Hồi 1

TRỪ GIAN TRONG TUYẾT LẠNH

Cách đây độ tám trăm năm về trước, nước Trung Hoa thuộc nhà Tống, do họ Triệu trị vì.

Ban đầu là những minh quân lo mở mang bờ cõi, chỉnh đốn quân binh, lấy nhân nghĩa làm phương châm trấn an dân chúng, do đó nước mạnh dân giàu. Về sau, các vị vua kế nối không giữ nổi giềng mối, làm cho thế nước ngửa nghiêng, nhân dân loạn lạc.

Tuy nhiên, cái cơ đồ suy đổ phải nói đến hai vị vua bất tài, bất lực nhất là vua Huy và vua Khâm.

Bấy giờ trong nước chính sự bất an, nước Ðại- Kim đem quân xâm lấn, đánh thẳng vào Kinh đô bắt trọn hai vua. May sao Khang vương trốn thoát vượt qua sông về nước, chiêu tập binh mã dựng nên một triều đình ở Lâm-An (Hàng-Châu) xưng là Cao-Tôn, cai trị một góc phía Nam nước Tàu.

Lẽ ra, Cao-Tôn phải lo khôi phục cơ đồ, bởi vì giặc ngoại xâm đã chiếm đất đai Trung Quốc quá nửa phần, nhưng vua Cao-Tôn vốn sợ người Kim, không dám chinh phạt. Hơn nữa, ông vua hèn nhát ấy lại sợ một khi Huy, Khâm được tha về thì chiếc ngai vàng của ông ta phải lung lay. Do đó Cao- Tôn nghe lời gian thần Tần-Cối lập mưu giết chết Nhạc-Phi là một viên tướng tài của mình, rồi thảo hàng biểu đem đến nước địch giảng hòa.

Nước Kim thấy Nhạc-Phi là vị tướng tài đã từng làm xáo trộn thế cuộc, lại gặp lúc phía Bắc Trung Quốc nghĩa quân nổi dậy phất cờ bài ngoại, nên lo sợ chịu cho vua Cao-Tôn giảng hòa lấy con sông Hoài làm ranh giới.

Vua Cao-Tôn nhà Nam Tống và Triệu-Cấu dâng biểu xưng thần, triều cống như sau:

"Thần tên là Cấu, mong ơn tái tạo được nối dõi, đời đời giữ đạo phiên thần. Hàng năm, mồng một tết chiếu theo cổ lệ cống hiến chẳng dám đơn sai: Bạc trắng hai mươi lăm vạn lạng, vóc lụa hai mươi lăm vạn tấm."

Than ôi! Mang danh một ông vua đại quốc mà cúi đầu hàng phục tiểu bang thật là một điều quốc sĩ.

Cả nước, những ai biết sỉ nhục đều cau mày nghiến răng, căm hận nhà vua, nhất là dân chúng ở phía Bắc sông Hoài, nơi lãnh thổ đã bị nhà vua ký bán cho quân địch thì lại còn căm phẫn hơn. Họ biết không còn hy vọng vào một ông vua đốn mạt kia có thể khôi phục lại sơn hà khi đã cho không tên nịnh thần Tần-Cối làm chức Thái sư chấp chưởng quyền uy cả nước.

Thật vậy, từ đó ngựa quân Kim dày xéo hơn nửa nước Tàu, mà triều đình Nam Tống chỉ giữ được một góc tỉnh Giang-Nam. Vua tôi sống trong hủ hóa xa hoa trụy lạc, không hề nghĩ đến cảnh đất nước qua phận nhục nhã đó.

Một vài tôi trung như Ngu-Doãn còn sống sót lại, nhưng vì yếu sức, không làm sao xây nổi cơ đồ.

Bấy giờ, những sĩ phu trong nước có làm nhiều bài thơ, nói lên những niềm uất hận nhục nhã. Nhưng những bài thơ đó lưu truyền trong giới dân dã, còn giới quan lại thì tuyệt nhiên bị cấm.

Tình trạng kéo dài quá mười năm, vua Cao-Tôn truyền ngôi lại cho Hứa-Tôn, Hiếu-Tôn truyền cho Quang-Tôn, Quang-Tôn truyền lại cho Linh-Tôn.

Năm ấy vào niên hiệu Khánh-Nguyên vua Linh-Tôn, năm thứ năm, mùa đông giá rét, tuyết phủ ngập đường, dân chúng sống trong cơ hàn khổ lụy. Riêng kinh thành Hàng-Châu, vua tôi nhà Nam Tống hưởng cảnh giàu sang cực kỳ sung sướng. Nay đờn ca, mai yến tiệc, vua và quần thần hợp nhau lại trước những cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm.

Nhưng cũng trong thời đó, tại đất Hàng-Châu, kinh đô gấm vóc kia, về phía ngoại thành, tại thôn Ngưu gia có hai nhà hào kiệt lạc, một người gọi là Quách-Khiếu-Thiên, một người gọi là Dương-Thiết-Tâm, cả hai được quần chúng ái mộ.

Về gia thế của hào kiệt họ Quách thì Quách-Khiếu-Thiên vốn dòng dõi con cháu của một vị hảo hán trong số một trăm lẻ tám vị anh hùng Lương- Sơn-Bạc thuở xưa có biệt hiệu là Trung-Ðịa-Hựu-Tinh Trại-Nhân-Quý tên gọi Quách-Thịnh. Họ Quách có môn đánh kích gia truyền lỗi lạc, truyền đến thân phụ của Quách-Khiếu-Thiên thì kích đó đã biến dài thành ngắn thành một đôi đoản kích. Bởi vậy Quách-Khiếu-Thiên được nghề đánh kích bí truyền này đến độ tuyệt kỹ tinh vi, ít ai sánh kịp.

Còn gia thế của hào kiệt họ Dương thì Dương-Thiết-Tâm vốn dòng dõi của danh tướng Dương-Tái-Hưng. Dương-Tái-Hưng làm đại tướng dưới cờ của Thiếu Bảo Nhạc-Phi, sau một trận kịch chiến tại Chu-Tiên-Trấn đã làm cho quân Kim lạc vía kinh hồn. Nhưng sau vì chạy lầm đường vào Tiểu- Thương-Hà nên ngựa sa vó vướng bùn, bị quân Kim bắn chết. Dương- Thiết-Tâm đã học được thương pháp gia truyền, bí thuật cực kỳ linh diệu.

Hai họ Quách và Dương đã một lần gặp nhau trong bước giang hồ, vì "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" nên họ đã kết nghĩa bằng hữu thắm thiết, bái nhau tám lạy, nhận làm anh em, sống chết không rời. Quách-Khiếu-Thiên nhiều tuổi hơn nên được Dương-Thiết-Tâm kính làm huynh trưởng.

Sau vì thời cuộc không may, đôi bạn tâm giao nầy đã đổi cả họ tên dắt nhau đến Ngưu-gia-thôn, làm nhà liền mái mà ở. Hàng ngày họ luyện tập đao thương và bàn luận việc cổ kim anh hùng trong thế sự.

Một hôm, đôi bạn họp nhau tại nhà Dương-Thiết-Tâm uống rượu giải sầu, mắt nhìn tuyết rơi lả tả, liên tưởng đến đất nước miền Bắc đau thương đang quằn quại dưới ách xâm lăng.

Thiết-Tâm vốn tính nóng, không dằn nổi mối xúc động, trợn mắt đấm tay xuống bàn, nghiến răng thở hổn hển.

Tâm trạng của khách anh hùng còn đọng trên đôi vầng trán nhăn nheo thì cánh cửa sau rèm mở bật, một thiếu phụ diễm kiều trong xiêm y, bưng mâm rượu thịt bước ra, trên mâm có dĩa thịt trâu luộc và một con gà quay vàng chói, hơi thơm bốc lên ngùn ngụt.

Thiếu phụ thấy mặt chồng đổi sắc, thỏ thẻ tiếng oanh, hỏi:

- Có việc gì bất bình mà phu quân giận dữ?

Quách-Khiếu-Thiên vội rước lời đáp thay cho bạn:

- Có gì đâu, chúng tôi đang nghĩ đến cảnh lầm than của dân chúng, nghĩ đến cảnh triều đình thối tha mà thương cho dải giang sơn gấm vóc nầy. Thôi được! Xin mời thím cùng ngồi vào đây uống với tôi chén rượu giải khuây.

Người thiếu phụ trẻ đẹp nầy là vợ của Dương-Thiết-Tâm gọi là Bao-Tích-Nhược.

Họ Bao là một cô gái nông thôn tuyệt sắc ở Lâm-An, tính tình hiền hậu, tư cách đoan trang, ai đã giao thiệp với nàng tất phải khen thầm kính nể.

Nàng kết giao với Thiết-Tâm trước khi Thiết-Tâm kết bạn với họ Quách.

Nhận thấy họ Quách cũng là dòng dõi hào kiệt, có tư thế đại gia, nên nàng chẳng quản tị hiềm, thường thường vẫn ngồi chung mâm với ông anh khác họ mà uống rượu, bàn luận công chuyện làm ăn. Nay thấy chồng và anh ngồi uống rượu suông nên nàng sửa soạn ít món ăn đem ra thết đãi.

Nghe Quách-Khiếu-Thiên ân cần mời đón, nàng vui vẻ rón rén ngồi xuống bên chồng, cầm lấy hồ rượu rót cho mỗi người một ly.

Thiết-Tâm nhấp một hơi cạn chén nét mặt vẫn chưa phai bất bình, nói:

- Nghĩ đến việc triều đình tham quan ô lại mà chán ngán. Trước đây tôi có đến Lâm-An vào uống trà trong một tiệm giải khát, nghe người ta nói: hễ ai có việc gì muốn yết kiến quan Tể-tướng họ Hàn thì trước nhất phải làm đơn, và trong đơn phải kê rõ số lễ vật là bao nhiêu, như thế Tể-tướng họ Hàn mới tiếp nhận. Nay mới rõ lời nói ấy chẳng sai tí nào.

