Chương 1

“Cậu tốt số thật!”

Tin Nancy, cô bạn thân nhất của tôi, thì cứ việc xem xét sự việc dưới góc độ đó đi. Nancy đúng là một đứa lạc quan.

Không phải tôi là đứa bi quan hay gì đó đâu nhé. Tôi chỉ… thực tế mà thôi, đấy là theo ý Nancy.

Mà hiển nhiên, tôi cũng là đứa hay gặp may.

“Tốt số á?” tôi hỏi lại vào chiếc điện thoại. “Tốt số cái nỗi gì chứ?”

“Ôi, cậu biết mà,” Nancy nói. “Cậu được bắt đầu lại từ đầu. Ở một ngôi trường hoàn toàn mới. Nơi mà không ai biết cậu hết. Cậu có thể trở thành bất kỳ ai mà mình mong muốn. Cậu có thể thay đổi bản thân hoàn toàn, và sẽ chẳng có ai ở đó mà kêu rằng: ‘Cậu nghĩ cậu đang đùa với ai đây hả Ellie Harrison? Mình nhớ mãi cái lần cậu ăn mì ống hồi lớp 1 đấy nhé.’”

“Mình chẳng nghĩ theo cách đó,” tôi đáp. Bởi vì đúng là tôi chưa từng nghĩ thế thật. “Mà này, chính cậu mới là đứa ăn mì ống đấy chứ.”

“Cậu hiểu ý mình muốn nói gì mà,” Nancy thở dài. “Thôi thì, chúc may mắn. Trong chuyện trường lớp và tất cả mọi điều.”

“Ừ,” tôi nói, qua khoảng cách cả ngàn dặm xa xôi giữa hai đứa, cảm nhận rằng cũng đã đến lúc phải cúp máy rồi. “Bye.”

”Bye,” Nancy đáp. Rồi nói thêm: “Cậu đúng là tốt số.”

Thật tình, cho đến lúc Nancy nói ra điều này, tôi vẫn thấy trong chuyện này chẳng có tí ti tốt số gì hết. Có thể trừ cái việc là ở sân sau ngôi nhà mới của gia đình tôi có một cái bể bơi. Nhà tôi chưa từng có bể bơi riêng. Trước kia, nếu Nancy và tôi có muốn đi bơi, hai đứa phải đạp xe tận năm dặm – mà phần lớn là lên dốc – đến công viên Como.

Phải nói rằng, khi bố mẹ tôi tung ra tin về đợt nghỉ phép, cái thực tế họ nhanh chóng chêm vào: “Và bố mẹ đã thuê một căn nhà có cả bể bơi đấy!” là điều duy nhất làm dịu cơn buồn ói đang bắt đầu dâng lên trong cổ họng tôi. Nếu bạn là con của những vị giáo sư, thì nghỉ phép chắc có lẽ là từ đáng ghét nhất trong kho từ vựng của bạn đấy. Cứ bảy năm một lần, hầu hết các giáo sư được một lần nghỉ phép – thường là một kỳ nghỉ dài cả năm, để họ có thể lấy lại sức, cố viết rồi xuất bản một cuốn sách.

Các vị giáo sư khoái những đợt nghỉ phép.

Con cái họ thì lại ghét lắm.

Bởi vì bạn có thực sự muốn chuyển chỗ ở, rời xa tất cả bạn bè, kết bạn mới ở một ngôi trường mới chỉ để khi bắt đầu nghĩ rằng: “OK, thế này cũng đâu có đến nỗi nào,” thì một năm sau lại chuyển, quay về nơi ở cũ không?

Không đâu. Không hề, nếu mà bạn là một đứa tâm thần bình thường.

Ít nhất thì lần nghỉ phép này cũng không tệ như lần trước ở Đức. Không phải là đã có chuyện không hay gì ở Đức đâu. Tôi vẫn email qua lại với Anne-Katrin, đứa con gái tôi ngồi cùng bàn hồi học ở cái trường kỳ cục bên đó.

Nhưng mà này. Tôi lại còn phải học cả một thứ tiếng khác hoàn toàn nữa cơ đấy!

