Chương I

“Một gia đình công hầu muốn mời đến ăn và ở trong lãnh địa của mình, một gia đình từ hai đến ba người là cùng, có danh giá, có giáo dục ưu tú, có khả năng dạy học cho ba đứa trẻ. Nơi ở tốt, tại một trong những vùng rừng đẹp nhất của nước Áo.

“Viết cho hòm thư lưu: I.L… Defelden.

“Cần thiết phải có những chứng chỉ nghiêm túc”

Giáo sư Lienkwicz bỏ tờ báo đang đưa sát đôi mắt cận thị. Trên bộ mặt thanh tú héo hắt vì tuổi tác, vì lo âu và vì những nỗi đau thể xác, cặp mắt ông suy nghĩ - cặp mắt trong sáng, dịu hiền và hơi ưu tú - hiện rõ tâm hồn Adrian Lienkwicz, một người đáng mến, thân thiết và điềm đạm nhưng hơi mềm yếu, dễ thất vọng với những thử thách đường đời. Tâm hồn dễ thương, tinh tế, ưa thích quá khứ xa xăm và những câu chuyện cổ, có khả năng hy sinh thân mình cho nhiệm vụ mà không hề phàn nàn, nhưng lại kém sẵn sàng hành động và đấu tranh.

Thời niên thiếu ông học tại trường Đại học Vienne. Ông được các bạn bè yêu mến đồng thời họ cũng quấy rầy ông. Họ chế giễu tính nhịn chịu, chăm học và ôn hoà của ông. Tuy nhiên họ cũng bị chinh phục bởi con người tươi vui và hoà nhã ấy, có tính độ lượng đến khinh suất, biết hoà giải những tay kiếm hung hăng nhất và không biết cách từ chối bất kỳ ai cần đến sự giúp đỡ của mình về vật chất hay tinh thần.

Thời thanh niên, ông chinh phục được trái tim cô Elizabeth Zulman, con gái một thầy giáo. Quy luật tương phản đã hấp dẫn đôi trai gái tính tình khác hẳn nhau ấy. Cô gái bản chất thích đấu tranh, cương quyết và có nghị lực, nàng đã cứu vãn được những di vật của gia tài họ Lienkwicz. Tính độ lượng của giáo sư Adrian đôi khi không hợp thời được ngăn chặn bởi trí thông minh bình tĩnh và đôn hậu của bà giáo.

Đó là một gia đình hạnh phúc cho đến khi một căn bệnh hiểm nghèo ập đến cướp mất người bạn đời rất thân thiết ấy và để lại Adrian một mình với hai đứa con dại, đứa lớn mới mười tuổi.

Là một người cha dịu hiền và tận tâm, Adrian không muốn xa rời hai con, ông mướn một nguời đàn bà vừa để trông nom và giáo dục các con vừa làm quản gia. Nhưng ông giáo hiền lành là một ông chủ mù quáng, và gia tài của ông chẳng bao lâu bị rút dần rút mòn, trước hết bởi mụ quản gia chẳng mấy tí chu đáo. Lại còn bị đám bạn bè xấu, ăn hại vô liêm sỉ đến nỗi ngày mà Adrian mệt mỏi, thấy mình buộc lòng phải rời bỏ chức vụ giáo sư, ông kinh ngạc nhìn thấy nguồn lợi tức của mình chỉ còn vỏn vẹn để sống với hai đứa con.

Đó là một đòn gánh nặng giáng vào con người đã hoàn toàn suy sụp về thể xác. Ông lâm bệnh và được con gái ông là Marysia “kho báu và trí tuệ của ông” như ông thường gọi, chăm sóc một cách tuyệt vời. Thời kỳ dưỡng bệnh, buộc lòng ông phải rời bỏ căn nhà tiện nghi để đến một căn nhà hẹp hơn. Sức khỏe chỉ cho phép ông dạy học trò vừa đủ nuôi một gia đình nhỏ do cô gái Marysia điều khiển một cách khéo léo, nhờ thừa hưởng của bà mẹ những đức tính cao đẹp.

Cả ba bố con sống thanh bạch như vậy trong cảnh khó khăn và thường được một số bạn cũ đến thăm.

