Trước khi vào chuyện
T
rong 17 năm viết tiểu thuyết gián điệp, tác giả đã nhận được nhiều thư của bạn đọc, nhất là giới trẻ. Gần đây, sau khi tác giả viết về sức khỏe ngày càng yếu của ông Hoàng, bạn đọc đã nêu câu hỏi "ông Hoàng còn sống được bao lâu nữa ?"
Vấn đề tuổi thọ là một trong những vấn đề trọng đại của khoa học hôm nay. Các yếu nhân lãnh đạo đều tìm mọi cách để đuổi xa Tử Thần. Cũng như C.I.A. Mỹ, MI-6 Anh quốc GRU Sô Viết và Quốc Tế Tình Báo sở Hoa Lục, sở Mật Vụ của ông Hoàng đã có một ban đặc biệt gồm các nhà bác vật về di truyền học, nhằm nghiên cứu phương pháp kéo dài tuổi thọ.
Sở dĩ con người chết non - chứ không sống 700 năm như ông Bành Tồ ngày xưa - là dọ bệnh tật. Nhiều chứng bệnh kinh hoàng đã được chữa khỏi, song vẫn còn nhiều chứng bệnh kinh hoàng khác tiếp tục hoành hành, điển hình là bệnh ung thư và bệnh tim. Sự phát minh ra thuốc trụ sinh ri-fam-py-xin vừa mang lại một tia hy vọng cho bệnh ung thư. Nhưng còn bệnh tim ? Dầu người ta đã có thể mổ tim, xoa nắn tim để hồi sinh, hoặc tháp tim, đó chỉ là bước đầu. Muốn trường sinh bất lão, khoa học phải chế ra con người mới, hoàn toàn mới. Con người bất khả xâm phạm đối với bệnh tật. Con người có khả năng tự thay thế những bộ phận già yếu, hư hỏng trong cơ thể như thể thay đồ phụ tùng xe hơi. Và là con người tuyệt đối thông minh...
* * *
Đời Sống vũ trụ đã có từ ba ngàn triệu năm. Tự nhiên, con người chỉ mới xuất hiện từ 35.000 năm trước. Tổng số sinh vật trong thái dựơng hệ, kể cả súc vật và thảo mộc, là 100 triệu loại, 98 phần trăm của tổng số này đã bị tiêu diệt. Chỉ còn lại 2 phần trăm. Và nếu con người không cố gắng vượt bực thì ngày tận thế của 2 phần trăm này cũng chẳng còn xa mấy.
Tế bào là nền móng của đời sống. Con người, súc vật, thảo mộc đều do tế bào mà ra. Điều đáng chú ý là những tế bào này lớn nhỏ không đong đều. Thân thể người ta là sự tập hợp của hơn 10 ngàn tỉ tế bào. 10 ngàn tỉ là con số kinh khủng, nếu có ngần ấy giấy bạc mà ta ngồi đếm, đếm cả ngày, cả đêm, không ăn, không uống, không nghỉ, thì đời cha, đời con, đến đời cháu, đời chắt may ra mới đếm xong. Tế bào không ngẫu nhiên mà có, nó chỉ có thể sinh sôi nẩy nở từ một tế bào khác.
Tế bào chứa bên trong chất prôtid, và bên trong chất prôtid có một acid gọi là acid desoxyribonucleic [1] gọi tắt là A.d.n. Mãi đến năm 1944, người ta mới khám phá ra A.d.n. là nguồn gốc của sự di truyền. Nói dễ hiểu hơn, nhờ A.d.n., con Rồng cháu Tiên nên dân tộc Việt không có mắt xanh, da trắng mà là mắt đen, da vàng.
