Bà Vân xách bao ny lông rác định đem ra sân để dồn vào thùng rác lớn, nhưng mới ngang qua phòng con trai và con dâu thì bà nghe tiếng gần như quát tháo của con dâu:

- Anh nói với mẹ anh nếu cứ đem ba cái mắm ấy về nấu trong nhà hôi hám thế này thì anh với bả dọn ra riêng ở chớ tôi không chịu nổi nữa rồi đó!

Bà Vân vội vàng nép mình vào tường, quay lui đặt bao rác xuống cạnh chân bàn, ngồi thở dài ảo não. Không biết đây là lần thứ mấy rồi bà nghe con dâu phàn nàn về về việc nấu nướng của mình. Đang ở với vợ chồng con Thuận ở Việt Nam thật dễ chịu thì hồ sơ bảo lãnh của Tuấn được Mỹ cứu xét và cho bà sang đoàn tụ. Trước đây, Tuấn làm đơn bảo lãnh cả mẹ lẫn em gái, nhưng vì đợi quá lâu nên Thuận sang ngang. Ngày phái đoàn Mỹ gọi phỏng vấn, bà phân vân, nửa muốn đi, nửa không nỡ rời xa con gái. Nhưng Tuấn phôn qua năn nỉ hoài khiến bà mủi lòng. Hồ sơ đang ngon trớn thì diện ODP tạm ngưng để ưu tiên giải quyết cho những người thuộc diện HO và con lai. Và khi bà có tên đi Mỹ cũng là lúc Tuấn cưới vợ đã được một năm. Khi còn ở Việt Nam nghe con báo tin lập gia đình, bà vui đến mất ăn mất ngủ vì bà tưởng tượng ra cảnh gia đình đầm ấm của con trai và con dâu – tối tối chồng đọc báo, vợ thêu thùa, bà nội thì đùa giỡn với cháu... Nhưng đến Mỹ rồi bà mới hoàn toàn tuyệt vọng vì con dâu của bà đã... như Mỹ. Tuấn vì mẹ một phần, một phần căn nhà này không có tên chàng đứng nên luôn luôn chịu lép vế trước vợ. Có lần bà hỏi con vì sao vợ chàng cứ hăm he đuổi chàng và mẹ ra khỏi nhà, thì Tuấn cũng thành thật kể cho mẹ biết là Tuấn và Hân – vợ chàng – đang chuẩn bị mua nhà thì Tuấn bị thất nghiệp do đó để công việc được trôi chảy và lúc đó tiền lời đang hạ, nên buộc lòng để vợ và người em vợ, Như, đứng tên. Sau khi Tuấn có việc lại thì mẹ có tên đi Mỹ trong vài tháng, nên thôi không nghĩ đến việc đổi tên (hơn nữa cũng vì quá bận rộn với công việc mới). Vả lại, chàng nghĩ nhà cửa này là tài sản có được do sự chung sức của hai vợ chồng chàng hàng tháng chứ không phải riêng của vợ và em vợ, chắc cũng không sao. Khi bà Vân đến Mỹ thì hay biết con dâu đang mang thai. Chẳng biết vì thai hành hay tính con dâu của bà... y như Mỹ nên lúc nào cũng coi như không có mặt bà trong nhà này.

- Anh giỏi đụng đến tôi xem!

Tiếng quát của Hân, con dâu bà, làm bà giật mình, vội vàng xách bịch rác ra sân không dám quay đầu lại.

*

Suốt đêm không ngủ, bà Vân ngồi thừ người trong nhà bếp với ánh sáng hiu hắt bên ngoài khung kính rọi vào. Tuấn xuống bếp định mở tủ lạnh lấy nước uống, chàng giật mình khi thấy mẹ ngồi đó, chàng thảng thốt la lên:

- Mẹ! Cả đêm mẹ không ngủ à?

Bà Vân thở dài:

- Nghe vợ chồng con gây gổ, mẹ buồn quá, ngủ không được. Tuấn, con ngồi xuống, mẹ muốn nói chuyện với con một lần để giải quyết vấn đề được không?

Tuấn vịn vai mẹ, năn nỉ:

- Mẹ, mẹ lại muốn ra ở riêng nữa, phải không? Mẹ à, mẹ hiểu và thương con một chút được không?

