Giới Thiệu
Với tư cách là “cha đẻ” của nhân vật Arsène Lupin - “tên trộm” kỳ tài có phong thái lịch lãm, đồng thời là một trang hảo hán ưa bảo vệ công lý, tác giả trinh thám người Pháp Maurice Leblanc đã giành được vị trí xứng đáng trên văn đàn thế giới cũng như trong lòng độc giả thể loại sách trinh thám suốt một thế kỷ qua. Leblanc là một cây viết rất sung sức, ông đã cho ra đời trên 60 tiểu thuyết và truyện ngắn.Maurice Leblanc sinh năm 1864, tại Rouen, trong gia đình một chủ tàu thủy giàu có. Lúc 4 tuổi cậu bé Maurice suýt nữa thì bị thiệt mạng trong một vụ cháy nhà. Khi chiến tranh Nga - Pháp nổ ra (năm 1870), Maurice mới lên 6 tuổi. Cậu được gửi đến sống ở Scotland, sau đó đi học ở Đức và Italia. Từ nhỏ, Maurice đã mơ ước trở thành nhà văn, nhưng khi trưởng thành, cậu bị người cha buộc phải vào làm việc tại phân xưởng chuyên sản xuất thiết bị dệt của gia đình.Năm 1885, Maurice thuyết phục cha cho phép mình lên Paris theo học ngành Luật. Chị gái của Maurice, một nữ ca sĩ tên tuổi, lúc ấy cũng đang sống ở Paris và có quan hệ khá thân thiết với giới văn sĩ thủ đô. Trong môi trường mới này, ước mơ thuở nhỏ của Maurice lại trỗi dậy. Ông bỏ dở việc học hành để quay sang viết lách và trở thành một ký giả chuyên viết những chuyện giật gân cho một vài tờ báo. Năm 1887 Leblanc cho ra mắt tiểu thuyết đầu tay “Une Femme”. Tác phẩm mang màu sắc tâm lý này của ông chỉ thành công ở mức vừa phải. Những sáng tác đầu tiên của Leblanc nói chung chịu ảnh hưởng nhiều của Gustave Flaubert và Guy de Maupassant.Mặc dầu theo đuổi nghề cầm bút khá lâu (đã kịp viết vài tiểu thuyết và mấy vở kịch), nhưng phải qua tuổi 40, khi nhân vật Arsène Lupin độc đáo chào đời thì Leblanc mới bắt đầu nổi danh trên văn đàn thế giới. Chính Arsène Lupin, tên trộm lịch lãm lạ đời ấy đã khiến cho Leblanc bận rộn suốt 30 năm tiếp theo để viết về những cuộc phiêu lưu kỳ thú của hắn.Arsène Lupin ra đời trước hết là nhờ lòng “tự ái dân tộc” của Pierre Lafitte, người bạn thân của Leblanc đồng thời là chủ bút tập san mang tên “Gì cũng biết”. Số là Pierre Lafitte ấm ức vì dân chúng Pháp bấy giờ cứ mải mê theo dõi các cuộc điều tra của thám tử Sherlock Holmes diễn ra tận xứ sở sương mù. Ông thấy rằng “Gì cũng biết” (khi ấy vừa mới ra đời) cần có một nhân vật hấp dẫn kiểu như Sherlock Holmes nhưng mang bản sắc dân tộc Pháp thủ vai chính cho những câu truyện nhiều kỳ để thu hút độc giả. Và ông đã chọn Leblanc để giao trọng trách này. Vậy là Arsène Lupin lần đầu tiên xuất hiện trong câu chuyện có tựa đề “Arsène Lupin bị tóm cổ” vào năm 1905 trên tập san “Gì cũng biết”.Tuy nhiên, thay cho một nhân vật chuyên điều tra các vụ trộm kiểu như Sherlock Holmes, Leblanc đã sáng tạo ra một nhân cách hoàn toàn đối nghịch - một kẻ lêu lổng chuyên nghề đạo chích. Ban đầu Leblanc còn tinh nghịch gọi nhân vật của mình là Arsène Lopin - giống tên một