Bay trên tổ chim cúc cu - Chương 01 - 02

phần thứ nhất

1

Chúng ngay ngoài đó.

Đen nhẻm trong bộ quần áo trắng, chúng dậy trước tôi để làm trò dâm đãng trong hành lang và lau sạch trước khi tôi bắt được.

Khi tôi bước ra khỏi buồng ngủ thì chúng đang kỳ cọ, ba đứa cau có hận thù tất cả - cả buổi sáng, cả ngôi nhà và cả những người quanh chỗ chúng đang làm việc. Và khi chúng hận thù thì đừng dại mà giơ mặt ra. Đi đôi giày vải, tôi men theo tường lặng lẽ như chuột, song chúng có những thiết bị cảm ứng siêu nhạy phát hiện ngay ra sự sợ hãi của tôi và nhất loạt ngẩng đầu lên, ba đứa một lúc, cặp mắt lóe lên trên những gương mặt đen đúa hệt những bóng đèn lóe lên sau lưng chiếc máy thu thanh cũ kỹ.

“Thủ lĩnh kia rồi. Thủ lĩnh xiêu phàm kia rồi, tụi bay. Thủ lĩnh Bàn chải thân mến. Lại đây coi, Thủ lĩnh Bàn chải…”

Dúi cho tôi cây giẻ và chỉ cho chỗ chúng muốn tôi phải lau chùi hôm nay, và tôi làm theo. Một thằng cho luôn cán chổi vào gót chân tôi: lẹ lên.

“Tụi bay thấy không, nó làm vù vù. Dài lêu nghêu và cây sào, có thể dùng răng đớp được cả quả táo trên đầu tao, thế mà ngoan đáo để, như là em bé ấy.”

Chúng cười vang và sau đó chụm đầu vào nhau thầm thì sau lưng tôi. Những cỗ máy đen xỉn gầm gừ, gầm gừ về hận thù và chết chóc lẫn nhiều bí ẩn khác của bệnh viện. Có tôi ở gần chúng cũng chẳng thèm giữ ý nói nhỏ hơn về sự hận thù của chúng bởi chắc chắn rằng tôi vừa điếc, vừa câm. Tất cả đều nghĩ như thế. Chỉ cần chút ít ranh mãnh là lừa được chúng. Điều duy nhất mà một nửa dòng máu da đỏ giúp được tôi trong cuộc sống bẩn thỉu này là trở nên ranh mãnh, nó đã giúp tôi từ hồi ấy đến giờ.

Tôi đang lau sàn nhà trước cửa phòng trực thì ai đó tra chìa khóa vào ổ từ bên ngoài và tôi nhận ra mụ Y tá Trưởng khi nghe ruột khóa ôm lấy chìa, rất nhanh, rất nhẹ và thân thuộc vì mụ đã quen các loại khóa lắm rồi. Mụ lách qua cửa cùng luồng không khí lạnh ùa vào hành lang rồi khóa cửa, và tôi nhìn thấy những ngón tay mụ lướt trên mặt thép nhẵn – móng tay cùng màu với môi. Thứ màu vàng ệch. Hệt như đầu mỏ hàn. Thứ màu cực nóng hay cực lạnh đến mức ta không biết là nóng hay lạnh ngay cả khi mụ chạm vào ta.

Mụ xách cái giỏ đan bằng liễu gai hình dáng như hộp đồ nghề với cái quai bằng dây gai dầu, loại giỏ này bộ tộc Umpqua vẫn bán dọc đường quốc lộ tháng Tám nóng hầm hập. Bao nhiêu năm tôi ở đây thì bấy nhiêu năm mụ ta xách nó. Mắt đan thưa và tôi thấy hết mọi thứ bên trong; chẳng có phấn, sáp hay nước hoa, mụ bỏ đầy giỏ hàng nghìn thứ sẽ dùng đến trong ca trực hôm nay – các vòng bi và bánh răng, răng đánh bóng lộn, các viên thuốc trắng nhỏ xíu sáng lên như sứ, kim tiêm, kẹp y tế, kìm mũi nhỏ và các cuộn dây đồng…

Đi ngang qua chỗ tôi, mụ thoáng gật đầu. Tôi tì lên cây giẻ và nép sát vào tường mỉm cười và để lẩn trốn càng kỹ càng hay khỏi các thiết bị của mụ, tôi nhắm mắt lại – bởi khi ta nhắm mắt, người ta khó nhận biết ta hơn.

