Chiếc thuyền chèo đã trôi xa giữa lòng đại dương mênh mông. Năm ngày. Năm đêm. Con thuyền chòng chành như thân gỗ mục không định hướng rời xa cuộc sống loài người, đi dần về hướng mặt trời. Có nhiều hôm, những cơn bão nhẹ lướt tới, gió làm mặt biển xao động. Mưa miền nhiệt đới tưới mát cơn oi bức, trút xuống những cây nước khổng lồ làm nhòa đi tầm nhìn về bên kia thế giới. Và đêm nay, trăng tròn lủng lẳng treo giữa những đám mây, chiếu tia sáng lờ mờ, ma quái xuống biển đen đang lên cơn hấp hối. Tôi biết, giờ phán xét đã tới. Con thuyền ngả nghiêng theo những đợt sóng lớn. Tôi nằm ngửa mặt nhìn trời cười lên sằng sặc. Giờ phán xét đã đến.

Tôi là gã đàn ông trung niên đã sống non nửa đời người, chưa làm được điều gì thiết thực để tối thiểu còn cảm thấy mình có ích cho cuộc sống. Non phân nửa cái cuộc đời thảm hại đó có ít nhất 100 lần, tôi đã có ý định tự tử. Khi tôi đã khẳng định cuộc đời này không còn gì có thể níu giữ chân mình, nhưng tôi đã không làm điều chi để kết thúc nó một cách chóng vánh, sòng phẳng, thắt cổ chẳng hạn, như thế có nghĩa là tôi hèn, không dám đối mặt với cái chết. Hôm nay, tôi ra đi êm ả, nhưng không vì thế mà số phận của tôi mất đi cái dáng vẻ chết chóc đầy kịch tính.

Con thuyền đã trôi sâu vào đại dương mênh mông. Tôi nhắm nghiền đôi mắt. Nước biển lạnh lùa trên da thịt, mặn đắng. Biển níu chân rồi kéo tôi xuống, sau nhiều giây giằng co với nỗi chết, biển lại đẩy tôi lên. Thân thể tôi trôi lềnh bềnh, lắc lư theo từng đợt sóng. Mưa đã tạnh. Bão đã dứt. Ánh trăng dằng dặc treo trên đỉnh trời tỏa xuống một thứ ánh sáng cắt da thịt. Tôi nằm ngửa và chờ đợi cái chết đến với mình một cách thản nhiên, chầm chậm…

Tôi là gã đàn ông trung niên đã sống non nửa đời người, chưa làm được điều gì thiết thực để tối thiểu còn cảm thấy mình có ích cho cuộc sống. Tôi sinh ra vào năm mà người dân nước tôi gọi nó bằng cái tên đầy ấn tượng, Tết Mậu Thân. Tôi không nhớ rõ mình đã được sinh ra nơi nào, chỉ biết rằng, do người khác kể lại, tôi là một đứa trẻ lên 4 được cứu sống sau khi cha mẹ, anh chị em và hàng chục, hàng trăm gia đình khác đã bỏ mạng trong một ngôi làng nhỏ ven sông sau một trận đánh khốc liệt. Tôi lớn lên từ một viện mồ côi. Năm 1975, tôi bỏ viện đi lang thang được vài tháng rồi quay về chốn cũ. Tôi được chăm lo ăn học không đến nổi tệ, nhưng thiếu thốn mọi thứ cho đến khi tôi được 18 tuổi. Từ đó, tôi rời hẳn viện cô nhi sống vất vưởng trên hè phố và làm tất cả mọi việc chân tay để kiếm sống. Mang bộ mặt tái xanh kinh niên cùng với hai cánh tay khẳng khiu, đôi chân run rẩy và một thân hình ốm đói, tôi đại diện cho một tuýp người sống ở thời nào cũng chỉ là một kẻ bên lề. Nghèo mạt hạn, thiên hạ bỉ cực, nhưng tôi là người có nhân cách, không chịu thua cuộc trước bất cứ một thử thách nào của cuộc sống, nghĩa là, tôi có trách nhiệm với đời mình. Những lúc thất nghiệp và đói mờ con mắt, tôi vẫn cam chịu, lê thân hình còm nhom, động đậy tay chân làm những công việc tạp nhạp để có được vài hạt cơm ấm lòng. Như thế, tôi là người biết tự trọng, đúng không? Từ năm 1987, Sài Gòn bắt đầu có một cuộc chuyển mình. Nhiều người đã bắt kịp thời vụ làm một cuộc đổi đời ngoạn mục. Riêng tôi, vẫn nghèo và đói, luôn là kẻ đứng bên lề. Cuộc chơi của thiên hạ có tầm chiến lược. Những cặp mắt trơ tráo, man dại, những cái cúi đầu trầm uất bên cạnh những nụ cười mãn nguyện, những cánh tay giơ khỏi đầu, những bắp thịt chắc nịch mang những thân hình thế kỷ xông về phía trước. Trong đó, không có tôi, một kẻ ngoại đạo, khập khễnh bước những bước chân xiêu vẹo đầy tâm trạng.

