Ra khỏi sở cảnh sát, Bình cứ thẫn thờ. Bước đi vô định. Đất dưới chân như muốn sụp xuống. Thời gian gần đây, cũng đôi lần Bình có linh cảm điều chẳng lành sẽ đến ... Nhưng điều này hoàn toàn Bình chưa hề nghĩ đến. Không hình dung nổi. Giá như còn ở nhà, bên cạnh bố mẹ, Bình đã kệ. Đến đâu hay đó, hơi đâu phải lo, có gì đã có ông bà "bô" rồi! Vừa đi vừa nghĩ, Bình chìm đắm trong những mông lung, không định hướng. Có lẽ Bình đã bước, chân bước mà đầu chẳng biết sẽ đi đâu, về đâu, nếu như bỗng nhiên Bình không nghe thấy tiếng gọi:
- Bình đấy à? Cậu đi đâu thế này? Sao mặt xanh mày xám, không cắt nổi một giọt máu thế kia? Mà áo khoác đâu? Mặc thế này không lạnh à?
Bình ngẩng lên, hóa ra Mai. Mai ở cùng tầng trong ký túc xá với Bình. Cạnh phòng Mai là phòng Hạnh. Còn phòng Bình ở cuối dãy hành lang. Mai và Hạnh đêề là sinh viên năm thứ hai của trường Đại Học Tổng Hợp thành phố Ren ( Rennes ) cách Pa ri ( Paris ) chưừg 500 ki lô mét. Mai học Kinh tế, còn Hạnh học khoa Luật. Bình mới vào ở ký túc xá được mấy tháng, nhưng đôi khi cũng nghe theo số bạn lười học vẫn hay đả kích hai bạn gái chăm học này, nên ở gần nhau mà chẳng mấy quan hệ, gặp nhau ở hành lang, cầu thang hay sân chơi tập thể thì cũng chỉ chào nhau lấy lệ thế mà thôi.
- À, mình đi có chút việc ấy mà! Chẳng có gì cả! – Bình vội vàng chống chế cho qua chuyện.
Bình vừa nói vừa bỏ đi, mặc Mai cứ tưng hửng đứng đấy. Bình nói mà chính Bình cũng không hiểu mình nói gì nữa, chẳng nhìn trực diện vào Mai …
* * *
Cách đây một tuần, đang nằm xem ti vi tại nhà, Bình chợt nhớ ra đã đến lúc phải đi làm thủ tục giấy tờ, xin gia hạn thẻ lưu trú. Những sinh viên như Bình, dù là đang học tiếng hay đã là sinh viên các trường đại học, học tự túc hay có học bổng. Sở Cảnh sát chỉ cấp cho một tấm thẻ, dán vào hộ chiếu, có giá trị một năm. Một hay hai tháng, trước khi thẻ lưu trú hết hạn, người sở hữu phải lo mà đi khai và làm lại.
Cũng như những lần trước, Bình phải thức dậy thật sớm, mặc dù Sở Cảnh sát chỉ mở cửa vào 9 giờ sáng. Thường phải đến sớm bởi có rất đông người xếp hàng rồng rắn ở ngoài trời. Bình uống quấy quá cốc sữa tươi rồi mặc nhanh quần áo, chạy ra bến tàu điện ngầm. Ra khỏi nhà mới có 7 giờ sáng, đến sở Cảnh sát là 8 giờ kém 15 phút, vậy mà đã có khoảng ba , bốn trăm người đứng sẵn đó rồi. Dù đã trang bị đồ ấm khá kỹ, đôi bàn chân và đôi bàn tay Bình cứ cóng cả lại. Bình đút cả hai tay vào túi áo khoác. Còn đôi chân cứ cứng đơ đơ như mất hết cảm giác. Tập hồ sơ đành kẹp vào nách.
