Lời nói đầu của dịch giả

Xin chân thành cảm ơn chị CTT (Chân Trời Tím) đã chia sẻ quyển sách này với Thư Quán. Trong quyển sách này, bối cảnh và các câu chuyện mà tác giả dẫn chứng, các sự kiện lịch sử, các địa danh… là vào những năm thập niên 50. Chính vì vậy, khi xem qua quyển sách này các bạn đọc cần lưu ý cột mốc thời gian và các dẫn chứng mà tác giả đưa ra trong nội dung, trong đó bao gồm cả từ ngữ phổ thông thường được dùng lúc bấy giờ mà ngày nay chúng ta ít nghe hay sử dụng. Chúc các bạn vui vẻ.

ldlvinhquang.

* * *

Tâm lý học là một khoa học người ta thường nhắc nhở đến nhiều nhất, song cũng là một môn khoa học mà ít người hiểu nó nhất, lại càng ít người biết áp dụng một cách hữu ích trong đời sống thực tiễn.

Trong rạp hát, sau khi anh kép cao hứng xổ một tràng lý luận dài dòng và kết thúc bằng một câu đại để: “Tiền! Tiền! Than ôi đời này chỉ có tiền, chỉ vì tiền, tiền là tất cả. Tiền! Tiền! Vì mi mà người ta đã phạm bao nhiêu tội ác”. Một tràng pháo tay phát lên từ những hàng ghế cuối cùng, ông khán giả ngồi kề tôi cũng gật đầu nói với người bạn: “Đúng là tâm lý hết sức!”.

Cô Hai bán hàng đọc xong một quyển “tâm lý xã hội ái tình, tiểu thuyết” trong đó kể lại một câu chuyện cũ rích như quả địa cầu đại khái: Chàng yêu nàng, dan díu với nàng, nhưng sau đó nghe lời cha mẹ bỏ rời nàng để cưới một cô gái khác có bề thế hơn, bình phẩm với cô bạn đồng sự: “Thật đúng là tâm lý người đời!”.

Đó, đại để phần đông người ta chỉ hiểu tâm lý học qua một vài điểm tâm lý sơ đẳng như thế. Ngoài ra họ không biết rõ tâm lý học nghiên cứu những gì, những phương pháp hoặc công dụng của tâm lý học ra sao cả.

Chúng ta đừng nghĩ rằng những người văn hóa khá cao, những người đã từng theo học lớp triết học ban tú tài chẳng hạn có một ý niệm rõ rệt hơn về tâm lý học. Vâng, trong những lớp triết học họ có học qua môn tâm lý học thật, các giáo sư giảng giải cho họ biết những sinh hoạt của tình cảm, của trí thức, có định nghĩa cho họ hiểu thế nào là ý thức, thế nào là vô thức. Họ cũng phân loại các khuynh hướng, các cảm giác, các ảnh tượng. Họ cũng biết phân biệt thuyết chủ nghiệm khác thuyết chủ lý ra sao. Nhưng sau mấy năm đèn sách, mớ trí thức họ đã thâu thập về tâm lý học vẫn lẻ tẻ, rời rạc, có thể thỏa mãn óc tò mò của trí thức nhiều hơn là giúp ích cho họ. Vì thế không mấy người biết nhận định một cách rõ rệt, tổng quát về cái “khoa học của đời sống” ấy và khi bước ra thực tế không mấy người biết áp dụng tâm lý học một cách có ích lợi.

Về tâm lý học, ngoài các phần tâm lý học thuần túy mà người ta cũng gọi là tâm lý học ở nhà trường, còn phần tâm lý học thực tiễn, cái phần tâm lý học “có thể dùng vào một công việc gì” mà các nhà tâm lý học hiện giờ, nhất là những nhà tâm lý học Anh–Mỹ vốn vẫn có óc thực tiễn, đặc biệt chú trọng và đang hướng những tìm tòi, khảo cứu của họ vào đó.