Ít nhất thì lần này, nhà tôi vẫn còn ở Mỹ. Ừ thì không còn ở Washington DC nữa, cái nơi không giống với bất kì vùng nào khác trên đất nước này. Nhưng mà mọi người ở đây thì vẫn nói tiếng Anh. Cho đến lúc này đây.

Và lại còn có cả bể bơi chứ.

Hoá ra, có bể bơi riêng cũng dính dáng lắm điều. Ý tôi muốn nói là, hàng sáng bạn phải kiểm tra bộ phận lọc nước, phải chắc chắn rằng nó không bị lá rụng hay bọn chuột chũi chết làm cho tắc lại. Gần như lúc nào trong bể nhà tôi cũng có một, hai con ếch. Nếu tôi mà ra đó sớm thì chúng vẫn còn sống đấy. Thế là tôi phải tiến hành thêm khoản cứu ếch nữa.

Cách duy nhất để bạn có thể cứu được bọn ếch là thò xuống nước, kéo cái túi lọc lên, thế là tôi lại phải sờ vào tất cả những thứ kinh khủng đang nổi lên trên, như gián chết, sa giông chết, hay vài lần cả chuột chết nữa kìa. Một lần còn có cả một con rắn. Nó vẫn còn sống nhăn. Tôi thường tránh xa không chạm vào bất kỳ thứ gì có khả năng truyền nọc độc chết người vào mạch máu mình, thế là tôi hét gọi bố mẹ tôi rằng có một con rắn trong cái túi lọc.

Bố tôi gào lại, bảo rằng: “Thế thì sao? Con muốn bố làm gì đây?”

“Lôi nó ra,” tôi đáp.

“Không đời nào,” bố tôi nói. “Bố không có chạm vào rắt rít gì đâu đấy.”

Bố mẹ tôi không giống như những ông bố bà mẹ khác. Thứ nhất, những ông bố bà mẹ khác thì rời nhà đi đến chỗ làm. Tôi nghe nói có người còn đi làm bốn lăm tiếng một tuần nữa kìa.

Bố mẹ tôi thì không thế. Họ ở nhà suốt ngày. Chẳng bao giờ đi làm nhé! Lúc nào họ cũng làm việc ở văn phòng tại gia, viết lách hoặc đọc sách. Có lẽ họ rời khỏi cái văn phòng đó chỉ duy nhất để xem chương trình Jeopardy! và rồi gào lên các câu trả lời cho nhau nghe.

Chả ai lại có bố mẹ biết hết những câu trả lời của cái chương trình Jeopardy! hay hét lên nếu biết cả. Tôi biết điều đó chứ, tôi đã từng đến nhà Nancy và tận mắt chứng kiến nhé. Bố mẹ cậu ta xem chương trình Entertainment Tonight sau bữa ăn tối, như những người bình thường khác.

Tôi không trả lời được một câu nào trong Jeopardy! hết. Thế nên tôi hơi bị ghét chương trình đó.

Bố tôi lớn lên ở khu Bronx, nơi chẳng có rắn rết gì. Bố cực kỳ ghét thiên nhiên. Bố hoàn toàn tránh xa Tig, con mèo nhà tôi. Dĩ nhiên điều đó có nghĩa là con Tig thích bố tôi điên lên được.

Và nếu mà có lỡ nhìn thấy một con nhện thì bố hét lên cứ như một đứa con gái ấy. Thế là mẹ tôi, lớn lên ở một khu nông trại lớn ở Montana và chẳng thể nào chịu nổi lũ nhện hay là tiếng hét của bố, sẽ đi đến giết béng con nhện, cho dù tôi có nói với mẹ cả ngàn lần rằng bọn nhện cực kỳ có ích cho môi trường.

Tất nhiên, tôi biết mình không nên nói chuyện con rắn trong bộ lọc nước bể bơi với mẹ thì hơn, vì có thể mẹ sẽ đi ra và nện nó nát đầu ngay trước mặt tôi lắm. Cuối cùng, tôi tìm được một cành cây có nhánh chỉa ra, và lôi con rắn ra bằng cách đó. Tôi thả nó vào khu rừng phía sau ngôi nhà chúng tôi thuê. Mặc dù con rắn hoá ra cũng không đáng sợ đến thế khi tôi có gan cứu mạng nó, tôi vẫn hi vọng rằng nó đừng có quay lại nữa.

