Chương 1

Về cái thời đại gần đây, trong xóm Cầu Đá ở làng Hội Xá có một người đàn bà góa chồng, tuổi ngoài bốn mươi.

Từ khi đức phu quân bà vui thú non bồng, còn bà ở lại chốn hồng trần thời chăn tằm, hái dâu, hàng xay hàng xáo, giữ tiết thờ chồng và nuôi hai đứa con trai bồ côi cha đi học.

Bà vốn người họ Nguyễn, năm 20 tuổi thời tơ xe chỉ kết về họ Lê, lấy kế một ông đồ tuổi ngoài ba chục, đã có một đứa con riêng vợ trước để lại lên bốn. Không ngờ trăng già độc địa, giữa đường vội cắt gánh loan hoàng, gối uyên ương nỡ đem chia nửa, gây nên một cái bi kịch kẻ dương gian, người âm phủ, đôi đường cách trở rất bi ai! Năm bà chẵn ba mươi, thời ông từ biệt bà mà chơi nơi Lạc quốc.

*

* *

Có một hôm, mặt trời đà xuống núi, vừng trăng mới lên non, chuông triêu mộ trong làng đổ dồn khắp chốn, người làm trong các khu ruộng chiêm đã đuổi trâu về nghỉ tối, kẻ đi người lại vắng tanh, trên con đường vào chùa Hương Tích, cách mé trong cái quán Đìa độ chừng hai mươi thước tây có một cô con gái trạc ngoại đôi mươi, nón quai thao, giày mõm nhái, quần lĩnh áo băng, khăn xa tanh, yếm nhiễu đỏ, vòng hoa, nhẫn hột coi rất phong lưu, bị mấy nhát dao ở cuống họng và cạnh sườn, nằm sóng sượt ra ở dưới rặng tre bên bờ mạ, hành trang đồ vật y nguyên, không mất tí gì cả. Lạ thay! Không biết tiền oan nghiệp chướng ra làm sao, ai thù ai ghét mà mảnh hồng nhan phơi nơi đất khách, thảm đát (#1) nhường vầy! ở đâu đến đó cơn cớ những gì? Biết ai mà hỏi!

--------------------------------------------------------

1. Nguyên in: thảm đáp. Thảm đát: buồn rầu, đau xót.

--------------------------------------------------------

Tuần phiên làng Yến Vĩ đi canh đồng đêm vừa đến đó, thấy dưới bụi tre thấp thóang bóng người mặc áo trắng, đương ngồi bên bờ mạ bèn đi xuống thời bắt gặp hai chàng thiếu niên hai bên mà cái thây người con gái thời ở giữa, đứa lớn tay cầm dao, đứa nhỏ áo dây máu liền hô hóan nhau lại bắt trói giật cánh khỉ cả đôi đem giải về điếm.

*

* *

Trong lúc tuần phiên làng Yến Vĩ bắt được hai kẻ giết người thời trên con đường khuất khúc ở bờ sông Đào, sông Hát dưới bóng trăng lờ mờ ở men làng Thượng, làng Sêu có một người con trai thành thị chân bước vội vàng, lòng lo ngay ngáy, đi một quãng lại ngoảnh cổ lại sau nhìn, nhường e, nhường sợ tai vạ đến mình. Nhưng xem vẻ ra có ý vui lòng hả dạ, miệng lẩm bẩm rằng: "Xin đức Thượng đế ngài chiếu giám cho tấm lòng thành kính của tôi đối với bạn tôi, những kẻ hại nhân thời nhân hại, ngài soi xét cho chúng tôi được phận nhờ".

Cách sau người ấy, độ năm kilômet thời không biết rằng người ấy có biết đến hai kẻ giết người cổ đeo gông tre, tay bị thừng buộc theo những người tuần phiên và kỳ dịch làng Yến Vĩ giải nộp quan phủ Mỹ Đức đó không? Ai ngờ cùng chung một con đường, cùng chung người đi đường mà có cái bi kịch diễn ra cũng trong một khoảnh khắc, một bên lủi thủi một người, không ai gông trói mà lòng cũng ngổn ngang. Vậy các độc giả cao minh cho cái bi kịch nào thảm hơn?