Nhìn ai cũng cùng tâm trạng như mình, muốn được đến lượt ngay, được giải quyết mà không bị hạch sách điều gì, Bình bỗng thở dài ngao ngán. Đông như vậy mà hầu như chẳng ai nói với ai, chỉ trừ khi họ đi đôi hay đi ba mà thôi. Nét mặt ai cũng căng thẳng. Tội nghiệp nhất là cặp vợ chồng trẻ có con còn quá bé mà cũng chẳng được ưu tiên lên xếp hàng trước, cũng chẳng đòi hỏi gì. Mẹ đứng xếp hàng lâu, đứa bé mặc dầu được ủ chăn ấm và ngồi trong cái xắc mẹ địu trên lưng, vẫn cựa quậy nhiều vì chắc khó chịu. Bé đưa mắt nhìn mọi người xung quanh, dường như thấy toàn người lạ, bỗng bé khóc thét lên. Mẹ bé nói với ngừơi đàn ông đứng bên cạnh, Bình đoán có lẽ là chồng chị ta:
- Anh đứng xếp hàng đây, em cho con ra ngoài một lát.
Hai mẹ con đi đâu đó một lát rồi quay lại. Ngán ngẩm vì cửa vẫn đóng im ỉm mà người đến xếp hàng vẫn từ đâu ùn ùn kéo tới. Phía dưới, hình như có một người da đen đang thản nhiên vượt dòng người đi lên gần đến chỗ Bình, chẳng ai nói gì, đột nhiên, một chị đứng ngay sát Bình phản ứng. Lúc đầu Bình chẳng đế ý. Phần thì tính Bình chẳng thích quan tâm đến những chuyện xảy ra xung quanhn không mấy liên lụy đến mình, phần thì Bình đâu làm gì được với vốn tiếp Pháp ít ỏi của mình. Đứng trước Bình và cặp vợ chồng trẻ nọ là hai cô sinh viên người Châu Á. Họ là người nước nào, ngay từ đầu Bình không cố tìm hiểu. Bình nghĩ nếu họ không phải là người Nhật, Hàn Quốc thì cũng là người Việt Nam, Trung Quốc hay Thái Lan gì đó. Điều đó đối với Bình cũng chẳng có gì là quan trọng. Trong khi đó hai cô gái này lại to nhỏ tỷ tê chuyện trên trời dứơi đất. Chỉ một giây sau, Bình cũng biết đích xác họ là đồng bào của mình. Họ cũng đi xin gia hạn thẻ lưu trú như mình chăng? Bình tự hỏi nhưng không chủ động bắt chuyện.
Hồi mới sang Pháp, đi đường, trên tàu điện ngầm hay trên xe buýt, ở nơi công cộng, Bình thỉnh thoảng bắt quen khi biết chắc đối tượng là người Việt Nam. Về sau, Bình nghe một số người bảo rằng làm như vậy không có lợi, bởi nếu Bình không may gặp phải những phần tử xấu vẫn thường đến quậy phá Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp vào những ngày lễ, tết Việt Nam, những dịp có các đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức nước Pháp, hay tiếp xúc với những kẻ vẫn dán những khẩu hiệu đả kích Nhà nước Việt Nam vào ngày «Quốc hận», họ sẽ gây rắc rối cho Bình. Thực ra, người mình cũng hay phòng quá xa. Từ ngày sang đây, Bình chưa hề gặp «nạn» như thế bao giờ. Bình đã từng được tiếp xúc với một số Việt kiều ở Pháp, từ những cô bác lớn tuổi, những ông bà già phải xa đất nước từ những năm bốn mươi hay năm mươi, đến các cô chú, anh chị ra đi sau năm bảy mươi nhăm, Bình thấy phần lớn họ là những người tốt, thương yêu con cháu cộng đồng và sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết. Hồi còn học ở Paris, Bình được cô Cúc mời vào đại sứ quán Việt Nam tại Pháp dự Tết Việt Nam, được gặp các bác, các cô chú Việt kiều ở đó, Bình thấy từ bác Đại sứ, bác phó Đại sứ cho đến các nhân viên Đại sứ quán đều khen ngợi cộng đồng người Việt Nam tại Pháp. Ở thành phố Bình ở, có vợ chồng một bác sỹ Việt kiều, vợ bác là người Pháp, có hai vợ chồng đều là người Việt Nam, rất quý sinh viên Việt Nam. Họ giúp đỡ sinh viên Việt Nam tận tình và thật vô tư.
