Chương 1 : Định Mệnh
Có lẽ trong cuộc sống này điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng trớ trêu thay nó lại xảy ra chính trong ngôi nhà mà Lan và Phong đang ở. Tuy hai mà một, tuy một mà lại là hai, họ là anh em cùng ăn chung một mâm cơm sống chung trong một mái nhà, chung một cha mẹ nhưng trong họ không chung một thứ đó là dòng máu.Cha mẹ họ lấy nhau tận tám năm nhưng mãi vẫn không có con dù đã chạy chữa nhiều nơi ra Bắc vào Nam, có khi còn sang cả nước ngoài một hai lần nhưng hy vọng rồi lại thất vọng. Họ vẫn không nản lòng luôn động viên nhau ông trời không tuyệt đường với những người tốt đâu. Ngôi nhà rộng lớn ấy chỉ có hai vợ chồng luôn mang trong mình khao khát được nghe thấy tiếng khóc trẻ thơ, tiếng cười giòn dã trọn vẹn như những gia đình khác.
Rồi họ quyết định nhận con nuôi, họ đi khắp trại trẻ mồ côi để tìm một đứa trẻ mà họ cảm thấy yêu thương nhất nhưng đi qua những nơi đã đi qua hy vọng vẫn không mỉm cười với họ, họ lại buồn bã ra về.
Mỗi ngày trôi qua, ngồi chung nhau trên mâm cơm mà nước mắt người vợ trẻ chảy dài chan vào bát cơm mà nuốt cho đến một ngày người vợ trẻ xách làn đi chợ mà lòng buồn rười rượi, đôi mắt xa xăm, qua những công viên thấy trẻ con vui đùa trái tim người vợ trẻ như thắt lại, đôi chân mệt mỏi không muốn bước tiếp, tự dưng người vợ trẻ ngồi phịch xuống vỉa hè hai tay úp vào mặt mà khóc, những tiếng nấc dài đến xé lòng…đoạn đường vắng nên không một ai để ý đến người vợ trẻ ấy. Một đôi bàn tay nhỏ chạm vào vai người vợ trẻ:
– Cô ơi sao cô khóc ở đây?
Người vợ trẻ quay lại nhìn đứa bé, quần áo cũ kỹ nhàu nát, khuôn mặt lấm lem, nhưng có đôi mắt rất trong và sáng đang long lanh nhìn người vợ trẻ với nụ cười tỏa nắng mà đôi mắt người vợ trẻ vẫn còn đẫm lệ.
– …
– Cô đừng khóc nữa. Rồi đứa bé đưa bàn tay còn lấm bẩn lên lau nước mắt cho người vợ trẻ ấy.
– Mẹ con nói khi thấy phụ nữ khóc phải biết dùng tay gạt nước mắt cho họ thì mình mới xứng đáng là một người đàn ông tốt.
Người vợ trẻ lau khô hai hàng lệ rồi quỳ xuống nắm lấy tay đứa bé.
– Cảm ơn con, con thật dễ thương. Rồi cô đưa tay lên má đứa bé vuốt ve âu yếm
– Thế ba mẹ con đâu mà con lại lang thang ở đây một mình?
– Ba mẹ con đang ở một nơi rất xa. (đứa bé giơ ngón tay chỉ lên trời cao).
– Họ đang ở trên đó rất hạnh phúc, mỗi ngày đều dõi theo con.
– Sao vậy con?
– Họ bỏ con đi được một năm rồi, ba mẹ con bị tai nạn trên đường đi làm về.
– Tội cho con, vậy người nhà con đâu?
– Ba mẹ con là cô nhi mà, họ còn không biết ba mẹ của mình là ai và ở đâu thực sự là quê hương nữa mà.
Người vợ trẻ ôm đứa bé vào lòng, phần nào hiểu được vì sao trông con lại tơi tả như vậy.
– Con giờ ở đâu?
– Con vẫn ở ngôi nhà cũ ấy, đi bán vé số làm linh tinh để mỗi ngày có gì đó đặt lên bàn thờ cho ba mẹ con khỏi đói.
– Năm nay con bao nhiêu tuổi rồi, sao con không nhờ đến chính quyền giúp đỡ cho con.
– Có, khi ba mẹ con mất họ muốn đưa con vào trại trẻ mồ côi nhưng con nhất quyết không đi muốn ở lại với ba mẹ.
Đôi mắt đứa bé trầm xuống.
– Con không muốn ba mẹ cô đơn. (Nước mắt người vợ trẻ lại lăn dài trên gò má).
