1. Chuông reo năm giờ sáng, Thùy hốt hoảng bật dậy. Chết, tối qua mệt quá, nó ngủ quên, còn những bốn bài tập Anh Văn chưa làm. Thùy lật đật chạy đến chiếc bàn con kê sát tường, với tay vặn to chiếc đèn dầu, sửa soạn tập vở. Hôm nay sẽ có một bài kiểm tra giữa học kỳ liên quan tới bốn bài tập. Vậy mà nói chưa làm, không khéo bị xơi trứng ngỗng mất.

Tiếng sột soạt giở vở khiến bà thức giấc: "Con làm gì đó, Thùy?" Dạ, con học bài ạ". Thùy ngoái lại nhìn vào mùng bà, thấy bà từ từ nằm xuống, miệng lẩm bẩm: "Tội nghiệp con nhỏ... "

Trên đường đi đến trường, Thùy cứ mải suy nghĩ. Tại sao bà cứ luôn miệng tội nghiệp mình thế nhỉ? Mỗi lần thấy nó ngồi vào bàn học sau giờ đi làm về là bà lại chắt lưỡi tội nghiệp. Nhiều lúc, Thùy muốn hỏi vì sao, nhưng lại thôi. Có lẽ bà là bà nên lúc nào cũng thấy cháu mình nhỏ bé, đáng thương. Thùy thấy mình có gì tội nghiệp đâu. Nó có ba có mẹ (dù hai người không có ở gần nhau và gần nó), có bạn bè và có cả... một việc làm hẳn hoi để phụ tiền ăn học (dù chưa hết tháng để lãnh lương)

Vậy là đủ cho một đứa sinh viên bình thường như nó rồi còn gì.

2. Thùy nhớ ngày đầu tiên đi xin việc. Hôm đó, trời ủ ủ sắp mưa. Nhỏ bạn mê tín bảo đó là điềm không tốt. Nhưng Thùy vẫn bình thản bước đi. "Kệ, không được thì kiếm việc khác, lo gì "Vậy mà nó vẫn thấy chiếc xe chạy nặng nề làm sao. Người ta bảo "bình tĩnh mà run", chắc tâm trạng của Thùy bấy giờ.

ông chủ người Anh còn khá trẻ (nó đoán khoảng 39,40) có đôi mắt xanh biếc nhìn nó tươi cười. Thùy mừng rơn trong bụng: "Mở màn vậy là hên rồi!" và yên lòng ngồi xuống chiếc ghế salon êm như nhung. Tiếp theo đó là một cuộc sát hạch kiểu: "Cô ở đâu?" "Còn đi học à, trường gì, lớp mấy?" "Ồ, sinh viên năm I à, tốt quá!". Nó trả lời trơn tru mọi câu hỏi và nghĩ thầm: "Trời, tưởng đi phỏng vấn xin việc người ta hỏi Trái đất nghiêng bao nhiêu độ hay Malta nằm ở đâu, chứ ba cái vụn vặt này ai trả lời chẳng được?". Ông ta thì gật gù và luôn miệng: "Great! Great!" làm suýt nữa thì nó phì cười. Vậy là bao nhiêu sự hồi hộp, căng thẳng xen lẫn sợ sệt trước khi bước vào đã biến mất. Đúng là mi ngốc quá Thùy ạ. Đi phỏng vấn xin một chân hầu bàn thì cần gì phải tinh thông thiên địa chứ. Chỉ cần nói được tiếng Anh và ngoại hình tương đối mà nó thì cũng chẳng tồi lắm, dù có hơi... đen, còn tiếng Anh thì... nó là sinh viên khoa Anh mà lại. Thùy tủm tỉm cười.

ông chủ trở lại, đưa cho nó một túi giấy: "Trong đây là hai bộ đồng phục và hai tạp dề của cô". Ông ta nháy mắt tinh nghịch: "Mai bắt đầu đi làm nhé!" Thùy cầm túi xách ông ta đưa, đứng lên chào tạm biệt mà cứ ngỡ như mợ Vậy là từ nay nó đã có việc làm, và lại được làm việc với một ông chủ vui vẻ, dễ thương nữa chứ! Chà, nó phải đem khoe với bà ngay mới được. Thùy nhấn mạnh bàn đạp, chạy vù vù, sung sướng với cảm giác sắp có việc làm "lương hậu", và như vậy là đồng nghĩa với "ta đã 18, lớn lắm rồi".