Nếu nhà bạn có bể bơi thì ngoài việc cọ cạy mấy cái túi lọc ra, sẽ còn những việc khác nữa mà bạn phải làm. Bạn phải cọ đáy bể – kiểu này cũng khá là nhộn đây – và lúc nào cũng phải kiểm tra nồng độ clo và độ pH của nước trong bể. Tôi thích trò kiểm tra nước lắm. Một ngày tôi kiểm tra phải đến mấy lần ấy. Bạn đổ nước vào những cái ống nghiệm bé xíu, rồi nhỏ thêm vào đó vài giọt khỉ gió gì đó, và sau đó nếu nước trong ống nghiệm đổi thành màu không ổn thì bạn phải đổ một ít bột vào trong mấy cái túi lọc. Việc đó khá là giống với việc thực hành môn Hóa, nhưng mà lại hay hơn, vì khi làm xong, thay vì kết quả thu được là một đống lộn xộn mùi kinh khủng giống cái kiểu mà năm ngoái lúc nào tôi cũng nghiệm thu được trong lớp Hóa, thì bạn lại có một bể nước xanh trong vắt đẹp tuyệt vời.

Khi chúng tôi chuyển đến sống ở vùng Annapolis này, tôi đã dành hầu như cả mùa hè để quanh quẩn với cái bể bơi. Tôi thì nói “quanh quẩn”. Còn Geoff, ông anh tôi – anh ấy đi học đại học năm thứ nhất vào tuần thứ hai của tháng Tám rồi – lại nói theo một cách khác. Anh ấy bảo rằng tôi “cư xử như một đứa dở hơi” ấy.

“Ellie,” anh ấy nói không biết bao nhiêu lần đến nỗi tôi không thể đếm nổi nữa, “thôi đi. Em đâu cần phải làm thế này. Nhà ta đã ký hợp đồng với công ty dịch vụ lo rồi còn gì. Tuần nào mà họ chẳng đến. Cứ để cho họ làm là được rồi.”

Nhưng cái gã đến kiểm tra bể bơi đó đâu có thực sự chăm chút gì cho cái bể. Ý tôi là, hắn ta làm thế chỉ để kiếm tiền thôi. Hắn chẳng thấy được vẻ đẹp của nó đâu. Tôi tin là vậy.

Nhưng chắc là tôi biết tại sao Geoff lại nói như thế. Đúng là cái bể hơi bị ngốn nhiều thời gian của tôi thật. Khi nào không cọ cạy thì tôi thả mình nổi trên mặt nước trên một trong mấy cái phao mà tôi đã bảo bố mẹ mua cho khi đỗ lại ở Wawa. Đó là tên của mấy trạm xăng ở Maryland này. Wawa. Hồi còn ở nhà cũ ở Minnesota, chẳng có cái Wawa nào hết. Chỉ có mấy cái giống như kiểu Mobil, Exxon hay gì gì đó.

Thôi kệ, chúng tôi cũng đã bơm chúng luôn lúc đỗ lại ở Wawa – mấy cái phao ấy mà – dùng cái bơm mà vốn dĩ để bơm lốp ôtô, cho dù dùng bơm ôtô để bơm phao thì không nên. Trên cái phao có ghi thế mà.

Nhưng khi Geoff chỉ cho bố thấy, thì bố chỉ nói: “Ai thèm quan tâm chứ?” và cứ thế mà bơm.

Và chưa có điều tệ hại gì xảy ra cả.

Cả mùa hè, tôi đều cố gắng giữ thói quen ngày nào cũng như ngày nào. Tôi thức dậy, mặc bộ bikini vào. Sau đó vớ lấy một thanh Nutri-Grain và đi ra bể bơi để kiểm tra mấy cái túi lọc, tìm ếch hay gì đó. Thế rồi, khi bể đã sạch sẽ, tôi trèo lên một cái phao, lôi một cuốn sách ra và bắt đầu nổi bập bềnh trên đó.

Cho đến lúc Geoff đi học đại học thì tôi đã giỏi cái trò trôi nổi ấy đến nỗi không làm cho tóc bị ướt nữa cơ. Tôi có thể nằm lì ở đó suốt buổi sáng, không rời ra lúc nào, cho đến lúc bố hoặc mẹ tôi đi ra ngoài và gọi: “Ăn trưa.”