– Dẫn cô về nhà con nghe?
– Để làm gì ạ cô?
– Cô muốn biết con sống thế nào.
– Cô theo con.
– Con không sợ cô là người xấu sao?
– Nếu cô là người xấu sẽ không ngồi một mình ngoài đường mà khóc và nếu có xấu thật con cũng chẳng có gì để mất (đứa bé mỉm cười hiền hậu).
– Con bao nhiêu tuổi rồi?
– Dạ, chỉ vài ngày nữa con tròn 10 tuổi ạ.
Người vợ trẻ nắm tay đứa bé theo đứa bé về nhà. Trong lòng cô có một cảm giác kỳ lạ, một cảm giác khó tả đến dễ chịu, một hy vọng dấy lên, một hạnh phúc ấm áp từ đôi bàn tay nhỏ bé đó đang nắm chặt lấy tay người vợ trẻ.
Bước trên đường mà người vợ trẻ chăm chú nhìn đứa bé, thực ra do cuộc sống mưu sinh vất vả với một đứa bé mới chỉ mười tuổi khiến khuôn mặt luôn lấm lem bụi bặm nhưng sâu trong đôi mắt đen biếc dưới chân mày sắc nét là sức sống mãnh liệt, tuy tuổi còn nhỏ nhưng cô cảm nhận được trái tim mạnh mẽ biết vươn lên ở con người đứa bé. Có lẽ do phải mưu sinh nên cũng va chạm khá nhiều, đụng độ cũng không ít nên trên cánh tay và gò má có chút trầy xước và quầng thâm nhỏ. Thật tội nghiệp.
– Đến nhà con rồi cô.
Đi chừng mười lăm phút phía sau những ngôi nhà cao tầng là ngôi nhà nhỏ dưới con hẻm của những người lao động. Không xộc xệch giột nát nhưng có lẽ chắc chỉ bằng một phòng chứa đồ nhà cô. Bước vào bên trong chỉ vẻn vẹn chiếc giường tre cùng bộ bàn ghế đã cũ và bàn thờ có hai di ảnh và hai bát hương của ba mẹ đứa bé. Họ còn trẻ quá vậy mà đã bạc mệnh, cô thắp cho họ nén hương rồi chắp tay khấn vái.
Từ sau nhà đứa bé bê vào cốc nước mưa.
– Cô uống đi ngụm nước cho đỡ khát ạ.
– Cô cảm ơn con, một mình con sống có khó khăn lắm không?
– Thời gian đầu con không chấp nhận được việc ba mẹ đã bỏ con đi, nhưng con biết mình không thể yếu đuối vì nếu con như vậy hoài ai sẽ hương khói hàng ngày cho ba mẹ.
– Nhưng rồi con…
– Cô muốn hỏi con sống sao và như thế nào ạ. Ban đầu là mọi người quyên góp ủng hộ ma chay và cho con sống tạm qua ngày, dần dần con biết cái gì cũng có hạn con đã theo những người quanh đây đi làm. Không vào trại trẻ mồ côi nên con phải nghỉ học tìm những công việc phù hợp với mình miễn sao có thể sống qua ngày.
– Con làm những gì để sống? (đứa bé gãi đầu cười nhẹ)
– Khi thì con theo phụ bưng bê chén bát các quán ăn, khi thì con trông trẻ giúp các cô trong xóm, khi thì theo các bạn trong xóm đánh giầy, bán báo, vé số…cũng tạm qua ngày ạ.
Cô thấy trong lòng nhói đau khi nghe đứa bé kể chuyện của mình, cô thương và muốn được yêu thương bao bọc cho đứa trẻ. Bắt đầu cô tâm sự về nổi lòng của mình.
– Thực ra cô cũng không vui vẻ gì. Vợ chồng cô có điều kiện đầy đủ không thiếu thứ gì nhưng chỉ thiếu duy nhất là tiếng nói trẻ thơ trong ngôi nhà ấy.
– Cô không có con ư?
Người vợ trẻ mỉm cười trong cay đắng.
– Ừ, chắc do cô ăn ở không tốt.
– Không con nhìn cô rất hiền hậu mà.
– Hay trời muốn để dành cho cô gặp con ta.
– …
Người vợ trẻ dịu dàng đưa bàn tay xoa đầu đứa bé:
– Hay con làm con của cô chú nhé?
– Con sao, đâu có được con có ba mẹ rồi.
– Thì cô chú làm ba mẹ thứ hai của con, sẽ yêu thương con như ba mẹ đẻ con từng yêu thương con vậy.
