Bản sonata Kreutzer - Chương 01 - 02

Giới thiệu:

TỦ SÁCH TINH HOA VĂN HỌC

Tinh hoa văn học của nhân loại nào cũng cần được khám phá và tái khám phá. Mỗi tác phẩm lớn là một xứ sở kỳ diệu và mỗi lần ta tìm đến là thực hiện một cuộc phiêu lưu hoan lạc.

Dịch thuật, giới thiệu và biên khảo về những tác phẩm tinh hoa sẽ mở ra các lối cổng dẫn vào những cảnh tượng văn chương khác nhau, qua những không gian và thời gian vừa hiện thực vừa kỳ ảo.

Khát vọng hiểu biết và vui thú trong đời là bản tính của con người ở mọi nơi và mọi thời. Các tác phẩm văn chương thật sự vĩ đại đều mang lại hai điều đó: vui thú và hiểu biết. Nhưng hiểu biết là niềm vui hiếm khi tự đến một cách dễ dãi. Cần đón đợi và hồi đáp.

Mọi tác phẩm tinh hoa cần được đón đợi và hồi đáp trong niềm hân hoan có tên là “ĐỌC”.

ĐỌC. Cầm sách lên và đọc. Trong sách có bạn hiền, có người đẹp, có mọi thứ. Do vậy, chúng tôi chủ trương TỦ SÁCH TINH HOA VĂN HỌC, xem đó như cửa ngõ của hiểu biết và niềm vui.

CÓ NĂM CỬA:

• Kiệt Tác:

Mỗi Kiệt tác sẽ được dịch trọn vẹn và giới thiệuả tác giả lẫn tác phẩm trong phối cảnh văn hóa những đặc điểm thiết yếu.

• Tuyển:

Tuyển chọn những tác phẩm ngắn của một tác giả, một nền văn học hay một chủ đề mang tính điển mẫu (thuộc vòng đời hay vòng mùa)

• Kiến Thức:

Những kiến thức mà người đọc hiện đại cần có: trào lưu văn học, các nền văn học, thể loại… được trình bày gọn nhẹ, dễ tiếp nhận.

• Nghiên Cứu:

Các công trình chuyên sâu về một vấn đề văn học, một tác giả thiên tài, lý luận phê bình…

•Mới:

Về các hiện tượng văn học mới xuất hiện của nước ngoài đang gây chú ý hoặc đoạt các giải thưởng lớn… Mong ước chúng tôi là TỦ SÁCH TINH HOA VĂN HỌC sẽ tiến bước bền vững và được đón nhận thân tình.

Tủ sách được biên soạn và dịch thuật từ những nhà giáo, dịch giả và nhà nghiên cứu có uy tín và tâm huyết với văn chương.

NHẬT CHIÊU

LỜI GIỚI THIỆU

Văn hào Nga Lev Nikolayevich Tolstoy được biết đến như tác giả của bộ tiểu thuyết sử thi vĩ đại “Chiến tranh và hòa bình” và rất nhiều tác phẩm khác. Ông sinh ra tại điền trang Yasnaya Polyana thuộc tỉnh Tula vào ngày 28 tháng 8 năm 1828 trong một gia đình đại quý tộc. Tám mươi hai năm sau, đêm 27 rạng ngày 28 tháng 10 năm 1910, ông đã bí mật từ bỏ ngôi nhà thân yêu của mình, gửi lại cho vợ bức thư chia tay, cảm ơn bà vì 48 năm chung sống và quyết định đi tìm sự yên bình và giải thoát khỏi cuộc sống xa hoa mà ông đang sống. Chuyến tàu mà ông lên để ra đi chỉ đưa ông tới được ga xép Astapovo, cách Tula khoảng 100 km. Ngày 31 tháng 10 ông lâm bệnh, được đưa vào ga Astapovo và mất ở đó ngày 7 tháng 11 năm 1910.

Tolstoy là một trong số hiếm hoi các nhà văn Nga thế kỷ 19 đã sống đến tuổi ngoại bát tuần. Suốt đời, ông luôn là con người tìm kiếm lẽ sống, không bao giờ bằng lòng với những gì mình đã có, đã đạt được, và điều đó được thể hiện qua những tác phẩm của nhà văn. Có thể nói những tiểu thuyết lớn của ông đều là những cái mốc đánh dấu những bước chuyển quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác. Ông còn là một trong số các nhà văn mà cuộc đời của chính mình được đưa vào trong tác phẩm nhiều nhất.

