Mở đầu

Cậu biết Misaki không? Misaki lớp 9-3 ấy. Nghe chuyện về người ấy chưa?

Misaki? Là tên của ai à?

Ừ. Không rõ cái tên viết như thế nào nữa(1). Có thể là họ, nên không nhất thiết là nữ. Misaki gì đó hoặc ngược lại. Mà dù là tên hay họ thì hai mươi sáu năm trước đã từng có một học sinh gọi là Misaki.

Hai mươi sáu năm trước cơ á? Nghe xưa thật đấy. Phải từ thời Showa(2) ấy nhỉ!

Năm 1972, tính theo lịch Nhật thì là năm Showa thứ 42. Tớ nghĩ chắc là năm Okinawa được trao trả.

Okinawa được trao trả? Ai trao trả?

Đồ ngốc! Chẳng phải nó bị quân Mỹ chiếm đóng từ sau chiến tranh ư!

À, ra thế. Thảo nào đến giờ vẫn còn căn cứ ở đó.

Nhắc mới nhớ, đấy là năm Thế vận hội Mùa đông diễn ra ở Sapporo, cũng là năm xảy ra vụ Sơn trang Asama(3).

Chuyện gì ở Asama?

Bó tay cậu luôn! Thôi bỏ đi. Tóm lại hai mươi sáu năm trước có một học sinh tên Misaki ở lớp 9-3. Thế rồi... cậu có chắc là chưa từng nghe chuyện này không?

Ừm... Đợi chút. Cậu nói người đó tên là Misaki. Không phải Masaki sao? Nếu là Masaki thì tớ có nghe vài chuyện.

Masaki? Biết đâu người ta gọi thế trong vài phiên bản khác. Cậu nghe ai kể vậy?

Một anh khóa trên trong câu lạc bộ.

Anh ấy kể thế nào?

Tớ không rõ có phải là hai mươi sáu năm trước không, nhưng từ xưa, rất xưa rồi, có một học sinh tên gọi Masaki... Và, ờ... theo tớ nghĩ thì chắc là một cậu con trai. Một chuyện kỳ dị đã xảy ra trong lớp cậu ta. Về sau chuyện này trở thành một bí mật không thể bạ đâu nói đấy, nên anh khóa trên bảo chỉ tiết lộ được đến vậy thôi.

Thế ư?

Ừ. Anh ấy dặn, “Nếu em đồn ra ngoài thì sẽ gặp chuyện rất đáng sợ đấy.” Tớ nghĩ chắc hẳn chuyện này thuộc một trong số “Bảy điều kỳ bí(4)”.

Cậu nghĩ vậy à?

Thì chẳng phải hay có mấy chuyện như tiếng sáo phát lên trong phòng nhạc vào giữa đêm thanh vắng, hay đôi lúc người ta thấy có bàn tay nhuốm máu vươn lên từ ao sen nơi sân trường sao! Tớ đoán đây là mẩu chuyện thứ bảy.

Hình như còn cả chuyện mô hình người trong phòng lý hóa lại mang tim thật nữa.

Nó đó, nó đó.

Chuyện như thế thì thiếu gì, tớ biết cả chục chuyện thuộc dạng “Bảy điều kỳ bí” ở trường bọn mình nữa cơ. Nhưng câu chuyện về Misaki hay Masaki gì ấy thì... Tớ không nghĩ nó là “Bảy điều kỳ bí” đâu. Hầu hết các phiên bản của nó chẳng hề theo mô típ “Bảy điều kỳ bí”.

Thế ra cậu biết rõ nội dung à?

Ờ thì, cũng có thể coi là vậy.

Kể cho tớ nghe với!

Nhỡ có chuyện gì không hay xảy ra thì sao?

Chẳng qua chỉ là mê tín thôi mà.

Ờ, chắc cậu nói đúng.

Vậy kể đi!

Thật ra thì... tớ cũng không biết có nên kể không.

Thôi nào! Coi như tớ xin cậu đấy!

Hình như tớ nghe câu này đến mấy lần rồi?

He he.

Nghe xong cấm được kể lung tung cho người khác đấy nhé!

Không đâu, thề luôn.

Hừm. Được rồi...

Quá tuyệt.

Vậy đó là Misaki hoặc Masaki... Chắc tớ sẽ kể theo tên Misaki. Ngay từ năm lớp Bảy(5), bạn ấy đã là một học sinh rất được lòng mọi người. Học giỏi, nhiều thành tích thể thao, có khiếu hội họa, lại còn là một nhạc công tài hoa. Trên hết, Misaki là một mỹ nhân, hoặc mỹ nam nếu bạn ấy là con trai. Nói chung thuộc mẫu người hoàn hảo không chê vào đâu được...

Nghe chảnh thế nhỉ?