Người ta có thể áp dụng tâm lý học vào các ngành đại để:

Về y học: Khoa phân tâm thần học, tâm lý học.

Về chức nghiệp: Hướng dẫn trong việc chọn nghề, tuyển trạch người làm, tổ chức công việc làm.

Về giáo dục: Hướng dẫn việc học, tuyển trạch, tâm lý nhi đồng, khoa sư phạm.

Về thương mại: Bán hàng, quảng cáo.

“Và ngay trong đời sống hàng ngày, người ta luôn luôn có dịp nhờ đến tâm lý học để nhận định rõ rệt cá tính của người mình giao tiếp, để hiểu rõ dục vọng, sở thích của họ, để biết họ muốn gì, suy nghĩ những gì và cảm tưởng họ ra sao. Người bán hàng cần biết gợi sự ham thích của khách hàng để họ mua hàng. Nhà y sĩ cần biết phán đoán về người bệnh. Viên sĩ quan cần hiểu những binh sĩ dưới tay mình. Nhà văn cần hiểu tâm lý các nhân vật mình tạo ra. Vợ chồng cần hiểu nhau. Cha mẹ cần hiểu con cái.

Đó âu cũng là một khuyết điểm lớn của nền giáo dục hiện tại, chỉ quan tâm đến chữ “Trí” mà ít nghĩ đến chữ “Hành”, chỉ lo dạy cho bạn trẻ “biết” thật nhiều điều mà không dạy cho chúng “biết hành động” hoặc ít ra vạch cho chúng “biết đường lối để hành động”. Các giáo sư thường nhồi nhét vào óc các sinh viên mớ hiểu biết hỗn tạp với những lý thuyết, những giả thuyết, những tài liệu, những thí nghiệm mà các nhà tâm lý học xưa nay đã thâu thập. Có mấy người đã biết vạch cho bạn trẻ rõ: Bằng cách nào người ta có thể dùng tâm lý học để phát triển cá tính của mình, có thể dùng kỹ thuật tâm lý học nào để làm cho mình thêm sức hăng hái hoạt động hoặc thêm sức chịu đựng, dùng tâm lý học cách nào để quan sát, phân tách và nhận xét tâm tính của những người mình gần gũi?

Vì thế, đa số các bạn trẻ (kể luôn những bạn trẻ có học) rất ngỡ ngàng khi bước ra đời thực tế và họ thường tỏ ra bất lực khi phải hành động. Mớ kiến thức của họ chỉ là những món đồ trang hoàng chứ không phải là những dụng cụ có thể giúp họ xây dựng một đời sống tươi đẹp cho riêng cá nhân họ chứ đừng nói đến việc thực hiện những công cuộc gì lớn lao có thể giúp ích cho xứ sở, cho nhân loại.

Quyển “La Connaissanee Des Hommes” của Philippe Girardet mà chúng tôi đã dịch và trình diện sau đây là một quyển sách thực tiễn. Tác giả vốn là một nhà văn nhưng đã từng lăn lộn trong giới doanh nghiệp, gần gũi với thực tế nên những sách ông soạn phần nhiều đều có tính cách thực tiễn. Dựa vào một lý thuyết về cá tính con người của hai giáo sư F. Achille Delmas và Marcel Boll, ông thử áp dụng thuyết ấy vào đời sống thực tiễn và theo lời ông thú nhận: “Không lúc nào ông thấy nó sai”. Đặc biệt nhất là ông đã khéo trình bày một vấn đề trừu tượng bằng một cách rất “sống”, ông đã khéo giảng giải một khoa học khúc chiết một cách rất sáng sủa.