Trong bóng tối tự tạo, khi mụ đi ngang qua, tôi nghe rõ tiếng đế giày cao su gõ xuống sàn và những tiếng loảng xoảng trong túi mụ theo nhịp mỗi bước chân. Mụ bước thẳng đơ như gỗ. Mở mắt ra tôi thấy mụ đã ở tít giữa hành lang chuẩn bị rẽ vào phòng Y tá; mụ sẽ ngồi suốt cả ngày trong buồng trực bằng kính, tám tiếng đồng hồ chỉ nhìn qua cửa sổ và ghi lại những gì xảy ra trước mặt mình trong phòng chung. Bộ mặt mụ lặng lẽ, hài lòng khi nghĩ về điều này.

Nhưng bỗng nhiên... mụ nhận ra đám hộ lý da đen. Chúng vẫn tụm vào nhau thầm thì mà không hề phát hiện ra sự xuất hiện của mụ. Khi chợt cảm thấy cái nhìn dữ tợn chiếu tới thì đã muộn. Lẽ ra chúng chẳng nên cả gan tụ tập và ba hoa thiên địa khi sắp đến giờ mụ tới đây. Chúng sợ hãi tản ra. Mụ khuỳnh khuỳnh bước tới, chúng dồn về mắc kẹt phía cuối hành lang. Mụ thừa biết chúng vừa thậm thụt về cái gì, và tôi thấy mụ đã điên lên không kìm chế nổi. Mụ sẽ xé xác mấy thằng nhọ khốn kiếp, mụ điên thế cơ mà. Người mụ phình lên, phình mãi đến khi cái áo trắng tưởng như nứt tung ra đến nơi, và mụ vươn dài những khúc tay đến mức có thể quấn năm sáu vòng qua ba đứa chúng. Quay cái đầu đồ sộ, mụ liếc nhìn xung quanh. Chẳng còn ai ngoài thằng Bromden Bàn chải già, thằng con lai da đỏ, nấp sau cây giẻ lau nhà và cũng không kêu cứu được bởi bị câm. Mụ bèn phát tiết ra mà bẻ cong đôi môi, biến nụ cười bằng son thành cái nhe răng gớm ghiếc, thân thể vẫn tiếp tục nở ra lớn nữa, lớn nữa, lớn nữa bằng cả chiếc máy kéo, lớn đến mức tôi ngửi thấy cả mùi khét bốc lên từ người mụ, giống như thể mùi của động cơ chạy quá tải. Vừa nín thở tôi vừa nghĩ: Chúa ơi lần này thì chúng làm thật rồi! Lần này chúng để hận thù bốc quá cao và chúng sẽ phanh thây nhau ra trước khi hiểu mình đang làm gì!

Nhưng mụ mới chuẩn bị khép cánh tay phân khúc lại quanh đám hộ lý da đen, còn chúng sắp dùng cán cây chổi lau đâm toạc phần thân dưới mụ, thì các bệnh nhân ló đầu ra hành lang để xem có chuyện gì mà ồn ĩ quá vậy, và mụ lập tức xì hơi vì không muốn cho ai thấy cái bộ dạng nguyên thủy gớm ghiếc của mình. Khi các con bệnh dụi xong mắt thì trước mắt họ chỉ còn lại bà Y tá Trưởng điềm tĩnh thường ngày, đang mỉm cười giải thích cho tụi hộ lý rằng hôm nay là thứ Hai, buổi sáng đầu tiên của tuần làm việc, có rất nhiều việc phải làm, chớ nên tụ tập, tán gẫu như vậy...

