Chương 1

Uyên và Ngà vừa nối đuôi nhau ra khỏi con hẻm thì "rầm" một cái, hai xe chúi vào nhau. Trước mặt là một chiếc xe đạp khác và người con trai áo trắng đổ xuống đường. Một tai nạn nhẹ. Người con trai đã gượng đứng dậy được cùng với chiếc xe nhưng chưa thu được hết sách vở đang bị làn xe cùng chiều thi nhau dày xéo.

- Còn đứng mãi đấy.

Ngà réo lên. Người con trai quay lại:

- Các bạn có sao không?

- Sao thì không sao, nhưng sao hai cái xe cứ dính vào nhau, không gỡ ra được đây nè.

- Đợi tôi nhặt mấy cuốn tập lên đã.

- Mặc xác nó.

- Dơ hết cả rồi.

- Đem về... giặt xà bông là sạch.

- Còn bài vở nữa chứ!

- Mai mốt tôi... dạy lại cho, lo gì.

Hết ý. Người con trai để nỗi đau lòng lại đám sách vở đang quằn quại trên mặt đường dưới làn xe cộ, vội vàng tới gỡ hai cái xe đạp của các cô gái đang cài lung tung các pê- đan vào nhau.

- Xong rồi.

- Chưa xong.

- Còn gì nữa đâu?

- Người lịch sự cần phải biết xin lỗi chứ.

Người con trai nhún vai. Uyên bấm vai bạn, vội vàng kéo đi.

- Dữ vừa thôi mi.

- Với con trai phải thế mới được.

- Mình đi trái rồi còn bắt người ta xin lỗi, chướng quá.

- Mi cảm hắn rồi à?

- Còn khuya. Nhưng tao thấy hắn quen quen, hình như học lớp 12 trường mình đó mi.

- Thôi rồi, sắp có chiến tranh.

- Năm nay trường mình có nhiều thay đổi, nhiều khuôn mặt mới chuyển về trường mình đâu đã biết hết.

- Hy vọng vì... run quá mà hắn quên mặt mình. Ngày mai ta sẽ qua khu 12 kiểm tra trí nhớ của mi.

- Cầu thánh Ala phù hộ cho mi đừng rụng mất tim oan uổng.

- Đừng đùa, khi cần ta cũng biết bỏ trái tim của ta vào cặp cài cột cẩn thận.

- Trông mặt mày hắn cũng sáng sủa đó chứ?

- Thôi quên hắn đi kẻo phải tội nhiệp mất công.

Câu chuyện hai người tạm ngắt một quãng bằng mươi vòng xe. Rồi lại tiếp.

- Mi biết nhỏ Vỹ không Uyên?

- Vỹ nào?

- Nhỏ mới ở 11A3 chuyển qua lớp mình ấy.

- À, à, hắn tên Vỹ hở? Sao? Hắn "kết môđen" với tên nào vậy?

- Tầm bậy, anh hắn đó.

- Thì sao?

- Hắn như một cái vi tính.

- Phần mềm hay phần cứng?

- Mềm hay cứng gì tao không biết. Có lẽ hắn thuộc phần... nhão. Chuyện gì hắn cũng nhào vô ráo trọi.

- Này nhé, mi có thể nói chuyện với hắn bất cứ vấn đề gì trên trời dưới đất, đặt một câu hỏi nhấp nháy trong ba mươi giây là hắn có thể moi ra cả những con số và một dây những tiếng tây tiếng u.

- Trí nhớ tốt, chịu khó đọc sách.

- Hắn nói chuyện Italia 90 với bọn con trai rành rẽ như một bình luận viên bóng đá vậy.

- Ham thể thao.

- Thời trang mốt miếc gì hắn cũng kể vanh vách.

- Có đọc báo.

- Nếu mi là Việt kiều hồi hương hắn có thể giới thiệu một lúc hàng chục nhà may, nhà hàng có kèm địa chỉ.

- Thường xem TV chương trình lúc trước 19 giờ.

- Lâu lâu hắn lại xì ra một chuyện ly kỳ hấp dẫn nào đó của các cô đào điện ảnh hay kép cải lương.

- Hay ngồi lê đôi mách.

- Kể ra nhỏ ấy cũng có tương lai được cấp một học vị tiến sĩ nào đó, phải không mi? Người biết quá nhiều chuyện.

- Ừa, biết quá nhiều chuyện. Sự hiểu biết như lá mùa thu rụng tràn lan trên đất. Vô tích sự.

- Mi không thấy một tỷ tỷ cái lá rụng cũng chỉ gom thành mốt đống lá chứ có bao giờ gom lại được thành một cái cây!

- ...

- Sự hiểu biết phải có hệ thống, ông chú mình có lần nói vậy, thà hiểu biết thấu đáo một chuyện còn hơn ba hoa đủ thứ.