Ba mươi năm cuối đời, kể từ sau khi nhà văn cho ra đời tiểu thuyết “Anna Karenina” (1879), Tolstoy trải qua thời kỳ mà người ta gọi là khủng hoảng đạo đức. Đây là thời kỳ nhà văn trải qua những sóng gió của cuộc sống gia đình, là thời kỳ ông luôn bị ám ảnh bởi cái chết và những ăn năn, sám hối về những lỗi lầm của bản thân cũng như của tầng lớp quý tộc mà ông là đại biểu. Đây cũng là thời kỳ ông đưa ra lý thuyết tự hoàn thiện bản thân, thời kỳ ông viết những tác phẩm nổi tiếng như “Cái chết của Ivan Ilich”, “Đức cha Sergei”, “Phục sinh”.

“Bản Sonata Kreutzer” cũng được viết trong thời kỳ này, (bắt đầu năm 1887, hoàn thành năm 1889). Nó bị kiểm duyệt cấm xuất bản năm 1890, song lệnh cấm sau đó được đích thân Nga hoàng Alexandr III hủy bỏ. Trước khi được chính thức xuất bản ở Nga năm 1891, nó đã được lưu hành hàng ngàn bản dưới dạng in thạch bản và được dịch ra một số tiếng nước ngoài. Tác phẩm gây xôn xao dư luận vì đã đưa ra những vấn đề mà trước đó chưa bao giờ được nói đến một cách công khai. Một người bạn của Tolstoy - Nikolai Strakhov, triết gia đồng thời cũng là nhà phê bình văn học - đã viết cho nhà văn về tác phẩm này: “Anh chưa bao giờ viết cái gì ghê gớm và ảm đạm hơn tác phẩm nàyTolstoy, nhưng đã khen ngợi nghệ thuật của tác phẩm và cho rằng nó đã “khơi dậy suy nghĩ “ nơi người đọc. Ivan Bunin sau khi đọc tác phẩm cũng đã viết thư cho Tolstoy ca ngợi và xin phép được đến gặp văn hào.(1)

1. Các ý kiến của Strakhov, Chekhov và Bunin được trích theo: Wasiolek Edward, Tolstoy’s Major Fiction. The University of Chicago Press, 1978. Tr.215.

Có thể nói “Bản Sonata Kreutzer” đã cho thấy một Tolstoy dữ dội khác với Tolstoy trong “Chiến tranh và hòa bình”, “Anna Karenina” và nhiều tác phẩm khác. Tuy nhiên, chủ đề kiếm tìm lý tưởng đạo đức trong sự giao hòa với đời sống tự nhiên của nhân dân lao động, với thiên nhiên vốn xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của nhà văn, cũng như nghệ thuật thiên tài của nhà văn trong mô tả tâm lý con người - “phép biện chứng tâm hồn” - vẫn được thể hiện rõ nét trong tác phẩm này.

***

I

ĐÓ LÀ VÀO ĐẦU mùa xuân. Chúng tôi đi đã được hai ngày đường. Những hành khách đi các chặng ngắn lên lên xuống xuống tàu, nhưng có ba người cũng giống như tôi, đi từ ga đầu tiên. Đó là một quý bà không đẹp lắm và cũng không còn trẻ, hút thuốc liên tục, mang một vẻ mặt đau khổ và mặc chiếc áo khoác kiểu đàn ông, đầu trùm mũ. Bạn của bà ta là một người lắm lời, khoảng bốn mươi tuổi, mặc đồ mới cứng rất tề chỉnh. Ngoài ra còn có một người đàn ông luôn giữ vẻ cô độc, dáng người tầm thước, tác phong dứt khoát, còn trẻ nhưng đã có những khóm tóc bạc sớm, đôi mắt sáng luôn đảo từ chỗ này sang chỗ khác. Anh ta mặc chiếc áo khoác cũ may bằng loại vải đắt tiền có cổ bằng lông cừu và trùm cái mũ cao cũng bằng lông cừu. Mỗi khi anh ta cởi nút, dưới lớp áo khoác lộ ra tấm áo lót và chiếc sơ mi thêu kiểu Nga. Cái đặc biệt của người đàn ông này là thỉnh thoảng anh ta lại phát ra những âm thanh kỳ lạ giống như tiếng ho hay tiếng bật cười rời rạc.

Người đàn ông đó suốt dọc hành trình cố tránh trò chuyện và làm quen với các hành khách khác. Khi những người ngồi bên hỏi chuyện, anh ta trả lời nhát gừng, gắt gỏng, rồi hoặc đọc sách, hoặc vừa nhìn ra cửa sổ vừa hút thuốc, hoặc lôi đồ ăn từ cái túi cũ kỹ ra, uống trà hay ăn nhấm nháp.