Quách-Khiếu-Thiên thở dài nói:

- Ðã có ông vua như thế tất phải có ông Tể-tướng như thế. Mà có ông Tể-tướng như thế tất phải có bọn tham quan ô lại kia. Chúng mục nát từ trên đến dưới còn hơi đâu mà hờn trách. Ðây ta kể cho hai em nghe việc này cũng thuộc vào việc tên gian tặc Tể-tướng đó. Hôm nọ, ta vào rừng đốn củi, giữa lúc Hàn-Thác-Trụ dẫn một lũ quan ra ngoài cõi du ngoạn. Cả đoàn tùy tùng đang ngựa xe rầm rập thì bỗng Hàn-Thác-Trụ lớn tiếng than thở: "Chốn này trúc dậu nhà tranh, núi non trùng điệp, rừng âm u, thật là một cảnh sơn lâm khoáng dã, tiếc rằng trong cảnh hoang vu không có một tiếng chó sủa, gà kêu nào để điểm thêm cho cảnh thiên nhiên được tươi đẹp hơn."

Thác-Trụ vừa dứt tiếng thì bỗng trong bụi rậm gần đó, có tiếng chó sủa vọng ra.

Bao thị nghe Quách-Khiếu-Thiên kễ đến đấy vỗ tay cười, hỏi:

- Con chó ở đâu lạ lùng thế? Nó lại sủa lên đúng theo ước vọng của Tể-tướng họ Hàn?

Khiếu-Thiên đáp:

- Không phải một con chó, mà cả một đoàn chó. Nhưng không phải chó thật, mà là chó người.

Vợ chồng Thiết-Tâm nghe nói lạ trố mắt nhìn. Khiếu-Thiên mỉm cười, tiếp:

- Có gì lạ! Bầy chó người ấy do tri phủ Lâm-An núp vào bụi rậm giả sủa lên để làm đẹp lòng quan trên. Chỉ thế thôi!

Bao thị nghe chuyện lạ, mặt lơ láo nói lớn:

- Ôi chao! Có thể như thế sao?

Rồi cả ba người đều lắc đầu chán ngán, đồng chuốc chén giải khuây.

Một lúc sau, cả ba đã chếnh choáng say, đưa mắt nhìn ra ngoài. Tuyết rơi lả tả, như cả một bầu trời mộng ảo quay cuồng.

Bỗng, Bao thị nhìn Quách-Khiếu-Thiên nói:

- À quên, để em vào nhà trong mời chị uống mấy chén cho vui.

Nghe nhắc đến vợ mình, Quách-Khiếu-Thiên vội nói:

- Không được đâu! Mấy hôm nay nhà tôi mệt chưa khỏi.

Bao thị vội vàng đứng dậy nói:

- Chị chưa khỏe ư? Thế mà mấy hôm nay em vô tình không đến viếng.

Dứt lời, nàng bỏ đi vào trong. Quách-Khiếu-Thiên chúm chím cười nhìn theo không nói.

Dương-Thiết-Tâm thấy Khiếu-Thiên vui vẻ như thường, đoán biết bệnh tình của chị dâu mình dẫu có cũng không quan trọng lắm.

Một lúc sau, Bao thị từ nhà trong bước ra phòng rượu, vừa đi vừa nhảy nhót như chim sơn ca vói tay lấy bình rượu rót một chén đầy, đưa trước mặt chồng, và nói:

- Anh có thích uống nữa không? Chúng ta nên chúc mừng anh Quách một chén.

Dương-Thiết-Tâm nhìn vợ hỏi:

- Có việc gì mừng mới chúc chớ?

Bao thị tươi cười đáp:

- Thì hai anh cứ uống đi, em sẽ nói một việc vui.

Thiết-Tâm chiều vợ nâng chén uống cạn. Bao thị cười ngặt nghẽo đưa mắt nhìn Dương-Thiết-Tâm hỏi:

- Anh Quách có việc vui như thế sao lại giấu anh em?

Khiếu-Thiên mỉm cười đáp:

- Niềm vui mới chớm nở, nên chưa kịp nói đó thôi.

Dương-Thiết-Tâm nhìn Khiếu-Thiên hỏi:

- Có gì vậy đại huynh?

Khiếu-Thiên cười hề hề đáp:

- Có gì đâu! Ðộ nửa tháng nay nhà tôi thèm chua hay nôn mửa, mời thầy lang đến xem bệnh thì thầy lang bảo là nhà tôi đã có thai đôi ba tháng. Ta tưởng chuyện đó chỉ rầy rà thêm, có gì mà mừng.

Dương-Thiết-Tâm nghe nói cười lớn:

- Tiểu đệ có lời mừng đại huynh.

Ba người đồng phá lên cười một lượt rồi vui vẻ uống thêm một tuần rượu nữa.

Cảnh đầm ấm của gia đình nghèo này đã làm cho tâm hồn mọi người quên hẳn cảnh lạnh lẽo mùa đông.

Bỗng ba người nhìn ra cửa sổ, thấy một đạo nhân đang đạp tuyết từ phía Ðông lại.

Vị đạo nhân nầy đầu đội nón lơ, mình khoác áo tơi, toàn thân tuyết phủ, chân bước khấp khểnh như một bóng mờ trong hoang lạnh.

Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ thì bên trong lớp tuyết phủ đó, đạo nhân có một thân hình lực lưỡng oai phong, lưng đeo một thanh trường kiếm. Một vài sợi tơ vàng ở đốc kiếm phất phơ theo chiều gió làm tăng vẻ hiên ngang dị thường.

Quách-Khiếu-Thiên buột miệng nói:

- Kìa, các em xem đạo nhân nầy hẳn là một tay võ hiệp giang hồ. Chẳng biết ông ta có việc gì mà vội vàng vượt qua sương tuyết. Chúng ta ước được đạo nhân ấy kết bạn thì hay biết bao.

Bao thị nói:

- Khó quá! Chẳng lẽ tự nhiên chúng ta lại đón đạo nhân làm quen sao?

Dương-Thiết-Tâm gật gù, nói:

- Khó gì! Chúng ta cứ ra mời đạo nhân vào dùng vài ly rượu cho ấm, nhân đó chúng ta sẽ tâm tình.

Bản tâm của hào kiệt lúc nào cũng hiếu khách, nên cả ba đều tán thành bước ra cổng đón.

Chỉ chốc lát, đạo nhân kia đã vượt qua khỏi cổng gần 30 trượng.

Anh em họ Dương, Quách nhìn nhau khâm phục, cho là con người phi thường.

Thiết-Tâm cất tiếng gọi lớn:

- Ðạo trưởng! Xin đạo trưởng dừng bước.

Lời kêu chưa dứt thì đạo nhân đã dừng chân quay đầu lại nhìn.

Thiết-Tâm nói:

- Hôm nay gió lạnh tuyết rơi, trong bầu trời rét buốt, xin mời đạo trưởng ghé vào tệ xá, dùng chén rượu cho ấm lòng.

Ðạo nhân khẽ gật đầu. Và chỉ phút chốc đạo nhân đã tới trước mặt hai người.

Với tài phi thân thần tốc đó làm cho anh em họ Quách và Dương kinh dị.

Ðạo nhân lấy tay gạt lớp tuyết trên mặt và nói:

- Các người là ai mà dám gọi đến ta?

Thiết-Tâm còn nhỏ tuổi vốn tính nóng, nghĩ thầm: "Thấy lão bị giá rét gọi vào để uống rượu cho vui, thế mà lão lại buông lời vô lễ." Nghĩ như thế Thiết-Tâm giận quay mặt đi.

Quách-Khiếu-Thiên đứng tuổi có kinh nghiệm đường đời hơn nên không lấy làm khó chịu, nét mặt vẫn bình thản, cúi đầu xá dài đạo nhân một cái và nói:

- Anh em chúng tôi đang gây lò hâm rượu, thấy đạo trưởng xông pha trong gió tuyết lạnh lùng, không ngại phận hèn đánh liều ra đón mời đạo trưởng vào để dâng chén tẩy trần, xin đạo trưởng chớ ngờ vực.

Ðạo nhân nghe nói trợn mắt lên, miệng lẩm bẩm:

- Tốt! Tốt lắm! Uống rượu... uống rượu...

Vừa nói lão vừa quay lưng bỏ đi.

Dương-Thiết-Tâm nóng nảy không chịu được thái độ gàn dở, lỗ mãng của đạo nhân nầy, nên nhảy vụt tới nắm chặt cánh tay đạo nhân toan lôi ra ngoài đường để mắng vài lời.

Nhưng bàn tay của Thiết-Tâm vừa đưa tới thì đạo nhân đã giở nách kẹp bàn tay vào, rồi cứ ung dung cất bước. Bàn tay của Thiết-Tâm dính vào đó như một sợi xích sắt, không thể nào rút ra được. Thiết-Tâm vùng vẫy nhưng càng vùng vẫy thì cổ tay càng tê buốt đau thấu tận xương.

Quách-Khiếu-Thiên thấy mặt mày Thiết-Tâm đỏ ửng, vẻ đau đớn lộ ra ngoài biết đạo nhân đã dùng thuật nội công nhưng không phải có ác ý, liền vái đạo nhân thưa:

- Xin mời đạo trưởng tạm ngồi xuống đây nghỉ mệt.

Ðạo nhân cười nhạt rồi buông tay Thiết-Tâm ra, Thiết-Tâm được thoát nạn nhưng lấy làm xấu hổ, tức giận bỏ mặc Quách-Khiếu-Thiên tiếp khách còn mình quay vào nhà trong kể lại cho Bao thị nghe hành động của đạo nhân.