3. Quán ăn nó làm nhỏ thôi, nhưng bên trong tiện nghi phải biết. Tất cả đều sáng loáng, đắt tiền. Mỗi khi bước vào quán, Thùy lại thích thú hít lấy mùi thơm thoang thoảng phả ra từ bốn chiếc máy lạnh sát trần. Trong những lúc vắng khách, nó thường nghịch với hai con cá tai tượng to đùng trong chiếc chậu kiếng nhấp nháy đủ màu kê gần cây đàn dương cầm và ước ao mình cũng có được một con cá tha hồ đem khoe với lũ bạn. Đôi khi nghĩ lại, nó thấy mình trẻ con làm sao. Sinh viên năm I rồi mà cứ như cô bé lớp chín, chẳng chững chạc lúc nào cả. Người lớn ai lại ước ao có... cá để khoe bao giờ?!

Công việc của nó hơi mệt, vì phải chạy lăng xăng bưng bê và phải dỏng tai nghe người nước ngoài gọi món ăn nước ngoài. Những ngày đầu, Thùy không sao quen được mùi hương của món mì ý sapaghetti, món ăn khoái khẩu của dân âu Mỹ. Những sợi mì to tròn màu vàng trộn lẫn cà chua băm nhuyễn và dăm thứ gia vị không tên làm nó muốn lộn mửa. Vậy mà khi nó bưng ra, họ đua nhau hít hà và hăm hở khen ngon. Nó phì cười, nghĩ đến món cà ghém mắm tôm nước mình, đem lên cho họ ăn thì không hiểu mặt mũi họ ra sao?

4. Cửa bật mở. Thùy đưa mắt nhìn ông chủ, thấy ông chạy ra hồ hởi bắt tay một vài người khách vừa bước vào với cái vẻ ồn ào thường lệ. Đôi lần, nó thấy việc ấy có vẻ màu mè sao đó, nhưng chắc là công việc của một người quản lý là phải vậy, vui vẻ và luôn luôn mừng rỡ trước mọi người khách.

"Này, cô cho tôi một ly chocolate nhé"- Ông khách người Mỹ tóc bạch kim to béo ưỡn ẹo trên chiếc ghế mây. "Thưa ông, loại gì ạ ?" Thùy hỏi. "Loại gì à?" ông ta mở thực đơn và nhìn vào: "Loại có bơ trắng và lạnh" "Vâng, còn ông?" Nó hỏi ông bên cạnh, người nung núc thịt, có cái mũi đỏ au như bảy chú lùn. "à, cho tôi một ly café" ông ta cất giọng eo éo "không đá, ít đường nghe". Thùy vâng dạ rồi chạy vọt xuống bếp gọi. Nó lấy làm tự hào lắm. Mới có vài ngày đi làm thôi mà Thùy đã quen với công việc, không bị Ông chủ phiền toái như những người khác. Nó đảo mắt một vòng khắp quán, thấy không ai kêu gì nữa, vội chạy xuống bếp, bưng ly chocolate và cafe lên. Đến gần bàn hai ông khách, nó hấp tấp đi nhanh, bỗng trượt chân, chúi về phía trước, hất cả khay vào hai ông khách. Có tiếng ai đó ồ lên. Thùy đứng sững. Bao cặp mắt đổ dồn về nó. Thùy run run, đưa mắt xuống phía góc xạ Một đôi mắt xanh đang vằn lên những tia giận dữ nhìn chăm chăm vào nó. Hai ông khách la lên: " Này cô, lo dọn dẹp đi chứ! Thật là... " Thùy nuốt nước bọt: " Vâng... Rất tiếc... " Hai ông khách lắc đầu ngao ngán, lấy tay phủi phủi áo "ông chủ đâu" ông mũi đỏ quay lại, hất hàm "Nhân viên làm việc gì kỳ lạ thế?" ông chủ chạy đến, phân trần: "Dạ, tại đó là nhân viên mới. Mong các ông thứ lỗi. Các ông không sao chứ ạ?" ông tóc bạch kim khoát tay: " Chỉ hơi dơ chút đỉnh. Lần sau bảo nó cẩn thận hơn". Ông chủ thở phào xoay sang nó, bấy giờ đã dọn dẹp xong xuôi, nhỏ nhẹ: "Làm hai ly khác mau lên, Thùy" Nó gật đầu chạy xuống bếp đặt lại thức uống, bao ý nghĩ chen chúc trong đầu. Tại sao khi nãy ông ta nhìn nó bằng cặp mắt dễ sợ, bây giờ lại nhỏ nhẹ vậy? Vì có mặt khách ở đó hay vì tính ông ta dễ chịu? Dễ chịu à? Không phải rồi, những người làm ở đây vẫn thường bảo ông "tuy vậy mà không phải vậy". Vậy thì tại sao? Nó cảm thấy mình như con cá lẻ loi bơi một mình trong cái hồ lớn. Một chút dao động của nước cũng làm nó phải há hốc mồm hớp bọt liên tục như bị ngợp. Nó lắc đầu, xua bớt ý nghĩ.