Tôi có cảm giác rằng anh ta khốn khổ vì sự cô độc của mình, và tôi đã vài lần thử bắt chuyện với anh ta, nhưng lần nào cũng vậy, khi mắt chúng tôi gặp nhau, mà chuyện này xảy ra luôn luôn vì chúng tôi ngồi xiên chéo với nhau, thì anh ta lại quay mặt đi, cầm cuốn sách đọc hay nhìn ra cửa sổ.

Vào buổi chiều thứ hai của cuộc hành trình, khi tàu đỗ lại ở một ga nhỏ, anh chàng bẳn gắt kia đi kiếm nước sôi về pha trà cho mình. Ông mặc đồ mới cứng chỉnh tề, một luật sư như sau này tôi được biết, cùng quý bà hay hút thuốc mặc áo khoác kiểu đàn ông cũng xuống ga đi kiếm trà uống.

Trong lúc các vị kia vắng mặt, vài hành khách mới lên tàu, trong đó có một ông già cao lớn, mặt hằn những nếp nhăn, râu tóc cạo nhẵn nhụi, chắc hẳn là một thương gia. Ông ta mặc chiếc áo lông và đội chiếc mũ cát két bằng nỉ có lưỡi trai rất lớn. Ông thương gia ngồi vào chỗ đối diện với chỗ của quý bà cùng ông luật sư, và lập tức bắt chuyện ngay với một người trẻ tuổi có vẻ là một viên quản lý việc buôn bán. Anh ta cũng lên tàu ở ga này.

Tôi ngồi chéo với họ, và bởi vì tàu đang đỗ, nên tôi có thể nghe loáng thoáng câu chuyện của họ những lúc không có ai qua lại. Đầu tiên ông thương gia nói ông đi về điền trang của mình cách đây chỉ có một ga; sau đó thì như cánh dân buôn vẫn thường làm, họ trao đổi về giá cả, về công việc, về chuyện ở Moskva hiện đang buôn bán ra sao, sau đó lại chuyển sang chuyện về phiên chợ ở Nizhegorod. Viên quản lý bắt đầu kể về cuộc ăn chơi trác táng trong phiên chợ của một tay thương gia giàu có nào đó mà cả hai đều quen biết, nhưng ông già không để cho anh ta nói hết, và tự mình kể về những cuộc ăn chơi trác táng thời trước ở Kunavin mà chính ông ta từng tham gia. Rõ ràng là ông ta tự hào về những chuyện đó của mình. Với vẻ đầy vui sướng, ông ta kể lại rằng mình cùng với chính cái ông người quen của cả hai kia trong khi say xỉn đã gây ra ở Kunavin một chuyện, mà kể về nó thì phải nói thầm, và làm cho anh chàng quản lý cười rống lên khắp toa tàu, còn ông già cũng cười nhe ra hai chiếc răng vàng chóe. Không trông chờ có thể nghe thêm được chuyện gì hay ho, tôi đứng dậy định xuống đi dạo dưới sân ga. Ra đến cửa tôi đụng phải vị luật sư cùng quý bà đang vừa đi vừa trò chuyện rất sôi nổi.

- không kịp đâu, - ông luật sư xởi lởi bảo tôi, - sắp có hồi chuông thứ hai bây giờ đấy.

Quả nhiên, tôi chưa kịp đi đến cuối các toa tàu thì chuông báo hiệu vang lên. Khi tôi quay về toa, giữa quý bà và ông luật sư vẫn đang tiếp tục câu chuyện sôi nổi. Ông thương gia già ngồi im lặng trước mặt họ, mắt nghiêm khắc nhìn ra phía trước, thỉnh thoảng lại nhai nhai hai hàm răng một cách không hài lòng.

- Sau đó cô ta tuyên bố thẳng với đức ông chồng, - ông luật sư vừa cười vừa nói lúc tôi đi ngang qua ông ta, - rằng cô ta không thể và cũng không muốn sống với chồng nữa, bởi vì...

Ông ta kể tiếp cái gì đó mà tôi không nghe được. Đằng sau tôi còn có các hành khách khác đi qua, người soát vé đi qua, lại một anh nhân viên đi vào, thành ra khá ồn ào, chẳng thể nghe mọi người nói gì. Khi tất cả lắng xuống, tôi lại thấy tiếng của ông luật sư, câu chuyện hẳn là đã chuyển từ những chuyện riêng tư sang những ý kiến khái quát.

Ông luật sư nói về việc vấn đề ly hôn đang gây chú ý trong công luận châu Âu, và rằng ở nước Nga thì những chuyện như vậy ngày càng xảy ra nhiều hơn. Nhận thấy chỉ có mỗi một mình mình nói, ông luật sư bèn ngừng bài diễn thuyết của mình, quay sang ông già thương gia.