Riêng chúng tôi, cũng nhờ may mắn có dịp đọc qua quyển “La Personnalité Humaine” của F. Achille và M. Boll mà thấy thích thú nghiên cứu về tâm lý học và cũng đặng hiểu nó một cách rõ ràng hơn. Chúng tôi cũng đã thử áp dụng tâm lý học một cách ích lợi trong nhiều ngành mà chúng tôi đã có dịp trình bày với độc giả hai quyển “Nghề Bán Hàng” và “Tâm Lý Ái Tình”. Cũng từ lâu rồi, chúng tôi có ý định giới thiệu lý thuyết của hai giáo sư ấy với độc giả trong nước nhưng chưa biết phải trình bày thế nào cho dễ hiểu vì nếu dịch thẳng quyển “La Personnalité Humaine” của F. Achille và M. Boll ra Việt văn thì chắc không bổ ích bao nhiêu vì hai nhà tâm lý học này trình bày thuyết của họ theo lối các nhà bác học nghĩa là đứng trên tầm hiểu biết của họ mà giải thích, bất chấp trình độ hiểu biết của phần đông độc giả, thì học chăng chỉ có ích cho một số hiếm người đã từng gần gũi với nhiều loại sách tâm lý. Tình cờ chúng tôi có dịp đọc quyển “La Connaissance Des Hommes” của Philippe Girardet trong đó tác giả cũng có ý định như chúng tôi là thử giải thích thuyết ấy cho đa số người đọc có thể hiểu, lẽ dĩ nhiên là cho độc giả Pháp, và thử áp dụng thuyết ấy vào đời sống thực tiễn.

Ông Philippe Girardet đã viết một quyển sách chúng tôi định viết. Không phải mất thì giờ để làm lại công việc đã có người khác làm và làm rất hay, chúng tôi thấy chỉ việc xin phép tác giả cho dịch sách ấy ra Việt văn là có thể thực hiện ý định của mình. Tác giả đã vui lòng cho phép và hôm nay quý độc giả có dịp đọc quyển “Biết Người”, tâm lý học áp dụng vào đời sống thực tiễn, sớm hơn chúng tôi đã tiên liệu.

Sở dĩ chúng tôi dịch quyển “Biết Người” vì muốn giới thiệu với độc giả một khoa học rất hữu ích: Tâm lý học, mà nhất là vì đó là một quyển sách phổ thông kho học đã đặng viết bằng một lối văn hết sức giản dị, dễ hiểu. Đó là một thí nghiệm chứng tỏ người ta có thể giảng giải những khoa học khúc chiết bằng một lối văn thông thường cho mọi người có thể đọc và hiểu. Tác giả có nói rõ ý định của mình ở chương đầu sau đây. Riêng về phần tác giả, chúng tôi nhận thấy ông đã đạt mục đích một cách rực rỡ. Những ai từng có dịp đọc qua quyển “La Personnalité Humaine” của F. Achille và M. Boll và quyển“La Connaissance Des Hommes” của Philippe Girardet ắt cũng phải đồng ý với chúng tôi rằng chính ông sau này đã giúp chúng ta hiểu rõ lý thuyết của Delmas và M. Boll còn hơn hai người cha đẻ ra thuyết ấy.

Nhưng về phần dịch giả, chúng tôi có đạt được mục đích ấy chăng? Điều đó cũng còn tùy sự rộng lượng của độc giả. Khoa tâm lý học đối với chúng ta còn mới quá, sách về tâm lý chưa có bao nhiêu, chúng ta lại thiếu cả những danh từ về tâm lý học. Vì thế trong sách này mỗi khi phải dùng đến một danh từ hơi chuyên môn hoặc chưa được thống nhất chúng tôi có chua thêm tiếng Pháp để độc giả có dịp đối chiếu và ở phần sau sách chúng tôi có làm một tự vựng giải thích các danh từ ấy.

Tin rằng một khi đã hiểu qua những khó khăn ấy, quý độc giả chẳng những sẽ không “quá nghiêm khắc” đối với chúng tôi mà còn sẵn lòng chỉ bảo cho những khuyết điểm và chúng tôi xin có lời thành thật cảm ơn trước.

Dịch giả cẩn chí

Tháng 5/1956