Giọng của bà Vân chùng xuống như khóc:

- Không! Mẹ định về lại Việt Nam sống với vợ chồng con Thuận. Ở đây con được yên ổn hơn.

Ánh đèn tự dưng bật lên sáng trưng. Hân hiện ra với bộ mặt hần hầm:

- Mới sáu giờ sáng, hai người ngồi đây nói hành nói tỏi gì tôi đó?

Tuấn run lên vì giận, chàng lại phía vợ, cung tay lên:

- Hân! Em thật là quá đáng!

Hân thụt lùi, có sợ hãi nhưng vẫn bướng bỉnh:

- Nếu không nói xấu tôi sao không mở đèn?

Bà Vân vẫn cố giữ giọng ôn tồn:

- Mẹ ngủ không được, đang ngồi đây thì chồng con xuống uống nước. Mẹ đang có ý định chờ vợ chồng con thức dậy, mẹ nói chuyện cho cả hai cùng nghe.

Bà không đợi cho con dâu hỏi bà, bà nói luôn một hơi:

- Mẹ biết mẹ qua đây làm xáo trộn cuộc sống của các con, mẹ sẽ gọi phôn về báo cho vợ chồng con Thuận sắp xếp cho mẹ về Việt Nam ở luôn.

Hân lặng thinh trước quyết định của mẹ chồng, nàng nhìn Tuấn dò hỏi, Tuấn lạnh lùng nói lẫy:

- Em đối xử với mẹ tốt quá, thôi để anh lo liệu cho mẹ về lại Việt Nam cho rồi.

*

Từ lúc gọi về Việt Nam để chuẩn bị cho mẹ về lại ở luôn, Tuấn lúc nào mặt mũi cũng buồn rười rượi. Hân biết trước sau gì mẹ chồng cũng đi nên nàng bớt ồn ào trong nhà.

Còn hai tháng nữa ở Mỹ, bà Vân ở riết trong phòng, cố đan cho con trai, con dâu những chiếc áo len để dùng mùa Đông sắp tới. Ngoài ra, bà còn đan những đôi găng tay, tất và mũ cho cháu nội tương lai của bà... Bà đến Mỹ theo diện ODP nên không có tiền trợ cấp xã hội, bà chỉ tằn tiện mỗi tháng tiền con trai cho bà dành để mua sắm lặt vặt, bà dùng số tiền đó mua len.

Từ khi quyết định trở về, bà đợi con trai và con dâu đi làm, bà lo toan việc nhà xong là ngồi xuống đan. Bà ngậm ngùi khi nghĩ đến ngày bà rời Mỹ, và hy vọng con trai, con dâu và cháu nội mặc những thứ này sẽ nhớ đến bà nhiều hơn.

*

Chiều nay, bà đang tưới cây, thì người đưa thư đậu xe ngay trước nhà, bà đặt bình nước xuống, đi ra nhận thự Bà vui sướng khi thấy lá thư có viền xanh đỏ. Đó là thư từ Việt Nam gửi quạ Bà áp vào lòng với tất cả mến thương. Tưới hết bình nước, bà vội vào nhà, khóa cửa lại và mở thư ra đọc. Thư của Thuận, con gái bà. Thuận cho biết sẽ xây thêm phòng để cho mẹ về lại quê hương ở cho rộng rãi. Nàng đang lo liên lạc với phường khóm giải thích về sự trở về của mẹ. Có một đoạn, Thuận ca ngợi chị dâu hết lời. Chị dâu là người tốt, không phải con ruột mà lo lắng cho mẹ mình khiến điều này Thuận cũng thấy thẹn và hứa khi mẹ về nàng cũng sẽ lo lắng cho mẹ thật chu đáo. Bà Vân thở dài vì mấy lá thư trước, Thuận cứ hỏi mãi về tính tình của Hân nên bà đã nói đại là tốt lắm, chăm sóc cho bà chu đáo, bà muốn về vì ở đây suốt ngày trong nhà buồn, vắng vì vợ chồng Tuấn đều đi làm cả. Ra ngoài đi dạo thì quá lạnh, bà không chịu nổi. Bà định bụng sẽ dặn Tuấn điều này vì bà không muốn khi bà về Việt Nam Tuấn kể lại cho Thuận biết lý do mẹ về không phải vậy. Xếp bức thư lại, vừa nhét vào bao thư thì điện thoại reo. Bắt máy lên, bà nghe một tràng tiếng Mỹ và có tên “Li”. Bà hiểu là tên của Hân, họ Lê, người Mỹ hay gọi người khác bằng họ thay vì tên. Thấy bà chỉ ú a ú ớ ở đầu dây, chừng một phút, bên kia đâu dây ngưng. Bà vội quay phôn cho Tuấn. Chiều lòng mẹ, chàng gọi phôn qua sở của Hân mới hay nàng bị té khi bước xuống thang lầu trong giờ ăn trưa. Tuấn báo lại cho mẹ biết và chàng vội vào bệnh viện thăm tình hình của vợ xem sao. Bà Vân cuống cuồng lên khi nghĩ đến cái bào thai trong bụng con dâu. Bà ngồi bên điện thoại, lòng như lửa đốt. Chuông điện thoại chưa dứt, bà vội cầm lên:

