Chương 1

Khúc Dạo Đầu.

Tôi là người đã giết bố mình.

Sáng sớm ngày 12 tháng 9, năm 2004, đó là lần cuối cùng tôi đứng bên cạnh bố. Lúc đó tôi chẳng hay biết gì. Chẳng hề biết việc bố bị bắt, chẳng hề biết mẹ đã chết, chẳng hề biết đêm hôm ấy đã xảy ra chuyện gì. Chỉ cảm thấy một nỗi bất an mơ hồ, mờ mịt.

Nắm chặt tay chú, tôi và chú trốn trong chuồng gia súc ở nông trại Se Ryung hơn hai giờ đồng hồ, phải đến sau khi ra khỏi đó, tôi mới có cảm giác chắc chắn rằng điều gì đó không hay đã xảy ra.

Có hai chiếc xe cảnh sát đang chặn ngay lối dẫn vào nông trại. Đèn hiệu xe cảnh sát hai màu xanh đỏ quay đảo tím cả rừng cây trăn. Lũ bọ bay lơ lửng trên quầng sáng những ánh đèn. Trời vẫn còn tối, sương dày đặc, tôi bắt đầu run lên trong không khí ẩm ướt của buổi sớm tinh mơ đó. Dúi vào tay tôi chiếc điện thoại di động, chú ra hiệu cho tôi phải giữ thật cẩn thận. Thế rồi xe cảnh sát chở chúng tôi đi.

Cảnh tượng hỗn loạn trôi qua cửa sổ xe. Cây cầu gãy nát với con đường ngập chìm trong nước, phố xá tan hoang, xe cứu hỏa, xe cảnh sát rồi xe cứu thương chạy cuống cuồng, trực thăng quấn đảo trên không trung tối đen. Ngôi làng từng được gọi là vùng Đất trũng đập Se Ryung, khu xóm gia đình tôi mới ở được hai tuần, giờ đã biến thành địa ngục. Tôi không sao cất lời mà hỏi được. Cũng không dám nhìn chứ. Tôi e lại phải nghe chú kể chuyện gì đáng sợ.

Xe dừng lại trước đồn cảnh sát ở thành phố S. Một viên cảnh sát lôi chú về phía cuối hành lang. Một viên cảnh sát khác dẫn tôi đi theo hướng ngược lại.

Trong một căn phòng nhỏ, hai viên cảnh sát hình sự đang ngồi chờ.

“Cậu chỉ cần kể những gì cậu đã thấy là được.”.

Viên cảnh sát hình sự mặc áo xanh nói.

“Không phải là chuyện nghe người khác kể, hay do cậu tưởng tượng ra đâu nhé. Nghe rõ chưa?”.

Nghe rõ rồi. Tôi cũng nhận ra mình không được khóc. Cũng không được sợ.

Phải bình tĩnh kể lại chuyện đêm qua. Tôi xác định nếu muốn tôi với chú được thả ra, nếu muốn được gặp bố, nếu muốn xem mẹ có sao không, thì phải làm như thế. Hai viên cảnh sát im lặng nghe tôi nói.

“Giờ cùng xem lại chuyện cậu kể nhé. Người kéo cậu đến hồ không phải bố cậu, mà là nhân viên bên công ty bảo vệ, đúng không?”.

Người mặc áo xanh xác nhận lại. Tôi đáp, “Vâng.”.

“Trước khi chú đến tìm, cậu đang chơi trốn tìm với đứa bé gái bị chết cách đây hai tuần ở hồ Se Ryung?”.

“Không phải chơi trốn tìm. Mà là trò 'Hoa bất tử nở rồí ạ.”.

Hai viên cảnh sát mím môi nhìn tôi. Ánh mắt họ như nói rằng, bọn tao không tin lời mày đâu nhóc ạ.

Một lát sau, người áo xanh dẫn tôi ra ngoài cửa sở cảnh sát. Người đó nói chú ruột tôi đang đợi ở bãi đậu xe. Lối đi từ cửa sở cảnh sát ra đến bãi đậu xe, đám phóng viên săn tin đã chiếm đóng hết cả. Người áo xanh nắm khuỷu tay tôi, rẽ đám người đó mà đi. Cứ mỗi bước đi đèn flash lại lóe chớp, tiếng la hét lại huyên náo.

Họ gào thét bảo tôi ngẩng đầu lên, bảo tôi nhìn về phía họ. Họ gào lên hỏi đã gặp bố chưa, hỏi lúc đó tôi đã ở đâu.

Cơn chóng mặt ập đến. Cổ họng tôi khó chịu, và tôi thấy buồn nôn. Người áo xanh rảo bước nhanh hơn.

Rồi một giây phút nào đó, giây phút dường như nghe thấy tiếng chú gọi mình, giây phút tôi giằng tay người áo xanh ra, rồi quay lại nhìn phía sau, giây phút ngắn ngủi mà tôi đưa mắt tìm kiếm chú giữa vô số gương mặt, tất cả máy ảnh đồng loạt chĩa về phía tôi, đèn flash chớp lóe rào rào. Tôi như ốc đảo nhỏ xíu trơ trọi giữa biển chớp đó.

Chú ruột tôi mở cửa sau xe cho tôi. Tôi ngồi co ro một góc ghế, rồi mở điện thoại mà người chú kia đã đưa. Tôi nhìn bức hình cài ở màn hình chờ. Trong hình, con đường trước nhà còn mờ sương, mấy cột đèn đường còn sáng, bên cạnh hàng rào làm bằng cây trắc bá, một người đàn ông cao lớn và một thằng bé đang bước đi bên nhau. Người đàn ông cầm cặp sách của thằng bé, còn thằng bé thì đút tay vào túi quần sau của người đàn ông.

Là bố và tôi. Đó là hình ảnh nhìn từ phía sau lưng chúng tôi, hình ảnh cuối cùng mà chú ấy chụp được, vào một buổi sáng cách đây mười hôm.

Tôi gập điện thoại lại, nắm chặt trong tay rồi gục xuống đầu gối, nằm phủ phục, gắng hết sức để không khóc.

Chuyện đêm qua, người đời sẽ ghi lại là “Thảm kịch hồ Se Ryung”. Cái tên “Quân sát nhân loạn trí” sẽ dính chặt lấy bố tôi. Tôi sẽ bị gọi là “Con trai kẻ đó”. Khi ấy, tôi 12 tuổi.

Làng Hải Đăng Một chiếc xe hơi màu đen chạy tới rồi đỗ trước hiệu thuốc. Người đeo kính mát hiệu Rayban ngồi ghế tài xế bước xuống xe, đi vào hiệu thuốc. Đúng lúc tôi đang định ăn mỳ:

Đây là bữa trưa muộn của tôi, vào lúc 3 giờ chiều. Tôi vừa dọn dẹp xong nên đói meo. Nhưng dẫu vậy cũng không thể không đứng dậy đón khách được.

“Này cậu học sinh, cho hỏi chút.”.

Người đeo kính Rayban vừa gỡ cặp kính xuống vừa nói. Ánh mắt ngập ngừng nhìn mái tóc cắt ngắn của tôi, tựa như muốn hỏi “Phải học sinh không đó?” Tôi gác đũa ở quai nồi. Hỏi gì thì hỏi nhanh lên chứ.

“Đến làng Hải Đăng đi hướng nào? Trên bảng chỉ đường không thấy.”.

Rayban giơ tay cầm kính lên chỉ một vòng ra phía ngã tư gần hiệu thuốc. Tôi đưa mắt nhìn khắp một lượt chiếc xe của tay Rayban. Xe to, trông vừa hung tợn vừa khỏe khoắn. Phải xe Chevy của Chevrolet không nhỉ.

“Này cậu học sinh, không biết làng Hải Đăng hả?”.

Tôi ư, tôi đâu phải học sinh. Tôi là nhân viên hiệu thuốc, mỗi khi dược sĩ chủ hiệu thuốc này gọi tôi “cậu Choi ơi”, thì tôi đáp lại “Dạ”, thế thôi. Dù vậy, tôi cũng chẳng khó chịu vì hắn có hẳn một chiếc Chevrolet. Cũng chẳng cáu vì hắn nói năng bỗ bã. Chỉ vì tò mò, mà cũng đúng lúc chủ hiệu thuốc không có ở đó, nên tôi mới hỏi một câu.