Năm 1953, hai nhà bác học trẻ tuổi James s. VVatson và Francis Crick chọc thủng được màn bí mật của A.d.n. Nếu phân tố A.d.n. được phóng lớn ra hàng tỉ lần thì người ta sẽ có cảm tưởng đó là một cầu thang xoáy ốc. Và cái cầu thang xoáy ốc này chính là nơi cất giữ những kỳ lạ của cuộc sống. Tại sao trải qua 150 triệu năm dài đăng đẳng, đại dương biến thành nền mà con sò huyết vẫn giữ nguyên hình và vẫn thơm ngon không hề thay đồi ? Tại sao con cọp cái lại đẻ ra con cọp con, chứ không đẻ ra con voi con ? Và tại sao nước Việt Nam lại có những bậc anh thư như Hai Bà Trưng, những thi hào như Nguyễn Du ? Tại sao chúng ta lại có những bộ óc siêu đẳng như ông tổng giám đốc Hoàng ?
Hàng trăm nhà bác học hữu danh từ Đông sang Tây đang làm việc không ngừng để đẩy rộng cánh cửa A.d.n. huyền bí. Nhiều phòng thí nghiệm đã nuôi A.d.n. sống theọ phương pháp nhân tạo. Một thời gian nữa - chắc không xa lắm
- Người ta sẽ có thể chế tạo được hài nhi, đoạt quyền thiên nhiên. Năm 1961, Daniel Petrucci, ở Ý, đã nuôi một phôi thai nhân tạo sống đúng 59 ngày trong hộp thủy tinh. Phôi thai này do ống ấp tinh trùng đàn ông mà ra. Nỗ lực đoạt quyền thiên nhiên của Petrucci đã làm Tòa Thánh La Mã bất bình. Theo sự can thiệp của Tòa Thánh, Petrucci ngưng thí nghiệm. Nhưng đó là chuyện xảy ra từ 10 năm về trước. Và cuộc thí nghiệm của Petrucci cũng như của nhiều nhà khoa học khác như bác sĩ J.B. Gurdon (Anh quốc), bác sĩ Landrum Shetles (Hoa Kỳ)... đã được báo chí đăng tải. Nhưng còn nhiều nhà khoa học khác hoạt động kín tiếng trong phòng thí nghiệm ở sau bức màn sắt ? Nhưng còn nhiều nhà khoa học khác hoạt động kín tiếng trong tổng hành doanh C.I.A., MI-6 và sở Mật Vụ của ông Hoàng ?
Theo đà tiến bộ vượt bực của khoa học, như chương trình du hành nguyệt điện đã chứng tỏ hùng hồn, trong tương lai, người ta có thể chế tạo được siêu nhân. Chẳng hạn, lấy tế bào của tổng giám đốc công an Mỹ F.B.I. J. Edgar Hoover để chế tạo một đạo quân cảnh sát, hoặc chế tạo hàng trăm vua túc cầu Pélé, hàng trăm người đẹp... Thẩm Thúy Hằng, hàng trăm danh ca Út Trà ôn, Hùng Cường... Bác sĩ J.B.S. Haldane (Anh quốc) còn nghĩ đến cách chế tạo những phi hành gia không có chân để khỏi choán chỗ trong vũ trụ xa, lại bớt được dự trữ thực phẩm và dưỡng khí. Có nhà bác học đề nghị chế tạo óc người lớn hơn để chứa thêm não tế bào, làm thêm mắt để nhìn sau lưng, thêm ngón tay để cầm vững hơn, thậm chí bao tử nên chia làm hai ngăn (bò có bao tử 4 ngăn) để con người có thể tiêu hóa được cel-lu-lôt. Và đặc biệt là thành lập ngân hàng phụ tùng thân thể, hỏng đâu thay đó, tim đau thì thay tim, đầu bị xe hơi cán dập thì thay đồ khác....
* * *
Những điều đó không phải là huyền hoặc. Mười mấy năm trước, có ai dám nói chắc là con người sẽ lên viếng chị Hằng ?
Những điều không huyền hoặc này đã được đúc thành hồ sơ nghiên cứu tỉ mỉ, đặt trên bàn giấy của ông Hoàng. Ông tổng giám đốc già của chúng ta đã quá già, cái ngày ông ra đi vĩnh viễn cũng gần đến. Các cộng sự viên thân tín của ông đang dấn thân vào cuộc chạy đua tốc độ với kim đồng hồ... Không những ông Hoàng quá già, ông Hoàng còn mang nhiều bệnh nữa. ông bị đau tim nặng, không khéo đến phải tháp tim mới, song lối tháp tim này cũng chưa được an toàn, tốt nhất là kiếm được kỹ thuật... trường sinh bất lão.