- Ông chú mi có vẻ ba hoa đủ thứ.

- Vậy mới bốn mí rồi mà vẫn còn ở giá.

- Ông ta có vẻ... sầu đời hả mi?

- Sầu tình thì đúng hơn, ông ấy cứ than chẳng ma nào hiểu mình... nghèo.

- Bộ Ông ấy khá lắm hở?

- Khá chi với mấy cái bàn pinh-pông mối mọt không thèm gặm ấy.

- Sao lại...

- Cầu lòng thương hại. Ông ấy bảo thời nào cũng ít kẻ từ tâm quá. Mi không biết chứ, đàn ông cỡ tuổi ổng bỗng trở thành thâm trầm và khôi hài hết ý luôn.

Có tiếng còi bên đường. Ngà giật mình:

- Chi vậy Uyên?

- Chết rồi Ngà ơi, cảnh sát giao thông gọi mình.

- Dọt luôn được không?

- Xe đạp đua mô-tô đâu lại. Ngừng đi!

- Đèn xanh mà. Có đường cấm đâu.

- Xuống xe dắt bộ. Nhớ cười cho tươi vào và đừng cự nự xin xỏ chi cả. Để tao lo.

Câu chuyện tạm ngắt. Hai cô gái dắt xe đạp sát lề, tiến tới cánh tay vẫy của người cảnh sát làm nhiệm vụ điều hành giao thông ở ngã tư. Cả ba người cùng sẵn nụ cười trên môi.

- Các cô dựng xe vào đây.

Người cảnh sát nói và chỉ tay vào cột đèn lạnh lùng.

- Thưa chú...

- Tôi biết các cô không có tiền nộp phại đâu, cứ dựng xe rồi đứng đợi tôi.

Ngà nhìn Uyên, cố nói cho người thứ ba nghe rõ:

- Thông báo mới, xe đạp cũng phải nộp phí giao thông mi ạ.

Uyên nhìn Ngà, cả hai dựa xe vào nhau.

- Qúy nào mình cũng phải hộp phí vá xe ba bốn lượt vì đường ổ gà đâu có ai xé biên lai!

Người cảnh sát quay lại.

- Các cô không biết lỗi của mình à?

- Thưa chú...

- Tôi cho các cô nửa giờ để tìm ra lỗi của mình.

- Thưa chú, nhưng trời sắp mưa.

- Mưa thì mưa cũng không đến nỗi phải chở đi bệnh viện cấp cứu đâu, cô Ngà ạ. Các cô cứ đứng đấy giùm tôi.

Nói rồi người cảnh sát bỏ ra ngoài đường làm tiếp nhiệm vụ.

Ngà tròn mắt nhìn bạn:

- Khi không biết tên mình ngon ơ.

Uyên nhỏ giọng:

- Rõ ràng có quen mi mà.

- Không bao giờ.

- Mi thử lục lọi trí nhớ xem.

- Không bao giờ.

- Mi đã từng bị phạt.

- Không bao giờ.

- Có khi nào mi đánh mất giấy tờ hay sách vở gì chẳng hạn?

- Không bao giờ.

- Thôi rồi, cảnh sát hình sự - mi bị bí mật theo dõi từ lâu mà không biết.

Cố trấn tĩnh nhưng đôi bạn gái vẫn không khỏi hồi hộp lo lắng khi người cảnh sát trẻ trở lại.

- Bây giờ tôi làm việc với các cô.

Giọng anh ta rắn rỏi nghiêm nghị sau khi nhìn một lượt các đối tượng:

- Tôi đã theo dõi hai cô trong suốt đoạn đường tới điểm trực này. Đi dung dăng hàng ngang đạp xe chuyện trò dọc đường như thế có thể gây nguy hiểm cho mình và các phương tiện giao thông khác, các cô thấy khuyết điểm của mình rồi chứ?

Ngà và Uyên nhìn nhau không còn nét mặt đã cố gắng sửa soạn lúc trước nữa, khẽ thở dài cúi đầu.

- Lần này cảnh cáo, lần sau tái phạm bắt buộc tôi phải giữ các cô lâu hơn. Bây giờ các cô có thể đi, dù trời còn lâu mới mưa.

Lẳng lặng dắt xe ra đường, Uyên và Ngà không quên giương bốn ống kính chụp cận ảnh đối tượng trước sau đầy đủ để đưa vào hồ sơ chờ có dịp sưu tra sau này.

- Mi đã nhớ ra chưa?

Vừa leo lên xe, Uyên hỏi ngay. Ngà không trả lời bạn, càu nhàu:

- Cái ngày chi xui, ra đường gặp chuyện đâu bực mình.

- Còn xuất phim chiều nay?