vị ủy viên hội đồng thành phố Paris khét tiếng lúc bấy giờ. Nhưng sau này ngài Lopin thật đã lên tiếng phản đối dữ dội nên ông đành đổi “Lopin” thành “Lupin”. Leblanc cũng chơi chữ để nhạo báng đồng nghiệp người Anh của mình là Conan Doyle qua tiêu đề các tập truyện “Holmlock Shears đến trễ quá!” (1907), “Arsène Lupin đụng đầu Holmlock Shears” (1908). Không những thế, trong các truyện này, Leblanc còn cho tên trộm láu lỉnh của mình dùng mưu mẹo để lòe nhà thám tử lừng danh người Anh.Tên trộm của Maurice Leblanc kỳ quái ở chỗ hắn chỉ trấn lột tài sản của nhà giàu, còn với những người tủi cực, những kẻ bị truy nã, thì hắn lại tỏ ra rất hào hiệp và luôn bênh vực họ. Nói chung hắn là người “đứng về phe nước mắt”. Trong bối cảnh xã hội Pháp đang khủng hoảng lúc ấy, phong cách “hảo hán” của Lupin đã đánh trúng tâm lý giới bình dân đang sống trong cảnh cơ hàn và hay bị ức hiếp. Lupin lập tức được lòng quần chúng và khiến họ say sưa theo dõi những kỳ tích của hắn trên từng trang báo.Lupin còn đáng nể ở chỗ hắn có phong thái rất ư lịch lãm ngay cả trong lúc đi hôi của. Có lần hắn đã lẻn vào dinh cơ của một nhà giàu nhưng lại ra về tay không sau khi để lại cho chủ nhà tấm danh thiếp ghi rằng: “Arsène Lupin xin trở lại khi đồ vật trong nhà đã được thay bằng đồ xịn”. Ngoài ra, tên trộm này cũng “trí thức” chẳng kém ai. Hắn say mê nhạc kịch cổ điển và còn dành thời gian rảnh giữa các vụ trộm để chú giải cuốn “Chân dung các nhân vật lừng lẫy” của một nhà văn Hy Lạp cổ. Trong quan hệ với phụ nữ hắn cũng toàn cặp kè với các bà, các cô có chữ “de” quý phái trong tên họ.Trong gần 60 truyện dài, truyện ngắn mà Arsène Lupin thủ vai chính đăng từng kỳ trên báo chí trước khi in thành sách và dịch ra nhiều thứ tiếng (từ những truyện đầu “Arsène Lupin bị tóm cổ”, “Arsène Lupin - tên trộm lịch lãm”, tới cuốn cuối cùng “Nữ bá tước Cogliostro phục thù”, tên trộm cao thủ này đã liên tục qua mặt cảnh sát, hiến binh - những kẻ hăng hái bảo vệ quyền lợi cho giới thượng lưu. Hơn nữa, để dễ bề tung hoành, Arsène Lupin đã thường xuyên thay hình đổi dạng, biến hóa khôn lường. Khi thì hắn giả làm lái xe, lúc đóng vai thầy thuốc, lúc lại trở thành một nhà giám định nghệ thuật hay vị công tước Nga… dưới những cái tên khác nhau như Paul Sernine hay Luis Perenna (gồm 11 chữ cái trong tên Arsène Lupin ghép lại). Các nhà nghiên cứu đã đếm thử và tổng kết rằng Arsène Lupin cải trang cả thảy 47 lần để hành nghề.Trò vờn nhau giữa cảnh sát và kẻ trộm trở nên cực kỳ hấp dẫn khi Lupin chạm trán với thám tử tài ba Sherlock Holmes. Diễn biến của những cuộc đối đầu này đã được hàng triệu người hâm mộ Leblanc và tên trộm đáng yêu của ông dõi theo suốt 100 năm qua.Về sau, khi nhà văn Maurin Leblanc trở thành cố vấn trong ban tham mưu của cảnh sát trưởng Paris thì nhiều truyện của ông về Lupin cũng phản ánh sự thay đổi này. Trong “Những