Chương 1
Danh lợi ư? Quyền lộc ư? Tôi chán ngấy tất cả và đã đi đến quyết định trở về làng. Ở đó tôi có mẹ, có người thầy đầu tiên từng dạy tôi những bài học vỡ lòng về đạo làm người. Tam tự kinh "Nhân chi sơ, tính bổn thiện... " ở làng còn có nấm mồ mối tình đầu của tôi... Nghĩa là về với làng, tôi sẽ có tất cả. Mỗi khi lòng mình lấn bấn, trí mình tù túng, bức bối, tôi lại trở về làng. Quê hương bao giờ cũng dành cho tôi lời mách bảo đúng đắn nhất để mình vững bước trên đường đời.Về tới làng, việc trước tiên, tôi tới thăm thầy học. Thầy sống thọ, tuổi đã ngoài tám mươi mà da dẻ vẫn hồng hào, râu tóc dù đã bạc nhưng đầu óc còn minh mẫn. Chỉ tội, đôi mắt thầy, vì bom đạn chiến tranh, giờ chẳng còn nom thấy gì. Thầy tôi đang ngồi ở tràng kỷ với cái điếu bát đặt trên bàn. Tôi bước vào và lễ phép chào thầy. Một nét mừng rỡ thấy rõ trên gương mặt thầy: - Ai như anh Siêu? Lâu ngày anh mới về làng. - Thưa thầy, thầy nhận ra con sao?- Trời phú cho kẻ kém mắt. Tôi vẫn nhớ tiếng nói của anh. Thầy đưa tay ra hiệu bảo tôi ngồi xuống bên, rồi sờ sờ lên mái tóc tôi, vuốt xuống má, xuống cằm, xuống cổ, xuống hai vai tôi... bao âu yếm cứ như với một cháu nhỏ. Đoạn thầy hỏi: - Tóc anh bạc chưa? - Thưa thầy, đã hết nửa mái đầu. - Nghe ra tiếng nói của anh còn khỏe. Thầy ngoái vào nhà trong, gọi cháu nhỏ đem nước chè xanh lên, và thầy trò chúng tôi bắt đầu câu chuyện hàn huyên... Hết chuyện nhà cửa họ hàng, sang chuyện xóm làng. Qua trò chuyện, tôi thấy lòng thầy toát lên một nỗi buồn: dân làng quá ít học hành, đã bao đời nay vẫn mang tiếng "làng dốt", "làng mít"... Nhưng rồi, thầy trở lại an ủi: - May còn có anh đi ra học được chữ nghĩa, làm nên nhà văn, cũng mở mày mở mặt cho xóm làng chút ít. Qua lời thầy, tôi cảm thấy có gì xót xa trong lòng. - Thưa thầy, con có đáng gì, chỉ là một nhà văn loại năm, loại sáu.- Nhà văn cũng được xếp loại ư anh? - Thưa thầy, đó là con tự biết và tự xếp lấy. Thầy khẽ gật đầu: - Khiêm tốn, tự biết mình đó là đức tính đáng quý. Nhưng con nghĩ, thầy cũng đừng nên quá buồn, chẳng qua xóm làng mình chưa tới vận hội. Song chả đến nỗi nào, làng ta cũng đã có người làm nên chức nên quyền rồi đấy, thưa thầy. - Anh muốn nói tới ông Gừng phải không? - Dạ, thưa thầy, đó cũng là một ví dụ. Thầy như chợt nhớ, đưa tay sờ lên trán và hỏi: - Anh vẫn còn nhìn thấy vết sẹo ở đây chứ? - Dạ, còn mờ mờ. - Hồi nhỏ học với tôi, nhà ông Gừng ấy, đã lấy son tự khuyên vào bài mình. Thấy vậy, tôi mắng: "Đừng hỗn thế". Vậy là ông ta cầm cả đĩa son ném thẳng vào trán tôi, chữ thầy trả thầy luôn. - Thầy chép miệng, lắc đầu và thở dài - Nhà ông ấy, đã không có chữ lại không có nghĩa.Đang lúc bên ngoài bỗng có tiếng ồn ào, rồi một đoàn người kéo thẳng vào sân nhà thầy. Trong đó có người lên tiếng hỏi: - Cụ Mộc có nhà không? - Có tôi đây. Ai như ông Riềng? Thầy tôi trả lời. Người lên tiếng lúc nãy bước vào. - Đúng rồi, Riềng đây. Tôi có việc phải phiền đến cụ. - Ông chủ tịch cần gì cứ nói! Giờ tôi mới biết đây là ông Riềng chủ tịch xã. Đoàn người đi theo ông vẫn đứng lố nhố ngoài sân, nam có, nữ có... - Chả là... - Tiếng nói ông Riềng rõ to - mảnh đất xã vừa nhượng lại cho tôi, chẳng rõ từ đâu, có mấy đứa cháu đang đào hố để tôi vôi, bỗng thấy lồi lên một tảng đá xanh, cao khoảng sải tay, rộng chừng bốn gang, một mặt có chữ, toàn chữ Hán. Thấy vậy chúng nó sợ quá liền mua hương thắp, rồi khấn vái. Thế là cả làng chẳng hiểu gì cũng đua nhau đem hương hoa khấn vái tùm lum... Ai lại làm thế! Bởi vậy, tôi mới phải vào, mời cụ ra đọc hộ xem những chữ khắc ở hòn đá đó. Thầy tôi sốt sắng: - Được, tôi ra ngaỵ Nhưng ông chủ tịch ra trước đi, cho người rửa sạch mặt chữ tôi mới đọc được. Thầy liền đi rửa mặt mũi chân tay, mặc áo dài tươm tất, như người dọn mình để đến trước bàn thờ. Đoạn, thầy rủ tôi: - Anh Siêu cùng ra chứ? - Dạ, con đi với thầy. Quả tình, dân làng đang tụ tập ở thửa đất ấy khá đông, khói hương vẫn đang nghi ngút, cùng với những lời bàn tán to nhỏ: - Vận làng đã đến, chữ nghĩa mới nổi lên. - Sông có khúc, người có lúc. Lẽ nào dân làng ta chịu dốt mãi. - Nghe đâu, ngày xưa, đây còn có cả miếu thờ thiêng lắm. ông Riềng, chủ tịch xã lên tiếng: - Cụ Mộc ra đây rồi. Mời cụ đọc cho, xem đây là hòn đá gì? Kẻo nữa... bà con chưa gì đã hương khói, vái lạy tùm lum như vái bia bà... Thầy tôi với vẻ trang nghiêm, như thuở trước thầy vẫn dạy học trò "phải biết kính trọng chữ thánh hiền". Đôi bàn tay gầy guộc, già nua của thầy run run sờ lên mặt đá, lần đọc theo dòng chữ từ phải sang trái... Tay thầy đi qua mỗi dòng chữ, gương mặt thầy một sáng lên. Tôi có cảm giác hai mắt thầy đang dần tỏ, có thể nhìn thấy sau những dòng chữ, trên mặt đá, có một điều gì khác, thiêng liêng lắm.