Bao thị trầm ngâm một lúc rồi nói:

- Nếu thế thì đạo nhân kia là người cổ quái, chúng ta nên dùng thái độ ngọt ngào đối xử để tìm hiểu hơn là gây chuyện với hắn.

Thiết-Tâm nghe vợ nói có lý nên đổi giận làm vui tỏ ý tán đồng.

Bao thị liền dọn lên một mâm rau đậu, bày một bầu rượu nóng, để cho chồng bưng ra tiếp khách.

Thiết-Tâm tuy nghe lời vợ, song trong lòng không phục đạo nhân nên trước khi bưng mâm rượu ra Thiết-Tâm thò lên vách rút con dao chủy thủ dài bảy tấc lén dắt vào lưng.

Khi mâm rượu đem đặt ra nhà ngoài thì Khiếu-Thiên đã cùng đạo nhân vào ngồi đó. Thấy mặt đạo nhân Thiết-Tâm không thèm vái chào, rót ba chung rượu, trước mặt mỗi người một chung, rồi bưng chung rượu của mình uống cạn, không hề nói đến ai.

Ðạo nhân ngồi nhìn qua cửa sổ, thấy tuyết rơi mỗi lúc một nhiều, nét mặt ông ta dàu dàu nhưng thỉnh thoảng lại nhếch miệng cười nhạt.

Quách-Khiếu-Thiên thấy đạo nhân nghĩ mình bỏ thuốc độc vào rượu, nên đứng lên, uống trước một chén và nói:

- Rượu này đã nguội, xin đổi cho đạo trưởng một ly khác nóng hơn để uống cho ấm bụng.

Quách-Khiếu-Thiên vừa nói vừa rót một ly rượu khác trao cho đạo nhân, hơi nóng bốc lên ngùn ngụt.

Ðạo nhân ngửi thấy rượu thơm đưa tay nâng ly uống cạn và nói: - Dẫu có bỏ thuốc mê ta cũng chẳng chết.

Dương-Thiết-Tâm lòng hậm hực không chịu nổi giọng khiêu khích của đạo nhân, sừng sộ nói lớn:

- Bọn ta đã có lòng tử tế mời người vào uống rượu, lẽ đâu lại có dã tâm hại người. Ngươi thật là một kẻ hồ đồ hỗn xược. Thôi xin mời ngươi ra khỏi nhà này. Rượu ta dẫu có chua, rau dẫu có úa cũng mặc kệ chẳng hoài công mời ngươi ăn uống nữa.

Ðạo nhân nghe nói gầm lên một tiếng, không thèm trả lời mà cũng không thèm đứng dậy vói lấy bình rượu nốc một hơi cạn hết, rồi cởi chiếc áo tơi quăng xuống nền nhà.

Bấy giờ anh em Dương và Quách mới trông thấy rõ mặt đạo nhân. Ông ta trạc độ ba mươi tuổi, chân mày dài ra đến mang tai, mặt vuông, tai lớn, da hồng, dáng điệu tỏ ra khí phách phi thường.

Trong lúc hai người kia đang ngơ ngác thì đạo nhân lại cởi bỏ luôn cái bọc bằng bao bố lên mặt bàn. Cái bọc này từ lúc vào nhà đến bây giờ ông ta vẫn đeo kè kè bên lưng.

Anh em Dương và Quách bước đến xem chiếc bọc gì, thì chao ôi! Cái bọc đó đựng một chiếc đầu người máu me bê bết.

Ðạo nhân lại mở chiếc bọc lấy thêm ra một miếng gan và một quả tim người nữa.

Quá gớm ghiếc, Thiết-Tâm cho đạo nhân là một cường khấu vội vàng rút lưỡi dao chủy thủ ra hét như sấm:

- Quân đạo tặc! Mi dám làm chuyện tàn nhẫn như thế sao?

Vừa nói Thiết-Tâm vừa đâm phập lưỡi dao vào bụng đạo nhân. Hành động lanh lẹ như thế, Thiết-Tâm đinh ninh là dẫu có bậc đại thánh cũng không thể thoát chết nổi.

Nhưng thật là kỳ dị! Ðạo nhân vẫn cười ha hả, nói:

- Các người chưa hiểu thân thế của ta ra sao mà dám gọi ta là đạo tặc ư?

Vừa nói, tay trái đạo nhân vừa đánh trúng vào cánh tay của Thiết-Tâm làm cho con dao chủy thủ chưa chạm tới áo đạo nhân đã bị đạo nhân cướp mất, cánh tay của Thiết-Tâm đau điếng.

Quách-Khiếu-Thiên trông thấy sợ sệt nghĩ thầm: "Em ta dòng dõi môn tướng, hấp thụ được nhiều môn võ bí truyền, thường ngày cùng ta tập dợt tỏ ra một cao thủ. Thế mà trước đạo nhân này võ nghệ của em ta chỉ là trò trẻ con. Ðạo nhân đã dùng tay không cướp lấy dao nhọn quá dễ dàng, thế thì đạo nhân này quả là một tay quái kiệt trong giới giang hồ rồi."

Khiếu-Thiên vừa sợ đạo nhân dùng ngón khác tấn công nên cúi xuống thủ sẵn chiếc ghế dài, chờ đạo nhân hành động sẽ ra tay.

Nhưng đạo nhân chẳng thèm đánh lại, và cũng chẳng thèm nói lại một câu nào thêm, chỉ dùng chủy thủ đó cắt miếng gan và tim người ra từng miếng một rồi tay trái cầm hồ rượu dốc vào miệng, tay phải bốc từng miếng thịt nhai ngấu nghiến.

Chỉ trong khoảnh khắc đạo nhân đã ăn hết sạch.

Hai anh em Dương và Quách kinh ngạc đứng sững sờ như hai pho tượng.

Chợt đạo nhân ngửa mặt lên hét một tiếng, trần nhà và mái ngói đều rung chuyển, những chén dĩa trên mặt bàn cũng đều lay động.

Như chưa hả giận đạo nhân đấm tay xuống bàn một cái, chiếc bàn bị tét làm hai, chén dĩa rơi xuống đất vỡ nát, chiếc đầu người trong bọc cũng rơi theo và rách da bày xương sọ ra ngoài. Bấy giờ mặt đạo nhân bỗng xầm lại, vẻ u buồn tràn ngập cả đôi mắt long lanh từ từ rướm lệ.

Thấy thế, Thiết-Tâm toan xông vào đánh, thì Khiếu-Thiên đã chận lại kịp, nói thầm:

- Có lẽ hắn là một người điên, nhưng võ nghệ cao cường. Chúng ta không nên chọc giận hắn. Cứ để xem hắn còn làm trò gì nữa.

Thiết-Tâm gật đầu đứng yên chờ đợi.

Qua một lúc, thấy vẻ mặt thay đổi một cách kỳ dị của đạo nhân, Dương- Thiết-Tâm liền chạy vào trong bưng ra một chén "nhiệt than" đặt lên mâm, để trước mặt đạo nhân và nhỏ nhẹ thưa:

- Ðạo trưởng, xin đạo trưởng dùng chút nhiệt than này.

Với nhã tâm ấy, Thiết-Tâm tưởng rằng đạo nhân sẽ đón lấy với cử chỉ làm ân, nào ngờ đạo nhân thốt ra một tiếng cười lạnh nhạt tung chân đá phắt chén nhiệt than bay lên trời, đổ tung tóe rồi quát lớn:

- Lũ khốn nạn! Ngày nay ông của chúng bay đây đã mở rộng sát giới rồi đó!

Thiết-Tâm không nén được giận dữ, nhảy vọt lên xà nhà, rút một ngọn thương dài, phi thân ra giữa sân đầy tuyết phủ quát lớn:

- Ðạo nhân! Mi có giỏi hãy ra đây ta cho nếm thử vài đường thương của nhà họ Dương.

Ðạo nhân nét mặt đổi khác, tươi cười nói:

- Mày chỉ là một con chuột lắt, dám sánh với họ Dương được sao?

Dứt lời, đạo nhân phi thân ra khỏi cửa.

Quách-Khiếu-Thiên biết việc nguy cấp đến nơi, liền vội vã chạy về nhà vác đôi kích sắt qua yểm trợ, phòng lúc Thiết-Tâm bị đánh bại.

Nhưng đạo nhân không tuốt kiếm vẫn đứng sừng sững giữa sân, gió quyện vào tà áo bay phành phạch. Thiết-Tâm nói lớn:

- Hãy rút gươm ra, còn đợi gì nữa.

Ðạo nhân cười ha hả, nói:

- Hai con cừu non, chưa biết đến hùm thiêng. Ta chấp cả hai đó. Ta vặn cổ chúng bay như vặn cổ gà, cần gì phải dùng đến vũ khí!

Thiết-Tâm chẳng nói gì cả, đánh vút một cái dùng thế "Ðộc long xuất động" bối tơ ở đầu, mũi thương quyện tròn thành một cái uyển hoa thương, nhắm ngay bụng của đạo nhân đâm tới.

Ðạo nhân mới nhìn thấy đường thương đã buộc miệng khen:

- Khá lắm!

Rồi ông ta thừa kẽ hở của mũi thương phóng mình tới, đưa tay nắm lấy mũi thương.

Dương-Thiết-Tâm vốn dòng dõi của Dương gia đã luyện tập thương pháp từ lúc bé, thấu hiểu được mọi kỹ thuật gia truyền của tổ phụ về thương pháp, nên tiếng tăm vang dội khắp nước.

Thời trước Dương-Tái-Hưng cũng chỉ có một ngọn thương nầy mà đã chỉ huy ba trăm quân, đánh tan bốn ngàn quân nước Kim. Một mình ông ta đâm chết hai ngàn quân giặc, giết bọn Vạn hộ, Thiên hộ và Bách hộ hơn trăm mạng.

Chỉ một ngọn thương mà Dương-Tái-Hưng đã làm cho quân giặc vỡ mật, kinh hồn thì thiết tưởng thuật đánh thương ấy không phải là tầm thường được.