“Không có định vị ạ?”.

“Định vị cũng không tìm được nên mới phải hỏi chứ...”.

“... thằng nhóc này!” - vẻ mặt hắn như ngầm lược đi từ đó. Tôi cũng bỏ qua.

“Định vị không tìm được sao lại vào hiệu thuốc làm gì ạ?”.

Chiếc Chevrolet từ ngã tư phóng thẳng đi rồi biến mất. Tôi ngồi xuống ăn mỳ. Nồi mỳ vừa hết thì tôi cũng nhớ ra địa danh làng Hải Đăng. Đấy là làng Shinsung. Tôi còn nhớ ra cả việc muốn đi tới đó, phải rẽ trái ở ngã tư trước hiệu thuốc. Thêm vào đó, tôi cũng là người dân làng Hải Đăng.

Làng Hải Đăng không có trên bản đồ. Có lẽ trong mắt những người làm bản đồ, sự tồn tại của nơi này quá ư vô giá trị, ngay cả gọi tên cũng không đáng.

Theo như chú ở cùng phòng với tôi bảo, thì đó là vùng đất “vành tai của bán đảo Hwawon”. Ông chủ tôi, dược sĩ chủ hiệu thuốc Papa, cũng gọi đó là “xó quê hiểm ác” mà xe đò chợ cũng chẳng buồn dừng. Theo cách nói của Hội trưởng Hội thanh niên làng Hải Đăng, đó là nơi tận cùng thế giới, nơi mà để mua được đôi dép lê cũng phải chạy kiếm khắp nơi đến “lè cả lưỡỉ”. Những chuyện đó đều đúng cả. Vì phải chạy qua 30 dặm đường bờ biển không một bóng người, mới thấy ngôi làng cheo leo phía trên vách đá dựng đứng. Phía trên mỏm đá nhô ra như cái mỏ chim, là ngọn Hải Đăng hướng ra phía biển. Biển trước làng đâm lên đủ các đảo đá lớn nhỏ, phía sau làng là cả dãy núi đá vừa cao vừa dài vây bọc.

Có lần, tôi đã từng cùng chú leo lên đỉnh núi. Nhìn xuống thấy bờ bên kia, đất liền kéo dài một dải trọn tầm mắt. Đất cũng mênh mang như biển, cả một vùng đất hoang không có lấy một thân cây. Nơi đây nghe nói Nhà nước đã mua lại và để đó, sau này định mở khu du lịch. Nghe kể trước đây vốn là cánh đồng trồng cao lương. Giờ cánh đồng cao lương tuy không còn nữa, nhưng cuối cánh đồng vẫn còn một ngôi làng nhỏ. Chính những đứa con của ngôi làng biến mất Shinsung ấy đã gọi nó là làng Hải Đăng.

Làng Hải Đăng đã bước vào buổi suy tàn. Người làng, tính cả dân vãng lai là “bọn trẻ”, chúng tôi (gồm chú và tôi), cộng lại cũng chỉ được mười hai người.

Người làng có tuổi bình quân là 69, đều làm nông, sống nhờ vào nghề trồng khoai. Vì biển thì có đấy, nhưng cũng chẳng ai đi bắt cá. Có biển thì cũng phải ra kéo tha gì về chứ. Vậy nên cứ mỗi khi thiếu đồ nấu canh hay đồ nhắm rượu, họ lại đẩy lưng “bọn trẻ” chúng tôi ra biển. Đứa trẻ cuối cùng của cái làng này ra đời và được ghi vào sổ đăng ký trên ủy ban xã từ 61 năm trước rồi. Đứa trẻ ấy giờ thành Hội trưởng Hội thanh niên Làng Hải Đăng, là chủ của chiếc thuyền máy duy nhất trong làng, và là chủ nhà trọ Hải Đăng mà tôi và chú thuê phòng ở. Khách trọ chủ yếu là mấy tay lặn Scubal truyền miệng nhau ghé tới đây. Vách đứng của mấy đảo đá trên biển trước làng chính là thứ vẫy gọi họ đến với mảnh đất cô quạnh này. Giống như họ, cả tôi và chú cũng bị lôi kéo đến đây rồi bám trụ lại. Nói không chừng, đội Chevrolet có khi cũng đã nghe được tiếng gọi của mấy đảo đá nơi đây. Mong là không phải, nhưng dường như đúng là như thế.

Khoảng 7 giờ, dược sĩ chủ tiệm về, rồi mở tủ đựng tiền. Đây là tín hiệu cho thấy nghỉ làm được rồi. Tôi lén chủ tiệm, nhét vào túi một bịch thuốc bổ tăng lực đông y, với ít cao dán. Nếu có hỏi tôi, vào đêm thánh vô ngần trước Giáng sinh thế này, tôi lại đang làm trò tủn mủn gì thế kia, thì tôi có thể nói cho nghe lý do như sau.

Chú mới 40 tuổi mà đỉnh đầu đã lưa thưa tóc. Lông mày cũng đã có những sợi trắng như mấy ông đạo sĩ. Trong cuộc thi đảo đá ở làng chúng tôi, thành tích thi đấu của chú ngày càng thảm hại. Đấy là một kiểu thi ba môn phối hợp, nhưng luật thi rất đơn giản.

Trước hết, chạy thuyền máy của Hội trưởng Hội thanh niên ra mũi phía Tây một đảo đá được chọn làm nơi thi đấu. Đến nơi rồi, sau khi neo thuyền máy lại, là bắt đầu vòng thi thứ nhất - thi bơi ếch vòng quanh đảo. Vòng thi thứ hai - lặn xuống nước, sau đó, cạo thật sạch mấy cái gờ nhô ra trên vách đá chìm dưới nước, nhặt hết bọn nhím biển, nghêu sò, hải sâm bám ở đó... bỏ riêng từng loại vào giỏ. Vòng thi thứ ba - đấu bóng rổ tay đôi, ai ghi trước được năm quả vào cái lưới gôn treo trên cây thông thì thắng.

Thành tích gần đây nhất của chú, đấu mười trận thì thua mất chín. Tuần trước, lúc nhảy lên làm cứ úp bóng vào rổ, chú bị trẹo cả cơ. Chú bảo như thể có “thằng nào” đê tiện, đã lấy tay ấn dúi đầu chú xuống, rồi cứ nhìn thấy tôi là chú lại ca cẩm như vậy.

“Cháu về trước đây ạ.”.

Tôi đứng trước cửa hiệu thuốc, chào to rồi leo lên xe đạp. Ra khỏi ngã tư, tôi nhỏm cả mông lên mà nhấn bàn đạp. Tôi phóng hết tốc lực trên con đường bờ biển dẫn len phía trên vách đá. Đêm không trăng nhưng đường không tối. Trời đêm chi chít những sao. Biển bị vây bọc trong ánh sao tựa như cảnh sắc trong mơ, trông thật dịu dàng. Sóng vỗ vào vách đá, những chú hải âu ánh bạc chao liệng lặng lẽ trong đêm, sương biển bắt đầu dâng lên từ khe những tảng đá ven bờ, những đảo đá in bóng tối đen. Giá mà có thể thêm vào khung cảnh này một hình ảnh đầy chất văn thơ là “làn gió biển ngọt ngào” nữa thôị.. Nhưng gió hệt như lưỡi rìu cứa trên da mặt. Cảm giác về đến nhà thì tôi chỉ còn trơ xương.

Sau hàng rào, chiếc xe Bongo màu mận chín của chú với chiếc Chevrolet đen đầu thành một hàng. Tôi dựng xe đạp vào giữa hai cái xe hơi. Có tiếng chú vọng ra ngoài hàng rào. Là cái giọng lúc từ chối ai đó, nghe cứ như đang đọc chính tả trong sách giáo khoa.

“Đảo đá là chỗ dòng chảy mạnh và thất thường, còn xuất hiện dòng chảy ngầm, địa hình đáy biển thì phức tạp y như mê cung, mà bây giờ là mùa triều cường, lại đang đêm, còn mấy cậu thì vừa uống rượụ..”.

