Chương 1
Tặng đồng bào tỉnh Bến Tre tản lạc khắp thế giới và điêu đứng ở quê nhà. Thân ái gởi Họa sĩ Diệp Minh Châu ở SàigònAnh Châu thân mến, Tình cờ tôi được biết tin về anh. Số là vừa rồi tôi có nhờ họa sĩ Hiếu Đệ vẽ cho mấy cái bìa sách. Nhân nói chuyện trên phone, tôi có hỏi họa sĩ về anh. Họa sĩ đã kể cho tôi cả một câu chuyện rồi cho biết thêm rất nhiều chuyện về những bạn bè của tôi trong ngành hội họa. Anh Hiếu Đệ cho biết thêm về họa sĩ Trần Văn Lắm. Hồi đầu kháng chiến có danh hiệu là Cò Lắm ở Sàigòn đó mà. Ảnh cao lớn, khỏe mạnh như đô vật, nên làm công an khét tiếng trừ gian thời đó. Ra Hà Nội, anh làm giám đốc trường Mỹ Thuật Sơ Cấp. Khi trở về Sàigòn sau 75 lại bị tai nạn lãng nhách. Anh ấy đi xe đạp từ trong hẻm ra bị hai chiếc xe buýt chạy ngược chiều ép chết. Tôi hết sức lấy làm lạ về cái tai nạn như vậy. Nếu xe chạy ngược chiều thì sao có thể đụng nhau để anh Lắm bị chẹt ở giữa? Bị đụng bởi chiếc này hay chiếc khác thì đúng hơn. Nhưng anh Hiếu Đệ cho biết là ảnh bị chẹt giữa đầu hai chiếc xe buýt. Tôi bàng hoàng cả người. Tôi sống chung với anh Lắm ít lắm là 3 năm ở miền Tây Nam Bộ. Anh rất vui vẻ và cởi mở. Anh hút ống píp và có bộ trán ngắn. Nếu ai cười anh vì bộ trán ngắn đó thì anh bảo: "Trán Staline cũng ngắn như trán tao" Anh đi sản xuất rau cải, cuốc đất làm cỏ như mọi người. Ngoài ra anh còn dạy một bầy học trò sau này đều thành tài cả. Chị Năm là người đàn bà đôn hậu đi theo chồng suốt 9 năm kháng chiến. Nhắc chuyện xưa kháng chiến buồn lòng quá anh Châu ơi. Bởi vì cuộc cách mạng tháng Tám đã xảy ra đến nửa thế kỷ rồi mà dân tộc ta chẳng đi đến đâu cả. Ất Dậu năm xưa lại tái diễn vào năm 1989-1990. Tôi tuy là dân lưu vong, sống ở xứ người, cơm áo có thừa, tự do lại càng không thiếu, lắm lúc đọc một mẩu tin trong nước mà lệ tuôn lả chả. Hai năm trước, tôi thấy một bài viết của Mai Văn Tạo nói về anh Đoàn Giỏi lúc đau nặng nằm trên giường bệnh mà thèm một lon bia. Khi anh qua đời, người ta thấy trong ngăn kéo bàn viết của anh một cái đơn xin nhà ở chưa được chấp thuận. Rồi một bài nói về cái chết âm thầm của họa sĩ Nguyễn Sáng người gốc Mỹ Tho. Anh Sáng chết trong một căn nhà tồi tàn. Anh em đồng nghiệp thương xót hùn tiền làm đám táng. Trời đất, giải phóng rồi mà tệ vậy sao? Nước mình có những cảnh đó thiệt sao anh Châu? Mỹ Tho thời "ngụy" đâu có bạc bẻo đến vậy. Riêng anh thì anh nói là anh muốn làm sinh nhựt năm anh lên 70 mà không có tiền làm nổi. Không biết có ai giúp anh thực hiện giấc mộng con đó chưa? Tôi có thể bất cứ lúc nào. Nhưng làm sao mà gởi tiền và quà được? Lúc ở Hà Nội tôi đến thăm anh và chị Phương Dung luôn. Cháu Diệp Trần Tố Như nay đã 30 tuổi rồi. Chắc cháu vẫn nối nghiệp hội họa của anh và chị phải không? Thiên tài như anh mà nghèo đến thế, nghĩa là sao anh, tôi thực tình không hiểu nổi. Viết đến đây tôi thấy nỗi buồn tràn ngập cả lòng lan ra trang giấy nên tôi không viết được nữa phải gác bút, chờ sự xúc động phai đi rồi sẽ viết tiếp. Anh hẳn chưa quên làng Hương Mỹ có cái chợ gọi là chợ Cầu Mống (vì nó có cái cầu cao xe hơi cũ lên chết máy ở giữa dốc cầu). Năm 1946 Tây đến đóng đồn ở chợ, trong một cái chành lúa gọi là Tiệm Lớn