Thử thách lớn nhất cho gia đình là tình trạng tàn tật của Alexy, em trai Marysia. Bệnh bại liệt đã làm hai chân cậu bé không cử động được. Thầy thuốc mới đây đã tuyên bố là khí hậu ở Vienne không thích hợp cho bệnh nhân và không khí trong lành ở miền quê, nhất là miền rừng núi, nếu không chữa khỏi bệnh cũng làm giảm được bệnh một cách đáng kể. Từ đó ông giáo sư và cô con gái tìm kiếm một sự phối hợp nào đó để có thể chữa bệnh mà không tốn nhiều tiền.

Phải chăng cái thông cáo ở cuối trang báo này là giải pháp cho vấn đề của ông Adrian!

Ông quay về phía một cánh cửa mở và cất tiếng gọi:

- Marysia!

Có tiếng động ghế ở phòng bên rồi một cô gái cao và mảnh xuất hiện ở khung cửa.

Trong bộ quần áo lao động giản dị, Marysia Lienkwicz có một dáng đi đặc biệt thanh nhã. Không có những nét đều đặn tuyệt đối, nhưng Marysia đẹp hơn cả đẹp, với diện mạo duyên dáng vừa dịu hiền vừa thanh tao, với sự tương phản của bộ tóc rất đen có những búp xoăn bóng loáng, với cặp mắt màu xanh thẫm phản chiếu một tâm hồn nồng nhiệt và trong sáng.

Cô gái sốt sắng hỏi:

- Gì thế, ba yêu quý?

- Con hãy đọc đây này.

Cô thiếu nữ cầm tờ báo lên, liếc qua bài báo rồi nhìn cha vẻ dò hỏi.

- Con ạ, ba thấy hợp với chúng ta đấy.

- Vâng, một miền rừng núi, tuyệt quá. Nhưng còn cần phải có thêm những chi tiết khác?

- Tối nay ba sẽ viết. Alexy có vẻ mệt mỏi hơn, ba muốn nhanh chóng đưa em con ra khỏi nơi trật hẹp thiếu không khí này.

Một nếp nhăn lo lắng hiện ra trên vầng trán rất trắng của Marysia:

- Vâng, ở đây em con xanh xao lắm. Cả ba nữa! Chắc chắn là không khí đồng quê sẽ mang lại lợi ích to lớn.

- Ba cũng tin vậy. Cả con nữa, con cũng sẽ khá hơn. Trông con có vẻ mệt mỏi lắm rồi. Con đã phải làm việc quá sức mình để chăm sóc em con và ba. Ba chẳng còn làm được việc gì nữa.

Marysia cúi xuống đưa bàn tay vuốt ve cổ cha, hôn lên vầng trán đã nhăn nheo của cha và thỏ thẻ:

- Thưa ba yêu quý, nếu ba biết được những nhiệm vụ đó đối với con thân thiết biết bao, con gái ba sẽ rất sung sướng được chăm sóc ba và em con với tất cả tình thương yêu của mình. Và con còn muốn được làm nhiều hơn thế nữa kia.

Cặp mắt xúc động của ông Adrian nhìn vào khuôn mặt đẹp đang cúi xuống:

- Ừ, ba vẫn biết là con là đứa con ngoan. Ba biết là con rất thương yêu người cha tội nghiệp của con lúc nào cũng ốm yếu. Nhưng lòng ba mong muốn biết bao được thấy con thanh bình và sung sướng, giải thoát khỏi những công việc lặt vặt và được tự do phát triển trí thông minh mà Chúa đã ban cho con.

Một nụ cười rất tươi nở trên môi cô gái:

- Thưa ba thân mến, thực tâm con chỉ yêu cầu một điều, đó là được tiếp tục hầu hạ ba và em con, được ba và em con yêu mến, giữ được hoạt động và can đảm mà Chúa đã ban cho con. Được như vậy, chừng nào con còn được giữ lòng tin Chúa, Marysia của ba sẽ không bao giờ bị đau khổ… Kìa, món xúp đã được rồi.

