Quả cầu bằng pha lê tuyệt đẹp vừa rời khỏi tay Lâm Thái Trân vỡ tan tành, vụn nát. Khi nàng đang hăm hở chạy đến nhà người yêu Hải Trung, người mà theo kế hoạch, chỉ vài tháng nữa đây thôi sẽ chính thức làm chồng của nàng.
Nhưng Thái Trân đã bàng hoàng đến chết điếng khi tận mắt chứng kiến Hải Trung. Người thanh niên mà nàng đã tin tưởng trao trọn cả trái tim mình đang ôm trọn vòng tay một cách tình tứ với một cô gái lạ và rất yêu kiều.
Tiếng đổ vỡ làm cho cuộc âu yếm đột ngột bị gián đoạn. Cả hai thoáng giật mình và tỏ ra khá khó chịu. Họ ngước lên bắt gặp sự xuất hiện đột ngột của Thái Trân. Hải Trung hơi lúng túng, nhưng sau đó anh khẽ mím môi, vòng tay hơi lỏng khỏi cô gái rồi cất giọng nhẹ nhàng:
– Em đi về trước đi. Anh có chuyện muốn nói với bạn một lát. Anh sẽ gọi điện cho em sau.
Cô gái hình như muốn phản ứng điều gì đó. Nhưng sau lại phụng đứng lên khoác túi xách, rồi đột ngột hôn vào má Hải Trung một cái thật kêu rồi ngúng nguẩy bước đi không thèm nhìn Thái Trân thêm một lần nào nữa.
Còn Thái Trân, nàng vẫn còn y nguyên cảm giác bàng hoàng, hóa đá. Chân như đang bị chôn tại chỗ. Còn trời đất thì như vừa sụp đổ dưới chân. Những bức tường thành mà bấy lâu nay nàng xây dệt bằng tất cả tình yêu thương, hoài bão cũng đang vỡ vụn, tả tơi ...
Lúc này thì Hải Trung bước tới giọng khẽ khàng:
– Thái Trân. Em ngồi xuống đi, anh có chuyện muốn nói với em.
Thái Trân hơi lùi một bước, nhìn Hải Trung với ánh mắt ráo hoảnh, ngơ ngác, giọng lạc đi và gần như không thành câu:
– Anh ... Hải ... Trung ... Chuyện gì ... vậy?
– Thì ... em ngồi xuống đi đã.
Thái Trân buông mình xuống ghế một cách vô thức, nặng nề. Và cuối cùng Hải Trung cũng nói:
– Thái Trân à! Thật ra, chuyện này anh đã muốn nói với em từ lâu rồi nhưng không có cơ hội và cũng như không biết mở lời với em như thế nào.
Mím môi một lát, Hải Trung lại tiếp:
– Dù sao như vậy cũng tốt, mọi chuyện em cũng đã thấy rồi đó, bây giờ bọn anh rất vui và hạnh phúc khi ở bên nhau. Thái Trân! Anh đã phản bội lòng tin yêu của em. Anh thành thật xin lỗi.
Những lời nói có vẻ chân thật của Hải Trung càng làm cho trái tim đau đớn của Thái Trân tê dại. Nàng ngước nhìn anh, với ánh mắt lạc lõng gần như vô hồn:
– Tại sao như vậy hả Hải Trung? Chẳng phải tình cảm của chúng ta rất tốt sao? Còn những lời anh đã hứa cũng như biết bao dự định trong tương lai là giả dối sao?
– Xin lỗi Thái Trân. Chưa bao giờ anh có ý lường gạt em dù ở trong suy nghĩ. Nhưng anh cũng không biết tại sao trong một lần đi công tác đã gặp cô ấy.
Anh nhìn cô ấy như cuốn hút lấy hồn anh. Đã bao nhiêu lần anh tự đấu tranh với bản thân và tự nhủ mình là anh đã có em rồi. Nhưng cuối cùng anh đã thất bại ...
Thái Trân! Anh không muốn làm tổn thương đến em đâu. Xin em hãy tha thứ.
Thái Trân cười cay đắng:
– Anh cũng hay thật đấy. Còn tôi, lâu nay cứ mãi là một con ngốc.
Chỉ tay xuống đất, nơi những mảnh thủy tinh nằm vương vãi, nàng tiếp:
– Anh nhìn xem, đây là quả cầu pha lê anh đã trân trọng tặng cho tôi vào cái ngày Valentin đầu tiên chúng ta yêu nhau. Bao năm nay tôi nâng niu giữ gìn như một báu vật, ngày nào cũng mang ra ngắm và tự hào, còn ngô nghê nghĩ tình yêu của mình luôn đẹp và trong sáng như pha lê. Mấy hôm trước đây, vô tình chạm tới khiến nó bị nứt, làm tôi rất buồn cho nên mang đi khắp nơi nhờ người ta dán lại. Và tôi đã bật khóc khi thấy người thợ đã sửa chữa gần như đúng hiện trạng ban đầu không tì vết. Háo hức, mừng rỡ, tôi định mang đến tìm anh để cho anh xem. Nhưng không ngờ cuối cùng nó cũng bị vỡ một cách đáng thương.
Hải Trung gãi gãi đầu một cách lúng túng rồi nói:
– Thì em cũng thấy rồi đó, quả cầu bị vỡ nát ra rồi, không thể ráp lại lành lặn như xưa được nữa rồi. Cũng như ...
Thái Trân nhìn sững Hải Trung, gằn giọng:
– Anh muốn nói đến điều gì? Yên tâm đi, những gì không muốn thấy tôi cũng đã thấy rồi, và những gì anh nói tôi cũng đã nghe rõ. Cũng tốt thôi, chuyện hôm nay có lẽ cũng sẽ kết thúc những ngày ngu muội của tôi.
– Thái Trân à! Anh đã khốn nạn khi không biết trân trọng và giữ gìn tình cảm với em. Anh biết khó mà tha thứ. Điều mà anh mong muốn và xin em hãy đừng quá đau buồn và cố giữ gìn sức khỏe. Anh lúc nào cũng muốn nhìn thấy em vui tươi và hạnh phúc.
Thái Trân cười chua chát:
– Thật thế sao?
– Đúng vậy, Thái Trân! Chúng ta không còn là người yêu của nhau thì hãy là bạn nhé. Vì dù sao anh cũng không muốn xa rời người con gái dịu dàng và đôn hậu như em.
Lại một nụ cười đắng chát trên môi Thái Trân:
– Đủ rồi, Hải Trung. Anh nên để cho tôi còn một chút ấn tượng tốt đẹp về anh.
– Thật mà, Thái Trân. Anh ...
Thái Trân đứng phắt dậy gằn giọng:
– Có lẽ cô gái đẹp đó đang sốt ruột chờ điện thoại của anh đó. Mau gọi cho người ta đi, kẻo người ta giận bây giờ.
Nói xong, Thái Trân bước nhanh ra ngoài. Còn lại trên nền nhà là những mảnh pha lê vụn vỡ, lấp lóa nhưng trông sao mà thảm thương quá!
Và cả một không gian nặng nề tĩnh mịch vừa đưa tiễn một chuyện tình.
Mối tình đầu thơ mộng của nàng kết thúc thế đấy, không ồn ào, cũng không có nước mắt, chỉ có tiếng nổ giòn khô khốc của quả cầu pha lên vỡ và vài lời xin lỗi dư thừa, nhạt nhẽo.
Rời khỏi nhà Hải Trung, Thái Trân cũng như không thể nhớ được bản thân mình đã bước đi qua bao con đường, với trái tim tan nát và tê dại, đôi bàn chân đã mỏi nhừ nặng trịch. Những giọt nắng mong manh cuối cùng trong ngày cũng đã tắt ngấm, chiều tà cũng tắt dần để nhường chỗ cho màn đêm đang chuẩn bị tiến về.
Thành phố lác đác đã lên đèn. Dòng người, xe đang hối hả nhộn nhịp đang cố thật nhanh để mau trở về tổ ấm của mình. Còn nàng như đang trơ trọi lẻ loi, lạc bước ở nơi này. Rồi bước chân đưa nàng đến một công viên. Trước mặt công viên là một bờ sông. Ghé chân ngồi lại bên ghế đá, nàng lơ đễnh nhìn về phía trước. Chiều hoàng hôn, dòng sông yên bình đến kỳ diệu. Dòng nước trong xanh nỉ non chảy, thỉnh thoảng lại mang theo vài khóm lục bình yên ả trôi đi.
Chiều hoàng hôn nhuộm tím cụm hoa lục bình làm cho lòng Thái Trân thêm lạnh giá. Nhìn khắp một lượt công viên giờ này có vẻ khá vắng vẻ, nàng cười chua chát một mình rồi nghĩ. Cũng đúng thôi, giờ này tất cả mọi người có lẽ đang quây quần bên mâm cơm ấm cúng của mình rồi. Có ai lại lang thang như nàng chứ.
Càng về đêm, thành phố càng nhộn nhịp và khoe đủ sắc màu rực rỡ, còn nơi công viên này thì như tách biệt hoàng toàn với thế giới bên ngoài, nó lặng lẽ và cô tịch giống như lòng nàng vậy.
Rồi ... bất chợt ánh mắt lơ đãng mệt mỏi của Thái Trân bắt gặp và dừng lại bên ghế đá bên cạnh chỉ cách nàng vài bước chân. Nơi ấy, qua ánh sáng mờ mờ chập choạng có một dáng người đang ngồi gần như bất động. Dù ánh sáng không đủ nhưng nàng cũng dễ dàng nhận ra đó là một thanh niên tầm thước.
Nàng không thể phân biệt anh là người như thế nào, nhưng có thể nhìn sơ được ở đôi mắt anh, nó to, đen và lấp lánh sáng nhưng hình như trong đó đang chứa đựng điều gì thật u ám nặng nề như bóng đêm đang bao trùm công viên vắng lặng này vậy. Nhưng điều ở anh mà làm cho Thái Trân quan tâm nhất là, trên tay anh đang cầm một lon bia, và lăn lóc trên bãi cỏ dưới chân là những vỏ lon bia đã trống rỗng lấp lóa dưới ánh đèn đường. Chưa hết, bên cạnh anh, trên ghế đá vẫn còn mấy lon đang để đó mà Thái Trân đoán rằng nó chưa được khui. Bần thần một lúc rồi nàng tự hỏi. Mình cần gì nhất trong lúc này? Không cần câu trả lời, Thái Trân đứng dậy bước đến bên cạnh giọng khẽ khàng:
– Anh ơi!
Không nao núng, người thanh niên quay lại với ánh nhìn thờ ơ buông giọng:
– Có chuyện gì không?
– À ... anh có thể cho tôi một lon bia không?
Đột nhiên người thanh niên nhìn sững Thái Trân, rồi cũng rất nhanh trở lại trạng thái bình thản môi hơi mím lại vẻ mỉa mai, hình như anh đang nghĩ đến một cô gái “ăn sương” đang câu khách. Sau phút giây chờ đợi, Thái Trân lại bắt gặp vẻ mặt lạnh băng nên tỏ ra thất vọng, giọng nhẹ tênh:
– Nếu không tiện thì thôi vậy. Cảm ơn anh.
Và quay bước. Nhưng ...
– Khoan đã ...
Vẫn thái độ dửng dưng, người thanh niên cầm một lon bia đưa về phía Thái Trân:
– Nếu cô thích thì cứ lấy uống.
Thái Trân quay lại đón nhận lon bia từ tay anh, hơi chần chừ nhưng cũng nhỏ giọng:
– Cảm ơn anh nhiều lắm.
Rồi nàng định quay về chỗ ngồi của mình. Nhưng không hiểu tại sao nàng lại lên tiếng tiếp và chỉ tay xuống băng ghế đá còn một khoảng trống cạnh chỗ anh đang ngồi, có lẽ lúc này Thái Trân rất sợ lẻ loi một mình chăng:
– Tôi có thể ngồi ở đây được không?
Người thanh niên cũng không hề tỏ ra một chút phản ứng đồng tình hay phản đối. Nhưng nếu nhìn kỹ một chút thì thấy đôi chân mày anh đang chau nhẹ, khi tay lùa những lon bia về phía mình. Chỉ chờ có thế ... - mà đối với Thái Trân lúc này, nàng cũng không còn lòng dạ nào để quan tâm đến chuyện gì khác - nên ngồi xuống và lặng lẽ khui bia và đưa lên miệng uống ừng ực như một kẻ chết khát từ bao giờ. Vị cay nồng, đắng chát của bia làm cho nàng choáng váng.
Nhưng chỉ vài phút sau thì thấy như tỉnh hẳn ra. Mà đối với Thái Trân lúc này thì tỉnh để làm gì chứ. Thế là nàng lại đưa lon bia lên miệng ... Chỉ vài lần như thế, lon bia đã nhẹ tênh và trống không. Chần chừ một lúc, Thái Trân quay sang bên cạnh và đột ngột chạm ánh mắt của người thanh niên đang nhìn với vẻ lạ lẫm tò mò. Hơi chút bối rối và lúng túng, giọng nàng ấp úng:
– Tôi ... tôi hết bia rồi.
Không nói không rằng, người thanh niên lại đẩy một lon bia về phía nàng, chỉ chờ có thế,Thái Trân lại vơ lấy, và sau đó chỉ còn nghe tiếng khui bia nổ giòn và những dòng nước cay nồng cứ chảy ồng ộc qua cổ họng của hai người, hòa theo đó là tiếng gió mang theo hơi nước từ dòng sông trước mặt, lạnh giá ...
Trời đêm đã tối hẳn. Thành phố đã khoác lên mình một chiếc áo màu sặc sỡ, nhộn nhịp. Còn nơi góc công viên này, vẫn hai bóng người lặng lẽ. Dưới chân họ, những lon bia trống rỗng nằm lăn lóc trên bãi cỏ. Người Thái Trân cũng đã ngây ngây vì men bia, cô nhìn sang bên cạnh với ánh mắt nuối tiếc, giọng lè nhè:
– Hết bia rồi ...
Người thanh niên vẫn im lặng, hình như anh cũng đã chớm say, rồi lặng lẽ lấy trong túi ra một chai có màu nâu sẫm làm cho Thái Trân tò mò hỏi:
– Là ... gì vậy?
– Chai rượu đó!
Thái Trân trợn mắt, đầu thì hơi ngật ngưỡng:
– Cái gì? Hết bia rồi anh định uống rượu à? Mà ở đâu ra vậy?
– Tôi đem theo đó.
Thái Trân tỏ ra thích thú, đùa:
– Thì ra anh cũng là bợm à?
Người thanh niên trả lời một cách ngô nghê đến tội nghiệp:
– À, không! Nhưng vì tôi sợ uống bia thì không đủ say nên ...
– Nên anh chuẩn bị thêm một chai rượu to đùng như thế này à?
Rồi đột nhiên Thái Trân bật cười khan, châm chọc:
– Anh cũng quỷ quyệt thật!
Nói xong, nàng đưa mắt lờ đờ vì men rượu nhìn anh, giọng lè nhè:
– Mà sao anh ngồi đây uống có một mình vậy? Mà còn muốn uống cho say nữa?
Trong khi người thanh niên đang lặng lẽ cầm chai rưọu chưa kịp lên tiếng thì Thái Trân lại khoát tay vẻ bất cần:
– Mà thôi, anh khỏi trả lời. Mà anh cũng đừng hỏi tôi gì nhé. Nếu anh có lòng tốt thì mau khui chai rượu đó và cho tôi uống với. Chắc cũng giống như anh, tối nay tôi chỉ sợ mình không được say thôi.
Chỉ chờ có thế, người thanh niên nhanh nhảu khui chai rượu. Giống một đôi bạn thân, họ chia nhau từng ngụm rượu đắng chát, nâu thẫm, nhưng lặng lẽ, không ai nói thêm một lời nào. Họ cứ uống và bất chấp những gì đang diễn ra xung quanh, thỉnh thoảng cũng có vài cặp mắt soi mói nhìn vào với những lời bình luận xì xào.
Rồi những cơn gió đêm càng lúc càng mạnh và lạnh buốt. Nhưng mặc, bởi vì đối với họ lúc này, hình như chỉ có một mục đích duy nhất là uống, uống và phải thật say. Và cứ thế, những giọt rượu đắng chát như không ngừng chảy vào cổ họ. Càng lúc càng ngậm ngùi, đau xót ...
Vừa thấy Trúc Hằng hấp tấp dựng xe ở ngoài cổng, bà Thái Xuân vội vã chạy ra, lưỡi như đang líu lại vì lo lắng:
– Trời ơi! Trúc Hằng! Con về thì may quá, bác đến suýt ngất vì trông đợi và lo lắng ...
Trúc Hằng tỏ ra ngơ ngác nhưng rồi lại vồn vã hỏi:
– Có chuyện gì vậy bác? Mà Thái Trân đâu? Chẳng lẽ ...
Trúc Hằng vội im bặt vì vừa nhìn vào trong nhà thấy vắng tanh lạnh lẽo, cũng không thấy sự hiện diện của Thái Trân. Linh tính bảo có chuyện gì đó đã xảy ra, nhưng cô chưa kịp lên tiếng thì giọng bà Thái Xuân như đang nghẹn lại và tỏ ra bất an, lo lắng tột cùng:
– Thái Trân ... mà ngày hôm nay Thái Trân và con có liên lạc gì với nhau không?
– Dạ .... lúc sáng khi dắt xe ra đi làm, con cũng gặp Thái Trân dắt xe ra. Bọn con còn nói đùa vài câu, sau đó thì mạnh ai nấy đi.
– Thì lúc đó bác cũng thấy. Nhưng từ đó đến giờ, hai đứa có liên lạc với nhau nữa không?
– Dạ không. Vì hôm nay việc ở công ty hơi nhiều nên con không có gọi điện cho Thái Trân. Mà có chuyện gì sao bác? Thái Trân đâu?
Câu trả lời cùng câu hỏi của Trúc Hằng càng làm cho bà Thái Xuân càng thêm bấn loạn cả lên, linh tính của một người mẹ khiến cho bà Thái Xuân gần như muốn nghẹt thở. Mặt bà trở nên xám ngắt, giọng nghẹn ngào đứt quãng:
– Bác không ... biết nữa! Hay là con bé đã xảy ra chuyện gì rồi? Vì tan sở đã lâu mà vẫn chưa thấy nó về, bác nóng lòng gọi điện nhưng đều không liên lạc được. Trời thì càng lúc càng tối. Trúc Hằng ơi! Có phải Thái Trân đã xảy ra chuyện gì không con?
Nghe bà Thái Xuân nói, đột ngột những điều hoang mang lo lắng từ bà dường như đã chuyển sang hết cho Trúc Hằng. Cô vô cùng bất an, vì đây là lần đầu tiên Thái Trân “mất tích” như vậy. Bởi vì Thái Trân là một cô gái rất là ngoan hiền. Xưa nay vừa xong công việc là lo chạy ngay về với mẹ. Còn nếu có công việc gì đột xuất thì cũng sẽ gọi điện về báo tin. Nhìn đồng hồ tay, đã hơn chín giờ đêm rồi còn gì. Vội vàng, Trúc Hằng hấp tấp, mở giỏ lấy điện thoại bấm nút gọi ngay cho Thái Trân nhưng chỉ nhận được tiếng “tít ... tít ...” hoặc giọng nói khoan thai của cô tổng đài:
“ ... Số máy quý khách vừa gọi đang nằm ngoài vùng phủ sóng. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau”.
Gọi lại nhiều lần đều nhận được tín hiệu như thế, dừng lại một giây, Trúc Hằng lại chuyển số gọi ngay cho Hải Trung. Sau vài giây căng người ra chờ đợi và lại cũng nhận được tín hiệu ngoài vùng phủ sóng, cô nhìn sang, thấy bà Thái Xuân đang tỏ ra lo lắng đến tột độ nên cố nở một nụ cười thật tươi và nói để cho bà yên tâm:
– Chắc không có chuyện gì đâu bác. Máy của Thái Trân không liên lạc được, có lẽ vì nơi nó làm việc toàn là kính nên sóng yếu. Mà con còn nhớ mấy hôm trước Thái Trân có bảo với con là sắp có một đợt kiểm tra lớn ở công ty. Lúc đó cả nhân viên đều vị cấm túc, ngay cả điện thoại cũng không được mở. Mà nó có nói với bác như vậy không?