“Này, ông chú.”.

Ai đó cắt lời.

“Chú là ai, ba lỗ dép lê mà cũng đòi lên mặt dạy đời hả?”.

Chú kết thúc bài đọc chính tả của mình.

“Chỗ của người say không phải ở dưới biển, mà là nằm trong chăn.”.

Tôi đẩy cổng bước vào. Ngay giữa sân, có hai đội đang đối đầu nhau. Một bên là đội Chevrolet, vũ trang bằng mấy thiết bị lặn, một bên là đội của chú - đang trong trang phục dép lê, áo ba lỗ - cùng Hội trưởng Hội thanh niên. Tương quan lực lượng là bốn chọi hai. Mắt chú vốn đã sụp, giờ lại còn nửa nhắm nửa mở.

Trông có vẻ như đang ngủ thì bị gọi dậy. Hội trưởng Hội thanh niên cũng đang ngủ thì bị đánh thức, giờ đang đứng lòm khòm sau lưng chú.

“Theo như tôi thấy, người phải quay vào trong chăn bây giờ có lẽ là vị mặc ba lỗ đang run lẩy bẩy kia kìa.”.

Tuyển thủ đại diện cho đội đối thủ giờ đang đứng đối đầu với chú, hóa ra là gã Rayban.

“Cậu đã lặn drift2 vào ban đêm bao giờ chưa hả?” Chú hỏi.

Gã Rayban phá lên cười. Không biết nếu hỏi Ronaldo rằng “Cậu biết đánh đầu không?” thì liệu cậu ta có cười thế này không nhỉ. Ba người còn lại đứng bên cạnh nãy giờ cũng theo đuôi cười ầm lên. Chú khoanh tay trước ngực, ngó một cái xuống đất.

“Trưởng nhóm mà liều lĩnh thế thì sẽ xảy ra sự cố thôi.”.

“Và cứ nhúng mũi vào việc người khác thế thì sẽ chảy máu mũi đấy.”.

Gã Rayban đưa ngón trỏ lên phẩy mũi một cái. Cả đám lại cười rộ lên. Một người ngồi phệt hẳn xuống sân. Có vẻ như không phải say rượu, mà là vừa chơi ma túy. Chú đứng cắn cắn môi, chằm chằm nhìn gã Rayban, vẻ mặt như thể đang bấm máy tính trong đầu - mình mà nện cho thằng này một cái thì bị đập lại mấy cái đây? Theo máy tính của tôi, kết quả tính toán bốn chọi hai cho ra đáp án là “Tỷ số chết”.

“Này cậu sinh viên, giờ cậu lại còn nói năng bừa bãi kiểu gì thế hả?”.

Ngày xưa vốn mê văn học, thường ngày vẫn tôn chú lên làm “nhà văn”, Hội trưởng Hội thanh niên lúc này liền đứng ra chi viện cho chú.

“Không phải tự dưng mà nhà văn của chúng tôi cứ đứng ra thế này đâu. Phải ngăn chặn trước khi có chuyện xảy ra. Cậu ấy là chuyên gia lặn số một ở khu chúng tôi đấy. Cậu ấy đã nói không được thì thực sự là không được đâu. Để trời sáng rồi mười lần hay hai chục lần, tôi cũng sẽ đưa các cậu đi. Còn hôm nay thì dừng ở đây thôị..”.

Gã Rayban nhổ bọt đánh toẹt xuống sân. Dính sau đó là một câu “A, mẹ kiếp!” bắn phọt ra.

“Nói mà các cụ không thông tí nào nhỉ. Theo hợp đồng thì chúng tôi là bên A đấy.”.

Gã Rayban chỉ vào bộ mặt sưng sỉa của Hội trưởng Hội thanh niên.

“Ông là bên B. Chúng tôi chồng tiền, còn ông đưa chúng tôi ra biển. OK?”.

Tôi đá cái cổng đóng lại, rồi chạy tới. Muốn bảo chú rút lui về phòng thì cần phải phá vỡ tình thế căng thẳng này. Tuy rằng chẳng thể nào mà cứu được cả Hội trưởng Hội thanh niên.

“Ôi mẹ ơi, thằng bé nhà mình về lúc nào thế kia?”.

Đầu tiên là Hội trưởng ngoái nhìn. Tiếp theo là chú ngoái nhìn. Đội Chevrolet cũng bốn cặp mắt hướng theo.

“Xem này. Vị nào đây hả? Chẳng phải anh chàng nhân viên hiệu thuốc đây sao?” Gã Rayban lên tiếng, lập tức chuyển sự quan tâm sang tôi. Tôi nói với chú. “Chú gặp cháu một lát.”.

Gã Rayban đứng chắn trước mặt chú.

“Anh chàng hiệu thuốc tìm đường về nhà bằng cách nào thế? Nghe nói không biết làng Hải Đăng cơ mà.”.

Dù vậy thì tôi vẫn biết đường về phòng tôi chứ. Ngay phòng đầu tiên trong dãy nhà kiểu cổ xây thành hình chữ L. Cửa sổ quay ra mặt đường, từ đó nhìn thấy một mạch cả ngọn Hải Đăng và biển. Tôi quay người đi về hướng đó.

“Ông chủ của cậu không hay biết gì à? Chuyện nhân viên của mình là thằng khờ đến mức không biết nhà mình ở đâu ấy? Nhưng mà này, ông tác giả kiêm chuyên gia lặn là ông chú ba lỗ đây có quan hệ thế nào với cậu vậy? Không phải cha con, mà có vẻ cũng không phải chú cháu. Hay là kiểu quan hệ nóng bỏng lâu lâu gặp một lần rồi dính chặt lấy nhau?”.

Gã Rayban cười đểu, còn bọn kia cả đám cũng cười hinh hích. Tôi giả như không nghe thấy, quay bước đi. Dù đã phá vỡ được tình huống căng thẳng, nhưng tôi không có ý định đấm vỡ mồm hắn. “Hội trưởng quyết định đi. Tôi không còn gì để nói cả.”.

Chú kết luận. Rồi chúng tôi cùng quay bước về phòng. Đóng cửa rồi mà tiếng châm chọc vẫn vọng qua khe cửa. Có tiếng kêu la của Hội trưởng, rồi tiếp theo là tiếng khởi động xe.

Hình như bọn họ vẫn đi ra biển. Nhưng ít nhất thì không phải ngay bây giờ.

Bất chợt một âm thanh kỳ dị rống lên, không biết là tiếng cười của đội Rayban, hay tiếng hú của Tarzan nữa. Ầm ầm ú ú... Ăn nhịp với âm thanh đó là ánh đèn pha ô tô chớp liên hồi. Từ dàn audio trong xe, dội ra bản nhạc Giáng sinh của Young Gu3.

Mừng ngày Chúa sinh ra đời, mình cùng nắm tay tươi cười, hòa bình đến hay không nào, có đến hay là không đâỵ..

Tôi kéo rèm lại. Đúng là tôi vừa tự đá phản lưới nhà mà. Điệu bộ này chỉ tổ gieo cho đối phương cảm giác chiến thắng rằng đội mình đã dẫn trước một điểm. Giờ thì bọn họ chuyển sang hành vi khiêu khích bằng cách ầm ầm mở nhạc bật đèn náo loạn ngay trước cửa sổ phòng đấy thôi. Khung cửa kính rung lên bần bật, đội Chevrolet giờ đang đồng ca bán carol ngọng líu. Chẳng có Young Gu nào ở đây cả.

Chú ngồi trước bàn sách. Tôi cởi tất ra. Lúc này là sau khi nhóm Chevrolet buông tha cho cái cửa sổ khoảng 5 phút.

“Mấy gã đó là thế nào vậy ạ?”.

Tôi hỏi. Giọng tôi khàn khàn như người mới ngủ dậy. Chú đáp lại, giọng cũng gần như vậy.

“Còn thế nào nữa, mấy thằng điên chứ sao.”.

“Mấy gã như vậy, sao Hội trưởng còn cho vào ở làm gì?”.