Đứa bé ngước lên nhìn bàn thờ ba mẹ nó thở dài.
– Con không thể, con không muốn bỏ ba mẹ con ở đây.
– Con có thể mỗi ngày qua đây được mà.
– Nhưng vẫn là không thể ở đây nữa, con không muốn ba mẹ con sẽ buồn.
– Ba mẹ con sẽ buồn hơn nếu con cứ thui thủi ở đây một mình không người thân bên cạnh.
– Nhưng…
– Con không phải sợ điều gì hết vì cô đảm bảo cô chú sẽ đối xử với con thật tốt. Cô chú khao khát có một đứa con nhưng trời không thương cô muốn dành hết tình yêu thương đó cho con.
– Con…muốn suy nghĩ thêm ạ.
– Được rồi, cô không muốn con suy nghĩ nhiều mà thấy áp lực. Cô sẽ tới đây thường xuyên giúp đỡ con cho dù con có đồng ý làm con của cô chú hay không…
– Vâng ạ.
Cô rời khỏi ngôi nhà nhỏ cuối con hẻm đó bước thật nhanh về nhà báo tin vui này cho chồng. Ban đầu nghe cô nói hết sự tình, người chồng không phản ứng gì nhưng khao khát làm cha, nỗi cô đơn trong lòng cộng thêm khi nhìn thấy ánh mắt vợ rực sáng vui mừng khi nhắc tới đứa bé đó làm người chồng cũng tò mò và muốn gặp đứa bé.
…
Tối ngày hôm sau đôi vợ chồng ấy tới ngôi nhà nhỏ mà đứa bé đang ở. Vừa bước vào nhà họ ngạc nhiên khi cả ngôi nhà thắp nến sáng lung linh, đứa bé đang ngồi dưới bàn thờ ba mẹ đôi mắt đỏ hoe, tiếng nói nấc lên từng cục quay sang nhìn đôi vợ chồng.
– Con chào cô chú.
– Có chuyện gì vậy con? (Người vợ hỏi)
– Hôm nay là ngày giỗ đầu ba mẹ con ạ và cũng là ngày con tròn 10 tuổi.
– Cô xin lỗi… cô không biết nên không chuẩn bị gì mang theo.
– Không sao đâu ạ, mời cô chú ngồi.
Rồi cả ba người chìm trong im lặng, ở đâu đó khoang cửa sổ nhỏ chỉ còn tiếng gió thì thào đang vi vút lùa vào khe cửa nhỏ lạnh đến tê tái. Dường như nhìn khung cảnh người chồng đâu đó tận sâu trong lòng thấu hiểu và cảm thông.
– Qua ngày hôm nay con đồng ý làm con của cô chú nhé, tuy chưa hiểu gì về con nhưng chú tin con xứng đáng là niềm tự hào của cô chú. Chú tin con sẽ không bao giờ làm cô chú thất vọng.
Đứa bé im lặng chấp tay nhìn lên hình ba mẹ:
– Ba…mẹ cho con biết con phải làm sao. Con không muốn rời xa ba mẹ.
Người vợ đi đến đưa hai tay lên ôm đứa bé vào lòng.
– Con đừng khóc chúng ta sẽ thay ba mẹ đã khuất của con làm trọn vẹn trái tim mất mát của con.
– Con vẫn mãi là con của ba mẹ con vì họ đã là những người sinh ra một đứa bé ưu tú như con và chúng ta sẽ là ba mẹ thứ hai nuôi nấng con nên người. Để sau này khi con khôn lớn thành người trở về đứng trước họ, họ sẽ nhìn con từ trên cao mỉm cười và tự hào.
Câu chuyện của ba người cứ thế tiếp tục cho tới khi màn đêm buông xuống một màu đen kịt, những ngọn nến cũng dần lụi tàn.
– Con muốn giữa con và cô chú có sự thấu hiểu qua thời gian, cô chú có thể qua lại đây thăm con thường xuyên nhưng xin phép cô chú cho con thời gian thích nghi và hiểu hơn về cô chú.
– Được rồi cô chú hiểu rồi, cô chú sẽ tôn trọng quyền quyết định ở con. Nhưng cô chú hy vọng con sẽ trở thành con trai ngoan của cô chú (người vợ nói)
– Con nói chú nghe con tên gì nào
– Con tên Trần Cao Phong
…
Một tháng, hai tháng… cho tới tháng thứ năm đứa bé mới gật đầu đồng ý về làm con trai họ. Rời khỏi ngôi nhà nhỏ khu ổ chuột, nơi tuy nghèo nàn nhưng chín năm qua chan chứa bao niềm vui và tình yêu thương vô bờ bến. Ngắm lại những cánh hoa thiên lý leo trên mái nhà, lòng đứa bé buồn man mác, nơi khóe mắt ướt nhòe hai hàng lệ.
