1. Chia tay Thư, nhưng lúc nào anh cũng thấy hình bóng Thư cứ xuất hiện ở khắp mọi nơi quanh mình. Cái đồng hồ báo thức buổi sáng, Thư mua hồi đi hội chợ Tết. Cái ảnh anh toe toét cười trong buổi sinh nhật cũng do Thư chụp trộm. Ngay cả trên máy điện thoại, tin nhắn hình cũng là những lời trách móc dễ thương của Thư... Thư từ lúc nào đã ở quanh anh, cho dù căn phòng anh ở không lớn lắm. Chính hồi chuyển đến đây, anh cũng đã nghĩ “sau này mà làm đám cưới, hai vợ chồng ở sao nổi”. Anh bị ám ảnh tiếng cười nói của Thư líu ríu ngày xưa. Anh hôn Thư, vòng tay bất ngờ từ phía sau. Thư yên ắng gọn gàng đón đợi. Mùi thơm thân quen từ mái tóc, những tưởng sẽ thuộc về anh mãi mãi. Ai ngờ, rồi Thư giật bỏ vòng tay anh, không quay về căn phòng nhỏ như chuồng chim ấy nữa.

Anh chuyển chỗ ở. Không phải vì lý do anh muốn chạy trốn bóng hình Thư, mà vì nhà chủ đã tìm được người mua đứt nó. Lại long đong tìm nhà. Lại phải căng mắt dò từng dòng địa chỉ trên mấy tờ báo... Hai năm làm báo kiếm tiền, đủ để trả tiền nhà, tiền điện thoại... dư mấy trăm cho đứa em ăn học là vừa hết. Chẳng biết bao giờ mới tậu được một căn phòng bé như cái nhà trọ ngày ấy mà cưới vợ. Anh khẽ cười khi thấy mình chợt nghĩ vớ vẩn.

Nhiều lúc, thực sự anh không thể lý giải được lý do Thư chia tay anh. Anh chỉ thầm cảm nhận qua những chiều hẹn hò thưa dần. Những hồi chuông điện thoại về đêm cũng ít đi. Anh đang trong thời gian tập sự Ở tòa báo. Cố gắng trong mọi công việc cũng đã làm anh mệt mỏi. Chuyện riêng làm anh chỉ muốn buông xuôi mọi thứ.

2. Không còn là anh của ngày xưa. Mỗi buổi sáng thức dậy sau tiếng chuông điện thoại là líu tíu đi làm. áo bỏ trong quần chỉnh tề. Đôi mắt có quầng đen mấy tháng trời không hết vì những đêm trắng ngồi gõ bài. Đã có lần Thư tỏ ra ngạc nhiên trước hình ảnh “lạ mắt” của anh, rất thích thú. Nhưng với cái vỏ cứng nhắc của áo quần, anh thực sự không giống như anh. Thư là người cảm nhận được điều ấy trong vòng tay anh ôm cô, trong dáng anh ngồi rất công chức trong quán cà phệ Anh không dám để Thư quàng tay ôm cổ mình từ cổng cơ quan với lý do “anh đang đeo cà vạt, nhỡ ai trong cơ quan nhìn thấy thì chết”.

Cả hai chia tay nhau nhẹ nhàng. Thư đề nghị điều đau đớn ấy chính tại nơi anh đã nói lời yêu đầu tiên với Thự Một quán trời và liễu xanh bình dị có cái tên quê kệch - Trâu Xanh. Buổi ấy, chiều cũng bình yên và dịu dàng như chiều ngày cũ, chẳng hợp tẹo nào với tâm sự nặng trĩu trong anh. Thư ngồi lặng lẽ. Đôi mắt nhìn vô định vào dòng sông Nhuệ chảy thư thái. Lẽ ra Thư phải khóc. Nếu Thư khóc, biết đâu, anh đã không ngồi im lặng như thế. Hai cái ghế mây đặt đối diện nhau. Ở giữa, cốc nước dừa của Thư đã tan hết đá, nước ngưng thành giọt trên thành cốc. Nhói lòng, anh nghĩ đến giọt nước mắt. Buồn quá, Thư là người hiểu anh. Rốt cuộc Thư lại là người cố tình không chịu hiểu cho anh. Hơn bốn năm yêu nhau, cả hai đều không trở về quán xưa chỉ vì nó đã hơi khác so với ngày quen nhau. Thế mà Thư lại chọn chính nơi này để im lặng, để dằn vặt lòng anh bằng một lời chia tay bình thản, gọn gàng, nhẹ bỗng.

