Chương 1
- Tao mà là con trai, chọn người yêu, tao sẽ chọn cô nào thật xinh... Lan Anh bĩu môi, nhòm sát mặt Hoa: Vâng, "lão" Trung nhà mày cũng "chết" mày chỉ vì cái xinh ấy thôi. Các cụ bảo rồi: "Cái nết đánh chết cái đẹp". Nhưng các cụ còn bảo "Gái tham tài, trai tham sắc" cơ mà! - Hoa vẫn gân cổ. Chị Lành gõ thước cành cạch xuống mặt hòm: Thôi, be bé cái mồm chứ, mười hai rưỡi đêm rồi đấy. Đi ngủ đi... Được rồi, nhưng mai phải tiếp tục đấy nhá. Em cực kỳ phản đối cái Hoa. Như Lê hói còn có lý, đằng này... - Lan Anh cố vớt vát. Có lý quá đi chứ. Ai mà chẳng thích người chung thủy... - Lê hói giũ màn, lầu bầu. Thủy lùn ngáp rõ to. Cuộc tranh luận chấm dứt. Linh thò cổ xuống giường Lan Anh rủ rê: Lên đây ngủ với tao đi, buồn quá. Lan Anh trèo lên giường trên. Chị Lành đã chui vào màn, còn cố ngóc đầu dậy nhìn sang: Tụi mày đúng là lũ đồng tính, không đêm nào rời nhau được! Linh thò tay tắt nốt ngọn đèn cuối cùng. Cả phòng im lặng, chỉ nghe tiếng gió lùa hun hút dọc hành lang. Mơ hồ đâu đó là tiếng ghi ta bập bùng vẳng tới. Chắc là ở dãy nhà A7 đằng sau, tụi con trai khoa Toán "đóng đô" ở đó. Hồi mới vào trường, đứa con gái khoa Văn nào cũng nghĩ tụi con trai khoa Toán cứng quèo, khô như củi, chẳng biết tí ti lãng mạn. Nhưng mới qua năm thứ nhất, đứa nào cũng biết mình nhầm. Khoa Văn chưa bao giờ thắng khoa Toán trong những trận đấu bóng, trong những lần thi văn nghệ. Thậm chí vừa tháng trước, một "nhân mạng" khoa Toán đã ôm về giải nhì cuộc thi thơ sinh viên. Các nàng khoa Văn nhìn các chàng khoa Toán với con mắt khác hẳn. Thế nhưng cả phòng 418 này lại thêm một kết luận hùng hồn rằng "Bọn con trai khoa Toán đểu lắm, sở khanh lắm" chỉ vì chuyện của Hạnh. Suốt hai năm trời yêu nhau tha thiết, đùng một cái thằng Vinh khoa Toán đá Hạnh, quay sang theo đuổi một em khoa Sử khóa sau khá xinh nếu không kể cặp mắt cận cứ lồi ra như mắt cá vàng. Lan Anh cựa quậy rồi thì thào: Mày nghĩ cái gì đấy? Linh bật cười nho nhỏ: Tao ngủ rồi! Sao cứ như ma xó thế? Ngủ đi. Khó ngủ lắm. Tối nay tao uống cà phê. Với anh Hoàng phải không? - Linh tò mò. Lan Anh "suỵt" rồi đưa tay bịt miệng Linh: Mày là ma xó thì có, sao mày biết? Tao đoán thôi. Này, sao anh Hoàng không rủ chị Lành nhỉ? Mày thích anh ấy phải không? Giời ạ! Ngủ đi, mai tao kể cho mà nghe. Tao mà thích ông Hoàng thì bà Lành xé xác ra... Loáng cái đã thấy Lan Anh thở đều đều. Nó chúa là dễ ngủ. Có lần cả phòng chơi tú lơ khơ bôi râu, hò hét ầm ầm, Lan Anh vẫn hồn nhiên ngủ rõ say. Im lặng quá! Hải vẫn bảo: "Càng những đêm vắng, anh càng nhớ em kinh khủng". Nhớ đến Hải, Linh lại nghĩ về cuộc tranh luận từ chập tối của cả phòng. Có lần Linh hỏi: "Tại sao anh yêu em?". Hải véo mũi cô: "Có trời mới biết". Tình yêu của hai đứa đã tròn ba năm hai tháng sáu ngày, nhưng nhiều lúc Linh vẫn băn khoăn: Liệu hai đứa có sẵn sàng đi bên nhau suốt đời không? Ba năm qua, có nhiều tác động từ bên ngoài nhưng chưa bao giờ Linh dám tưởng tượng ra cái ngày cuộc sống của mình thiếu Hải và tồi tệ hơn là có một trai nào khác đứng vào chỗ của anh... Tối thứ bảy mất điện, ký túc xá buồn tênh. Dãy hành lang hun hút vắng hoe. Dưới sân, lác đác một vài nhóm tụ tập bên gánh cháo rong của u Hòa. Phía dãy căng tin có vẻ ồn ào hơn cả bởi có ánh đèn măng sông sáng trưng. Linh đứng tần ngần ngoài hành lang một hồi rồi lại lặng lẽ quay vào. Từ chiều đến giờ cô mong Hải, dù thừa biết anh chẳng thể nào đến được. Đã bao lần Hải nói với cô: "Lính tráng bọn anh nó thế, giờ giấc nghiêm ngặt lắm. Anh biết, em phải khổ nhiều...". Yêu anh, Linh chấp nhận tất cả, nhưng nhiều lúc cô không khỏi dằn vặt, tủi thân. Nhất là những tối thứ bảy thế này. Phòng mười đứa thì năm có người yêu. Linh có Hải, Hoa yêu Trung, Lê thủy chung với anh chàng Vinh ở quê. Chị Lành - người nhiều tuổi nhất phòng, thường được trêu là "bà già nhất Bộ đại học" vì hơn lũ đàn em lau nhau những hai tuổi - dạo này cũng đang có “vấn đề” với anh Hoàng. Lan Anh thì chắc chắn lúc nào cũng có người yêu, nhưng yêu ai thì hiện giờ cả phòng vẫn còn chưa rõ. Hồi năm thứ nhất, chín đứa trong phòng đều chóng mặt vì tốc độ thay đổi "vệ sĩ" của Lan Anh. Hôm nay nó cười rất tình với anh Long, ngày mai có thể khoác tay anh Khánh và chưa biết chừng ngày kia sẽ đi đâu đó với anh Tuấn. Chị Lành từng nhắc nó "Phải cẩn thận, rõ ràng trong tình yêu" thì Lan Anh cười rất thoải mái: "Bao giờ yêu thì em sẽ rõ ràng. Bây giờ em có yêu ai đâu?". Lan Anh thân với Linh hơn cả dù tính nết hai đứa thực sự trái ngược nhau. Linh ít nói, thận trọng còn Lan Anh lại bộp chộp lắm lời. Lan Anh hay rủ rỉ với Linh chuyện yêu đương của mình. Có lúc đi chơi về, Lan Anh kéo Linh ra một chỗ, khóc như mưa trên vai cô, kể lể lên án anh A, anh B nào đó một hồi rồi ráo hoảnh. Có lúc cô nàng lại hí hửng ném cho Linh bao nhiêu kẹo cao su, táo, ổi và hứng chí hát vang. Linh ơi! Hôm nay anh Hải không đến à? Thủy lùn đang cắm cúi làm bài cạnh cây nến nhỏ xíu ngẩng lên hỏi. Linh đáp hờ hững: Ừ, không. Tiếng "không" nhẹ như một thoáng thở dài. Thủy lại cúi xuống trang sách. Nó là