Lúc mới chuyển tới lớp tôi, hắn là một đứa con trai có nước da trắng bóc, gương mặt hiền như con gái, đặc biệt là lễ phép như một đứa trẻ mẫu giáo. Tôi chẳng thích những đứa như thế vì chẳng “đáng mặt nam nhi”. Nhưng sự hiện diện của hắn làm cho bọn con trai, con gái lớp tôi hoàn đổi tính cách một cách kỳ lạ. Con gái thì trở nên ngoan hiền không thể tưởng tượng được, bù với lúc trước, đứa nào đứa nấy dữ như chằn, trong giờ học mà miệng còn nhai tóp tép, còn bây giờ thì giờ ra chơi căn tin vẫn... ế, mà đứa nào đứa nấy dạo nầy cũng duyên dáng hẳn lên. Còn bọn con trai thì hiền như... Ông Từ, đứa nào cũng lạnh tanh như mafia, tôi có nhờ việc gì cũng lắc đầu ngầy ngậy và ra chiều giận dỗi:

- Đi mà nhờ hắn.

Tôi cũng rất đồng tình với bọn mày râu kia, vì sự xuất hiện của “người lạ” mà lớp tôi trở nên bất thường như thế. Nhưng trời không chìu ý một ai, hay nói đúng hơn là cô chủ nhiệm lớp tôi muốn “cân bằng” tỉ lệ tóc ngắn tóc dài nên tôi “bị” xếp ngồi chung bàn với hắn. Thấy tôi có vẻ khó chịu, hắn hỏi:

- Hình như bạn không thích ngồi chung bàn với tôi hả?

Tôi cố gắng nở một nụ cười... méo xệch:

- Ồ không, không có gì.

Hắn học rất giỏi, nghe đâu đạt số điểm cao nhất của tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở vừa qua, mấy nhỏ lớp tôi tiếc rẻ:

- Giá như mình được ngồi chung với hắn chắc sẽ khá hơn năm rồi.

Nhỏ Lan nói khẽ vào tai tôi:

- Năm nay, mi sẽ chiếm bảng vàng cho coi, mầy chỉ hơi yếu môn toán thôi mà.

Tôi ném cái nhìn khó chịu về nó:

- Tao cóc cần, không có hắn tao ở lại lớp à?

Tôi càng đâm ra ra ghét hắn vô cùng, chỉ vì cái “tội” hắn học quá giỏi làm mấy nhỏ kia chỉ trích này nọ. Thật ra nếu tôi cố gắng một chút, thì môn toán chắc sẽ khá hơn, nhưng những con số khô khan đó làm tôi thấy chán ngắt. Nhiều lần, tôi tự nhủ là sẽ phấn đấu đầu tư để cân bằng các môn, nhưng khi bắt gặp các bộ sách của Vich tơ huy gô hoặc Bazăc tôi lại hẹn: “Mình sẽ cố gắng lần sau”.

Buổi trưa trong thư viện vắng hoe, đến nỗi tiếng động của con thằn lằn tôi cũng nghe thấy. Ở cuối góc phòng chỉ có một vài người đang ghi chép gì đó vào sổ taỵ Đang lướt mắt trên trang sách tôi chợt giật mình nghe tiếng nhắc khẽ:

- Về thôi Vy, thư viện sắp đóng cửa rồi đó!

Tôi ngước lên, thì ra là hắn.

- Cám ơn!

Hắn vẫn đứng đợi ngoài cổng khi tôi trả sách. Thấy tôi trở ra, hắn dắt xe theo:

- Vy lên xe tôi đưa về!

Giọng tôi lạnh lùng:

- Cám ơn, không làm phiền.

Hắn gãi đầu:

- Mình là bạn bè mà.

- Ừ thì bạn.

Hắn dịu giọng:

- Vy nè, bạn học Toán cũng đâu có tệ lắm. Sao không cố gắng thêm mà chỉ chú tâm vào Văn?

Tôi tự ái:

- Không tệ lắm có nghĩa là có tệ phải không?

Hắn lắc đầu, giải thích:

- ý tôi không phải vậy.

- Từ trước đến giờ, tôi cũng đâu có giỏi Toán, miễn sao đủ điểm lên lớp là được rồi.

- Bạn nghĩ như vậy là không tốt đâu, tôi có thể giúp bạn được không?

- Tui hông cần!

Nói xong, tôi bỏ đi, hắn nhìn theo ngơ ngác.