Hơn 10 năm đổi mới, Sài Gòn thay đổi hẳn bộ mặt, vừa xông xáo, năng động, tươi tắn, vừa trâng tráo, trơ trẽn và bụi bậm. Nhà cửa nhiều tầng trên các ngả đường như những hồn ma từ các ngôi mộ hoang ùn ùn đứng dậy. Các cửa hiệu khang trang chất đống những quan tài hàng hóa. Những con phố mới tấp nập ngựa xe, những dòng người ngược xuôi hối hả đưa đám tang những giấc mơ lên thiên đàng. Tôi không có chổ đứng trong sự hiện hữu đầy thách đố đó. Tôi cảm thấy bất an. Và nhìn thiên hạ qua lăng kính của một kẻ luôn đứng bên lề.

Tôi thuê một chiếc xích lô của một thương gia giàu để làm kế sinh nhai sau bao nỗ lực thay đổi cuộc đời đều bị thất bại. Hằng ngày, từ tờ mờ sáng, tôi đạp xích lô qua hết các ngõ ngách tâm hồn dân thành phố, đạp toát mồ hôi trán để có được một bữa cơm đạm bạc thay cho nỗi buồn ngổn ngang gặm nhấm cuộc đời. Hai mùa mưa nắng trôi quạ Sài Gòn lên cơn động kinh như các cô gái đang xuân nhịp nhàng những điệu nhảy quay cuồng bên trong các vũ trường. Tôi tồn tại chủ yếu là nhờ họ, những con bướm sống về đêm. Ban ngày, tôi đưa đón đủ hạng người. Về đêm, trên chiếc xích lô thô kệch, khách hàng của tôi là những cô gái nhảy tìm về với các động thiên thai. Sài Gòn quyến rũ về đêm. Ánh đèn màu tỏa nhiệt rọi xuống lòng đường những khuôn mặt mỏi mệt, thiếu ngủ của các cô vũ nữ. Mùa hè, Sài Gòn có những trận mưa đêm làm sạch đường phố, làm mát những cột điện là nơi tựa lưng của những cô gái điếm. 2 giờ sáng một ngày cuối tuần, mưa tầm tã dội lên mái ngói, thổi tốc váy những cô gái ăn đêm hối hả tìm về nơi cư ngụ. Tôi trải tấm pông-sô nhựa phủ lên chiếc xích lô rồi chui vào nằm tránh mưa (đã nhiều lần như thế). Tôi nằm nghe những giọt nước mắt của trời rơi lộp độp và tuôn nhẹ vào hồn một nỗi buồn trống vắng. Tôi vừa chợp mắt thì bên ngoài bỗng có tiếng động lao xao và những tiếng bước chân hối hả đi tới. Tấm pông-sô được vén lên, một khuôn mặt ướt đẫm nước mưa nhoè nhoẹt son phấn, hiện ra trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn đường làm tôi giật mình. "Mưa lớn quá. Anh cho em vào trú tạm một lúc, đến khi mưa tạnh rồi mình cùng về."Thân chủ của tôi co ro trong chiếc váy cụt ngủn.Tôi nhìn cô im lặng. Cô gái nở một nụ cười thân thiện, quăng nhẹ cái túi xách vào lòng chiếc xích lô rồi đưa hai bàn tay bấu vào thành xe trèo lên. Mưa vẫn ầm ì nặng hạt. Cô thản nhiên cởi tung quần áo ướt đẫm đang mặc trên người, thay thế bằng một bộ đồ ngủ hoa hoè được lấy ra từ cái túi xách. Trời vẫn mưa tầm tã. Gió thổi mạnh. Ngọn đèn đường chao đảo. Cơn lạnh thấm vào da thịt. Cô gái ngượng ngiu. áp vào người tôi rên rỉ. Tiếng ho húng hắng hòa với tiếng mưa đêm tạo nên một cảm giác thê lương bao trùm. Tôi ghì cô gái vào lòng. Những xúc cảm nhè nhẹ bất chợt trổi dậy trong từng mạch máu. Chúng tôi nói chuyện và hôn nhau thật lâu. Rồi lần tay cởi tung quần áo trên người. Cô gái tốn khá nhiều thời gian để kích thích cho dương vật của tôi cương cứng lên được. Chiếc xích lô cử động lên xuống nhịp nhàng theo những động tác làm tình xung mãn. Trong lúc cảm giác thích thú của tôi gần lên đến tột đỉnh thì tấm pông-sô bị giật tung lên. Chúng tôi trần truồng nhìn nhau ngỡ ngàng. Mưa đã tạnh. Đường phố bắt đầu một ngày mới sớm sủa với những tiếng động lao xao của người qua lại. Đứng cạnh chiếc xích lô, 2 người công an nhìn chúng tôi trân trối đầy vẻ đe dọa, miệng quát tháo những câu hằn học. Chiếc xích lô bị niêm phong. Tôi và cô gái nhảy bị tống ngay vào trại giam vì mang cái tội làm ô uế thành phố.