Ngày nay, đã đành Dương-Thiết-Tâm thương pháp không thể so sánh với tiền nhân, nhưng với môn gia truyền đã điêu luyện đến độ tinh vi, thì không thể không gọi là lợi hại được.

Ðạo nhân thấy Dương-Thiết-Tâm múa thương vèo vèo, luôn luôn đâm chém loang loáng hào quang thì trong lòng khâm phục lắm.

Còn cảnh uy hùng nào bằng cảnh giữa sân nhà họ Dương tuyết bay phất phới, một thiếu niên anh dũng, người cao lớn đẫy đà múa thương đấu với một đao nhân đương niên, tài ba lỗi lạc, quên cả rét mướt, gió mưa.

Ngọn thương của Thiết-Tâm mỗi lúc một biến hóa khôn lường càng đánh càng hăng, càng múa càng đẹp. Mà đạo nhân cứ loanh quanh bám sát vào mũi thương, lúc lên lúc xuống, lẩn tránh thật tài tình.

Mặc dù Thiết-Tâm trổ hết thần uy, nhưng không làm sao đâm thủng được đạo nhân. Qua 72 đường thương gia truyền của Thiết-Tâm mà đạo nhân lẩn tránh được hết, tinh thần vẫn khỏe khoắn không hề biết mệt nhọc là gì.

Thiết-Tâm trổ hết tài lực mà không thắng nổi địch thủ, sợ hãi đâm trái một thương rồi bỏ chạy. Ðạo nhân không bỏ lỡ cơ hội, tung tay áo đuổi theo, nhưng chỉ độ vài bước bỗng Thiết-Tâm hét lớn lên một tiếng, hai tay nắm chặt đốc thương, khòm lưng đâm ngược lại, mũi thương vút thẳng vào mặt đạo nhân. Ðường thương này đã nhanh lại mạnh, vì nó là một đường võ bí truyền rất lợi hại gọi là "Tối bích phá kiên" (đập vách phá bền).

Thế võ này thời trước, lúc Dương-Tái-Hưng chưa về đầu thú nhà Tống đã dùng đánh Nguyên soái Nhạc-Phi, dù Nhạc-Phi không bị hại, nhưng cũng đã toát mồ hôi hột, nhìn nhận thương pháp của Dương gia quả nhiên lợi hại.

Ðạo nhân thấy mũi giáo của Thiết-Tâm đâm ngược lại dũng mãnh phi thường buộc mồm kêu:

- Ôi! Tuyệt xảo!

Ðồng thời đạo nhân dùng hai bàn tay đánh bốp vào nhau, kẹp chặt mũi thương ở giữa lòng bàn tay.

Thiết-Tâm vận dụng hết sức lực mà vẫn không làm sao thu mũi giáo về được. Thiết-Tâm sợ quá, ba lần vận nội công, mặt mày đỏ tía, cố rút thương về mà vẫn không nhúc nhích.

Trong lúc đó đạo nhân vẫn buông tiếng cười ngạo nghễ, hai tay chập vào nhau đứng trân trân như pho tượng. Bỗng đạo nhân phất tay phải lên không trung, nhanh như chớp, lấy đà chém dộng xuống cán thương, làm cho Thiết-Tâm cảm thấy đau nhói cả mình, vội buông giáo ra. Ngọn giáo bị gãy làm hai đoạn.

Bấy giờ, đạo nhân vừa cười vừa nói:

- Tráng sĩ sử dụng ngón võ nầy quả đáng mặt con cháu họ Dương. Bần đạo đã lầm, xin cho biết tên họ.

Thiết-Tâm tuy chưa hết sợ hãi, nhưng nghe lời nói ôn hòa của đạo nhân liền đáp:

- Tiểu tử họ Dương tên Thiết-Tâm.

Ðạo nhân trố mắt nhìn, hỏi tiếp:

- Thế ra tráng sĩ là con cháu của vị hổ tướng Dương-Tái-Hưng sao?

Thiết-Tâm đáp:

- Chính Dương-Tái-Hưng là ông của tiểu tử.

Ðạo nhân nghe nói, kính cẩn cúi đầu thi lễ và nói:

- Bần đạo trông hai tráng sĩ mà không rõ dòng dõi trung lương, thật quả đáng tội.

Ðoạn ông quay sang Quách-Khiếu-Thiên nói:

- Xin tráng sĩ cho bần đạo rõ quý danh luôn.

Quách-Khiếu-Thiên cũng cúi đầu đáp lễ và nói:

- Tiểu tử họ Quách, tên Khiếu-Thiên.

Tiếp lời Thiết-Tâm giới thiệu Quách-Khiếu-Thiên với đạo nhân:

- Quách huynh của tôi đây vốn dòng dõi của vị anh hùng Lương-Sơn-Bạc, Trại-nhân-quý Quách-Thịnh đầu lĩnh đó.

Ðạo nhân tỏ vẻ vừa hân hoan, vừa hối hận, nói:

- Thế thì bần đạo đã quá lỗ mãng đối với nhị vị, xin nhị vị tha thứ cho.

Dứt lời, đạo nhân cúi đầu xá cả hai người một lần nữa.

Thiết-Tâm và Khiếu-Thiên cùng đáp lễ rồi nói:

- Kính mong đạo trưởng vào nhà xơi thêm vài chung rượu.

Ðạo nhân nói:

- Rất hân hạnh. Bần đạo đâu dám từ chối, xin hầu tiếp nhị vị tráng sĩ. Dẫu uống đến say chết vẫn vui.

Nhắc lại Bao thị khi thấy chồng mình đánh với đạo nhân lấy làm ngạc nhiên, đứng sau rèm, hé nhìn qua cửa sổ và hồi hộp từng lúc. Sau thấy cả ba người đều bỏ vũ khí, nói chuyện thân mật lại nghe chồng mình mời đạo nhân vào nhà uống rượu, nàng vội vã xuống bếp sửa soạn một mâm thức ăn để thết khách.

Khi thức ăn đã dọn lên bàn, ba người phân ngôi chủ khách xong, Khiếu- Thiên và Thiết-Tâm yêu cầu đạo nhân cho biết đạo hiệu.

Ðạo nhân đáp:

- Bần đạo họ Khưu, tên Xứ-Cơ.

Vừa nghe đạo nhân xưng tên, Khiếu-Thiên giật mình, ngắt lời hỏi:

- Có phải đạo trưởng là Trường-Xuân chân nhân chăng?

Ðạo nhân mỉm cười đáp:

- Vâng! Ðó là bạn bè tặng như vậy, song bần đạo lấy làm xấu hổ, không dám nhân tước hiệu đó.

Quách-Khiếu-Thiên quay sang nói với Dương-Thiết-Tâm:

- Hiền đệ! Ðạo trưởng đây võ nghệ cao cường, nội công uyên thâm, là một vị đại hiệp đệ nhất trong giới giang hồ thời nay. Chúng ta gặp được người thật là may mắn.

Dương-Thiết-Tâm quá khâm phục, kêu lên một tiếng, rồi cùng với Quách-Khiếu-Thiên cả hai quỳ mọp xuống bái lạy đạo nhân.

Khưu-Xứ-Cơ vội vàng đỡ hai người dậy, tươi cười nói:

- Hôm nay vì ta giết một kẻ gian tặc, nên bị quan phủ truy nã rất gắt. Ta chạy qua đây gặp hai tráng sĩ gọi cho uống rượu. Hai tráng sĩ lại ở kế cận Kinh thành làm sao ta khỏi nghi ngờ. Ấy vậy, nên có sự lầm lẫn không đẹp vừa qua thật đáng tiếc.

Khiếu-Thiên nói:

- Việc nầy lỗi do hiền đệ Thiết-Tâm, vì nóng nảy nên làm cho đạo trưởng thêm nghi ngờ là phải.

Khưu-Xứ-Cơ nói:

- Thật tình trong lúc nầy, tay chân của gian thần đều rải rác khắp nơi. Thế mà ta lại gặp được hai tráng sĩ trong hoàn cảnh nầy, thật là việc kỳ ngộ đó.

Ba người lại thích thú cười xòa, rồi đồng nhau bắt chén đối ẩm. Khưu-Xứ-Cơ nói:

- Bần đạo vốn sinh trưởng ở Bắc phương, cả gia đình đều bị giặc Kim tàn sát. Ấy vậy mà triều đình nhà Nam Tống gồm toàn những phần tử tham quan ô lại, siểm nịnh gian ác. Chúng ta không biết nhờ vào đâu để khôi phục mảnh dư đồ đã mất. Bởi vậy bần đạo chán ngán, quá phẩn uất phải bỏ đi tu hành, xa lánh việc đời để khỏi bận tâm.

Nói đến đây, Xứ-Cơ mở chiếc đầu lâu ra, vừa chỉ vừa nói:

- Thằng nầy là Vương-Ðạo-Càn, tên Hán gian số một, vừa rồi nhà vua sai nó sang nước Kim làm lễ khánh hạ sinh nhật vua Kim. Nó đã cùng giặc Kim cấu kết, lấy mưu cho giặc nuốt nốt mảnh đất Giang-Nam này nữa. Nghe tin, bần đạo theo đuổi mười ngày mới tóm cổ được nó, và chặt đầu trừ đứa bán nước. Vì quá đau đớn khi nghĩ đến thù nhà nợ nước mà bần đạo xẻ cả tim gan của nó mà ăn không biết gớm. Hành động ấy e thất lễ với nhị vị.

Dương-Thiết-Tâm và Quách-Khiếu-Thiên lâu nay vốn nghe các tay giang hồ nghĩa hiệp nói đến Khưu-Xứ-Cơ là một bậc siêu nhân, có tài về quyền, kiếm, nội công, khắp bốn bể chẳng ai dám sánh. Nay hai người đối diện với Khưu-Xứ-Cơ, lại được nghe Khưu-Xứ-Cơ bộc lộ những điều u uẩn trong lòng, hợp với tâm trạng mình nên cả hai đều kính phục.