Điện thoại, lại là điện thoại. Chiếc di động vừa đổ chuông vừa rung bần bật trong túi quần ép anh phải nói. Thư nhắc khẽ làm anh bối rối bấm phím OK trả lời.

- Alô, Việt đây...

Anh quay sang nhìn Thư bối rối. Một cuộc họp đột xuất mà anh không thể không trở về.

- Mình về đi anh. Chiều nay anh lại bận phải không ?

Cả hai đứng dậy mà không dám nhìn vào mắt nhau. Anh mơ hồ nhận ra trong đôi mắt ấy có một giọt mưa anh trông chờ. Vòng qua cầu cống sắt, anh muốn nhắc Thư về lối đi quen thuộc. Còn nguyên đó tiếng nước khó nhọc lách qua cửa cống hẹp. Ngày xưa, Thư hay bắt anh dừng lại ngắm lục bình. Đám bèo trôi từ những đâu, đến cửa cống thì dừng lại. Hoa tím lặng lẽ nở, buồn buồn bên đám chuồn chuồn ớt đỏ lanh chanh... Anh vẫn nhớ vòng tay mình ôm quanh vai Thư che chở. Anh đã kể cho Thư nghe về thuở tóc râu ngô lang bang khắp ao hồ ruộng đồng của mình. Thư đã từng nói rằng những ký ức ấy là Thư yêu anh. Chỉ có Thư mới biết anh nhiều và yêu anh đến thế. Một cô gái thành phố, ngày bé tả con lợn có cái mũi như ổ cắm điện, bên anh hồn nhiên và lắng nghe. Thư nói về mình đầy hài hước, chọc cho anh cười bằng những kỷ niệm ngô nghệ Hai tính cách đã có lúc dựa vào nhau cân bằng, tưởng như không thể rời xa...

3. Xuất thân từ tỉnh lẻ lên Hà Nội học, anh may mắn được làm quen với nghề báo nhờ vốn văn chương thời cấp bạ Ngay từ lúc sinh viên, anh đã viết báo. Nhờ vậy mà trong mắt các cô gái, anh được “lên điểm” rất nhiều. Năm thứ hai, bố mẹ mua cho một cái Viva sành điệu. Năm thứ ba, tự sắm cho mình chiếc điện thoại cầm tay bé xíu dùng cạc. Chỉ vậy thôi, Thư cũng đủ để tự hào về anh trong mắt bạn bè, toàn đám bạn Hà Nội bóng bẩy nhưng với Thư chỉ là “dũng sĩ diệt gia đình” không hơn không kém. Cuộc sống tự lập của anh là một chuỗi những cố gắng. Trong tòa soạn, đám cộng tác viên ngày ấy đa số là dân thành phố, ngoại ngữ nói như hát, gõ phím máy tính như chơi đàn, truy cập Internet như người ta mở radio vậy. Để khỏi bị đào thải, anh phải học tiếng Anh, dò dẫm sử dụng vi tính. Hết cố hoàn thiện cái này, lại thấy thiếu thứ khác.

Thư là người đề nghị anh sắm di động. Bề ngoài ai cũng nghĩ anh sang, anh có thu nhập cao... ít ai có thể hiểu rằng cuộc sống nhà trọ long đong không biết thay đổi lúc nào, gắn anh vào mấy con số 09... Đời ở trọ cũng là đời di động. Nhà thuê vừa kịp quen với khóa cửa, vòi nước, công tắc điện... đã phải chuyển đi. Chỉ có Thư là cố định, anh từng rất tin vào điều ấy. Thư yêu anh không phải vì giàu có, vì hộ khẩu, mà đơn giản Thư thích anh. Thư tự hào với mọi người về anh.