Tôi là gã đàn ông trung niên đã sống non nửa đời người, chưa làm được điều gì thiết thực để tối thiểu còn cảm thấy mình có ích cho cuộc sống. Tôi ra tù. Sài Gòn lại có thêm nhiều sự biến đổi. Thành phố đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Sau 3 tháng ở tù, tôi không còn lại gì. Căn chòi tranh được dựng lên tạm bợ cách đây khoảng hơn 1 năm ở một khu lao động nghèo đã bị phá vỡ. Một vùng đất rộng hơn 1 hecta được san bằng và đang được cho dựng lên một cơ sở kinh doanh nào đó mà tôi không được biết. Tôi cũng chẳng cần biết.

Tôi ngồi hàng giờ trên chiếc ghế đá trước chợ Bến Thành, nhìn thiên hạ ngược xuôi qua lại. Sài Gòn tháng giêng nóng bức và bụi bậm, thỉnh thoảng, vài cơn gió thổi qua làm xao động nhè nhẹ những cành cây trơ trọi dưới ánh mặt trời. Cơn đói cồn cào trong dạ, nhưng tôi vẫn ngồi bất động hàng giờ nơi đó. Tôi chưa biết mình phải làm gì, nhưng nhất định không bao giờ tôi chịu hạ mình đi xin sự ban bố tình thương nhỏ nhoi của thiên hạ. Như thế, tôi là người biết tự trọng, đúng không?

"Chú cho cháu xin 1 ngàn để cháu ăn bánh." Thằng bé loắt choắt cứ ve vãn bên tôi từ sáng.

Trời ạ, tao cũng đang đói meo như mày. Đi chỗ khác mà xin tiền, nhanh lên, bám vào tao là chết cả lũ đó con ạ.

"Chú cho cháu xin 1 ngàn để cháu ăn bánh." Giọng thằng bé càng thêm khẩn kíp.

Âm thanh tạp nhạp cứ thế lập đi lập lại bên tai. Tôi nổi nóng, nhưng lại tội nghiệp thằng bé, nó chỉ khoảng 7, 8 tuổi, hoàn cảnh của nó có khác chi mình.

"Cháu ạ, đi xin tiền người khác đi, chú cũng nghèo và đang đói như cháu. Chú không thể giúp cháu được."

Nghe bảo thế, thằng bé nhìn tôi từ đầu đến chân một lúc, tỏ vẻ ngạc nhiên rồi bĩu môi bỏ đi. Tôi vẫn ngồi bất động như thế suốt một buổi sáng.

Tôi tìm một nơi có bóng râm, đặt mình nằm xuống và cố vỗ giấc ngủ để quên đi cơn đói đang cồn cào trong dạ.