của người Tàu và dùng cả vạn giạ lúa để làm vách đồn. Phân đội Đoàn Trần Nghiệp của anh Hai Phải bên cù lao Bảo sang đánh, dân chúng trong làng hưởng ứng vác lá dừa, rơm củi, giở cả nhà đến phóng vào đồn và châm lửa. Rồi đốt tất cả phố chợ cho lửa lan qua đồn. Anh Hai Phải đã hy sinh oanh liệt trong trận đó. Ảnh đã xông vào cửa đồn ngay khi trận đánh vừa bắt đầu. Tên đồn trưởng từ trên lầu ném một quả lựu đạn của Đức Quốc xuống trước mặt anh trong lúc anh cũng vừa kết thúc đời hắn bằng một loạt Tôm-xông. Đồn bị hạ, lúa làm phòng tuyến cháy như một quả núi. 5 năm sau không tắt. Anh đã đến dựng giá vẽ quả núi và cội bàng già ở mé sông xòe tàng phủ nóc chành lúa mà mỗi ngày đi học tôi đều qua lại. Tôi đã đến xem anh vẽ bức tranh Cầu Mống đó. Viết đến đây tôi thấy như anh đang đứng trước tấm "toan" trắng và quệt những nét cọ dọc ngang. Tôi ham mê hội họa, âm nhạc, thơ phú từ ngày học ở Mỹ Tho. Cho nên không bỏ lỡ cơ hội xem anh vẽ. Đó là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi đó anh Châu. Rồi kháng chiến bùng nổ toàn quốc, tôi đi theo bộ đội, gặp anh ở trận Vàm Nước Trong, xã Định Thủy. Bộ đội Phạm Hồng Thái đã hạ đồn này một cách oanh liệt, nổi danh khắp toàn quốc. Hình như lúc đó chưa có bộ đội nào ở Trung và Bắc hạ được đồn giặc. Tinh thần yêu nước quả là một vũ khí vạn năng. Anh đã chấm máu của chiến sĩ Phạm Hồng Sơn hy sinh vẽ chính chân dung người chiến sĩ dũng cảm ấy khi anh Sơn vừa trút hơi thở cuối cùng. Rồi anh theo chân bộ đội đánh trận Gò Cát năm 1947, cũng lại dùng máu nóng hổi của chiến sĩ mà vẽ tranh ngay tại trận địa. Trận này đã được anh Văn Luyện làm thành bài hát Ngọn Cờ Hồng với lời thề đề tặng các chiến sĩ đã dự trận đánh. Bây giờ nhớ lại lời ca, tôi vẫn còn thấy ran ran lồng ngực: Lướt trong gió mưa đoàn hùng binh lừng uy hăng hái Rửa hờn hò reo xáp chiến ... Cờ bay kèn reo...! Mau tiến lên giết hết quân thù. Ít lâu sau anh lên Đồng Tháp Mười (1948), trong một buổi chào cờ, anh đã tự cắt cánh tay lấy máu để vẽ hình ba em bé Nam, Trung, Bắc và "cụ Hồ", tượng trưng cho đất nước thống nhất. Sau đó anh viết một lá huyết thư kèm theo một chân dung tự họa của anh đăng trên báo Tổ Quốc, gọi "cụ Hồ" là "cha già dân tộc", trong đó có câu: "cha đã giải phóng cho dân tộc và cho nghệ thuật của con..." Anh còn nhớ những chuyện "thần thoại" đó không? Ít lâu sau khi tôi xuống miền Tây thì gặp anh ở một tiệm phở ở chợ Thái Bình. Anh để tóc dài, mặc áo gi-lê mà mang súng lục xề xệ bên hông trông rất hùng và rất nghệ sĩ. Tôi rất thích. Khi gọi phở, anh bảo chủ tiệm phải đem cho anh "ớt đỏ" chứ ớt xanh thì anh không chịu. Không hiểu anh đã có ý thức về cộng sản và dân chủ chưa hay đó chẳng qua là màu sắc trong nghề hội họa của anh? Rồi tôi xem triển lãm của anh ở Chắc Băng. Cuộc triển lãm đó gồm có hai phần, phòng "Nghệ thuật vị Nghệ Thuật" và phòng "Nghệ Thuật vị Nhân Sinh". Ở phòng "Nghệ Thuật vị Nghệ Thuật" có những tranh lụa và tranh vẽ bằng pas-telle tuyệt vời, trong đó có những bức cho đến hôm nay tôi nhớ như in trong trí. Ngây Thơ vẽ một em bé gái tuổi 15-16 chơi với mấy con mèo vá. Suối Tóc vẽ một giai nhân với mái tóc dài xõaxuống vai và rơi trước ngực