Gương mặt của bà Thái Xuân hơi giãn và rồi gật gù:
– Phải rồi, nhờ con nhắc, bác mới nhớ, Thái Trân đã từng nhiều lần nói với bác điều đó. Mà đã làm một kế toán trưởng nên mấy hôm nay trông con bé bận rộn lắm. Đêm nào nó cũng cặm cụi bên máy vi tính đến khuya làm bác xót cả lòng.
Dù tâm trạng vẫn còn bất an nhưng Trúc Hằng cố nói để bác Xuân yên tâm hơn:
– Cũng có lẽ chú tâm đến công việc quá mà Thái Trân đã quên báo cho bác biết. Thôi, đêm cũng đã khuya rồi. Bác mau về nghỉ ngơi trước đi. Mà hình như con nhớ không lầm thì sáng mai bác còn phải đi hành hương với mấy người bạn nữa, phải không?
– Đúng như vậy, nhưng bác không yên tâm.
– Lo cho Thái Trân chứ gì? Thôi, con bé đoảng đó hãy giao cho con. Để con vào nhà tắm rửa thay đồ rồi con sẽ đến công ty Thái Trân. Con biết con nhỏ đó hễ nhào đến công việc thì quên cả ăn uống. Con sẽ mua một tô mì tàu thật lớn để tới phạt nó mới được.
Dù Trúc Hằng đã nói như thế nhưng trông bà Xuân vẫn còn vẻ phân vân:
– Nhưng liệu ...
Trúc Hằng vội gạt phắt những suy nghĩ trong đầu bà mà cô đã đọc được:
– Con đã nói là Thái Trân không sao mà. Còn bác bộ muốn hủy chuyến hành hương này sao? Bộ bác không nhớ khó khăn như thế nào Thái Trân mới giành được mấy cái vé về cho bác sao? Như thế thì tội cho Thái Trân biết dường nào.
Bác yên tâm mau vào nhà nghỉ ngơi sớm để khuya nay xuất hành cùng mọi người. Còn ở nhà, Thái Trân để con lo. Con dám lấy tính mạng mình ra để đảm bảo khi bác trở về thì con gái yêu của bác sẽ không bị trầy xước gì dù chỉ là một móng tay nhỏ.
Những lời rắn rỏi của Trúc Hằng làm cho bà Xuân cũng yên tâm phần nào.
Bà cười nhẹ rồi nói:
– Còn có con, thì bác cũng yên tâm lắm. Nhưng nếu bao giờ Thái Trân xong công việc về thì nói nó gọi cho bác nhé.
– Tất nhiên rồi. Và con cũng sẽ phạt con bé vì cái tội đi mà không báo. Con chúc bác chuyến hành hương yên lành và vui vẻ.
Chờ cho bà Xuân đi khuất sau cánh cửa thì Trúc Hằng nhìn vào chiếc điện thoại đang lặng lẽ như tờ và thảng thốt gào lên trong cổ họng:
– Thái Trân ơi! Giờ này mày đang ở đâu vậy? Đừng xảy ra chuyện gì nhé!
Và kim đồng hồ đã dần nhích qua con số mười một. Con phố êm đềm đang đi vào giấc ngủ. Còn bóng dáng Thái Trân thì không biết đang ở phương nào ...
Những âm thanh ồn ào nơi con phố nhỏ, sầm uất đã làm cho Thái Trân khẽ trở mình cũng chưa hẳn tỉnh giấc. Nàng cảm nhận như có một vật gì đó khá nặng đang đè lên một phần thân thể mình, tê buốt. Với cái đầu nặng như treo đá, Thái Trân khó nhọc nhướng đôi mắt nặng trịch, nhưng vội nhắm nghiền lại ngay vì ánh sáng chói lòa đang xộc vào mắt. Cay xè. Lấy bàn chân cọ cọ, nàng cảm nhận được có một người đang ngủ cùng giường với mình. Sau một phút hơi ngỡ ngàng, rồi Thái Trân lại thở phào, cất giọng lè nhè biếng nhác:
– Trúc Hằng! Mày sang ngủ với tao hồi nào vậy? Mau thức dậy đi, nắng lên cao rồi kìa. Trễ giờ làm cho xem. Nhớ điện thoại đến công ty xin cho tao nghỉ một buổi. Tao mệt quá không muốn dậy.
Rồi Thái Trân nằm yên để nghe phản hồi của bạn. Một giây, hai giây ... rồi một phút ... hai phút trôi qua vẫn không nghe thấy bạn phản ứng gì. Đã thế, Thái Trân còn nghe rõ mồn một hơi thở đều đều, người bên cạnh dường như còn đang ngủ rất say. Vẫn đôi mắt nhắm nghiền biếng nhác, giọng nàng càu nhàu nhừa nhựa:
– Trúc Hằng ... dậy đi muộn quá rồi!
– ...? ...? ...!
– Trúc Hằng!
Không chịu nổi sự “chây lì” của bạn, Thái Trân định ngồi dậy, nhưng thấy đầu nhức và nặng như bị treo đá nên không thể. Nàng xoay lại và đẩy nhẹ một phần thân thể đang đè nặng trên một phần thân thể nàng đang tê buốt, nhướng đôi mắt vẫn còn díp lại vì mệt mỏi, và ...
– Á ... á ... á ...
Tiếng hét thảng thốt kinh hoàng của Thái Trân như muốn xé toạc bốn bức tường của căn nhà nhỏ làm người nằm bên cạnh nàng cũng thảng thốt tỉnh ngủ và ngồi bật dậy với vẻ thất thần ngơ ngác. Thì ra là một thanh niên đang há hốc mồm nhìn chăm chăm vào Thái Trân. Lúc này nàng với đầu tóc bù xù và áo quần mong manh, trên thân thể nàng lúc này như chỉ còn lại độc bộ đồ lót để lộ cả phần da thịt trắng nõn nà. Theo ánh mắt của người thanh niên lúc này, Thái Trân mới sực nhớ và cúi xuống nhìn lại mình. Bàng hoàng, nàng hét lớn:
– Không được nhìn, mau quay đi chỗ khác!
Rồi run rẩy kéo tấm chắn quấn vội lên thân thể mình, và trong cơn bàng hoàng này, nàng cũng dễ dàng nhận thấy được quần áo, giày dép của nàng và người thanh niên kia rơi vãi một cách bừa bãi trong căn phòng nhỏ. Giọng Thái Trân đầy vẻ giận dữ, nhưng nghẹn lại như muốn khóc, khi nhìn người thanh niên đang co rúm trong chiếc gối và chỉ có chiếc quần soọc trên người:
– Anh là ... ai ...?
Người thanh niên quay lại ấp úng đến tội nghiệp:
– Tôi ... tôi ...
– Quay đi nơi khác không được nhìn tôi! Thái Trân hét lớn làm người thanh niên hoảng hốt răm rắp quay đi.
Rồi giọng nàng lại hằn học:
– Hãy nói cho tôi biết anh là ai. Tại sao lại ở nhà tôi và ngủ cùng giường với tôi?
Người thanh niên quay lại. Nhưng ...
– Không được quay lại!
Thái Trân lại hét lên. Rồi giọng người thanh niên ngây ngô đến tội nghiệp:
– Tôi ... không biết. Nhưng đây là nhà của tôi và tôi cũng muốn biết là tại sao cô có mặt ở đây và ngủ cùng với ... tôi.
Thái Trân định phản ứng lại câu trả lời của người thanh niên, nhưng nhìn lại khắp căn phòng nhỏ và ngoài những quần áo của nàng và người thanh niên vương vãi trên sàn nhà, còn lại rất đơn sơ ngăn nắp gọn gàng. Và nàng thấy hoàn toàn xa lạ, không có một chút ấn tượng gì với căn phòng này. Giọng Thái Trân gần như rên rỉ:
– Là phòng của anh thật sao?
– Phải đó! Nhưng nói thật, tôi không biết cô là ai và tại sao chúng ta lại ngủ chung, tôi không nhớ gì cả.
Cơn buồn ngủ dường như đã tỉnh hẳn, Thái Trân người như muốn đổ xuống, giọng rên rỉ:
– Nhưng ... anh là ai?
Người thanh niên định quay lại nhưng nhớ đến lời cảnh báo của Thái Trân nên thôi. Giọng anh từ tốn:
– Tôi tên là Chung Trác Khiêm. Căn phòng này là của tôi. Còn cô, nhà cô ở đâu?
Kéo tấm chăn mỏng manh che lại phần vai trần, Thái Trân nhắm nghiền mắt rồi lên tiếng:
– Để tôi nhớ lại xem! Nhưng anh không được quay lại đó!
Người thanh niên trấn an:
– Cô yên tâm đi, tôi sẽ không quay lại đâu!
Rồi Thái Trân đưa tay bóp trán hồi tưởng lại những ký ức sau cùng. Sáng dắt xe chào mẹ đi làm, gặp Trúc Hằng ngay ở cổng, đùa vội vài câu rồi đến công ty ... Rồi tan sở, rồi đến cửa hàng lấy quả cầu pha lê đã nhờ người ta sửa chữa.
Sau đó hớn hở đón xe đến nhà Hải Trung ... Trời ơi! Vừa nghĩ đến cái tên đó, Thái Trân vội ôm lấy ngực, mặt hằn lên nét đau đớn, cảm giác như trái tim mình như bị nát vụn như hình ảnh quả cầu pha lê vỡ tung tóe nằm rải rác trên nền nhà.
Thời gian lặng lẽ trôi qua trong yên lặng, nặng nề, vẫn không nghe Thái Trân nói gì, vì xoay lưng về phía nàng nên Trác Khiêm cũng không thể thấy được phản ứng của nàng ra sao. Giọng anh khẽ khàng lên tiếng:
– Cô ơi, cô sao rồi?
– ...! ...!
– Cô ơi cô không sao chứ?
Vẫn không có tiếng trả lời, hình như Trác Khiêm nghe được tiếng nấc rấm rứt, quên cả lời cảnh báo của cô gái, anh vụt quay lại và cũng kịp bắt gặp hai giọt nước mắt long lanh vừa lăn dài trên đôi má trắng ngần. Lo lắng xen lẫn xót xa, Trác Khiêm ân cần:
– Cô ơi, có chuyện gì xảy ra phải không?
Quên hẳn chuyện mình gần như lõa lồ trong tấm chăn mỏng trước mặt chàng trai lạ, Thái Trân ngước đôi mắt đầy lệ, thổn thức:
– Buổi tối ở công viên vắng lặng, những lon bia và chai rượu mạnh ... có một thanh niên ngồi lặng lẽ ... có phải ... người đó ... là anh không?
Như vừa được đánh thức dòng ký ức vừa tạm ngủ mê, Trác Khiêm choàng tỉnh và không khó để bắt gặp đôi mắt anh tối sầm trên gương mặt buồn chất ngất. Thấy Trác Khiêm ngồi yên như bức tượng, Thái Trân gắt:
– Có phải là anh không?
Dường như Trác Khiêm cũng lờ mờ nhớ ra chuyện nên anh chỉ nhìn Thái Trân, khẽ gật đầu mà không dám lên tiếng. Như chỉ chờ có thế, Thái Trân nhìn lên, vừa khóc nấc vừa đấm vừa cấu vào bờ ngực trần khá vạm vỡ của Trác Khiêm, hét lên:
– Ai cho phép anh ... ngồi đó? Tại sao anh lại cho tôi uống rượu?
Trác Khiêm không né tránh mà anh chỉ ngồi yên chịu đựng những cú cấu đau nhói của Thái Trân, cho đến khi nàng mệt nhoài buông tay rồi rũ xuống thổn thức. Nhìn đôi vai trần cô gái run lên, tự nhiên Trác Khiêm trải lòng:
– Hình như cô vừa xảy ra biến cố. Còn tôi, cô có biết không? Chứng kiến người con gái mình yêu suốt một năm trời tay trong tay với một người thanh niên khác. Đau đớn hơn, còn chính tai nghe từ miệng cô ấy nói lời kết thúc sau biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp. Cô nghĩ xem một người thanh niên như tôi lần đầu tiên bị cú sốc tình cảm trong cuộc đời thì phải làm sao? Quá phũ phàng, quá đau đớn nên tôi đã tìm tới men rượu. Nhưng thú thật đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi mới nếm thứ nước có men cồn đắng chát đó với hy vọng được say để quên đi mọi thứ. Và tôi đã lờ mờ nhớ là cô đã đến ... Rồi sau đó thì tôi đã không còn nhớ gì hết. Và không biết chúng ta về đây kể từ khi nào và bằng cách gì.
Nói thật, dù rất đau khổ và hụt hẫng nhưng tôi vẫn còn những hy vọng mong manh là người yêu tôi sẽ quay lại, vì ngày thường cô ấy đôi lúc cũng hơi nông nổi.
Rồi anh cười chua chát tiếp:
– Nhưng nếu bây giờ đột nhiên cô ấy đến đây, thấy cảnh tượng này thì ...
Vừa nói đến đó, biết mình đã lỡ lời, Trác Khiêm vội im bặt và tỏ ra lúng túng:
– Xin lỗi, tự nhiên tôi sẵn miệng nói ra thôi chứ tôi không có ý gì khác.
Trong khi Trác Khiêm cố ngồi yên lặng để chờ cô gái phản ứng. Nhưng không, một phút rồi hai phút trôi qua, nàng vẫn ngồi yên bất động, chỉ có đôi vai trần thỉnh thoảng lại run lên kèm theo những tiếng khóc rất nghẹn. Mảnh chăn mỏng trên người cũng trễ xuống để lộ từng làn da trinh nữ trắng mịn màng Thái Trân cũng không buồn che lại trước một người thanh niên lạ. Đối diện hình ảnh như thế làm cho Trác Khiêm không khỏi bối rối. Anh muốn đưa tay kéo lại tấm chăn cho cô gái nhưng lại thấy không tiện và quay đi. Chưa biết làm gì trong lúc này thì bỗng nhìn thấy một tấm thẻ nhân viên đang nằm dưới đất, với tay nhặt lên rồi hỏi một câu hơi thừa vì trong tấm thẻ đã có hình của Thái Trân cũng như công việc của nàng:
– Cô tên là Lâm Thái Trân, tấm thẻ này có phải là của cô không?
Vẫn không nghe Thái Trân lên tiếng. Nhưng bất chợt Trác Khiêm nhìn thấy áo quần của cô gái vương vãi trên nền nhà vội nhặt lấy, rồi đưa về phía Thái Trân, giọng ngập ngừng:
– Hay là cô hãy thay đồ trước đi nhé, chúng ta sẽ nói chuyện sau.
Chỉ tay về phía căn phòng nhỏ, anh tiếp:
– Đó là nhà vệ sinh, tuy hơi cũ kỹ một chút nhưng khá sạch sẽ. Hy vọng nó sẽ giúp cô tỉnh táo hơn.
Nãy giờ có nhiều chấn động xảy ra quá, đến khi nghe Trác Khiêm nói, Thái Trân mới hốt hoảng vơ vội quần áo. Cũng may lúc này Trác Khiêm đã tế nhị nhìn đi nơi khác. Nàng chạy biến và khuất sau cánh cửa nhỏ. Còn lại một mình, Trác Khiêm mới kịp buông tiếng thở phào. Nhưng khi cúi xuống nhìn mình, anh nóng ran cả mặt vì có khác gì cô gái, trên người anh chỉ là chiếc quần cộc mỏng manh. Không có thời gian suy nghĩ, Trác Khiêm vội thu xếp nhanh đống mùng màn nhàu nát, dọn dẹp mọi thứ.
Khi căn phòng nhỏ đã gọn gàng và Trác Khiêm trang phục đã tươm tất thì cùng lúc cánh cửa nhỏ động đậy rồi bật mở. Thái Trân bước ra, dù áo quần không được thẳng mấy nhưng khá gọn gàng nhất là mái tóc rối bù đã được chải suôn mượt xõa dài trên bờ vai thon gọn. Gương mặt nàng đẹp khả ái không trang điểm làm cho Trác Khiêm ngỡ ngàng và anh phải đứng ngây ra hàng phút liền. Hình như Thái Trân cũng nhận ra điều đó, sau phút bối rối, khẽ lên tiếng:
– Chào anh ...
– À ... ờ ... cô đã đỡ hơn rồi phải không?
– Cám ơn anh, tôi không sao.
Trác Khiêm bưng ly sữa nóng mà anh vừa pha sẵn rồi đưa tay chỉ về phía bộ bàn nhỏ rồi nói:
– Cô ngồi xuống đi. Chắc cô đã đói. Mà nhà thì không có gì ăn, hay là cô uống đỡ một chút sữa. Chắc là sẽ khá hơn.
Thái Trân nghe khẽ chào người thanh niên rồi nhanh chân rời khỏi chỗ này, nhưng khi nhìn thấy ly sữa thơm lừng đang bốc khói thì thấy bụng mình đang réo lên rồi đột nhiên nàng đưa tay đón ly sữa:
– Cám ơn anh nhiều.
Xong, nàng ngồi xuống đưa ly sữa lên miệng uống ngon lành dù sữa đang còn nóng.
Trác Khiêm không bỏ qua bất kỳ cử chỉ nào của nàng. Đến khi Thái Trân để ly sữa không xuống, anh mới ngập ngừng lên tiếng:
– Cô Thái Trân à! Tôi rất lấy làm tiếc và thật lòng xin lỗi cô vì chuyện đã xảy ra. Dù tôi không thể nhớ được điều gì cả. Nhưng tôi sẽ không ... tôi hứa sẽ chịu trách nhiệm nếu trong cơn say đó tôi đã làm chuyện ... cô hãy tin tôi.
Thái Trân bất ngờ trừng mắt nhìn Trác Khiêm. Nhưng đột ngột nàng lại nhắm nghiền mắt. Hình như nàng cũng nghĩ đến hình ảnh đó rồi nén tiếng thở dài, giọng nhẹ tênh:
– Nhà anh ở đây hả?
Trác Khiêm lại lúng túng:
– Ờ ... không! Căn phòng này là do tôi thuê để ở trọ. Tôi ... tôi là sinh viên mới tốt nghiệp ngành xây dựng và mới đi làm thử việc được ba tháng rồi.
Thái Trân buông thõng người xuống ghế, cảm thấy bẽ bàng. Không phải nàng hám giàu. Nhưng nhà chỉ có hai mẹ con, mà mẹ nàng thì bao nhiêu năm nay đã cay đắng nhọc nhằn lo cho nàng ăn học thành tài. Mới đi làm chưa được bao lâu, chưa kịp cho mẹ cuộc sống an nhàn sung túc, nếu thực sự chuyện đã xảy ra, mà người thanh niên này đến cái nhà cũng phải đi thuê ở trọ thì ...
Nhưng hình như Trác Khiêm đã đọc được những suy nghĩ của nàng nên vội lục lọi trong túi xách ra một mớ giấy tờ đưa cho Thái Trân:
– Nếu cô không tin tôi thì đây, tất cả giấy tờ tùy thân cũng như bằng tốt nghiệp của tôi, cô hãy giữ lấy làm tin. Nếu thật sự giữa hai đứa mình không xảy ra chuyện gì thì cô trả lại sau cho tôi cũng được.
Giọng Thái Trân thiểu não:
– Còn nếu xảy ra chuyện gì thì sao?
Người thanh niên hơi khựng lại, mắt nhìn xa xăm rồi quay về phía Thái Trân với ánh mắt chân thật:
– Thái Trân, dù hai ta hoàn toàn xa lạ, chưa biết gì về nhau. Nhìn cô, tôi có thể đoán được cô là một cô gái đoan trang, trinh khiết. Nhưng nếu đêm qua trong cơn say đó đã xảy ra chuyện gì, tôi xin nhận đó là lỗi của tôi và tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Biết rằng hiện tại tôi không có nhiều tiền. Nhưng tôi sẽ cố gắng làm việc để cho cô không phải chịu thiệt thòi.
Thái Trân ôm lấy đầu, nàng nghe nhức buốt và rối tung như mớ bòng bong.
Làm cho Trác Khiêm càng lo lắng hơn:
– Thái Trân, cô không sao chứ? Hay là cô uống thêm một ly sữa nữa nhé?