Không hề, tính cách rất dễ mến. Không mảy may kiêu ngạo hay khó gần. Bạn ấy tử tế với tất cả mọi người và lúc nào cũng bình dị gần gũi. Vậy nên cả thầy cô lẫn bạn bè đều quý mến Misaki. Tóm lại là bạn ấy rất nổi tiếng.

Hử, trên đời có loại người như thế sao?

Đến năm lớp Chín, Misaki được xếp vào lớp thứ 3 sau khi trộn sĩ số các lớp. Và rồi bạn ấy đột ngột qua đời.

Sao?

Lúc đó vẫn còn là học kỳ một, ngay trước sinh nhật thứ mười lăm của Misaki.

Sao lại thế? Do tai nạn hay ốm bệnh?

Nghe bảo là do rơi máy bay. Cả nhà bạn ấy đi du lịch Hokkaido, trên đường về thì chuyến bay gặp tai nạn. Nhưng cũng có những giả thuyết khác.

...

Khi nhận được tin dữ, các bạn trong lớp Misaki rất sửng sốt.

Hiển nhiên rồi.

Rất nhiều người hét lên không tin. Có người van vỉ mong đây chỉ là chuyện đùa. Cũng có người khóc đến gục xuống. Thầy chủ nhiệm lớp không nói nên lời, lớp học chưa bao giờ sầu thảm đến thế. Giữa bầu không khí u ám dị thường ấy, đột nhiên có người nói: Misaki chưa chết. Các cậu xem, chẳng phải bạn ấy ở kia sao?

Người học sinh đó chỉ vào bàn học của Misaki rồi bảo, “Nhìn xem. Misaki kia kìa. Rõ ràng bạn ấy đang ngồi kia. Bạn ấy vẫn sống và ờ đây mà.” Lần lượt từng học sinh hùa theo. “Phải đấy. Misaki chưa chết, Misaki còn sống, bạn ấy đang ở đây...”

... Ý họ là sao?

Trước cái chết đột ngột của một người được yêu mến, đành rằng sẽ chẳng có ai muốn tin, muốn chấp nhận ngay, nhưng chuyện không kết thúc ở đó. Tình trạng này cứ tiếp diễn một thời gian dài.

Thế là sao?

Thế là, từ đó trở đi, tất cả các thành viên trong lớp đều tiếp tục coi như Misaki còn sống. Ngay giáo viên còn lên tiếng ủng hộ, “Đúng vậy. Đúng như các em nói, Misaki chưa chết. Ít nhất, em ấy vẫn sống như một phần của lớp ta. Kể từ nay, chúng ta sẽ cùng cố gắng học tập. Tất cả hãy cùng nhau tốt nghiệp nhé.” Đại loại là thế.

Nghe cũng cảm động đấy chứ, nhưng tớ cứ có cảm giác ghê rợn sao ấy.

Kết quả là học sinh lớp 9-3 tiếp tục sinh hoạt như thường lệ cho đến hết khóa. Họ để nguyên bàn như cũ, đôi khi còn đặt tay lên bàn và trò chuyện như thể Misaki vẫn ngồi đó, rồi cùng chơi đùa và đi chung đường về khi tan học. Dĩ nhiên tất cả chỉ là giả vờ thôi. Vào ngày lễ tốt nghiệp, hiệu trưởng thông cảm đến mức dành lại một ghế cho Misaki...

Hừm. Chuyện này thật ra cũng không tồi...

Ừ. Cơ bản đây là câu chuyện đẹp có điểm đáng ngợi khen. Nhưng sau chót lại có một cái kết rùng rợn.

Ồ? Rùng rợn thế nào?

Vào lễ tốt nghiệp, mọi người chụp chung ảnh kỷ niệm trên lớp. Sau đó, khi xem ảnh đã tráng rửa, họ nhận ra một chuyện. Trong ảnh chụp cả lớp, đứng ở một góc là một người lẽ ra không thể xuất hiện.

Mỉm cười như bao người khác, nhưng gương mặt tái nhợt hệt như xác chết...

Misaki.

Chú thích:
(1) Ý là không rõ tự dạng chữ Hán của cái tên đó là gì. Bởi vì trong tiếng Nhật, rất nhiều từ phát âm giống nhau nhưng tự dạng Hán tự lại khác nhau.
(2) Tức Chiêu Hòa, niên hiệu Nhật Bản dưới thời cai trị của Thiên hoàng Chiêu Hòa, kéo dài từ năm 1926 đến năm 1989.
(3) Sự kiện năm thành viên của một nhóm thân cộng sản bắt giữ con tin và bắn nhau với cảnh sát xảy ra vào tháng Hai năm 1972 tại Nagano.
(4) Tên gọi chung những mẩu chuyện truyền miệng có nội dung kinh di hoặc huyền bí trong trường học Nhật Bản.
(5) Lớp đầu tiên của trường trung học cơ sở ở Nhật Bản.