- A lô! Mẹ hả, con, Tuấn đây!

Giọng bà lo âu:

- Sao? Vợ con thế nào?

- Mẹ yên tâm! Chỉ té nhẹ thôi, nhưng thai bị động. Có thể sẽ sanh sớm vài tuần, không nguy hiểm lắm.

Bà không nghe hết câu, đã khóc nức lên. Tuấn an ủi mẹ:

- Mẹ, bên Mỹ này có gì đi nữa bác sĩ cũng làm được hết. Mẹ sửa soạn đi, con về chở mẹ vào đây thăm nó.

Cúp điện thoại rồi, bà vội vàng đi thay quần áo. Không đầy nửa tiếng đồng hồ thì Tuấn đã về tới, Bà vẫn bồn chồn:

- Bây giờ ra sao hả con?

- Lúc con đi, bác sĩ đã cho vào phòng sinh để sinh. Bây giờ mình đi ngay đi mẹ!

Bà Vân ngồi trên xe lâm râm cầu nguyện. Ngang qua ngã tư, đèn đỏ, Tuấn với tay cầm tay mẹ:

- Con không hiểu sao mẹ thương con Hân quá mà nó không biết?

Bà cố nở nụ cười cho con yên lòng:

- Có lẽ cái số của mẹ vậy con à. Kệ, nay mai mẹ về Việt Nam, tụi con vui vẻ với nhau rồi là mẹ mừng. Vợ chồng con Thuận nó hạnh phúc, mẹ an tâm lắm. Chỉ có con là long đong thôi. Mẹ rất muốn ở với con mà vợ con nó cứ gay gắt với mẹ, gây gổ với con hoài, mẹ đành về để cho tụi con vui vẻ. Mẹ mừng chớ không buồn gì đâu con!

*

Khi Hân xuất viện, bà Vân chăm chút cho con dâu từng li từng tí, đêm đêm cũng tự bà pha sữa cho cháu nội. Bà ngậm ngùi chỉ vì còn hơn một tháng nữa là bà rời khỏi đây, xa con trai, xa con dâu và xa đứa cháu nội đỏ hỏn sinh thiếu tháng.

Những bước đi của Hân khi cần vào nhà vệ sinh bà đều dìu dắt vì nàng còn yếu lắm.

Hân phôn cho em gái biết nàng bị tai nạn. Em gái tỉnh bơ: Ở Mỹ này chuyện đó là chuyện chẳng có gì đáng quan tâm, đó cũng như trở bàn tay của bác sĩ thôi! Hân ngỡ ngàng trước thái độ của cô em. Nàng chẳng nói gì. Về giường nằm gác tay lên trán, nước mắt trào ra khi nghĩ tới hai chị em qua Mỹ lẽ ra phải thương yêu nhau lắm, nhưng sao Như lại vô tình như vậy.

Bà Vân vào phòng nhìn con dâu, thấy như đang khóc, bà hỏi:

- Con sao vậy? Vết mổ cấn đau lắm hả?

Hân lắc đầu. Trong lòng có tí chút ăn năn vì đã cư xử không tốt với mẹ chồng. Bà Vân ân cần bước sát đến giường con dâu, nói nhỏ nhẹ:

- Con có cần mẹ gọi thằng Tuấn về không?