– Cám ơn anh nhiều. Tôi nghĩ tôi phải đi về thôi, mọi chuyện hãy nói sau nhé.
– Nhà cô ở đâu? Hay để tôi đưa cô về.
– Không. Cảm ơn. Tôi sẽ tự đi về.
Biết không thể can ngăn Thái Trân, nên Trác Khiêm vội sắp xếp lại các giấy tờ của mình bỏ vào túi xách của Thái Trân. Nàng định ngăn lại và bảo không cần làm thế, nhưng không hiểu sao lại thôi và đứng lên cầm túi nói:
– Chào anh, tôi về đây. Cảm ơn ly sữa của anh. Hy vọng là chúng ta đã không xảy ra chuyện gì.
– Mà khoan đã ... tôi ... làm sao tôi có thể liên lạc được với cô?
Không cần suy nghĩ, mà hình như lúc này Thái Trân cũng không còn đầu óc để suy nghĩ, nàng chán chường, mở túi xách và lấy một tấm danh thiếp đưa cho Trác Khiêm. Anh hấp tấp đón lấy nhưng giọng còn ấp úng:
– Xin cô hãy bảo quản tồt những giấy tờ của tôi. Nhất là tấm bằng tốt nghiệp.
Vì vất vả lắm tôi mới có được nó.
Không trả lời, nàng chỉ mím môi gật đầu và bước nhanh ra ngoài như sợ ai đó nhìn thấy.
Còn lại một mình, Trác Khiêm thấy hụt hẫng. Nhưng rồi chợt nhớ đến tờ danh thiếp đang cầm trên tay. Nó được làm bằng một thứ giấy có mầu hồng kem phảng phất mùi hương thoang thoảng và nắn nót đọc:
“Lâm Thái Trân. Chức vụ:
Kế toán trưởng, công ty thương mại quốc tế Thái Bình Dương.
Điện thoại ...”.
Bà Ngân Hoa bước xuống chiếc xe hơi bốn chỗ ngồi màu đen bóng loáng sang trọng vừa dừng lại bên vệ đường. Đây chưa phải là nơi bà dừng chân nhưng vì con hẻm nhỏ quá, chiếc xe lại to lớn thế kia không thể vào được nên bà miễn cưỡng bảo tài xế dừng lại, còn mình thì đi bộ vậy.
Người đàn bà sang trọng với bộ quần áo, giầy dép đắt tiền. Trang sức lộng lẫy, gương mặt được trang điểm khá kỹ cho nên đã che được những nếp nhăn trên khuôn mặt của một người đàn bà sắp bước qua tuổi sáu mươi. Trên người bà được phủ lên mùi nước hoa đắt tiền ngào ngạt. Bước đi trên con hẻm nhỏ ngột ngạt lổm chổm đá vì chưa được tráng xi măng, bên cạnh là những căn phòng trọ ẩm thấp tồi tàn. Khuất sau những cánh cửa khép hờ có vài đôi mắt dõi theo bà vừa soi mói vừa ngưỡng mộ. Vài giọt mồ hôi đã bắt đầu lấm tấm trên tránvà hai bên thái dương, bà Ngân Hoa hằn học càu nhàu:
– Nơi như thế này làm sao có thể để cho con người ở được chứ. Thật không thể hiểu nổi.
Vẫn những bước chân khập khiễng trên sỏi đá gồ ghề, bà Ngân Hoa mở túi xách định lấy khăn giấy chặm mồ hôi thì ... bỗng bị va vào thật mạnh suýt té nhào. Cũng may, trong lúc hốt hoảng, bà kịp chụp lấy cây sắt gỉ sét của một hàng rào cũ kỹ bên tường. Vẫn chưa kịp định thần nhưng bà cũng kịp bắt gặp đó là một cô gái nhưng chỉ thấy được phía sau lưng với mái tóc xõa dài, tay ôm ngực thở hổn hển. Vừa lúc đó thì tấm lưng cô gái và mái tóc cũng vừa khuất sau khúc cua của con hẻm. Cơn giận dữ bốc lên, bà hằn học:
– Người gì thiếu giáo dục! Con cái nhà ai đi gì như cướp, đụng người ta mà có mỗi tiếng xin lỗi cũng không biết mở mồm ra mà nói.
Biết đứng mãi đây lảm nhảm cũng bằng thừa nên bà đành nuốt giận và bước đi tiếp. Cuối cùng rồi bà cũng dừng chân nơi mà mình đã cần đến. Vẫn tiếng thở dài muôn thuở khi mỗi lần đến đây. Thì ra đó chính là căn phòng mà Thái Trân vừa hối hả lao ra.
Trong khi đó, nãy giờ Trác Khiêm vẫn còn ngẩn ngơ dán mắt vào chiếc danh thiếp. Nhưng cuối cùng anh cũng bị vực dậy không phải bởi tiếng động nào, mà chính là mùi nước hoa toát từ con người bà Ngân Hoa. Mùi nước hoa vừa quen thuộc vừa xa lạ, nhạt nhòa. Không một lời chào, anh lãnh đạm bỏ vào trong ngồi vào chiếc bàn làm việc cũ kỹ của mình, cũng là nơi mà Thái Trân vừa ngồi trước khi ra về.
Hình như đã quen với hình ảnh đó, bà Ngân Hoa chỉ nén tiếng thở dài rồi miễn cưỡng bước vào nhà. Nhìn khắp căn phòng, vẫn vài vật dụng cá nhân đơn giản sơ sài đến mức không thể đơn giản hơn, bà gằn giọng:
– Trác Khiêm, cậu vẫn sống như vậy sao? Tại sao cậu vẫn cố chấp như vậy chứ?
Nhìn bà Ngân Hoa, Trác Khiêm cười mỉa mai:
– Thì sao chứ? Chẳng phải bao nhiêu năm nay tôi vẫn sống mà còn sống khỏe như thế này sao?
– Tôi ... cậu ... Thôi, không nói chuyện này nữa. Vì hôm nay tôi đến đâykhông phải muốn đôi co chuyện ăn, ở của cậu.
– Vậy thì bà còn tới đây làm gì, dù bà biết chắc rằng tôi không hề muốn tiếp đón?
– Cậu tưởng tôi muốn tới đây sao? Thật cậu làm cho tôi tức muốn chết đi được.
Vẫn thái độ thờ ơ nhưng rồi Trác Khiêm cũng lên tiếng:
– Xin lỗi bà, giữa tôi và bà không có gì liên quan. Chuyện tôi, tôi làm. Tôi nhớ không lầm thì tôi không hề làm điều gì đó có liên quan đến bà.
Bà Ngân Hoa giận dữ ném chiếc ví đắt tiền lên bàn trước mặt Trác Khiêm, nói gần như hét:
– Tôi hỏi cậu, tại sao tôi rất khó khăn nhờ vả người ta để lo cho cậu một chỗ làm tốt ở một công ty xây dựng, nơi đó có biết bao nhiêu người mơ tới mà không được. Còn cậu, tôi dọn sẵn đường đi, một con đường thênh thang với tương lai xán lạn, tại sao cậu không đến làm mà đi làm ở một công ty xây dựng cỏn con nghèo nàn đó chứ? Rồi bây giờ tôi biết phải ăn nói với người ta ra sao đây?
Trác Khiêm lắc đầu rồi mím môi:
– Điều đó không liên quan gì đến tôi. Tất cả là do ý của bà chứ tôi chưa hề nhờ vả. Tôi cũng không có ý định tìm công việc ở công ty lớn, vì dẫu sao tôi cũng là một sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, cũng như tôi biết rõ khả năng của mình.
– Sao cậu ngu như thế? Cậu đâu cần phải có nhiều năng lực và kinh nghiệm vì đã có tôi ở đằng sau đỡ lưng cho cậu rồi. Trác Khiêm, tỉnh lại đi cậu, đừng cố chấp nữa. Quá khứ đã qua lâu rồi, tại sao cậu cứ giữ mãi ở trong lòng? Con người sống thì phải có tham vọng, cầu tiến chớ. Chẳng lẽ cậu và tôi gặp nhau cứ tranh cãi mãi chuyện này sao? Bây giờ cậu muốn làm sao chứ, cậu muốn tôi phải làm sao đây?
– Muốn bà đừng đến đây và gặp tôi nữa.
Câu nói cắt ngang của Trác Khiêm như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt bà Ngân Hoa. Làm mắt bà trợn tròn hụt hẫng. Không để ý thấy thái độ đó, anh tiếp:
– Phải! Dù sao thì bà cũng nói đúng, con người sống phải cầu tiến. Vâng, đó cũng là lý tưởng của tôi. Nhưng không phải nhờ ai khác, mà chính là bản thân tôi. Tôi nhất định sẽ thành công bằng chính năng lực của bản thân mình. Rồi bà sẽ thấy.
– Với căn phòng trọ tồi tàn và cái công ty xây dựng rách nát đó à?
Trác Khiêm cười cay đắng, đôi mắt anh buồn xa xăm và hình như mang nặng nhiều u uất:
– Có lẽ bà đã quen cuộc sống giàu sang rồi nên có cái nhìn khác. Nhưng bà cũng nên nhớ rằng có rất nhiều người, họ đã tự mình từ trong gian khó đứng lên chứ không phải như một số người đã rũ bỏ mọi thứ vì chạy theo đồng tiền, tham vọng.
Gương mặt bà Ngân Hoa chợt tối sầm vì câu nói của Trác Khiêm. Giọng bà lắp bắp:
– Cậu ... cậu ...
– Tôi đã nói rồi. Những câu chuyện giữa bà và tôi chưa bao giờ có đoạn kết tốt. Và sẽ chẳng bao giờ có kết quả, tôi hy vọng bà cũng đừng đến đây nữa. Vì nơi này không phù hợp với những người sang trọng như bà đâu. Và căn phòng trọ rẻ tiền như thế này cũng không có được một cái ghế sạch sẽ cho bà ngồi. Tôi xin nói lại một lần nữa. Bà đừng cố làm thêm điều gì nữa cho tôi. Tất cả đã quá muộn rồi. Nó hoàn toàn vô nghĩa đối với tôi.
Đôi mắt bà Ngân Hoa cụp xuống. Trong đó ánh lên nhiều vẻ ân hận, bà nhỏ giọng như cố van lơn:
– Trác Khiêm ...
Anh cất lời:
– Tôi đã nói rồi. Tất cả đều đã muộn. Bà về đi! Tôi biết bà là một người luôn bận rộn. Còn nhiều thứ đang đợi bà. Tôi đã không màng đến chuyện của bà thì mong bà cũng tôn trọng cuộc sống của tôi. Điều tôi mong muốn cũng chỉ đơn giản có thế thôi. Đối với bà, căn phòng trọ này tồi tàn rách nát, nhưng với tôi, nó cao cả, ấm cúng vô cùng. Vì bao năm nay nó đã che cho tôi mưa nắng, cũng như sưởi ấm lúc đông về rét buốt. Nó đã ...
Trác Khiêm muốn nói thêm điều gì đó nữa nhưng giọng anh nghẹn lại, phẫn uất. Đứng bên cạnh, hình như mắt bà Ngân Hoa cũng rơm rớm nước. Giọng bà thật nhỏ:
– Trác Khiêm ...
Bất giác, anh đứng phắt dậy, như muốn kết thúc:
– Đến giờ tôi phải đi làm rồi. Bà về đi!
Hơn ai hết, bà Ngân Hoa biết rõ tính tình của Trác Khiêm. Anh rất cứng rắn.
Bà có muốn ở lại hay nói thêm điều gì nữa cũng vô dụng, nên định quay ra về ...
Chợt bà băt gặp dưới sàn nhà có mấy sợi tóc dài suôn mượt. Chựng lại giây lát, chợt trong đầu bà vừa quay lại hình ảnh cô gái va mạnh vào mình và tấm lưng thon với mái tóc dài suôn mượt. Bà nhìn thẳng vào Trác Khiêm, hỏi:
– Cô gái đó là ai?
Trác Khiêm hơi ngạc nhiên vì câu hỏi của bà. Anh còn đang ngơ ngác, thì ánh mắt bà dừng lại nơi tấm danh thiếp mà nãy giờ Trác Khiêm vẫn mãi còn cầm một cách trân trọng ở trong tay. Bà tiếp dù không biết điều đó có chính xác không:
– Cô gái lúc nãy là vừa ở trong phòng này đi ra.
Trác Khiêm “à” lên một tiếng rồi tỏ vẻ thích thú:
– Thì ra bà cũng gặp cô ta nữa à?
– Tôi muốn biết cô ấy là ai, là hạng gái gì?
Bất giác hai mắt Trác Khiêm long lên sòng sọc, dù cố gằn giọng nhưng tiếng nói phát ra khá to:
– Bà im đi! Tôi mong bà rút lại mấy từ đó. Mà dù sao cô gái đó là ai thì cũng không liên quan tới bà. Bà mau đi khỏi nơi đây mau!
Thấy Trác Khiêm phản ứng mạnh quá, bà Ngân Hoa cũng tỏ ra lo sợ, bà ấp úng:
– Tôi ... tôi chỉ ...
– Tôi đã nói rồi, giữa tôi và bà từ lâu đã có ranh giới rõ rệt. Mong bà hãy tôn trọng.
– Xin lỗi, tôi không cố ý. Vì tôi quá quan tâm đến cậu thôi.
– Đủ rồi! Bà về đi!
Biết ở lại thêm nữa thì tình hình càng xấu hơn, nên bà Ngân Hoa đưa tay lấy chiếc ví trên bàn, định quay đi. Nhưng rồi chựng lại, bà mở ví lấy một xấp tiền khá lớn. Không cần đếm, bà đưa cho Trác Khiêm, ân cần:
– Tôi nghĩ, mới đi thử việc chắc cậu còn khó khăn, hãy cầm chút tiền này để trang trải.
Nhìn xấp tiền dày cộm trên tay bà Ngân Hoa, anh cười chua chát và mỉa mai nghĩ. Với số tiền đó chắc chắn những người nghèo như anh sẽ làm được rất nhiều thứ. Nói thật, cho mãi đến bây giờ anh cũng chưa cầm được trên tay một góc tiền trong số đó. Thấy Trác Khiêm còn đăm chiêu, bà Ngân Hoa giục:
– Mau cầm lấy đi. Xem như tôi cho mượn cũng được, khi nào làm có được thì hãy trả lại cho tôi.
Trác Khiêm trả lời dứt khoát:
– Không cần đâu! Bà hãy cất “một chút” tiền đó vào đi. Tôi có thể tự lo và trang trải cho bản thân mình. Và nếu có bị thiếu đi chăng nữa thì người tôi muốn mượn tiền thì tuyệt đối cũng không phải là bà.
Nỗi tuyệt vọng đã hiện ta trước mắt bà Ngân Hoa. Không còn cách nào khác, bà đành cất tiền vào và lầm lũi bước ra khỏi căn phòng nhỏ bé và bỏ lại tiếng thở dài thườn thượt trên con hẻm nhỏ gồ ghề.
Còn lại một mình, Trác Khiêm buông mình xuống nền nhà lạnh giá. Nỗi đau đớn như đang ngấm ngầm, chầm chậm quay về. Chợt anh bắt gặp mấy sợi tóc dài nằm trên nền gạch, đưa tay nâng niu nhặt chúng mà nghe thoang thoảng mùi hương tóc như đang còn quyện lấy căn phòng.
– Trời ơi! Thái Trân! Mày về thật rồi sao?
Thái Trân vừa bước xuống taxi thì Trúc Hằng từ trong lao ra. Dường như cô đã đứng đó và chờ đợi từ bao giờ, vừa mếu máo vừa mừng rỡ tiếp:
– Trời ơi! Mày đi đâu vậy? Cả đêm qua tới giờ, tao lo cho mày đến không ngủ được. Thôi, mày về thì tốt rồi.
Thấy người tài xế taxi nhìn cả hai hiếu kỳ nên Thái Trân khều bạn:
– Để tao trả tiền taxi cái đã.
Trúc Hằng nhanh nhẹn:
– Thôi thôi, để tao trả cho.
Nói xong, cô móc túi lấy tiền trả cho tài xế và nói:
– Xin gởi anh. Tiền dư, anh khỏi thối lại.
Người tài xế sau khi nói tiếng cảm ơn rồi sang số cho xe chạy đi. Cô chưa kịp lên tiếng thì Thái Trân đã hỏi:
– Mẹ tao đâu rồi?
Vừa đi, Trúc Hằng vừa hằn học:
– Đi chùa rồi. Mày còn nói nữa. Khó khăn lắm tao mới thuyết phục được bác ấy đi. Nếu không, chắc bác ấy đã xới tung cả thành phố này để tìm mày rồi.
Mày ... ở đâu mới về vậy?
– Tao mệt lắm. Tao đi tắm một lát cái đã. Sẽ nói chuyện sau.
Vừa vào tới nhà, trong lúc Trúc Hằng còn bao nhiêu điều muốn hỏi thì Thái Trân đã ném cả túi xách lên ghế và nói thế làm cho Trúc Hằng hơi ngỡ ngàng, còn đang đứng há hốc thì Thái Trân quay lại.
– Ở nhà có gì ăn không, cho tao ăn với. Tao đói quá ...
– Nhà tao thì không có. Nhưng không biết ở đây bác Thái Xuân có nấu nướng gì không để tao tìm xem cái.
– Nếu không có thì nấu giùm tao gói mì, cảm ơn nhiều.
Trong khi Thái Trân lầm lũi đi vào phòng, còn lại một mình, Trúc Hằng lảm nhảm:
– Chúa ơi! Con nhỏ này cả đêm qua đi đâu mà sáng nay trông xơ xác vậy trời. Đã vậy còn than đói. Chẳng lẽ ...
Vừa nói đến đó nhưng Trúc Hằng không dám thốt ra thêm những gì cô vừa tưởng tượng trong đầu nên vội hấp tấp chạy xuống bếp.
Khi Trúc Hằng bưng tô mì bốc khói thơm ngát lên thì Thái Trân cũng đã tắm rửa thay đồ xong. Nhìn bạn có tươi tắn hơn một chút nhưng trông vẫn có vẻ tiều tụy và lắm phiền muộn, dù chưa biết chuyện gì xảy ra với bạn suốt đêm qua nhưng Trúc Hằng cảm thấy xót xa, rồi ân cần:
– Mì chín rồi nè, mày ăn liền đi cho nóng!
Không đợi bạn nói lời thứ hai, Thái Trân gần như vồ lấy tô mì và ăn ngon lành làm Trúc Hằng phải la lên:
– Từ từ đã, phỏng miệng bây giờ.
Rồi Trúc Hằng chặc lưỡi, tiếp:
– Thôi, để tao đi lấy cho mày ly nước.
Vừa đi, cô lại tiếp tục làu bàu:
– Ăn uống gì mà như một con ma đói vậy trời.
Và khi Trúc Hằng mang ly nước lên thì tô mì cũng đã hết sạch. Để ly nước trước mặt bạn rồi Trúc Hằng lặng lẽ đem dẹp cái tô, sau đó đến ngồi bên cạnh bạn. Chờ cho bạn uống xong ly nước và có lẽ đỡ hơn một chút, cô cất giọng thật nhỏ như sợ khoét sâu thêm vào vết thương lòng của bạn:
– Hôm qua gọi cho mày không được, gọi cho Hải Trung cũng không có tín hiệu, nên sáng nay tao đã tới nhà anh ta. Và anh ta cũng đã nói cho tao biết chuyện của hai người kết thúc rồi. Tao tức giận lắm và đã cho cái tên sở khanh đó một bài học rồi!
Thái Trân nhìn sững bạn:
– Mày đã làm gì Hải Trung?
– Thì cho anh ta mấy bạt tai để nhớ đời chứ còn gì nữa. Đồ cái thứ ...
– Thôi, bỏ đi mày ạ. Với con người như thế thì kết thúc càng sớm càng tốt chứ gì.
Thái Trân nói với bạn như an ủi chính bản thân mình. Nghe thế, Trúc Hằng gật gù:
– Tao ủng hộ mày, miễn mày không sao là tốt rồi.
Chợt nhớ, Thái Trân hỏi:
– Sao hôm nay mày không đi làm?