Thiếu nữ lao vào trong bếp. Giáo sư cũng đứng lên và cảm động thì thầm:

- Lúc nào nó cũng vui vẻ… Và dũng cảm nhường kia. Lạy Chúa, người nhân từ biết bao đã cho con một đứa con gái như thế.

Ông đi vào phòng bếp, phòng ăn cũng đồng thời là phòng tiếp khách. Trên một chiếc ghế dài đặt trước cửa sổ, một cậu thiếu niên trạc mười lăm tuổi đang nằm. Thấy cha vào, cậu ngoảnh lại nhìn ông, cặp mắt thẫm, quá to đối với khuôn mặt gầy và nổi lên rất đậm trên nước da tái. Diện mạo trẻ trung ấy có một sức hấp dẫn kỳ lạ bởi vẻ đẹp đặc biệt và hơn nữa bởi vẻ đau đớn, chịu đựng.

- Con yêu của cha có thấy khá hơn không? Ông dịu dàng hỏi và đưa tay vuốt mái tóc đen rất dày và xoăn của con trai.

- Có khá hơn, ba ạ.

- Con này, đây là giải pháp giúp chúng ta giải quyết được vấn đề - sau khi thấy con trai đọc xong bài báo, ông hỏi tiếp – Alexy,… con thấy thế nào?

- Có lẽ thế, ba ạ. Ba sẽ viết thư chứ?

- Ngay bây giờ đây, con ạ!

Sau khi đã viết thư trả lời cho địa chỉ I.L… ông trở lại chỗ con trai nằm. Alexy đang giở những trang giấy trong một tập giấy cũ, cậu nói vẻ suy nghĩ:

- Cha ơi, thật lạ quá, sao chẳng bao giờ thấy ba tìm nguồn gốc của gia đình chúng ta? Tuy nhiên con thấy hình như ba có thể tìm được một số hướng dẫn ở bên Ba Lan.

- Ba cũng đã có bắt đầu đấy chứ. Nhưng khi mẹ con mất, ba nản lòng, nên đã bỏ dở. Ba chỉ biết là ở bên Ba Lan – ba không còn họ Lienkwicz và danh từ đó đã bị lãng quên hoàn toàn. Có lẽ tổ tiên chúng ta từ nhiều thế kỷ nay đã ngụ cư bên Áo. Tuy nhiên cũng thật lạ lùng, chúng ta chẳng có một tờ gia phả nào. Ông con có nói rằng chúng ta xuất thân từ dòng dõi quý tộc, nhưng dù sao cũng chẳng được lợi lộc gì.

- Tất nhiên là thế. Tuy nhiên con rất muốn biết tổ tiên chúng ta là những ai và chút ít lịch sử ra sao. Con rất sung sướng được lục tìm trong quá khứ và tất nhiên dĩ vãng của gia đình chúng ta làm con say mê hơn cả.

- À. con đúng là con trai của ba. - Giáo sư nói và vui vẻ nắm lấy tay Alexy. - Ở tuổi con, ba cũng có niềm say mê ấy, ba thích nghiên cứu như con nhất là nghiên cứu lịch sử quá khứ. Các bạn ba gọi ba là “ông già tước vị”. Thực tế đối với ba không có gì vui thú bằng được lần mò trong tay những tờ giấy thiêng liêng, chứng minh cho thời quá khứ bất hủ… thú thật là lúc nào cũng hấp dẫn ba. Với nó ta quên được một chút hiện tại chẳng vui vẻ gì lắm…

- Không, không phải bao giờ cũng thế. Alexy ngước mắt lên trời lẩm bẩm.

Mấy ngày sau giáo sư Adrian Lienkwicz nhận được thư trả lời của I.L… bằng nét chữ phụ nữ, bức thư ghi rõ những điều kiện yêu cầu: Có năng lực dạy học mấy đứa trẻ từ mười một đến mười ba tuổi, xuất trình những giấy chứng chỉ tốt nhất, có phong cách nhã nhặn và thanh tú. Được cung cấp một căn hộ có bốn phòng rộng rãi, bày biện đẹp, thực phẩm giản dị và tinh khiết, đun nấu, sưởi tùy ý và có công viên để dạo chơi. Ngược lại, phải lên lớp bốn giờ mỗi ngày và chấm, sửa bài.