- Kể như huề, hơn 4 giờ rồi còn gì.

- Dù sao cũng phải ghé nhà con Hằng báo cho nó biết chứ?

Vừa tấp xe vô cổng nhà bạn, Ngà đã mở hết cỡ miệng réo gọi "Hằng ơi Hằng" ba bốn hồi dồn dập. Nhưng ra cổng không phải là người được gọi tên mà lại là một thanh niên lạ hoắc chưa từng thấy ở địa chỉ này.

- Các cô hỏi ai?

Ngà bỗng dưng ấp úng:

- Thưa... Ông... đây có phải nhà của Hằng?

- Chứ các cô hỏi ai?

Người thanh niên nheo mắt, câu chuyện trở thành lắt léo, ngây ngô đối với các cô gái lanh miệng.

Uyên níu chặt lấy vai bạn:

- Hằng có nhà không, chú?

- Như thế các cô là bạn của Hằng?

- Vâng.

Hai người lí nhí gật đầu. Người thanh niên chỉ vào Ngà:

- Cô là Uyên?

- Không, Uyên là bạn cháu đây.

- Vậy cô là Ngà?

- Vâng.

Những người được kể tên đứng nép vào nhau bắt đầu có nỗi lo sợ như người phạm tội nhưng lại không biết mình tội gì. Cuộc hỏi cung tiếp tục:

- Chiều nay các cô rủ nhau đi coi chiếu phim?

- Vâng.

- Sao giờ này các cô mới tới?

- Thưa... tại... tại tụi cháu hỏng xe.

- Thì ra thế.

Không dám nhìn rõ người thanh niên, nhưng các cô gái thấy lởn vởn ở đâu đó hình ảnh những nhân vật trong một phim nào mà ngôi nhà bị bao vây sau khi chủ nhà đã bị bắt cóc, hung thủ còn tiếp tục giăng lưới đón thêm những con mồi khác.

Người thanh niên lịch sự, mở cổng:

- Mời các cô vào.

Uyên và Ngà trao đổi nhỏ với nhau rồi rụt rè bước vào lòng không khỏi hoang mang lo lắng. Như có những họng súng vô hình nào đang rình rập mình chẳng hạn.

- Chắc Hằng có nhà chứ ạ?

Uyên hỏi to và nhìn sâu vào nhà trong. Người thanh niên nhún vai:

- Rất tiếc.

Ngà và Uyên nhìn nhau không khỏi lúng túng khi đã ngồi vào xa-lông. Ngà nhổm lên:

- Còn mẹ Hằng?

- Cả nhà đều đi vắng.

Người thanh niên vẫn đứng ở phía cửa hai tay khoanh trước ngực, nhếch mép cười như nụ cười đắc thắng. Nụ cười này trở nên khủng khiếp khi nó mở ra câu tuyên bố:

- Hiện giờ tôi là chủ căn nhà này.

Tim của Uyên và Ngà hình như đã bắn đi đâu đó chứ không còn ở trong lồng ngực mình nữa. Trước mặt họ bây giờ, người thanh niên trở nên to lớn vạm vỡ hơn cả những tay đô vật siêu hạng với sức mạnh mà chỉ trong nháy mắt có thể tóm lấy cổ áo của hai con bé và quăng nhẹ một cái là cả người lẫn giầy dép không còn biết đâu mà tìm nữa.

Ngà đứng bật dậy:

- Xin phép tụi tôi về.

Người thanh niên đã đứng chắn lấy cửa:

- Không được đâu.

- Nhưng Hằng không có nhà mà.

- Đúng thế, người thanh niên chậm rãi nói, không có Hằng ở nhà nhưng các cô cũng cứ ngồi đây.

Uyên đứng lên như phòng vệ tự nhiên.

- Nhưng chúng tôi không quen ông.

- Đúng thế. Tôi đã được lệnh giữ chân các cô ở lại đây, nếu sai lệnh tôi sẽ bị khiển trách nặng nề. Mong các cô thông cảm.

Muốn xác định rõ nhiệm vụ mình một lần nữa, người con trai nhấn mạnh:

- Cô Ngà tóc ngắn còn cô Uyên tóc dài, tôi nhớ kỹ rồi.

Uyên không nói gì. Ngà bậm môi ngồi lại vị trí, ấm ức tràn họng.

- Như thế là tốt (người thanh niên vạch tay áo mình). Đã là 5 giờ, nói đúng hơn là 5 giờ thiếu 3 phút. Quái quỷ thật, làm gì mà mò mề lâu thế. Thôi được rồi, để tôi tiếp

tục phương án 2. Các cô cứ ngồi yên đấy nhé, coi chừng quanh đây rắn rết đông lắm.