Ba người vui vẻ nói chuyện với nhau về các môn võ thuật. Khưu-Xứ-Cơ bàn luận rất lưu loát và rành mạch.

Mặc dù thương pháp tổ truyền của họ Dương đã đến mức cao siêu tuyệt kỹ, nhưng gặp Khưu-Xứ-Cơ là một bậc võ nghệ tuyệt luân, kiêm cả nội ngoại công, biến hóa khôn lường, nên Thiết-Tâm không làm sao đấu đủ mười hiệp. Sở dĩ trận đấu kéo dài là Khưu-Xứ-Cơ muốn khiêu khích để Thiết-Tâm trình bày đủ 72 thế thương, xem có đúng là thương pháp gia truyền của dòng họ Dương. Ðến khi Khưu-Xứ-Cơ đã nhận đúng mới tấm tắc khen và đưa tay đánh gãy cây thương để kết liễu trận đấu.

Thật ra, nếu lấy tài tranh chiến thì Khưu-Xứ-Cơ chỉ cần xuất thủ là đã có thể lấy mạng Thiết-Tâm rồi.

Do chỗ phục tài nghệ với nhau, cả ba trò chuyện rất tương đắc. Qua một lúc Thiết-Tâm nói:

- Chúng tôi hôm nay may mắn gặp được chân nhân, thật là điều vạn hạnh. Chúng tôi muốn lưu chân nhân ở lại đây một thời gian, chẳng biết chân nhân...

Thiết-Tâm nói chưa dứt lời, chợt thấy Khưu-Xứ-Cơ biến sắc, nói vội:

- Có người theo bắt ta! Chắc là lành ít dữ nhiều. Vậy xin nhị vị đừng lộ diện, cứ để mặc ta đối phó.

Dương và Quách ngạc nhiên, không hiểu sự thể ra sao, nhưng việc gấp rút, chỉ gật đầu không hỏi lại.

Khưu-Xứ-Cơ cúi xuống nhặt chiếc đầu lâu rồi mở cổng vội vã nhảy ra ngoài phi thân lên ngọn cây đại thọ nhanh chẳng khác gì một con chim.

Dương, Quách, hai người thấy Khưu-Xứ-Cơ hành động xuất quỉ nhập thần, đưa mắt nhìn nhau kinh ngạc, không rõ là việc gì. Trong lúc đó thì Khưu-Xứ-Cơ đã thu mình giấu kín trong cành cây rậm. Bốn bề im bặt, chỉ nghe gió thổi vi vút vào các cội cây.

Nhưng chỉ một chốc, nơi phía Tây có tiếng vó ngựa dồn dập vọng đến. Ðôi bạn Dương, Quách nghe tiếng vó ngựa sợ hãi lẩm bẩm:

- Tai vị đạo trưởng thật thính, có thể nghe tiếng động từ xa cách hơn vài dặm đường. Thật kỳ diệu thay!

Tiếng vó ngựa mỗi lúc một gần, rồi từ xa xuất hiện một đoàn kỵ mã lướt phăng phăng trên mặt tuyết trắng phau. Trên yên, người nào người nấy cũng đều mặc áo đen, mũ xám. Ðoàn kỵ mã đó có hơn mười người, thúc ngựa đến trước cổng nhà họ Dương thì dừng lại.

Tên cầm đầu đột nhiên quay lại la lớn:

- Dấu chân của nó đến đây thì mất hút...

Mặt sau, đoàn kỵ mã lao nhao xuống ngựa, cúi mặt xuống đất dò tìm từng vết chân của Khưu-Xứ-Cơ.

Dương và Quách hai người núp trong cửa sổ dòm ra, thấy mấy người tên ngựa vừa tụt xuống người nào sức vóc cũng cao lớn đẫy đà, có tư thế con nhà võ.

Người chỉ huy trỏ tay vào phía nhà Dương-Thiết-Tâm quát lên:

- Hãy vào khám nhà này! Có lẽ nó trốn trong đó.

Lệnh vừa ban ra, hai tên tùy tùng nhảy phóc đến trước cổng định tiến vào. Bỗng có một tiếng "bịch" từ trên đọt cây ném xuống, bay vèo qua cánh cổng, trúng vào bụng một tên tùy tùng. Tên nầy không kịp la lên một tiếng, ngã nhào xuống mặt tuyết chết tươi.

Ðó là một vật tròn và cứng sau khi đánh vỡ bụng tên tùy tùng, lăn lông lốc trước mặt mọi người.

Thế là cả bọn lao nhao chạy đến nhặt vật đó lên coi.

Một người vừa trông thấy thất kinh ré lên:

- Trời ơi! Ðúng là chiếc đầu của Vương đại nhân rồi. Tên giặc núp đâu đây!

Tên chỉ huy cầm dại đao bóng loáng, hét lên:

- Hãy đến đây tất cả.

Tức thì cả đoàn người xúm lại vây quanh gốc cây.

Dương-Thiết-Tâm nhảy vào nhà rút con dao nhọn, toan chạy ra tiếp ứng với Khưu-Xứ-Cơ, nhưng Quách-Khiếu-Thiên cản lại, nói:

- Ðạo trưởng đã dặn chúng ta không nên ló mặt ra ngoài. Vậy hãy chờ lúc nào đạo trưởng thế cô, không địch nổi đám đông người thì chúng ta tiếp cứu cũng chẳng muộn.

Ðôi bạn đàm luận chưa dứt thì đã thấy Khưu-Xứ-Cơ tránh một lúc bốn mũi tên liền. Nhưng đến mũi tên thứ năm thì Khưu-Xứ-Cơ không tránh né nữa, đưa tay ra bắt rồi ném trả mũi tên lại vào đám người đang hăm hở trèo lên gốc cây.

Cùng lúc đó, Khưu-Xứ-Cơ lại giả vờ trúng tên, từ trên cành cây lăn xuống đất.

Hai tên kỵ mã vội phi ngựa tới, vung đao chém vào Khưu-Xứ-Cơ. Hai ngọn đao bay loang loáng đồng hạ xuống một lượt. Nhưng lạ thay! Hai lưỡi đao chưa đến mình Khưu-Xứ-Cơ thì hai tên kỵ mã kia đã lăn ra chết.

Tên chỉ huy khí thế hung hăng, vung đao chạy lại, nhìn Khưu-Xứ-Cơ hét:

- Tặc đạo giỏi thật! Lại vẫn là mày!

Vừa nói, tên chỉ huy vừa tung tay áo bắn ra liên tiếp ba mũi tên và lướt tới chém Khưu-Xứ-Cơ.

Khưu-Xứ-Cơ dùng kiếm quang đánh vẹt ba mũi tên ra, cứ mỗi mũi tên bị đánh vèo một cái là một tên kỵ mã bị trúng tên ngã ra chết.

Chỉ loáng mắt Khưu-Xứ-Cơ đã giết cả thảy sáu tên.

Anh em Dương, Quách thấy Khưu-Xứ-Cơ giết người dễ như bỡn, mỗi cử động là một mạng người chết, nhìn nhau khâm phục khôn cùng.

Hai người đều tự bảo: "Chúng mình tuy thuộc vào loại hảo hán, võ thuật hơn người nhưng so sánh với vị đạo trưởng nầy thật cách xa như trời với vực." Giữa lúc đó, Khưu-Xứ-Cơ trổ tài thần võ, lui tới như bay, đang chiến đấu với tên chỉ huy của đối thủ.

Tên chỉ huy này cũng là tay cao thủ. Hắn múa giáo vô cùng lợi hại. Tuy nhiên, nhìn qua đấu pháp anh em Dương, Quách đều hiểu rằng Khưu-Xứ-Cơ không muốn giết tên này vội, vì giết tên đầu lãnh, bọn tùy tùng sẽ sợ chạy tán loạn hết. Ông ta cứ từng lúc tỉa dần từng đứa tùy tùng.

Chỉ phút chốc, đoàn kỵ mã chỉ còn hơn ba đứa võ nghệ cao cường hơn, tham chiến với tên chỉ huy của chúng.

Tên chỉ huy không ngoan, biết rằng dần già tất bị bại, liền ra lệnh rút lui.

Cả bốn tên còn lại nhảy phóc lên ngựa ra roi bỏ chạy. Nhưng Khưu-Xứ-Cơ không tha, phóng tay ra trước túm lấy đuôi ngựa, nhảy vọt bay theo. Ông ta chưa đặt đít lên yên đã thọc một nhát kiếm vào lưng tên chỉ huy lủng từ phía sau ra đến trước ngực. Tên chỉ huy chỉ còn là cái xác không hồn, lăn cù xuống ngựa.

Con chiến mã thấy lưng bớt nặng cất vó phi tới. Khưu-Xứ-Cơ đuổi theo đồng bọn, và chỉ loáng mắt những cái xác người ngồi trên lưng ngựa đều ngã gục hết, chỉ còn những chiếc yên không.

Khưu-Xứ-Cơ dừng tay kiếm, đưa mắt nhìn mặt tuyết, thấy tuyết trắng nhuộm màu hồng và cả đội quan binh bị giết sạch không một tên nào trốn thoát.

Ðắc ý, Khưu-Xứ-Cơ mỉm cười vẫy tay gọi anh em Dương, Quách ra và nói:

- Giết giặc một bữa thật sướng tay.

Dương, Quách vội vã chạy đến chiến địa, tâm hồn còn chưa định, nhìn thấy mặt tuyết không người, chỉ để lại những vết máu loang loáng, xa xa chiến mã yên không người, chạy tán loạn.

Bất giác, Khiếu-Thiên hỏi Khưu-Xứ-Cơ:

- Ðạo trưởng giết giặc được mấy chục đứa?