"Chú ơi, dậy đi chú. Cháu có bánh cho chú đây này."

Tôi cựa mình. Bàn tay nhỏ nhắn vẫn tiếp tục lay tôi dậy. "Chú ơi, dậy đi chú. Cháu có bánh cho chú đây này." Tôi mở choàng đôi mắt ngáy ngủ nhìn trừng trừng vào khuôn mặt lấm lem của thằng bé ăn xin buổi sáng. Tội nghiệp thằng nhỏ, nó kiên nhẫn nhìn tôi chờ đợi sự phẫn nộ sắp bùng nổ. Cơn giận dữ của tôi vừa bùng lên rồi tiêu tan ngaỵ "Chú ơi, cháu có bánh cho chú đây này." Thằng bé vẫn nài nỉ. Cơn đói làm tôi hoa mắt. Thằng bé đặt miếng bánh vào lòng bàn tay của tôi. Tôi cảm thấy bất lực, chần chừ nhìn chầm chập vào cặp mắt lém lỉnh của nó rồi rụt rè đưa miếng bánh lên miệng, nhai ngấu nghiến.

Sài Gòn bắt đầu lên đèn. Thằng bé ăn xin đưa tôi về chỗ của nó. Đó là một góc kín bên dưới một gầm cầu bắc ngang một con kênh bốc lên nồng nặc mùi hôi thối và dập dềnh rác rưởi. Tôi đã ngủ lại nơi đó một giấc ngủ đầu tiên ngon lành sau nhiều tháng trằn trọc bởi những cơn ác mộng bên trong bốn bức tường kín mít của trại giam. Sáng sớm, tôi vừa thức dậy thì thằng bé đã biến mất. Giữa trưa nó quay về với một túi xách đầy thức ăn trên taỵ Nó bày thức ăn lên một tấm cạc tông. Tôi ngạc nhiên nhìn nó thật lâu, vẻ rắn rỏi, trưởng thành phát tiết lên cặp mắt trẻ thơ tinh nghịch làm tôi lo sợ. Nó bảo thức ăn nó tự mua bằng đồng tiền nó vừa xin được từ một người đàn bà tốt bụng. Sáng sớm nào nó cũng đi ăn xin như thế cho đến khi trời tối mịt.

Tôi nhận thằng bé làm con. Nó đối xử tử tế với tôi như đối với một người cha thất lạc nhiều năm vừa mới tìm gặp. Tôi đi tìm việc nhiều nơi để chứng tỏ mình là một người đàn ông chân chính, có trách nhiệm, ít nhất là với đứa con vừa nhặt được, tôi nghĩ thế. Nhưng, đã nhiều ngày qua vẫn không có một người nào chịu thu nhận. Thằng bé vẫn hằng ngày đi xin ăn và vẫn hằng ngày mang về cho tôi những bữa cơm thanh đạm, nhưng no lòng. Và tôi biết, tôi không thể tiếp tục để cho tình trạng cứ kéo dài mãi như thế. Một sáng, tôi bảo với nó:

"Hôm nay, con phải ở lại đây, bố sẽ thay con đi tìm thức ăn về cho hai bố con mình. Nhớ, con là con của bố, con phải nghe lời của bố, không được đi đâu cả."

Tôi đi, nhưng thật sự không biết mình phải làm cách nào có được vài ngàn để mua một suất cơm mang về cho thằng bé. Đi mãi cho đến chiều tối, bụng đói cồn cào. Tội nghiệp cho thằng nhỏ chờ tôi trở về từng giờ, từng phút. Tôi mệt mỏi lê bước, mắt dõi theo chiếc bóng còm nhom của mình đổ dài trên đường nhựa. Tâm trạng ngổn ngang những xót xa, phiền lụy. Tôi chưa biết mình phải làm gì, nhưng nhất định không bao giờ tôi chịu hạ mình đi xin sự ban bố tình thương nhỏ nhoi của thiên hạ. Như thế, tôi là người biết tự trọng, đúng không? Cuối cùng, tôi bỏ cuộc, trở về với hai bàn tay không. Thằng bé có lẽ vì quá đói lả người, nằm ngủ say bên trong tấm chăn nhàu nát. Hôm sau, tôi lại một mình ra đi từ sớm. Và chiều tối trở về cũng với hai bàn tay không. "Bố quá mệt mỏi." Tôi bảo với nó. "Bố đã không lo được cho con và cũng chẳng giúp được gì cho chính mình. Bố vô dụng và đã không làm tròn bổn phận của bố. Từ nay, bố không muốn làm bố của con nữa. Bố sẽ ra đi và con hãy cố tự lo cho mình." Thằng bé nghe xong ngã nhào vào lòng tôi khóc rưng rức. Nó bảo:

"Con không muốn xa bố. Bố con mình sẽ sống chết có nhau. Bố phải nghe lời con, cứ ở nhà, con sẽ đi kiếm tiền về nuôi bố."

"Bố mệt mỏi lắm rồi. Bố không muốn tiếp tục có trách nhiệm với con. Bố không muốn làm bố của con nữa.Con muốn làm thế nào thì làm."

"Thế thì con sẽ thay bố, làm những việc cần thiết mà người cha phải làm.”

Do dự một lát, tôi bảo:

"Ừ, thế cũng được. Bố cho con được làm cha của bố." Tôi ậm ừ cho qua chuyện.

"Con sẽ làm cha của bố. Làm cha của bố, bố phải nghe lời con, cứ ở nhà, con sẽ đi kiếm tiền về nuôi bố."

Thằng bé thì thào trong tiếng khóc nức nở, nhưng tỏ vẻ vui sướng. Tôi im lặng nhìn thằng con nuôi, tinh thần bấn loạn.

"Ngày mai, bố ở nhà đợi con." Nó lau nước mắt và nói giọng cả quyết.

Sáng sớm, tôi chưa thức giấc thì thằng nhỏ đã đi mất. Chiều về, ngoài thức ăn, nó còn mang cho tôi một cái kính mát và một cây gậy gỗ. Hôm sau, nó rủ tôi xuống phố. Mọi kế hoạch 'làm ăn' đều do thằng nhỏ quyết định, vì nó đang làm cha của tôi kia mà, đúng không? Nó bảo, tôi phải nghe lời nó thì hai bố con mới có một con đường sống mà vẫn không mất nhau. Tôi giả người mù, chống gậy đi theo thằng bé. Đeo cặp kính đen, tôi cảm thấy mình tự tin hơn để nhìn thẳng vào cuộc đời. Nhìn ngắm những cô gái đẹp, tôi thèm muốn được làm tình với tất cả mà không hề lo sợ bị một ai cho là mình khiếm nhã. Tôi có quyền ước mơ như thế. Tôi lẩn trong đám đông, cố bước những bước đi đàng hoàng lùi xa thằng bé để thiên hạ không ngộ nhận mình là kẻ ăn xin. Như thế, tôi là người biết tự trọng, đúng không? Một người đàn bà có phong thái giàu sang đang từ trong một quán ăn bước ra. Đường sá tấp nập người bộ hành và xe cộ qua lại như mắc cửi. Tôi nghe lời thằng bé chặn đường hỏi chuyện người phụ nữ. Thằng nhỏ làm gì lúc đó, thật sự tôi không rõ. Tôi chỉ biết rằng, trong lúc nói chuyện với người đàn bà, tôi bỗng giật mình vì có tiếng la bắt kẻ móc túi của những người qua lại. Sau đó là tiếng còi toe toe của người công an đuổi theo kẻ trộm. Thằng nhỏ băng nhanh qua đường. Chiếc xe du lịch vừa trờ tới rồi tông vào thằng bé văng ra xa vài mét. Nó nằm bất động nơi có vũng máu chảy loang loáng trên mặt đường nhựa.

