1 - Bốn năm phấn hồng | Văn án
Bốn năm phấn hồng, mặt trái của một hồi ức đẹp Những nhân cách tha hoá, những tâm hồn mục ruỗng dưới áp lực của hư danh và tiền bạc. “Bốn năm phấn hồng” là những cuộc chiến khắc nghiệt của các nữ sinh chống lại những thử thách của hoàn cảnh: đơn độc, thiếu thốn, bị ức hiếp, bị thôi miên bởi đồng tiền và dục vọng. Càng nếm trải cuộc sống, họ càng chua chát nhận ra tính thị trường hoá của nó… Di Phấn Hàn, Tô Tiêu, La Nghệ Lâm, Trịnh Thuấn Ngôn, Trương Hàm Yên, Trần Thuỷ, Diệp Ly, Lưu Sa Sa, mỗi cô gái một tính cách, một tâm tư, một lối sống, họ là những đại diện của thế hệ sinh viên mới.Khác nhau về quê hương, hoàn cảnh gia đình nhưng họ đã cùng nếm trải những áp lực của cuộc sống xa nhà trong bốn năm kí túc xá. “Bốn năm phấn hồng” là những cuộc chiến khắc nghiệt của các nữ sinh chống lại những thử thách của hoàn cảnh: đơn độc, thiếu thốn, bị ức hiếp, bị thôi miên bởi đồng tiền và dục vọng. Càng nếm trải cuộc sống, họ càng chua chát nhận ra tính thị trường hoá của nó: hàng hoá gia sư, hàng hoá bạn trai, hàng hoá sắc đẹp, hàng hoá tình yêu,…ai trong số các thiếu nữ chưa từng bị lừa trong các cuộc mua bán trá hình này: Trần Thuỷ bị lừa mất sự trong trắng, Lưu Sa Sa sa lầy bán dâm và tự sát, Diệp Ly ăn cắp và bị đuổi học, Tô Tiêu cặp bồ có thai phải đi phá,…. Vấp ngã và đau đớn, và khóc nhưng vẫn phải sống. Bởi cái chết của Lưu Sa Sa lơ lửng trên đầu họ như một lời cảnh cáo cho những kẻ muốn bỏ dở cuộc chơi. Cuốn sách giống như một sự lộn trái đời sống đại học. 439 trang giấy đầy rẫy những toan tính xảo quyệt hay khờ dại. Tô Tiêu hết xoay xở để trở thành tâm điểm thu hút sự tán tỉnh của các chàng trai đến tính toán bồ bịch với đại gia giầu có; La Nghệ Lâm dã tâm như Tư Mã Chiêu, lúc thường thì khinh người, bắt nạt mọi người trong phòng kí túc xá nhưng khi tranh cử lớp trưởng thi xả thân hầu hạ, xu nịnh người khác, sau này lại yêu gã bí thư đoàn trường vừa xấu người xấu tính để dễ thăng tiến chính trị; ngay cả một cô gái không tầm thường như Trịnh Thuấn Ngôn cũng từng đặt điều với người yêu để bôi nhọ Tô Tiêu,….Đồng thời, dường như không ở đâu những thói tật kinh niên của nữ sinh được miêu tả trần trụi và đầy ám ảnh như trong “Bốn năm phấn hồng”: từ thói “buôn dưa”, thói tỵ nạnh đến bệnh hình thức. Sức mạnh sát phạt của miệng lưỡi con gái hiện lên qua cái lưỡi chua ngoa cay nghiệt của La Nghệ Lâm, qua cái lưỡi “nói ngọt lọt đến xương” lẳng lơ của Tô Tiêu đến cái mồm nói như máy khâu của Trần Thuỷ. La Nghệ Lâm từ bêu rếu Diệp Ly chuyện bữa ăn chỉ có củ cái trắng đến tàn tệ chửi mắng cô bạn chuyện vệ sinh hàng ngày, Trần Thuỷ và bạn bè lục trộm tủ quần áo của Tô Tiêu để thẩm định nhãn mác quần áo, Tô Tiêu lẳng lơ buôn điện thoại cả nửa giờ đồng hồ với người yêu bạn cùng phòng. Di Phấn Hàn đã gọi miệng lưỡi con gái là “biển nước bọt”, ngập ngụa những lời bịa đặt nhảm nhí. Độc giả sẽ cảm nhận một cách rõ ràng cái không khí nghẹt thở của môi trường “âm thịnh dương suy”- giống như của nhà giam tội phạm bị tình nghi, bởi mọi hành vi của con người sẽ bị săm soi, mọi sơ hở sẽ được khai thác