một trong năm thành viên chưa có người yêu của phòng này. Có cảm giác Thủy lùn say mê học hơn mọi thứ trên đời. Cùng một lúc, nó theo học hai trường đại học, sư phạm và ngoại ngữ tại chức. Thế mà nàng ta còn dự định sau này học những gì, những gì nữa. Từ năm thứ nhất đến giờ, có một vài chàng trai đến rồi đi lặng lẽ. Cả phòng cứ xúm vào trêu nhưng Thủy tuyệt nhiên không biểu lộ tí xúc cảm nào. Ngay với chuyện yêu đương tít mù của những đứa trong phòng, nó cũng ù ờ: "À, cái Hoa yêu anh Trung rồi hả? Thế cái Lê vẫn còn yêu anh Vinh chứ?". Chỉ duy nhất một lần Linh thấy Thủy quan tâm đến chuyện tình yêu là hôm Linh và Hải đi sinh nhật bạn gặp Thủy lùn dọc đường. Về phòng tự nhiên Thủy lùn leo lên chỗ Linh, rủ rỉ: "Nhìn mày với anh Hải thích thật đấy! Đẹp đôi lắm". Rồi Thủy hỏi Linh: "Đừng cho tao là tò mò, nhưng có lúc nào mày chán anh Hải không?". Linh nhìn Thủy lắc đầu. Thủy trầm ngâm: "Tình yêu của chúng mày đẹp thật đấy". Linh đã tưởng Thủy bắt đầu yêu, nhưng không phải... Sao mất điện mãi thế này. Đi ngủ đi! Xuân vừa ngáp vừa rên rỉ. Phòng có mười đứa, giờ sót lại có ba, buồn nẫu người. Chỉ có Linh ở nhà vào tối thứ bảy với những đứa còn đang là "ngôi sao cô đơn". Năm cuối, khách khứa ít hẳn. Chẳng bù cho năm thứ nhất, thứ hai, cứ nườm nượp suốt buổi tối. Đứa nào cũng than mình đã thành "gái già" mặc dù trừ chị Lành ra thì chưa đứa nào bước sang tuổi hai mươi ba. Những buổi tối như thế này đối với Linh thật vô vị. Hải không thể trốn khỏi đơn vị, rồi vượt quãng đường bốn mươi cây số để đến với cô vào tối thứ bảy rồi lại trở về. Đã một lần Hải liều như thế. Hôm đó là sinh nhật Linh. Sau đó anh bị kỷ luật. Biết chuyện này, Linh khóc ròng và viết thư cho anh: "Từ bây giờ anh đừng thế nữa. Không cần phải vì em như thế. Em hiểu và chấp nhận điều đó mà". Chấp nhận nhưng Linh không nguôi buồn. Lẽ ra những lúc thế này cô phải được bên Hải, được nghe anh thủ thỉ những lời yêu thương, được thấy bàn tay ram ráp của anh vuốt tóc mình. Bè bạn trong phòng đôi lúc hỏi rất vô tình: "Hải đâu mà ngồi một xó thế kia?". Mỗi lần lắc đầu là một lần Linh thấy mình muốn khóc... Chín giờ, Hoa đẩy cửa bước vào, thở dài: “Vẫn mù mịt như thuở hồng hoang thế này à?”. Thủy lùn đang loay hoay châm nến ngẩng lên nhìn Hoa trong ánh sáng đục lờ, nhận xét: Mày đi đâu về mà trông buồn thế? Hoa lắc đầu không nói. Oanh và Xuân đã ngủ tự bao giờ. Linh nằm trong màn nhưng chưa ngủ, cứ nghĩ miên man về Hải. Hoa lục sục ở góc giường mình một lát rồi cũng vội vã châm nến. Giường Linh đối diện giường Hoa nên Linh nhìn rất rõ gương mặt héo hắt của Hoa. Sao thế nhỉ? Hoa và Trung là một đôi lý tưởng. Bất cứ đứa nào trong trong lớp cũng đã ít nhất một lần thầm ghen tị với Hoa. Cuộc sống của Hoa như được rải toàn hoa hồng. Bố Hoa là hiệu trưởng một trường cao đẳng, mẹ là trưởng phòng kinh doanh của ngân hàng nông nghiệp tỉnh. Hoa là út, xinh đẹp, học giỏi được biết bao chàng trai ngấp nghé. Thế nhưng suốt ba năm học, trái tim Hoa như rèn bằng sắt nguội. Tất cả các anh chàng lui tới với Hoa đều ra về với con số không to tướng. Đầu năm thứ tư Hoa mới nhận lời yêu Trung. Trung cũng là một hình mẫu để bất cứ cô gái nào cũng phải ước ao. Anh là kỹ sư máy tính, cao lớn, gương mặt hao hao một tài tử điện ảnh Hồng Kông. Điều quan trọng là Trung yêu Hoa hết lòng, chăm chút cho nó từ viên thuốc ngậm ho tới túi bồ kết gội đầu. Từ ngày yêu Trung, Hoa càng xinh hơn, gương mặt lúc nào cũng ngời lên thứ ánh sáng diệu kỳ của hạnh phúc. Thế nhưng Linh để ý, khoảng nửa tháng trở lại đây, nhiều lúc Hoa hay ngồi bần thần như thể có điều gì dằn vặt lắm. Bây giờ cũng thế, Hoa ngồi kia, mắt nhìn mông lung ra phía cửa. Linh gọi khẽ mà cũng khiến cô giật mình: Hoa ơi, ngủ đi. Chắc phải mai mới có điện. Hoa nhìn sang, bối rối: Chưa ngủ à? Hoa... Hoa sang với Linh nhé. Chẳng hiểu sao hôm nay Hoa lại muốn sang ngủ với Linh? Lan Anh đã về quê ở Hải Phòng từ sáng. Linh xoay người nằm nghiêng nhường chỗ cho Hoa. Cái giường rộng có tám tấc mà bao nhiêu đêm Linh ngủ với Lan Anh. Nằm chật mãi cũng thành quen dù có hôm hai đứa bị muỗi đốt đỏ cả cánh tay. Đợi Hoa nằm xuống, Linh khẽ khàng: Nhớ nhà phải không? Hoa nén tiếng thở dài: Không! Hoa mới về nhà tuần trước mà. Sao buồn thế. Lại thở dài. Linh nghĩ chắc hôm nay Hoa với anh Trung giận nhau. Trong tình yêu, giận dỗi là điều khó tránh. Đứa nào chả mắc vài lần khóc như mưa, như gió, thậm chí còn thề không nhìn nhau nữa. Cô cũng vậy. Một lát, Hoa nắm tay Linh: Có bao giờ Linh ân hận vì đã yêu không? Chưa. Mà sao thế? - Linh ngạc nhiên. Thôi, ngủ đi. Hoa buồn ngủ rồi. Hoa quay mặt vào tường. Linh biết Hoa chưa ngủ nhưng cũng im lặng dù trong đầu còn bao câu hỏi. Hôm nay, Hoa thật lạ. Rồi Linh cũng thiếp đi trong lúc Thủy vẫn miệt mài soi cặp kính cận xuống trang sách trong ánh nến vàng đục. Phòng đọc của thư viện đông nghẹt. Sắp thi học kỳ I nên ai cũng có vẻ mải miết. Linh và Lan Anh ăn vội bữa cơm sinh viên để lao lên thư viện chờ cửa, xí chỗ từ lúc mới hơn năm giờ tối. Sáu giờ mười lăm thư viện mới mở cửa. Cứ tưởng hai