Người thanh niên đi vào trong, tiếng giày cố ý nện cồm cộp xuống nền nhà cho thêm phần long trọng hồi hộp.

- Mời các cô tạm dùng nước.

Hai cái ly và mội chai nước trong vắt có lẽ mới lấy từ tủ lạnh. Những hạt nước bé tí còn bám quanh bờ thủy tinh mát rượi. Không thuốc mê thì thuốc độc, dại gì mà uống.

Hai bạn ngầm nói chuyện với nhau bằng mắt như thế và không ai thèm đụng tới cái ly phần mình. Phải tỉnh táo tìm cách phá lưới, không thể ngồi yên mãi chờ mối nguy hiểm đang rình rập tới gần. Người thanh niên lại xem đồng hồ. Lần này không dấu được vẻ bồn chồn chờ đội, hắn đi tới đi lui, và ngong ngóng nhìn ra ngoài cổng, miệng lầm bầm:

- Đã quá 5 giờ rồi. Khổ quá!

Chợt nhớ điều gì, hắn vội trở vào tìm một mẩu giấy gấp tư dằn dưới bình hoa bàn.

- Đây: phuong án 3. Mời các cô đọc.

Ngà cầm lấy tờ giấy "Đây phuong án 3" chưa kịp đọc đã nghe tiếng máy xe rồ ngoài cổng cùng lúc với tiếng còi thúc inh ỏi. Người con trai phóng như bay ra khỏi phòng khách, không một lời chào như lời từ giã đối với những "con mồi" đã bị cầm chân nãy giờ trong một đoạn phim tưởng tượng. Hắn đến bên người con gái còn chưa lọt xe vào cổng, đỡ lấy một gói giấy hoa vuông vức như một gói quà, luồn vào bụng áo.

Rồi sẵn xe chưa tắt máy, hắn leo lên rồ ga phóng biến đi trong một nháy mắt.

Lúc này Uyên và Ngà mới hoàn hồn nhào ra rỉa xói Hằng đang đi vào.

- Mi đi đâu, đi đâu? Đã hẹn rồi còn bỏ đi đâu?

Hằng ngơ ngác:

- Các bạn không đọc tờ giấy mình để lại sao?

Ngà xòe tờ giấy còn đang cầm:

- Đã kịp đọc đâu.

Hằng kêu trời, cái tay ấy chẳng được việc gì cả. Mình đã dặn đi dặn lại hễ các bạn ta tới thì phải tiếp đón đàng hoàng, lịch sự.

- Nhưng cái tay ấy là ai mới được chứ?

- Tuấn, thằng em họ ta.

Ngà bậm môi:

- Em của bạn ta là em ta. Vậy mà...

- Vậy mà sao, hắn bắt nạt các bạn hả?

Ngà nhìn Uyên lắc đầu:

- Không sao cả. Mà sao hắn nhự.. gà mắc đẻ vậy?

Hằng cười, quàng tay các bạn:

- Chả là hắn có cô bạn gái mới quen rồi mới giận, mới giận rồi mới làm lành. 5 giờ hắn có hẹn với nàng, 4 giờ hơn hắn mới nhào tới ta năn nỉ gãy lưỡi nhờ đi mua một món quà gì đó để làm lành với cô bạn gái.

- Cái gì trong gói giấy ấy vậy?

Hằng đưa hai ngón tay lên cắt:

- Một cái kéo.

Cả bọn ồ lên thích thú. Nàng làm thợ may hay thợ dệt? Bán vải hay bán bánh cuốn? Làm gì thì làm nhưng nhất định kỳ này cho hắn cắt đứt cái nết dại gái ấy đi.

Uyên thầm nghĩ: Một buổi chiều lắm chuyện. Trong khoảnh khắc của một đoạn phim mà có tới ba khuôn mặt rõ nét.

Là giòng sông, phần nào trôi đi phần nào đọng lại? Uyên mơ hồ thấy có một buổi sáng nào trong hồn mình vừa mở cửa. Và sau những rộn rã tươi vui của tuổi con gái kia, còn lao xao bước chân nào đẫm trên lá. Ai vừa đem đến đây những trang vở trắng để gió thổi tung lên lộn xộn thế này?

Lúc Uyên còn đang đứng ở cửa thì Ngà và Hằng đã sửa soạn đủ thứ lịch kịch dưới bếp.

- Phim nào hay bằng phim đổ bánh xèo, tiếc rẻ chi nữa Uyên. Phụ với bọn mình khiêng ông táo ra sân, bánh xèo phải tay đổ miệng ăn nóng hổi mới ngon. À, lát nữa sẽ có Khôi và Việt lớp mình ghé chơi nữa đấy. Mình mới gặp hay tay này rủ nhau đi chơi bóng bàn. Hy vọng chúng không về trể để khỏi vét chảo.