô còn chưa lau hết vải cam kìa. Nhìn là tôi biết liền mà. Ký cam đó là hôm qua tôi chở chú Thiện đi mua cho Thắm, làm như tôi không biết vậy.

– Nhưng mà ... nhưng mà tại con Thắm nó không ăn chứ bộ. Tôi thấy bỏ cũng hư nên mới ăn đó chứ.

Bảo Trâm chống chế. Cái đồ khó ưa mà, tối ngày cứ chống đối với cô. Đồ đáng ghét!

Nguyệt Hoa xua tay:

– Thôi thôi, tôi xin anh chị! Bây giờ đi được chưa? tôi đói lắm rồi!