Bà biết tính con dâu bà ương ngạnh. Có lẽ đau lắm nó mới khóc như thế. Bà cố dỗ dành:

- Mẹ biết con đau lắm, thôi con cứ gọi nó về coi thử có cần vào bệnh viện lại không, nghe!

- Thôi! Mẹ đừng nói nữa.

Giọng Hân tự dưng cau có. Bà Vân hoảng hốt đứng nhích ra, im lặng. Một lúc thật lâu, thấy con dâu quay mặt sang hướng khác, bà định bước ra ngoài, không hiểu sao bà lại dừng lại, lên tiếng:

- Mẹ biết con không thích mẹ, mẹ cũng sắp về Việt Nam rồi, mẹ muốn giúp con một thời gian để sau này có xa mẹ, vợ chồng con cũng khỏi phải ân hận.

Hân quay mặt lại, dịu giọng:

- Con hơi đau thôi, Mẹ khỏi gọi anh Tuấn về.

*

Chiều nay, Tuấn về sớm vì có hẹn với bác sĩ phải đem con vào bệnh viện để tái khám. Chàng bảo vợ:

- Em không được khỏe, cứ ở nhà để mẹ ẵm con đi với anh vì hôm nay anh cũng đưa mẹ đi lăn tay chụp hình về Việt Nam luôn. Giấy tờ xong là tuần sau ra đại lý lấy vé.

Nghe nói mẹ chồng về Việt Nam, lần đầu tiên Hân hơi đau nhói trong lòng, nhưng rồi nàng vẫn lạnh lùng gật đầu.

Tiếng xe đã xạ Hân bước xuống giường, lững thững đi vào phòng mẹ chồng. Nàng không hiểu để làm gì. Bản tính ích kỷ, nàng tò mò muốn biết bà sẽ đem những gì về Việt Nam. Nhìn căn phòng vuông vức, chỉ có cái giường và một cái bàn nhỏ, một tủ quần áo cũ kỹ, lòng Hân hơi nao nao. Mấy cái bao ny lông để nơi góc giường, nàng lấy tay mở ra nhìn vào. Một ít quần áo cũ của nàng vứt bỏ cho từ thiện, mẹ chồng nàng đã lấy bớt lại, chắc định đem về Việt Nam? Một bao khác nhỏ hơn có hai lố dầu xanh (cái mùi dầu mà nàng ghét thậm tệ, không hiểu sao ở Việt Nam ai cũng thích, kỳ thật. Và ít bịch kẹo chocolat . Rồi một bao khác là áo len, mới tinh, nàng kéo ra: một áo đàn bà, một áo đàn ông, một đôi vớ, một đôi găng tay của con nít, một cái nón tất cả đều bằng len, cùng một màu. Nàng tóm gọn lại như cũ. Đến bàn, kéo hộc ra: một lá thư của cô Thuận, em gái của chồng. Hân không nén được tò mò, cô mở ra đọc thật nhanh. Tự dưng Hân nổi gai ốc khi thấy cô em chồng đã ca ngợi mình một cách trìu mến, bằng lời thư rất mộc mạc nhưng nói rất rõ ràng rành mạch là nhờ mẹ cám ơn chị dâu. Hân ngồi phịch xuống giường đọc hết lá thự Xong nàng bỏ thư vào phong bì cất lại chỗ cũ, định bước ra khỏi phòng, nhưng thuận tay nàng lại kéo hộc bàn thứ hai, rồi hộc thứ ba... một quyển vở có chữ viết chi chít, nàng cầm sát lên để đọc:

Hai con Tuấn Hân yêu quý của mẹ,

Từ lúc chuẩn bị về Việt Nam, mẹ ngày đêm cố đan nốt một số đồ ấm cho hai con và cháu nội của mẹ. Mẹ biết ở Mỹ này không thiếu thứ gì quần áo đẹp, nhưng mẹ muốn tự tay mẹ lo cho các con một chút quà để khi mẹ đi rồi, mỗi mùa Đông các con và cháu dùng đến , nhớ đến tấm lòng của mẹ dành cho hai con. Mẹ từng ước ao qua Mỹ gặp con trai của mẹ để mẹ lo lắng cho con. Giờ đây con đã có gia đình đàng hoàng thì mẹ rất yên lòng. Mẹ mong khi không còn mẹ Ở đây nữa, hạnh phúc ở mãi với hai con. Mẹ dù gì cũng mới xa Việt Nam, hơn nữa từ trước tới giờ nhà mình nghèo mẹ ăn mắm muối quen rồi những món thịt thà bên Mỹ mẹ cố tập cho vui lòng hai con mà mẹ nói thật vẫn chưa quen. Lâu lâu mẹ vẫn thèm mắm nêm, cá kho... Không ngờ điều này đã làm cho hai con lục đục. Thôi thì sau này, hai con sống với nhau là coi như mẹ mừng. Hai con đừng áy náy, buồn phiền gì khi mẹ về Việt Nam và mẹ cũng mãn nguyện là đã sống với các con một thời gian. Mẹ về lại quê nhà có chết cũng được ở gần với ba các con.

Hai con của mẹ, nhìn Hân ngủ say sau khi ở bệnh viện về, mẹ mừng nó đã thoát khỏi tai nạn. Mẹ muốn viết thêm vào lá thư này một vài điều căn dặn là sau này mẹ tới Việt Nam rồi, các con đừng nói gì cho hai vợ chồng con Thuận biết chuyện ở đây. Có nói thì toàn chuyện vui không, thôi nghe!

Hân đọc đến đó là hết bức thự Mẹ viết chưa xong. Nàng bỏ quyển vở vào hộc bàn và đóng lại. Trở về phòng mình, Hân ngồi yên lặng. Suy nghĩ. “Có thể nào ta vô tình vô tâm trước một người mẹ như thế sao?” Nàng úp mặt vào lòng hai bàn tay, nàng tự hỏi giờ này mình giữ mẹ lại ở Mỹ còn kịp không? Tiếng mở cửa của Tuấn, tiếng oa oa của con, tiếng âu âu của bà nội khiến Hân mừng rỡ. Nàng tiến ra phòng khách, chưa kịp hỏi gì thì Tuấn lên tiếng trước:

- Bác sĩ nói sức khỏe thằng cu tốt lắm em ạ. Tháng sau trở lại tiêm ngừa lần chót.

Rồi nhìn mẹ, Tuấn nói luôn: Mẹ đã xong giấy tờ, tuần sau lấy vé. Bây giờ chỉ chờ visa , họ sẽ gọi mình đến lấy.

Giọng Tuấn trầm xuống:

- Thôi mẹ về Việt Nam cho yên!

Hân bước đến bên mẹ, cầm tay bà, nàng lên tiếng:

- Mẹ! Mẹ Ở lại Mỹ với tụi con!

Bà Vân tưởng mình nghe lầm, giương mắt nhìn con dâu đăm đăm. Tuấn hỏi lại:

- Em vừa nói gì, nói lại coi!

Giọng Hân hạ thấp hơn:

- Em muốn mẹ Ở lại với tụi mình! Ngày mai anh mua một lò ga để khi nào mẹ muốn ăn cá kho thì nấu ở phía sau nhà. Mẹ! Mẹ có chịu ở lại với con không?

Bà Vân nghẹn ngào:

- Con nói thật hả Hân?

- Dạ, con xin lỗi mẹ. Mẹ trả lời đi! Mẹ Ở lại với tụi con, đừng về Việt Nam nữa, nghe mẹ!

Bà Vân ấp úng:

- Mẹ thích lắm chớ, nhưng mẹ nói sao với con Thuận đây?

- Con hứa với mẹ, con sẽ nói hết với Thuận. Lỗi ở con! Mẹ tha lỗi cho con nghe mẹ!

Bà Vân ôm chặt cháu nội vào lòng, mắt rưng rưng vì cảm động. Tuấn siết tay vợ, quàng tay qua vai mẹ cười sung sướng:

- Từ nay có lẽ con là người đàn ông hạnh phúc nhất trên thế gian này.

Tiếng khóc của thằng cu tự dưng ré lên, Tuấn cười bảo: “Nó đang la lên: ba nói đúng quá, ba nói đúng quá!”

Cả bà Vân và Hân cùng cười lên, lần đầu tiên ngôi nhà như rực rỡ màu hồng. Bà Vân cười qua màn nước mắt: “Cám ơn Trời Phật đã nghe tiếng tôi cầu nguyện”

Hết