Phần I - Chương 01
BÃO THÁNG SÁU 1 Chiến tranh Nóng thật, dân Paris nghĩ. Không khí mùa xuân. Đêm trong chiến tranh, báo động. Nhưng đêm đang tàn, chiến tranh thì ở xa. Những người không ngủ, những người ốm vùi trong giường, những người mẹ có con trai ngoài mặt trận, những phụ nữ đang yêu với đôi mắt nhợt đi vì nhòa lệ đã nghe thấy hồi còi đầu tiên vang lên. Đó mới chỉ là một tiếng rít sâu giống như hơi thở thoát ra từ một lồng ngực nghẹn tức. Vài khoảnh khắc trôi qua rồi cả bầu trời tràn ngập những tiếng gào rú. Chúng vọng đến từ xa, tít tận chân trời, có thể nói là không vội vã! Những người đàn ông đang ngủ mơ thấy biển cả đẩy dạt lên những đợt sóng và sỏi đá, thấy cơn bão tháng Ba đang xáo động khu rừng, thấy một đàn bò rầm rập chạy rung mặt đất, cho tới lúc giấc ngủ bị phá vỡ và họ mắt nhắm mắt mở, lẩm bẩm. - Báo động à? Căng thẳng hơn, nhanh nhạy hơn, những người phụ nữ đã dậy. Một số người đóng cửa sổ và cửa chớp rồi đi nằm lại. Hôm trước, thứ Hai ngày mùng ba tháng Sáu, lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến tranh này bắt đầu, bom đã dội xuống Paris; nhưng dân chúng vẫn bình tĩnh. Tuy vậy có những tin xấu. Người ta không còn tin vào những tin đó nữa. Người ta cũng chẳng tin tưởng hơn vào thông báo về chiến thắng. “Chẳng hiểu ra sao cả,” mọi người bảo. Dưới ánh đèn pin người ta mặc quần áo cho trẻ nhỏ. Các bà mẹ dùng hết sức nâng dậy những tấm thân bé bỏng nặng và ấm: “Ra đây nào, đừng sợ, đừng khóc nhé”. Đang báo động. Các ngọn đèn tắt ngấm, nhưng dưới vòm trời tháng Sáu vàng rực và trong veo, mọi ngôi nhà, mọi đường phố đều hiện rõ mồn một. Sông Seine dường như hút vào nó mọi tia sáng rải rác và phản chiếu lại vô vàn tia sáng nhân lên, giống như một tấm gương nhiều mặt. Những ô cửa sổ ngụy trang sơ sài, những mái nhà ánh lên trong trời mờ mờ tối, những cánh cửa khung sắt với phần nhô ra đều hơi lóe sáng, vài ngọn đèn đỏ không hiểu sao được bật lâu hơn những ngọn đèn khác, sông Seine hút về mình những tia sáng ấy, giữ lấy chúng và để chúng đùa giỡn trên sóng nước. Từ trên cao, hẳn dòng chảy của sông nom trắng xóa như một dòng sông sữa. Sông chỉ lối cho máy bay địch, một số người nghĩ vậy. Những người khác thì khẳng định rằng không thể như thế được. Trên thực tế, người ta không biết gì cả. “Tôi nằm lại trong giường thôi,” những giọng ngái ngủ thầm thì, “tôi không sợ đâu. Nhưng chỉ cần một lần là quá đủ rồi,” những người thận trọng đáp. Qua những tấm kính lớn bao quanh các cầu thang dành cho người giúp việc ở những tòa nhà mới, có thể thấy một, hai, ba đốm lửa nhỏ đang đi xuống: những người sống trên tầng sáu đang chạy khỏi độ cao ấy; họ giơ những chiếc đèn pin đã bật ra phía trước bất chấp lệnh cấm. “Nhưng em lại muốn khỏi phải ngã vỡ mặt ở cầu thang thì hơn, anh xuống chứ, Émile?” Người ta bất giác hạ giọng như thể khắp không gian nhan nhản tai mắt địch. Tiếng sập những cánh cửa ra vào nối nhau vang lên. Ở những khu phố bình dân, luôn luôn có đông người tụ tập tại các ga tàu điện ngầm, tại những hầm trú ẩn ám mùi dơ bẩn, trong khi đó giới nhà giàu chỉ trú ở chỗ người gác cổng, căng tai nghe ngóng những tiếng nổ vang trời báo hiệu bom rơi, họ chăm chú, người họ thẳng đuỗn như những con thú lo sợ trong rừng khi đêm săn bắn đang gần tới; người nghèo không sợ hãi hơn kẻ giàu, họ chẳng thiết tha với cuộc sống hơn nhưng họ hay a dua hơn, họ cần lẫn nhau, cần dựa vào nhau, cùng rên rỉ hoặc cùng cười. Trời sắp sáng; một thứ ánh sáng màu xanh-tím và bạch kim rọi xuống các vỉa hè, trên các bờ ke, trên các tháp của nhà thờ Đức Bà. Những bịch cát bao quanh đến lưng chừng các tòa nhà trọng yếu, vây kín các vũ nữ của Carpeaux(1) trên mặt tiền của Nhà hát Nhạc kịch, bóp nghẹt tiếng hát La Marseillaise ra rả ở Khải Hoàn Môn. 1. Jean-Baptiste Carpeaux (1827-1875), họa sĩ và nhà điêu khắc pháp. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là nhóm tượng "La Danse" (Điệu nhảy), đặt ở phía trước Nhà hát Nhạc kịch Carnier tại Paris. (Các chú thích trong sách là của người dịch.) Từ khá xa, tiếng đại bác vang dậy, nghe càng lúc càng gần và những tấm cửa kính rung lên đáp trả. Những đứa trẻ phải chào đời trong những căn phòng nóng nực, cửa sổ bị bít kín hết thảy để không một tia sáng nào có thể lọt ra ngoài, và tiếng khóc của chúng khiến cho những người đàn bà quên đi tiếng còi báo động và chiến tranh. Bên tai những người đang hấp hối, tiếng đại bác dường như rất yếu ớt và chẳng có nghĩa lý gì. Giống như một đợt sóng, đó chỉ là một tiếng động thêm vào giữa những tiếng ồn ào thê lương và chập chờn đang đón đợi kẻ sắp chết. Bọn trẻ áp người vào mạng sườn ấm áp của mẹ ngủ yên lành, miệng chóp chép như một chú cừu con đang bú tí. Bị bỏ mặc trong lúc báo động, những chiếc xe càng của những người đi bán rong theo mùa đứng chổng chơ trên phố, chất đầy hoa tươi. Mặt trời lên cao đỏ ối trên một vòm trời không gợn mây. Một cú đại bác bắn gần Paris đến nỗi giờ đây chim chóc đã bay hết khỏi nóc các tòa nhà. Tít trên cao là những con chim to màu đen thường ngày khó gặp đang lượn qua lượn lại, chúng sải những đôi cánh giá buốt ánh hồng dưới nắng, rồi tiếp đến là những con chim câu béo múp xinh đẹp kêu rù rù và những con chim én, những con chim sẻ lặng lẽ nhảy nhót trên các phố vắng tanh. Bên bờ sông Seine, trên cây dương nào cũng có một đám chim nhỏ màu nâu ra sức cất tiếng hót. Từ sâu dưới các tầng hầm, rốt cuộc người ta cũng nghe thấy một hồi còi báo rất xa xăm, tiếng nhỏ dần vì khoảng cách, như một hiệu kèn ba cung điệu. Báo động kết thúc.