* * *
Bộ truyện "Ba Lê... mắt biếc môi hồng" - dĩ nhiên với vai chính quen thuộc Văn Bình z.28 - kể lại những cố gắng của Sở Mật Vụ trên đường chinh phục kỹ thuật trường sinh bất lão.
Người Thứ Tám.
Ba Lê... Em là ai ?
Gọi thành phố Ba Lê, Paris, là em, không sai chút nào. Với gần 8 triệu dân, Ba Lê được đặt mỹ danh "kinh đô ánh sáng" ngay từ khi đèn điện chưa được phát minh, nhưng nhiều người quen thuộc Ba Lê - trong số 10 triệu du khách mỗi năm đến viếng - và đặc biệt người sinh sống ở đó đều đồng ý rằng sự sầm uất tân tiến với nhà chọc trời thi đua mọc như nấm, sự uy nghi của tháp Effeil, nhà thờ Notre Dame, khu Phế Binh, nơi hoàng đế Nã Phá Luân ( Napoléon) an nghĩ, Khải Hoàn Môn và đại lộ Champs Elysées, tất cả vẫn chưa thể so sánh với sự nên thơ của vườn Lục Xâm Bảo ( Luxembourg), rừng Boulogne và Vanh-xen ( Vincenne), và nhất là giòng sông Sein chia Ba Lê ra làm hai, hữu ngạn và tả ngạn, tả ngạn gồm khu La- tinh, đại học Sọt-bôn ( Sorbonne), khu thượng lưu Xanh Giéc-Manh ( Saint Germain), khu nghệ thuật Mông-pát-nát ( Montparnasse) và tháp Effeil, còn khu hữu ngạn thì có hằng hà sa số khách sạn và tiệm hàng sang trọng, đại lộ tráng lệ và bảo tàng viện lu-vơ-rơ ( Louvre).
Ba Lê là hiện thân của cái đẹp, không phải cái đẹp trừu tượng mà là cái đẹp nẩy nở có thể làm tảng băng chảy thành nước, chả thế mà gần cuối thế chiến thứ hai, quân đội quốc xã phải rút lui, Hít-le (Hitler) hạ lệnh san bằng mà tướng tư lệnh Von-Choltitz đã mê say Ba Lê mà không tuân theo.
Cái đẹp của Ba Lê là cái đẹp gợi tình, với 6.000 đường phố trai gái tha hồ hẹn hò. Mỏi chân ư ? Đã có hơn 40.000 quán ăn và tiệm nước mở cửa đón tiếp, thích hợp với mọi túi tiền, cũng như mọi mầu da. Kỹ nghệ nấu nướng của Pháp lại được liệt vào hàng ngon nhất thế giới. Thật ra, trên một vài phạm vi, Pháp có thể thua Tàu, song về khoảng ngon tinh khiết, ngon quý phái thì Pháp phải chiếm số một. Từ 50 đến 80 quan (khoảng từ bốn ngàn bạc trở lên) có thể dẫn em vào nhà hàng đờ-luých (de luxe), và đố ai đã từng cầm muỗng nĩa ở Grand Vefour, ở Maxim's, ở Ritz, ở Tháp Bạc (Tour d'Argent) mà không tương tư Ba Lê khi trở về với... bà xã. Vả lại, cũng chẳng cần có nhiều tiền mới được ăn ngon. Ba Lê còn có những tiệm trung lưu và bình dân mà khẩu cái khó tính nhất cũng vừa ý.
Ăn xong, muốn nghỉ ngơi một lát - ấy, người Ba Lê thường ngủ 2 giờ buổi trưa, họ cũng yêu nhau sau giờ ăn trưa - thì hơn 6.000 khách sạn, lữ điếm luôn luôn mở cửa. Một trong các đặc điểm là phòng ngủ thuê giờ, khỏi cần ghi tên, giành cho những cuộc hẹn hò gấp rút. Trong trường hợp du khách không có giai nhân, thì Ba Lê sẵn sàng cung ứng. Bạn đọc có biết Ba Lê nuôi bao nhiêu "chị em ta" không ?