Thế là tôi đi vào nhà, bố mẹ và tôi sẽ ăn sandwich bơ đậu phộng và mứt nếu như hôm đó đến lượt tôi phải nấu nướng, hoặc là đi ăn sườn ở quán Red Hot and Blue nếu đến lượt bố mẹ, do cả hai người bọn họ đều quá bận viết lách nên không ai nấu ăn cả.

Sau đó tôi lại ra bể nằm đến tận lúc bố hoặc mẹ lại ra và gọi: “Ăn tối.”

Tôi nghĩ, dành mấy tuần còn lại của mùa hè theo cách đó cũng đâu có tệ.

Nhưng mẹ tôi thì lại không nghĩ thế đâu.

Tôi chả hiểu tại sao mẹ cứ phải đi ra xem và quan tâm đến cái chuyện tôi tiêu tốn thời gian vào việc gì. Ý tôi là, ngay từ đầu chính mẹ là người đã để cho bố lôi cả nhà đến đây vì bố đang nghiên cứu để viết một cuốn sách. Hồi còn ở St. Paul, mẹ cũng có thể viết sách riêng của mẹ – cuốn sách có trùng tên với tôi, Elaine vùng Astolat, Cô gái vùng Shalott.

Ô, phải. Có bố mẹ làm giáo sư thì nó là thế mà: Họ đặt tên bạn hoàn toàn ngẫu nhiên theo tên những tác giả – giống như ông anh Geoff tội nghiệp được đặt theo tên của Geoffrey Chaucer – hoặc là theo tên những nhân vật trong các tác phẩm văn học, ví dụ như Cô gái vùng Shalott, cũng có tên khác là Cô gái Elaine, cái người đã tự sát bởi vì Ngài Lancelot lại đi mê Nữ hoàng Guinevere – bạn biết đấy, cái người mà Keira Knightley đã vào vai trong bộ phim Vua Arthur ấy mà – hơn là thích cô ta.

Tôi chả quan tâm bài thơ viết về cô ta hay cỡ nào. Được đặt theo tên cái người đã đi tự sát vì một gã đàn ông thì có gì hay ho chứ. Tôi đã nói điều đó vài lần với bố mẹ tôi rồi, nhưng mà họ vẫn không chịu hiểu.

Mà có phải là họ chỉ không hiểu mỗi cái chuyện đặt tên đó thôi đâu.

“Con không muốn đi đến thương xá chơi à?” mẹ bắt đầu ngày nào cũng hỏi han trước khi tôi kịp chuồn đến chỗ bể bơi. “Con không thích đi xem phim à?”

Nhưng giờ thì Geoff đã đi học rồi còn đâu, tôi làm gì có ai để đi đến thương xá hay đi xem phim cùng – không còn ai khác ngoài bố mẹ tôi. Mà tôi thì không đời nào lại chịu đi với họ nhé. Đến chỗ này, làm cái nọ. Thật chẳng có gì giống với việc đi xem phim cùng với hai người mà họ cứ soi cả bộ phim từng tí một, đến sợi tóc cũng phải chẻ làm tư. Đó là bộ phim Vin Diesel đóng, được chưa nào? Bọn họ mong chờ cái gì không biết nữa?

“Con lại sắp phải đi học rồi còn gì,” tôi sẽ nói với mẹ. “Sao con không thể cứ nổi tiếp cho đến lúc đó?”

“Vì như thế là không bình thường,” tôi mà hỏi thì mẹ tôi sẽ nói như vậy đấy.

Và tôi sẽ đáp lại thế này: “Ô, thế mẹ thì biết thế nào là bình thường đấy,” bởi lẽ, nói thật, bố mẹ tôi ấy à, cả hai bọn họ đều là những người lập dị kỳ quái.

Nhưng rồi mẹ sẽ chẳng thèm giận đâu. Mẹ chỉ lắc đầu và nói: “Mẹ biết một cô bé tuổi teen cư xử như thế nào thì là bình thường chứ. Cả ngày cứ nổi lềnh phềnh trong bể bơi thì không bình thường.”