Trúc Hằng trợn mắt trách bạn:
– Mày còn hỏi nữa. Tự nhiên mày biến mất không một chút tăm hơi thử làm sao tao có thể yên tâm đi làm được. Cũng may là tao nói dối với bác Thái Xuân là cả đêm qua mày lo bận việc ở công ty để bác ấy yên tâm mà đi hành hương.
Chứ nếu không thì còn mệt nữa. Nè mới vừa lúc nãy đây bác ấy còn gọi về, vẻ lo lắng hỏi mày đã về chưa. Tao lại phải nói dối là mày về rồi và đang mệt ngủ thiếp đi để lấy lại sức. Tao còn nghe rõ tiếng thở phào nhẹ nhõm của bác ấy nữa kìa.
Thái Trân nhìn bạn với ánh mắt cảm động:
– Xin lỗi nghe Trúc Hằng, lúc nào tao khó khăn nhất đều có mày ở bên cạnh!
– Bởi thế mới nói ngay cả cha mẹ anh chị tao đều định cư ở nước ngoài mà tao đâu có dám bỏ mày ở đây một mình. Có ai tốt bằng tao không? Nói vậy chứ tao chỉ đùa cho vui vậy thôi. Vì bọn mình là bạn thân mà.
Rồi Trúc Hằng nhìn bạn, cô bộc rõ thái độ thắc mắc của mình:
– Thái Trân à! Chuyện của mày và Hải Trung đã là sự thật rồi đừng suy nghĩ nhiều cái hạng đàn ông đó thì hãy nhổ nước bọt đạp lên nó mà đi. Bên cạnh lúc nào cũng còn có tao và bác Xuân cả.
Ngừng một chút để theo dõi thái độ của bạn, cô tiếp:
– Thái Trân, mày có thể nói cho tao biết hôm qua sau khi rời khỏi nhà Hải Trung và cả suốt đêm qua mày đã đi đâu và làm gì không?
Thái Trân mím môi nhìn Trúc Hằng, không trả lời câu hỏi của bạn mà hỏi lại:
– Trúc Hằng, mày ... có biết người con gái lần đầu tiên quan hệ với ... con trai ... thì có thể ... có phản ứng gì không?
Đôi mắt Trúc Hằng trợn tròn muốn rách cả mi, như đang nghe lầm, cô lập cập hỏi lại:
– Quan hệ .... gì? ... là ...
– Là quan hệ giữa trai và gái đó.
– Mày ... mày ...
– Tao hỏi thật đó, mày mau trả lời đi!
Sau phút bàng hoàng, bỗng gương mặt Trúc Hằng ửng đỏ vẻ ngượng ngùng, ấp úng:
– Con này hỏi lạ, từ nhỏ đến lớn, tao chưa một lần có người yêu. Ngay cả nụ hôn mặn ngọt ra sao tao cũng không tưởng tượng được nữa là ... đến chuyện đó ...
– Nhưng chẳng lẽ mày chưa từng nghe đến điều đó?
Từ ngượng ngùng đến ngỡ ngàng theo từng câu nói của Thái Trân, nhìn sững bạn với biết bao câu hỏi, sau đó Trúc Hằng chợt òa lên:
– Phải rồi, chuyện này tao đã từng nghe đến từ mấy chị vừa kết hôn ở công ty.
Thái Trân nôn nóng:
– Như thế nào?
Nét ửng hồng lại hiện lên đôi gò má của Trúc Hằng. Giọng cô ngượng nghịu:
– Mấy chị đó nói ... Lần đầu tiên rất đau. Nhất là sáng hôm sau người mệt rũ rượi, cơ thể như không còn sức lực, không muốn dậy nổi, cổ họng thì có đắng, Còn ... bụng dưới thì ... đau âm ỉ ...
Đột ngột gương mặt Thái Trân tối sầm. Như một phản xạ có điều kiện, nàng đưa tay xoa nhẹ ngay bụng dưới. Nơi đó hình như cũng đang âm ỉ đau.
Dò theo thái độ của bạn, Trúc Hằng trợn tròn đôi mắt, giọng thật khẽ như sợ, ai đó nghe thấy:
– Thái Trân! Chuyện gì đã xảy ra vậy? Chẳng lẽ vì giận Hải Trung mà mày ...
Thái Trân không trả lời câu hỏi của bạn nhưng cũng gật đầu như xác nhận.
Như bị điện giật, Trúc Hằng nhảy nhỏm và hét lên:
– Thái Trân! Mày điên rồi sao?
– Trời ơi! Mày làm gì la lớn vậy?
Trúc Hằng thở hổn hển, mồ hôi túa ra trên mặt, trán. Đưa tay lên quệt mồ hôi, cô nói vẻ giận dữ:
– Cũng may ... cũng may là bác Xuân không có nhà. Nếu không, bác ấy sẽ chết vì tức và xấu hổ vì mày đó, Trân ạ.
Biết vì lo cho mình mà bạn bị sốc, nên Thái Trân nói:
– Mày làm gì dữ vậy? Tao có phải là hạng người như vậy đâu? Chỉ tại ...
– Tại gì? Có phải ... Hay là mày bị rơi vào tay bọn xấu, chúng bắt người cưỡng bức ... Nói cho tao biết, bọn chúng là ai? Hay là ... đi báo công an đi.
Trúc Hằng hùng hổ đứng lên. Dù đang trăm ngàn mối ngổn ngang trong lòng nhưng Thái Trân không khỏi buồn cười vì thái độ của bạn. Nắm tay Trúc Hằng kéo lại, nàng nói:
– Bình tĩnh đi, rồi tao sẽ nói mọi chuyện cho mày biết.
– Được rồi! Nếu mày không mau thì cả người tao nổ tung mà chết cho xem.
Rồi như một cuốn phim chiếu chậm, Thái Trân từ từ kể lại cho bạn nghe diễn biến của câu chuyện sau khi rời khỏi nhà Hải Trung. Sau đó, nàng nói:
– Cho mãi đến sáng, khi tao giật mình tỉnh dậy, nghe có người ngủ bên cạnh, cứ ngỡ là mày. Nhưng ... sau đó mới biết là một thanh niên hoàn toàn xa lạ.
Nhưng có điều trên người của tao và anh ta chỉ còn lại bộ đồ lót mỏng manh.
– Trời ơi ...
Trúc Hằng lại thét lên một cách kinh hoàng. Rồi như níu lấy Thái Trân, gần như không thốt nên lời:
– Anh ... người đó ... có làm gì mày không?
Thái Trân ôm lấy đầu khổ sở:
– Tao không biết, vì tao không nhớ gì cả. Ngay cả anh ta cũng vậy. Vừa sáng gặp tao ngủ trong phòng, anh ấy còn “bàng hoàng” hơn cả tao nữa. Cũng như tao, anh ấy vừa bị cú sốc tình cảm và cũng là lần đầu tiên uống rượu.
Đến lượt Trúc Hằng ôm lấy đầu khổ sở, giọng cô chì chiết và hờn trách:
– Trời ơi! Thái Trân ơi! Sao mày ngốc quá vậy? Mà mày ... hơn ai hết mày quá biết rõ bản thân mình không uống được những cái thứ nước có cồn đắng chát tai hại đó mà. Tại sao còn cố tình chui đầu vào rọ?
– Tao ... Thật sự, khi chứng kiến Hải Trung với người con gái khác đang âu yếm, tao bị sốc lắm. Hình ảnh đó cứ như muốn trêu đùa trong đầu tao khiến tao không chịu nổi. Cho nên tao nghe người ta nói chỉ có say ... mới quên đi mọi thứ.
Trúc Hằng lại đay nghiến:
– Trời ơi! Không ai ngốc như mày. Mà tại sao lúc đó mày không gọi cho tao.
Còn nữa, điện thoại di động của mày đâu, cả đêm qua tao gọi cả ngàn cuộc không được?
Thái Trân lắc đầu thiểu não:
– Nó hết pin từ hôm qua mà tao chưa kịp sạc. Còn gọi cho mày. thì ... nói thật, sau khi rời khỏi nhà Hải Trung, đầu óc tao không thể nghĩ thêm được gì nữa. Chỉ biết đi và đi. Đến nỗi bây giờ tao cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu con đường mà hôm qua tao đã đi qua. Nhưng chắc là nhiều lắm vì hai chân và cả thân thể tao đang mỏi nhừ, có cảm giác như chúng sắp rã ra từng đoạn.
Vừa nói xong, Thái Trân định dợm đứng lên làm Trúc Hằng tò mò:
– Mày đi đâu vậy?
– Lấy nước uống, cổ tao khô quá, sao lúc nào cũng thấy khát.
– Thôi ngồi xuống đi, để tao lấy cho.
– Cám ơn mày. Nhớ lấy chai nước lớn lớn nhé.
Vừa đi lấy nước, đầu Trúc Hằng ngổn ngang suy nghĩ. Chẳng lẽ chuyện đó đã xảy ra thật sao? Người mệt mỏi, cổ họng khô rát, bụng dưới đau âm ỉ ... Thật là khủng khiếp. Sau khi đưa bạn ly nước lớn, nhìn bạn uống ừng ực như một kẻ chết khát tự bao giờ, Trúc Hằng thấy vừa giận vừa thương, lại vô cùng xót xa, nên ngồi xuống ân cần nói:
– Thôi, mọi chuyện cũng đã qua. Mày đã về thì tốt rồi, đừng suy nghĩ nhiều quá. Sống lạc quan lên thì chuyện gì cũng có thể giải quyết được!
Nhưng rồi hình như chợt nhớ, Trúc Hằng xoay mạnh bạn phía mình:
– Hay là nói về anh ta đi!
Làm cho Thái Trân ngơ ngác:
– Anh nào?
– Thì cái người mày cùng uống rượu ở công viên và ...
Vì tế nhị nên Trúc Hằng ngưng lại, rồi ít giây sau, cô tiếp:
– Anh ta phản ứng như thế nào sau chuyện này?
– Cũng như tao, anh ấy bàng hoàng lắm. Và cũng không biết tại sao cả hai đứa bằng cách nào về được nhà và hoàn toàn không thể nhớ được đã làm gì trong đêm qua. Nhưng anh ấy liên tục nói lời xin lỗi và bảo sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có chuyện đó xảy ra.
Trúc Hằng thở phào nhè nhẹ. Hình như sự căng thẳng trong cô đang giảm dần rồi hồ hởi tiếp:
– Thế nhà anh ta ở đâu? Người như thế nào, có đáng tin cậy không?
– Anh ta không ... có nhà.
– Cái gì? - Trúc Hằng lại nhảy nhỏm lên như cái lò xo rồi tiếp - Vậy ... đêm qua hai người ...
– Thôi rồi, Thái Trân ơi, mày mất trắng rồi! Tao dám bảo đảm bây giờ anh ta đang thu dọn hành lý để cao chạy xa bay rồi. Mau, nhà anh ta ở đâu, hãy dẫn tao đến đó. Phải cầm chân anh ta trước đã.
Thái Trân chán nản thả người vào ghế, khoát tay với bạn:
– Thôi đi mày ạ! Chuyện này tao cũng không muốn truy cứu. Và nếu xét cho cùng thì lỗi do một phần ở tao, nếu tao không ... thì ...
– Nhưng ...
– Mà hình như anh ta sợ mình không tin nên đã đưa tao giữ một số đồ ...
– Là gì vậy?
– Hình như giấy tờ gì đó. Tao cũng chưa muốn nhìn tới.
– Đâu rồi, mau lấy đưa cho tao coi!
Trúc Hằng còn nôn nóng, hối hả hơn cả Thái Trân. Cô lục túi xách bạn lấy ra xấp giấy tờ mà Trác Khiêm đã cẩn thận xếp vào rồi bày lên bàn. Mắt Trúc Hằng xoe tròn với các loại giấy tờ. Cô liệt kê:
– Chứng minh nhân dân, thẻ công nhận viên, bằng tốt nghiệp đại hoc.
Rồi hỏi một câu gần như thừa:
– Anh ta tên Chung Trác Khiêm hả?
Rồi đôi mắt một lần nữa tròn xoe vẻ thích thú và đầy ngưỡng mộ:
– Chúa ơi! Kiến trúc sư Chung Trác Khiêm. Còn đạt tốt nghiệp hạng ưu nữa nè. Chẳng lẽ anh ta học giỏi như vậy sao?
Rồi chỉ tấm ảnh nằm nơi góc trái bằng tốt nghiệp, gương mặt người thanh niên với đôi mắt to sáng, gương mặt cương trực đầy chất phác. Trúc Hằng xuýt xoa hỏi bạn:
– Chính là anh ta sao?
Thái Trân gật gù:
– Là anh ấy đó. Anh ta còn bảo là mới ra trường, đi làm thử việc.
Quên cả nỗi lo toan của bạn, Trúc Hằng cứ dán mắt vào khung hình làm cho Thái Trân phải véo nhẹ:
– Mày làm gì vậy?
– Trời ơi! Người gì mà đẹp trai quyến rũ như thế này. Tao ...
Thái Trân phát mạnh lên vai bạn:
– Nè, tỉnh lại đi, làm gì mà ngồi chết trân vậy?
Bị đánh đau điếng, nhưng rồi Trúc Hằng vẫn không hết xuýt xoa:
– Tao nói thật đó. Mà ở ngoài trông anh ta có quyến rũ như thế này không?
Nhất là lúc anh ta không có mặc ...
Nhìn bạn với ánh mắt lém lỉnh, Trúc Hằng tiếp:
– Ý tao nói là lúc anh ấy đang đóng vai “Adam” đó!
Tưởng bạn đang chọc phá mình, Thái Trân quay đi giận dỗi:
– Tao rầu đến nước muốn chết đi cho xong, mà mày còn ở đó cà rỡn được.
– Ờ, xin lỗi, xin lỗi. Nhưng nói thật, tao không kềm lòng được. Lạy trời, cầu mong sao cho tối qua không có chuyện gì xảy ra giữa mày và anh ấy.
– Tao nói thật đó. Vì như thế tao còn có cơ hội đến với anh ấy.
Đến lúc này thì Thái Trân đã chịu hết nổi về cô bạn mình. Dù đang buồn lo đến tím cả ruột nhưng nàng cũng bật cười và nói:
– Hôm nay mày sao thế? Chẳng phải từ hồi còn đi học, đám con trai đã đặt cho mày cái biệt danh “Người đẹp trái tim bằng đá” hay sao? Còn nữa, tao còn nghe bọn chúng xì xầm với nhau rằng mày có vấn đề về giới tính. Thấy tao chơi thân với mày, bọn chúng còn bảo hãy cẩn thận.
– Cẩn thận gì?
– Vì chúng sợ mày mang giới tính thứ ba, là đồng tính!
Bất ngờ, Trúc Hằng phùng má, trợn mắt, nhưng rồi đột ngột lại khoát tay phán:
– Chỉ tại đám con trai đó không xứng đáng thôi. Mà nè, mày đã từng nghe nói đến “tiếng sét ái tình” chưa? Đá cũng có lúc phải mòn chứ.
Thái Trân tròn mắt, chỉ vào tấm ảnh trên bằng tốt nghiệp của Trác Khiêm nói:
– Qua tấm ảnh này sao?
Trúc Hằng mơ màng:
– Đúng như vậy. Đến bây giờ tao mới có cảm giác thế nào là yêu. Mày nghe này tim tao đập loạn xạ hết rồi nè!
Thái Trân không thể nào không cười trước điệu bộ của bạn. Nắm tay Trúc Hằng, nàng nói:
– Mau, đi theo tao!
– Hả? Đi đâu? Có phải đến chỗ Trác Khiêm không?
– Là đi bác sĩ đó, mày bị bệnh rồi.
Trúc Hằng tiu nghỉu phụng phịu:
– Con này, làm tao mất hứng hết à.
Thái Trân xỉa vào trán bạn, cảnh báo:
– Thôi đi cô, mơ bao nhiêu đó đủ rồi. Dù cho giữa tao và anh ấy không có gì thì cũng không đến lượt mày.
Trúc Hằng giãy nảy:
– Tại sao vậy? Chẳng lẽ ngoại hình tao không đủ thuyết phục sao? Tao nhớ hồi học ở trường, mày được đám bạn phong là hoa hậu thì tao cũng là hoa khôi chứ bộ.
– Ý tao không phải như vậy. Mà là anh ấy cũng đã có người yêu. Theo lời anh ấy thì họ đã yêu nhau mấy năm rồi. Mà cô gái ấy thì có tính trẻ con, xốc nổi. Hôm qua cô gái ấy nói lời chia tay. Nhưng theo tao biết thì Trác Khiêm vẫn còn hy vọng là cô ấy sẽ hồi tâm đổi ý ...
Trúc Hằng nhìn ra cửa sổ, vẻ suy tư đầy tính toán rồi nói nhanh:
– Không thành vấn đề, tao sẽ cho cái ả đó bay luôn.
Trong khi Thái Trân lắc đầu chưa biết nói sao thì Trúc Hằng đã nhìn chằm chằm vào bạn, làm cho Thái Trân thấy nhột nhạt, bất an:
– Gì vậy?
– Còn gì nữa, nếu mày và Trác Khiêm không có gì thì tao cũng xếp mày vào hàng địch thủ của tao. Từ đây, giữa tao và mày sẽ phân ranh giới rõ rệt.
Thái Trân lắc đầu rồi kêu lên:
– Trời ơi! Con này hôm nay bị ai nhập rồi. Thôi, mày ở đó mà mơ mộng đi, tao đi làm đây. Đã trưa quá rồi.
– Khoan đã! Hôm nay khỏi đi làm. Hồi sáng, tao đã điện thoại vào công ty, bảo là mày bệnh đột xuất xin nghỉ một ngày rồi.
Thái Trân thở phào:
– Ồ, may quá! Vậy cảm ơn mày. Thôi, để tao đi nằm nghỉ một lát. Tao mệt quá.
Nhìn nét u sầu vẫn hiện lên trong mắt bạn, Trúc Hằng nắm tay bạn ân cần:
– Thái Trân! Chuyện gì xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi. Đừng lo nghĩ nhiều!
Mày là một cô gái tốt, nhất định điều tốt sẽ luôn đến với mày. Còn nếu có chuyện gì đó xảy ra là do ông trời định đặt. Và tao cũng sẽ luôn ở bên mày.
Mạnh mẽ lên!
Thái Trân cười nhưng đầy cảm xúc:
– Cám ơn mày nhiều lắm.
– Thôi được rồi, đi nghỉ đi. Tao sẽ đi chợ. Khi mày ngủ dậy thì sẽ có một mâm cơm nóng hổi với những món mà mày thích. À, nhớ gọi điện thoại cho bác Xuân, kẻo bác ấy mong.
Trúc Hằng dắt xe ra. Tiếng động cơ xa dần nhưng Thái Trân vẫn còn ngồi đó, bất động. Nhưng nàng vẫn cảm nhận phía dưới bụng vẫn râm ran và đau âm ỉ. Nhìn vào tấm ảnh của Trác Khiêm trên bằng tốt nghiệp, đôi mắt đen ấy đang nhìn nàng như đang an ủi, vỗ về. Nén tiếng thở dài, Thái Trân sắp xếp những tờ giấy ấy thật gọn gàng và mang cất vào hộc tủ. Cẩn thận và trang trọng.
– Diễm, An! Con làm gì mà lúc này chưng diện, rồi lại xài tiền như nước vậy?
– Thì có tiền nhiều không xài để làm gì chứ? Vả lại, người ta nói người đẹp vì lụa. Có điều kiện thì phải chưng diện chứ. Chẳng lẽ mẹ không muốn con gái của mẹ đẹp sao?
– Nhưng bây giờ làm ăn khó khăn lắm, phải tiết kiệm để lo về sau chứ.
– Thôi, mệt quá đi! Mỗi lần hỏi tới tiền thì y như giọng điệu cũ. Có đưa hay không thì nói đại đi. Trễ giờ rồi!
Ngồi xem tin tức dưới lầu nãy giờ, ông Hoàng Vĩnh nghe rõ mồn một những câu đối thoại của hai mẹ con bà Ái Như ở trên lầu. Buông tiếng thở dài thườn thượt, ông với tay lấy remote tắt tivi, mắt lơ đễnh nhìn xa xăm vẻ chán chường mệt mỏi.
