Những người già nhất còn sống ở làng Vú Cát đều nói, khi họ là đứa con nít, nghịch cát lấm lem đã nhìn thấy ông Sào lừng lững ở làng rồi. Người làng lại bình, ông Sào không phải cao mà dài, ông dài đến hai mét phẩy mười tám phân. Ông là một tay uống rượu khét tiếng, dai dẳng và thuỷ chung nhất ở làng Vú Cát. Hàng ngày, trông ông khênh khang bước, nhìn cũng chẳng khác mấy một chai rượu đang di chuyển, hơn nữa do cái đầu của ông tóp lại, kéo thuổn lên, trọc lóc, hệt cái nút chai. Cũng có kẻ tò mò hỏi tuổi ông, ông cầm tay dắt ra sau hồi nhà, chỉ vào đống xác chai lăn lóc, rỗng thóp, gọn lỏn: "Ta đã có ngần này xác chai rồi". Suy ra mới hay, cứ tết đến, năm nào cũng như năm nào, vào đúng đêm ba mươi, ông uống cạn chai rượu cuối cùng trong năm, thả xác chai ra hồi nhà, coi như thêm một tuổi. Đấy là nói chuyện ngày xửa ngày xưa, còn lâu lắm, ông không nhớ tuổi, đơn giản là xác chai rượu ông thả sau vườn vào đêm ba mươi tết đã chất thành đống, không đếm xuể. Ông Sào rất được người làng Vú Cát tôn kính. Ông Sào không nấu rượu. Ngày ngày, nhà này nhà kia ới ông sang, nhờ ông nếm rượu cho họ, định giá bán cho họ. Nếm chừng mươi nhà thì ông say, chúi vào chân vú cát ngủ một thôi, tỉnh, lại lê chân đi nếm tiếp, khi nào ông cũng tất bật, chếnh choáng, đắm mê trong rượu. Thời chống Pháp ông Sào đã từng được Việt Minh cấp giấy khen về thành tích nhử Tây uống rượu say cho du kích bắt. Có một đận, dân làng Vú Cát buồn như có tang. Chính quyền cấm bán rượu. Có thể được nấu, được uống thoa? thuê trong nhà nhưng nếu ai đưa rượu ra chợ bán, rượu đó là rượu lậu, tịch thu, phạt nặng, ai chống thì bắt, xử tù, ngang với tội phá hoại. Một ngàn hai trăm tám mươi tư lò rượu trong làng đột ngột tắt lửa. Đây là lần đầu tiên từ thuở khai thiên lập đất, làng không nấu rượu. Cả làng chết lặng trong sự im ắng hoang tàn, sự im ắng nghĩa địa. Ông Sào nằm lì trong góc nhà, buồn đến độ chẳng màng uống rượu. Nửa đêm ông ra khỏi nhà. Ông đến, thì thầm với từng hộ, nhắn nhe từng hộ, lào thào, to nhỏ... Rùng rục cả làng nổi lửa. Hương rượu đánh thức mọi người. Rượu xô tiếng cười ào ạt, rổn rảng khắp làng. Làng cháy rực xênh xang bởi mấy trăm lò rượu đồng loạt nổi lửa. Ông Sào đi từ đầu làng đến cuối làng, ưng ý. Mờ sáng, đã thấy người làng xách rượu đến nhà ông. Không thể nấu rượu nhiều như trước, mỗi nhà gửi tạm ông vài chai. Ông tỉ mẩn bó hàng chục chai rượu vào quanh người, khoác bên ngoài bộ quần áo rộng thùng thình, xốc xốc mấy nhịp làm chắc, rồi bước ra khỏi làng, nhằm về phố chợ. Hoá ra người ta cấm bán rượu nhưng không cấm uống, không cấm saỵ Gặp ông vào, lũ sâu rượu xô tới, đè ngửa ông ra đất, giật chai nào trả tiền chai đó, không cò kè thêm bớt, tăng giá cũng mặc, miễn là có rượu uống. Mỗi ngày ông ra chợ năm bận báo, vèo vèo. Hễ gặp bạn hàng, ông lại chìa ống chân, vén quần, chai rượu lòi ra ngoài, hể hả cười, tiền trao rượu đưa, mặn mua mặn bán, dập dìu sau một ngày cũng ối rượu, ối tiền. Ông giúp người làng, không tính công, cũng là cốt làm sao