“...các anh hiểu đấy, thứ Hai, sáng sớm...”

“Dạ, thưa cô Ratched...”

“... sáng nay chúng ta còn tương đối nhiều việc, cho nên, nếu các anh đứng túm tụm đây nói chuyện không phải là việc cấp bách lắm...”

“Dạ, thưa cô Ratched...”

Mụ ngừng lời và gật đầu với đám bệnh nhân mắt đỏ ngầu và sưng vù vì mất ngủ đứng xung quanh quan sát. Mụ chào từng người một. Điệu bộ máy móc, chuẩn xác. Mặt mụ phẳng phiu, được gia công chính xác như một con búp bê đắt tiền, da như được tráng một lớp men màu kem sữa, cặp mắt xanh sáng, mũi hơi ngắn, hai lỗ mũi nhỏ ti hin, hồng hồng, tất cả đều đúng tiêu chuẩn trừ màu môi với móng tay và kích thước bộ ngực. Đã có nhầm lẫn ở đâu đó khi lắp ráp mụ - đặt một bộ ngực vĩ đại rất đàn bà lên một sản phẩm lẽ ra hoàn thiện về mọi mặt, và rõ ràng mụ hết sức cay đắng vì điều đó.

Bệnh nhân vẫn còn nán lại, muốn biết vì sao mụ khiển trách tụi hộ lý, và lúc đó chợt nhớ ra tôi, mụ nói:

“Và vì sáng nay là thứ Hai, để khởi đầu tuần mới chúng ta hãy cạo râu cho ông Bromden tội nghiệp trước tiên, trước việc chen lấn vào phòng cạo mặt sau bữa sáng, may ra điều đó có thể giúp chúng ta tránh được cảnh, ừm, lộn xộn mà ông thường gây ra, các anh nghĩ thế nào?”

Trước khi có ai kịp quay ra tìm tôi đã vội lẻn vào gian kho chứa giẻ lau, đóng cửa, nhà kho kín mít như bưng, tôi cố nín thở. Không gì tồi tệ hơn là phải cạo mặt vào trước bữa sáng. Khi đã có cái gì bỏ bụng tôi sẽ mạnh hơn và tỉnh táo hơn, và những thằng tay sai của Liên hợp không có nhiều cơ hội tuồn một số máy móc của chúng vào trong người vờ là máy cạo râu. Nhưng nếu phải cạo trước bữa sáng như vài lần mụ đã bẫy tôi - sáu rưỡi sáng trong một căn phòng trắng xóa, tường trắng, bồn rửa trắng, đèn ống dài gắn đầy trần không để lại một bóng tối nào, và khắp xung quanh là những khuôn mặt gào thét bị kẹt sau tấm kiếng - thì làm sao ta có thể cầm cự được trước máy móc của tụi này?

Giấu mình trong gian nhà kho lắng nghe, tim đập trong bóng tối, tôi cố gắng xua đi nỗi sợ hãi, cố nghĩ về nơi khác - về xóm làng của tôi, về con sông Columbia rộng lớn, về cái lần, chao ôi, tôi cùng với ba đi săn chim trong rừng bá hương ở gần Dalles... Nhưng cũng như mọi khi, tôi cố nghĩ về quá khứ và ẩn mình trong đó song nỗi hoảng sợ kề bên vẫn luồn lách vào qua ký ức. Tôi cảm thấy thằng hộ lý da đen nhỏ quắt đang đi dọc hành lang đánh hơi tìm nỗi sợ của tôi. Mũi hắn phồng lên như ống khói đen cháy, hắn quay quay cái đầu to tướng, đi đi lại lại, nhòm ngó, ngửi hít, hấp thụ nỗi kinh hoàng từ khắp bệnh viện. Hắn đã ngửi ra tôi, tôi nghe thấy hắn thở phì phì. Hắn không biết tôi nấp đâu, nhưng hắn đang ngửi và đang lùng sục. Tôi cố đứng thật yên...