Xin thưa, trên dưới 120.000.
Bạn đọc không sợ thiếu phương tiện di chuyển vì Ba Lê có khoảng 2 triệu xe hơi và 150.000 tắc-xi. Em bé đậu xe dưới bóng cây mát để rước khách. Một cặp trai gái ngồi chờ trong xe. Cặp thứ nhì đậu xe phía sau. Rồi bóp mấy tiếng kèn. Luật lệ lưu thông ở Ba Lê cấm dùng kèn. Nhưng trai gái đã có lối dùng riêng. Hễ xe phía trước bóp kèn đáp lại là hai bên đổi nhau, chàng này sánh vai với nàng kia. Ôi thôi, đó mới là một trong hàng chục, hàng trăm điều mắt thấy tai nghe ở Ba Lê, nếu muốn nói hết phải viết mỏi tay.
Ba Lê được chia làm 20 quận. Quận nào cũng giống quận nào, nghĩa là đàn bà nhiều hơn đàn ông, và đàn bà chỉ giỏi ái tình. Phải là ông già tu sắp thành chánh quả may ra ghé Ba Lê mới nằm lì trong phòng, không thuê xe xuống Mông-mác (Monmartre), Pi-gan (Pigale), nghĩa là những thiên đường hồng lâu, thanh lâu có một không hai trên trái đất. Chu choa... đã có nhiều ông già cùng vợ đến Ba Lê, song để vợ lại khách sạn, nói là tạt qua đại bảo tàng viện Lu-vơ-rơ để chiêm ngưỡng những bức tượng được đèn chiếu sáng như sao sa. Bảo tàng viện này mở cửa từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, riêng thứ sáu mở đến 10 giờ đêm và có đèn, ngày thứ ba hoàn toàn đóng cửa. Ấy thế có những ông già du khách nói dối vợ đến bảo tàng viện vào đêm thứ ba... Bạn đọc biết không, chẳng qua trong khu vực này có 2 con đường bất hủ, đường Hônôrê ( Honoré) bán hàng hóa đắt tiền, và cũng bán... gái đẹp đắt tiền...
Đại hí viện Opéra cũng là nơi "số dách", mặt ngoài toàn là tác phẩm điêu khắc trứ danh, bên trong với cầu thang cẩm thạch trắng với những bộ đèn cồ bằng pha lê, du khách bước vào như lạc vào trong động tiên. Thật vậy, từ Đông sang Tây, chưa có hý viện nào rộng bằng và sang bằng Opéra. Bất cứ chàng khách quốc tế nào đến Ba Lê cũng không quên giành thời giờ cho đại hí viện Opéra. Tuy nhiên, một số chánh khách (số này khá đông đấy nhé !) lại chỉ mượn cớ đi xem hí viện, nhưng là để đậu xe ở gần đó, và lội bộ lại đường Cô-mạc-tanh , một xóm yêu hoa không lấy gì làm đắt tiền mà hoa biết nói lại khá thơm tho.
* * *
Ba Lê là như vậy, z.28 là điệp viên đa tình nên không lẽ không cho phép đến Ba Lê. Văn Bình đã làm quen với bạn đọc từ 17 năm nay, từng ghé Ba Lê như đi chợ, nhưng Người Thứ Tám đã cố ý không nhắc nhở.
* * *
Hôm nay, sở Mật Vụ muốn z.28 lục lạo khắp kinh đô ánh sáng để kiếm phép trường sinh bất lão. Chuột sa Chĩnh gạo, z.28 vội lên đường ngay, sợ chùng chình, Sàigòn đồi ý kiến thì hỏng bét.
Người Thứ Tám cũng vội lại bàn máy chữ, ghi lên giấy trắng cuộc phiêu lưu hồng của Văn Bình z.28.
Trân trọng kính mời bạn đọc...