Chương 1
Khi cha ra đi, Hiền mới mười ba. Tin trong gia đình sắp có người đi nước ngoài đối với Hiền chẳng có gì là ghê gớm, vậy mà cả xóm tụ tập xì xào về chuyện này. Đại loại như "ông già coi vậy mà hên hết biết, tuổi gần đất xa trời còn được đi nước ngoài, nghe đâu có con cái bảo lãnh hay sao đó"... Cha Hiền thì hân hoan ra mặt, đi đâu ông cũng tuyên bố, "Được một lần đi đây đó với người ta, vậy là tui mãn nguyện rồi. Nhưng tui còn mong được ghé qua Pháp một chuyến nữa, thế nào khi qua Canada rồi, tui cũng tìm cách đi Paris chơi. Họ hàng bên Paris tui cũng có, hai thằng cháu ở bển nghe đâu là dân Grandes Ecoles, giỏi lắm". Trong nhà, mẹ có buồn không, Hiền không rõ. Chắc hẳn là phải có, đâu có cặp vợ chồng nào mà không buồn khi chia lỵ Thế nhưng... Hiền không buồn. Hiền coi sự ra đi của cha như một sự an bài của số mạng mình, là sự chọn lựa của cha nên không có gì để than trách hay tiếc nuối cả. Số mạng của Hiền vốn đã không bao giờ gần cha, dù từ lúc Hiền sinh ra, hai cha con lúc nào cũng sống chung dưới một mái nhà, thì dù cha có đi xa hay cha có ở trong thành phố này, trong căn nhà này, có khác gì nhau đâu? Ngoài ra đó còn là sự chọn lựa của cha nữa, vì chẳng phải ông đã bắt mẹ Hiền chạy chọt đủ kiểu để xin được cho ông tấm giấy chứng nhận có bệnh tật cần phải ra nước ngoài chữa trị hay sao? Mẹ là vợ thứ hai của cha, sống cạnh ông như một chiếc bóng, ngày ngày từ sáng đến chiều đi làm kiếm tiền rồi dúi tay cha chút ít cho ông ra đầu ngõ ăn tô phở, bát cháo, dĩa cơm tấm... Cha đã quá già đâu còn làm lụng chi, ông chỉ vui thú điền viên với mấy cây mai cây sứ trong vườn, bàn cờ bàn mặt chược cuối tuần. Hiền là con út sau tám anh chị con bà vợ trước của cha nên có lẽ cha chẳng còn hơi sức nào để chăm lo cho đứa con gái thứ chín cách mình tới năm mươi mấy tuổi.Tuổi thơ của Hiền bình yên và cô đơn, Hiền làm bạn với những con búp bê bằng giấy nhiều hơn là với chạ Hiền vẽ đủ thứ búp bê trên giấy rồi cắt ra thành từng hình nhân đẹp đẽ, Hiền vẽ quần áo đủ kiểu đủ loại, có cái móc kèm theo hẳn hoi để mặc cho từng con búp bệ Như vậy Hiền có thật nhiều búp bê tạo thành nhiều gia đình sống trong cùng một thành phố, mỗi gia đình có anh chị em, có cha có mẹ. Mỗi con búp bê lại có một cái tên riêng. Thí dụ như gia đình ông bà Hóa chỉ thích đặt tên con theo tên của hoa, thành ra các con của ông bà gồm có anh Hướng Dương, chị Phong Lan, chị Thược Dược, nhỏ Thúy Cúc. Ông bà Hùng Lân thì đặt tên con toàn vần H và L nên Hiền đã vẽ ra anh Hoàng Linh, chị Hồng Loan, bé Hạnh Lan và bé Hải Lâm. Trong các anh chị em đó, mỗi người lại có tính tình khác nhau nên Hiền sắm quần áo cho từng người cũng khác nhau. Mà Hiền chỉ thích diện cho búp bê con gái thôi. Kiểu quần áo nào Hiền thấy trên TV hay trong sách báo Hiền thích là Hiền diện ngay cho mấy cô bé búp bê của Hiền, nên chúng nó có quần áo nhiều vô kể. Nhưng... với thật nhiều búp bê và quần áo như thế, bọn chúng sẽ ở đâu? Phải xây nhà cho chúng nữa chứ. Vậy là Hiền bắt đầu lượm