Rồi tiếng gót giày nện cồm cộp, từ trên lầu xuống, kèm theo mùi nước hoa đắt tiền nồng nặc. Chẳng nhìn cũng như chào hỏi ông một tiếng, Diễm An với bộ váy áo màu đỏ rực rỡ hở hang và ngắn đến nỗi không còn ngắn hơn được nữa. Mặt mày thì son phấn rực rỡ, bước lên chiếc xe tay ga đậu ở sân, rồ máy lướt đi, để lại những vệt khói mờ mờ hòa với mùi nước hoa đến ngột ngạt.
Lúc này trên lầu, bà Như cũng đã đi xuống. Không nhìn vợ, ông lên tiếng:
– Nó lại đi nữa à?
Bà Như xẵng giọng:
– Thì ông thấy rồi còn hỏi.
– Lúc này tôi thấy con nhỏ thay đổi nhiều lắm đó. Sao bà làm mẹ mà không nhắc nhở con bé? Lớn rồi, không lo học hành đi làm gì cả, mà tối ngày chỉ lo chưng diện đàn đúm.
Bà Như nói đỡ cho con gái:
– Nó bảo là đi dự tiệc sinh nhật bạn bè gì đó mà.
Hớp một ngụm trà, ông từ tốn tiếp:
– Phải rồi, dạo này tôi không thấy cậu thanh niên gì đi chiếc xe cũ chở Diễm An nữa, thấy một đứa khác, trông cũng ăn diện lắm và đi chiếc xe gì bự chần bần, chạy ngoài đường mà rú ga như là đi ăn cướp vậy, thấy mà sợ. Mà bà cũng đừng chu cấp tiền cho Diễm An nhiều nữa. Bây giờ làm ăn khó khăn lắm. Nếu không vén khéo, có ngày ...
Nói đến đó, ông vội im bặt, làm bà Ái Như chợt nhớ, ngồi xích lại chồng hơn rồi khẽ giọng nhưng rất quan tâm:
– Nè ông, chuyện ở công ty sao rồi? Liệu ... có cứu vãn được không?
Ông Vĩnh chán chường lắc đầu:
– Thời buổi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều công ty đang đứng bên bờ vực phá sản. Công ty nào trụ được thì cũng khập khiễng cố vớt vát.
Bà Ái Như tỏ ra lo lắng tột độ. Bà nói:
– Chẳng lẽ mình ngồi chờ và nhìn công ty mình sụp đổ sao ông? Còn cơ ngơi này nữa, mình không thể đứng nhìn ngân hàng tới niêm phong và phát mãi. Lúc đó ... lúc đó, chúng ta ở đâu?
Ông Vĩnh gắt:
– Bà làm gì dữ vậy? Đã đến lúc đó đâu!
– Vậy thì ông phải làm gì đi chứ, trước khi cơ ngơi này sụp đổ. Hãy tìm đến bạn bè cũ của ông xem, biết đâu họ sẽ có thể giúp được mình.
Nén tiếng thở dài, ông nói:
– Vô ích thôi. Vì chịu ảnh hưởng chung nên có ai khác hơn đâu. Đã nhiều người đành buông tay nhìn cơ ngơi mình sụp đổ rồi.
Bà Như rên rỉ:
– Chẳng lẽ lại tới lượt mình sao?
– Chỉ còn một chỗ, có thể nơi đó sẽ giúp được mình.
Bà Như mừng rỡ như vừa vớt được phao giữa dòng nước xoáy:
– Là ai vậy? Sao không tìm đến đó liền đi?
– Người đó bà cũng biết. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng Rạng Đông.
Bà Như trợn tròn mắt, xuýt xoa:
– Là người phụ nữ đó sao? Tôi nhớ rồi, có mấy lần cùng ông đi dự tiệc. Khi người đàn bà đó xuất hiện, gần như tất cả mọi người đều kính nể và trân trọng.
Tôi ... tôi cũng có dịp ngồi cùng bàn với bà ấy và còn trò chuyện nữa. Đó là người đàn bà đầu tiên trong đời tôi gặp - vừa đẹp, quý phái, mạnh mẽ và quyền uy.
– Còn vô cùng giàu có nữa. Nghe nói tài sản mà bà ấy có trong tay có giá trị bằng cả cái thành phố này.
Mắt bà Ái Như rực sáng, xuýt xoa:
– Vậy thì ông còn chờ gì nữa, sao không tìm đến bà ấy xem sao?
Ông Vĩnh cười “hừ” trong cổ họng:
– Người đàn bà đó bộ bà muốn gặp thì gặp được sao? Tôi đang suy nghĩ nát óc đây này. Không biết làm sao để xin bà ta cái hẹn.
Trong khi ông Vĩnh đang vò đầu bứt tóc thì bà Như òa lên mừng rỡ. Đôi mắt sáng quắc đầy hy vọng, níu lấy chồng:
– Tôi nhớ rồi! Bà chủ tịch đó có một cậu con trai. Là quý tử đó.
Ông Vĩnh háy vợ:
– Liên quan gì đến chuyện này?
– Điều này thì ông chưa biết đâu. Có một lần ngồi chung bàn tiệc với bà ấy, bà ấy nói với tôi muốn tìm một cô gái vừa đẹp, có học thức lại dịu dàng.
– Chi vậy?
– Thì để cưới cho cậu quý tử đó. Bà nói quý tử đó ham chơi lắm, muốn tìm cô vợ để giữ chân cậu ta.
– Vậy thì sao? Bà ấy muốn tìm dâu thì có liên quan gì đến mình? Tôi đang rối tung cả đầu mà bà còn lôi mấy chuyện nhảm nhí đó ra nữa. Dẹp đi!
Bị chồng mắng mà không một chút phật ý, bà Như cười cười:
– Bởi thế mới nói ông lúc nào cũng tối dạ, hèn gì lúc nào cũng đi sau người ta một bước.
Ông Vĩnh nổi nóng thật sự, ông nạt ngang:
– Nhưng mà chuyện người đàn bà tỉ phú đó muốn tìm vợ cho quý tử thì có liên quan gì đến chuyện chúng ta sắp bị phá sản?
Bà Ái Như kề mặt sát lại chồng hơn:
– Sao lại không có? Chẳng phải chúng ta lại không có ...
Nhìn vợ một cách nghi ngờ, ông cắt ngang:
– Bà đừng có nói đến Diễm An đấy nhé!
Nét thất vọng lại hiện lên trong mắt bà Ái Như, giọng bà dài ra:
– Chờ đến lượt ông nói à? Điều đó tôi đã thử rồi.
– Bà nói sao?
– Thì đó ngay sau buổi trò chuyện với bà ấy, tôi đã nghĩ đến Diễm An. Ông còn nhớ cái lần các doanh nghiệp tổ chức làm từ thiện không, tôi cố kéo Diễm An theo cố ý để cho bà ta xem mắt. Nhưng ...
– Nhưng sao? Người ta không thèm nhìn tới mặt phải không?
Bà Ái Như tiu nghỉu nhưng cũng cố chống chế:
– Không phải Diễm An không xinh đẹp, nhưng con bé hiện đại quá. Còn bà ấy thì cần phải dịu dàng ... để điều tiết lại tính khí bốc đồng của cậu quý tử đó.
Ông Vĩnh thở hắt ra:
– Vậy mà bà còn nói làm gì nữa. Thôi, bà lo đi làm công việc của bà đi. Để tôi suy nghĩ tìm giải pháp.
Nếu ngày thường bị chồng quát nạt như thế thì bà Ái Như đã mặt giận mặt hờn rồi. Nhưng hôm nay thì khác, bà càng hăng hái hơn:
– Thì tôi đang tìm giải pháp cho ông đây.
– Trời ơi! Bà làm đàn bà mà biết gì mà giải pháp. Thôi, tôi nhức đầu lắm rồi.
Nhưng bà Ái Như vẫn cố thuyết phục:
– Nhưng mà ông còn bảo bối đó.
Ông Vĩnh nhìn vợ vẻ khó hiểu:
– Bà này hôm nay làm sao vậy? Thôi, bà muốn nói gì, nói đại ra đi.
– Thì ... chẳng phải ông vẫn còn một đứa con gái sao?
Ông Vĩnh nhìn vợ một cách lạ lẫm rồi nhíu trán:
– Bà nói gì vậy? Bà có bình thường không thế, còn đứa con gái nào nữa?
Bà Ái Như quay mặt đi vì ghen hờn:
– Với người đàn bà đó đó!
Như chạm phải lửa, ông Vĩnh giật thót cả người, rối bất giác xoay mạnh vợ về phía mình, lập cập:
– Ái Như ... bà ... muốn nói người đàn bà nào?
– Thì ngoài người đó và đứa con gái ra, ông còn ai nữa chứ?
Siết mạnh hai tay vợ đến muốn thủng cả da, ông gằn giọng:
– Ái Như! Bà mau nói cho tôi biết, có phải bà biết mẹ con nó đang ở đâu phải không?
Bà Ái Như vùng mạnh để thoát khỏi hai bàn tay cứng như gọng kềm đang xoáy vào da thịt của mình đau buốt. Mặt bà nhăn nhó rên rỉ:
– Trời ơi! Ông mau buông tôi ra, ông làm tôi sắp chết rồi nè.
Vừa xuýt xoa hai bàn tay bên vai, bà tiếp:
– Thôi được rồi, để tôi nói. Thật ra ... tôi không biết. Nhưng một người bạn tôi thì biết. Chị ấy có kể lại với ... tôi.
– Nhưng tại sao bao lâu nay bà không nói với tôi?
Nhìn vẻ nôn nóng của ôngVĩnh, bà thấy ghen hờn. Nhưng bà biết vào lúc này bà không nên làm gì khác, đành nói dối:
– À ... vì nhiều công việc lu bu quá nên tôi cũng quên mất.
Biết vợ nói dối nhưng ông Vĩnh cũng không thèm tra cứu thêm, ông ngồi thẫn thờ như đang nghĩ về hồi ức. Thật lâu, hình như nhớ lại vấn đề nên ông quay sang vợ:
– Mà nè! Sao tự nhiên bà lại đề cập đến chuyện mẹ con nó trong vấn đề này?
Bà Như lại hăm hở:
– Thì đó, tôi đã nói rồi. Bà chủ tịch đó muốn tìm vợ cho con trai. Mà những điều kiện bà đưa ra thì ... cô gái đó hình như có đủ điều kiện như thế.
Ông Vĩnh định hỏi vợ có phải đã gặp cô gái ấy rồi phải không, nhưng rồi ngừng lại vì ông dư sức biết bà cũng sẽ nói dối nên đành thôi, và hỏi tiếp:
– Vậy thì sao chứ?
– Thì ông cũng đã nói rồi, không biết làm sao để kết thân với bà ấy. Trong khi ông đã có bửu bối trong tay, biết đâu may mắn bà ta sẽ vừa lòng với cô gái đó. Lúc đó thì ông và bà ta đã là thông gia rồi. Mà thông gia thì là người một nhà. Tôi chắc chắn rằng không những một công ty của ông mà đến mười công ty, bà ta cũng đưa tay ra cứu nữa, có đúng không?
Ông Vĩnh lại ngồi thừ. Những điều bà Ái Như nói ra làm cho ông hết bàng hoàng đến nghi ngờ, không biết nên tin được mấy phần. Và nhiều ... nhiều chuyện nữa như đang vây lấy ông rối bời.
Theo dõi diễn biến của chồng, bà Ái Như nhẹ nhàng rót một ly trà đưa cho ông, giọng bà đầy lý lẽ:
– Tôi biết ông đang nghĩ gì. Nhưng nếu còn cách khác thì tôi sẽ không bảo ông làm như vậy đâu. Mà suy cho cùng, đó cũng là việc tốt, có hại cho ai đâu.
Tôi nói có đúng không?
– Đành rằng vậy, nhưng mọi chuyện sẽ không đơn giản như bà nghĩ. Vả lại, bao nhiêu năm rồi, tôi đã đối xử quá tệ với mẹ con bà ấy.
– Thì đã đến lúc anh sửa sai rồi. Ông phải làm gì đó để bù đắp cho họ chứ.
Thấy chồng ngồi im, bà Ái Như lại đánh mạnh đòn tâm lý:
– Còn một điều ông không biết đâu. Tôi nghe người bạn nói bao nhiêu năm nay hai mẹ con người đó sống nghèo nàn, đạm bạc lắm. Người mẹ đã phải làm đủ thứ nghề để nuôi đứa con gái ăn học.
Ông Vĩnh ôm lấy đầu. Hình như nỗi giày vò đang xé nát lòng ông. Bên cạnh, giọng bà Ái Như vẫn rót vào tai:
– Ông hãy làm thay đổi cuộc đời họ đi. Tôi còn nghe bà chủ tịch đó nói, bà chỉ làm việc cho đến lúc cậu quý tử cưới vợ thì sẽ nghỉ hưu. Tất cả gia tài sự nghiệp sẽ giao cho hai vợ chồng cậu con trai nắm giữ. Ông xem, nếu như thế thì cô gái đó sẽ thành bà hoàng rồi còn gì. Ông còn gì nữa phải đắn đo?
– Nhưng liệu họ có dễ dàng chấp nhận không?
Bà Ái Như cười mỉa mai:
– Ai thấy tiền mà không ham chứ? Chưa nói đến từ xưa đến nay họ nghèo rớt mồng tơi. Tôi nghĩ họ cám ơn ông còn không kịp nữa là. Còn nữa nha! Nghe nói cô gái đó cũng làm ở lĩnh vực ngân hàng và rất có tài năng. Vậy không phải là trùng hợp và may mắn sao?
Lúc này hình như ông Vĩnh không còn đầu óc nào để suy nghĩ nữa. Nhưng nhìn đôi mắt sáng quắc đầy tham vọng của vợ, ông đủ sức biết đã đến bước đường cùng không còn giải pháp nào khác, bà Ái Như mới bày ra cách này. Chứ nếu không thì ...
Nhưng rồi ông cười khan:
– Bà làm như mọi chuyện sẽ dễ dàng như bà tưởng vậy. Bà chủ tịch đó không phải là người dễ dãi. Chuyện cưới dâu cũng như giao tài sản đâu phải chuyện đùa. Thôi, bà đừng có mơ tưởng viễn vông nữa!
– Không thử thì sao biết được. Là đàn bà, tôi đã từng tiếp với bà ấy nhiều lần.
Theo tôi biết được, với thời buổi này, những điều kiện để cưới dâu của bà ấy đưa ra hình như chỉ có mỗi cô gái đó đáp ứng được. Thôi, đừng suy nghĩ nhiều nữa. Chuyện với bà chủ tịch đó để tôi lo, mà ông biết rồi đó với Lưu Ái Như này hình như chưa bao giờ thất bại.
Ông Vĩnh gật gật đầu, bởi vì bản thân ông đã minh chứng cho điều đó. Bất giác, bà nhìn ông, tiếp:
– Còn ông nữa. Chuyện của bà chủ tịch thì ... tôi lo. Còn ông ... ông hãy mau đến tìm hai mẹ con người đó đi.
Ông Vĩnh nghi ngờ với sự phóng khoáng của vợ:
– Bà dễ dàng để tôi đi tìm họ vậy sao?
Bà Ái Như khoát tay vẻ bất cần:
– Già cả rồi, để tôi xin địa chỉ kêu tài xế chở ông đi. Mà khoan đã, ông đến đó tay không cũng kỳ. Dù sao thì họ cũng từng là ...
Rồi bà dứt khoát:
– Ông ở nhà sửa soạn đi. Tôi sẽ đi mua một ít quà để ông biếu họ. Cần phải tạo ấn tượng tình cảm trước. Và tôi tin rằng ông sẽ biết nói gì khi gặp họ. Ông Vĩnh! Tất cả sự sống của gia đình ta đều đang nằm ở tay ông. Tôi sẽ chờ nghe tin tốt lành từ ông.
Bà Ái Như đã đi từ lâu rồi, nhưng ông Vĩnh vẫn còn ngồi đó, xoay xoay cái ly trà trên tay. Hình ảnh quen thuộc của cố nhân làm cho ông bối rối. Nhưng cũng làm cho ông bâng khuâng ray rứt. Và linh cảm đây sẽ là một bước ngoặt mới của đời ông.
Nhưng điều bây giờ ông cần nhất là phải sớm tìm gặp được họ. Những người mà ông đã từng thương yêu nhất cũng như những tình cảm quý giá nhất, chỉ trong một phút ngu ngơ mà ông đã đánh mất. Để rồi sau đó sống những ngày tháng giày vò, đau đớn.
Vừa dắt xe ra, Trúc Hằng vừa dặn dò:
– Hôm nay con thấy bác làm đồ ăn ngon quá. Nhớ nấu cơm nhiều nhiều cho con ăn với nha.
Bà Thái Xuân liếc một cái rồi mắng yêu:
– Dặn một câu bằng thừa, vậy có ngày nào mà cô không ăn trực nhà tôi chứ.
Rụt vai cười khúc khích, Trúc Hằng nói:
– Con quên mất. Nhưng cũng tại bác hết đó!
– Sao lại tại bác?
– Ai biểu bác nấu đồ ăn ngon làm chi, làm con ăn phát ghiền nên không thể đi ăn chỗ khác.
– Nịnh vừa vừa thôi cô nương. Thôi, mau đi rước Thái Trân đi, để nó chờ lâu.
Rồi bà thở dài xót xa:
– Tội nghiệp con bé đến chủ nhật cũng không được nghỉ.
Trúc Hằng trấn an:
– Không phải đâu bác. Chỉ đột xuất thôi vì hôm nay ngân hàng xuất tiền. Vì Thái Trân là kế toán trưởng nên phải vào để ký hóa đơn.
– Ừ. Thôi, đi rước nó đi, rồi về ăn cơm. Để bác mở cổng cho.
Bà Thái Xuân vừa mở cửa. Đúng lúc có một chiếc xe hơi bốn chỗ màu xám, bóng loáng, sang trọng và đắt tiền đỗ xịch ngay trước cổng làm Trúc Hằng trố mắt xuýt xoa:
– Trời ơi! Xe đẹp quá, của ai vậy bác?
Bà Xuân tỏ vẻ không quan tâm:
– Biết của ai đâu nè! Chắc người ta muốn hỏi đường.
Rồi cửa xe bật mở. Người đàn ông khoảng sáu mươi tuổi bước xuống. Dù đã có tuổi nhưng vẫn còn oai phong hồng hào với áo sơ mi kẻ sọc được bỏ gọn gàng trong chiếc quần tây màu nâu đậm sang trọng. Tuy không quan tâm, nhưng đôi mắt bà Xuân vừa lướt qua bỗng khựng lại, dừng lại một chút, miệng há ra nhưng hình như bà đã kịp chận lại tiếng kêu. Còn người đàn ông ấy ...
Vâng, đó chính là ông Hoàng Vĩnh. Hình như tất cả cảm xúc đều dồn lên mặt ông, bởi từ làn da biến đổi từ xanh thành đỏ rực. Ông vẫn đứng đó, chân như chôn tại chỗ, mắt nhìn thẳng vào bà Thái Xuân, quên cả chớp. Chứng kiến toàn bộ sự kiện ấy làm Trúc Hằng phải lay bà:
– Bác Xuân! Bác làm sao vậy? Có phải là người quen của bác không?
Như chợt tỉnh, nhưng bà chỉ ậm ờ. Có lẽ hiểu ra chuyện gì đó, Trúc Hằng kề sát vào tai bà lém lỉnh:
– Con biết rồi, có phải người đó là bạn của bác không? Công nhận bác lớn tuổi rồi mà còn sức quyến rũ thật. Người đó ... có phải bác vừa quen trong chuyến đi hành hương không? Ông ấy đẹp và sang trọng lắm, con duyệt rồi đó.
Bác cứ tiến tới đi, con ủng hộ bác!
Trong lúc bà Thái Xuân vẫn còn chôn chân tại chỗ thì Trúc Hằng tiếp.
– Thôi, bác cứ tiếp khách đi. Con đón Thái Trân đây.
Câu nói của Trúc Hằng làm bà Xuân tỉnh táo hơn một chút. Bà nhỏ gọng:
– Ờ, con đi đón Thái Trân đi! Mà nè, con bé lúc này trông gầy quá, sẵn tiện hai đứa ghé siêu thị mua một ít đồ để bác tẩm bổ cho nó luôn.