- Ngày xưa chắc là không có những chuyện đó phải không ạ? - Ông nói và nhoẻn cười một cách rất khoái chí.

Ông già định đáp lại, song đúng lúc đó tàu chuyển bánh, nên ông ta liền bỏ mũ, bắt đầu làm dấu và lâm râm cầu nguyện. Ông luật sư quay đi chỗ khác, lịch sự chờ đợi. Kết thúc bài cầu nguyện của mình và làm dấu thêm ba lần, ông già chụp sâu cái mũ lên đầu, ngồi lại ngay ngắn và lên tiếng.

- Hồi xưa cũng có đấy, thưa ngài, nhưng ít hơn. - Ông ta nói. - Ngày nay thì không thiếu những chuyện đó. Người ta bây giờ có học thức hơn mà.

Con tàu chạy càng lúc càng nhanh thêm, kêu rầm rầm và tôi rất khó nghe được câu chuyện,i nó lại rất thú vị, nên tôi chuyển sang ngồi gần hơn. Người hành khách cạnh tôi, người đàn ông bẳn gắt có đôi mắt sáng, cũng có vẻ quan tâm, tuy vẫn yên vị trên chỗ của mình nhưng anh ta rất chăm chú lắng nghe.

- Nhưng mà học thức có gì là sai trái nào? - Quý bà hơi mỉm cười nói. - Chả lẽ kết hôn như thời xưa, khi mà chú rể và cô dâu thậm chí còn chả biết mặt nhau, lại tốt hơn à? - Cũng giống như nhiều phụ nữ khác, bà ta có thói quen trả lời những câu hỏi không phải của người đối thoại nói với mình, mà những câu do chính mình nghĩ là người đó sẽ nói. - Họ chẳng biết là có yêu hay không, hoặc có thể yêu được hay không, chỉ nhắm mắt lấy bất cứ người nào rơi vào họ, rồi cả đời chịu đau khổ; thế cái đó, theo các ngài, là tốt hơn à? - Bà ta nói, rõ ràng hướng những lời đó tới tôi và ông luật sư hơn là tới ông già mà bà ta đang hầu chuyện.

- Bây giờ người ta đã có học thức lắm rồi. - Ông thương gia nhắc lại, khinh miệt nhìn quý bà và không trả lời câu hỏi của bà ta.

- Tôi thật muốn biết ngài giải thích ra sao mối quan hệ giữa học thức và sự bất hòa trong quan hệ vợ chồng. - Ông luật sư hơi mỉm cười và nói.

Ông thương gia định nói cái gì đó, thì bà kia chặn lời ông ta:

- Không, cái thời đó đã qua rồi, - bà ta nói. Nhưng ông luật sư ngăn lại:

- Không, xin hãy để cho ngài đây nói ý kiến của mình.

- Học thức mang lại những chuyện ngu ngốc. - Ông già quả quyết.

- Buộc những người không hề yêu nhau lấy nhau, rồi sau đó lấy làm ngạc nhiên khi thấy họ sống không hòa thuận. - Quý bà kia vội vã nói, liếc sang ông luật sư và tôi, thậm chí liếc sang cả viên quản lý đang nhổm hẳn người lên khỏi chỗ của mình, chống tay lên lưng ghế, vừa mỉm cười vừa lắng nghe câu chuyện. - Chỉ có cầm thú mới có thể bị ghép đôi theo ý chủ nhân thôi, chứ còn con người có những ham muốn và tình cảm của mình. - Bà ta nói, rõ ràng có ý muốn châm chọc ông lão thương gia.

- Bà nói vậy vô ích thôi, thưa bà - ông già nói. - Cầm thú là loài súc sinh, còn con người có luật lệ của mình.

- Nhưng làm sao mà có thể sống với một người khi không có tình yêu? - Bà kia vẫn vội vàng phát biểu những quan niệm của mình mà chắc theo bà ta là rất mới mẻ.

- Những chuyện như vậy trước kia người ta chưa biết, - ông già nói bằng một giọng nghiêm khắc, - chỉ bây giờ mới bày vẽ ra. Các cô nàng bây giờ nói: “Tôi sẽ bỏ anh mà đi”. Cả cái lũ muzhik cũng bị nhiễm cái mốt đó. “Này, đi mà ôm lấy đống áo quần của anh, còn tôi đi với anh Vanka đây, anh ấy có mái tóc xoăn hơn anh”. Đấy cứ phân tích mà xem. Mà ở đàn bà đầu tiên phải có sự sợ hãi.