chiếc răng hổ” (1921) Lupin đã giúp cảnh sát trưởng Paris tóm cổ một tên cướp. Còn trong tiểu thuyết “813” (1910), đích thân Lupin đã chỉ huy cuộc điều tra của cảnh sát để minh oan cho bản thân (bị nghi ngờ là đã hạ sát một ông vua kim cương) và tìm ra thủ phạm đích thực của vụ án.Cùng với “813”, “Ngọn đá rỗng” (1909) cũng được xếp vào hàng các kiệt tác của Leblanc. “Ngọn đá rỗng” cho ta thấy mối hận với bọn nhà giàu đã sớm hình thành trong Lupin từ khi mẹ hắn phải đi làm thuê lấy tiền nuôi con và luôn bị bọn chủ nhẫn tâm hành hạ. Thế rồi, mới lên 7 tuổi Lupin đã phải ra tay - hắn đánh cắp chiếc vòng của một quý bà - mở đầu cho công việc lạ kỳ kéo dài gần ba bốn chục năm trên hàng ngàn trang sách, báo.Theo các nhà nghiên cứu thì hình mẫu ngoài đời của nhân vật Arsène Lupin chính là anh chàng Marius Jacob lừng danh thuộc phái vô chính phủ vào cuối thế kỷ XIX ở Pháp. Anh chàng này cũng chuyên lấy tài sản của nhà giàu chia cho dân nghèo. Tuy nhiên sau hàng trăm vụ trộm trót lọt, Marius Jacob cuối cùng đã bị đày biệt xứ chứ không được bình an vô sự như Arsène Lupin.Cùng với cách xây dựng hình tượng nhân vật chính độc đáo, cốt truyện ly kỳ, không thể đoán trước được khiến độc giả luôn phải hồi hộp đến phút chót cũng là ưu thế của loạt truyện về Lupin. Thêm vào đó Leblanc còn có một văn phong lôi cuốn kỳ lạ mà giới phê bình phải dùng tính từ “lupinien” (rất Lupin) để định nghĩa. Đó là thứ văn phong đầy màu sắc, rất nên thơ và đặc biệt sống động làm mê hoặc độc giả. Ngoài ra, lòng cao thượng, những hành động lịch lãm của nhân vật chính cùng với cuộc đấu tranh của hắn với cái ác còn làm nảy sinh trong lòng độc giả những tình cảm trong sáng, hướng thiện. Chính vì thế những câu chuyện về Lupin không chỉ để đọc cho vui mà còn mang ý nghĩa giáo dục.Không chỉ độc giả mà giới phê bình cũng nhất trí xem Maurice Leblanc là bậc thầy số một của tiểu thuyết trinh thám Pháp. Nhân vật Lupin độc đáo của ông mới ra đời được vài năm đã được các tác giả đương đại bắt chước, chẳng hạn Gaston Leroux đã tạo ra thám tử Rouletabille pha trộn hình ảnh của cả Sherlock Holmes lẫn Arsenne Lupin, còn Marcel Allain và Pierre Souvestre thì cho ra đời tên trộm đại tài Fantomas.Những cuộc phiêu lưu của Lupin đã được dùng làm kịch bản cho nhiều bộ phim nhựa và các series phim truyền hình. Tại Nhật Bản, hình tượng tên trộm lịch lãm còn gây cảm hứng cho cả một loạt phim về người cháu của Lupin – tức Lupin III.Trải qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian, những kỳ tích của Arsène Lupin mà Maurice sáng tạo nên từ những năm đầu thế kỷ XX đến nay vẫn được người đời tiếp tục say mê theo dõi không chỉ trên những trang sách mà cả trên màn ảnh. “Nhờ” tên trộm lịch lãm, Leblanc đã được thưởng Bắc Đẩu bội tinh. Thành công và sự nổi tiếng của tên trộm ấy đồng hành với Leblanc mãi đến lúc ông từ giã cuộc đời vào năm 1941