Tôi nghĩ, đầu cần quá đáng như vậy. Cứ nổi như thế thì có gì là sai nào. Mà thực ra còn rất thú nữa là đằng khác. Bạn có thể nằm đó mà đọc sách, hoặc nếu cuốn sách chán quá, hoặc bạn đọc hết rồi mà lười không muốn đi ra lấy cuốn khác hay gì gì đó, thì có thể quan sát ánh mặt trời chiếu xuống mặt nước phản chiếu lên những tán lá phía trên đầu. Và bạn có thể nghe tiếng chim hót, tiếng ve kêu, phía xa xa là tiếng tạch-tạch-bùm vọng lại từ chỗ Học Viện Hải Quân trong bài tập bắn súng.

Thỉnh thoảng chúng tôi cũng có trông thấy họ. Mấy chú ‘hải’ ấy mà, hay bọn họ thích được gọi là những sinh viên hải quân hơn, những người được đào tạo để làm sỹ quan. Họ mặc những bộ đồng phục trắng tinh không một tì vết, đi thành từng cặp xuống phố, cứ lúc nào bố mẹ và tôi cùng đi mua sách mới cho tôi đọc và mua cà phê cho hai người họ ở Cửa hàng Cà phê và Sách Hard Bean. Bố tôi sẽ chỉ trỏ và nói: “Nhìn kìa, Ellie. Thuỷ thủ đấy.”

Thực ra thì điều đó cũng chẳng có gì kỳ quái lắm. Chắc là bố đang cố khiến cho con gái mở miệng nói chuyện đây mà. Vì mẹ tôi – một tay giết nhện – thì chả bao giờ thèm làm thế với tôi cả.

Tôi thì nghĩ mấy cái anh ‘hải’ đó trông cũng đáng yêu đấy. Nhưng tôi không đi nói với bố về chuyện mấy anh chàng đáng yêu đâu nhá. Tôi đánh giá cao việc bố muốn nói chuyện, nhưng theo cách nào đó thì nó cũng chỉ tệ hại ngang ngửa với cái câu “Sao mẹ con mình không đến thương xá nhỉ?” của mẹ tôi thôi.

Mà không phải bố tôi dành thời gian trong ngày để làm gì đó hay ho thú vị đâu. Cuốn sách mà bố viết thậm chí còn chán hơn cả sách mẹ viết nữa cơ, nếu xét theo thang đo độ dở tệ. Vì bố đang viết về một thanh kiếm. Một thanh kiếm cơ đấy! Mà nào có phải kiếm đẹp đẽ, đính đá quý, vàng hay gì. Nó cũ rích, đầy những vết gỉ sét, chẳng đáng một xu nào. Tôi biết chứ, vì Phòng tranh Quốc gia ở tít tận D.C. đã cho phép bố tôi mang nó về để nghiên cứu sâu hơn mà. Thế cho nên chúng tôi mới chuyển đến nơi này… để bố tôi có thể nghiên cứu thanh kiếm kỹ lưỡng hơn. Nó được đặt trong văn phòng của bố – đúng ra là văn phòng của một giáo sư có căn nhà mà chúng tôi đã thuê lại trong khi ông ta đi nghỉ phép tận bên Anh, có lẽ là để nghiên cứu cái gì đó thậm chí còn vô giá trị hơn cả thanh kiếm của bố cũng nên.

Các viện bảo tàng sẽ cho phép bạn mượn mấy thứ đồ và mang về nhà nếu như cái thứ đó là một đề tài để nghiên cứu (hay nói cách khác là, nó chẳng đáng giá gì hết) và nếu bạn là một ông hay bà giáo sư.

Tôi chả hiểu sao bố mẹ tôi lại chọn nghiên cứu về thời trung cổ. Đó là thời đại chán nhất trên đời, có lẽ chỉ trừ thời tiền sử. Tôi biết tôi là một trong số ít những người nghĩ như thế, nhưng đó là vì hầu hết mọi người cứ có một ý nghĩ hết sức sai lầm về chuyện hồi Trung Cổ thì mọi thứ như thế nào. Đa số mọi người cho rằng thời đó giống như những gì người ta chiếu trên tivi và trên phim ảnh. Bạn biết đấy, phụ nữ thì như bơi trong mấy cái mũ chóp nhọn, mặc váy đẹp và nói những là “thiếp” với lại “chàng”, và những hiệp sỹ thì cứ hô vang là hãy cứu lấy thời đại này.