Anh chàng quản lý hết nhìn ông luật sư, nhìn quý bà rồi lại nhìn sang tôi, rõ ràng đang cố nén nụ cười, đợi xem lời nói của ông già thương gia được tiếp nhận ra sao để còn cười phá lên đồng tình.

- Sợ hãi gì cơ? - Bà kia hỏi.

- À tức là phải sợ chồ...ồ...ồng của mình! Sự sợ hãi là đó.

- Nhưng bố ơi thời đó đã qua rồi. - Bà kia nói, có phần cay cú.

- Không, thưa bà, thời đó không thể nào qua đi được đâu. Cũng như chuyện bà Eva được tạo ra từ cái xương sườn đàn ông cũng sẽ còn mãi đến ngày tận thế - Ông già nói, lúc lắc cái đầu một cách nghiêm trang và đắc ý, đến nỗi anh chàng quản lý quyết định là phần thắng đã thuộc về ông già thương gia và bật cười rất to.

- Đó là các ngài đàn ông suy luận như vậy, - quý bà chưa chịu thua và ngó sang chúng tôi, - bản thân mình thì được tự do, còn phụ nữ thì muốn đem giam vào nhà tù. Bản thân mình thì hẳn là mọi thứ đều được cho phép

- Cho phép thì chẳng ai cho phép, có điều ở trong nhà không có gì có thể làm hỏng người đàn ông được cả, còn đàn bà con gái chỉ là cái hũ mong manh dễ vỡ. - Ông thương gia tiếp tục.

Vẻ oai nghiêm trong giọng nói của ông thương gia rõ ràng thuyết phục được người nghe, quý bà kia cũng cảm thấy mình thất thế, song vẫn chưa chịu đầu hàng.

- Vâng, nhưng tôi nghĩ rằng ngài cũng sẽ đồng ý là đàn bà cũng là con người có tình cảm như đàn ông. Thế một người phụ nữ sẽ phải làm gì nếu như cô ta không yêu chồng của mình?

- Không yêu! - Ông già thương gia nhắc lại một cách dữ tợn, động đậy cặp lông mày và đôi môi. - Chắc chắn cô ta sẽ phải yêu.

Lập luận bất ngờ đó của ông thương gia đặc biệt làm anh chàng quản lý thích thú, và anh ta phát ra một âm thanh đồng tình.

- Không đâu, cô ta sẽ không yêu đâu, - bà kia cất lời, - mà nếu như không có tình yêu thì không thể ép buộc được.

- Thế còn khi người vợ phản bội lại chồng thì như thế nào? - Ông luật sư hỏi.

- Điều này thì không thể được, - ông già nói, - chuyện này thì phải coi chừng.

- Nhưng nếu nó xảy ra thì làm thế nào? Điều này vẫn có đấy.

- Ai có thì có chứ ở chỗ chúng tôi không có chuyện đó. - Ông già nói.

Tất cả im lặng. Anh chàng quản lý ngọ nguậy, nhích lên trước, rõ ràng không muốn thua kém những người khác, và nhoẻn cười cất lời:

- Vâng, một anh chàng chỗ chúng tôi cũng bị tai tiếng. Cũng rất khó có thể phân xử đúng sai thế nào. Anh ta lấy phải một mụ đàn bà đổ đốn. Quỷ sứ lôi mụ đi. Còn anh chàng kia cũng biết điều lắm. Đầu tiên mụ đi lại với một tay ký lục, anh chàng cũng khuyên nhủ điều hay lẽ phải, nhưng mụ không chịu thôi, gây ra đủ chuyện đê tiện và bắt đầu ăn cắp tiền của anh ta. Anh ta đánh mụ, thì sao nào, mụ lại càng tệ thêm. Nào với thằng cha chưa được rửa tội, nào với thằng Do Thái, nói vô phép chứ, mụ ăn nằm hết. Anh ta còn biết làm gì nào? Anh ta bỏ quách mụ. Rồi thế là sống cuộc sống của cái anh độc thân, còn mụ kia thì vẫn lang chạ khắp nơi.

- Đó là vì hắn là thằng ngu, - ông già nói, - nếu như lúc đầu hắn không thả lỏng mụ vợ, mà dạy dỗ mụ cho ra trò vào thì hẳn mụ ta đã sống rồi. Phải không được cho tự do ngay từ đầu. Ngựa ngoài đồng vợ trong nhà, chớ mà tin.

Vừa lúc đó người soát vé tới hỏi vé những người xuống ga tới. Ông già đưa vé của mình.

- Hừ, phải ngăn chặn cái giống đàn bà từ sớm, chứ nếu không thì hỏng bét cả.

- Thế nhưng, chính ngài chẳng vừa kể chuyện các vị đã có vợ ở phiên chợ Kunavin vui thú thế nào ư? - Tôi không kiềm lại được buột nói.