cho lò rượu của làng đừng tắt. Thuế vụ không thạ Một lần ông sa vào tay họ. Họ dẫn ông về trụ Ở để kiểm kê số chai rượu lén lút giấu trong người, nếu ít thì phạt, nhiều thì bắt giam, ông biết vậy. Trên đường về trụ sở thuế, ông vừa đi vừa vén ống quần, lôi từng chai rượu đưa lên miệng uống hết. Tới nơi, vật chứng không còn, người ta đành thạ Ông lết được về làng, ngả người ngay chân đồi vú cát, say gục hai ngày, nhưng lòng vui phơi phới. Chuyện này về ông Sào mới đáng kể: Đấy là vào thời kỳ làng Vú Cát ngập chìm trong bom rơi đạn nổ của máy bay Mỹ. Không ai hiểu vì lý do gì mà làng của họ lại thường xuyên bị máy bay đánh phá đến thế. Nơi này không có kho tàng, cơ sở quân sự cũng không, thậm chí cũng không là nơi đông người. Làng mảnh dài bên động cát, hiền như mặt người đang ngủ, cớ sao lại thành toa. độ của máy bay? Làng ấm ức lắm, mới phát động tham gia dân quân du kích bắn máy bay Mỹ, già trẻ lớn bé xung phong ngót mấy trăm. Ngoài đại đội dân quân chính quy, làng tập trung một đội lão dân quân. Nài nỉ mỏi mồm, ông Sào mới được vào đơn vị các cụ. Ngày ngày, khẩu đội 12 ly 7 của các cụ chiếm ngự đỉnh cao Vú Cát, mắt dõi trời xanh, khi máy bay tới ném bom nhất loạt nổ súng. Có một ngày chẳng hiểu thế nào, hàng chục tốp máy bay xổ bom xuống đỉnh vú cát. Trung đội lão dân quân thương vong gần hết, số còn lại cũng bị sức ép, mất sức chiến đấu. Còn mình ông Sào chưa hề hấn gì. Một tốp máy bay ụp bom xuống làng, sau khi nhả bom, ba chiếc vọt lên, lia đít về vú cát. Ông Sào một mình một súng bóp cò. Ông kéo hết một băng đạn, đau nhức răng. Bùng lên trên trời cao một ngọn lửa lớn bám chặt lấy chiếc máy baỵ Cả làng hét to cho ông Sào biết máy bay đã cháy. Ông cười ha hả. Ông dốc cả chai rượu vào người, chếnh choáng chạy về làng, rơi vào tiếng hoan hô vang trời dậy đất. Ông không giành thành tích một mình, ông chia đều cho các cụ cùng hưởng. Đang hoan hỉ, đang tưng bừng phấn khởi thì có đứa thối miệng trong làng loan báo rằng, chiếc máy bay ông Sào bắn rơi không phải do ông bắn rơi, nó rơi là vì hết xăng. Ông uất đến nghẹn cả ngụm rượu đang uống. Mẹ cha chúng nó nói điêu. Nói điêu vậy, trúng trật không cần biết nhưng mất sướng. Ông và các cụ họp gấp, tuyên bố biếu không chiếc máy bay cháy cho huyện đội, các cụ quyết chí bắn chiếc khác. Nửa tháng sau, lúc nhập nhoạng tối, trung đội các cụ lại bắn rơi chiếc thứ hai như nguyện vọng. Hỉ hả cả làng. Các cụ rồng rắn đi báo cáo thành tích trên huyện, tiếng thơm lan rộng khắp vùng. Ông Sào còn chưa hết hả hê thì tin thối mồm loang ra: Chiếc máy bay thứ hai các cụ vừa bắn là loại máy bay không người lái, mà đã không người lái thì chẳng ai bắn nó cũng rơi. Tức sôi máu. Tức đến nửa tháng vẫn chưa nguôi ngoai. Các cụ lại họp. Bắn lại. Nhất định là phải nhân chứng vật chứng cho bẽ mặt cái đứa thối mồm. Gần hai mươi ngày không chiếc máy bay nào lượn qua làng Vú Cát. Trung đội ông Sào cay đắng nhìn nhau. Chẳng lẽ cái thằng thối mồm thuộc quân địch, rút lui máy bay để hạ uy tín các lão dân