lặt rất nhiều hộp đủ hình đủ dạng, có cái to như hộp bánh bích-quy Hiền để dành sau khi ăn xong, có cái dẹp như hộp đựng thuốc bổ mẹ mua về nhờ bà Năm y tá chích cho chạ Hiền chồng hộp này lên hộp kia, dựng cái này sát cái nọ, cuối cùng tạo nên một dinh cơ đẹp đẽ cho một gia đình, có gác lầu, có cửa ra vào hẳn hoi. Cha thấy Hiền cứ bày một đống hộp cao thấp ngổn ngang trên chiếc đi-văng gỗ trong góc phòng và ngồi lẩm bẩm hàng giờ một mình thì không hiểu con nhỏ đang làm gì. Nhưng ông không vào xem mà chỉ nói với một câu, "Hiền à, đừng có bày bừa đồ ra, coi chừng cha vứt hết mấy cái hộp và đống giấy đó bây giờ nghen !"... Vậy nên Hiền chỉ có thể đem những con búp bê giấy ra chuyện trò mỗi khi cha đi vắng nhà hay đang ngủ trưa. Nhưng nghĩ cho cùng, không nói chuyện với chúng nó thì nói chuyện với ai? Gia đình Hiền không thích cho con cái lê la với trẻ con hàng xóm, càng không cho Hiền chạy rong vì sợ đi lạc, Hiền đành quay qua làm quen với mấy cây mai cây sứ của cha ở trong vườn. Cây mai chiếu thủy được uốn chiết làm sao mà thân cành xoắn vào nhau, phía trên nở xoè như một cây dù rất đẹp. Hoa mai khi nở thành từng chùm màu trắng nhỏ xíu, đầu hoa chúc xuống dưới đất, chắc vì vậy mà được gọi là mai chiếu thủy. Cạnh đó là cây sứ hoa vàng, thân cành đều khẳng khiu như bị thiếu ăn. Có lẽ vì chỗ ấy cha thay đổi cây trồng quá nhiều, hết cây ngọc lan rồi tới cây đại rồi tới cây lan hoàng hậu rồi tới cây sứ. Mấy cây kia đều moc. lớn xum xuê, đã hút hết chất bổ của đất nên tới phiên mình cây sứ lớn không nổi. Nhưng dù sao tới phiên nó, cha Hiền không đốn đi, chắc ông cũng đâm chán với cái trò thay đổi cây quanh năm nên không thèm để ý đến nó nữa. Vậy là cây sứ đứng trơ xương ở cuối vườn, mấy nhánh dài thay vì mọc vươn lên trời lại oằn cong xuống đất, mang theo từng chùm hoa vàng nhụy trắng có lũ ong vo ve nghe ro ro vào mùa hè. Đầu sân, cha có trồng một cây mít thấp lè tè, mỗi năm cha hay dặn Hiền đem cây dao rựa ra chém vài nhát vào thân cây cho nó sai thêm, nhưng không hiểu sao bao giờ cây mít cũng chỉ mọc tới trái thứ bảy thì ngừng lại. Trái mít nhà Hiền nhỏ nhưng rất ngọt, múi vàng ươm và thơm lừng, Hiền không biết có phải là loại tố nữ hay không. Mỗi năm tới mùa, mẹ hay đem đi biếu hàng xóm vì nhà Hiền làm sao mà ăn hết nổi bảy trái mít trong cùng một lúc. Hàng xóm ăn xong ai cũng khen ngon nức nở và dặn mẹ để dành cho họ năm sau. Hết ngắm lũ cây mai cây sứ, Hiền hay khệ nệ theo cha khiêng nước đi tưới cây, cái gàu bằng thiếc hay nhôm sao mà nặng quá trời. Hiền đi tưới cây không phải vì thích mà vì cha không muốn cho Hiền ngồi không ngắm trời mây, nếu Hiền không đi tưới cây thì cũng bị cha sai đem chổi ra ngõ quét lá. Mà Hiền rất ghét phải ra ngõ quét lá vì hay gặp Thiện đạp xe chạy ngang. Mỗi khi thấy Hiền lom khom xua lũ lá vào góc cửa, Thiện lại dừng xe kiếm chuyện cà kê cả buổi, cho đến khi có tiếng cha tằng hắng sau cánh cửa Thiện mới chịu thót lên yên xe lỉnh đi rất nhanh mà còn ngoáy đầu lại nheo mắt trêu Hiền.