Biết là vậy nhưng cũng có lúc Bình không chủ động bắt chuyện. Một trong hai cô sinh viên Việt Nam kia vừa nói chuyện bằng tiếng Pháp với đôi vợ chồng trẻ nọ, vừa giải thích lại cho bạn mình bằng tiếng Việt nên Bình cũng loáng thoáng hiểu được người phụ nữ trẻ có đứa con mới hai tháng tuổi ấy là người Ác Hen ti na. Tiếng Tây Ban Nha là tiếng mẹ đẻ nhưng chị ấy nói tiếng Pháp cũng rất tốt.
Sau khi tốt nghiệp đại học ở xứ sở sương mù, không xin được việc, chị ấy sang Pháp xin học tiếp và lập nghiệp tại đây. Sau ba năm, có bằng cử nhân kế toán của Pháp, chị ấy xin được việc làm tại một công ty kinh doanh bất động sản. Khi đã cầm trong tay bản hợp đồng vô thời hạn do tổng giám đốc công ty này ký, chị đến Sở Cảnh sát để nộp hồ sơ, xin chuyển giấy tờ từ chế độ sinh viên sang chế độ người làm công ăn lương. Nhân viên tiếp chị hôm đó là một người phụ nữ trung tuổi, trông có vẻ dữ dằn, khinh khỉnh. Cô nhân viên yêu cầu chị phải chứng minh đủ loại giấy tờ, thời gian ở và học tập tại nước Anh, giấy phép vào nước Pháp … Do bất cẩn, chị không còn giữ những giấy tờ đó nữa và cũng quan niệm rằng khi mình đã được cấp thẻ lưu trú từng năm một rồi thì những giấy tờ kia không còn cần thiết nữa. Thực ra chị ấy đã nhầm, bởi khi một người nước ngoài tới sống và học tập hay công tác tại Pháp, những giấy tờ đã được cấp dù không còn dùng hàng ngày nữa, vẫn phải giữ.
Hôm đó, chị ấy cãi dữ dội lắm, cho rằng mình sang Pháp đã ba năm, cần gì phải trình những giấy tờ trước đó. Nhưng cô nhân viên lại nói rằng họ cần phải biết chị đến Pháp bằng con đường nào và như thế nào. Kể ra, họ nói cũng có lý. Nhưng nếu trước đó, không có giấy tờ đảm bảo làm sao chị có thể làm được thủ tục vào Pháp bằng con đường chính. Nhưng pháp luật là pháp luật. Cũng có khi người ta cố tình gây khó dễ làm cho đương sự nản. Người nắm trong tay pháp luật cứ cứng nhắc chiếu theo pháp luật mà làm, được hay không, họ không quan tâm. Chỉ khổ đương sự mà thôi. Sau hôm đó, chị mệt mỏi, chán chướng, bỏ luôn, không đến Sở Cảnh sát một lần nào nữa. Thế là những thàng ngày tiếp theo của chị trôi trong tình trạng bất hợp pháp. Chị cũng không thể xin việc làm vì không có giấy tờ. Mệt mỏi, chán chường, chị để mặc. Cũng chẳng hiểu ba năm đó chị sống ra sao nữa. Giờ đây, khi kể lại câu chuyện của mình với hai cô gái Việt Nam, chị vẫn còn ấm ức, mắt ứa lệ:
- Vậy là ba năm bỏ công học hành, thêm ba năm sống vất vưởng, tất cả coi như không được tính vào thời gian Pháp.