“Lúc này sao kén cá chọn canh được. Gần tháng trời nay mới có khách.”.

“Nhưng sao lại lôi chú dính vào thế?”.

“Thì bọn nó uống rượu xong cứ khăng khăng đòi đưa ra biển, nên Hội trưởng gọi ra ngăn lại xem thế nào thôi.”.

Chú nghĩ ngợi gì đó một lát, rồi hỏi mà như tự nói với mình.

“Mà mấy đứa đó có trói lại treo lên mà ngăn cản, chắc cũng không chịu nghe lời đâu nhỉ.”.

Bọ ngựa giơ càng chặn đường mà xe ủi nó chịu dừng lại hay sao? Tôi lấy trong túi ra gói thuốc bổ tăng lực, đưa cho chú. Đột nhiên chú nổi cáu.

“Sao cứ ăn trộm cái thứ này về thế hả, thằng ranh. Có tác dụng phụ gì thì đi mà chịu trách nhiệm đấy!”.

“Tác dụng phụ là tóc mọc như bờm sư tử còn gì. Còn nếu cứ nhất quyết thành một ông đầu trọc hòa nhã trầm tư, thì lúc đó cháu sẽ uống.”.

Chú giật lấy gói thuốc. Còn tôi bỏ đi ra rửa chân.

Nghe nói, trước khi trời có sấm, não loài mèo có thể cảm nhận được từ trường. Ở hệ viền trong não người, cũng có một cơ quan cảm thụ như vậy - một chiếc đồng hồ mang tên “bất an”, được kích hoạt mỗi khi cảm nhận được điềm báo về thảm kịch.

Đi nằm rồi mà tôi không sao ngủ được. Vừa nghe tiếng kim giây tích tắc, vừa đi giật lùi về quá khứ. Trở lại cái ngày hôm đó bảy năm về trước, sau khi chia tay với chú ở sở cảnh sát.

Mẹ tôi ngay cả đến đám tang cũng không tổ chức được, nên đành phải hỏa táng. Tôi thì được giao cho chú ruột. Tôi không thể đi học được nữa. Ngay ngày đầu tiên chuyển đến trường mới, tôi đã hiểu ra như vậy. Bọn bạn trong lớp còn biết rõ tôi là ai hơn cả bản thân tôi. Tôi là con trai của một kẻ sát nhân loạn trí, kẻ đã vặn cổ sát hại một đứa bé gái 12 tuổi, kẻ đã dùng dùi cui đánh chết bố của đứa bé gái, kẻ mà ngay cả vợ mình cũng giết rồi quăng xác xuống sông, kẻ đã mở cửa đập nước, nhấn chìm bốn cảnh sát và một nửa số dân của cả một làng.

Tôi là đứa trẻ vẫn còn sống sót nguyên vẹn sau cái đêm điên dại đó.

Mấy đứa em họ khóc lóc, kể là chúng cũng bị bọn bạn ở lớp đối xử giống như tôi. Chú ruột tôi cũng làm bác sĩ vật lý trị liệu ở bệnh viện tư, giờ phải nghỉ việc. Thím tôi thì nhận được yêu cầu của chủ nhà là phải chuyển đi. Cả gia đình như thể chạy trốn, chuyển đến một căn hộ ở Sanbon. Căn phòng phía sau có ban công trở thành chỗ của tôi. Thím tôi sợ người ta biết thím đón tôi đến sống cùng hay sao mà luôn rón ra rón rén. Mấy đứa em họ tôi thì ngay cả dùng chung nhà vệ sinh với tôi chúng nó cũng không muốn. Tình cờ mà chạm mặt nhau trong nhà, thì chúng nó cứ hét ầm lên trước đã. Mỗi lần như thế là tôi cũng đờ người.

Dù tôi có mang vẻ ngoài đầy sức hút như Casanova, hay dễ gây thiện cảm với người khác giới đi nữa, nhưng gặp phải hai con bé cứ thấy tôi là hét lên như còi tàu, tôi còn có thể làm gì đây. Ngoài việc tự nhốt mình trong phòng.

Tôi chỉ ra khỏi phòng lúc nhà không có ai, hoặc vào ban đêm, khi tất cả đang ngủ. Có cơm thì ăn, không thì nhịn đói. Cả ngày nhịn, đến lúc đó mới đi vệ sinh rồi tắm rửa. Tắm rửa cũng là một kiểu nghi thức. Đấy là một kiểu thủ tục xác nhận rằng tôi không phải loại quái vật chuyên gieo rắc nỗi sợ hãi, hay sự căm ghét. Tôi cũng có hai chân, hai tay, một đôi mắt đang xác nhận lại hình hài của mình, và một linh hồn yên ổn.

Quay về phòng, tôi ngồi co ro bên cửa sổ cho qua ngày, Hoặc là ngủ, hoặc nhìn ra ngoài cửa sổ, vừa nhìn vừa suy nghĩ vẩn vơ. Tôi nhớ chú. Tôi thắc mắc không biết chú có tìm cách liên lạc với tôi không. Mà dù cho chú có liên lạc cũng không cách nào mà nhận được tin, thật là bức bối. Điện thoại của chú bị chú ruột tôi ném vào tường, vỡ mất rồi. Chú ruột tôi bảo nếu không muốn bị đuổi ra khỏi nhà, chú đừng có liên lạc với những người quen của bố.

Được ba tháng, chú ruột tôi gửi tôi qua nhà bác gái chị của bố. Ở nhà bác gái ba tháng, rồi qua nhà cô thứ haị.. đi đến đâu thì chỗ của tôi cũng giống nhau.

Chỉ có điểm khác là tuy bữa đực bữa cái nhưng tôi vẫn được đến trường. Thời gian trôi qua, sự kiện hồ Se Ryung dần phai khỏi mối quan tâm của người đời.

Những người nhận ra tôi dần dà cũng giảm. Ngày chia tay ngôi trường đang học, thường là ngày mà tôi ở đó đủ ba tháng, hoặc là ngày mà mọi người nhận ra tôi là ai. Cũng may còn có mỗi dì Young Joo em của mẹ là còn có ý thương tôi. Nhà dì, tôi ở lâu hơn những nhà khác trên một tháng. Ngày được bốn tháng, dì gửi tôi qua bên cậu, dì bảo tôi, “Seo Won ạ, dì... xin lỗi.” Lúc đó, mắt dì rưng rưng, hình ảnh đó thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ đến... Nếu như không có dượng, liệu dì Young Joo có đón tôi về ở luôn với dì không nhỉ?

Dượng ghét tôi đến phát rùng mình. Dượng mà say rượu ở đâu rồi về nhà, thể nào cũng bất thình lình lôi tôi ra, đánh đấm túi bụi như người phát dại.

Nhiều lần dì tôi vào can, dượng cũng đẩy dì dúi dụi, rồi gào lên “Dẫn thằng kia cút đi ngay”. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không sao quên được những lời dượng rỉ rả trong phòng khách vào cái đêm hôm trước khi tôi rời nhà dì.

“Cô ấy, cô đã bao giờ nhìn thẳng vào mắt thằng bé đó chưa? Đã bao giờ cô thấy nó khóc chưa? Có ăn chửi, ăn đánh, ánh mắt nó vẫn y như vậy. Chẳng biểu lộ gì, cứ nhìn xoáy vào người khác, cái đó làm người ta phát điên lên được. Đấy không phải ánh mắt trẻ con, mà là ánh mắt của kẻ có thể gây ra bất cứ chuyện gì. Tôi sợ lắm, không để nó ở chung thêm được nữa. Ngày mai, cô đem nó qua nhà cậu đi.”.

Ngày đầu tiên của tháng Một, ngày có bão tuyết, đúng vào buổi sáng hôm tôi ở nhà cậu được tròn ba tháng. Tôi xách túi đi ra, cậu rút hai tờ 1000 won đưa cho tôi.

“Nhà chú bên Sanbon, tự tìm được đúng không?”.