một gương mặt diễm lệ vô cùng. Bức Trăng Thu vẽ một mỹ nhân khác với vầng trăng tròn làm nền còn có ý nghĩa nhan sắc của một người đàn bà đứng tuổi. Bên phòng "Nghệ Thuật vị Nhân Sinh" trưng bày các bức ảnh chiến đấu kể trên đầu bài và nhiều bức khác như chân dung trung đoàn trưởng Nguyễn Công Trung, trung đoàn phó Huỳnh Thế Phương. Phương mới 24 tuổi, người Bình Định (hay Quảng Nam), các trận đánh của trung đoàn 99, trong đó có trận phục kích xe ngựa của Tây ở Phú Lễ. Phòng tranh đã thu hút khán giả một cách mãnh liệt vì trong khu kháng chiến chưa bao giờ có triển lãm như vậy. Anh Châuthân mến, Anh đi tới đâu, tôi đi tới đó. Tôi say kháng chiến bao nhiêu tôi ham thích nghệ thuật bấy nhiêu và cũng bắt đầu làm thơ, viết chuyện trong kháng chiến từ lúc 17 tuổi. Nếu nhớ không nhầm thì khoảng năm 1949-1950 chi đó anh được gọi ra Việt Bắc để sống gần Hồ Chí Minh và chỉ để vẽ "cụ" mà thôi. 5 năm liền anh trở thành "chuyên gia" vẽ "cụ Hồ". Có lẽ để đãi ngộ cái công trạng ấy, sau ở trên cho anh đi "bổ túc" nghiệp vụ ở Tiệp Khắc. Đâu khoảng 60 thì anh về và bắt đầu nặn tượng "cụ Hồ" trước nhất. Nhưng không đặt ở vườn hoa mà tượng giấu kín ở xưởng họa của anh. Mấy lần tôi đến chơi, chị Dung bảo anh ốm nhưng vẫn nặn... không nghỉ. Quả thật tôi có trông thấy một tay anh nhồi đất, một tay anh ôm cái bao tử loét của anh. Mãi vài năm sau tôi vẫn không thấy cái tượng của anh đặt ở đâu cả. Rồi tôi và anh được gọi về Nam cùng tập mang gạch trong trường đi B với anh Lưu Hữu Phước... nơi mà mỗi ngày anh đều đóng vai con én đưa những lá thư tình của tôi cho Thảo. Thảo chết rồi anh ạ. Vì một mảnh bom trúng ngay trán trên đường về quê nhà ở Quảng Nam sau khi chia tay với tôi không đầy một tháng. Tôi được tin này khi đã ở Sài gòn. Trong một chuyến đi công tác ở Đà Nẵng, tôi nhờ một vị tướng bạn học cũ của tôi đi tìm xác, ông ta hứa giúp cho mọi phương tiện, nhưng than ôi, tôi vì đau đớn mà có ý định đó thôi chứ làm sao tìm được một mô đất loạn ở giữa rừng sâu mà chính tôi cũng không biết nó ở đâu. Những chuyện lằng nhằng tôi hài ra trên đây lâu nhất là 45 năm, mau nhất là 27 năm. Trời đất, thời gian quả là một điều ác nghiệt. Nó là bàn tay làm nhăn mọi khuôn mặt và trắng mọi mái tóc. Viết những giòng này cho anh và nếu được lọt vào mắt anh thì tâm sự của tôi ắt vơi đi đôi phần. Tôi nghe nói ở quê mình bây giờ buồn lắm. Từ thành thị đến thôn quê đều một niềm tâm sự chán ê chề. "Chỉ có cái loa là vui". Cái loa vô tri nên vui, trong lúc mọi người buồn. Đôi lần tôi có đọc bài của các vị thầy cũ của tôi. Qua đó tôi thấy được cả một sự thất vọng của cả giới trí thức. Tôi nghe họa sĩ Hiếu Đệ nói là anh uống rượu khủng khiếp lắm để tự phá phách sức khỏe vì không còn thiết đến việc dạy dỗ học trò nữa. Và tôi cũng nghe anh Hiếu Đệ nói rằng anh đi lang thang ngoài chợ Sàigòn. Những người Cuba, Liên Sô, Đông Đức (hồi chưa thống nhất), Rumani, Bungari, Tiệp Khắc từng nghe danh anh đã quỳ xuống xin bắt hoặc hôn tay anh, cái bàn tay nghệ thuật đã tạo nên những tác phẩm tuyệt vời. Nhưng bây giờ thì tất cả cái thời huy hoàng đã qua chỉ còn le lói chút nắng chiều tàn của một mùa đông dài ê ẩm. Ước gì tôi có thể gặp anh.