triệt để để làm phong phú thêm nội dung những bài buôn dưa hùng hồn như những bản cáo trạng. Thông qua những ám ảnh triền miên và khủng khiếp của Di Phấn Hàn, chúng ta rùng mình trước sức băng hoại của cái chất độc ngay trong lòng cuộc sống và trong lòng những người thiếu nữ còn trong trắng như cánh bướm non. Họ không lo sợ thiếu tiền bằng việc bị nhìn như những kẻ không có tiền, họ thà bị kẻ mạnh ức hiếp còn hơn mạo hiểm chống đỡ, nhưng lại sẵn sàng ức hiếp kẻ yếu hơn mình một cách tàn nhẫn, .... Giới trẻ đã sống vô tâm và độc ác như thế. Vụ tự sát kinh hoàng của Lưu Sa Sa, việc Diệp Ly trở thành kẻ ăn cắp không phải do số phận mà là do bị đầu độc đến chết về thể xác và linh hồn. Không phải nữ sinh không cảm thấy sự “vỡ vụn”, “ tàn tạ” của tâm hồn. Di Phấn Hàn, Tô Tiêu, Trần Thuỷ, Diệp Ly, Trịnh Thuấn Ngôn,... đã khóc, đã để tang cho mỗi vết thương không lành đó. Cuốn sách tràn ngập những lời sám hối tuyệt vọng và cay đắng, những sự nức nở của lương tâm:“Chúng tôi đều không phải là người xấu, chúng tôi cũng không có mâu thuẫn gì to tát, chúng tôi không muốn dồn ai đó vào chỗ chết. Nhưng chúng tôi cũng lại là những kẻ ích kỉ và ngu xuẩn. Đó là những mâu thuẫn không thể cứu chữa, không thể điều chỉnh”. Tuy nhiên, thế giới của cuốn sách không chỉ toàn một màu u ám lạnh lẽo. Giống như trong câu chuyện ngụ ngôn mà địa ngục là nơi quỷ sa tăng cất giữ nhứng báu vật của sự sống, cuộc sống đại học càng khan hiếm tình người càng khát khao tình yêu, càng nghèo nàn tiền bạc càng dạt dào mơ ước. Ngay từ đầu cuốn tiểu thuyêt đã quay cuồng trong những cuộc săn đón điện thoại của bạn trai trong phòng kí túc xá. Những hồi chuông diết dóng đó là sự báo trước những cuộc săn lùng tình yêu sẽ nổ ra không ngớt suốt “Bốn năm phấn hồng”. Bạn sẽ tìm thấy trong hàng chục cuộc tinh chớp nhoáng của cô nữ sinh xinh đẹp Tô Tiêu một sự thực lớn hơn sự sa xút về phẩm hạnh, đó là sự đáng thương của nỗi cô đơn tuyệt vọng của con người. Tình yêu với thiếu nữ không chỉ là sự tất yếu của dục vọng mà chính là sự khát khao tìm hồn đồng điệu, tìm sự chở che. Đẹp hơn nữa, cuốn tiểu thuyết viết về tuổi xuân thiếu nữ là độ hoa tình yêu sẽ nở mê đắm. Bởi còn gì mê đắm hơn là khi quyện hoà sự trong trắng và bồng bột, là những con tim lần đầu đập loạn nhịp luôn vội vàng muồn cắn trái tình yêu. Trần Thuỷ say đắm một chàng không quen biết trên mạng, Trịnh Thuấn Ngôn bác học lại yêu khờ dại một tay chơi “Võ lâm truyền kì” đến độ quyên ăn quên ngủ, còn Di Phấn Hàn đã yêu tuyệt vọng một người có vợ,…Đó là những thứ tình yêu dại dột mà khiến người ta mê mẩn vì sự trong trắng tuyệt mỹ của chúng ngay giữa cuộc đời đã bị đồng tiền làm cho nhem nhuốc. “Bốn năm phấn hồng” giống như cuốn nhật kí của một sinh viên đại học. Lối viết dung dị mà tinh tế, sắc sảo mà hài hước của Dịch Phấn Hàn thật dễ đi vào lòng người. Bạn đọc sẽ cảm thấy như đang được nghe lại câu chuyện vê chính cuộc đời mình một cách cực kì hấp dẫn, bất ngờ và thậm chí gây sốc. Dù bạn đã, đang hay chưa từng trải qua cuộc sống đại học như vậy, bạn sẽ không ít lần cảm thấy giật mình về chính mình.