Địa chỉ thì thuộc lòng rồi, kiểu gì chẳng tìm được. Tôi gật đầu thay cho câu trả lời. Cậu tôi nói xin lỗi vì không để tôi ở cùng thêm được. Nhà cậu đã định hôm đó chuyển đi. Địa chỉ nhà mới chuyển đến, cậu không cho tôi biết. Tôi đeo cặp sách lên, tay xách túi quần áo, chụp cái mũ lên đầu, rồi đi ra khỏi khu chung cư nhà cậu. Gió rét thổi cắt da cắt thịt. Tuyết rơi suốt đêm qua nên giờ đường trơn trượt. Tay tôi lạnh buốt, còn mũi thì đau như vừa bị đấm một cú. Dẫu vậy, tôi vẫn không ngoái lại nhìn. Tôi không muốn cầu xin người ta cho mình sống cố định ở một nhà. Mà cũng chẳng có nhà nào muốn tôi ở luôn đấy cả. Tôi lại nghĩ đến chú.

Mặc dù là chuyện sau này lớn lên tôi mới biết, nhưng lúc đó tài sản để lại cho tôi, mấy người họ hàng đó lấy lý do là chi phí nuôi tôi ăn học, chia đều với nhau hết rồi. Tài khoản tiết kiệm của mẹ, rồi tiền bảo hiểm nhân thọ, cho đến cả căn hộ mới ở Ilsan mà gia đình tôi chưa kịp ở một giờ phút nào. Dường như bao nhiêu đó chỉ đủ mua sự nhẫn nại của họ trong ba tháng là cùng. Vậy nên chuyện như thế mới xa.

Mất tới năm tiếng đồng hồ tôi mới đến được Sanbon. Tại tôi bị lạc rồi cứ lang thang trên đường. Tôi bấm chuông cửa, một giọng phụ nữ vang lên.

“Ai đấy ạ?”.

Tôi nói tên chú. Người đó đáp lại là không có ai tên như vậy ở đây cả. Sợ mình nhầm, tôi bèn xem lại số nhà. Tôi ra cả bên ngoài xem lại số lô nhà.

Không phải tôi tìm nhầm nhà. Mà là nhà đã đổi chủ. Tôi cuống lên, chạy vội ra bốt điện thoại công cộng ở lối vào khu chung cư. Số điện thoại của chú tôi giờ thành ra thuê bao không tồn tại. Cậu tôi cũng y như vậy. Cả số di động, cả số máy bàn ở nhà, tất cả đều đã ngưng sử dụng. Trong khoảnh khắc tôi chợt hiểu ra một sự thật đáng sợ. Chú ruột tôi, trước khi quay vòng tới lượt nuôi tôi lần thứ hai, đã âm thầm chuyển nhà đi mất. Cậu tôi biết vậy nhưng vẫn bảo tôi đến Sanbon. Và tôi có thể đoán được là giờ thì cậu cũng đã chuyển nhà đi xong rồi.

Tôi thử lần lượt gọi điện cho dì Young Joo, bác gái và cô. Ai cũng không liên lạc được.

Thật mịt mờ không biết phải làm thế nào. Sao mà sợ hãi. Bão tuyết lùa cả vào bên trong bốt điện thoại, mà tôi thì đang mặc áo khoác mùa thu. Quần Jeans thì ngắn hở cả cổ chân. Giày thể thao thì nhỏ quá, phải gập phía sau xuống mà đi. Cả ngày nhịn đói, giờ bụng cũng rỗng không. Trong người chỉ còn một đồng xu 100 won. Số điện thoại mà tôi chưa thử liên lạc cũng chỉ còn lại một. Là số của cái điện thoại mà chú ruột tôi đã ném vỡ. Mà có gọi vào đó thì cũng chẳng ý nghĩa gì. Vì không còn máy thì làm gì có người nghe. Dẫu vậy tôi vẫn nhấc điện thoại lên bởi một cảm giác hy vọng mong manh thoáng qua. Biết đâu chú ấy mua điện thoại mới, biết đâu chú lại dùng số đó giống như ngày xưạ..

Có tín hiệu kết nối. Rồi một lúc sau, dù chậm chạp, nhưng rõ ràng nghe thấy tiếng nói “A lô”. Là chú. Chỉ nghe một lần là tôi nhận ra ngay. Làm sao mà không nhận ra được cơ chứ. Chưa có giờ khắc nào tôi quên cả. Cổ họng tôi nghẹn lại, không nói nên lời. Cảm giác như có nấm mồ chẹn ngang cổ. Chú không gác máy, mà kiên nhẫn hỏi lại.

“A lô, ai đấy?”.

“Là cháu ạ!”.

Tôi gắng cất giọng. Lần này, đầu dây bên kia im lặng. Tôi lấy hết can đảm, nói thêm.

“Bạn cùng phòng với chú đây ạ.”.

Cảm giác chờ đợi dài như vô tận. Khoảng một giờ sau, chiếc xe Bongo màu mận chín xuyên qua cơn bão tuyết, đỗ trước mặt tôi.

Chú sống ở Ansan. Tôi cảm giác như đang trở lại những ngày xưa ấy. Thời chúng tôi sống như người một nhà trong căn hộ một phòng của chú, cái thời mà chú với tôi cùng ở chung một căn phòng, cảnh tượng về thời đó giờ đang hiện về nguyên vẹn:

Laptop để trên chiếc bàn nhỏ, bên cạnh là sổ tay, chùm chìa khóa và cái ví, bao thuốc lá bạc hà màu xanh lá cây với lon bia, và những mẩu giấy ghi nhớ dán khắp nơi. Chú cũng vẫn vậy. Vẫn mái tóc cắt ngắn đã điểm bạc, vẫn khóe miệng tủm tỉm như cười như không, cho đến cả thói quen cũ vào đến phòng là cởi tất quẳng đi cũng vậy. Chỉ có nghề nghiệp là thay đổi, giờ chú là tác giả viết lót cho một tiểu thuyết gia.

Chú không hỏi tôi đã sống thế nào. Bộ dạng này đã tố giác hết tình cảnh của tôi rồi. Chú cũng không hỏi cái điện thoại giờ ra sao. Chú chỉ bảo cứ nghĩ biết đâu tôi sẽ gọi điện cho chú một lần, nên chú cứ đợi tôi gọi. Tôi vội đứng dậy vào nhà vệ sinh. Tôi không muốn để lộ cảm xúc của mình. Chú không hiểu lòng tôi thì tốt hơn. Tôi không muốn chú biết tôi vui thế nào khi thấy chú vẫn còn sống một mình, tôi nhẹ cả người như thế nào khi biết chú vẫn chưa kết hôn, và tôi không muốn chú biết rằng, vì sợ chú cho tôi ở vài ngày rồi lại dò la tin tức mấy nhà họ hàng thân thích, gửi trả tôi ngược trở lại, tô đã bất an đến nhường nào.

Khoảng cuối mùa đông, chú làm xong thủ tục pháp lý, thành người giám hộ của tôi. Tôi trở thành con nuôi, của anh ba chú. Tôi chịu không biết sao lại làm được thế. Tôi còn chưa thấy mặt cha nuôi bao giờ. Tôi chưa bao giờ hỏi, mà cũng chưa từng muốn biết. Điều duy nhất quan trọng với tôi, đó là chắc chắn tôi sẽ không bị chú bỏ rơi.

Tôi đã lên cấp hai. Với tầm trạng khẩn thiết như vậy, tôi dính chặt vào việc học. Đấy là việc duy nhất tôi có thể làm được, và cũng là lời thề bất thành văn “Cháu sẽ sống thật tốt”. Đó cũng là một khuôn mặt khác của nỗi sợ không biết có bị bỏ rơi hay không. Chú tự nguyện làm gia sư cho tôi.

Thi giữa học kỳ hai, tôi đạt được 80% mục tiêu đề ra, đứng thứ nhất ở lớp, và thứ năm toàn trường. Hôm đó, chú dẫn tôi ra hàng thịt nướng gần nhà. Ly bia và ly coca chạm nhau, chúng tôi tự chúc mừng cho thành quả này. Lúc đó, trên tivi treo tường vang lên tên của bố. Tin đưa rằng đã quyết định án tử hình. Ly coca tuột khỏi tay tôi.