- Đó là trường hợp ngoại lệ. - Ông thương gia nói và chìm vào trong im lặng.

Khi tiếng còi vang lên, ông thương gia đứng dậy, lôi cái bao từ dưới ghế, cài lại áo, nhấc mũ và đi xuống ga.

II

ÔNG GIÀ VỪA ĐI KHỎI, cả mấy giọng cùng cất lên:

- Ông già cổ hủ quá. - Anh chàng quản lý bảo.

- Đúng là một Domostroy(2) sống! - quý bà nói - thật là một quan niệm mọi rợ về phụ nữ và hôn nhân!

2. Domostroy - tác phẩm ra đời vào thế kỷ 16, là tập hợp những quy định và những lời răn dạy về cách sống theo những nguyên tắc gia trưởng phụ hệ, nảy sinh trong giới quý tộc lãnh chúa và giới thương nhân (ND).

- Vâng, chúng ta còn quá xa lạ với quan điểm về hôn nhân ở Âu châu. - Ông luật sư phát biểu.

- Điều quan trọng là cái mà những con người như ông ta không thể nào hiểu nổi, - bà kia nói, - đó là hôn nhân mà không có tình yêu thì không phải là hôn nhân, chỉ có tình yêu mới soi sáng cho hôn nhân và hôn nhân đích thực chỉ là những cuộc hôn nhân được soi sáng bởi tình yêu.

Anh chàng quản lý lắng nghe và mỉm cười, cố gắng ghi nhớ được nhiều hơn những từ ngữ thông thái để sau còn vận dụng.

Giữa lúc quý bà đang thao thao thì phía sau tôi vang lên một âm thanh giống như tiếng cười hay tiếng nấc bị đứt đoạn. Chúng tôi quay lại, thấy người hành khách ngồi bên cạnh tôi, anh chàng tóc bạc cô độc có đôi mắt sáng, trong lúc diễn ra câu chuyện mà hẳn đã rất cuốn hút anh ta, từ lúc nào đã tiến sát đến bên chúng tôi. Anh ta đứng tựa tay lên thành ghế, rõ ràng đang hết sức xúc động: khuôn mặt anh ta ửng đỏ và thớ thịt trên má giật giật.

- Cái tình... tình... tình yêu nào mà lại soi sáng hôn nhân? - Anh ta nói ngắc ngứ.

Nhìn thấy tình trạng xúc động của người hỏi quý bà bèn cố gắng trả lời sao cho nhẹ nhàng và cụ thể hơn.

- Tình yêu đích thực... Đó là tình yêu giữa người đàn ông và người đàn bà có thể đưa đến hôn nhân. - Bà ta nói.

- Vâng, nhưng tình yêu đích thực là như thế nào? - Anh chàng mắt sáng cười ngượng nghịu, bối rối hỏi.

- Mọi người đều biết tình yêu đích thực là gì. - Quý bà kia đáp, rõ ràng muốn chấm dứt câu chuyện với anh ta.

- Nhưng tôi thì lại không biết. - Người đàn ông nói. - Cần phải định nghĩa cái mà bà gọi là...

- Sao cơ? Rất là đơn giản, - quý bà nói, song lại ngẫm nghĩ. - tình yêu là một sự say mê một người đàn ông hay một người đàn bà nào đó hơn tất cả những người còn lại.

- Say mê trong thời gian bao lâu? Một tháng? Hai ngày, hay nửa giờ? - Anh chàng tóc bạc thốt lên và cười.

- Không, xin phép ngài, ngài hẳn là không nói về chuyện tình yêu.

- Không, tôi nói về chính nó đấy.

- Bà ấy nói, - ông luật sư tham gia, chỉ tay sang quý bà, - rằng hôn nhân phải xuất phát trước hết từ sự quyến luyến lẫn nhau, từ tình yêu, nếu như ngài muốn gọi vậy và nếu như có cái đó thật, và chỉ như thế thì hôn nhân mới là một cái gì đó thánh thiện. Còn ngoài ra, bất cứ cuộc hôn nhân nào không dựa trên cơ sở những quyến luyến tự nhiên, hay tình yêu nếu ngài muốn gọi vậy, cũng đều không có ý nghĩa đạo đức nào cả. Tôi hiểu như vậy có đúng không ạ? - Ông ta quay sang bà kia.