Trúc Hằng nháy mắt cười lém lỉnh đầy ngụ ý:
– Con hiểu rồi. Chúc bác vui vẻ.
Trúc Hằng rồ máy xe chạy đi, cũng là lúc bà Thái Xuân quay bước. Nhưng ...
– Thái Xuân ...
Tiếng gọi giật của ông Vĩnh vừa thống thiết vừa nghẹn ngào đã làm bà chùn bước. Không quay lại nhưng bà cũng lên tiếng giọng thật nhỏ:
– Xin lỗi ...
– Thái Xuân! Chính là bà mà. Cuối cùng, tôi cũng tìm được bà rồi.
Biết không thể tránh né, bà Xuân quay lại nhìn thẳng vào mắt ông, vẻ căm hờn:
– Ông còn tìm tôi để làm gì? Xin lỗi, ở đây không đón tiếp ông đâu. Ông mau về đi!
Nhìn lại phía sau, nơi Trúc Hằng vừa chạy đi, giọng ông lập cập:
– Con bé, con bé lúc nãy?
– Một người hàng xóm.
Bà đưa tay chỉ sang căn nhà bên cạnh rồi tiếp:
– Đó là nhà của nó.
– Vậy mà tôi cứ tưởng ...
– Ông tưởng là gì? Thôi ông mau về đi. Nơi này không phải là của ông.
Ông Vĩnh tỏ ra khổ sở:
– Thái Xuân! Bà có biết bao nhiêu năm nay tôi vất vả để tìm mẹ con bà. Thái Xuân à! Hôm nay gặp bà rồi tôi mừng lắm. Chẳng lẽ bà không cho tôi vào nhà để nói vài câu sao?
Bà Thái Xuân tỏ vẻ giận dữ, định phản ứng lại nhưng bất chợt bắt gặp vài cặp mắt tò mò của vài người hàng xóm, cả người tài xế. Mà lâu nay bà là người có cuộc sống chừng mực. Nếu đôi co ngoài đường thế này thì sẽ tạo nên sự tò mò nên đành nhượng bộ và bỏ vào trong. Chỉ chờ có thế, ông Vĩnh đưa mắt ngầm bảo người tài xế mang đồ vào trong.
Chờ cho người tài xế đặt hết những thứ đồ lỉnh kỉnh lên bàn, ông Vĩnh nói nhỏ:
– Anh cứ cho xe về trước. Còn tôi sẽ tự đón xe về sau.
– Dạ, thưa giám đốc.
Người tài xế đi rồi. Trong khi bà Thái Xuân ngồi quay mặt đi nơi khác vẻ hằn học thì ông Vĩnh vẫn đứng đó nhìn khắp cả căn phòng, phòng khách đơn sơ với bộ bàn ghế khá cũ nhưng bóng loáng nhờ chủ nhân của nó luôn lau chùi sạch sẽ. Đồ đạc cũng bài trí đơn giản làm cho ông Vĩnh thấy nhói lòng, rồi lên tiếng:
– Thái Xuân! Thì ra bao lâu nay hai mẹ con bà sống như thế này sao?
Không nhìn vào ông, bà cười chua chát:
– Vậy chắc là ông thất vọng lắm phải không? Nhưng nhờ trời thương, từ ngày đó đến nay mẹ con tôi chưa phải chịu đói một ngày nào.
– Thái Xuân! Con gái của chúng ta ... À, tôi muốn hỏi về con bé. Chắc bây giờ nó lớn nhiều lắm rồi phải không?
Bà Thái Xuân bất giác nhìn ông, giận dữ:
– Ông Vĩnh, ông còn có tư cách để hỏi đến nó nữa sao? Xin lỗi, chuyện đó không cần ông lo. Bởi vì bao nhiêu năm nay, hình ảnh ông trong nó đã chết rồi.
Và bây giờ mẹ con tôi sống rất vui vẻ và bình yên, ông đừng đến đây làm khuấy động mọi thứ. Ông mau đi khỏi nơi đây đi.
Ông Hoàng Vĩnh tỏ ra đau khổ:
– Thái Xuân à! Tôi biết tôi đã bỏ rơi hai mẹ con bà, nhưng bao nhiêu năm nay tôi đã vất vả đi tìm. Tôi hối hận đến không đêm nào có được một giấc ngủ yên. Thái Xuân! Tôi nói thật đó. Bao nhiêu năm qua rồi tôi tự nguyền rủa mình.
Có lúc tôi lại xót xa nghĩ mình đã bị ông trời trừng phạt vì đã không biết trân trọng gìn giữ những gì mình có, lại còn chính tay đánh mất những thứ quý giá nhất mà tạo hóa đã ban cho.
Bà Thái Xuân quay mặt đi. Dường như nỗi đau khổ u uất đang ẩn chứa trong đôi mắt bà. Thấy thế, ông Hoàng Vĩnh tiếp:
– Thái Xuân! Tôi biết bà khó có thể tha thứ cho tôi. Bản thân tôi cũng không dám mong gì hơn. Được gặp lại mẹ con bà, biết hai người được khỏe mạnh, cuộc sống ổn định thì tôi vui lắm rồi. Chỉ mong bà đừng vì chuyện xưa mà suy nghĩ nhiều. Cũng đã có tuổi rồi, bà cố mà giữ gìn sức khỏe.
Bà Thái Xuân vẫn ngồi đó, lặng lẽ. Không biết bà không muốn nói hay là gặp lại người xưa ngỡ ngàng quá, bà không biết nói gì. Rồi cũng lại tiếng ông Vĩnh:
– Tôi cũng nghe nói con bé đã tốt nghiệp và đang làm ở ngân hàng?
Bà Thái Xuân cười mỉa mai:
– Thì ra ông cũng điều tra kỹ quá chứ.
– Ờ ... tôi cũng vừa mới biết thôi. Nhưng tôi mừng lắm.
– Vậy thì ông đi về được rồi đó. Và tôi hy vọng ông đừng đến đây nữa.
Chúng tôi sẽ không hoan nghênh ông đâu. Còn nữa, con bé cũng không nhìn nhận và tha thứ cho ông đâu.
Ông Vĩnh nhắm nghiền mắt với nỗi ân hận giày vò. Nhưng ông cũng thấy thật vui. Cuối cùng, ông gặp lại người mà bao nhiêu năm qua ông vất vả đi tìm.
Đột nhiên ông nhớ đến lời vợ khi đề cập đến chuyện bà chủ tịch muốn cưới dâu.
Thật sự, lúc này ông không hề nghĩ đến chuyện đem Thái Trân ra vì lợi ích của công ty, mà chỉ muốn lo đến chuyện tương lai của con. Dẫu sao những chuyện mà bà Ái Như nói cũng có lý.
Ngừng lại khá lâu rồi nhìn bà Thái Xuân, ông lên tiếng:
– Thái Xuân! Bao nhiêu năm qua tôi đã tệ bạc với bà. Bây giờ may mắn tìm lại được, bà cho phép tôi làm ít chuyện để bù đắp cho con bé.
Bà Thái Xuân nhìn sững ông, đầy căm hận:
– Ông muốn bù đắp ư? Tôi nghĩ sẽ khó đó. Bởi vì những gì mà ông đã để lại cho mẹ con tôi nó đã khoét sâu vào lòng rồi, nỗi đau đó không có gì có thể bù đắp.
Rồi bà cười nhạt tiếp:
– Tôi biết rồi! Bây giờ chắc ông giàu lắm. Vậy ông định mang tiền về để xóa lỗi lầm sao? Còn nữa, liệu ông có thể mang tiền về đây khi ở nhà chắc vẫn còn một đại phu nhân.
Biết bà Thái Xuân muốn ám chỉ đến ai, nhưng ông Vĩnh không để bụng. Ông so vai nói:
– Tôi biết, tôi có mang đến đây bao nhiêu tiền, bà cũng không nhận đâu.
Điều tôi muốn và có thể làm là cho con gái một tương lai rạng rỡ và vững vàng hơn.
– Vậy ông định làm thế nào?
– Tôi ... có một người bạn. Bà ấy ... là chủ tịch hội đồng của chuỗi ngân hàng Rạng Đông. Có thể bà không biết nhưng chắc chắn là con bé biết, vì không ai làm ở lĩnh vực ngân hàng mà không biết đến bà ấy.
Dù không có hứng thú gì với câu chuyện của ông Vĩnh, nhưng bà Xuân cũng hỏi vẻ phớt lờ:
– Vậy thì có liên quan gì?
– À ... bà ... ấy có ... đứa con trai ...
Nhìn bà Xuân để theo dõi thái độ của bà rồi ông nói tiếp:
– Cho nên ... tôi muốn con bé làm ... dâu bà ấy.
Đột ngột, bà Xuân đứng phắt dậy, giận dữ:
– Ông Vĩnh! Ông nói gì vậy? Ai cho phép ông làm chuyện đó?
– Tôi biết đề nghị của tôi là hơi đường đột. Nhưng tất cả đều là vì tương lai của con bé.
Rầm! - Bà Xuân đập mạnh tay lên bàn, hét:
– Ông Vĩnh! Ông ... ông ... thật là ... ông bỏ mặc mẹ con tôi một mạch mấy mươi năm trời. Vừa quay lại thì ông tính tới chuyện gả bán. Ông muốn gì đây?
Những chuyện ông gây ra cho mẹ con tôi chưa đủ sao? Có phải chuyện này nhằm để thuận lợi cho việc làm ăn của ông không?
– Thái Xuân ...
– Im đi! Ông mau cút khỏi đây! Còn về việc đó thì đừng mơ tưởng nữa. Tôi cho ông hay, với tôi thì sao cũng được. Nhưng nếu ai đụng vào con gái tôi thì ...
Trong cơn giận, bà vung tay làm cái ly trên bàn rơi xuống vỡ tan tành. Nhìn mặt bà tái tím giận giữ, ông Vĩnh vô cùng lo sợ. Ông luôn miệng:
– Bà bình tĩnh! Mình sẽ từ từ nói chuyện mà.
Cơn giận đến tột độ, bà hét lên - có lẽ từ xưa đến giờ bà chưa từng hét lớn đến vậy:
– Không có chuyện gì để nói nữa! Ông mau đi đi và đừng bao giờ để tôi gặp lại ông nữa.
Biết ở lại thì mọi chuyện sẽ xấu thêm hơn, ông vội xua tay:
– Thôi được, thôi được, tôi sẽ đi ngay. Nhưng bà hãy giữ bình tĩnh.
– Khoan đã! Ông hãy mang theo những thứ mà ông đưa đến. Ở đây chúng tôi không quen dùng những thứ đắt tiền đó đâu.
Ông Vĩnh cố thuyết phục:
– Bà đừng như thế mà. Những món quà này chỉ là chút tấm lòng của tôi, mong bà nhận.
Rồi ông lấy túi áo ra một tấm danh thiếp để lên bàn:
– Tôi để lại số điện thoại. Những gì tôi nói, mong bà suy nghĩ lại. Tất cả là tương lai của con gái chúng ta. Tôi về đây.
Nói xong, ông Vĩnh bước nhanh ra cửa như sợ bà Xuân phản ứng gì thêm.
Còn lại một mình, bà Xuân ngồi thở hổn hển. Ông Vĩnh đã đi từ lâu rồi nhưng cơn giận của bà vẫn chưa hạ. Cũng như những ký ức đau buồn đang dần quay lại ...
Dừng xe ở cổng, nhìn vào nhà thấy vắng lặng, Trúc Hằng tỏ ra thất vọng và tiếc nuối, nói với Thái Trân:
– Muộn mất rồi, hình như người đàn ông đó đã đi.
Thái Trân cũng tỏ ra đồng tình:
– Trong nhà vắng lặng. Ngay cả chiếc xe hơi sang trọng như mày tả cũng chẳng thấy đâu, làm tao cứ hồi hộp nãy giờ, nôn về xem người đó là ai.
Trúc Hằng hồ hởi:
– Vậy thì mày xui rồi. Tao bảo đảm nếu gặp người đàn ông đó thì mày mê liền.
Thái Trân đập mạnh vào vai bạn:
– Cái con này, lúc nãy bảo đó là “bạn trai” của mẹ tao, giờ lại bảo tao mê.
– Ờ không! Ý tao nói là ... mày sẽ đồng ý ông ấy làm “ba” của mày liền.
Vừa mở cổng, Thái Trân vừa giục bạn:
– Thôi, mau dắt xe vào đi, ở đó nói nhảm hoài.
Rồi nàng gọi với vào như thường lệ:
– Mẹ ơi! Con gái mẹ về rồi.
– ...
– Mẹ à!
Vẫn không có tiếng trả lời. Thái Trân đưa mắt sang nhìn bạn, thì được nhận cái rụt vai của Trúc Hằng, nàng lo lắng hỏi:
– Mẹ tao đâu mà im ắng thế này?
– Làm sao tao biết được! Lúc nãy tao đi, bác Xuân đang ở nhà mà. Lại còn đang tiếp ...
Không chậm trễ giây phút nào, cả hai hớt hải lao vào nhà và ... cả hai cùng chựng lại, bàng hoàng ngơ ngác.
Trong nhà, bà Thái Xuân vẫn đang ngồi bất động, thẫn thờ. Dưới nền nhà là những mảnh ly bể tung tóe. Còn trên bàn thì đầy ắp những quà, nào tổ yến sào, bào ngư, vi cá, rồi bánh kẹo ... và nhiều thứ nữa.
Nhưng Thái Trân không còn đầu óc đâu để nhìn những thứ đó. Nàng chạy đến bên mẹ, cũng may là không đạp những mảnh thủy tinh trên nền nhà. Ôm tay bà, nàng lo lắng hỏi:
– Mẹ ơi! Chuyện gì xảy ra vậy mẹ? Mẹ không sao chứ?
Như sực tỉnh bởi giọng nói của con gái, bà đưa tay vuốt lấy mặt rồi ậm ừ:
– Mẹ .... mẹ không sao cả, con về rồi đấy à?
Trúc Hằng cũng nói theo:
– Bác làm sao vậy? Sao tách ly gì bể rơi đầy nhà vậy nè?
– Ờ ... tại vì bác lỡ tay, nhưng chưa kịp nhặt. Thôi, để bác nhặt.
– Được rồi, để con nhặt cho. Bác cứ ngồi đó đi.
Vừa ngăn bà Xuân, Trúc Hằng nhanh tay thu dọn những mảnh ly bể, nhưng cô cũng không nén được sự tò mò.
– Bác Xuân à! Cái người hồi nãy là ai vậy? Sao ... ông ấy về sớm quá vậy?
Nhìn đống quà trên bàn, cô lại xuýt xoa:
– Chao ôi! Toàn là hàng đắt tiền không hà. Bác ấy tặng cho bác phải không, công nhận người đã đẹp mà quà cũng là hàng hiệu không à.
Trong khi Trúc Hằng xuýt xoa với đống quà, bà Xuân vẫn ngồi thừ. Bên cạnh, Thái Trân thì xa xăm. Là một cô gái ý nhị nên nàng có linh cảm đã có chuyện gì đó xảy ra. Chưa kịp hỏi mẹ thì lại giọng nói của Trúc Hằng, như vừa phát hiện ra bí mật, cô reo lên:
– Có cả danh thiếp nữa nè!
Lại tính lanh chanh, cô lớn tiếng đọc:
– Lâm Hoàng Vĩnh - Tổng giám đốc công ty thương mại Vĩnh Hoàng. Chao ôi! Người đã đẹp rồi, cái tên lại càng hay, còn là tổng giám đốc nữa chứ. Bác Xuân ...
Trúc Hằng định chạy đến để điều tra bà Xuân thì bất ngờ bắt gặp Thái Trân đứng phắt dậy. Đôi mắt đẹp rực lên giống như đang có lửa. Hình như cái tên Lâm Hoàng Vĩnh vừa có tác dụng đến với nàng và tạo phản ứng mạnh như thế, làm cho Trúc Hằng chựng lại chân chôn tại chỗ, mồm há hốc không dám động đậy. Còn Thái Trân, cô quay sang mẹ, ngập ngừng:
– Mẹ .... có phải ...
Biết không thể giấu con gái, mà với hai mẹ con bà thì xưa nay đều có một thỏa hiệp là không ai được giấu ai điều gì, hơn ai hết, bà cũng hiểu rằng với Thái Trân từ bé đã không có cha nên dù trông nàng dịu dàng yếu đuối nhưng lý trí rất mạnh mẽ, nên bà gật đầu:
– Phải, là ông ấy.
Mắt Thái Trân long lên sòng sọc, giọng nàng nghẹn lại:
– Ông ấy đến đây làm gì? Mà tại sao ông ấy biết ở đây mà đến?
– Mẹ không biết. Sự xuất hiện của ông ấy làm mẹ cũng ngỡ ngàng. Lúc nãy mẹ cũng cố tìm cách không tiếp ông ấy, nhưng mà không được.
Nghe những mẩu đối thoại của hai mẹ con Thái Trân làm cho Trúc Hằng càng ngơ ngác. Sự tò mò càng lúc càng tăng lên, bước đến bên bạn, giọng cô khẽ khàng:
– Thái Trân ... Người đàn ông đó ... mày cũng biết nữa sao? Là ... ai vậy?
Thái Trân nạt ngang:
– Không, tao không biết ông ta!
NhưngTrúc Hằng dễ gì tin, cô nhìn Thái Trân rồi lại nhìn vào tấm danh thiếp, lầm bầm:
– Lâm Hoàng Vĩnh ... Lâm Hoàng Vĩnh ...
Suy nghĩ khá lâu rồi cô lại lẩm nhẩm:
– Lâm Hoàng Vĩnh ... Lâm Thái Trân ...
Bất giác, đôi mắt Trúc Hằng xoe tròn vì hình như vừa tìm ra một bí mật. Níu tay bạn, cô lắp bắp:
– Ông ấy ... là ... là ... ba mày?
Thái Trân với gương mặt đỏ gay hét lớn:
– Không, không đúng! Tao không có ba. Ông ấy đã chết vào cái năm tao tròn sáu tuổi rồi.
Nhìn phản ứng của bạn, tuy Thái Trân phủ nhận, nhưng Trúc Hằng hiểu được rằng những suy đoán của mình vừa rồi là đúng.
Cô nắm tay bạn xoa dịu:
– Thôi được rồi, mày đừng như vậy. Ngồi xuống cái đã.
Sau khi rót cho Thái Trân ly nước, Trúc Hằng rón rén đến bên bà Thái Xuân nhỏ giọng, vì vẫn chưa thỏa được những thắc mắc tò mò.
– Bác Xuân! Sao con từng nghe Thái Trân bảo rằng là ba ... đã chết rồi mà?
Sao ông ấy lại ...
Bà Thái Trân mím môi nén cơn uất hận:
– Phải, chính là ông ấy. Nhưng đối với mẹ con bác, ông ấy cũng như cái tên Lâm Hoàng Vĩnh đã chết cách đây hai mươi năm rồi.
– Vậy ...
– Chuyện dài và phũ phàng lắm, đã lâu bác và Thái Trân đều không muốn nhắc tới. Nhưng có dịp thì chắc chắn Thái Trân sẽ kể cho con nghe.
– Dạ, dù con không biết chuyện gì xảy ra, nhưng xin bác đừng nghĩ nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Gia đình mình sẽ luôn hạnh phúc. Con luôn ở mãi bên bác và Thái Trân.
– Cám ơn con, Trúc Hằng.
Nãy giờ ngồi yên cho cơn giận lắng dịu, bây giờ Thái Trân quay sang mẹ, lên tiếng, giọng cô nhẹ nhàng hơn:
– Mẹ! Ông ấy tới đây làm gì?
Bà Xuân có vẻ mệt mỏi và trả lời con gái:
– Ông ấy bảo bao nhiêu năm nay đã đi tìm mẹ con mình. Ông ấy hối hận lắm và muốn bù đắp cho con.
Thái Trân cười mỉa mai:
– Bù đắp ư? Ông ấy nghĩ mình có nhiều tiền rồi thì muốn làm gì thì làm à?
Muộn mất rồi.