(Ba nói tôi đứng yên, con chó đã đánh hơi thấy một con chim ở đâu đây. Chúng tôi mượn chó săn của một người ở thành phố Dalles. Những con chó làng là một lũ giữ nhà vô ích, ba nói, chỉ ăn có ruột cá, đồ hạng bét. Còn loại này ấy à - khôn kinh! Tôi không nói gì nhưng đã phát hiện ra, trên cây bá hương mới lớn, một chú chim đậu thu lu như một nắm lông xám xịt. Con chó chạy lăng xăng vòng quanh cái cây, mùi tràn ngập khiến nó không hiểu từ đâu ra. Chừng nào con chim còn đứng yên, nó vẫn an toàn. Con chim bám khá giỏi, nhưng con chó vẫn hít ngửi càng lúc càng ồn, vòng quanh càng lúc càng gần. Rồi con chim bỏ cuộc, xòe rộng đôi cánh bay vụt khỏi thân cây bá hương ngay trước họng súng của ba.)

Tôi ra khỏi nơi ẩn náu nhưng mới chạy được vài bước thì thằng hộ lý bé quắt cùng một trong hai thằng lớn đã tóm được tôi và lôi thẳng vào buồng cạo mặt. Tôi không chống lại cũng không làm ầm ĩ. Tôi cố nén vì kêu gào chỉ thiệt thân. Nhưng khi chúng sờ đến thái dương thì tôi không thể chịu đựng hơn được nữa. Tôi vẫn không biết chắc liệu một thứ máy móc đã thế vào chỗ máy cạo râu hay không cho đến lúc chúng sờ đến thái dương: lúc này tôi không còn đừng được. Nghị lực cái gì nữa khi đã bị sờ đến thái dương? Có một cái... nút, vừa bị nhấn, lên tiếng Báo động Phòng không, vặn tôi lên rền rĩ đến mức như không còn có tiếng, tất cả đều quát tháo tôi, tay bịt chặt tai sao bức tường kính, mặt cử động nói năng nhưng miệng không phát ra tiếng gì. Tiếng kêu của tôi đã nuốt hết mọi thứ tiếng. Rồi họ mở lại máy phun mù, một lớp mù trắng, lạnh, đặc quánh như sữa ít béo bao phủ lấy tôi, nếu họ không giữ chặt tôi lại thì có lẽ tôi đã trốn được trong lớp mù đó. Tôi không thể nhìn thấy gì cách một ngón tay, và lẫn trong tiếng la hét của mình tôi chỉ còn nghe thấy tiếng mụ Y tá Trưởng đang sầm sập xông tới ngoài hành lang, vung giỏ xô ngã bất cứ bệnh nhân nào đụng phải. Biết mụ đã bước vào phòng mà tôi vẫn không ngừng la được. Hai tên giữ chặt lấy tôi, còn mụ nắm chiếc giỏ liễu gai và nhét luôn vào mồm tôi, dùng cán giẻ lau nhà ấn sâu vào họng.

(Con chó sủa trong sương mù, nó đang kinh sợ vì bị lạc và không nhìn được. Trên mặt đất chẳng có dấu vết gì để lại ngoài dấu chân của chính nó, nó dò dò cái mũi cao su đỏ hỏn nhưng chẳng tìm ra được mùi gì, chỉ có mùi nỗi sợ hãi đang thiêu đốt lòng dạ nó). Tôi cũng sẽ bị thiêu đốt như thế, khi cuối cùng cũng mở miệng kể về tất cả - về bệnh viện, về mụ, về những con người ở đây, về McMurphy. Tôi đã im lặng quá lâu đến nỗi giờ ký ức sắp tràn qua tôi như cơn lũ tràn qua đập nước và chắc chắn các người cho rằng cái thằng này đang lên cơn và nói nhảm lạy Chúa, rằng những chuyện khủng khiếp như vậy không thể có trong cuộc sống, đáng sợ như vậy không thể là sự thực! Nhưng hãy làm ơn. Tôi vẫn thấy khó mà sắp xếp cho ý nghĩ mình không bị lộn xộn. Nhưng đó là sự thực kể cả nếu nó đã không xảy ra.