4. Những ngày buồn, Thư tránh mặt, dù anh điện thoại, nhắn tin hay tìm đến tận nhà. Gặp mẹ Thư, bà vẫn bảo : “Hai đứa mày giận dỗi nhau cái gì mà trẻ con thế”. Anh chỉ biết thưa : “Thư không hiểu cho công việc của cháu. Cháu bận quá”. Nhưng có một chuyện anh mơ hồ nhận thấy, chuyện mà chỉ có Thư biết và anh cũng chưa để ai hay bao giờ. Thư ghen với một cô độc giả ở tận Tuyên Quang thi thoảng có viết thư, gọi điện thoại cho anh. Trang học lớp 12, quen anh trong một buổi giao lưu tại trường, từ khi anh vẫn là sinh viên năm cuối, đi theo tòa soạn. Trang hay gọi điện thoại trách anh không hồi âm cho cô, lúc thì kể lể chuyện thi cử... Trang không tiếc tiền điện thoại di động như mọi người, kể nhiều chuyện đến mức anh không tài nào kết thúc được. Thư biết Trang vì anh kể chuyện này với Thự Lúc đầu Thư buồn cười, sau đó hễ giận là Thư lôi luôn chuyện Trang làm nguyên nhân kết tội anh.

5. Nghỉ trưa, anh thường ra ban công hút thuốc. Có lần nhìn xuống đường thấy Thư ngồi sau xe máy người ta ngước nhìn lên rất nhanh. Thư vẫn thế, có lẽ chỉ khác xưa, cô không đứng đấy gọi tên anh mà thôi. Thư cũng nhìn thấy anh đứng đó. Biết đâu, cô cũng mong anh đứng đó thì sao. Anh phải nghĩ về Thư thật tử tế và không cho phép mình được chạnh lòng với gã trai đang chở Thự Anh vẫn nghĩ rằng Thư đang thử thách anh, sẽ quay lại với anh... Bóng Thư khuất nhanh, nhưng anh phải chờ đến khi tàn thuốc trên tay rớt xuống mới quay vào phòng. Buồn quá, anh vớ lấy cái điện thoại đọc lại mấy tin nhắn ngày nào của Thự Thư sẽ quay lại, anh tin thế.

6. Trang trở thành sinh viên đại học. Cô không còn cố tình kiếm cớ trách móc anh qua điện thoại như trước nữa. “Em là sinh viên không có đủ tiền để gọi di động cho anh đâu”. Cô chủ động chờ gặp anh, kể chuyện sinh viên cho anh nghe như thể anh chưa trải qua thời đó vậy. Cô coi anh như một người bạn, đúng hơn là anh trai như cô nói... Rảnh, anh cũng rủ Trang đi lơ vơ quanh Hà Nội cho đỡ nghĩ vớ vẩn. Từ lúc nào, Trang trở nên khá thân thiết với anh.

Anh đã chờ Thư nhắn tin hay thêm một lần đi qua ban công anh hay đứng, từ lâu lắm rồi. Anh cũng sợ anh sẽ quên Thư, nếu như Thư không vụt qua như xưa. Hoặc là, anh sẽ nghĩ không tốt về Thư mất. Vì thế mà tuyệt nhiên, anh không dám về lối cũ vì sợ hình ảnh Thư và anh ngày nào. Có lần anh bắt buộc đi qua, liễu vẫn mải mê xanh như thuở nào. Vẫn nao lòng lắm...

7. - Anh biết bài “Lối cũ” của Phan Thị Thanh Nhàn chứ ? Em thấy câu này lúc nào cũng đúng, cũng hay : “Con đường ta đã dạo chơi. Xin đừng đi với một người khác em”...

Trang hồn nhiên hay vờ hồn nhiên làm anh im lặng một lúc. Thấy Trang có vẻ tư lự không nói gì, anh hỏi :

-Mối tình đầu của em hả ?

- Không. Em thích vì em thuộc, thế thôi... Sau này khi lỡ yêu ai, rồi lỡ không thành, em cũng chỉ mong như vậy.

- Con gái bọn em ích kỷ ghê.

Anh cười, chợt nghĩ đến Thự Liệu Thư có nghĩ giống Trang không ? Yêu nhau chừng ấy năm, kỷ niệm nơi nào quanh Hà Nội cũng thấy. Thư có thấy bực mình nếu anh đưa Trang đến những nơi xưa Thư thích ? Anh cũng đã lâu lắm chẳng về nơi ấy vì không dám nhớ Thư thêm. Bảo tàng tình yêu là những chỗ ngày xưa anh và Thư bên nhau. Bảo tàng tình yêu là những điều anh không dám chạm đến. Nó như viên đá lạnh, ra trước gió tan thành nước mất thì sao. Nhưng rồi anh cũng chẳng hiểu nổi mình.