- Thì có sao đâu chị? Giờ chị có chồng quốc tịch Pháp, có con, chị lại làm được giấy tờ, chị cần gì cái thời gian ấy.
- Vậy là các em chưa hiểu. Một người nước ngoaài khi đến nhập cư tại Pháp, thời gian liên tục quan trọng lắm. Bẵng đi ba năm không có giấy tờ, coi như chị mất hẵn sáu năm. Giờ đây, được bảo lãnh, nhưng người ta chỉ tính cho chị bắt đầu sống ở Pháp từ năm nay, con chị cũng vậy. Đúng là ở đây, những người nhập cư hoàn cảnh như mình lắm lúc bị coi thường lắm. Mình cần chứ họ đâu có cần nên cứ mỗi lần đến Sở Cảnh sát này, chị thấy ngán đến tận cổ.
Người đàn ông đứng bên cạnh chị, theo chị nói, lần đầu tiên đến xếp hàng ở đây mà đã thấy ngán. Anh ấy chưa phải là chồng chị nhưng là bố của đứa bé.
Khi đến lượt mình, chỉ có chị và cháu bé vào xử lý công việc. Anh ấy nói phải đi làm rồi trao cho chị quyển sổ hộ khẩu và những giấy tờ cần thiết.
Tuy phải xếp hàng và chờ lâu như vậy nhưng mọi người đều kiên nhẫn chờ đợi và tỏ ra lịch sự. Không có chuyện chen lấn, cãi cọ hay chiếm chỗ …
9 giờ, cửa mở, mọi người cùng ồ lên một tiếng. Sung sướng là vậy, nhưng có phải tất cả mọi người đều được vào phòng ngay đâu. Cứ đứng đấy! Mặc lạnh lẽo! Mặc giá rét!
Tuyết vẫn lã chã rơi. Trời âm u nhưng không mưa. Bình chợt nhìn lên. Những đám mây màu chì đè nặng. Những cành cây trơ trụi lá. Mùa đông ở các nước châu Âu thật rõ nét. Bỗng từ đâu, một con chim dẽ gà vụt bay tới trước mặt Bình rồi vút lên ngọn cây, đạp mạnh, rồi lướt nhẹ giữa những cành cây. Vừa xuất hiện được vài giây, chú chim đã đập đập cánh như muốn khoe cái mỏ dài và thẳng của nó. Những người xếp hàng cạnh Bình nói với Bình, loại chim đó thường chỉ gặp được một lần trong năm, vào giữa đông như thế này thôi.
Mỗi lần mở cửa, cảnh sát chỉ ra hiệu cho hai người được vào thôi. Ở phòng đầu tiên, người ta bắt đầu mở túi xách, cặp, cởi áo khoác, v…v. để kiểm tra, đồng thời cho một cái máy nhỏ cầm tay lướt lượt người. Thế rồi lượt của Bình cũngb đã đến. Bình nhìn đồng hồ, đã 10 giờ 30 phút. Sau khi được kiểm tra người và đồ đạc xong. Bình bước vào phòng thứ hai. Ơ đây, lại một lần nữa xếp hàng. Tuy hiên, dù sốt ruột cũng cảm thấy dễ chịu hơn ở phía ngoài vì khí ấm của căn phòng. Khi Bình lấy được cái tích kê nhỏ màu xanh để tiếp tục ngồi vào ghế đợi, kim đồng hồ chỉ 11giờ. Từ đó cho đến khi Bình được gọi vào bàn, được nhân viên tiếp, phải mất hơn một giờ đồng hồ nữa.
Lúc chờ gọi đến lượt. Bình thấy hai cô gái Việt Nam có vẻ lo lắng và hồi hộp.
- Chắc đến 12 giờ trưa, nhân viên sẽ nghĩ, chúng mình phải chờ sang chiều mất. Không những phải bỏ học buổi sáng mà là cả ngày. Một cô nói với bạn mình.