Phải đến giây phút đó, tôi mới biết. Rằng đâu đó ẩn sâu trong lòng, tôi vẫn ôm hy vọng. Hy vọng biết đâu bố không phải thủ phạm thật sự, hy vọng biết đâu có gì đó nhầm lẫn, hy vọng nếu hung thủ thật sự xuất hiện thì tôi có thể gặp lại bố. Tôi vẫn còn nhớ, để giữ được hy vọng đó, tôi đã phải tìm cách cầm cự như thế nào. Không xem thời sự trên tivi, không đọc báo, không lên mạng.

Cũng không hỏi ai về chuyện của bố. Thậm chí ngay cả bức tranh tổng thể về sự kiện đó, tôi còn không biết. Tất nhiên những tin đồn thổi thì vẫn đến tai tôi.

Rằng ai bị giết, giết như thế nào, có bao nhiêu người thiệt mạng, bản án sẽ như thế nào. Những gì tôi biết chỉ đến đúng mức đó mà thôi.

Tin về phán quyết xác định án tử hình đã cướp mất hy vọng đầy ảo tưởng đó.

Chiều ngày hôm sau, gói bưu phẩm bay đến trước mặt đã phá nát chút tự tôn cuối cùng. Một chiếc phong bì màu nâu, địa chỉ người gửi là một hòm thư bưu điện, bên trong phong bì có đựng tờ tuần san Sum Magazine. Đó là số báo ra sáng hôm dó, có một bức ảnh chiếm toàn bộ trang nhất. Bức ảnh một thằng bé đang mím chặt môi, ngoái nhìn camera. Ảnh không bị bôi nhòe nên chẳng khó khăn gì để nhận ra đó là ai. Là tôi. Là tôi năm 12 tuổi đang hứng ánh đèn flash máy ảnh ở Sở cảnh sát thành phố S. Trang tiếp theo đăng bài phóng sự đặc biệt trải dài tới mười trang, với tiêu đề là “Thảm kịch hồ Se Ryung”. Bài báo có đăng toàn văn bản tuyên án, theo sau là ghi chép tái hiện lại sự kiện hồ Se Ryung. Cả thời niên thiếu của bố, cả hai mươi năm thời bố làm tuyển thủ bóng chày, sau đó giải nghệ đi làm... tất cả đều được phơi ra hết cả, có gọi là đăng tiểu sử cũng được. Phóng sự còn đăng kèm những bài đi sâu phân tích của các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, nên không biết có gọi là báo cáo tâm lý học được không. Trong bài báo, cứ cách đoạn lại đưa vào một bức hình chụp ở hiện trường. Tô điểm cho đoạn kết bài báo là bức hình bố sau khi nhận phán quyết cuối cùng. Bố không đội mũ hay đeo khẩu trang che mặt. Bố cũng không cúi đầu. Ánh mắt không biểu cảm gì khi ngoái nhìn camera, giống hệt như ánh mắt tôi trong bức ảnh ở trang nhất.

Ai là người gửi cái này nhỉ? Tôi ngẩng đầu lên, nhìn chú đang ngồi bên cạnh.

“Cái này không phải là thật, đúng không ạ?”.

Tôi tuyệt vọng nhìn đôi mắt chú đang tối sầm lại.

“Tất cả đều không phải sự thật, đúng không chú?”.

Mất một lúc, tôi mới nghe thấy chú đáp lại.

“Sự thật không phải là tất cả.”.

“Vậy sự thật cũng có thể là nói dối phải không ạ?”.

Có những lúc, sự im lặng là câu trả lời chính xác nhất. Sự im lặng bao trùm chúng tôi khi đó cũng vậy. Tôi nghe thấy trong ngực mình vang lên tiếng nói của sự thật. Chẳng có gì nhầm lẫn cả. Tất cả đều là sự thật. Tôi cảm giác nước mắt bắt đầu dâng lên.

Mắt chú cũng đỏ lên thấy rõ.

Tờ Sunday Magazine hệt như một đàn dế gù nhảy bổ vào cuộc sống của tôi.

Sáng thứ Hai, vừa mở cửa lớp là có thể tận mắt xác nhận ngay điều này. Trên bàn tôi, và trên bàn từng học sinh trong lớp đều chễm chệ một tờ Sunday. Lớp học đang náo loạn chợt lặng phắc. Lúc tôi đi về chỗ ngồi, thậm chí còn không nghe thấy cả một tiếng thở. Tôi để cặp xuống ghế, cầm tờ Sunday ra bỏ vào thùng rác cuối lớp. Về chỗ, tôi mở cặp, lấy sách tham khảo ra rồi ngồi xuống ghế. Hàng chục đôi mắt dán chặt vào sau gáy tôi.

Sau lưng, có đứa nào đó bắt đầu đọc bài báo.

“Cứ cho tử hình tôi đi.”.

Chữ in trong sách như vỡ ra nhòe nhoẹt.

“Tên sát nhân Choi Hyun rốt cuộc đã từ chối đến luật sư. Ngay khi nhận phán quyết tuyên án tử hình, y vẫn tỏ ra bình thản.”.

Tôi ngoái nhìn lại đằng sau. Là Joon Suk. Cái thằng suốt ngày sai tôi đi mua bánh về cho nó. Cái thằng hay gọi tôi là “bánh đa bánh đúc”. Ánh mắt hai bên vừa chạm nhau, nó liền cầm tờ báo đứng dậy tại chỗ.

“Vào tháng 11 năm 2004 vừa qua, khi thực hiện kiểm chứng tại hiện trường, cảnh siết cổ bé gái hay cảnh giết vợ tôi rồi quăng xác xuống sông, Choi Hyun Soo cũng đều thản nhiên tái hiện lại, gây nên làn sóng công phẫn trong dư luận...”.

Tôi gập sách lại. Rồi cầm chặt cặp sách trong tay, tôi bước ra phía cửa lớp.

Trong ngực tôi như có đàn bướm đang bay lượn. Những con bướm đêm mang tên adrenaline đang phun trào, những đôi cánh đen vỗ phần phật. Bước chân tôi như trôi dập dềnh trong không khí. Khuôn mặt bọn bạn lướt qua rồi trôi về phía sau. Joon Suk vẫn tiếp tục đọc. Xem ra nó đã thủ thế sẵn sàng đọc đến khi tôi biến khỏi lớp mới thôi. Dĩ nhiên là tôi cũng định sẽ biến khỏi lớp. Nhưng là sau khi đã cho thằng này ngậm mồm lại.

“Trong lúc đó, con trai của Choi Hyun Soo, 12 tuổi, đang trốn trong chuồng gia súc bỏ hoang ở nông trại Se Ryung.”.

Đã đến lúc tôi với Joon Suk phải thành người ngang hàng với nhau. Tôi vừa dừng bước, thằng đó liền ném cho tôi một cái liếc ngang. Một cái nhìn trộn lẫn vẻ nhạo báng, khinh miệt và căm ghét. Tôi tránh ánh mắt đó, nhìn xuống đầu ngón chân. Lý lịch đánh đấm của thằng này cũng khá lừng lẫy. Nó vừa cao vừa to hơn tôi. Cứ thế xông bừa vào nện nó, thì chẳng khác nào chuốc họa vào thân.

Tôi thì chẳng hề có một mống quân chi viện nào. Vũ khí duy nhất dùng được là phản xạ bất ngờ. Ánh mắt đầy vẻ chờ đợi của bọn trong lớp, và sự tự tin của thằng kia trước cái thứ “bánh đa bánh đúc” là tôị.. những điều đó đã cho tôi cơ hội. Tôi bước thêm một bước, đi qua nó. Nó lại đưa mắt nhìn bài báo.

“Cậu Choi đang cố sức đi tránh nạn...”.