*

* *

Một hồi ba tiếng trống buổi hầu sáng, quan ra công đường, nha lại dân sự đều chực hầu rất đông, ở hàng cơm cổng phủ, các bác tuần phiên đã cột hai tên ác phạm vào cột nhà hàng mà ngồi hầu cơm cụ chánh tổng tổng mình và thầy lý thầy phó làng mình, người nào người nấy đều cơm no rượu say cả rồi, nghe tiếng trống bấy giờ mới điệu tội nhân vào nộp trước quan phụ mẫu.

Quan phụ nhận giấy giải nộp xong, nhất diện ngài sai thầy đề cùng mấy tên lính lệ, tùy phái đi ngay với chánh tổng Phù Lưu thượng và lý trưởng Yến Vĩ về chỗ người bị giết nằm khám nghiệm lại để đem chôn; nhất diện ngài sai thầy thông lấy cung hai tên ác phạm rồi ngài truyền cai lệ đem xuống trại giam. Trong khẩu cung thời một người khai tên là Lê Văn Hữu 25 tuổi, cha mẹ chết cả rồi, một người khai tên là Lê Văn Cung, 18 tuổi, cha chết mẹ còn, chỉ khác tên khác mẹ, còn họ và tên cha cùng các lời cung về việc giết người con gái thời giống nhau hết. Hai cậu cùng khai tên cha là Lê Văn Từ ở làng Hội Xá, duy cậu bé thời còn mẹ là Nguyễn Thị Nhân mà đều nói rằng: "Vốn con nhà học trò xưa nay lương thiện không có làm xằng bao giờ". Sự giết người thời cùng chối rằng: "Tình cờ gặp thời xem, chớ không phải anh em mình giết".

*

* *

Nguyễn Thị Nhân là tên ai? Các độc giả hẳn cũng biết ngay là tên bà ngoài bốn mươi tuổi, góa chồng từ năm ba mươi, ở xóm Cầu Đá mà Lê Văn Từ chính thực là tên ông đồ chồng bà. Lê Văn Cung con bà, còn Lê Văn Hữu là con người vợ trước vậy.

Đêm hôm ấy, mà Hữu và Cung phải bắt thời bà ở nhà vẫn tưởng như mọi khi hai con mình đi chơi cùng các bạn học quanh vùng hoặc ở Phú Yên, hoặc sang Bài Lam hay là ở Bạch Tuyết, không ngờ sáng ra bà vừa cất gánh gạo ra chợ Đục Khê bán, đến cổng chợ đã thấy người ta xôn xao chuyện con bà giết người phải bắt nộp quan. Ôi! Tin đâu sét đánh lưng trời, khiến cho lòng người mẹ góa kia không nung mà nóng, chẳng cắt mà đau. Sụt sùi giọt lệ trở lại gia đình, nào hai con đâu? Mà chỉ thấy một miếng đất vườn, ba gian nhà gỗ. Lẽ đâu tin ấy lại là thật? Hay hai con ta ở trong nhà? Nào có đâu! Chỉ thấy bàn thờ: đây là thổ công, đây là tiên tổ, đây là đức phu quân! Nghĩ mà thương thay cho con trẻ, tưởng lại giận thay với trời già! Kìa mặt trời đã gần đứng bóng, trẻ đầu làng đã đi xem về, đã thấy đồn đến tai rằng quan phái cụ tá về khám thây người con gái trẻ, thôi thế nào mà chẳng lụy đến thân già này thôi. Khóc chán lại nghĩ, nghĩ chán lại khóc, không còn biết tính ra sao, bà chỉ còn có lên đèn hương mà cầu nguyện trước từ đường mà thôi.