Một, hai, rồi ba tuần trôi quạ Ông chủ vẫn đối xử nhẹ nhàng với nó. Điều đó làm cho nó thấy an tâm và nhiệt tình hơn. Nó bảo với mọi người rằng ông ta thật tốt. Mọi người cười cười, có người còn thòng một câu tiếng Anh chọc nó: "Don't go by impression! (Đừng có trông mặt mà bắt hình dong!) Thùy vẫn có cách nghĩ riêng của mình.

5. Cuối tháng. Nó cầm xấp tiền trong tay, mắt ngân ngấn nước. Dắt chiếc xe đạp cũ kỹ ra khỏi quán, Thùy bắt gặp những ánh mắt ái ngại của mọi người làm trong quán. Nó cười... méo xệch, nhìn xuống đất. Đạp xe đi khỏi, nó vẫn cảm giác những ánh mắt ấy dõi theo. Thùy xòe bàn tay ra, nhìn những tờ bạc xanh đỏ, màu mè, đa dạng như chính cuộc sống này. Chợt Thùy giật mình. Có một giọt nước rơi xuống tay, nóng hổi. Thì ra nó đã khóc tự lúc nào, nước mắt ướt cả xấp tiền vừa kiếm được. Thùy nắm tay lại, bặm môi cố ngăn nước mắt. Nó đã bước chân vào làm việc với tất cả sự nhiệt tình non trẻ, cố gắng làm việc siêng năng, mong muốn sẽ được lãnh một món tiền xứng đáng. Vậy mà... Nó ngậm ngùi. Tất cả chỉ vừa mới diễn ra đây thôi, như một gáo nước lạnh đổ tạt vào tâm hồn nóng hổi ngây thơ của nó...

... "à, Thùy ngồi xuống đi" ông ta cười "Rất cám ơn cô đã làm việc nhiệt tình tháng qua, tôi có lời khen đó". Thùy cảm động: "Dạ, có gì đâu. Công việc mà". Ở đây là lương của cộ Ông ta đưa cho nó một trăm ngàn. Vỏn vẹn chỉ có vậy? Thùy nhìn sững vào những tờ giấy bạc, nhìn lên ông chủ, ngạc nhiên đến nỗi không thốt ra được câu hỏi: "Vì sao?". Ông ta nhún vai: "Biết làm sao được. Cô chỉ làm 4 tiếng buổi tối, và chỉ đến 10 giờ. Ngoài ra còn làm bể hai ly và làm khách bực mình". Ông ta đặt tiền xuống bàn: "Tôi trừ của cô một trăm ngàn". Rồi ông vươn người như chực đứng vậy: "Vậy là khá rồi". Thùy ngồi yên, môi mím chặt. Lẽ ra nó phải biết thỏa thuận lương bổng ngay từ đầu. Lẽ ra nó phải biết con người không chỉ có vẻ bề ngoài... Lẽ ra...

Nó ngẩng nhìn lên. Ông ta đã đi từ lúc nào. Thùy đứng dậy, cầm lấy tiền, thấy tức cười. Vậy ra những gì lịch sự hay mềm mỏng của ông ta trong một tháng qua cũng chỉ để lấy đi của nó, một con bé nhỏ hơn ông ta những hai chục tuổi, vài trăm ngàn ư? Sao cực nhọc quá vậy?

... Bà đón nó ở cửa. Thấy nó về, bà hỏi: "Người ta trả con bao nhiêu? Có trừ tiền gì không con?" Thùy hơi ngạc nhiên nhưng nó cũng trả lời bà: "Dạ, trừ tiền hai cái ly bể. à, mai con nấu chè mừng tháng lương đầu tiên, bà nhé!" Rồi chợt nghĩ, hay là ăn mừng cái ảnh ảo nó phải nhận biết cả tháng trời? Một tháng đi làm đầu tiên đã mở mắt cho nó nhìn rõ mọi việc hơn. Bất giác, Thùy mỉm cười. Có cái gì là không có giá của nó đâu?

Hết