Bằng cử động của mái đầu, bà ta biểu hiện sự tán thành cách ông luật sư giải thích ý tưởng

- Hơn nữa... - Ông luật sư tiếp tục diễn thuyết, song anh chàng bẳn gắt với đôi mắt đã nảy lửa, rõ ràng đang cố kiềm chế mình một cách khó khăn, không để cho ông luật sư nói hết:

- Không, tôi nói về chính cái đó đấy, về sự say mê một người đàn ông hay một người đàn bà hơn những người khác trong thời gian vài năm, nhưng hiếm khi được lâu như vậy lắm, thường thì trong vài tháng, hoặc vài tuần, vài ngày, vài giờ, - anh ta nói, rõ ràng biết là mình đang làm mọi người ngạc nhiên và lấy làm hài lòng vì điều đó.

- Ôi, sao ngài lại nghĩ vậy! Không đâu, xin lỗi ngài. - Cả ba chúng tôi cùng đồng thanh kêu lên. Thậm chí cả anh chàng quản lý cũng phát ra một âm thanh gì đó tỏ ý không đồng tình.

- Vâng vâng, tôi biết rồi, - anh chàng tóc bạc át lời chúng tôi, - các ông bà nói về cái mà các ông bà cho là có thể tồn tại, còn tôi thì nói về cái có thực. Người đàn ông nào cũng trải qua cái mà các ông bà gọi là tình yêu đối với bất cứ người đàn bà xinh đẹp nào anh ta gặp.

- Ôi điều ngài nói thật là kinh khủng; nhưng mà giữa người với người vẫn có thứ tình cảm được gọi là tình yêu, không phải chỉ trong vài tháng, vài năm mà là cả đời cơ mà?

- Không, không bao giờ. Cứ cho rằng có tay đàn ông yêu một người đàn bà nào đó cả đời đi chăng nữa, thì cái người đàn bà đó chắc chắn là sẽ yêu một người đàn ông khác, chuyện đó đã và đang vẫn luôn như vậy trên đời này. - anh ta móc hộp thuốc ra và bắt đầu hút thuốc.

- Nhưng vẫn có thể có sự yêu thương lẫn nhau chứ, - ông luật sư nói.

- Không đâu, không thể có đâu, - anh ta phản đối, - cũng như không thể có hai con ốc chui chung trong một cái vỏ(3). Đó không phải chỉ là điều không thể có được, đó còn là sự quá dư thừa. Yêu một người cả đời cũng chẳng khác nào như nói một ngọn nến có thể cháy sáng suốt một đời người.

3. Nguyên văn: không thể có hai hạt đậu nằm chung trong một ngăn của vỏ đậu.

- Nhưng đó là ngài toàn nói đến tình yêu thể xác. Chả lẽ ngài không cho là có tình yêu dựa trên sự thống nhất về tư tưởng, trên sự hòa hợp về tinh thần ư?- quý bà nói.

- Hòa hợp tinh thần! Thống nhất tư tưởng! anh ta nhại lại với âm thanh cố hữu của mình, - Nhưng trong trường hợp đó thì chẳng việc gì phải ngủ chung với nhau (xin thứ lỗi vì lời lẽ thô tục). Thế mà vì sự thống nhất tư tưởng mà người ta ngủ với nhau đấy, - anh ta nói và cười với vẻ bị kích động.

- Nhưng xin phép ngài, - ông luật sư tham gia - thực tế mâu thuẫn với điều ngài nói. Chúng ta đều thấy là quan hệ vợ chồng vẫn tồn tại và cả nhân loại này, hay đa phần nhân loại sống cuộc sống vợ chồng và rất nhiều người đã sống được một cách lâu dài và tốt đẹp.

Anh chàng tóc bạc lại phá lên cười:

- Các ông bà nói rằng hôn nhân dựa trên tình yêu, trong khi tôi lại rất nghi ngờ về sự tồn tại của tình yêu ngoài ham muốn nhục dục, các ngài chứng minh sự tồn tại của tình yêu bằng sự tồn tại của hôn nhân. Dạ thưa, hôn nhân trong thời đại chúng ta chỉ là một sự dối lừa thôi ạ!

- Không, xin phép ngài, tôi chẳng vừa mới nói rằng, hôn nhân đã từng tồn tại và vẫn đang tồn tại cơ mà.