Thấy sự lo lắng của hai cô gái, Bình đoán chắc đây là lần đầu tiên họ đến Sở Cảnh sát làm thủ tục. Họ cũng cùng cảnh ngộ như mình thôi. Bình nghĩ. Sau giây lát, Bình nói với họ rằng ở đây nhân viên sẽ thay ca nhau, làm việc cho đến 16 giờ 30 phút, không nghỉ trưa. Nghe xong hai cô gái cảm ơn Bình Và thở phào nhẹ nhõm.
Sau khi hai cô gái Việt Nam vào bàn số 5. Cô nhân viên xem qua hồ sơ của Bình và nghe Bình trình bày. Tuy không hiểu hết những gì Bình đang cố gắng nói nhưng cô nhân viên cũng biết là Bình muốn xin gia hạn thẻ lưu trú. Nghe xong, cô ấy trả lại hồ sơ cho Bình cùng với mảnh giấy ghi địa chỉ của Phòng Cảnh sát quận nơi Bình ở. Bình cứ ngơ ngác … Cô ấy gải thích và Bình nghe được lõm bõm là phải đến chỗ mới theo địa chỉ được ghi trên mảnh giấy vì lần này một mặt Bình đã thay đổi chỗ ở, mặt khác Bình chưa có hẹn của Phòng Cảnh sát quận. Theo nguyên tắc, Bình phải qua Phòng Cảnh sát quận, người ta xem xét hồ sơ rồi mới hẹn ngày giờ cho Bình đến làm việc với Sở Cảnh sát. Thấy Bình hiểu một cách khó khăn, cô nhân viên vừa nói rất chậm, vừa cười khẩy. Cảm giác lẫn lộn khó tả xâm chiếm lòng Bình khi Bình phát hiện ra chi tiết đó.
Ra khỏi Sở Cảnh sát, Bình nhìn đồng hồ. Đã 1 giờ. Lại đến chỗ mới! Lại phải xếp hàng! Mới nghĩ đến đó. Bình đã rùng mình sợ hãi. Nhưng không đi sao được? Ỷ vào ai bây giờ? Chẳng ai có thể giúp Bình được nữa và Bình cũng không muốn nhờ vã nữa.
Trước đây, do ngại tiếp xúc vì vốn ngoại ngữ quá ít ỏi của mình, Bình nhớ Thái. Lần nào cũng có Thái đi cùng. Thái là con trai cô Cúc, nhân viên một cơ quan đại diện Việt Nam tại Paris. Vợ chồng cô Cúc quen biết bố Bình trong một dịp bố Bình về Hà Nội họp, và từ đó đến nay họ vẫn giữ quan hệ. Chính vì có mối quan hệ đó, Bình mới được gợi ý sang học tiếng Pháp ở Paris. Năm đầu, có Thái giúp đỡ. Đến năm học thứ hai, khi thấy Bình không học được ở Paris, cô Cúc lại tìm cách giúp Bình xin vê ềọc ở tỉnh. Cũng may cho Bình, năm đó Thái cũng phải rời Paris về tỉnh để học, nên họ lại gặp nhau. Thế là Bình lại tiếp tục ỷ vào Thái trong việc làm thủ tục, giấy tờ.
Nghe Bình nói và nhìn cách giao tiếp của Thái, cũng có lúc Bình, cũng có lúc Bình thấy thèm. Nhưng nỗi ao ước ấy cũng có lúc Bình thấy thèm. Nhưng nỗi ao ước ấy cũng chỉ thoảng qua thôi, rồi Bình lại bao biện cho mình: Anh Thái sang Pháp trước Bình, lại có mẹ chăm sóc hàng ngày, lo cho mọi chuyện, nói tiếp Pháp tốt hơn Bình là chuyện đương nhiên.
Cứ nghĩ một chiều như vậy để an ủi mình trong lúc này, Bình bước vội.