Lời Tựa

Vài lời thưa của tác giả.

«Bách Hoa Bí Lục» là một tiểu thuyết võ hiệp hoàn toàn dựa trên óc tưởng tượng. Nhưng sự tưởng tượng nào cũng không lọt ngoài đời sống ước mơ có thực của con người !

Địa danh trong truyện thì hầu hết là những tên có thật, nhưng khung cảnh và thời sự thì lại là những sân khấu được tác giả dựng lên, thành thử các nét trùng hợp với thực tế nếu có, thì ấy cũng chỉ là sự ngẫu nhiên ! Nếu chư độc giả nghĩ rằng tác giả có một dụng ý nào đó trong tác phẩm, thì dụng ý ấy vốn không để phê phán thời cuộc thời, theo cách của một sử gia, mà là để làm cho người độc cảm thấy lý thú, thưởng thức được cái bố cục gay cấn trong truyện võ hiệp mà thôi !

Trước 30-04-1975, truyện võ hiệp tại miền Nam Việt Nam đã gần như độc quyền của Trung Hoa, do các học giả dịch lại. Dân Việt Nam đã say mê những câu chuyện võ hiệp «ba tàu» như thế nào, thì chắc chắn ngay ngày nay chuyện võ hiệp Việt Nam cũng sẽ được họ hoan nghinh ! Điểm chính phải viết làm sao cho phẩm cách gây cấn trong truyện ta chẳng kém gì truyện Tàu, mà câu chuyện «giả sử» lại là câu chuyện của xã hội Việt Nam !

Chúng tôi cố gắng làm việc ấy, không dám chắc sẽ thành công, nhưng chỉ yên tâm một điều, là trông cậy vào lòng rộng lượng và sự khuyến khích của độc giả !

Vả lại, «văn chương võ hiệp» của Kim Dung và các tác giả Trung Hoa khác đã tô màu cho lịch sử Trung quốc, thì tại sao những người cầm bút Việt Nam lại không đóng góp khả năng sáng tạo của mình vào vườn hoa tiểu thuyết võ hiệp nước Việt !

Nay Kính.

Nam Quan Tử (NĐ).

Nguyên ủy của cái tên «Bách Hoa Bí Lục»

Trước khi có ý sáng tác cốt truyện võ hiệp nầy, tác giả nhân một hôm nhớ lại những thời tư tưởng Trung Hoa được hưng thịnh : Trong đó có thời “Bách Gia Chư Tử” là huy hoàng nhất, và từ đó được gợi ý !

"Bách Gia Chư Tử" ám chỉ tên tuổi của một trăm nhà hiền triết cổ Trung Hoa đã tự phát triển được tư tưởng của họ đến cực đại, rạng rở như một trăm “toà lâu đài ánh sáng" hay "một trăm thứ hoa” nở rộ !

Bởi thế nên có câu "Bách hoa tề phóng bách gia tranh minh" !

Nhưng tư tưởng thăng hoa của con người không chỉ phát triển trong thời thịnh trị, mà nó còn có thể biểu lộ một cách dữ dội trong các xã hội loại người ngập đầy khốn khổ, bất công. Những xã hội mang hai bộ mặt trái nghịch nhau về chính trị, như giới cầm quyền tàn bạo, thì được tự do hưởng thụ và có ưu thế tuyệt đối trên xương máu của người khác, còn giới làm dân, kể cả lớp trí thức, thấm nhuần đạo đức, thì không có một thứ dân quyền gì hết, kể cả quyền căn bản nhất là quyền được phát biểu những điều tư duy mà họ cho là xứng đáng, để đóng góp vào cuộc sống chung, vốn cần phải cải thiện không ngừng !

Tại Bắc Việt trước đây, giới cầm bút chân chính đã can đảm vẹt màng tối văn nô bằng những ngọn đuốc, tuy không cháy lâu, nhưng cũng lưu tích được một thời. Đó là gia đoạn xuất hiện các nhân văn giai phẩm “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” !

Sau đó một thời gian, một số nhân vật đã làm cho giới trí thức Việt Nam ở hải ngoại phải cúi đầu thán phục, như các bài viết của Thích Tuệ Sĩ, Thích Trí Siêu, Nguyễn Chí Thiện, những con người tuy thân thể điêu tàn, tiêu biểu như hai hoà thượng Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang, nhưng năng lực của trí thức quật cường và tâm TỪ BI BỒ TÁT, lại hội tụ sáng chói !

Dù thơ của Hoà Thượng Thích Quảng Độ, của Nguyễn Chí Thiện không phải là những áng văn tuyệt tác, những thơ ấy chính là những đóm lửa sáng rực, rọi sâu trong đại ngục tù khổng lồ nhốt cả dân tộc Việt Nam.

«Bách Hoa Kinh» là một xâu «chuổi hoa» gồm những thứ hoa nở ra từ nền đất trí thức nhân bản, như yêu chuộng tự do, yêu chuộng dân chủ, yêu chuộng công lý, dung hòa quyền hạn cá nhân với trách nhiệm cộng đồng, trong một quốc gia có không ít ngàn năm văn hiến !

Đảng Cộng Sản Việt Nam trước và sau khi thôn tính miền Nam, đã gọi những gì văn nghệ sĩ sáng tác là những thứ «văn hóa vàng», «văn hóa ngụy», cần phải tiêu diệt !

Những «văn hóa vàng» ấy , theo sự qui kết của tác giả, là một loại «bí lục rất thần bí và vô giá». Hễ ai làm người thì tự nhiên phải say mê để sống. Cộng Sản đã biến tư tưởng con người trở thành già cỗi, nức nẻ, nên một đảng viên, khi được tiếp xúc với thi văn hay âm nhạc miền tự do, thì tự nhiên phải trở lại tâm tánh bình thường, ưa thích văn nghệ tình người, và trở thành hòa dịu, bớt hung hăng !

«Bách Hoa Bí Lục» là cái tên tác giả mạn phép đặt chung cho tất cả thi văn, âm nhạc Việt Nam tự dọ Ấy chính là võ khí văn hóa nòng cốt để đánh bại độc tài !

Và lẽ dĩ nhiên Cộng Sản đã gọi nó là «tà thư» hay «quái lục», cần phải tịch thu, tiêu diệt.

Vậy kính mời quí vị thử độc qua những dòng sách võ hiệp sau đây, để tự mình cảm thấy vài thông cảm với tác giả !

Với tấm lòng thành.

Nam Quan Tử (NĐ).