– Còn nữa ... à, mà con làm ở ngân hàng có biết cái bà gì mà làm chủ tịch hội đồng quản trị của chuỗi ngân hàng Rạng Đông không?
Trúc Hằng nhanh nhảu xía vào:
– Bác ấy ư? Con cũng biết. Bà ấy hay lên đài, báo hoài. Con còn gặp bà ở những buổi đi làm từ thiện nữa. Chẳng lẽ bà ta ...
Nói đến đó tự nhiên Trúc Hằng im bặt không dám nói tiếp. Thấy thế, Thái Trân tiếp lời vẻ lơ đễnh:
– Thành phố này trong giới kinh doanh và ngân hàng, ai lại không biết bà ấy chứ.
Cô ngừng lại một lát, rồi tỏ ra mỉa mai và khinh miệt:
– Bà ấy giàu có tiếng. Chẳng lẽ ông ấy ...
Nét giận dữ lại trở về trên gương mặt bà Xuân:
– Nếu là ông ấy thì không có gì phải ngạc nhiên và phải bàn. Còn đằng này ...
– Là chuyện gì vậy mẹ?
– Ông ấy bảo muốn bù đắp cho con bằng cách gả con cho con trai của bà chủ tịch đó.
– Hả?
– Hả?
Cả hai cô gái đều đứng phắt dậy. Trúc Hằng run lập cập:
– Trời ơi! Cậu quý tử đó ư? Con nghe người ta kháo nhau rằng hắn ta quậy có tầm cỡ, nghe đâu có vài cô gái đã tự tử vì hắn.
Còn Thái Trân thì dường như đã hết chịu nổi, nàng nghiến răng:
– Làm sao ông ta dám nghĩ đến điều đó? Thật là đê tiện.
Nàng thở hồng hộc rồi quay sang mẹ:
– Rồi ... mẹ trả lời sao với ông ấy?
Bà Thái Xuân bặm môi:
– Mẹ mắng té tát vào mặt ông ấy rồi đuổi cổ ông ấy đi ngay rồi.
Thái Trân ngồi phịch xuống ghế. Nhìn những món quà trên bàn, nàng đưa tay chỉ:
– Có phải ... của ông ấy mang tới không?
Thấy bà Xuân ngồi yên lặng như xác nhận, nàng gào lên:
– Mẹ còn nhận đồ của ông ấy để làm gì?
– Không có! Mẹ đã bảo ông ấy mang đi, nhưng ông ấy ...
– Vậy thì để con. Ở đây không quen ăn những món này.
Thái Trân vùng lên định ném những gói đồ ra sân nhưng nhanh hơn, Trúc Hằng đã chặn lại. Kéo Thái Trân ngồi lại ghế, cô nói:
– Làm bạn với mày bao nhiêu năm nay, tao cũng chưa từng thấy mày nóng giận. Nhưng chuyện đâu còn có đó. Vả lại, những món đồ này là vô tội. Liệu ném chúng đi, mày có hết giận không? Cứ để đó đi. Nếu không dùng thì đem cho người khác, cho dù ai có muốn tính toán gì thì cứ mặc họ, quyết định hay không là ở mình. Có phải không bác Xuân?
– Phải, con nói đúng đó. Thái Trân, con đừng suy nghĩ và tức giận gì cho mệt. Ở đây còn có mẹ, không ai có thể làm gì được con đâu. Cứ xem như lời nói đó của một kẻ điên rồ đã chết.
Là người con gái thông minh và cũng là người ngoài cuộc nên Trúc Hằng biết mình phải làm gì đó để phá tan không khí này. Cô đến bên Thái Trân nói:
– Này, không phải lúc nãy mày bảo là đói bụng lắm sao?
Quay sang bà Xuân, cô tiếp:
– Bác Xuân, bác đã làm thức ăn chưa, con cũng đói quá rồi nè.
Hiểu ý Trúc Hằng, bà nhanh nhảu:
– Xong cả rồi, chỉ chờ các con ăn nữa thôi.
Thế là Trúc Hằng kéo tay bạn cùng nhau đi về phía nhà bếp ...
Gắp thức ăn vào chén con gái, bà Xuân ân cần:
– Con ráng ăn nhiều một chút. Dạo này mẹ thấy con gầy đi và xanh xao quá.
Đang nhai nhồm nhoàm, Trúc Hằng cũng gắp cho bạn miếng thịt nướng rồi tiếp lời bà Xuân:
– Phải đó. Mày cứ lo làm việc mà không ăn uống, người giống cây tre. Bao nhiêu thức ăn đều dồn qua cho tao, làm tao lên cân cả mấy ký lô. Không khéo, người ta nhìn vào bảo là tao giành ăn với mày. Biết đâu có ai đó còn bảo là tao là con gái ruột của bác Xuân nữa là.
Mọi người cùng cười vang, nhưng bất ngờ Thái Trân bụm miệng nôn ọe làm bà Xuân lo lắng:
– Thái Trân! Con sao vậy, có phải con bị bệnh không?
Mồ hôi vã ra trên trán cô gái. Chưa kịp trả lời mẹ thì ... Đột ngột cả Thái Trân và Trúc Hằng nhìn nhau sững sờ. Mặt tái mét, đôi đũa trên tay Trúc Hằng rơi xuống đất tạo thành một âm thanh khô khan, rời rạc ...
Hai cô gái như nép sát vào nhau trước một căn phòng màu trắng bằng cửa kính được đóng im ỉm có hàng chữ “Phòng khám sản phụ khoa”. Xung quanh đã có rất nhiều người chờ tới lượt mình. Và cả hai đều có cảm giác tất cả những cặp mắt đó đều đang dồn về mình. Hai cô gái độc thân chưa chồng mà lại đến những nơi này. Thật là khủng khiếp. Nắm bàn tay gầy lạnh giá đang run rẩy của bạn, Trúc Hằng thì thầm như sợ người xung quanh nghe thấy:
– Mày thấy trong người thế nào rồi?
Giọng Thái Trân như sắp khóc:
– Tao sợ quá. Nếu thật sự có ... chắc tao không biết làm sao nữa.
Siết chặt tay bạn mà Trúc Hằng nghe tay mình run lẩy bẩy, cố trấn an bạn nhưng có cảm giác như mình đang nghẹt thở:
– Yên tâm đi. Có tao ở bên cạnh. Tao sẽ cùng vượt qua với mày. Mà nè, từ hôm đó tới nay mày có ... cái vụ con gái không?
Thái Trân thất thểu:
– Không có! Đó cũng là điều tao lo sợ suốt hơn hai tháng qua mà không dám nói ra.
Tay Trúc Hằng buông lỏng tay bạn. Tia hy vọng cuối cùng trong cô hình như cũng vừa chợt tắt. Qua những kiến thức đã học và cả những kinh nghiệm của những người phụ nữ có gia đình, cô thừa hiểu là người con gái sau khi có quan hệ với người khác phái ... Nếu tới tháng mà không có ... thì đến hơn chín mươi phần trăm thì đã có thai. Trong khi Thái Trân vẫn ngồi yên bất động thì Trúc Hằng lại tiếp tục thì thầm:
– Người đó ... ý tao nói là Trác Khiêm, dạo này có hay liên lạc với mày không?
– Có, cứ cách vài ngày là anh ta gọi. Anh ấy không nhắc đến chuyện đó, nhưng hay thăm hỏi về sức khỏe tao. Mới vài hôm trước, anh ấy có điện thoại tới, khoe rằng anh ấy vừa ký hợp đồng lao động, chính thức là kiến trúc sư ở công ty mà anh đang làm. Hôm đó anh ấy có nhã ý mời tao đi ăn nhưng tao từ chối. Chuyện này tao tính nói cho mày biết nhưng công việc nhiều quá nên quên mất.
Trúc Hằng gật gật đầu tỏ ra an tâm:
– Dù chưa một lần tiếp xúc với anh ấy, nhưng tao cũng nhận thấy anh ta là người có trách nhiệm. Thái Trân, yên tâm đi, mày là cô gái tốt, biết đâu Trác Khiêm là một anh chàng ưu tú mà tạo hóa cố tình mang đến cho mày.
– Xin mời cô Lâm Thái Trân!
Cả hai cô đều giật thót như vừa bị chạm phải điện bởi giọng cô y tá vừa đọc tên. Thái Trân thấy toàn thân mình như đang nhũn ra, níu lấy bạn run cầm cập:
– Trúc Hằng ơi, làm sao đây?
– Yên tâm, đừng sợ, đừng sợ.
Cô ý tá nhìn hai người với ánh mắt thiện cảm rồi lên tiếng:
– Chị Trân, mời chị vào ạ!
Cuối cùng thì Thái Trân cũng đứng lên, với dáng xiêu vẹo làm người ý tá phải phụ dìu. Và cánh cửa đóng lại phía sau.
Còn lại một mình, tội nghiệp Trúc Hằng, cô lo sợ và run bắn như người bị động kinh. Dán mắt về phía trong phòng khám, nỗi hồi hộp làm cho cô muốn nghẹt thở. Hấp tấp, cô lấy điện thoại lẩy bẩy định gọi cho ai đó. Nhưng ngay cả chuyện bấm bàn phím lúc này còn khó hơn cả chuyện lên trời ... và cánh cửa bằng kính trắng mờ bật mở. Thái Trân chậm rãi bước ra. Không chớp mắt theo dõi trạng thái của bạn, cho đến khi Thái Trân bước lại chỗ ngồi cũ thì Trúc Hằng cũng lại ngồi theo, nhưng không dám lên tiếng. Và hình như cô thấy mình cũng đang ngừng thở:
– Bác sĩ bảo ngồi chờ một chút mới có kết quả.
Đến lúc này, Trúc Hằng mới dám thở. Vì ít ra thì cô cũng chưa nghe kết quả mà mọi người lo sợ nhất. Lại thì thầm:
– Bác sĩ đã làm gì mày rồi?
– Bác sĩ nói, có thể đã có vì chu kỳ đã mất hai lần rồi. Dù sao cũng còn mới nên người ta hạn chế siêu âm, chỉ cho tao dùng que để thử. Năm phút sau sẽ có kết quả.
– Chị Thái Trân, mời chị vào để gặp bác sĩ.
Thái Trân lại đứng lên. Còn Trúc Hằng lúc này không thể tìm được từ gì để nói với bạn, cô chỉ có thể siết tay Thái Trân thật chặt như cố truyền thêm sức mạnh và lại ngồi chờ ...
Rồi đúng lần thứ tư, cánh cửa ấy lại mở. Thái Trân đờ đẫn bước ra, mà lần này trên tay nàng còn cầm thêm một xấp giấy tờ, dường như quên hẳn còn có sự tồn tại của Trúc Hằng đang chờ mình. Thái Trân như một kẻ mộng du cứ chầm chậm bước đi làm cho Trúc Hằng hốt hoảng xách hai cái túi xách chạy theo, phía sau là nhiều ánh mắt soi mói, tò mò kèm theo những tiếng xì xầm.
Đến một hành lang vắng, bên cạnh vườn hoa của bệnh viện, Trúc Hằng chận bạn lại và ấn Thái Trân xuống một hàng ghế. Xót xa làm giọng cô nghẹn lại:
– Thái Trân! Mày đừng làm tao sợ nha.
Thái Trân ngồi phịch xuống ghế. Thẫn thờ, bất động, nàng không nói gì mà Trúc Hằng cũng không dám lên tiếng hỏi gì. Có lẽ nhìn thái độ của bạn cô cũng đã đoán được kết quả. Chỉ ân cần đưa cho bạn chai nước:
– Uống một chút đi, sẽ đỡ hơn.
Thái Trân ngoan ngoãn cầm chai nước uống mà nghe đắng chát như đang uống thuốc độc. Và chán chường đưa cho bạn xấp hồ sơ. Liếc nhìn bạn rồi Trúc Hằng vồ lấy. Dù đã đoán trước kết quả rồi nhưng Trúc Hằng vẫn không thoát được nét bàng hoàng và đã kịp đưa tay bịt chặt lấy miệng để không phải thốt lên tiếng thảng thốt khi nhìn vào những dòng chữ của bác sĩ đang nhảy múa trước mặt:
“Kết quả:
có một thai nhi khoảng ba tháng tuổi ...”, rồi nhắm nghiền mắt, cảm giác như mình chính là người trong cuộc.
Thật lâu sau, cô mới khẽ khàng lên tiếng:
– Bác sĩ có dặn dò gì không?
Giọng Thái Trân nhẹ tênh:
– Bà ấy bảo thai nhi rất tốt và rất khỏe mạnh. Bà còn bảo tao cố ăn uống cho nhiều vào và có chế độ nghỉ ngơi.
– Vậy mày có định ...
Trúc Hằng định nói có giữ cái thai đó không nhưng không dám nói thẳng.
Có lẽ hiểu ý bạn, dù đang trong lúc rối bời, với bao suy nghĩ. Nhưng đôi mắt Thái Trân tỏ ra cứng rắn:
– Dù là kết quả không phải như mong đợi, nhưng nó đã tồn tại trong bụng tao rồi. Đó là tình thâm máu mủ. Tao nhất định sẽ giữ nó.
Siết tay bạn với vẻ đầy cảm phục, Trúc Hằng nói:
– Đó cũng là suy nghĩ của tao. Thái Trân, khó khăn này, tao sẽ cùng mày vượt qua. Biết đâu rằng đó sẽ là một niềm hạnh phúc lớn.
– Sự lo lắng của tao trong lúc này không phải là có sự tồn tại của đứa bé, mà là tao không biết ăn nói sao với mẹ. Bắt đầu từ năm sáu tuổi, lớn lên và chứng kiến những nỗi khó nhọc, đắng cay mà mẹ tao đã trải qua để nuôi tao ăn học thì tao đã tự hứa với lòng mình phải học thật tốt, phải làm một đứa con thật ngoan để trả công ơn của mẹ. Tao muốn bù đắp cho mẹ, không ngờ tao mới bắt đầu thực hiện ước mơ đó thì ... Trúc Hằng ơi, liệu mẹ tao có chịu nổi sự thật này không, một đứa con gái chưa chồng mà chửa?
Thái Trân ôm mặt khóc ngất. Nhìn đôi vai bạn rung từng hồi, Trúc Hằng thấy thật xót xa. Cô định nói gì đó nhưng rồi chợt nhớ có ai đó đã từng nói tất cả những đau khổ của con người chỉ có nước mắt mới là liều thuốc xoa dịu hay nhất. Thế là ngồi im lặng chờ cho cảm xúc Thái Trân lắng dịu, cô mới đưa tay đặt lên vai bạn thì thầm:
– Đừng suy nghĩ nhiều, Thái Trân ạ. Đúng vậy, mày là một đứa con ngoan hiền. Bác Xuân luôn hãnh diện về điều đó. Bác ấy cũng là một người từng trải.
Quan trọng nhất là bác ấy cũng là một phụ nữ và thừa hiểu rằng có rất nhiều chuyện đều không phải do mình tạo ta. Nhất định bác ấy sẽ hiểu và thông cảm cho mày.
– Nhưng chắc là mẹ tao buồn lắm.
– Mày đừng bi quan như thế, biết đâu đó lại là niềm vui. Vậy chứ mày không nhớ bác Xuân luôn hối thúc tao với mày lấy chồng sinh con để cho bác ấy ở nhà giữ cháu. Bởi vì tao với mày cứ đi làm suốt, bỏ bác ấy ở nhà chèo queo.
Thái Trân mím chặt môi để kìm cơn cảm xúc nói với bạn:
– Cảm ơn mày, Trúc Hằng. Mày luôn ở bên cạnh tao những khi tao gặp khó khăn. Nhưng mày vẫn không thể nào biết được những đau khổ uất hận mà hai mẹ con tao đã từng trải qua.
Dừng lại vài giây, giọng Trúc Hằng có vẻ ngập ngừng:
– Có phải liên quan đến cái người đàn ông tên Lâm Hoàng Vĩnh?
Thái Trân bất chợt nhìn lên với đôi mắt ráo hoảnh. Nhìn vào một khoảng xa xăm cho hồi ức chầm chậm quay về:
– Ngày đó tao từng có một gia đình hạnh phúc. Mẹ tao là một cô giáo đẹp người lại nết na thùy mị, còn ba tao là một công chức giản dị rất có trách nhiệm và yêu thương vợ con. Sau giờ làm việc, ông nhanh chóng về nhà. Tuy lúc đó gia đình tao kinh tế khá vất vả vì đồng lương công chức, nhưng không vì thế mà có ảnh hưởng đến hạnh phúc. Tao còn nhớ rất rõ mỗi khi chiều về đoàn tụ thì chỉ nghe toàn tiếng cười giòn, mẹ thì cần mẫn để cho cả nhà có được bữa cơm ngon nhất. Trong khi ba tao thì nắn nót ân cần tập cho tao đọc, viết những chữ cái đầu tiên. Những năm đầu tuổi thơ của tao sống ngập tràn hạnh phúc bên ba mẹ dưới mái nhà nhỏ đơn sơ cứ ngỡ bức tranh đẹp đó không bao giờ bị phai mờ ... thế mà ...
Dừng lại một chút như cố nén cảm xúc rồi Thái Trân tiếp:
– Buổi sáng đó, nắng vàng rực như tô đẹp thêm bức tranh hạnh phúc. Trong khi mọi người đang túm tụm quây quần soạn sẵn những sách vở, tập viết để chuẩn bị cho tao bước vào lớp một, trong khi tao hớn hở ướm thử bộ váy hoa mà chính tay mẹ may cho mình, lúc đó tao thấy nó đẹp và quý giá vô cùng, thì vừa lúc đó đột ngột xuất hiện một người đứng chặn ngay ở cửa, nghe đâu người đó là đồng nghiệp của ba tao. Bà ta xuất hiện với trên người đeo đầy vàng, mặt mày thì tô son phấn sặc sỡ. Nhưng điều đáng chú ý nhất là bà đang mang cái bụng chửa to vượt mặt. Cũng đúng lúc đó tao bắt gặp nụ cười tươi rói trên môi ba tao vụt tắt. Gương mặt ông đổi màu tím tái. Linh cảm của một đứa bé vừa lên sáu cho tao biết sự xuất hiện của người đàn bà đó đã xé toạc bức tranh ấm cúng đầy màu sắc của gia đình tao khi giọng bà đó gần như gầm lên:
– Anh Vĩnh! Anh bảo tôi chờ bao lâu nữa đây? Có phải chờ cho đến khi đứa bé chào đời luôn phải không?
Đến lượt mẹ chựng lại, quay sang nhìn chồng. Mặt bà cũng biến sắc, miệng không thốt nổi một lời. Trong khi ba tao thì hốt hoảng chạy đến bên người đàn bà đó, giọng run cầm cập:
– Ái ... Như ...
Bà ta lại hét lên:
– Đừng nói nhiều nữa, nếu bây giờ anh không theo tôi thì anh sẽ hối hận.
Anh cứ ở nhà để chờ nhận hai cỗ quan tài đi.
Nói xong, bà ta dợm bước đi. Trong lúc đó hình như ba tao rất lo sợ nên quay lại nói với mẹ:
– Thái Xuân! Anh đi một lát rồi trở về ngay. Em ở nhà với con nhé ...
Nhưng rồi ông ấy không bao giờ trở lại như lời đã hứa. Đó cũng là hình ảnh cuối cùng của bức tranh, cũng như sau đó đã nát vụn trở thành những mảnh sắc vụn cứa thẳng vào da thịt tim gan của mẹ con tao.
Trúc Hằng bàng hoàng với lời thổ lộ của bạn. Dường như không tin ở chính tai mình, cô ấp úng:
– Như ... vậy sao? Thế ông ấy đi đâu?
– Rời bỏ căn nhà gỗ đơn sơ hai mảnh đời yếu đuối ngày đêm trông đợi đến một biệt thự to lớn sang trọng nhất vùng.
– Cho ... tới hôm nay ư?
Thái Trân cắn chặt môi nghe nỗi đau ngày ấy như đang trở về. Giọng nàng nghẹn lại đầy phẫn uất:
– Cũng gần như thế. Nhưng tao vẫn còn nhớ, sau đó không lâu. Đối với một đứa trẻ lên sáu lúc bấy giờ không thể hiểu được tấn trò đời, bên cạnh mẹ tao mòn mỏi nhưng rất tinh tế không bao giờ để rơi giọt nước mắt trước con gái.