Khưu-Xứ-Cơ nói:

- Phiền anh em đếm lại xem.

Khiếu-Thiên chạy lại vùng giữa những xác chết nằm ngổn ngang, thấy viên chỉ huy bụng bị rách toẹt, để lộ ra một mảnh giấy nơi túi áo. Khiếu-Thiên rút mảnh giấy ra xem thì thấy đó là lá công văn của viên tri phủ Lâm-An ra mật lệnh thay mặt cho sứ giả của "Ðại Kim quốc", bắt phải truy nã hung thủ đã giết chết Vương-Ðạo-Càn. Công văn nầy có một hàng chữ ghi là "Lệnh ban hành do hội đồng xét thẩm, gồm cả người Kim".

Thì ra, trong số nạn nhân bị Khưu-Xứ-Cơ giết có lẫn một người nước Kim. Quách-Khiếu-Thiên nói:

- Thế này là quân giặc đã trà trộn vào quân binh để sát hại dân mình. Trăm quan của nước Trung Hoa đã phải cúi đầu tuân theo mệnh lệnh của tên sứ giả nước Kim. Không hiểu bọn vua quan mục nát kia còn đưa dân tộc đến chỗ nguy vong nào hơn nữa.

Khưu-Xứ-Cơ nghe nói, cười lớn:

- Kẻ tu hành này đã xuất gia, lẽ ra lấy lòng từ bi bác ái hỉ xả. Nhưng mỗi ngày quân giặc mỗi tác loạn thêm, dân lành chết chóc. Lòng từ bi lại không thể ngồi yên nhìn dân chúng điêu linh, bất đắc dĩ phải trừ một số người quá tham bạo.

Thiết-Tâm nói:

- Giết chúng phải lắm! Tha sao được những đứa hại dân bán nước?

Ðịa khu này tuy vậy chỉ là một thôn nhỏ, đất hẹp người thưa. Hơn nữa, gặp lúc trời mưa tuyết đổ, rét buốt thấu xương nên cũng ít người vô cớ dám thò ra ngoài. Mà nếu kẻ nào có việc phải ra ngoài trông thấy cảnh tượng ấy, họ cũng đánh tiếng làm thinh, tránh đi nơi khác. Do đó, ba người anh hùng mặc tình tâm sự không sợ lộ liễu. Mặt khác, dân trong vùng này ai cũng kính nể hai nhà hào kiệt Quách, Dương xem họ như những nhân vật bất khả xâm phạm.

Dương-Thiết-Tâm chạy vào nhà bếp lấy một cái thang ngắn làm đòn khiêng, đem xác bọn gian tặc chôn chung vào một cái hố sâu gần đó.

Bao thị cũng nhanh nhẹn đem chổi ra quét những vết máu đọng trên tuyết để làm cho mất tang chứng trước mắt mọi người.

Nhưng nàng quét được một lúc thì vì hơi máu hôi tanh xông lên làm cho nàng xây xẩm, tay chân bủn rủn, mặt tái ngắt, ngã quị xuống.

Thiết-Tâm chạy đến, thấy mặt vợ xám nhạt, thất kinh đỡ dậy. Khưu-Xứ-Cơ cầm tay Bao thị chẩn mạch, rồi cười lớn nói:

- Hỉ tín! Hỉ tín đấy!

Dương-Thiết-Tâm ngạc nhiện hỏi:

- Ôi chao! Vợ tôi chết ngất thế nầy sao lại là việc mừng?

Lúc đó Bao thị thở phì ra một hơi, lần lần tỉnh lại, thấy mình mẩy ướt đẫm, ba người đàn ông xúm lại trước mặt, lấy làm e thẹn vội vàng bỏ chạy vào nhà.

Khưu-Xứ-Cơ nói:

- Bà nhà đã có tin mừng rồi đó!

Bấy giờ Thiết-Tâm mới hiểu ý, vồn vã nói:

- Có tin mừng thật sao? Thưa đạo trưởng.

Khưu-Xứ-Cơ đáp:

- Bần đạo bình sinh sở học nổi trội nhất về khoa "y đạo", thứ nhì đến khoa "thơ phú", còn về võ nghiệp chỉ là tới sơ đẳng, chưa đủ dùng.

Quách-Khiếu-Thiên cười lớn, xen vào:

- Võ nghiệp của đạo trưởng mà còn gọi là sơ đẳng thì chúng tôi chẳng biết phải ví với gì cho được.

Ba người đều nhìn nhau cười, rồi rủ nhau lấp đầy cái hố chôn xác giặc. Lúc đó hai anh em họ Dương, Quách trông thấy Khưu-Xứ-Cơ trải qua một cuộc đấu chiến kinh hồn mà mình mẩy không dính một vết dơ, trán không rướm chút mồ hôi, lấy làm kính phục.

Sau khi an táng xác giặc xong, hai anh em Dương, Quách lại mời Khưu-Xứ-Cơ vào nhà tiếp tục tiệc rượu. Thiết-Tâm nghĩ đến vợ mình đã mang thai, lòng mừng vô hạn, uống cạn chén nầy đến chén khác, rồi cười lớn nói với Xứ-Cơ:

- Chị Quách nhà tôi cũng mang thai, vợ tôi cũng thế. Vậy xin đạo trưởng làm ơn đặt tên cho các cháu thì hay biết bao!

Khưu-Xứ-Cơ mỉm cười, suy nghĩ một chút rồi nói:

- Ðược lắm! Con của Quách đại ca có thể đặt là Quách-Tĩnh, con của Dương đại ca có thể đặt là Dương-Khang. Bất cứ trai hay gái đều có thể đặt hai tên đó.

Quách-Khiếu-Thiên nói:

- Hay lắm! Ðạo trưởng đặt tên cho cháu ngụ ý nhắc cho bọn tôi không được quên cái nhục "Tĩnh Khang" mà khắc cốt ghi tâm đến việc "Hai Thánh" khi xưa bị giặc bắt đó chăng?

Khưu-Xứ-Cơ gật đầu đáp:

- Thưa phải.

Dứt lời, ông ta thò vào bụng lấy ra hai thanh kiếm nhỏ, để lên bàn.

Ðôi kiếm này thước tấc rộng hẹp dài ngắn y như nhau, đều có vỏ bọc da ngoài. Lưỡi vàng và chuôi bằng một thứ gỗ đen như mun.

Xứ-Cơ lấy con dao chủy thủ của Thiết-Tâm đã đâm mình khi nãy, dùng mũi nhọn khắc vào chuôi kiếm hai chữ "Quách-Tĩnh".

Rồi lại khắc vào chuôi kiếm thứ nhì hai chữ "Dương Khang". Nét khắc sâu và bóng, lưỡi dao thoăn thoắt như bay, chẳng khác nào như dùng ngọn bút, khiến cho hai anh em Dương và Quách lấy làm lạ lùng trước lối khắc chữ điêu luyện của Khưu-Xứ-Cơ.

Khưu-Xứ-Cơ nhìn hai người, nói:

- Hai tráng sĩ có hiểu sao bần đạo lại dùng đôi kiếm báu để tặng hai cháu không?

Vừa nói, Xứ-Cơ vừa lấy hai thanh bửu kiếm, trao cho mỗi người một thanh. Thanh kiếm đẹp và lóng lánh hào quang. Quách và Dương kính cẩn đón nhận đôi kiếm, chưa kịp trả lời thì Thiết-Tâm đã rút ra khỏi vỏ. Một luồng gió lạnh tạt vào mặt, lưỡi kiếm rung rinh phát ra hào quang ngời ánh thép. Quách-Khiếu-Thiên cũng rút lưỡi kiếm mình ra thì lưỡi kiếm cũng chẳng khác gì lưỡi kiếm của Dương-Thiết-Tâm cầm nơi tay.

Khưu-Xứ-Cơ đưa lưỡi dao chủy thủ ấn vào lưỡi kiếm báu thì lưỡi dao bị đứt tiện làm đôi rơi xuống mặt bàn. Dương và Quách biết rõ đôi đoản kiếm này là một thần vật, đều hướng về Khưu-Xứ-Cơ nói:

- Mang ơn đạo trưởng ban cho của báu. Nhưng bọn chúng tôi chỉ biết đa tạ mà chẳng dám bái lĩnh.

Khưu-Xứ-Cơ vừa cười, vừa nói:

- Thật ra đôi kiếm này nay mới gặp dịp dùng đến. Nó là một vật sắc bén vô cùng. Ngay cả lúc lâm nguy, bần đạo cũng chưa dùng đến. Nay muốn cho con cháu sau này cứu nước, giết giặc, nên bần đạo mới trao tặng, tại sao nhị vị lại không nhận?

Dù là Xứ-Cơ đã thành khẩn trao gươm, nhưng anh em họ Dương và Quách đều cố sức từ chối. Khưu-Xứ-Cơ thấy cử chỉ ấy nổi giận nói lớn:

- Ta những tưởng các ông là dòng dõi anh hùng hào kiệt, cho nên mới kính trọng, không ngờ các ông chỉ là những hạng người hèn nhát, mất cả khí phách anh hùng.

Hai anh em họ Dương và Quách thấy Khưu-Xứ-Cơ phẫn nộ, vội cúi đầu lạy tạ tội. Khưu-Xứ-Cơ nghiêm sắc mặt nói:

- Ðôi kiếm này là một cổ vật, chẳng biết đã trải qua mấy trăm năm, và cũng chẳng rõ nó đã uống qua bao nhiêu máu quân thù, chỉ biết rằng con nhà võ phải kính trọng nó, phải dùng nó như một lợi khí. Tuy nhiên việc sử dụng nó không phải là dễ. Nếu sau này các cháu võ thuật chưa tinh mà dùng nó thì chẳng những không đủ sức chế ngự được giặc mà còn mang lấy vạ vào thân. Từ ngàn xưa đã nói: Những kẻ tầm thường giấu trên lừa dưới mà đeo ngọc thì ngọc ấy tức là đeo cái tội vậy. Hai tráng sĩ nên ghi nhớ lời này.