đứa đi sớm lắm, hóa ra còn sau khoảng gần hai chục người. Lan Anh lơ đãng ngó ra vòm cây phía trước một lúc lâu rồi bất chợt quay lại, giật mình: Thôi chết, hôm nay thứ tư, Linh nhỉ? Ừ! Mày lú rồi à? Lan Anh cuống quýt: Tao có hẹn mà quên béng, giời ạ! Thôi, tao đi đây. Này, giữ chỗ cho cái Hoa nhé. Lan Anh hối hả chạy xuống cầu thang. Chẳng biết hẹn hò với ai mà quan trọng thế. Linh không lạ gì tính nết Lan Anh. Với Lan Anh, tình yêu không khác gì một cuộc phiêu lưu, một trò chơi. Khuyên mãi, nó vẫn trơ như đá, cứ cười hì hì: "Tao quý mày vì mày dám nói thật, nói thẳng. Nhưng mỗi đứa có một quan điểm riêng. Ví như tao ở địa vị mày, tao đã chẳng đời nào yêu lão Hải". Linh cứng họng, không biết phải nói sao, chỉ sợ Lan Anh lại bắt đầu "tua" lại một bài ca: "Mày tính toán thế nào mà lại yêu anh Hải? Vừa thấp bé nhẹ cân vừa là bộ đội. Lấy bộ đội khổ lắm. Như chị họ tao ấy, chồng đi biền biệt, cứ một mình nuôi con. Ông chồng thì được mỗi ưu điểm là chăm viết thư về cho vợ. Nhưng tao hỏi mày, có bao giờ đem thư đi mua được gạo về nấu cơm không?”. Cũng không ít lần bên cạnh Hải, Linh chạnh buồn khi nghĩ đến lời Lan Anh. Hải đoán được suy nghĩ của Linh: "Em buồn, em lo lắng cho tình yêu của chúng mình có phải không?". Linh lắc lia lịa nhưng cô hiểu Hải chẳng tin những cái lắc đầu ấy. Nào nào, dẹp ra, chỗ này gọn vào đi. Giời ạ, làm gì mà cuống lên thế. Lùi ra đã. Tiếng mở khóa lách cách và giọng quát như xé vải của cô thủ thư cất lên cùng một lúc. Hai hàng sinh viên khẽ rùng mình lùi lại. Tất cả đã quá quen. Hôm nào cô thủ thư tươi cười và dịu dàng mới là điều lạ. Từ hồi còn học phổ thông, những lần ra thư viện tỉnh đọc sách, Linh đã có ấn tượng không tốt về các cô thủ thư. Vậy mà hồi nhỏ, mơ ước lớn nhất của Linh là lớn lên sẽ được giữ thư viện để tha hồ đọc sách. Ngày ấy con bé Linh gầy như cái que đan vừa biết đọc thông đã ngốn ngấu đọc tất cả những mảnh giấy nào có chữ rơi vào tay mình. Thế mà lớn lên Linh lại thi sư phạm. Bây giờ, Linh vẫn là đứa ham đọc nhất phòng. Thời gian rảnh rỗi của cô chỉ giành cho việc đọc. Mối quan tâm lớn nhất của cô là Hải nhưng anh ở xa, một tháng chỉ gặp nhau có một, hai lần. Có lần nhớ anh quá, Linh lọ mọ lên thăm, không báo trước vì cô muốn Hải phải bất ngờ. Thế nhưng lại đúng tuần cấm trại của đơn vị Hải. Hai đứa chỉ gặp nhau được có một lát. Sau đó, Linh lủi thủi quay về, mắt ầng ậng nước. Trước lúc quay đi, cô còn kịp thấy đôi mắt khắc khoải của Hải, nửa ân hận, nửa xót xa. Hôm đó về phòng Linh nằm khóc lặng lẽ suốt buổi tối, mặc cả phòng gạn hỏi, nỉ non. Những lúc như thế, Linh thấy hình như tình yêu trong mình đã bị lung lay. Nhưng rồi Linh tự nhủ "Không phải tại anh ấy. Cũng tại mình không báo trước". Nhận chỗ ngồi xong, vừa mượn được cuốn "Lâu đài" của F. Kapka thì thấy tiếng chị Lành ơi ới dưới sân: "Linh ơi về có người gặp. Linh phòng 418 ơi!". Cô hối hả ra hành lang, thò đầu xuống. Chị Lành gào: "Về ngay nhá!" rồi chạy biến, không để cho Linh kịp hỏi ai cần gặp mình. Hải? Ừ, biết đâu. Vừa đến cửa phòng, cô sững người. Không phải Hải mà là Văn "em chã". Văn đang ngồi ở giường Lan Anh, tay ve vẩy đóa hồng bọc giấy bóng kính cười híp mắt. Mấy đứa trong phòng đang xúm xít quanh giường Hạnh, mỗi đứa vác một bắp ngô rõ to. Thấy Linh, Hạnh gào: Về rồi anh Văn ơi! Linh ơi, anh Văn bảo... Hạnh dừng giữa chừng bởi thấy ánh mắt Linh tối lại. Lê vẫn cười hì hì: Ăn ngô không? Cả bánh gai, kẹo lạc này... Linh không nói, lặng lẽ tháo giầy. Văn khó nhọc đứng lên, lê tấm thân ục ịch đến cạnh cô, xun xoe đóa hồng bằng hai tay: Linh ơi, tặng em. Cám ơn anh. Nhưng em không dám nhận đâu - Giọng Linh khô khốc. Chị Lành, Hạnh, Lê nhấm nháy nhìn Linh. Chị Lành ra hiệu: cứ nhận đi, nhưng Linh dứt khoát lắc đầu. Cô quẳng cặp sách lên giường mình rồi ngồi phịch xuống giường dưới của Lan Anh. Văn "em chã" chắn tấm thân ục ịch ngay trước mặt cô. Linh khó chịu: Anh làm ơn cho em thở được không? Văn cười hì hị: Anh cắm hoa vào lọ giúp Linh nhé! Không! - Linh bực bội. Văn cố nhoài người lên với lọ hoa. Với không được, anh ta lấy luôn bông hoa để khều. Choang... Chiếc lọ rơi xuống đất vỡ tan. Linh tái mặt. Đây là lọ hoa Hải tặng trong dịp hai đứa đi thăm quan làng gốm Bát Tràng. Bao nhiêu uất ức dâng lên nghẹn họng. Linh bật dậy, nhìn thẳng vào gương mặt nung núc đang đỏ mọng lên của Văn. Anh đừng bao giờ đến đây nữa! Linh để nguyên chân đất chạy sang phòng bên, vẫn nghe tiếng Văn thê thảm: Linh, chờ anh một chút đã. Hương - lớp trưởng lớp văn 4A của Linh - đang hí húi ghi ghi chép chép ngẩng lên: Vào đây Linh ơi, lớp mình có danh sách trường thực tập rồi đấy. Hương rút ra tờ danh sách dúi cho Linh: Cậu là lớp phó học tập, phải lo việc xếp đoàn thực tập đấy. Linh hờ hững cầm tờ giấy, mắt dán vào cuốn sách Hương để trên mặt hòm: Cậu kiếm "Nữ ca sĩ hói đầu" ở đâu ra đấy? Đọc đi rồi cho tớ mượn với. Hương gật đầu: Của thầy dạy Văn phương Tây. Nài nỉ mãi mới được. Thầy bảo những khóa trước cho sinh viên mượn toàn bị mất sách thôi. Cậu đọc thì giữ cẩn thận nhé. Tớ làm luận văn môn này đấy. Ngồi