Tôi xoay người lại, quăng nguyên cái cặp trên tay vào mặt nó. Cái cặp nặng trịch chất đầy sách vở quất thẳng vào chính giữa mặt. Nó rú lên, ngã đập gáy vào bàn phía sau, rồi cả người cả ghế lăn quay ra sàn. Cơ hội có một không hai này, tôi không thể bỏ lỡ được. Ngay lập tức, tôi phi thân tới, rồi cứ nhằm ngực nó mà giáng gót chân xuống. Tôi chỉ ghi điểm được đến đó. Rồi có ai đó ở phía sau nện một cái ghế vào đầu tôi. Hình ảnh Joon Suk co quắp lăn lộn đột nhiên trở nên xa xôi, mờ mịt. Giây lát sau mắt tôi tối sầm lại. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang bị bọn bạn đè nằm bẹp dí trên sàn.

Joon Suk được chở đến bệnh viện. Tôi thì bị lôi lên đồn cảnh sát. Chuyện này thực ra cũng có thể coi đơn thuần là chuyện trẻ con đánh nhau rồi xử lý bằng cảnh cáo là xong, nhưng tình hình lúc đó làm phát sinh đủ thứ chuyện. Cái tên Choi Hyun Soo đang dần trôi vào quên lãng, giờ lại nổi lên vì cái tin tuyên bố tử hình, tôi thì là con trai của người đó, và con trai của người đó đã đánh con trai một người dân lương thiện đến mức gẫy cả xương mũi lẫn xương sườn. Đôi vợ chồng người dân lương thiện đó từ chối hòa giải. Cảnh sát cũng chẳng ngăn cánh nhà báo kéo đến đồn. Chú cũng không ngăn được việc tôi bị chuyển tới trại giáo dưỡng.

Bốn tuần sau, ở tòa, tôi bị xử hai năm quản chế. Xét đến dư luận lúc đó, xử như thế là còn nhẹ. Nhờ chú van xin, cố gắng tìm cách hòa giải với bên nạn nhân nên mới ngăn việc tôi bị đưa đi phục hồi nhân phẩm. Vì chuyện đó mà căn hộ một phòng thuê theo năm của chú cũng đi đời. Chúng tôi chuyển đến nhà mới, là một căn buồng đơn nửa hầm nửa trệt. Ngày tôi ra trại, chú đưa tôi miếng đậu phụ rồi bảo.

“Không sao. Giờ mọi việc kết thúc rồi.”.

Chưa kết thúc đâu. Mới chỉ là bắt đầu thôi. Tôi vừa ra khỏi trại thì tờ Sunday Magazine được gửi tới chủ nhà. Lần này có thêm cả những bài báo từ bốn tuần trước, mà trong đó tôi đóng vai nhân vật chính. Chủ nhà yêu cầu trả nhà.

Trường học không nhận tôi. Giữa việc tôi bị chuyển trường và tự nghỉ, chú phải chọn một.

Tôi không tốt nghiệp được cấp Hai. Sau mười hai lần chuyển trường, tôi nghỉ học rồi tự thi đầu vào cấp Ba. Lên cấp Ba, bốn học kỳ, tôi chuyển trường chín lần. Lần nào thân phận tôi cũng bị người ta biết đến theo cùng một cách.

Những tờ Sunday cùng các bài báo liên quan đến tôi đồng loạt được phân phát đến nhà trường, bố mẹ học sinh và bọn bạn trong lớp, cũng như chủ nhà và hàng xóm khu tôi sống.

Chúng tôi thành dân vô gia cư, nơi cư trú là cả cái thành phố cảng này. Chú dạy tôi lặn một cách bài bản. Biển đã mang lại cho tôi sự tự do. Chỉ cần nằm cuộn tròn yên lặng trong bóng tối dưới đáy biển, thế giới xung quanh như hoàn toàn biến mất. Nơi đó không tay ai chạm tới được, không ánh mắt ai nhìn thấy được cũng không phải nghe thấy tiếng của ai, là bức tường tuyệt đối ngăn cách tôi với thế gian.

Trường cuối cùng tôi học là một trường cấp Ba ở Sokcho. Lúc đi học, tôi thấy trên bàn mình có tờ Sunday. Bọn bạn không nói gì, nhìn tôi chằm chằm.

Trên đời này, có những việc tuyệt nhiên không thể nào quen được. Như việc bị cô lập hay cố gắng bỏ qua chuyện thị phi, như việc bị vây đánh bầm dập cũng không chống cự. Ngay cả việc cứ bước đi trong im lặng cũng được xếp vào phạm trù này. Lúc đi ra khỏi lớp, trên người tôi như phủ một ngọn lửa xanh lét.

Ngọn lửa lạnh lẽo nhưng âm ỉ cháy. Từ lúc tôi băng ngang sân thể dục rồi đi qua cổng trường, đến tận lúc tôi đến được cửa hàng tiện lợi nơi tôi làm thêm, ngọn lửa đó vẫn không ngừng thiêu đốt.

Ở cửa hàng có một mình ông chủ. Khách mua thưa thớt, trên quầy có để chồng báo Sunday. Tôi bảo ông chủ trả cho tôi tiền làm công một tháng qua.

Ông chủ vừa lấy máy tính tiền quét mã cơm hộp khách đem tới, vừa bảo tôi đợi một chút. Tôi đợi. Ba mươi phút, một tiếng... hôm đó, khách hàng túm tụm kéo đến một cách lạ thường. Ông chủ kêu tôi đứng đó làm vướng lối khách đi lại.

Tôi bèn chuyển từ trước quầy tính tiền ra đứng cạnh cửa sau, rồi từ cạnh cửa sau ra đứng trước kho hàng, rồi lại đổi chỗ ra đứng gần cửa, và cứ thế đợi. Tôi không cảm thấy bị sỉ nhục, mặt tôi cũng chẳng đỏ lên.

Từ khi tôi còn là đứa trẻ 12 tuổi đứng hứng ánh đèn camera, cho đến bây giờ, chưa bao giờ tôi mất bình tĩnh cả. Từ sau khi đi trại giáo dưỡng về, tôi còn không phẫn nộ nữa. Kể cả có ai tỏ ra tình cảm với mình, tôi cũng không trông đợi gì chuyện giữ mối quan hệ với họ. Cứ như thế, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi cũng không hoang mang. Tôi biết. Nếu có chuyện gì bất ngờ thì hoảng lên là lẽ thường tình. Nếu bị sỉ nhục thì cảm thấy phẫn nộ, đó mới là phản ứng lành mạnh. Nhận được tình cảm của người khác thì đáp lại, đó là lẽ làm người.

Những đứa trẻ độ tuổi tôi đa phần đều sống như vậy. Chú cũng nói tôi phải sống như vậy. Tôi bèn bảo chú bỏ cái từ “như vậy” ra khỏi câu đó đi.

“Tôi cũng phải sống.” Muốn vậy, thì không được hoảng hốt, phẫn nộ hay xấu hổ, không được để người khác ở bên cạnh mình. Dù có phải đứng ô cửa như ăn mày, đợi ròng rã mấy tiếng đồng hồ, tôi cũng phải nhận được thù lao cho công việc mình làm. Đó là sức mạnh để tôi có thể sống trên cuộc đời này. À không. Là bí quyết để tôi không tự sát.

Hai tiếng sau, tôi nhận được tiền công. Vừa nhận tiền thì đột nhiên tôi rơi vào trạng thái đói khủng khiếp. Tôi đi một vòng, nhặt sạch hàng bày trên kệ.

Tiền công nhận được bao nhiêu, tôi mua đồ ăn bằng hết. Hamburger, cơm cuộn rong biển, bánh mỳ xúc xích, sandwich, cơm hộp... Chất hết lên quầy tính tiền mới thấy chỗ này đủ cho cả đám người lang thang ở ga Seoul. Tôi quẳng tiền trả cho ông chủ.

Lâu lắm rồi bến cảng mới yên tĩnh thế này. Tôi kiếm chỗ ngồi trong một góc bến cảng, rồi một mình ăn hết chỗ đồ ăn mới mua. Miếng nào rớt ra khỏi miệng, tôi lấy tay nhón lên, bỏ miệng mà nuốt. Tôi đưa mắt đếm. Số chim mòng biển đang cắm đầu lao xuống nước trong ánh chiều, số tàu cá rời bến, số mèo hoang cũng rỗi việc y như tôi. Cuối cùng, đêm buông xuống. Đến lúc phải về rồi. Về cái tổ ấm của chú và tôi, về căn phòng thuê theo tháng tại nhà trọ Hoa Hồng ở cuối con hẻm gần bến cảng này.