Cũng có thể những giọt nước mắt của mẹ đã chảy vào lòng đắng chát. Nhưng một đứa trẻ như tao ngày ngày mong nhớ cha đến mất ăn, bỏ ngủ người gầy gò xiêu vẹo. Rồi một đêm mưa gió gào thét như muốn xé toạc căn nhà nhỏ, tao đã đổ bệnh. Cơn sốt lên đến bốn mươi mấy độ cứ rình rập cướp lấy mạng sống héo hon. Không chịu được, mẹ đã đội mưa băng đêm tối bế tao đến bệnh viện với chỉ vài đồng trong túi. Cũng may có một chú là bạn của mẹ cũng nghèo nhưng ông đã chạy vay mượn tiền khắp nơi để mua những loại thuốc đặc trị giúp cho tao kéo dài mạng sống. Cho đến khi ông thẫn thờ nói với mẹ không còn chỗ nào để chạy nữa. Ngay cả ông cũng tìm tới đó ... Ngôi biệt thự sang trọng nhưng đã bất lực. Năm ngày trôi qua rồi mà cơn sốt cũng không buông tha cho tao. Trong cơn mê sảng, tao cũng lờ mờ cảm thấy đôi mắt mẹ sâu thẳm và thâm đen bởi lo âu mất ngủ cùng con đấu vật với thần chết, thì một vị bác sĩ xuất hiện nhìn mẹ với ánh mắt vừa thương cảm vừa áy náy:
– Xin lỗi chị, chúng tôi đã dùng hết cách để chữa trị cho con bé. Nhưng ở đây là bệnh viện nhỏ, mà bệnh nhân thì quá nặng. Vả lại, đứa bé bị suy kiệt quá. Tôi khuyên chị nếu có điều kiện thì hãy đưa bé lên thành phố, bệnh viện trên đó có thể cứu sống con bé ...
Tia hy vọng cuối cùng vừa vụt tắt trong mắt mẹ. Nhưng chỉ sau đó vài giây, bà đã vực tao dậy và vác trên vai mình chạy ra khỏi bệnh viện, lúc đó người tao giống như một cục lửa. Tao có cảm giác như mình đang cháy dần, cháy dần.
Ngoài trời thì mây đen vần vũ, gió thét gầm trời như muốn cuốn đi cái bóng dáng xiêu vẹo của mẹ. Vừa chạy, mẹ vừa nói qua hơi thở:
– Thái Trân, cố gắng lên đi con! Mẹ sẽ tìm cách cứu con ...
Trong cơn mê sảng, tao đã không biết mẹ tao đã chạy qua bao nhiêu con đường rồi cuối cùng bà cũng dừng lại, người lảo đảo như sắp quỵ uống. Đặt tao ngồi trên nền xi măng cho người dựa vào tường, bà lại hấp tấp đưa tay bấm chuông một ngôi biệt thự.
Thái Trân ôm lấy mặt, nỗi uất ức làm cho nàng nấc lên từng hồi. Làm cho Trúc Hằng xót xa nói:
– Hay thôi đi, mày đừng nói nữa.
Thái Trân lắc đầu:
– Tao không sao đâu.
Gạt nước mắt, nàng tiếp:
– Rồi cánh cửa uy nghi đó chậm chạp mở, mày có biết là ai xuất hiện không?
Là người đàn bà đó. Người đàn bà với cái bụng chửa vượt mặt. Nhìn mẹ tao với ánh mắt lạnh tanh. Còn mẹ gần như quỳ xuống van nài:
– Làm ơn đi, làm ơn cho tôi gặp anh Vĩnh. Con bé, con gái anh ấy sắp chết rồi.
Bà ấy đưa ánh mắt khinh khỉnh:
– Anh Vĩnh ngủ trưa. Mà anh Vĩnh nói hai người bây giờ không còn quan hệ gì nữa, thì đừng làm phiền.
Nói xong, bà ta sập mạnh cánh cửa làm mẹ tao phải gào lên thảm thiết:
– Đừng mà, cho tôi gặp ba con bé đi. Con bé đang cần tiền để cứu mạng. Nó sắp chết rồi.
Nhưng cánh cửa vẫn lạnh lùng đóng im ỉm làm mẹ tao bấn cả lên. Không còn tự chủ, bà đưa tay bấm chuông liên tục làm náo động cả khu nhà. Trong lúc tuyệt vọng thì cánh cửa bật mở và người đàn bà ấy lại xuất hiện, tỏ vẻ hằn học:
– Bộ muốn phá nhà người ta sao? Nếu không đi, tôi gọi cảnh sát bây giờ.
Mẹ khóc ngất quỳ hẳn xuống van xin:
– Tôi van cô, cho tôi gặp anh Vĩnh đi, con bé sắp chết rồi. Tôi chỉ muốn cứu con, tôi không giành lại anh Vĩnh đâu. Tôi đã mất chồng rồi, tôi không thể mất con nữa. Mau gọi anh Vĩnh giùm đi, nếu không sẽ muộn mất.
Người đàn bà đanh đá nói:
– Tôi đã bảo là anh ấy không muốn gặp, các người mau đi đi. Còn đứa bé sống hay chết thì cũng không liên quan tới tôi.
Ở ngưỡng cửa giữa sự sống và cái chết, thấy cơ thể bồng bềnh chực tan biến, nghe lời chanh chua của người đàn bà đó, bên cạnh lại thấy mẹ đang quỳ phủ phục gần như lịm đi. Không biết từ đâu có một luồng sức mạnh vực tao bật dậy sau năm ngày nằm liệt. Chỉ vào mặt bà ta, tao hét lớn:
– Đồ hồ ly tinh, bà đã cướp ba tôi, bà là đồ khốn nạn.
Bốp ... - Một cái tát vào mặt tao và sau đó là tiếng hét:
– Đồ mất dạy! Hèn gì mà ba mày cũng bỏ mày đi. Nhưng dù sao thấy mày sắp chết mà không cứu thì người ta sẽ cho tao là thất đức.
Ném một xấp tiền xuống đất, bà tiếp:
– Các người cần tiền chứ gì, mau lấy mà cút khỏi đây đi. Đừng làm phiền đến tôi và anh Vĩnh nữa.
Bà ta quay lưng và cánh cửa đóng sập lại phía sau. Còn lại là dấu năm ngón tay in trên mặt tao sưng tấy, rát bỏng.
Lúc này mẹ mới hốt hoảng ôm chầm lấy tao, khóc ngất. Còn tao hình như vừa bị vực dậy sau cú tát như trời giáng đó, cơn sốt đột ngột biến đâu mất. Hay cũng có lẽ vì sự hung tợn của bà ta mà lũ thần chết kia cũng hoảng sợ nên bỏ chạy. Nên tao đã thoát chết. Nhưng cũng từ giây phút đó người mà tao gọi bằng ba cũng như cái tên Lâm Hoàng Vĩnh đã chết vĩnh viễn trong lòng của tao và mẹ. Thế rồi sau đó hai mẹ con tao rời bỏ làng quê yên bình cũng như nỗi đau đó tìm về thành phố này để mưu sinh, cũng như để xóa đi hình ảnh người đàn ông đó.
Trúc Hằng buột miệng:
– Không ngờ tuổi thơ của mày đã trải qua biến cố lớn như vậy. Nếu là tao, không biết tao có chịu đựng nổi không.
– Bởi thế cũng từ giây phút đó chứng kiến nỗi đau của mẹ thì tao đã hứa với lòng mình rằng sẽ không bao giờ để cho mẹ phải rơi thêm một giọt nước mắt nào nữa. Nhưng mà tao chưa kịp cho mẹ nở mặt nở mày thì ...
– Nghe câu chuyện của mày thì tao biết nỗi đau lớn nhất của cuộc đời thì bác Xuân cũng đã vượt qua rồi. Vậy thì không có gì phải lo nữa. Hãy tin tao đi.
– Nhưng tao biết phải nói sao với mẹ?
Nhìn Thái Trân lúc này có vẻ tươi tỉnh hơn. Có lẽ vừa thổ lộ được tâm sự của mình nên Trúc Hằng siết tay bạn cười tươi:
– Cái đó thì mày khỏi lo. Nhiệm vụ quan trọng nhất của mày lúc này là phải ăn uống cho thật nhiều, dành thời gian nghỉ ngơi để sinh ra một đứa bé bụ bẫm trắng trẻo hồng hào, để cho cả nhà bồng bế. Còn chuyện của bác Xuân cứ để tao lo. Đừng suy nghĩ nhiều quá, mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi.
– Cám ơn mày nghe Trúc Hằng.
– Mệt quá, cứ cám ơn hoài. Mà tao nói trước mai mốt đứa bé ra đời, cũng phải kêu tao bằng mẹ đó.
– Tất nhiên rồi, nó cũng là con của mày mà.
Nhưng rồi Trúc Hằng xụ mặt làm Thái Trân lo lắng:
– Chuyện gì nữa vậy?
Không trả lời bạn mà Trúc Hằng xoa xoa bụng Thái Trân phụng phịu:
– Con ơi! Con làm dì mất phần rồi. Vậy là hết hy vọng.
Thái Trân ngơ ngác:
– Mày nói gì vậy?
– Thì Trác Khiêm đó. Mục tiêu của tao ...
Bất ngờ cô tròn mắt, chựng lại:
– Trời ơi! Trác Khiêm ... phải gọi điện thoại ngay cho anh ta nữa chứ ...
Bà Ái Như với gương mặt rạng rỡ, nhưng tỏ ra hồi hộp nôn nóng hết đứng lên lại ngồi xuống dõi mắt ra phía cửa làm cho Diễm An đang ngồi sơn, rồi lại ngắm nghía bộ móng tay, phải bực mình gắt lên:
– Mẹ làm gì mà như gà mắc đẻ vậy? Cứ ngồi xuống đi. Bao giờ ổng về thì về chứ làm gì dữ vậy?
Bà nạt ngang con gái:
– Con biết gì mà nói. Phải mà ...
Vừa nói đến đó, bà vội im bặt. Còn Diễm An thì dài giọng mỉa mai:
– Mà nghĩ cũng lạ, sao mẹ lại phóng khoáng để ổng đi gặp hai mẹ con của bà ta vậy?
– Thì cũng tại cái gia sản này nè. Có giữ được hay không là nhờ ở con bé đó.
Nếu không thì cả đời này, tao cũng không để cho họ gặp mặt.
Diễm An tỏ ra ghen tị:
– Không biết con nhỏ đó đẹp và dịu dàng đến độ nào nhỉ. Rất tiếc là con chưa biết mặt nó.
Bà Ái Như liếc nhìn con gái, trách móc:
– Người ta là con gái, mày cũng là con gái. Phải chi mày bớt chưng diện điệu đàng một chút thì mối hời này sẽ là của mày. Thật tình, bày ra cách này để mẹ con nó sung sướng thì tao cũng ức lắm. Nhưng nếu không làm thì mình cũng tán gia bại sản mất.
Diễm An trề môi:
– Ôi! Dịu dàng gì cái thứ nhà quê đó. Nhưng mà bản tính con như vầy cũng là “gen” của mẹ mà, có đúng không?
Thấy Diễm An nói đúng nên bà cũng đuối lý. Ngồi suy nghĩ hồi lâu rồi bà quay sang Diễm An, nói:
– Mà này, con bớt chưng diện và đi chơi một chút đi, nhà mình đang tuột dốc lắm. Với lại, giờ đây ông ấy đã tìm lại được vợ con mình rồi. Không phải như xưa nữa đâu.
Diễm An khinh khỉnh:
– Cũng tại mẹ hết đó. Báo hại bây giờ con muốn đi tìm cha cũng không biết ai mà tìm.
Bà Ái Như tỏ ra bối rối, ậm ừ hồi lâu rồi bà nói:
– Thì đó là sai lầm của mẹ cho nên mẹ mới dặn dò con là hãy cẩn thận. Và hãy tỏ ra ngoan hiền, lễ phép trước mặt ông ấy, dẫu sao thì chúng ta đã sống với nhau đã hai mươi năm qua rồi. Với lại, dù không phải ... Nhưng ông ấy đã rất có trách nhiệm với con.
Vừa lúc đó thì phía trước sân nhà có bóng người thấp thoáng, bà Ái Như mừng rỡ khi nhận ra đó là ông Hoàng Vĩnh vừa về. Bà đon đả đón ông ngay ở bậc cửa:
– Ông về rồi đấy à? Nãy giờ tôi mong ông đến sốt cả ruột.
Rót một ly nước dâng tận tay ông, bà nói tiếp:
– Nè, uống một chút đi. Trời nắng quá phải không?
Thấy mặt ông trầm lặng không một chút khả quan, bà cũng hơi chột dạ. Chờ cho ông uống xong hớp nước, bà hồ hởi:
– Sao rồi ông, có gặp được họ không?
Ông Vĩnh chưa kịp trả lời thì bà lại tiếp vẻ phấn khích:
– Thôi, để tôi nói trước cho. Thật là may mắn, tôi đã gặp được bà ấy. Sau khi nghe tôi nói chuyện, bà chủ tịch có vẻ hào hứng và hài lòng lắm. Cho nên không cần suy nghĩ lâu, bà đã xin mình một cái hẹn với điều kiện là phải đưa con bé ấy đi cùng. Sao, ông thấy thuận tiện ghê chưa? Hơn cả sự mong đợi luôn.
Dừng lại một lát để theo dõi thái độ của chồng rồi bà tiếp:
– Còn ông đã gặp được mẹ con họ không?
Nhấp một hớp trà, giọng ông từ tốn:
– Đã gặp rồi.
Có một chút hờn ghen nhưng cũng thật nhanh, mắt bà sáng lên:
– Vậy hả? Họ .... họ thế nào?
Ông Vĩnh nhìn xoáy vào vợ làm cho bà thấy nhột nhạt, rồi bà cười xởi lởi:
– Ý tôi muốn hỏi là họ có khỏe không? Dù sao thì mình cũng có lỗi với mẹ con chị ấy.
Bà lại ngồi chờ. Vẫn không thấy chồng phản ứng gì cũng như nói những điều mà bà đang muốn nghe. Không chịu nổi vì quá sốt ruột, bên cạnh còn có Diễm An cứ đưa mắt hối thúc liên tục, cuối cùng bà cũng phải đành lên tiếng hỏi:
– Vậy ông có nói chuyện đó với họ không?
Ông Vĩnh từ tốn:
– Nói rồi!
Cả bà Ái Như và Diễm An cùng chồm tới:
– Vậy họ trả lời như thế nào? Đồng ý phải không?
Nhìn một lượt qua Diễm An rồi dừng ở nơi vợ, giọng ông cộc lốc:
– Không ai cũng tham tiền như bà đâu.
– Vậy họ không đồng ý sao?
– Thì bà ấy chẳng những không đồng ý mà còn mắng té tát vào mặt tôi nữa.
– Tiếp đó thì sao?
– Thì tống cổ tôi ra khỏi nhà chứ sao.
– Vậy rồi ông cứ thế mà ra về à?
– Vậy chứ bà bảo tôi phải làm gì nữa đây?
Bà Ái Như giận dữ ném mạnh chiếc quạt giấy đang cầm trên tay xuống đất.
Bây giờ thì đang hiện nguyên bản chất của một người đàn bà chanh chua đanh đá. Bà hét lớn:
– Sao ông không nói thẳng là ông không muốn làm chuyện này. Còn cái lũ nghèo rớt mồng tơi kia chỉ cần nghe nói đến tiền là chảy cả nước dãi rồi. Chỉ là tụi nó muốn làm eo thôi. Bày đặt sĩ diện hão.
Ông Vĩnh trừng mắt nhìn vợ, gắt:
– Bà có im đi không?
– Tôi không im thì ông làm gì tôi? Chẳng lẽ ông muốn tôi tròn mắt mà nhìn cái cơ ngơi này sụp đổ à?
Rồi bà lồng lên, đay nghiến:
– Ông đúng là cái đồ bất lực mà. Thôi được rồi, ông làm không được thì để tôi. Tôi sẽ đi tìm mẹ con nhà đó. Xem thử coi họ còn chê những đồng tiền và danh vọng không?
– Đứng lại!
Ông Vĩnh gầm lên khi thấy bà Như quày quả định bước đi, làm bà chựng lại.
Sống với ông hai chục năm qua hình như chưa lần nào bà thấy ông giận dữ như vậy, nên chùn bước.
Trong khi ông quắc mắt dằn từng tiếng:
– Ái Như! Tôi cảnh cáo bà, những điều mà bà mang đến cho mẹ con bà ấy đã quá đủ rồi. Tôi nói cho bà biết, hãy để cho mẹ con cô ấy yên. Nếu bà mà đến đó làm phiền họ, tôi nhắc lại, nếu một lần nữa họ bị làm phiền thì đừng trách tôi.
Nói xong ông đùng đùng bỏ đi lên lầu. Còn bà Ái Như ngồi thở hồng hộc như một kẻ nghiện đang lên cơn. Sau khi quắc mắt nhìn theo từng bước chân của ông Vĩnh vừa khuất sau bậc thang cuối cùng. Diễm An hằn học nói:
– Lần này thì mẹ đã bị sai nước cờ rồi mẹ ơi! Ai lại đưa mỡ tới miệng mèo.
Vẫn còn run lập cập vì cơn tức giận nhưng bà Như cũng lên tiếng:
– Ý mày nói là sao?
Tỏ vẻ mỉa mai, Diễm An kéo dài giọng:
– Thì đó, bao nhiêu năm nay thì khác. Ở trong nhà này chỉ có mẹ mới có quyền lớn tiếng. Vậy mà ông ấy mới có đi gặp vợ con một lát ... à không, cả ngày lận, mà không biết cả ngày nay gặp nhau họ đã nói những gì mà vừa về là ông ấy đã tỏ thái độ giống như một người khác vậy. Mẹ ơi! Bây giờ người ta đã gặp lại vợ con mình rồi, thế là mẹ với con cùng cơ ngơi này trở nên thừa thãi, rác rưởi rồi.
Lời khiêu khích của Diễm An càng làm cho bà Như lồng lộn lên. Bà nghiến răng:
– Không dễ dàng như thế! Tao nhất định không để cho họ yên, tao nhất định sẽ tìm gặp ả đó!
Vừa săm soi bộ móng tay đỏ chói, Diễm An cố khiêu khích như muốn châm thêm dầu vào lửa:
– Mẹ còn dám nghĩ đến điều đó sao? Chẳng lẽ lúc nãy mẹ không nghe ông ấy bảo sẽ không tha thứ cho bất cứ ai muốn làm phiền đến mẹ con nhà họ ư?
Người bà Ái Như như đang rũ xuống. Chẳng lẽ đã đến lúc rồi sao? Hơn ai hết bà hiểu rằng giờ đây bà không phải như xưa. Gia đình họ hàng của bà gần như lụn bại, ly tán, sở dĩ bao năm nay bà còn giữ vững cơ ngơi này là đều nhờ ở ôngVĩnh. Và điều quan trọng hơn cả là chỗ dựa duy nhất của mẹ con bà là ông Vinh. Nếu bà mà làm căng quá thì ... Người ta bảo “già néo đứt dây”. Một người phụ nữ đanh đá chanh chua đầy gian xảo như bà chắc cũng phải biết dừng đúng lúc.
Bỗng ở ngoài cổng có tiếng còi bấm inh ỏi. Diễm An nhìn ra rồi nói:
– Mẹ cố tìm cách mà giải quyết nhé. Nếu không, gia sản này tiêu tan có nước mà tự tử.
Nói xong, Diễm An ngúng nguẩy bỏ đi. Còn lại một mình, bà Ái Như cảm thấy chán chường và cô độc. Bà đắng cay nghĩ:
Người ta có con gái, mình cũng có con gái. Cũng đồng trang lứa thế mà ... Rồi lại chua chát:
Phải chi Diễm An nên thân một chút, đừng quá lêu lổng đua đòi thì ...
Bà buông người xuống bộ xô pha thẫn thờ như người mất hồn. Chỉ còn lại trên trần nhà là tiếng của thạch sùng chắt lưỡi nghe mà não ruột, thê lương ...