 

2

Khi sương mù tan đi tôi bắt đầu nhìn được, tôi đang ngồi trong phòng chung. Lần này họ không mang tôi xuống phòng Đột Tử. Tôi nhớ sau khi bị khiêng ra khỏi buồng cạo, tôi bị ném vào phòng cách ly. Tôi không nhớ họ đã cho tôi ăn sáng chưa. Có lẽ là chưa. Nhưng tôi nhớ vài tiếng trong Buồng Cách ly này, tụi hộ lý mang về những thức ăn thừa của bữa sáng, lẽ ra là cho tôi, nhưng rồi ngồi chén với nhau, cho đến no kễnh bụng, còn tôi nằm trên tấm mền khai rình nhìn chúng dùng bánh mì nướng quết sạch những mẩu trứng sót lại trên đĩa. Tôi ngửi thấy cả mùi mỡ, nghe thấy cả tiếng bánh mì vỡ trong mồm chúng. Có hôm chúng mang tới ép tôi ăn một bát cháo lạnh tanh, thậm chí không muối.

Riêng những gì đã xảy ra sáng nay tôi không sao nhớ nổi. Người ta nhét vào miệng tôi bao nhiêu cái thứ gọi là thuốc viên khiến tôi nằm mê man và chỉ tỉnh dậy khi nghe tiếng kẹt cửa. Cửa mở, nghĩa là ít nhất đã tám giờ, vậy là tôi đã ngất đi khoảng tiếng rưỡi tại Buồng Cách ly, các kỹ thuật viên có thể đã tới và ai mà biết được theo lệnh mụ Y tá Trưởng họ đã lắp vào những gì.

Từ đây tôi nghe được tiếng ồn ở cửa ra vào phía đầu hành lang. Cửa bắt đầu mở vào lúc tám giờ và cứ đóng mở hàng trăm bận mỗi ngày, soạt, ke-ét. Sau bữa sáng chúng tôi ngồi vào chỗ, dọc theo hai bức tường của phòng chung, chơi trò xếp hình, chờ nghe tiếng khóa tra vào cửa và xem cái gì sẽ hiện ra ở đó. Ngoài ra cũng chẳng biết làm gì hơn. Thỉnh thoảng một tay bác sĩ nội trú trẻ đến sớm hơn thường lệ chút xíu để nhìn chúng tôi trông ra sao Trước giờ Uống thuốc. Họ gọi tiết mục này là TGUT. Đôi lúc có vợ ai đó đến thăm đi đôi guốc cao gót, ví đầm ôm chặt trước bụng. Cũng có khi cái gã đần bên Quan hệ Công chúng dẫn một đoàn cô giáo tiểu học đến tham quan, liên tục vỗ vỗ đôi bàn tay nhớp nháp mồ hôi và nói rằng hắn rất lấy làm sung sướng vì các bệnh viện tâm thần ngày nay đã thôi điều trị bằng phương pháp nghiệt ngã, tàn bạo cổ điển. “Không khí thật là vui tươi biết mấy, các cô thấy sao?” Các cô giáo đứng cụm vào nhau, thủ thế, còn hắn cứ lượn lờ quanh, vỗ vỗ tay. “Ôi, mỗi khi nhớ lại ngày trước, bẩn thỉu, nhớp nhúa, ăn uống thiếu thốn cộng với, phải đấy, đối xử thô bạo, ôi, thì thưa các quý cô, tôi hiểu rằng những vận động của chúng tôi đã đạt được những thành công đáng kể!” Dù ai mở cửa bước vào thì thường cũng không phải là người chúng tôi mong đợi, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng, và cứ nghe tiếng chìa khóa tra vào ổ là mọi cái đầu đều nhất loạt ngẩng lên như bị giật dây.