Dương và Quách nghe Khưu-Xứ-Cơ dẫn giải tỏ vẻ khâm phục, nhìn nhau chầm chập chẳng dám nói gì cả. Khưu-Xứ-Cơ thấy thế buông một tiếng cười dài rồi nói:

- Nếu sau đây mười năm, bần đạo còn sống sót trên cõi dương thế nầy, thì bần đạo sẽ tình nguyện trở lại đây, chỉ dạy cho các cháu vài môn võ bình thường, chẳng biết hai cháu có bằng lòng chăng?

Dương và Quách cúi đầu lạy tạ. Khưu-Xứ-Cơ lại đứng dậy nói:

- Nay giặc Kim giày xéo Bắc phương, căm hờn chồng chất trong lòng dân nếu để chúng lộng quyền mãi thì chúng ta không thể nào sống được. Hai ông đều là dòng giống trung lương, đã định làm gì lợi cho nhà cho nước chăng?

Vừa nói dứt tiếng, Khưu-Xứ-Cơ với lấy cốc rượu nốc một hơi cạn ly, rồi đứng dậy cất bước chạy vội ra ngoài cổng. Dương và Quách định níu lại, nhưng không kịp, vị đạo trưởng đã thoăn thoắt lướt mình trên mặt tuyết như một chiếc bóng mờ.

Chẳng mấy chốc Khưu-Xứ-Cơ đã mất dạng. Anh em Dương và Quách nhìn theo cõi hư vô vắng lặng, bất giác thở dài nhìn nhau, than:

- Những bậc cao nhân trong đời thật kỳ dị, chợt đến chợt đi trong nháy mắt, và hành động thật là dứt khoát. Bọn ta ngày nay được gặp một lần, tưởng cũng đã vạn hạnh.

Dương-Thiết-Tâm nói:

- Này đại ca, hôm nay đạo trưởng giết được mấy thằng giặc thật sướng tay. Chúng ta học được một kinh nghiệm quí báu về lối công địch. Và như thế chúng ta đã được khai sáng bộ óc một phần nào.

Vừa nói Dương-Thiết-Tâm vừa cầm thanh kiếm liếc qua liếc lại trên tay cho vui. Bỗng chợt thấy trên chuôi kiếm có hai chữ Dương Khang, Thiết-Tâm nảy ra một ý nghĩ, nói lớn:

- Ðại ca! Em có ý kiến thế này, đại ca liệu có nên chăng?

Quách-Khiếu-Thiên hỏi:

- Ý kiến gì vậy?

Dương-Thiết-Tâm hớn hở nói:

- Nếu con chúng mình sau này đều trai cả thì cho chúng kết tình anh em, còn nếu là một trai một gái thì cho chúng làm vợ chồng. Hoặc nếu là gái hết thì cho chúng kết nghĩa chị em.

Quách-Khiếu-Thiên cười lớn, nói:

- Ðúng đấy! Hiền đệ có ý kiến rất hay.

Hai người nắm tay nhau siết chặt, cười vang cả nhà. Bao thị từ nhà trong, nghe tiếng cười vang dội, bước ra hỏi:

- Có chuyện chi khoái chí mà anh em cười vui thế?

Dương-Thiết-Tâm liền thuật lại ý nguyện của hai người vừa bày tỏ cho vợ nghe. Bao thị cũng sung sướng, hai má đỏ ửng, tán đồng ý kiến của chồng. Thấy vợ hân hoan, Thiết-Tâm lớn tiếng nói với Khiếu-Thiên:

- Ðại ca! Thế thì việc đầu tiên chúng mình phải đổi bảo kiếm cho nhau trước đã rồi sau sẽ tính chuyện nhân duyên.

Quách-Khiếu-Thiên cười lớn nói:

- A! Hài nhi chưa sanh, sao biết trước được mà nói đến lương duyên. Nếu chúng là anh em hay chị em thì sao?

Dương-Thiết-Tâm nói:

- Ðó là ước vọng của chúng mình. Còn nếu sau này chúng là anh em hay chị em thì chừng ấy chúng ta đổi kiếm lại, có khó gì.

Quách-Khiếu-Thiên nói:

- Nhưng nếu tôi sanh con trai thì đôi kiếm báu phải về nhà tôi hết, vì bổn phận làm vợ phải theo chồng.

Dương-Thiết-Tâm cười lớn, nói:

- Dĩ nhiên, nhưng tôi may mắn sinh trai, thì đôi kiếm cũng theo nguyên tắc ấy về cả nhà tôi.

Nói đến đấy, hai người lại phá lên cười không dứt. Bao thị cũng vui vẻ nói:

- Thôi hai anh cứ đổi kiếm đi để em đem vào nhà cất nốt.

Anh em Dương và Quách đồng trịnh trọng đổi gươm cho nhau.

Chuyện bào thai đính ước này cũng là một cổ lệ cách năm, sáu trăm năm về trước. Dù hai bên chỉ một lời hứa, nhưng lời hứa đó bất di bất dịch.

Sau khi trao đổi kiếm báu, Quách-Khiếu-Thiên đem kiếm về nhà trao cho vợ cất và kể lại sự tình.

Vợ Quách-Khiếu-Thiên là Lý-Bình nghe câu chuyện cũng hớn hở vui mừng chẳng kém Bao thị.

Giữa lúc đó thì nơi nhà Dương-Thiết-Tâm, vợ chồng chưa dứt nét hân hoan, cứ bàn bạc mãi câu chuyện đứa con đầu lòng. Thiết-Tâm lấy làm vui thích khi nghĩ đến dòng máu oanh liệt của mình được kết tinh, nên cứ ngồi uống rượu mãi, uống cho đến lúc say mèm, nằm lăn ra đó.

Bao thị thấy thế vội đỡ chồng dậy, đưa vào giường rủ màn đắp chăn cho chồng cẩn thận, rồi mới ra ngoài làm việc nội trợ.

Nàng dọn mâm chén bát, rửa ráy xong thì trời cũng đã vừa tối, nên vội vã ra nhà sau bắt gà vịt cho vào chuồng và định đóng cửa ngõ như thường lệ.

Nhưng, lạ lùng làm sao, nàng vừa bước ra gần cổng thì chợt thấy trên màu tuyết trắng phau có rải rác vài giọt máu hồng. Khả nghi, nàng bước vội ra đàng trước thì thấy máu lại đọng từng vệt lớn.

Rất ngạc nhiên, Bao thị nghĩ thầm: "Ban chiều mình đã quét hết, tại sao lại còn những vết máu như vầy? Nếu viên tri phủ biết được ắt đại họa đến với gia đình." Nghĩ như thế, nàng lại vào trong lấy chổi ra quét vội.

Nhưng quét mãi không hết. Vết máu cứ dây dưa kéo dài trên mặt tuyết vào thẳng nơi rừng thông, mà trên mặt tuyết còn có vết tay chân cào cấu như vết người bò lê vậy.

Tuy vậy, Bao thị cũng cố gắng theo vết máu để quét cho sạch. Nhưng khi nàng đến gần rừng thông thì chợt thấy sau một ngôi cổ mộ có một vật gì đen sì, lù lù nằm phục nơi đấy. Bao thị rảo chân lần đến thì ra đó là một xác người, quần áo màu đen xịt.

Nàng dự đoán đây là một nạn nhân đã bị thương trong chiến cuộc ban chiều còn sót lại nhưng chẳng biết kẻ ấy còn sống hay đã chết rét rồi. Nàng vội quay gót về nhà gọi chồng ra xem nếu là một xác chết thì phải mau mai táng cho xong.

Nhưng nàng chợt nghĩ: "Nếu để xác ấy nằm đây, rủi chồng mình chưa kịp ra mà có kẻ trông thấy thì không tránh khỏi tai nạn cho gia đình." Nghĩ như vậy và đinh ninh đó là một xác chết, nàng xắn tay áo, định lôi xác chết vào bụi rậm, rồi sẽ về nhà gọi chồng nàng.

Ngờ đâu, nàng thò tay vào cầm lấy ngón chân cái xác chết chưa kịp lôi thì cái xác kia cử động, rồi thốt ra một tiếng rên thảm thiết.

Bao thị giật mình, hồn vía như lên đến mây xanh. Nàng chết đứng, hai chân dính cứng vào nhau không bước đi được một bước.

May thay, cái xác đó lại nằm im trở lại, tuyệt nhiên không động đậy.

Qua một lúc trấn tĩnh, Bao thị cất bước, toan chạy về gọi Thiết-Tâm, nhưng nàng vừa nhấc chân lên thì cái xác buông ra vài tiếng rên rùng rợn, làm cho nàng sợ quá không bước nổi nữa.

Bấy giờ Bao thị mới biết người này chưa chết, chỉ bị thương ngất đi mà thôi. Nàng thu hết can đảm, trố mắt nhìn người ấy thì thấy trên vai bị một mũi tên bằng nanh chó sói cắm sâu vào. Ðầu mũi tên đã bị máu bầm đọng bít lại.

Bao thị vốn là người con gái có bản tính nhân từ, mỗi khi thấy một con vật, dù là loài chim chóc, bị thương nàng cũng đem lòng thương hại bắt về nuôi nấng, săn sóc cho đến khỏi mới thôi. Bản tính nhân từ ấy đã un đúc nàng không thể thay đổi. Và cũng vì vậy nàng hay đa sầu đa cảm, hợp với tấm thân mảnh khảnh của nàng mà song thân nàng đã chọn cho nàng cái tên là "Tích-Nhược".

Từ khi nàng về làm dâu nhà họ Dương, tuy Thiết-Tâm là kẻ nóng tính có sức mạnh như hùm, nhưng vẫn yêu thương nàng, nâng niu chiều chuộng nàng như một viên ngọc quí. Ngược lại, nàng đối với chồng cũng một mực kính yêu, do đó hai vợ chồng hòa thuận với nhau, tạo cho gia đình một nguồn hạnh phúc không nhỏ.