- Anh đưa em đến một nơi lãng mạn lắm.

Anh đưa Trang đến Trâu Xanh, quán liễu mà anh coi là chốn thiêng liêng nhất của anh và Thự Tự dưng anh muốn thử phá vỡ sự ích kỷ trẻ con của những cô gái đã yêu. Biết đâu Thư cũng nghĩ như điều Trang vừa nói. Biết đâu Thư sẽ phải giận điên lên khi biết anh về quán cũ với cô gái khác. Thư cũng sẽ có cảm giác như anh lần thấy Thư đi qua tòa soạn với gã trai nào đó. Và anh sẽ thấy Thư ghen với Trang. Điều đó có nghĩa là Thư vẫn yêu anh.

8. Xe vòng qua cầu cống sắt như lộ trình quen thuộc. Trang đòi anh đi chậm để nhìn lục bình tím cửa cống. Ngày ấy, Thư cũng thế. Thư thường ngây ngô hỏi anh : “Tại sao hoa bèo là lục bình”. “Tại sao... ”. Trang thì ít hỏi linh tinh hơn nhưng lại hay kết luận không đâu. “Nơi này mà tỏ tình là hợp quá, anh Việt nhỉ”. “Ai ngỏ lời với em ở đây là em chết luôn”. Làm sao anh trả lời Trang được.

Quán liễu, những gốc cây già vẫn đong đưa như ngày trước. Anh đưa Trang vào bộ ghế mây sát mép sông, ngày trước Thư đã từng tựa vào vai anh và khóc. Có thể anh đang làm một điều ngờ nghệch. Anh muốn giỡn với cảm xúc của một cô bé ngây thơ mà anh gán rằng Thư cũng thế... Chiếc bàn quen ấy có người ngồi. Cũng là hai người nhưng vị trí không thân mật lắm. Anh kéo Trang quay ra.

- Anh Việt !

Giật mình quay lại. Thự Thư sửng sốt lắm khi thấy anh và Trang.

- Không ngờ lại gặp Thư ở đây.

Mặc kệ cả gã trai của Thư, mặc kệ Trang đang nhìn cả hai ngạc nhiên. Thư sững sờ nhìn anh. Mà có gì đâu cơ chứ, anh cũng ngạc nhiên nữa là. Anh muốn Thư nhìn thấy anh lắm mà. Nhưng Thư cũng thế đấy chứ. Thư cũng về đây với bạn mình đấy chứ.

- Em cứ tự nhiên nhé!

Anh kéo Trang sang bàn khác, thản nhiên kêu đồ uống, chẳng ngoái sang Thư chút nào. Vậy là Thư đâu có giống Trang, Thư cũng đã có những cuộc hẹn hò khác tại bảo tàng tình yêu của hai người. Anh ảo tưởng nhiều quá.

Một lát Thư đứng dậy, qua bàn chào anh và Trang nhẹ nhàng. Chắc Thư ngạc nhiên lắm. Buồn cười thật, anh đã coi nơi này là bảo tàng tình yêu. Anh tôn thờ mối tình đầu đến nỗi không có cảm xúc yêu đương gì nữa. Anh đã không kịp thay đổi theo cuộc sống. Có khi cảm xúc đau đớn ghen tuông ngày nào cũng chết mòn mỏi từ lâu nên anh không thấy buồn như xưa. Chỉ thấy hẫng một chút. Thư qua rồi. Anh cũng khác rồi.

Trang cầm tay anh, hồn nhiên bảo :

- Quán đẹp nhỉ, lần sau mình lại đến đây anh nhé.

- Ừ.

Anh đồng ý dễ dàng. Tại sao không nhỉ? Từ lâu, tại sao anh lại không thấy mình cần phải có một suy nghĩ mới, một tình yêu mới cơ chứ. Bảo tàng tình yêu không người thăm nom rồi chẳng thành phế tích thì sao ? Đám lục bình có nở tím nơi kia cũng chỉ là khi có cửa cống chặn lại. Khi mở ra nó sẽ trôi về nơi khác. Sông vẫn chảy, lại có những đám bèo khác trôi về, lại mong manh nở. Để rồi sẽ lại có hai người khác anh dừng lại yêu nhau. Có thể là anh lần nữa không? Biết đâu đấy.

Hết