- Thì nó vẫn tồn tại. Chỉ có điều là vì sao mà nó tồn tại? Hôn nhân đã và đang tồn tại ở những người nhìn thấy trong nó cái gì đó bí ẩn, cái bí ẩn ràng buộc họ trước Chúa. Nhưng chuyện đó là ở đâu đó, chứ ở ta không có đâu. Ở ta người ta lấy nhau, chẳng thấy trong hôn nhân điều gì ngoài việc giao cấu, bởi vậy từ đó chỉ ra toàn sự lừa dối, hoặc sự cưỡng bức, bạo lực. Nếu là sự lừa dối thì còn dễ chịu đựng hơn. Cả chồng lẫn vợ lừa dối mọi người rằng họ đang sống cuộc sống một vợ một chồng, nhưng thực tế lại sống đa thê đa phu. Điều đó thật đáng tởm, nhưng còn tạm chấp nhận được. Còn khi xảy ra cái này, mà đây lại là cái thường hay xảy ra hơn cả: chồng và vợ cùng nhận lãnh một trách nhiệm có tính hình thức là phải sống với nhau suốt đời, nhưng chỉ mới sống chung sang tháng thứ hai đã căm thù nhau, muốn bỏ nhau, thế mà vẫn cứ phải sống tiếp như thế, thì lúc đó đúng là một địa ngục khủng khiếp, vì nó mà người ta đâm nghiện ngập, bắn giết nhau, đầu độc bản thân mình và đầu độc lẫn nhau. - Anh ta nói càng lúc càng nhanh hơn, không để cho ai xen vào và càng lúc càng nóng nảy hơn. Mọi người đều im lặng, ai cũng cảm thấy lúng túng ngột ngạt.

- Vâng, đúng là cũng có những hồi bi thảm trong cuộc sống hôn nhân. - Ông luật sư lên tiếng, có ý muốn chấm dứt cuộc trò chuyện đã trở nên căng thẳng quá mức.

- Ngài có lẽ đã biết tôi là ai chăng? - Anh chàng tóc bạc chợt nói khẽ, dường như đã lấy lại được bình tĩnh.

- Không, tôi chưa có được hân hạnh đó.

- Chẳng có gì đáng hân hạnh đâu. Tôi là Pozdnyshev, người đã từng gặp cái hồi bi thảm mà ngài vừa ám chỉ tới, là cái người đã từng giết chết vợ của mình. - Anh ta nói và liếc nhìn mỗi người trong chúng tôi.

Chẳng người nào biết trả lời ra sao nên tất cả đành lặng thinh.

- Cũng thế thôi, - anh ta nói và lại phát ra cái âm thanh riêng của mình. - Tuy nhiên cũng xin lỗi quý vị! ...Tôi sẽ không quấy rầy quý vị nữa.

- Không không, xin đại xá... - Ông luật sư nói, nhưng bản thân cũng không biết mình “xin đại xá” cái gì.

Nhưng Pozdnyshev không nghe ông ta, quay đi và bỏ về chỗ của mình. Ông luật sư chuyển sang thầm thì trò chuyện với quý bà. Tôi ngồi cạnh Pozdnyshev và im lặng, không biết nên nói năng gì. Đọc sách bây giờ thì trời đã tối rồi, bởi vậy tôi nhắm mắt lại giả vờ sắp ngủ. Cứ thế chúng tôi ngồi im lặng cho đến ga sau

Đến ga sau, ông luật sư và quý bà chuyển sang toa khác, như họ đã thương lượng trước đó với người soát vé. Anh chàng quản lý dọn chỗ nằm trên ghế và ngủ thiếp. Pozdnyshev vẫn ngồi hút thuốc và uống trà anh ta đã pha lúc ở ga trước.

Khi tôi mở mắt và liếc sang anh ta, anh ta đột nhiên quay sang nói với tôi, do dự nhưng với vẻ bị kích động.

- Ngài chắc là khó chịu khi biết tôi là ai và phải ngồi chung với tôi phải không ạ? Nếu vậy thì tôi sẽ đi chỗ khác.

- Ồ không, xin ngài cứ tự nhiên.

- Vậy thì, ngài có muốn dùng chút trà chăng? Mỗi tội hơi đặc. - Anh ta rót trà cho tôi.

- Họ nói... Và họ nói dối cả...- Anh ta nói.

- Ngài nói về chuyện gì ạ? - Tôi hỏi.

- Vẫn về những chuyện đó: về cái tình yêu đó của họ và về chuyện tình yêu là cái gì. Ngài không buồn ngủ chứ ạ?

- Không một tí nào.

- Thế thì ngài có muốn nghe tôi kể chuyện tôi vì cái tình yêu đó mà nên nông nỗi như thế này không?

- Vâng, nếu như điều đó không làm ngài cảm thấy nặng nề.

- Không, tôi cảm thấy nặng nề nếu như phải im lặng. Ngài dùng trà đi. Hay là đặc quá phải không?

Trà của anh ta đúng là đặc, đắng chẳng khác nào bia, nhưng tôi cũng uống hết một cốc. Lúc đó người soát vé đi ngang qua. Pozdnyshev nhìn theo với ánh mắt tức giận và chỉ bắt đầu câu chuyện khi ông ta đi khuất.