nói chuyện với Hương về học hành mà Linh cứ dỏng tai sang phía phòng mình. Khi thấy Hạnh lảnh lót: "Anh Văn về nhé. Lần sau đến mang nhiều bánh gai vào. Tụi em cảm ơn lắm" rồi cả lũ cười rộ lên thì Linh đứng dậy về phòng. Vừa thấy mặt Linh, tất cả lại cười ầm: Vào mà ăn bánh gai. Mày dại thế. Vừa mất toi lọ hoa, vừa phải tức. Chị phải lấy cho "em chã" mượn cả chổi lẫn xẻng hót rác đấy nhé. Cẩn thận không giẫm vào mảnh vỡ. Lão ấy quét chắc gì đã sạch. Đã dặn cả phòng rồi, lão "em chã" đến thì đừng có gọi người ta về... - Linh phát cáu. Chị Lành hạ giọng: Biết rồi, em cứ bình thường với lão ta, sợ gì. Thật đấy, mà bè bạn còn được nhờ, ăn quà mệt nghỉ. No quá mày ạ! - Hạnh đế theo. Nghĩ đến lọ hoa vỡ, Linh lại sầm mặt lại: Lão béo vứt mảnh lọ hoa vỡ ở đâu thế? Chị Hạnh chỉ bồ rác ngoài cửa: Ở đấy chứ còn đâu! Linh cắn môi, mắt đã ầng ậng nước. Lọ hoa ấy Linh nâng niu biết bao, cô chỉ giành cắm hoa Hải tặng. Màu đen ánh của men gốm làm tôn sắc trắng dịu dàng của cúc Macgơrit. Linh vội vã ra phía bồ rác, nhặt lấy hai mảnh vỡ to nhất của chiếc lọ. Hạnh nhìn thấy lại ré lên: Mày định giữ làm kỷ niệm chắc? Ừ! - Linh gật đầu. Lê véo vào tay Hạnh ra hiệu im, rồi thì thào: Lọ hoa tình yêu mà lại. Anh Hải tặng đấy! Linh leo lên giường, lại thấy bông hồng của Văn "em chã" để lù lù trên nóc hòm và một mảnh giấy nhỏ: "Xin lỗi em Linh ạ. Rồi anh sẽ đền em chiếc lọ khác đẹp hơn. Yêu em". Linh vò nát mảnh giấy, run lên vì giận. Anh ta tưởng cái gì cũng tung tiền ra mua được? Lúc nào cũng "yêu em" rồi "nhớ em" dù không ít lần Linh đã quát vào mặt hắn: "Tôi có người yêu rồi. Tôi không bao giờ yêu anh". Đã mấy lần Văn "em chã" nhìn thấy Linh đi cùng Hải, thậm chí cô còn chìa ra cho hắn xem những tấm ảnh mình chụp chung với Hải. Vậy mà Văn không chịu rút lui. Hắn còn lì lợm tuyến bố: "Anh cứ yêu”. Hồi năm thứ nhất, Văn đến tìm với danh nghĩa là học trò cũ đi thăm con của cô giáo. Thế rồi đều đặn một tuần mấy lần anh ta tới phòng Linh, "tiếp tế" cho cô đủ thứ từ đồ ăn tới đồ dùng. Mới đầu Văn còn loanh quanh nói dối rằng đi công tác về qua Thái Bình, mẹ Linh gửi quà lên. Nhưng rồi cô biết Văn nói dối. Hồi ấy Linh chưa quen Hải nên không lấy làm khó chịu lắm trước Văn. Cô chỉ mang một cảm giác mắc nợ, chịu ơn. Văn cứ cười cười: “Ngại gì, anh coi em như em gái ở nhà. Cả phòng Linh sướng rơn vì tự nhiên vớ được anh tài trợ béo lắm tiền. Không ít lần Văn "em chã" mời cả mười đứa trong phòng đi đập phá, số tiền thanh toán khiến đứa nào cũng chóng mặt. Văn tỏ ra hào phóng đến đáng ngờ khiến cho Linh chuyển từ quý mến sang đề phòng. Cô về nhà hỏi mẹ về Văn, mẹ cười bảo: "Ngày xưa nó nghịch ngợm, ngang bướng nhất lớp. Con ông chủ tịch huyện mà. Học dốt nhưng hay được các thầy cô nâng đỡ. Trầy trật mãi rồi cũng lấy được cái bằng tốt nghiệp. Nghe đâu bây giờ làm Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Sao Mai, Sao Biển gì đó trên Hà Nội". Nghe Linh kể tuần nào Văn cũng đến chỗ cô, mẹ cười: "Thế à! Ngày xưa bố anh ta bảo: giá tôi và cô giáo là thông gia thì tốt quá". Linh đấm lưng mẹ thùm thụp. Mẹ lại nghiêm giọng: "Nhưng con nhớ là phải...". "Vâng, không được lợi dụng, không được quá tin tưởng, không được... không được... đúng không mẹ, con "thuộc bài" mà". Mẹ nhìn con gái mắng yêu: "Còn bé lắm đấy mà cứ lắng nhắng như trẻ con"... Cho đến cuối năm học thứ nhất thì Văn "em chã" công khai bày tỏ tình cảm. Đầu tiên là việc chiều thứ bảy, anh ta mời cả phòng đi ăn bánh tôm Hồ Tây. Hôm đó, ba đứa đã về quê, chỉ còn lại bảy. Bảy con vịt mà chỉ có hai chiếc xe đạp. Cả lũ tính toán: Linh sẽ ngồi chung xe máy với Văn, còn lại cứ ba đứa đi một xe. Linh giãy nảy, kiên quyết chối từ. Cô không muốn "mắc nợ" Văn thêm nữa. Thế nhưng Văn đã hào phóng rút điện thoại di động gọi hai chiếc taxi. Anh ta khổ sở hứa với Linh rằng "đây là lần cuối cùng". Sáu con vịt kia thì cứ hớn hở như đi hội. Ăn bánh tôm chán, Văn lại kéo cả lũ đi ăn kem rồi sau đó đề nghị: "Các em lên tầng hát karaoke nhé. Anh có chuyện riêng muốn bàn với Linh". Khỏi nói, cả tụi cười đầy ý nghĩa và rầm rập lên tầng sạch, trơ lại Linh với Văn. Thoạt đầu, Linh tức nghẹn họng nhưng sau cô cố gắng trấn an, giữ thái độ bình thản. Linh tự hỏi Không hiểu anh ta sắp sửa nói cái gì nữa đây". Văn cứ xoay tấm thân quá khổ một cách khó nhọc trên ghế và đột ngột nói: "Linh ơi, anh... rất mến em". Linh "vâng" rất nhạt nhẽo. Văn tiếp: "Anh yêu em!". Tự nhiên Linh thấy buồn cười. Tỏ tình mà anh ta loanh quanh đến khổ, còn không dám ngước lên nhìn cô nữa. Thấy Linh im lặng, Văn hỏi lí nhí: "Thế còn em?". Linh thẳng thắn: "Em thì không. Chắc chắn là không. Thôi, em đi về trường đây". Văn đưa bảy đứa về tận phòng với vẻ mặt thê thảm nhất trần đời. Cứ tưởng anh sẽ chẳng bao giờ đến nữa, cả phòng Linh đã tiếc hùi hụi vì mất đi một nhà tài trợ béo hảo tâm, thì tuần sau đó, Văn lại lù lù dẫn xác đến. Anh ta vẫn cười rất tươi. Ngoài bọc quà cho cả phòng, Văn còn mang thêm một bông hồng tặng Linh. Bông hồng đỏ thắm, dài ngoẵng để trong hộp mica trong suốt. Lúc Văn về, Lan Anh cứ xuýt