Còn một điều đáng chú ý là trong vườn Bao thị nuôi rất nhiều gà vịt, nhưng không bao giờ nàng chịu làm thịt một con. Nếu Thiết-Tâm muốn ăn, thì nàng đi chợ mua con khác đã làm thịt sẵn, chứ nàng chẳng bao giờ dám giết thú vật. Nàng thường nói với chồng là con nào được nuôi thì nàng để cho nó hưởng hết tuổi trời. Nếu rủi nó bị chết, nàng chôn cất tử tế, có khi nàng còn sụt sùi khóc cho mệnh số ngắn ngủi của con vật đó là khác.

Ấy thế mà vào giờ này, Bao thị gặp một nạn nhân nằm rên rỉ trước tử thần thì làm sao nàng có thể ngơ mặt được. Tuy nàng có linh cảm người này không phải là kẻ lương thiện, song đối với nàng, kẻ bất lương không phải là kẻ không biết đau đớn khi bị thương tích!

Nàng rón rén trở về nhà, lay Thiết-Tâm dậy để bàn định xem sao. Nhưng Thiết-Tâm vì quá chén say mèm, nàng đánh thức đôi ba lượt mà Thiết-Tâm vẫn cứ nằm ngáy pho pho, tiếng ngáy rền rền như sấm.

Bất giác, Bao thị nghĩ đến việc cứu sống nạn nhân trước đã rồi sau sẽ liệu.

Nàng bèn đi lấy chai thuốc bột "chỉ huyết táng kim sang" của chồng để dành, một con dao cắt vải, đồng thời đem nửa hồ rượu xuống bếp hâm nóng, rồi đem tất cả các thứ đó ra phía rừng thông sau ngôi cổ mộ.

Lúc đó, nạn nhân vẫn nằm nguyên chỗ cũ không cựa quậy.

Bao thị đánh bạo đến nâng nạn nhân dậy, lấy rượu nóng đổ vào xung quanh mũi tên. Nàng vốn biết chút ít về thuật băng bó vết thương vì trước đây đã nhiều lần nàng trông thấy Thiết-Tâm làm.

Nhìn vết thương khá sâu, Bao thị thu hết can đảm, lấy con dao nhỏ rạch xung quanh mũi tên, cầm chặt lấy chuôi, quay mặt đi nơi khác, ráng sức nhổ mạnh một cái. Nạn nhân la lên một tiếng rồi thiếp đi. Mũi tên lôi ra một miếng thịt, máu vọt ra hai vòi trúng vào áo nàng.

Tuy sợ hãi, song lòng nhân đã khiến nàng đủ can đảm để cứu chữa, nàng rắc thuốc vào vết thương rồi lấy băng vải cột rịt lại.

Một lúc sau nạn nhân mới lần lần hồi tỉnh, nhưng vẫn chưa cử động nổi, miệng thì ú ớ như muốn nói gì mà không ra tiếng.

Bao thị muốn nâng nạn nhân dậy, nhưng nàng yếu ớt, tấm thân mảnh như liễu, yếu như đào, làm sao đỡ nổi người đàn ông to lớn có hình vóc như một lực sĩ được?

Bấm trán nghĩ một lúc, nàng tìm ra được một sáng kiến. Nàng vội chạy về phía cổng nhà lấy ra một tấm ván, xô nạn nhân nằm gọn lên, rồi nàng đẩy tấm ván chạy trơn trên mặt tuyết.

Mệt nhọc một lúc, nàng mới đẩy nạn nhân về đến nhà, lôi vào tiền đường rồi bỏ mặc nơi đây đi thay áo quần và đốt lửa sưởi ấm.

Nàng quá mệt, nhưng độ nửa giờ sau thì tinh thần nàng tỉnh táo lại như thường. Nàng xuống bếp nấu một bát cháo rồi đem đến thăm lại nạn nhân.

Bấy giờ hơi thở nạn nhân đã đều đều. Bao thị kề bát cháo vào miệng đổ cho nạn nhân ăn.

Sau khi nuốt hết bát cháo, nạn nhân bỗng ho lên một tiếng rất lớn rồi vùng ngồi dậy.

Nàng cầm đèn soi vào mặt thì thấy nạn nhân là một thanh niên vạm vỡ, mày xanh, mắt sáng, mũi cao, tai rộng, có vẻ anh hùng mã thượng. Bao thị đâm sợ, run bắn cả người. Vài giọt dầu nhiểu xuống thấm vào mình nạn nhân.

Thanh niên bị mấy giọt dầu nóng bỏng da, thất kinh trố mắt nhìn thấy trước mặt chàng là một trang giai nhân tuyệt sắc, má trắng như tuyết, đôi môi đỏ mọng như son, đôi mắt long lanh, phát xuất ra một cái gì hiền từ nhân hậu. Thanh niên nhìn Bao thị như say như tỉnh, không chớp mắt.

Bao thị tuy thẹn thùng, nhưng là một ân nhân đã cứu sống nạn nhân, nàng đánh bạo hỏi:

- Ông đã đỡ đau chưa? Có muốn ăn cháo nữa chăng?

Thanh niên gật đầu, đưa tay đỡ lấy bát cháo, nhưng tay còn yếu quá, chưa thể nâng bát cháo nổi, bát cháo chao đi lắc lại, suýt đổ xuống đất. Bao thị vội thò tay đỡ bát cháo, để kề vào miệng thanh niên.

Một lúc sau, thanh niên như đã lần lần phục sức, hắn đưa mắt chăm chăm nhìn Bao thị như lộ vẻ cảm kích vừa say sưa.

Trông thấy đôi mắt của thanh niên nhìn mình có cái gì không đúng đắn, nàng liền chổi dậy, bước trái ra ngoài ôm một bó rơm ném vào mình thanh niên, dụng ý là để thanh niên dùng làm ổ rơm nằm cho đỡ rét. Rồi nàng cầm đèn trở vào phòng nằm nghỉ.

Nhưng vừa chợp mắt thì một cơn ác mộng lại đến với nàng: Nàng thấy Thiết-Tâm, chồng nàng, tay cầm giáo đuổi theo thanh niên mà nàng cứu sống để giết. Rồi nàng lại thấy hai con mãnh hổ vồ lấy nàng, đuổi nàng chạy đến một con đường cùng không lối thoát.

Sợ quá nàng rú lên một tiếng, giật mình thức dậy, bước sang phòng Thiết-Tâm xem sao thì bây giờ trời đã rựng sáng. Thiết-Tâm đã tỉnh say và đã dậy từ lúc nào, đem cây giáo gãy ra hòn đá phía sau để mài chuốt, sửa lại.

Thấy chồng đã dậy, nàng rón rén bước ra trước xem thử thanh niên bị thương kia ra thế nào, nhưng lạ lùng làm sao, mớ ổ rơm còn in rõ dấu người nằm mà thanh niên biến đi đâu mất dạng.

Bạo thị chạy vội ra sau vườn thì thấy cổng sau đã mở từ lúc nào rồi, trên mặt tuyết trắng tinh còn in vết chân và vết tay người bò lê về phía ấy. Nàng nhìn theo phía có vết chân người, lo sợ. Một lúc sau, trận gió lạnh quạt vào mặt, nàng thấy váng đầu chóng mặt, chân tay rời rã, nên cố sức lẽo đẽo trở vào nhà trong.

Lúc đó, Thiết-Tâm đã mài xong ngọn giáo và nồi cháo nóng của nàng nấu ban hôm bây giờ được Thiết-Tâm đun sôi lại, bưng đặt lên bàn.

Thấy vợ, Thiết-Tâm ngỡ nàng mới ngủ dậy, liền tươi cười gọi:

- Em à! Anh đã thay em đun nóng cháo rồi!

Bao thị nhìn chồng đầy cảm mến. Nàng muốn đem chuyện cứu người vừa qua kể lại, nhưng giấc mộng vừa rồi đã làm cho nàng ám ảnh, tưởng như nàng nói ra, chồng nàng sẽ cầm giáo đuổi theo thanh niên kia giết chết.

Lòng nhân từ của Bao thị nổi dậy ngán cản không cho nàng nói thật chuyện cứu nạn nhân.

Nàng nghĩ thầm: "Hắn đã thoát chết thì thôi! Ôi cũng số trời định cho hắn!" Nàng ngồi lại cùng Thiết-Tâm ăn cháo và mối tình đằm thắm của đôi vợ chồng trẻ trung mỗi lúc một mặn mà.

Ngày tháng trôi mau như ngựa qua cửa sổ, Bao Thị, một đoá hoa đông nội ở Ngưu gia thôn mỗi ngày một mỏi mệt thêm vì thai nghén. Và câu chuyện nàng cứu sống thanh niên cũng phai mờ với ngày tháng.

Một hôm, nhân tiết Nguyên tiêu, hai vợ chồng Thiết-Tâm uống rượu vui vầy với nhà họ Quách mãi cho đến chiều mới về nhà.

Tuy còn sớm, nhưng Thiết-Tâm đã ngà ngà say, vợ chồng phải đi ngủ sớm.

Ðến nửa đêm, vợ chồng đang say sưa gối mộng thì Bao thị chợt thấy chồng nàng ngồi phắt dậy, vẻ mặt có hơi hoảng hốt. Nàng lắng tai nghe thì thấy tiếng vó ngựa đạp tuyết từ phía Tây dội đến. Và chỉ phút chốc lại có tiếng vó ngựa từ phía Nam, từ phía Bắc rồi từ phía Ðông, bốn mặt đều có tiếng ngựa hí.

Bao thị ngạc nhiên, ghé vào tai chồng hỏi:

- Này anh! Tại sao bốn mặt đều có ngựa hí?