Hôm nay tiếng mở khóa nghe lạ lùng, một vị khách không bình thường đây. Giọng của gã Hộ tống cau có và giận dữ: “Bệnh nhân mới, ký nhận đi!”, rồi những tên da đen xông tới.

Có một đứa mới đến. Tất cả ngừng ván bài và Cờ tỷ phú, quay nhìn ra cửa. Giá vào hôm khác thì lúc đó hẳn tôi đang lau rửa hành lang và sẽ thấy được họ đang tiếp nhận ai, nhưng hôm nay, như đã giải thích, mụ y tá đã chất lên tôi cả ngàn cân và tôi không sao nhấc nổi mình ra khỏi ghế. Vào ngày khác tôi đã có thể là người đầu tiên trông thấy gã Mới, sẽ được mục kích nó bị tống vào như thế nào, len lén lần theo bức tường và đứng đó chết khiếp đến khi mấy thằng hộ lý da đen đến ký nhận và lôi nó vào phòng tắm, lột đồ nó và mặc nó đứng run rẩy trước cánh cửa để ngỏ trong khi ba đứa cười gằn, chạy đi tìm vadơlin. “Bọn tôi cần vadơlin lắm,” chúng sẽ nói với mụ Y tá Trưởng, “để đo nhiệt độ.” Mụ ta sẽ hết nhìn đứa này lại nhìn đứa kia, “Phải phải, các cậu cần,” rồi chìa cho chúng một bình đựng đến nửa xô vadơlin: “Nhớ là đừng tụ nhau cả lũ ở đấy!” Sau đó tôi sẽ thấy hai đứa, cũng có thể cả ba đứa, xuất hiện trong buồng tắm, cùng với thằng Mới, quấy thanh nhiệt kế trong bình tới khi phủ lớp vadơlin dày cả ngón tay và nghêu ngao hát “Ô, thế đấy, má ơi, thế đấy”, sau đó chúng sẽ sập cửa lại và xả nước từ tất cả các vòi tắm để không một ai còn nghe thấy gì ngoài tiếng nước xối xả đổ xuống nền gạch xanh thẫm. Thường tôi vẫn đứng ngoài hành lang và thấy hết.

Thế mà hôm nay tôi phải ngồi lì trên ghế và nghe hắn bị đưa vào. Nhưng dù không nhìn thấy, tôi cũng biết tên Mới này là không phải hạng tầm thường. Tôi không nghe thấy tiếng hắn rón rén lần theo bức tường, còn khi tụi hộ lý bảo đi tắm, hắn đâu có chịu ngoan ngoãn nghe theo, đâu có “dạ” êm ru như những kẻ khác, trái lại hắn sẽ đáp bằng một giọng oang oang, rắn rỏi rằng hắn đã sạch sẽ chán, mẹ khỉ.

“Chiều qua trong tù và sáng nay trên tòa người ta đã tắm cho tao. Và tao cá là nếu trong taxi có nhà tắm thì trên đường đến đây người ta cũng đã tắm cho tao sạch đến từng lỗ chân lông chứ chả chơi. Ái chà, tụi bay biết không, mỗi lần chuyển đi là một lần tao cần được cọ sạch - nào trước lúc lên đường, nào trên đường và khi vừa đặt chân đến chỗ mới. Bị cọ rửa nhiều đến mức hễ cứ nghe thấy tiếng nước xối là tao lao đi soạn quần áo. Còn mày Sam, xéo đi với cái cặp nhiệt độ của mày, mà cho tao nhìn qua căn hộ mới một tí chứ; từ bé đến lớn đã bao giờ tao đặt chân đến Viện tâm thần đâu!”