Bức thư nói tiếp: Nếu những điều kiện thích hợp, xin cho chúng tôi biết về gia đình ông và tôn giáo, những người mà chúng tôi có thể hỏi thăm tình hình. Sau đó chúng tôi sẽ cho biết địa chỉ của chúng tôi.

- Ba có thấy thật là bí ẩn không? Marysia hỏi sau khi đã đọc bức thư viết bằng một lối văn lịch sự nhưng khá vắn tắt… Lại vẫn những chữ đầu ấy…

- Có lẽ con người đó không muốn phô tên mình ra trước sự tò mò của bất kỳ ai. Cũng là lẽ tự nhiên. Con thấy đấy, người ta rất khó khăn về vấn đề danh giá, như vậy càng tốt.

- Vâng, về vấn đề này chúng ta chẳng có gì đáng lo ngại. Còn về những điều kiện khác, chúng ta có đầy đủ chẳng khó khăn. Hai ba con đều có thể lên lớp theo yêu cầu và còn chán thì giờ để cha hoàn thành cuốn “Lịch sử Ba Lan”, còn con để làm việc nhà. Tình hình có vẻ dễ chịu đấy. Nhưng cũng cần phải tìm hiểu trước.

Giáo sư viết cho địa chỉ không quen, trả lời chi tiết những yêu cầu và cho biết những người danh giá để hỏi thăm tình hình về ông.

Mười lăm ngày trôi qua không có trả lời. Nhưng rồi một buổi sáng người đưa thư trao cho Marysia một phong bì có dấu gia huy, dán tem, đóng dấu bá tước quan. Nét chữ vẫn cùng một người đã viết bức thư trước.

Marysia vội chạy vào phòng ăn đưa bức thư cho cha:

- Ba ơi, đây là thư trả lời.

Giáo sư vội bẻ dấu niêm phong và đọc to:

“Kính thưa giáo sư,

Những chứng chỉ của ông làm tôi thoả mãn hoàn toàn, cả về gia đình ông nữa. Nếu ông đã quyết định, xin ông cho biết. Về phần tôi, chúng tôi đã sẵn sàng tiếp đón gia đình tôi đến Runsdorf, lâu đài của chúng tôi đấy, ngoài giờ học, ông được hoàn toàn tự do.

Vậy tôi chờ đợi câu trả lời chính thức của ông.

Thưa giáo sư, kính chúc…

IOLANTHE

Nữ bá tước Lendau,

Lâu đài Runsdorf-Dufelden”.

- Ôi, ôi, một dòng họ đại quý tộc. Giáo sư nói. Lendau là một gia đình cổ kính, dòng họ gần gũi của hoàng thân. Các con thấy thế nào?

- Thưa ba, Marysia nói, con thấy là về phần chúng ta cũng nên tìm hiểu xem thế nào đã, mặc dù họ nhà Lendau là quý tộc.

- Con nói đúng, con gái khôn ngoan của ba. Nhưng hỏi ai bây giờ?

- Ba có một gia đình ông bạn thân là Conrad Duntz làm giám thủ[1] lãnh địa Nunsthel ở ngay gần Dufelden có phải không?

Giáo sư vỗ vào trán đáp:

- À, đúng rồi. Vấn đề là ở đây. Ba sẽ viết thư cho ông ấy và yêu cầu trả lời ngay, để cho bà đại quý tộc ấy đỡ phải chờ lâu.

Mấy ngày sau nhận được thư trả lời của ông giám thủ do con trai ông viết:

“Bố cháu gặp tai nạn xe cộ bị gẫy tay. Nếu không bố cháu chẳng chịu nhường cho cháu thú vui được viết thư trả lời bác…

Runsdorf là một cơ ngơi rất cổ kính, rất rộng lớn, ở trong một thung lũng cách Dufelden mười kilomet.