Kể từ đó tôi chẳng thèm nói chuyện với “người hàng xóm” của mình, còn hắn thì mặt buồn rười rượi. Một hôm đang ngồi học, cái kẹp tóc của tôi tự nhiên bung ra rơi xuống đất. Tôi nhặt lên và lòng chợt nuối tiếc bởi nó được ba mua tặng tôi hôm sinh nhật. Lớp keo quét lên đã mất tác dụng, tôi đành cho nó vào học bàn.

- Uổng quá!

Hôm sau, tôi rất ngạc nhiên vì nó đã được chữa lành nguyên. Bất chợt, tôi quay sang hắn, hắn quay mặt nhìn lên bảng. Tôi cười thầm: “Không nhận công thì thôi”.

Tan học, tôi vội vã đạp xe về nhà vì trời sắp đổ mưa mà hôm nay lại không mang theo áo mưa. Hơn nữa, tôi như một đứa sanh... thiếu tháng, hễ dầm mưa là bị cảm. Mây càng lúc càng kéo đen cả bầu trời, vốn sợ sấm sét nên tôi càng quýnh hơn. Ngay lúc đó, một chú cún con băng qua đường, không kịp thắng, tôi cán... dẹp lép. Hoảng quá, tôi ngả xuống đường rồi ngất xỉu luôn.

Dù vết thương không quá nặng, nhưng tôi phải nghỉ học mất bốn hôm. Hôm tỉnh dậy, mẹ tôi rươm rướm nước mắt:

- Tội nghiệp con quá, cũng may có bạn về chung đường. Khi nào hết bệnh sang bên đó cám ơn nó.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Ai vậy mẹ? Con đâu có bạn về chung đường.

- Thì cái thằng trắng trắng cao cao đó, nó ở xéo bên kia kìa, con không biết sao?

Tôi gật đầu, đúng hắn là “hàng xóm” cũng ở gần đây mà bấy lâu tôi không để ý.

Lúc đó, lũ bạn ùa vào hỏi thăm ríu rít, nhỏ Hằng rươm rướm nước mắt:

- Tội nghiệp Vy quá!

Lan nhéo vào hông nó:

- Đừng làm nó cảm động.

Huy cũng động viên:

- Bạn ráng hết bệnh để còn đi học, ở lớp vắng bạn ai cũng nhắc hết. Chiều nay, cô sẽ ghé thăm.

Tôi thật sự xúc động, trước tình cảm thầy cô và bạn bè dành cho mình.

Nhỏ Thy mập oang oang:

- Mầy yên trí mà dưỡng bệnh đến tết cũng được, có người xung phong chép bài rồi lo gì.

Tôi nhéo nó một cái đau điếng:

- Đồ quỷ! Mà ai tốt quá vậy?

- “Người hàng xóm” của mầy đó.

Hắn cười bẽn lẽn, hôm nay sao tôi thấy hắn chẳng khó ưa như trước nữa. Tôi nhìn hắn mỉm cười, một nụ cười thiện chí.

Tôi không ngờ hắn học giỏi mà còn quá siêng năng, bài vở hắn chép rất đầy đủ và giải các bài tập mà tôi còn nợ lại. Tôi ngỏ lời mời hắn một chầu chè trả công, nhưng hắn khoát tay:

- Khỏi trả công, miễn Vy đừng “hình sự” với tôi là được rồi.

Tôi mỉm cười đồng ý, nhưng bảo hắn phải để cho tôi đền ơn mới được thì hắn nói:

- Tôi không khoái ăn chè mà khoái ổi chua chấm muối ớt.

- Trời đất, con trai mà cũng ưa mấy thứ đó nữa hả? Món ruột của tôi đó - Tôi thốt lên.

Cũng từ đó hắn giúp tôi nhiều thứ, từ việc giải những bài toán khó đến giải thích những gì tôi chưa hiểu khi lên lớp. Tôi tiến bộ rất nhanh. Chẳng những thế, không biết bằng cách nào mà hắn làm tôi say mê môn Toán chẳng kém gì Văn. Cuối năm ấy, tôi đạt học sinh tiên tiến, điều không khó vậy mà bấy lâu tôi chưa làm được. Cầm phần thưởng trên tay, tôi vô cùng sung sướng, hắn vui cũng chẳng kém gì tôi:

- Chúc mừng nghe!

- Cám ơn nghe!

Tôi thật xự xúc động. Hắn trêu:

- Lớn rồi mà còn khóc không sợ tụi bạn cười sao?

- Đâu phải tui khóc, tại vui quá thôi!

- Thưởng cho nè, nín đi.

Hắn chìa cho tôi một trái ổi to tướng. Tôi vồ lấy và nhai ngấu nghiến, mặc cho lũ bạn cười ồ...

Hết