xoa rằng: "Hoa hồng Pháp đấy. Đắt lắm. Có lẽ phải mấy chục nghìn". Linh không nhận hoa, Văn cứ để trên giường cô. Cuối cùng Lan Anh tìm ra giải pháp hữu ích nhất: "Đưa đây, tối nay tao phải đi sinh nhật con bạn bên trường Luật". Linh đưa bông hoa cho Lan Anh, thở phào như vừa trút xong gánh nặng. Càng ngày, Linh càng ghét Văn, đã có lần cô thẳng thừng bảo: "Anh đừng đến đây nữa. Càng đến nhiều, em càng có ấn tượng không tốt về anh", thế mà Văn vẫn bỏ ngoài tai. Hơn ba năm rồi cô phải "chịu đựng" sự xuất hiện của Văn. Văn không còn chút rụt rè lúng túng như xưa. Anh ta cứ trơ trơ trước phản ứng của Linh. Chị Lành bảo: "Kẻ mà cười được cả khi người khác mắng chửi mình là phải coi chừng đấy Linh ạ". Lan Anh thì tặc lưỡi: "Tình yêu đặt nhầm chỗ. Tiếc thật". Nhiều lúc Linh có cảm giác mình sắp phát điên vì Văn, cô kể với Hải, anh chỉ điềm tĩnh bảo: "Kệ anh ta em ạ. Rồi anh ta sẽ chán thôi". Linh cũng khấn thầm cho Văn nhanh chán, nhưng không có chuyển biến gì. Nhiều lúc chị Lành tếu táo: "Linh ơi, hay để chị cưa Văn "em chã" cho”. Lan Anh gào lên: "Thế bà để lão Hoàng cho ai gặm đây? Thôi, Linh ơi, để anh béo cho tao vậy". Chị Lành đỏ mặt lên khi nhắc đến anh Hoàng, còn cả phòng thì sôi lên ầm ầm khi mang Văn ra làm đề tài giải trí.Mẹ viết thư lên cho Linh, nhắn: "Chủ nhật tới về nhà nhé! Cả nhà mong con. Có việc này mẹ muốn nói với con". Linh băn khoăn. Có việc mà mẹ lại nhắn mình về? Cũng đã một tháng, Linh chưa về qua nhà. Nhớ hồi mới nhập học, mới xa nhà có một tuần mà cô thấy nhớ bố mẹ đến phát cuồng. Nhà có bốn người, anh Hùng làm ở công ty xây dựng ngay thị xã, cách nhà chưa đầy 2 km mà cứ đi biền biệt, nhiều khi đêm khuya vẫn chưa về. Lăn lộn với các công trình, trông anh gầy vêu, đen nhẻm. Cả nhà gọi anh là "cột nhà cháy". Linh là con út, được mọi người chiều chuộng. Bố và mẹ là giáo viên cùng trường cấp ba. Bố dạy Địa, mẹ dạy Toán, vậy mà không hiểu sao con gái lại có thiên hướng văn chương. Từ ngày Linh lên trường, nhà vắng hoe. Bố dạy sáng, mẹ dạy chiều, lúc nào nhà cũng chỉ có một người, hết ra lại vào, buồn tênh. Anh Hùng cứ đảo qua nhà một tí, lại đi, nhiều lúc không kịp uống cốc nước mẹ pha. Linh về chơi, giục: "Hay là anh lấy vợ đi, cho nhà đỡ vắng". Anh cười phá lên, xoa đầu Linh: "Mày chỉ được cái hay đùa". Anh hơn Linh những sáu tuổi, lại đi học sớm một năm, công việc ổn định, thừa tiêu chuẩn lấy vợ rồi, nhưng vẫn cứ coi đó là chuyện trên mây. Với anh Hùng, chỉ có những công trình xây dựng là đáng quan tâm nhất. Bố thì bảo: "Mai sau chia đôi nhà, cho hai anh em mỗi đứa một nửa, ở cả đây cho nó vui". Từ ngày Linh lên học đại học, mẹ quan tâm đến đời sống nội tâm của con gái hơn. Thư mẹ viết lên cho Linh thật nhiều tâm sự. Mẹ kể về những tháng ngày qua của mẹ, kể về thời sinh viên như Linh bây giờ, nhiều vất vả gian nan hơn nhưng vẫn ngập tràn mơ ước và lãng mạn. Thậm chí mẹ còn kể với Linh về mối tình đầu của mẹ, về tình yêu với bố. Đọc những lá thư của mẹ, không lần nào Linh khỏi ngỡ ngàng. Hóa ra bao nhiêu năm rồi, Linh chưa hiểu những gì ẩn chứa trong vẻ dịu dàng nhưng cũng rất nghiêm khắc của mẹ. Qua thư, Linh hiểu mẹ còn muốn kín đáo nhắc nhở, khuyên răn con gái. Mẹ hướng Linh tới những khát vọng đẹp, những ước mơ chân chính, động viên con gái trong học hành. Có đêm, Linh nằm ôm lưng mẹ, thủ thỉ: "Mẹ này, giả sử bây giờ con có người yêu, mẹ sẽ nghĩ gì?". Mẹ im lặng rất lâu như ngỡ ngàng rồi bảo: "Con phải dẫn anh ta về cho bố mẹ gặp mặt chứ!". Linh cười: "Con nói đùa đấy, ai thèm yêu con đâu. Con ở với mẹ suốt đời nhé". Thế nhưng hình như mẹ chưa tin là Linh chỉ nói đùa. Bao nhiêu lần mẹ gợi ý: "Con chẳng có bạn trai thân gì cả. Hay có mà giấu mẹ?". Anh Hùng bô bô: "Thì mẹ cứ nói thẳng là người yêu có hơn không. Linh này, thằng nào làm em rể anh mày là phải biết uống rượu đấy nhé. Không là vứt đi đấy, miễn nói nhiều". Bố thì chỉ nhìn mấy mẹ con, tủm tỉm cười. Linh chưa dám nói với bố mẹ chuyện của mình với Hải. Tự trong thâm tâm cô cảm thấy sợ. Yêu nhau một khoảng thời gian không nhỏ rồi, nhưng Linh vẫn phấp phỏng một linh cảm chẳng lành về tình yêu ấy. Cô và Hải ở xa nhau quá. Bạn bè đứa nào cũng bảo: tình yêu sinh viên khó thành lắm. Linh sợ bố mẹ và anh Hùng phản đối. Cả bố và mẹ đều là nhà giáo nên cách nhìn nhận, đánh giá con người có phần khắt khe. Linh tin Hải, tin vào con người, vào tư cách của anh, nhưng không hiểu sao mỗi lần trước bố mẹ, bao nhiêu dự định về việc sẽ "báo cáo" chuyện tình yêu đều tan biến hết. Những đêm nằm thủ thỉ tâm sự cùng mẹ, Linh chỉ dám xa xôi hỏi: "Nếu mai này con yêu ai đó ở thật xa, bố mẹ có đồng ý không?". Mẹ bảo: “Các cụ dạy rồi: Con gái mà gả chồng xa, một là mất giỗ, hai là mất con. Con gái mà gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang cho". Linh gặng: "Nghĩa là bố mẹ không đồng ý cho con yêu người ở xa?". Mẹ hỏi lại: "Con yêu rồi phải không?" thì Linh lại chối đây đẩy: "Không! Là con nói thế thôi". Để rồi lúc lên trường, lúc ngồi bên Hải, cô lại thầm ân hận, rằng tại sao mình không đủ can đảm để tâm sự thật với bố