Các con bệnh bối rối nhìn nhau rồi lại nhìn ra cánh cửa, nơi giọng nói vẫn đang vang tới. Việc gì phải gào nên như vậy nhỉ, tụi đen đứng ngay cạnh hắn cơ mà? Nghe giọng, tưởng chừng như hắn đang đứng tít trên cao nói vọng xuống dưới, hoặc như hắn đã vượt trước cả năm chục thước đang quát những kẻ bò lê trên đất. Hắn có vẻ to. Tôi nghe thấy tiếng bước chân hắn nện trong hành lang cho thấy hắn rất to, và rõ ràng hắn không rón rén, đế giày có sắt giáng xuống nền nhà nghe như tiếng móng ngựa. Hắn xuất hiện, đứng chạng háng giữa cửa, hai ngón tay cái xọc trong túi quần, giữa các con bệnh chăm chú nhìn.

“Chào anh em.”

Con dơi bằng giấy được treo lên từ lễ Halloween lủng lẳng trên đầu hắn; hắn búng cho nó xoay vòng.

“Một ngày thu tuyệt đẹp.”

Giọng nói lớn và ngỗ ngược của hắn làm tôi nhớ tới ba, nhưng hắn trông không giống ba; ba mang trong mình dòng máu da đỏ Columbia thuần khiết, một thủ lĩnh, rắn và bóng lộn như nước mạ trên báng súng. Gã này tóc đỏ, tóc mái hung để dài, một búi tóc lâu ngày chưa cắt bù xù dưới vành mũ, và ba thì cao còn hắn thì rộng, cằm rộng, vai rộng, ngực rộng và nụ cười rộng miệng trăng xóa tinh quái, và gã cũng rắn nhưng không giống ba, như một quả bóng chảy rất rắn dưới bề mặt bằng da xờm xoàm. Trên mặt hắn, một vết sẹo chạy ngang từ sống mũi đến gò má ai đó đã khéo léo tặng trong một trận ẩu đả gần đây, vết khâu vẫn còn vết sẹo. Hắn đứng chờ, và khi không thấy ai nhúc nhích để trả lời thì hắn phá lên cười. Đâu có ai hiểu tại sao hắn cười, có gì buồn cười đâu cơ chứ. Nhưng hắn cười không giống như cái gã Quan hệ Công chúng cười, hắn cười vang, thoải mái, cười nhe hết cả hàm răng và tiếng cười lan rộng ra, chui vào mọi ngõ ngách của căn nhà tới khi đập vào các bức tường. Không phải như cái cười Quan hệ Công chúng béo nhẫy. Tiếng cười này là thật. Tôi chợt nhận ra là đã nhiều năm nay tôi chưa hề được nghe một giọng cười.

Hắn đứng nhìn chúng tôi, nhún nhảy trên đôi giày và cười sằng sặc. Hai ngón tay cái nhét vào túi, các ngón còn lại xòe ra úp vào bụng. Tôi có thể thấy hai bàn tay thật lớn và chằng chịt thương tích. Mọi người trong phòng từ con bệnh đến nhân viên đều điếng người bởi điệu bộ, tiếng cười của hắn. Không ai nghĩ đến chuyện phải chặn hắn lại hoặc nói một điều gì. Cười chán, hắn bước vào phòng chung. Nhưng tiếng cười lớn vẫn xung quanh như dư âm còn lại sau khi ta đánh một hồi chuông, tiếng cười đọng trong đôi mắt, trong khóe miệng tủm tỉm, trong dáng đi ngênh ngang và trong giọng nói của hắn.

“Qua tên là McMuphy, anh em ạ, R.P.McMuphy, ham chơi bài.” Hắn nháy mắt và ngâm nga mấy câu hát: “ ‘.. và chỉ nhìn thấy bộ bài - là qua quẳng tiền ra bàn luôn...’ “ rồi lại phá lên cười.