Nhưng nếu có bố mẹ là những nhà nghiên cứu về thời trung cổ thì từ hồi còn nhỏ xíu bạn sẽ học được rằng, mọi thứ hồi đó không hề giống như thế tí nào hết. Thực ra, mọi người thời Trung Cổ ấy à, tất cả đều có mùi cơ thể kinh khủng khiếp, chẳng có răng và qua đời ở tuổi… hai mươi, tất cả phụ nữ thì bị áp bức và phải lấy những người họ thậm chí còn chẳng thích, và mọi người đều đổ lỗi cho phụ nữ nếu có bất kỳ sai sót nhỏ nhặt nào.

Ý tôi là, bạn cứ xem bà Guinevere thì biết. Tôi tin là tất cả mọi người đều cho rằng vùng Camelot không còn tồn tại nữa đều do lỗi của bà ấy.

Chỉ trừ có điều, từ bé tôi cũng khám phá ra, đem những chuyện như thế đi kể lể thì có thể khiến bạn mờ nhạt trong những bữa tiệc sinh nhật kiểu Công Chúa Ngủ Trong Rừng. Hay là ở nhà hàng Medieval Times. Hay là trong trò chơi Ngục tối & Rồng chẳng hạn.

Nhưng tôi còn biết làm gì được, cứ giữ kín miệng về cái chủ đề đó chắc? Thực sự tôi không thể. Cứ như là tôi sắp ngồi đó mà tuôn: “Ô phải, thời đó mọi thứ đều thật là tuyệt vời. Tôi ước gì mình có thể tìm được một cánh cổng thời gian và quay về thời đó nhỉ, như là đến năm 900 chẳng hạn, để đi thăm thú, bị lây bệnh chấy rận, rồi tóc tôi sẽ rối bù hết lên vì chưa có dầu xả, và, ô, nhân tiện nói luôn, nếu bạn bị bệnh tụ cầu khuẩn vòm họng hay viêm phế quản thôi thì bạn sẽ chết đấy, vì thời đó làm gì có thuốc kháng sinh.”

Um, không đâu. Và kết quả là, tên tôi không đứng đầu trong danh sách khách mời của một ai đó khi họ muốn gửi thiếp mời đến dự Lễ hội thời Phục Hưng.

Mà sao cũng được. Cuối cùng thì tôi chịu đồng ý với mẹ. Không phải về chuyện đi thương xá. Mà là chuyện đi chạy cùng với bố tôi.

Tôi cũng chẳng muốn đi.

Nhưng chuyện này khác với đi xem phim hay là đến thương xá. Ý tôi là, tập thể dục rất tốt đối với đàn ông trung niên, mà lâu lắm rồi bố tôi không tập. Hồi còn ở nhà cũ, vào tháng Năm tôi đã thắng cuộc thi chạy 200m nữ tổ chức ở quận đấy, nhưng bố tôi thì chẳng tập tành gì kể từ sau lần khám sức khoẻ hàng năm vào năm ngoái, khi bác sỹ bảo với bố rằng bố cần phải giảm gần 5 kg. Thế là bố đi cùng mẹ đến phòng tập được đúng hai lần rồi bỏ, vì bố bảo rằng cái chất testosterone khi tập đó khiến bố muốn phát điên lên được.

Mẹ tôi là người đã nói: “Ellie à, nếu con lôi được bố đi chạy, thì mẹ sẽ không phản đối chuyện nổi niếc gì đó nữa.”

Điều đó đối với tôi coi như xong. Ừm, điều đó, cộng với chuyện rằng bố tôi sẽ có cơ hội tăng được chỉ số nhịp tim lên – đó là điều mà tôi thấy người ta toàn nói trên chương trình Today show, rằng đó là điều vô cùng cần thiết với những người có tuổi.