mẹ, với anh Hùng. Thư của mẹ làm Linh nóng ruột. Cô băn khoăn không hiểu có việc gì mà mẹ nhắn về. Chị Lành bảo: "Chắc là u nhớ con gái nên gọi về thôi". "Nhưng có bao giờ mẹ em nhắn về chỉ vì nhớ đâu". "Thì cứ về rồi biết. Đúng là con út có khác. Nhận được vài dòng thư mẹ mà cứ sôi sùng sục. Thôi, không lăn tăn nữa nhé". Linh gật đầu với chị Lành mà vẫn chưa thể gạt bỏ những băn khoăn. Chợt trong óc cô lóe lên ý nghĩ: "Hay là... anh Hùng sắp lấy vợ? Cô thấy phấn khởi hẳn lên. Anh Hùng đã gần ba mươi rồi, lấy vợ là quá hợp lý. Linh quyết định xin nghỉ học thứ bảy để về nhà sớm. Thời khóa biểu thứ bảy cũng chỉ vỏn vẹn ba tiết học. Nhà trường hiểu tâm lý lũ sinh viên xa nhà nên xếp thời khóa biểu hôm thứ bảy rất gọn. Học xong, sinh viên vẫn có thể ra bến xe về nhà, nếu như quê ở không xa lắm. Chị Lành đưa Linh ra bến xe, tranh thủ ghé bưu điện. Từ lúc nhận được giấy báo lĩnh bưu phẩm, chị Lành cứ như trẻ con được quà. Linh thấy rõ niềm vui lấp lánh trong mắt chị. Cô bảo: “Chắc lại anh Hoàng chứ gì? Lâu lâu không gặp nhau, nhớ nhau thì gửi quà”. Chị Lành cứ cười. Linh lại thấy ân hận vì mình đã gieo cho chị một niềm vui mà cô biết chắc là không thể có. Mới tuần trước Hoàng còn đưa Lan Anh đi chơi. Chị Lành không biết vì chị về nhà. Cả phòng cũng không biết nốt. Lan Anh chỉ kể cho Linh. Mà giả sử Lan Anh không kể, Linh cũng lờ mờ đoán ra. Thoạt tiên, anh Hoàng là bạn chị Lành. Hai người quen nhau từ đâu chẳng rõ. Chỉ biết rằng chị Lành thích anh Hoàng ra mặt. Thời gian đầu, anh cũng hay đến chơi với chị. Cả phòng cứ ầm ĩ ghép đôi hai người. Chị Lành cười, đỏ mặt vì sung sướng, còn anh Hoàng không tỏ thái độ gì. Từ chỗ trêu chọc chuyển sang tất cả nghiễm nhiên coi họ đã là của nhau. Cứ động nói đến anh Hoàng là mọi người bảo: “Chị Lành ơi, anh Hoàng của chị...”. Một đôi lần cả lũ ngớ ngẩn hỏi nhau: “Không biết ông Hoàng với bà Lành chính thức yêu nhau chưa nhỉ?”. Công bằng mà nói, đặt chị Lành cạnh anh Hoàng, người ta chỉ thấy sự tương phản chứ không thấy nét nào xứng đôi. Chị Lành lùn, đen, dáng hơi thô kiểu đàn ông với đôi vai rộng cứ bè bè ra. Chị để tóc dài, lại hay buông xõa, nhờ thế nhìn mềm mại hơn một chút. Anh Hoàng lại rất điển trai, dân thành phố, ăn chơi sành sỏi. Sành sỏi từ bộ ria mép kiểu cách đến chiếc áo sơ mi đắt tiền và mảnh mùi xoa lúc nào cũng phảng phất nước hoa trong túi áo. Từ ngày có anh Hoàng, chị Lành chải chuốt hơn nhiều. Chị đã biết tô son, đánh phấn mỗi lúc anh đến chơi, hoặc đến chỗ anh chơi. Chưa từng dùng son phấn nên chị Lành cứ lóng nga lóng ngóng. Trong khi đứa nào trang điểm trước khi đi chơi cũng vác phấn, vác gương ra tận giữa cửa soi soi, trát trát để cho thật mặt thì chị Lành lại cứ dấm dúi xó giường như ăn vụng. Công bằng mà nói, giá chị cứ để gương mặt mộc còn dễ nhìn hơn. Chín đứa trong phòng luôn tế nhị khi đề cập đến những chuyện dễ khiến chị chạnh lòng như: sắc đẹp, tình yêu hay điểm chác, học hành (chị học kém nhất phòng). Chị Lành có nhiều điều kém lũ “chíp hôi” nhưng đứa nào cũng yêu quí, kính trọng chị bởi lẽ chị sống hết mình vì mọi người. Chính Linh cũng đã bao lần xuýt xoa: “Em mà là con trai, chỉ mong có người vợ chu đáo như chị”. Chị Lành bảo: “Khéo nịnh”, nhưng Linh thấy chị rất vui. Chị có vẻ hay tâm sự với Linh hơn cả. Những chuyện gia đình, chuyện riêng tư chị ít khi ngỏ cùng ai, nhưng thỉnh thoảng sang giường Linh nhỏ to tâm sự. Cũng chính vì thế, Linh mới khá tường tận về những mối tình “vắt vai” trước đây của chị. Ngay lần đầu tiên chị Lành đưa anh Hoàng về “ra mắt” phòng, Linh đã có linh cảm rằng anh Hoàng sinh ra không phải để dành cho chị Lành. Linh không thổ lộ cùng ai ý nghĩ ấy, trừ Hải. Anh bảo: “Em quan tâm nhiều đến chuyện của người khác mà riêng việc dẫn anh về “báo cáo” bố mẹ, em lại không dám”. Gần đây chẳng hiểu sao anh Hoàng quay ngoắt sang Lan Anh. Chỉ có mình Linh biết chuyện ấy bởi rất vô tình cô và Hải gặp họ khá tình tứ bên nhau trong công viên Bách Thảo - nơi rất nên thơ và vắng vẻ.. Lan Anh với Hoàng cùng quê, nhưng họ mới biết nhau sau lần chị Lành dẫn anh Hoàng về phòng chơi. Hôm đó hai người rối rít nhận đồng hương, Lan Anh còn đùa: “Chị Lành muốn làm dâu đất Hải Phòng thì phải liệu mà nịnh nọt em nhé! Qua sông nên phải lụy đò mà". Linh đắn đo mãi mới dám hỏi Lan Anh về Hoàng, nhưng Lan Anh chỉ nói: “Bạn thôi! Điên mà đi yêu lão ấy”. Linh không tin lắm việc họ chỉ là bạn của nhau, bởi sau lần ấy, cô biết nhiều lần Lan Anh đi chơi với Hoàng. Lan Anh cứ dặn Linh thật nhiều rằng: “Đừng có nói chuyện tao đi chơi cùng Hoàng với ai. Tao không muốn chị Lành hiểu lầm, chị ấy cả nghĩ lắm”. Linh cứ thấy bứt rứt không yên. Chị Lành yêu anh Hoàng thực sự. Cứ nói đến anh Hoàng là má chị hồng lên, mắt long lanh. Vài món quà nhỏ anh Hoàng tặng từ khi mới quen nhau được chị nâng niu, gìn giữ hơn báu vật. Biết chuyện anh Hoàng và Lan Anh, không hiểu chị Lành sẽ như thế nào?. Rẽ vào bưu điện, chị Lành hối hả: “Em gửi xe nhé! Chị vào một lát thôi”. Linh dựng xe ngay cổng, đứng luôn đấy. Cô sợ muộn giờ ô tô. Dọc đường Linh bảo: “Hay lúc về chị hãy vào bưu điện”, chị Lành không nghe. Chị sốt ruột muốn biết ai gửi quà gì cho mình. Linh biết chị đoán chắc là quà của anh Hoàng, và cô hơi buồn. Anh Hoàng mới đi chơi với Lan Anh chủ nhật trước, thế mà anh nói với chị Lành rằng tháng này phải theo đội thi công cầu đường lên tận Sơn La khiến chị Lành cứ xuýt xoa thương nghề anh vất vả, nay đây mai đó. Chắc chị lại nghĩ một cách lãng mạn rằng ở xứ núi rừng heo hút ấy, anh ta nhớ chị nên đã gửi quà về. Linh chưa kịp nghĩ xong, chị Lành đã ra, vẻ mặt kém tươi hơn. Biết thừa, nhưng cô vẫn hỏi lấy lệ: “Quà của anh Hoàng hả? Cái gì đấy chị”. Chị Lành lắc đầu: “Không! Đứa bạn trên trường sư phạm II gửi trả cuốn sách nó mượn từ đợt hè”. Dọc đường chị Lành ít nói hẳn, một lát lại nhìn đồng hồ. Linh mải nghĩ miên man về bố mẹ nên cũng chẳng nói chuyện gì. Đích thân chị Lành chen vào mua vé cho Linh, mặc cho cô quầy quậy: “Chị cứ về trường đi, em mua vé quen rồi, kệ em”. Chị lúc nào cũng chu đáo vậy. Đợi Linh ngồi yên trên xe, xe sắp chuyển bánh, chị mới chịu ra về. Linh nhìn theo mãi đến khi bóng chị hòa lẫn với dòng người tấp nập trên phố. Quay vào xe, Linh giật mình khi bên cạnh là sắc áo bộ đội. Cứ như là Hải bất ngờ hiện diện bên cô. Cứ như cô được trở lại ngày đầu tiên hai đứa gặp nhau. Anh chàng bộ đội xây lưng lại phía Linh, cô không nhìn rõ mặt. Hồi ấy, trên “chuyến xe tình yêu”, Hải cũng ngồi như vậy. Có điều phía trước mặt Linh không phải là hai cô gái trẻ mà là hai tên thanh niên bặm trợn. Chúng cứ quay xuống nhìn cô liên tục khiến cô phải ngó lơ ra cửa sổ? Linh rất khó chịu khi có người nhìn mình kiểu ấy. Rồi sau đó, oái ăm thay, anh chàng bộ đội trắng trẻo môi hồng như con gái ngồi bên cũng liên tục liếc sang chỗ Linh. Linh cứ có cảm giác ghế của mình có gai. Cô cố tình cau mặt lại, biểu thị sự khó chịu vô cùng. Một trong hai gã thanh niên bắt đầu đứng dậy, rời chỗ, tiến đến phía sau Linh. Cô nghĩ thầm: “Lạy trời cho thằng kia đi nốt. Rồi cả gã công tử kia nữa chứ...”. Không hiểu tại sao Linh không có chút cảm tình nào với những anh chàng bộ đội. Có thể do ngày xưa, lúc vừa tròn sáu tuổi, cô đã chứng kiến cảnh chú Vân cùng khu tập thể đánh vợ là cô Hoài. Từ đó ấn tượng của Linh về những anh chàng bộ đội chỉ là nóng nảy, khô khan đến khó chịu. Lúc xe đi vào quãng đường xóc, Linh ngả người vào thành xe, vừa kịp nhìn thấy tên bặm trợn đằng sau đưa tay định vuốt tóc mình. Cô lại cau mặt, nhìn lên. Hắn vờ quay đi. Tự nhiên anh chàng bộ đội nháy cô và nói to: “Em lạnh à? Đổi chỗ cho anh nhé” rồi anh ta tiếp ngay: “À thôi, lấy tạm chiếc khăn này quàng cổ vậy”. Linh còn đang ngơ ngác, anh ta đã quàng vào cổ Linh chiếc khăn mặt bông vẫn vắt ở ba lô kèm theo cái nháy mắt nghiêm nghị như ra lệnh. Linh sợ, chẳng hiểu vì sao. Một ý nghĩ rất nhanh lướt qua: “Xe còn rất đông người, chúng dở trò gì mình sẽ kêu toáng lên”. Thế nhưng hành khách trên xe không ai để ý đến họ, trừ hai gã bặm trợn đang khoặm mặt lại tức tối. Tên phía sau Linh nhổ bọt phì phì ra cửa sổ xe. Anh chàng bộ đội bên cạnh liến thoắng: “Không biết đến bến có ai đón tụi mình không em nhỉ? Phải đi xích lô thì ngại quá. À, hay chúng mình đi xe buýt?”. Linh im, quay đi, nhưng cứ run lên, nghĩ: “Anh ta điên chắc!”. Anh chàng bộ đội tiếp tục dai như đỉa: “Vẫn tức anh à? Quay vào đây xem nào”. Đến khi xe dừng giữa đường, hai gã bặm trợn tót xuống xe, anh chàng bộ đội cười hiền: “Xin lỗi em nhé. Nhưng cho anh xin lại cái khăn”. Linh cáu: “Đùa kiểu gì thế. Vớ vẩn!”. “Không đùa đâu, em nhìn lại mình đi, tí nữa thì bị chúng nó giật mất dây chuyền. Đi xe ô tô thế này mà mặc áo hở cổ, khoe cái dây chuyền vàng chóe ra. Nói thật, hôm nay không có cái khăn của anh thì có lẽ giờ em đang khóc đấy”. Linh bàng hoàng sờ lên cổ. Sợi dây chuyền vàng 99,99 mẹ cho con gái vẫn còn đây. Bây giờ cô mới hiểu những ánh mắt và thái độ của hai gã thanh niên bặm trợn nhìn mình. Hú vía. Linh đưa trả chiếc khăn mặt, nhìn anh bạn đồng hành với cặp mắt thân thiện hơn nhưng vẫn dấm dẳng: "Cho mượn khăn thôi, còn đóng kịch làm gì khiến em tưởng gặp phải kẻ khùng". Anh ta lại cười: "Em vẫn ngây thơ. Không đóng kịch thế để chúng nó "thanh toán" anh à? Chuyện hai đứa bắt đầu từ đó. Về sau, mỗi lần nhắc lại, Hải cứ trêu Linh: "Ghét của nào trời trao của ấy. Ghét bộ đội nên được yêu ngay một anh bộ đội". Linh cãi: "Phải yêu chứ không phải được yêu". Nhanh thật, thế mà cũng đã mấy năm rồi. Tình cờ làm sao trên chuyến xe này, cô lại ngồi bên một "chú bộ đội". Giá như người ngồi cạnh Linh lúc này là Hải. Chẳng biết đến bao giờ cô mới được cùng anh về quê. Năm học cuối cùng sắp trôi qua rồi. Linh chợt thấy âu lo. Hải và cô sẽ thế nào đây? Không! Chắc lần này về nhà mình sẽ tâm sự thật cặn kẽ với mẹ... Linh về đến nhà cũng là lúc mẹ đi dạy về, trên tay còn ôm chồng bài kiểm tra to tướng. Linh rối rít: "Mẹ! Bố con chưa về à? Có việc gì mẹ gọi con về thế? Có phải anh Hùng sắp cưới vợ không?". Mẹ vui mừng nhìn Linh: "Mẹ cứ nghĩ tối nay con mới về. Thôi, vào nhà đi, chưa gì đã cuống lên". Vẻ bí mật trong nụ cười của mẹ làm Linh sốt ruột: "Mẹ nói đi, chuyện gì thế? Anh Hùng giới thiệu người yêu hả mẹ?". Mẹ vẫn chỉ cười rồi đi vào phòng trong. Linh ngồi xuống ghế, thở ra một hơi dài, thấy người nhẹ nhõm, khoan khoái hẳn. Bao nhiêu mệt nhọc bay biến hết. Bao giờ về đến nhà cô cũng có giác yên bình, thư thái thế. Thế mà anh Hùng cứ đi biền biệt. Có lần Linh về nhà suốt hai ngày mà anh em chẳng gặp nhau. Đến lúc cô chuẩn bị lên ô tô trở lại trường mới thấy anh phi xe hối hả tới, dúi vội vào tay em ít tiền, bẹo má em rồi đẩy lên xe... Nghe tiếng thìa va vào thành cốc thủy tinh lanh canh từ trong nhà bếp, Linh nũng nịu: "Con không uống nước chanh đâu. Con chỉ uống nước lọc thôi". Tiếng mẹ êm êm: "Lấy chồng đến nơi rồi còn thế. Mai này ai chiều được". Linh ngả người, lười biếng nằm hẳn ra đi văng: "Thế mà có người đang muốn chiều chuộng con chưa được đấy mẹ ạ". "Ai vậy?". Cô đùa: "Anh chàng Văn "em chã", học sinh cưng của mẹ ngày xưa đấy. Hay là con yêu quách anh ta, mẹ nhé, tha hồ sướng". Mẹ mang nước ra, giọng nói chẳng có vẻ gì là đùa cả: "Nó cũng mới về hôm qua đấy, có ghé lại đây chơi, cho bố con cả đống rượu chai kia kìa". Linh nhỏm vội dậy: "Mẹ có bảo anh ta là hôm nay con về không?". "Có. Vì nó cứ hỏi thăm mãi". "Trời ạ! Thảo nào anh ta cũng đến ám con cho mà xem! Sao lại xui thế...". Mẹ đặt cốc nước lên bàn tủm tỉm: "Báu lắm đấy mà người ta phải xán lăn vào". Linh càu nhàu: "Con kể mãi mà mẹ chưa hiểu anh ta đeo đẳng, làm khổ con thế nào sao?". Bỗng dưng mẹ cắt ngang câu chuyện: "Thôi, con nghỉ một lát rồi xuống bếp chuẩn bị cơm nước giúp mẹ. Thức ăn mẹ mua từ sáng, để trong chạn ấy. Trưa nay anh Hùng ăn cơm nhà đấy, nhưng bố con lại đi ăn đám cưới. Mẹ phải qua bác Song có tí việc". Linh nhìn theo mẹ, phụng phịu một mình: "Nhà có mỗi bốn người, lại chẳng bao giờ được đông đủ". Linh đang nhặt rau sống thì anh Hùng về. Thấy Linh, anh vui vẻ hét to: "Ái chà! Về sớm thế! Lại còn nấu cơm nữa. Chắc trời sắp mưa. Mẹ đâu?". Linh lườm anh: "Làm như người ta lười lắm. Ngày xưa, ai suốt ngày phải giặt quần áo cho anh?". Anh Hùng cười hì hì rồi nện giày rầm rầm lên gác. Vài phút sau đã thấy tiếng nhạc vang lên chát bùm đến điếc tai. Anh đi thì chớ, cứ về đến nhà là nghe nhạc, mà toàn loại nhạc kinh khủng được mở thật to. Mẹ mắng thì anh bảo: "Con ở công trường nghe tiếng máy móc quen rồi nên nhạc này vẫn còn êm tai chán". Cũng may, anh ít ở nhà chứ không đến phát cuồng vì nhạc nhẽo của anh. Nhưng chỉ vài phút sau, bản nhạc chát chúa ấy tắt phựt. Anh Hùng lại rầm rầm đi xuống, ngó đầu vào bếp: Mẹ đâu Linh? Mẹ sang nhà bác Song làm gì ấy! Anh Hùng đút tay túi quần đi lại vẩn vơ, đá tung cả nắm gốc rau dưới sàn: Trưa nay anh có hẹn với thằng Phong mà quên mất - anh giơ tay nhìn đồng hồ - Mười một giờ xừ nó rồi. Linh nghiêm giọng: Không hẹn hò gì cả. Anh ở nhà thôi. Nhà có mấy mống người, lại cứ xách xe đi suốt. Anh Hùng cười chế nhạo: Người lớn nhỉ! Chuyện làm ăn của anh, mày biết gì mà cấm đoán. Nhưng thôi, giờ cũng muộn rồi. Đành chịu cho nó phạt vậy. Phạt cái gì? Sao lại phạt? Thì bia chứ cái gì. Lỡ hẹn với nó... Chợt nhớ ra điều mình băn khoăn, Linh nhìn anh Hùng dò hỏi: Mẹ viết thư bảo em về. Có việc gì anh nhỉ? Anh Hùng lắc đầu vô tư: Việc gì? Anh có thấy mẹ nói đâu. Mà có việc quái gì. Mẹ nhớ "công chúa út" nên gọi về chơi cho vui. Mày cũng có hiếu lắm cơ, cứ phải chờ bao giờ mẹ gọi mới về, đã thế, mai này lấy chồng chắc mất hút luôn. Thế mà em cứ tưởng lần này về để chuẩn bị cho anh cưới vợ. Anh Hùng phá lên cười ha ha: Cho mày viết cổ tích được đấy! Cố mài răng cho sắc chờ mười lăm năm nữa, nhé! Mẹ về, Linh cũng vừa nấu cơm xong. Bữa cơm có anh Hùng nên sôi nổi hẳn. Anh cứ oang oang kể chuyện công trường. Mẹ nghe, thỉnh thoảng gắp thức ăn cho cả hai đứa. Hình như trong mắt mẹ, cả Linh và anh Hùng còn rất nhỏ, mặc dù anh Hùng bên cạnh mẹ là một "ông con" cao hơn mét bảy, rất phong trần. Còn Linh, chẳng gì cũng sắp tròn hai hai tuổi. Nghe chán chuyện công trình của anh, Linh sốt ruột cắt ngang: Anh thì lúc nào cũng bê tông, cọc móng, xà, dầm. Thế chưa "cưa cẩm" được cô nào thật à? Anh Hùng trợn mắt: Lại chuyện ấy? Mày yêu thằng nào rồi hả? Mẹ nhìn Linh dò hỏi. Cô chống chế: Đừng trả lời thế. Em hỏi anh cơ mà. Anh Hùng đặt bát xuống mâm, cốc đầu Linh: Nhóc con không được nói chuyện tình yêu, cũng đừng giục giã anh mày. Khối cô theo tơi tới đấy, có điều anh chưa duyệt. Ừ, củ tâm thất cũng phải gọi bằng cụ. Thằng Chương có con rồi đấy! - Mẹ phì cười. Chương là bạn học với anh Hùng. Hai anh chơi khá thân suốt những năm học cấp I, cấp II. Nhưng lên đến lớp 12, không hiểu sao cứ nhạt dần. Anh ta ít đến nhà Linh chơi hẳn. Mẹ hỏi, anh Hùng chỉ bảo: "Nó đang yêu một em lớp mười. Con can, thế là nó giận". Bây giờ, nghe mẹ nhắc đến anh Chương, anh Hùng cười mỉa mai: Vâng, nó có con rồi, sướng lắm. Lúc nào qua cũng thấy nó cắm mũi vào chậu quần áo giặt dở. Hôm qua, con còn gặp nó chạy xe như ma đuổi, bảo đi mua thuốc đi ngoài cho thằng nhóc. Mẹ nhìn theo anh Hùng lên gác, mắng yêu: Cứ toang toang như thế, không trách được...