Sau đó hắn sán lại một sới, dùng ngón tay to và thô nhón lên quân bài của một con bệnh Cấp tính, rồi hắn nheo mắt, lắc đầu:

“Thế đấy, cũng chỉ vì cái đó mà qua tới dinh cơ này giải sầu, mua vui cho anh em quanh bàn bạc. Ở Trại Lao dịch Pendleton qua chẳng còn ai làm vui và qua bảo các sếp cho thuyên chuyển, hiểu chưa? Qua cần thay đổi không khí. Ô hô, mày coi con ngỗng đực này cầm bài kỳ không - cả trại thấy được bài nó; chà! Qua sẽ vặt sạch các chú như vặt đám lông gà con.”

Cheswick xếp bài trong tay lại. Gã tóc đỏ chìa tay cho hắn bắt:

“Chào anh bạn, đang chơi gì thế? Picnochle hả? Giê su ma, hèn nào chú mày cứ muốn để bài tênh hênh vậy. Tụi bay ở đây không tìm ra một cỗ bài nào khả dĩ sao? Vậy thì được rồi, qua có mang bài theo đây, chỉ phòng hờ thôi, không phải là những quân bài tầm thường đâu nhé - thấy ảnh chưa? Mỗi quân một kiểu. Năm mươi hai tư thế.”

Cheswick đã trố mắt ra rồi, nhìn tấm bài đó tình trạng hắn chỉ tệ thêm.

“Bình tĩnh nào, đừng có làm bẩn, chúng ta còn tha hồ thời gian mà chơi. Qua chỉ muốn dùng bài của mình thôi, ít nhất cũng phải hàng tuần tụi bay mới kịp nhận ra đây là quân gì...”

Hắn mặc bộ quần áo trại lao dịch cũ rích, màu cháo lòng. Mặt, chân, tay, cổ đen cháy như da thuộc vì phải làm việc nhiều ngoài nắng. Trên đầu ngất ngưởng một cái mũ nồi đi mô tô trông như đầu đạn đen trũi, một cái áo vest da vắt qua tay, đôi giày bụi bặm, xám xịt và nặng trịch, tưởng chỉ cần một cú đá là làm nát đôi người ta ra. Hắn rời Cheswick, lột mũ ra khỏi đầu đập xuống đùi làm tung lên một đám bụi mù mịt. Một tên hộ lý cầm cái cặp nhiệt độ cứ vật vờ quanh hắn nhưng chưa kịp lại gần; hắn đã lọt vào giữa đám Cấp tính và bắt tay hết người này người nọ. Những câu chuyện hắn kể, cách hắn nháy mắt, giọng nói ồm ồm, cái vẻ nghênh ngang tất cả làm tôi nhớ tới người quảng cáo ô tô, người bán đấu giá súc vật hay dân buôn ở chợ, đứng trên sàn rạp tí xíu với những lá cờ bay phần phật sau lưng, chiếc áo sơ mi kẻ ca rô cúc vàng óng làm cho ai nấy đều quay về phía hắn như bị nam châm hút.

“Tụi bay biết không, sau vài vụ cãi cọ hơi ồn ĩ ở trại lao dịch, tòa bèn cho rằng qua bị bệnh thái nhân cách. Còn qua, chẳng lẽ cãi lại tòa? Bố khỉ, qua không định cãi, cá một ăn mười luôn. Cứ cho qua là thần kinh, là chó dại hay ma sói hay gì gì đi nữa cũng được, miễn là qua thoát khỏi ruộng đậu cô ve, bởi vì qua chẳng phiền gì nếu từ giờ đến chết cũng không bao giờ ôm lấy cái cuốc nữa. Người ta bảo với qua rằng, người thái nhân cách là người cãi lộn quá nhiều và phang quá nhiều em, nhưng cái đó thì mấy chả không đúng tí nào, phải không tụi bay? Thử nghĩ xem, làm gì có thằng nào chết vì thừa cái đĩ chứ? Chào chú em, chú em tên chi? Qua là McMuphy và qua xin cá với chú em hai đô la ngay tại trận là chú em không biết trên tay mình có mấy điểm. Không được nhìn! Hai đô la, nào! Mẹ kiếp, Sam, mày có ngừng khua khoắng cái nhiệt kế chết tiệt ấy cho tao một phút được không?”