MỤC LỤC - Vài lời thưa trước

(Trích Lịch sử văn minh Ấn Độ )

Vài lời thưa trước

CHƯƠNG I: TỔNG QUAN VỀ ẤN ĐỘ

I. Đất đai

II. Nền văn minh cổ nhất?

III. Dân tộc Ấn-Aryen

IV. Xã hội Ấn-Aryen

V. Tôn giáo trong các kinh Veda

VI. Các kinh Veda về phương diện văn học

VII. Triết lí trong các Upanisha

CHƯƠNG II: PHẬT THÍCH CA

I. Bọn theo tà giáo

II. Mahavira và các giáo đồ Jaïn

III. Truyện Phật Thích Ca

IV. Lời dạy của Đức Phật

V. Những ngày cuối cùng của Phật

VI. Thời đại cuối cùng của đạo Phật

Vài lời thưa trước

Như chúng ta đã biết cuốn Lịch sử văn minh Ấn Độ, tức cuốn II trong bản tiếng Anh, nhan đề là India and her neighbors (Ấn Độ và các xứ láng giềng), là một phần của tập Di sản phương Đông trong bộ Lịch sử văn minh của Will Durant.

Nguyên tác tập Di sản phương Đông, tức tập I: Our Oriental Heritage[1] xuất bản trong thế chiến thứ hai, lúc đó người Anh còn đô hộ Ấn Độ. Đến ngày 15 tháng 8 năm 1947, Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ nhưng tách Ấn Độ thành hai quốc gia: một có đa số dân theo Ấn Độ giáo là Ấn Độ; một có đa số dân theo Hồi giáo là Pakistan, nước này lại gồm hai phần: phần phía đông Ấn Độ gọi là Đông Pakistan (năm 1971 tuyên bố độc lập, trở thành nước Cộng hoà Nhân dân Bangladesh), phần phía tây gọi là Tây Pakistan (Cộng hòa Hồi giáo Pakistan ngày nay). Do vậy ta nên hiểu Ấn Độ trong cuốn Lịch sử văn minh Ấn Độ gồm cả ba nước Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, nghĩa là một số địa danh nêu trong sách này cũng thuộc về Ấn Độ mặc dù ngày nay thuộc Pakistan như: Peshawer, Karachi, Mohenjo Daro và Sindh... Xem bản đồ bên trái ở dưới[2], chúng ta thấy, trước khi bị tách ra làm ba nước vào năm 1947, Ấn Độ không bao gồm Népal vì Anh công nhận nền độc lập của Népal từ năm 1923, nhưng tôi ngờ rằng tác giả xem Népal cũng thuộc về Ấn Độ vì trong tiết IV – chương V, tác giả viết: “Ở Ấn Độ nơi nào cũng thấy dấu vết của sự thờ phụng sinh thực khí đó: khi thì là dương vật ở trong các đền ở Népal, Bénarès, vân vân…”. Nếu tác giả xem Népal cũng thuộc về Ấn Độ thì chúng ta có thể suy ra rằng Lumbini (Lâm Tì Ni) - nơi Đức Phật ra đời – nay thuộc về Népal, cũng được tác giả xem là thuộc về Ấn Độ.

Bản đồ Ấn Độ năm 1947 và năm 2007

Sách dày quá, 453 trang, gồm chín chương, nên ban đầu tôi định tóm lược chương I rồi chép trọn chương II gồm năm tiết và tiết I của chương V (tiết này sẽ nhập vào chương II thành tiết VI) để chúng ta cùng nhau tìm hiểu đạo Phật qua cái nhìn của sử gia và cũng là triết gia phương Tây Will Durant, nhưng tóm lược tức là phải lược bỏ nhiều chi tiết mà biết đâu chừng những chi tiết bị lược bỏ đó có ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc đời và tôn giáo của Đức Phật Thích Ca. Do vậy mà tôi đành phải chép trọn chương I và tạm gọi ebook này là “Ấn Độ và Phật Thích Ca”.

Tôi chép trọn chương I: Tổng quan về Ấn Độ, cũng vì một lí do khác nữa. Đó là, nếu như không có điều kiện đọc trọn cuốn Lịch sử văn minh Ấn Độ, chỉ với chương I và chương II thôi, chúng ta cũng tạm đủ để hiểu tại sao trong cuốn Lịch sử văn minh Trung Hoa, Will Durant lại viết câu này: “Trọng tâm của tư tưởng Trang tử cũng như của triết gia nửa thần thoại, Lão tử, mà Trang tử coi là sâu sắc hơn Khổng tử nhiều, là một ảo tưởng huyền bí về một cái vô ngã, rất gần với đạo Phật và các Upanishad trong các kinh Veda, khiến chúng ta phải ngờ rằng các thuyết siêu hình của Ấn Độ đã truyền qua Trung Quốc ít nhất là bốn thế kỉ trước khi đạo Phật vô Trung Quốc...”.

Trong bản Việt dịch, cụ Nguyễn Hiến Lê chẳng những ghi thêm các chú thích, mà cụ còn ghi “thêm vài chữ hoặc một câu ngắn trong mạch văn” và đặt trong dấu [ ][3], và cụ cũng chép thêm bản Danh từ Ấn, Hồi do Pháp phiên âm “ở cuối sách để đọc giả nào mới đọc lần đầu dễ tra kiểm mà nhớ lại nghĩa[4]. Trong ebook này, nếu thấy cần, tôi sẽ đưa các danh từ Ấn, Hồi vào phần chú thích, và để tiện phân biệt với các chú thích khác, cuối câu tôi sẽ ghi: “(Theo dt Ấn, Hồi)”.

Nhờ sự giúp đỡ của bạn Tuanz, tôi sửa được vài lỗi sai sót trong bản in của Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin (bạn Tuanz đối chiếu với bản của Trung Tâm Đại học Sư Phạm TP HCM in vào 1989) và sửa rất nhiều lỗi do tôi gõ sai. Xin chân thành cảm ơn bạn Tuanz.

Goldfish

Đầu tháng 6 năm 2010

(Sửa chữa và bổ sung lần cuối ngày 09.07.2010)

[1] Các bạn có thể xem trực tuyến hoặc tải về tại http://www.scribd.com/doc/20351263/The-Story-of-Civilization-01-Our-Oriental-Heritage

[2] Các hình ảnh trong ebook nầy đều do tôi sưu tầm. (Goldfish).

[3] Trong sách như hầu chỉ có dấu ( ), cho nên sau khi đối chiếu với bản tiếng Anh mà không thấy những chữ tương ứng trong dấu ( ), thì có thể tôi sẽ sửa dấu ( ) thành dấu [ ]. Tuy tôi sửa lại như vậy, nhưng vì không có bản tiếng Pháp nên tôi cũng chưa thật chắn chắn rằng đó là những chữ do cụ Nguyễn Hiến Lê thêm vào vì biết đâu chừng những chữ trong dấu ( ) đó lại có trong bản tiếng Pháp?

[4] Xem bài Tựa cuốn Lịch sử văn minh Ấn Độ tại http://www.thuvien-ebook.com/forums/showthread.php?t=14297 (post #10-11).