Cái chết của thằng con nuôi đã khiến cho tôi có cảm giác mình đang bị rơi xuống vực thẳm. Con đường từ chợ Bến Thành đến bệnh viện Chợ Rẫy không có những bồn hoa chắn lối đi. Vỉa hè nức nẻ, khập khễnh những viên gạch ố vàng ngổn ngang lẫn với nhiều rác rưởi. Những căn nhà bê tông đứng xiêu vẹo bên những thân cây già cỗi. Những khung cửa sổ trống hoác nhìn xuống con đường ngược xuôi xe cộ. Một đám đông những hình thể con người cử động nhịp nhàng xung quanh không có chút gì dính dáng đến cuộc đời tôi. Con đường từ bệnh viện Chợ Rẫy đến gầm cầu không thắp sáng những ngọn đèn nê- Ong. Không gian tối mò mò. Tôi chỉ thấy toàn xác chết. Tôi nằm vật vã nơi đó, một góc nhỏ thu hẹp dưới gầm cầu, nhiều ngày qua, nơi mà thằng bé đã nương náu tấm thân nhiều năm kể từ cái ngày nó rời bỏ quê hương miền Trung khô cằn sỏi đá của nó đến với mảnh đất Sài Gòn hoa lệ để kiếm sống. Và cũng từ nơi đó, nó đã vĩnh viễn ra đi.

Tôi là gã đàn ông trung niên đã sống non nửa đời người, chưa làm được điều gì thiết thực để tối thiểu còn cảm thấy mình có ích cho cuộc sống. Tôi trốn khỏi bệnh viện tâm thần Chợ Quán sau một tháng bị nhốt trong đó. Tôi được đưa vào cái bệnh viện ôn dịch này từ lúc nào tôi chả biết, và họ đã tiêm bao nhiêu thứ thuốc 'an thần' vào người tôi, tôi cũng chẳng haỵ Ra viện, tôi chỉ thấy người tôi bần thần. Đầu óc nhiều khi như bị chập điện. Tôi vẫn còn mang một bộ mặt tái xanh kinh niên cùng với hai cánh tay khẳng khiu, đôi chân run rẩy và một thân hình ốm đói, tôi đại diện cho một tuýp người sống ở thời nào cũng chỉ là một kẻ bên lề. Nhưng đời sống của tôi có khả quan hơn một chút kể từ khi tôi tìm được một công việc tạm bợ có thể nuôi sống thân mình. Trong một ngày, nếu bán hết tập vé số, tôi có thể kiếm được vài chục ngàn. Buổi tối, với số tiền dành dụm ít ỏi, tôi vẫn có thể tự đãi cho mình một ly cà phê đen trong cái quán bên vỉa hè trên đường Đồng Khởi. Tại đây, tôi đã gặp cô gái. Cô ta còn trẻ, khuôn mặt toát lên một vẻ thánh thiện ma quái. Tôi thấy, đã nhiều đêm cô vẫn ngồi bất động ở một góc quán chật hẹp. Cô tỏ ra lạnh lùng với thế giới xung quanh, thỉnh thoảng nhìn tôi bằng cặp mắt có một chút thân thiện. Cô ngồi hàng giờ như thế. Ánh đèn đường chập choạng chiếu lên khuôn mặt biến dạng từng lúc khiến tôi bần thần. Cô chủ động đến bên cạnh, đôi tay bấu víu khoảng không như muốn níu chặt người tôi vào lòng. Đám đông những hình thể con người xung quanh không dính dáng gì đến cuộc sống của chúng tôi. Cô nắm lấy tay tôi đứng dậy. Tôi mất tự chủ, âm thầm bước theo cô gái. Chúng tôi đã đi trong đêm thật lâu, vượt qua một cánh đồng khô đến một căn nhà gỗ nằm cạnh một dòng sông có nhiều rác rưởi và mùi hôi thối. Bên trong le lói một ngọn đèn dầu. Chúng tôi trần truồng nằm ôm nhau trên chiếc giường tre đặt sát bên tấm vách. Cô gái tốn khá nhiều thời gian làm những động tác kích dục, nhưng dương vật của tôi vẫn không thể cương cứng lên được. Cô nắm bàn tay tôi đặt xuống âm hộ của nàng, tôi thấy nó vẫn khô khốc đến thảm hại, những sợi lông cong queo như muốn xiết chặt các lóng tay làm tôi tê điếng. Bao nhiêu nỗ lực đã được đếm bằng những giọt mồ hôi tuôn ra làm trơn khuôn ngực của cô gái, nhưng không đủ ướt đậm cái vũng sâu dưới háng mà cô đang cố bành ra mời mọc. Chúng tôi rời nhau như hai khúc củi khô mục. Có tiếng cười khẩy. Tôi nhìn trừng trừng vào bóng đêm nhờ nhợ. Không có ai. Tiếng cười vẫn nấc lên, từng chặp, phả luồng hơi lạnh buốt tởm lợm lên hai thân thể trần truồng rã rượi. Tôi nhắm nghiền mắt lại. Trong mơ màng, tôi nghe văng vẳng trong đầu tiếng ai đó thì thầm:

"Tình yêu loài người là thế đó ông ạ. Những điều thiêng liêng đã không còn tồn tại. Những xúc cảm tự nhiên đã bị tắc nghẽn. Cô gái muốn trao hết cho ông những gì cô ấy có thể để chứng minh sự hiện hữu của mình. Nhưng, tất cả chỉ còn là niềm tuyệt vọng đớn đau. Đời sống hiện thực là sự bất lực của ông và là sự khô cạn vùng âm hộ đời cô tạ Hai người phải ra đi và không nên giữ lại những gì mà mình không có hoặc đã đánh mất."

Tôi ậm ừ rồi thiếp đi từ bao giờ. Sáng dậy, tôi thấy mình nằm trần truồng trên cánh đồng khô, và cô gái đã biến đâu mất. Đêm hôm đó, tôi trở lại cái quán bar nằm nơi vỉa hè trên đường Đồng Khởi. Tôi hỏi thăm tất cả mọi người có mặt thường xuyên nơi ấy, và không một ai có thể cho tôi biết đã từng gặp cô gái lạ tại đây. Thiên hạ bảo, chỉ nhìn thấy tôi ngồi nói chuyện một mình.

Con thuyền đã trôi sâu vào đại dương mênh mông. Tôi nhắm nghiền đôi mắt, nước biển lạnh lùa trên da thịt, mặn đắng. Biển níu chân rồi kéo tôi xuống, sau nhiều giây giằng co với nỗi chết, biển lại đẩy tôi lên. Thân thể tôi trôi lềnh bềnh, lắc lư theo từng đợt sóng. Mưa đã tạnh. Bão đã dứt. Ánh trăng dằng dặc treo trên đỉnh trời tỏa xuống một thứ ánh sáng cắt da thịt. Tôi nằm ngửa và chờ đợi cái chết đến với mình một cách thản nhiên, chầm chậm…

Muốn chết thật không phải dễ. Đã hai ngày qua, tôi vẫn trôi lềnh bềnh trên mặt biển mặn chát. Nằm ngửa mặt nhìn lên, tôi có cảm giác nếu giơ hai cánh tay lên cao, tôi có thể kéo bầu trời ập xuống sát đời mình, để che chở sự đơn độc, trống vắng bởi cái mênh mông kinh khiếp của biển, như một sự đe dọa. Những lúc mặt trời lên cao trên đỉnh đầu, tôi lại sợ hãi cái nóng khô khốc đốt cháy những lớp da trần trụi. Tôi lật người, úp mặt xuống biển để chờ đợi sự phán xét cuối cùng vỗ ầm ầm xuống cột sống. Những hôm biển lặng, trời trong mát mẽ, tôi nằm ngửa mặt nhìn trời cười lên sằng sặc. Nước biển tràn lên da thịt rát bỏng. Trên người tôi chỉ còn lại một mãnh vải che kín phần bụng, bên dưới, cái dương vật ngọ ngoạy lắc qua lắc lại theo nhịp đập của những đợt sóng. Gió phe phẩy đẩy những dòng nước biển mát rượi tràn lên bụng, ve vuốt thịt da và gây cho tôi một cảm giác mê hoặc, dương vật bỗng dưng cương cứng. Tôi buồn vì sức lực không còn, rồi bỗng vui vô kể. Tôi vui vì dương vật cương cứng có nghĩa là tôi còn rât yêu đời.

Biển mênh mông không bến bờ. Tôi nhắm nghiền đôi mắt, nước biển lạnh lùa trên da thịt, mặn đắng. Biển níu chân rồi kéo tôi xuống, sau nhiều giây giằng co với nỗi chết, biển lại đẩy tôi lên. Thân thể tôi trôi lềnh bềnh, lắc lư theo từng đợt sóng. Tôi nằm ngửa và chờ đợi cái chết đến với mình một cách thản nhiên, chầm chậm…

Hết