quân? Ông Sào hết kiên nhẫn. Ông vặt lông môt con gà trống, xách chai rượu, nắm hương, lùi lũi vào giờ chính Ngọ lên thẳng đỉnh vú cát. Ông sụp lạy, ông cầu khẩn, ông gọi vong linh năm ngài tổ sư của làng khai sáng cõi lòng, yểm trợ các lão dân quân, xui khiến máy bay đến ném bom để ông và các cụ có dịp trả hận vì đứa thối mồm thối miệng. Có khẩn cầu ắt có thần linh phù trì bảo hộ, mơ được ước thấy. Hai ngày sau, khi cơn dông vừa tan, đàn đàn lũ lũ máy bay từ biển hộc tốc lao vào, cắt bom bừa bãi. Cả trung đội lão dân quân được một ngày xả súng. Cho đến băng đạn cuối cùng thì chiếc F4 dính đạn đằng đuôi. Bùng ra giữa nền trời xanh một cánh dù xanh của phi công Mỹ. Ông Sào gào to: "Để tui đi bắt thằng phi công". Ông dắt nửa chai rượu vào lưng quần, tay quờ vội con rựa, lao thẳng vào giữa trùng trùng cồn cát, đuổi theo thằng phi công đang vổng đít bay lơ lửng cùng cái dù trên trời cao. Chiếc F4 trúng đạn của các cụ đang bốc cháy ngay chân đồi vú cát. Hoá ra không dễ bắt phi công, nhìn thế mà xa vời. Ông Sào chạy đứt hơi vẫn còn xa tít mới ngang tầm dù rơi. Ông dừng, tợp một ngụm rượu. Đột nhiên ngừng gió. Cánh dù chao một vòng rồi lao vun vút xuống đồi cát trước mặt. A hạ Trời cho thì tao lấy. Ông Sào xách chai rượu, lao vầm vập đến thằng phi công. Hắn đang luống cuống như gà mắc tóc giữa bụi cây xương rồng mọc gai tua tủa. Hắn nhìn ông, ngẩn người trước một ông già còn cao hơn hắn một cái đầu. Hắn xổ ra một tràng tiếng Mỹ. Kệ. Ông lấy thuốc ra vấn. Hắn lết đến trước mặt ông, lại xổ một tràng tiếng Mỹ. Ông móc con rựa vào thắt lưng thằng phi công kéo thẳng về làng. Huyện đội xuống nhận thằng phi công. Ông Sào yêu cầu huyện bắt thằng phi công phải xác nhận rõ ràng rằng, máy bay F4 của hắn bị các cụ bắn rơi và hắn bị đồng chí Sào bắt sống. Huyện chiều ông, đã giúp ông có giấy xác nhận theo yêu cầu. Ông dắt giấy xác nhận vào lưng quần, sải chân bước về trung đội lão dân quân của mình, cười khùng khục. Từ bữa đó không còn thằng thối mồm nào vu chuyện. Tuy vậy, các cụ trong trung đội đã thống nhất với ông Sào, mặc dù các cụ chính thức bắn rơi ba chiếc máy bay, nhưng chiếc đầu mang tiếng là hết xăng, không tính. Chiếc thứ hai lại có lý do máy bay không người lái nên không cần tính. Đến chiếc thứ ba, nhân chứng vật chứng đầy đủ, tính, nên đã lĩnh gọn một cái huân chương về cho làng. Hôm đó làng say mất nửa ngày, say vì chiến công của các cụ. Đến ngày đất nước thống nhất, đội dân quân giải thể, ông Sào lại về, ngày ngày đi nếm rượu cho từng nhà. Ông chết năm ngoái, vào đúng cái đêm ba mươi tết, khi ông theo thói quen, uống cạn chai rượu cuối cùng trong năm, vứt xác chai ra sau hồi nhà tính tuổi. Người làng chôn ông trên đỉnh vú cát, chôn cùng đống xác chai tính tuổi của ông. Sau khi chôn cất, người làng nhìn thấy một người đàn ông già, râu tóc bạc phơ, vác một tấm bia mộ bằng gỗ lim, trèo lên đỉnh Vú Cát, cắm thẳng vào mộ Ông Sào. Cả làng chạy lên xem. Tấm bia mộ bằng gỗ lim đen bóng hiện lên ba chữ màu trắng như cát: Bạch Sa Mộ.