Là một người tài giỏi, mẹ tôi đã xong việc tìm hiểu rồi. Mẹ đưa chúng tôi đến công viên cách ngôi nhà thuê hai dặm. Đó là một cái công viên rất xa xỉ, có tất cả mọi thứ: những sân tennis, sân bóng chày, sân chơi lacrosse, WC công cộng thì đẹp đẽ sạch sẽ, có hai đường chạy dành cho chó – một đường cho chó to, một cho chó nhỏ – và dĩ nhiên là có cả lối chạy bộ nữa chứ. Cũng giống như công viên Como ở nhà, nơi này không có bể bơi, nhưng tôi đoán những người hàng xóm hạng sang ở khu nhà chúng tôi mới thuê thì cần gì đến bể bơi công cộng. Ai mà chả có một cái ở sân sau nhà rồi.

Tôi chui ra khỏi ôtô và vươn vai duỗi mình vài cái trong khi len lén quan sát bố tôi chuẩn bị chạy. Bố đã cất cặp kính cũ có dây đeo – không đeo kính thì bố mù dở chả khác gì con dơi cả. Mà thực ra, nếu ở vào thời trung cổ thì có lẽ bố đã chết béng từ hồi mới ba hay bốn tuổi vì bị rơi xuống giếng hay gì đó rồi cơ; tôi thừa hưởng được thị lực 20/20 từ mẹ, thế nên chắc là tôi sống được lâu hơn bố một tí – và đeo vào cặp kính gọng nhựa dày có dây chun buộc vào đầu để giữ cho nó khỏi tụt xuống trong khi chạy. Mẹ gọi đó là cái Dork Strap của bố.

“Đường chạy này đẹp đấy,” bố tôi nói trong khi chỉnh lại cái Dork Strap. Khác với tôi lúc nào cũng ở ngoài bể bơi, da bố chẳng rám nắng tẹo nào. Hai chân bố trắng như giấy vở viết ấy. Nhưng mà có lông. “Một vòng chạy này dài bằng đúng một dặm. Nó xuyên qua vài chỗ rừng cây – một loại vườn ươm ấy mà – ở đằng kia. Con thấy không? Thế cho nên không phải chạy nhiều dưới nắng đâu. Có vài chỗ bóng râm đấy.”

Tôi đeo cái headphone lên. Tôi không thể chạy mà không có nhạc được, chỉ trừ khi chạy đua người ta không cho phép. Tôi thấy chạy bộ mà nghe rap thì đúng là lý tưởng. Tay rapper đó càng giận dữ càng tốt. Vừa chạy vừa nghe Eminem thì đúng là nhất, vì anh ta nổi cáu với tất cả mọi người, trừ đứa con gái anh ta.

“Hai vòng hả bố?” tôi hỏi.

“Ừ,” bố đáp.

Và thế là tôi bật cái iPod mini lên – tôi đeo nó ở cánh tay trong khi chạy, điều đó khác với Dork Strap – và bắt đầu chạy.

Lúc đầu thì khó khăn thật đấy. Thời tiết ở Maryland này ẩm ướt hơn ở nhà, tôi đoán đó là do có biển. Không khí như đặc lại, nặng nề. Cứ như thể chạy trong súp vậy.

Nhưng một lát sau, các khớp chân tôi dường như thả lỏng ra. Tôi bắt đầu nhớ lại là hồi còn ở nhà tôi thích chạy bộ đến như thế nào. Việc đó cũng vất vả ra phết. Đừng tưởng dễ. Nhưng tôi thích cái cảm giác đôi chân mình mạnh mẽ đến như thế nào khi chạy… như thể tôi có thể làm được tất cả. Tất cả mọi việc.

Trên đường hầu như chẳng còn ai khác – chỉ có những bà già đi bộ với chó – nhưng tôi chạy qua họ, bỏ lại sau lưng. Khi chạy qua, tôi cũng chẳng mỉm cười. Lúc còn ở nhà cũ, mọi người lúc nào cũng cười với người lạ. Còn ở đây, người ta chỉ cười khi bạn cười trước mà thôi. Bố mẹ tôi chẳng mất nhiều thời gian để quen được điều đó. Giờ thì họ bắt tôi mỉm cười – thậm chí còn phải vẫy – với mọi người chúng tôi đi qua. Mà nhất là với những hàng xóm mới lúc họ ra vườn nhổ cỏ hay làm gì đó. Hình ảnh, mẹ tôi nói thế đấy. Mẹ bảo, việc giữ gìn một hình ảnh tốt đẹp là rất quan trọng. Để người khác sẽ không coi chúng tôi là những kẻ hợm hĩnh.