Mùa đông, trong khi mọi người run lập cập ở Nunsthel, thì ở Runsdorf người ta hưởng một khí hậu ôn hoà hơn do vị trí đặc biệt của nó. Vả lại xung quanh nó toàn là rừng, cung cấp một không khí rất tốt, sẽ là tuyệt diệu cho người bệnh thân yêu của chúng ta.

Công viên ở đây rất rộng. Từ một thế kỷ nay, lãnh thổ của các vị bá tước Lendau chiếm một phần lớn đất đai trong rừng, nhưng rồi cũng tan biến dần do chi tiêu hoang phí của các quý tộc Runsdorf sống một cách xa hoa. Ngày nay chỉ còn lại cho con cháu họ một nơi ở công hầu và một số đất đai không quan trọng.

Tuy nhiên gia đình nhà Lendau vẫn còn có vẻ phong lưu. Cuộc sống của họ, vẫn là đại chúa công và không mất đi một chút nào vẻ kiêu kỳ mênh mông của thế hệ thừa hưởng dòng họ đại quý tộc ấy. Nhưng tiếng tăm của họ không thể chê được và cháu cho là bác cứ mạnh dạn nhận lời mời ấy.

Cá nhân cháu, cháu không biết bà quận chúa, bởi vì, xin bác hiểu cho, một người bình dân như cháu, mặc dù là con trai một viên chức được tín nhiệm của hoàng thân công tước Josef, cũng không có vinh dự được vào Runsdorf. Điểm khó khăn duy nhất cho gia đình bác, theo cháu, là thái độ kiêu căng ngạo mạn của những người trong gia đình ấy. Nhưng ta vẫn cứ hãnh diện giữ gìn khoảng cách, cháu nghĩ là sẽ chẳng sợ va chạm mạnh, những người Lendau rất lịch sự và có văn hoá cao.

Vả lại người ta nói bà bá tước là người nhân hậu mặc dù vẻ ngoài cao ngạo. Còn có một cô thiếu nữ mười tám tuổi, một cậu con trai và hai em gái nhỏ chừng muời tuổi. Nhưng xin bác chớ quên điều quan trọng nhất. Lãnh chúa, bá tước Walther Lendau, con trai cả bà bá tước, vị chủ nhân hiện tại của Runsdorf và những nơi khác, để mà sử dụng thành ngữ cổ.

Cháu xin nhắc lại: Đó là một gia đình đứng đắn, sống khá biệt lập ngoài những cuộc tiếp khách quý tộc và một số cuộc hội họp tổ chức rất hào nhoáng ở Runsdorf. Thưa bác, cháu tin là ở trong gia đình cổ kính ấy là một điều rất tốt cho bác. Quyết định thế nào xin bác cho gia đình cháu biết ngay, nhất là tới Runsdorf, xin bác chớ quên là gia đình cháu nóng ruột chờ bác đến thăm.

Xin bác cho cháu gửi lời thân ái hỏi thăm cô Marysia mà cháu đã gặp ở Vienne hồi cô còn bé và hồi đó cháu chỉ là một thằng con trai tinh nghịch, tóc bù xù, hẳn cô còn nhớ?”

- Ô, còn nhớ lắm chứ. Marysia cười nói. Một cậu bé tóc hung, mập và ầm ĩ, nhưng tính nết rất tốt.

- Cha cậu có một trái tim vàng, rất thông minh và am hiểu sự đời… Thế nào, các con, chúng ta quyết định ra sao?

- Con thấy là bức thư này chẳng có gì làm chúng ta phải ngần ngại. Marysia nói. Như con trai ông Duntz viết, chúng ta chỉ cần tránh va chạm với lòng kiêu kỳ của nhà Lendau bằng cách giữ vững vị trí và tư cách của chúng ta… Alexy, em thấy thế nào?

- Em đồng ý với chị. Nunsthel đối với chúng ta sẽ là một láng giềng thú vị và ba sẽ vui lòng được gặp lại người bạn cũ, phải không ba?

- Vậy thì số phận đã định đoạt rồi. Giáo sư tuyên bố với một vẻ hể hả. Ba sẽ viết thư cho Bà bá tước, và chừng mười lăm ngày nữa, chúng ta sẽ lên đường đi Runsdorf.