Vậy là từ đây không còn cùng những đứa trẻ trong xóm nô đùa bay nhảy, không còn cùng những bạn bè cùng khố thả diều trên bãi cỏ rộng dọc bờ sông sau nhà, từ nay trong giấc mơ cũng không được ba mẹ ôm vào lòng vỗ về mà thay vào đó là vòng tay của ba mẹ mới. Biết là tất cả đối với đứa bé thật khó khăn nhưng trong sâu suy nghĩ của một đứa trẻ vẫn luôn cần một gia đình mới để dựa dẫm bước vào đời.
Đứng trước ngôi nhà lớn đứa bé không khỏi bỡ ngỡ, đưa bàn tay lên dụi dụi đôi mắt… vậy là từ nay mình bước sang một trang mới cuộc đời, sẽ sướng vui hay khổ đau về sau chỉ để cho thời gian minh chứng. Người chồng đặt nhẹ tay lên bờ vai đứa trẻ.
– Từ nay con sẽ sống trong ngôi nhà này cùng chúng ta, là con trai hợp pháp của chúng ta và là người mang dòng họ “Huỳnh”. Để con có thể đàng hoàng ngẩng cao đầu mà bước về tương lai, con không còn là cậu bé mồ côi Trần Cao Phong nữa mà sẽ là Huỳnh Cao Phong, con trai kế thừa và duy nhất của gia đình họ Huỳnh.
Những ngày đầu còn bỡ ngỡ với cuộc sống mới, ba mẹ mới và cả môi trường học tập mới mà trước đây khi còn ở với ba mẹ cũ có mơ Cao Phong cũng không nghĩ mình có được. Cuộc sống đầy đủ sung túc bởi vợ chồng họ Huỳnh có một công ty riêng làm ăn buôn bán khá thuận lợi và phát triển, ngôi biệt thự rộng lớn nằm giữa lòng thành phố nhộn nhịp nhưng thiếu vắng tiếng trẻ thơ. Kể cả đi học trước đây Cao Phong học cũng chỉ là trường ngoại trú dành cho người thu nhập thấp, tuy học giỏi và là đứa trẻ thông minh nhưng không có điều kiện…giờ thì mọi thứ đều tốt với Cao Phong, nhưng trong thâm tâm Cao Phong vẫn nhớ về ngày xưa, nhớ ba mẹ ruột và nhớ ngôi nhà nhỏ ven sông.
…
Mỗi ngày trôi qua ngôi nhà rộng lớn nhà họ Huỳnh bao lâu nay im ắng nay đầy ắp tiếng cười của ba người và cả những người giúp việc trong ngôi nhà ấy. Cao Phong là cậu bé hiểu chuyện, ngoan ngoãn lại thông minh tính tình thì dễ hòa đồng nên tiếng cười trong ngôi biệt thự ấy mỗi ngày vang to hơn.
Hàng ngày đôi vợ chồng tất bật, chồng thì đi làm, vợ thì ở nhà chăm sóc vun vén cho gia đình đưa đón con đi học mỗi ngày, cuối tuần họ lại cùng nhau đi dã ngoại… cứ thế cứ thế thời gian trôi đi một ngày không xa người vợ bắt đầu có hiện tượng lạ, nôn mửa chóng mặt, ăn gì cũng chỉ muốn tuôn ra.
Cả ba như rớt tim ra ngoài khi nghe bác sĩ thông báo người vợ đã có thai, lại một lần nữa tiếng khóc chan hòa cùng niềm vui chồng ôm vợ vợ ôm con mà nước mắt cứ chảy đều nụ cười cứ giòn tan.
Có lẽ ngay từ khi đứa bé tới ngôi nhà này bao nhiêu may mắn và niềm vui hân hoan cứ ùa về ngôi biệt thự ấy thì phải. Người chồng chăm chỉ làm việc và chăm sóc vợ con hơn, người vợ thì tinh thần thoải mái hơn, còn đứa bé thì thấy ba mẹ vui cậu cũng ngoan ngoãn và siêng năng học hành hơn, người giúp việc trong nhà thì tất bật hớn hở hơn.