Nhưng mà tôi cũng chả quan tâm mấy đến chuyện mọi người quanh đây nghĩ gì về mình.

Đường chạy mở ra như bình thường, hai bên đường là hàng cỏ cắt xén gọn, uốn lượn giữa sân đánh bóng chày và sân tập lacrosse, rồi qua đường chạy cho chó, vòng quanh bãi đỗ xe.

Và rồi hàng cỏ ở lại phía sau, con đường mất hút trong một khu rừng rậm rạp đến không ngờ. Một khu rừng thật sự ấy, hiện ra giữa chừng, với một tấm biển nhỏ màu nâu viết rằng CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI KHU RỪNG Ở HẠT ANNE ARUNDEL ở bên đường.

Khi chạy qua chỗ tấm biển đó, tôi hơi bị sốc khi nhận thấy hai bên đường cây bụi mọc rậm rạp đến thế nào. Hoà mình vào bóng râm tối sẫm của khu rừng, tôi thấy những tán lá trên đầu mình dày đến nỗi hầu như chẳng có tia nắng mặt trời nào lọt qua được.

Tuy thế, cây cối mọc hai bên cạnh đường tôi chạy trông thật xum xuê và lắm gai. Tôi tin chắc trong đó còn hàng đống cây thường xuân độc nữa… cái cây mà hồi trung cổ bạn có lỡ bị nhiễm phải thì có thể bạn chết rồi, vì hồi đó chưa có thuốc cortisone mà.

Bạn hầu như chẳng thể nhìn thấy phía trước được quá sáu mươi centimet, những bụi gai và cây cối mọc san sát. Nhưng trong khu rừng này, nhiệt độ phải thấp hơn ngoài công viên đến mấy độ ấy. Bóng râm khiến cho mồ hôi đang chảy xuống mặt và ngực tôi trở nên mát hơn. Khi chạy qua khu rừng rậm đến như thế, thật khó tin rằng tôi vẫn đang ở gần với con người cơ đấy. Nhưng khi gỡ headphone xuống, tôi nghe thấy tiếng ôtô chạy trên con đường cao tốc bên kia những tán cây rậm rạp.

Điều đó khiến tôi hơi nhẹ người. Bạn biết đấy, an tâm vì tôi không vô tình lạc vào Công viên kỷ Jura hay gì đó ấy mà.

Tôi lại đeo headphone lên và chạy tiếp. Giờ thì tôi thở mệt nhọc rồi, nhưng vẫn thấy tuyệt. Tôi không thể nghe thấy tiếng chân mình chạy trên đường – chỉ có tiếng nhạc trong tai tôi thôi – nhưng có một phút nào đó tôi hình như thấy chỉ có mỗi mình mình trong khu rừng… có thể cũng là người duy nhất trên hành tinh này ấy chứ.

Điều đó thật ngớ ngẩn, vì tôi biết bố chạy đằng sau tôi không xa – có thể cũng chả hơn gì so với mấy bà già đi bộ, nhưng dù thế nào đi nữa bố cũng đang ở đằng sau tôi.

Tuy thế, tôi đã xem quá nhiều phim truyền hình mà trong đó có nhân vật nữ đang thơ thẩn chạy bộ và có một thằng điên nào đó chảy ra từ trong bụi cây rậm rạp giống như hai bên đường vậy, và tấn công cô ấy. Tôi không muốn liều. Ai mà biết cái loại dở hơi nào đang ẩn nấp? Đây là Annapolis, thủ phủ của bang Maryland, nơi đặt Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ – và hầu như không có tội ác dã man nào cả.

Nhưng chả biết được thế nào đâu.

Thật may là đôi chân của tôi rất khoẻ. Nếu có kẻ nào nhảy xổ vào tôi từ trong chỗ cây cối thì tôi cũng khá tự tin rằng mình có thể đá vào đầu hắn một cú đâu ra đấy. Và cứ thế dẫm chân lên người hắn cho đến khi có người đến cứu.

Đúng lúc đang thầm nghĩ như thế thì tôi trông thấy hắn ta.