Ngày hôm đó, lần đầu tiên tôi nói suy nghĩ của mình với chú. Tôi bảo muốn nghỉ học. Theo tôi thấy, nếu tôi bỏ học và chuyển chỗ ở, trên thế gian này sẽ chẳng còn dấu vết gì của tôi nữa. Chú lắc đầu.

“Cháu đầu hàng rồi.” Tôi nói.

Chú đáp lại rằng đừng giơ tay đầu hàng. Dù là đầu hàng thế gian này, cuộc đời này, trường học hay bất cứ thứ gì đi chăng nữa.

“Lên Đại học rồi, mọi việc sẽ khá hơn.”.

Suýt tí nữa thì tôi phá lên cười. Đại học ấy à? Nói gì mà như trong mơ thế?

Những thứ như thế có ý nghĩa gì chứ? Từ cái đêm bước ra khỏi nông trại Se Ryung, cuộc đời tôi đã kết thúc rồi. Trên trán tôi đã in rõ dấu ấn của kẻ tội đồ, còn chú thì vì tôi mà thành kẻ lang thang. Tờ Sunday sẽ không buông tha cho tôi.

Dù có làm thế nào đi nữa, tình hình cũng chẳng thay đổi. Cuộc đời tôi cũng sẽ chẳng khác đi. Như thế chưa đủ lý do để đầu hàng sao? Tôi chỉ có một nguyện vọng duy nhất.

“Cháu mong được chuyển đến sống ở một vùng biển nào thật hẻo lánh.”.

Chú lại lắc đầu. Ánh mắt chú như nói dù hàng trăm hàng vạn năm trôi qua đi nữa, chú cũng không tôn trọng cái gọi là “nguyện vọng của cháu” đâu. Tôi bướng bỉnh nhìn thẳng vào đôi mắt đó.

“Vậy tạm dừng học một năm. Chuyện học hành sau đó giải quyết cũng chưa muộn.”.

Chú đã nhượng bộ một bước rồi. Tôi không còn cách nào khác, cũng đành phải nhượng bộ. Tôi đáp “Vâng.”.

Chúng tôi di chuyển dọc theo bờ biển. Từ phía Đông, đi qua phía Nam, rồi từ phía Nam, đi hướng về phía Tây. Chú lái xe, còn tôi xem bản đồ. Nếu có nhà nghỉ thì chúng tôi dỡ hành lý xuống, không có thì ngủ trên xe. Thích thì ăn, lúc chán thì chạy xuống ngắm biển. Nếu có người xuất hiện, chúng tôi lập tức rời đi.

Chúng tôi đến làng Hải Đăng vào đầu tháng Một năm nay. Chúng tôi đã sống qua bốn mùa ở đây. Trong thời gian đó, tờ Sunday không thấy bay đến.

Tại sao đến tận bây giờ chúng tôi mới có thể sống như thế này, tôi cứ hối tiếc mãi như vậy. Đáng lẽ phải bỏ học sớm hơn mới phải. Như thế có khi đã không phải lái cái xe Bongo mận chín kia lang thang khắp thế gian cát bụi hồng trần này.

Bây giờ thì có lẽ tôi cũng có thể mơ ước được rồi. Những mong ước bình thường xưa như Trái đất mà những con người bình thường theo đuổi, mong muốn được sống ở đây, chú viết văn, còn tôi làm việc ở hiệu thuốc, đã được như vậy rồi thì cứ thế sống thật lâu thật lâu, cho đến khi chết. Chính vì thế mới phải ngăn không để xảy ra chuyện ánh mắt người đời chạm đến vùng đất này. Thế nên mới phải bận tâm đến cái đám Chevrolet kia.

Chú cứ trằn trọc trở mình. Trong bóng đêm, vọng tới tiếng sóng biển. Chiếc đồng hồ treo tường của Hội trưởng điểm mười tiếng chuông. Không thấy đội Chevrolet quay về. Tôi nhắm mắt lại. Ngay giữa trán tôi nổi lên một mạch máu.

Cái đồng hồ trong đầu tôi vang lên tiếng tích tắc to dần, và kim bắt đầu quay.

Người không hiểu về biển thì hay xem thường biển. Người xem thường biển, thì sẽ phải đau đớn vì biển.

Chú thích:

. Scuba (self-contained underwater breathing apparatus):

thiết bị thở dưới nước.

. Kiểu lặn thả mình theo dòng chảy ngầm ở khu có nhiều vách đá dưới biển.

. Tức ca khúc “Jingle bells”, do nghệ sĩ hài Young Gu của Hàn Quốc phổ lời lại một cách hài hước.

Điện thoại cạnh cửa phòng bắt đầu đổ chuông.

Chúng tôi cùng tỉnh giấc, chú nhấc ống nghe.

“Nhà văn ơi, có chuyện rồi. To chuyện rồi.”.

Tiếng Hội trưởng hổn hển tuôn ra một tràng. Chú chỉ nói đúng ba câu. “Đã gọi cho 119 với cảnh sát rồi ạ?”, “Bây giờ ở đâu ạ? “Tôi đi ngay đây.” Tới mức độ đó thì quá đủ để đoán được tình hình rồi. Tôi nhỏm dậy, bật đèn.

“Có tai nạn.” Chú bảo.

Chú mở cái tủ vải, lôi ra ít đồ mặc bên trong với bộ đồ lặn mùa đông.

“Tìm được ba người, còn người quay phim nghe nói chưa tìm thấy.”.

“Nhưng sao chú phải đi chứ?” Tôi muốn hỏi chú như thế. Tôi muốn giấu hết chỗ thiết bị lặn đi cho rồi. Tôi mong chú đừng làm gì cả. “Làm gì đó” cũng giống như là sẽ “đánh mất gì đó”. Cái gì đó ở đây là thứ khó khăn lắm mới giành được, thứ nơm nớp giữ gìn, là giấc mơ mà tôi mới vừa nhen nhóm.

“119 khu này không có người bên đội lặn, đợi cảnh sát biển bên Mokpo qua mới cứu hộ thì lúc đó quá muộn rồi.”.

Một lời giải thích như nhìn thấu tâm trí tôi. Tôi cũng mặc bộ đồ bó bên trong, rồi khoác bộ đồ lặn ra ngoài. Chú kéo khóa bộ đồ lặn rồi dừng lại nhìn tôi, vẻ mặt như hỏi “Cháu ra đó làm gì?”.

Tôi mới bắt đầu học lặn sâu được một năm. Chú là một người thầy nghiêm khắc, và rất xem trọng việc nắm vững căn bản. Trong phạm vi liên quan đến việc lặn, chú chưa từng khen tôi một lần. Với tư cách bạn lặn, chắc đánh giá cũng thấp. Hơn nữa, tôi chưa có kinh nghiệm về tình huống này bao giờ. Nhưng dù vậy đi nữa, so với việc để chú đi một mình thì có tôi không phải sẽ tốt hơn sao. Vì tôi cũng biết chút ít về chỗ vách đá ngoài đảo đó.

“Đúng thế không chú?” Tôi nhìn chú với ánh mắt đang nói lên điều đó. Mắt chú thoáng chút trăn trở, rồi lên tiếng đáp lại, bảo tôi chuẩn bị bộ dây buđy line1. Tôi chuẩn bị cả bình dưỡng khí cầm tay với mặt nạ ôxy, rồi trèo lên chiếc Bongo. Tôi có cảm giác sẽ cần đến mấy thứ này.

Trong vòng một phút chúng tôi đã đến ngọn hải đăng. Vừa xuống xe, đã thấy từ chân vách đá, có bóng người lao tới như một con tê giác. Người đó làm một cú phi thân như đạp chốt trên sân bóng chày, bay ra chỗ chiếc Chevrolet. Là gã Rayban. Dưới chân vách đá, Hội trưởng đang gào lên.

“Cậu sinh viên, một mình cậu chuồn mất như thế thì mấy đứa này tính sao hả?”.

Tôi với chú chạy xuống con đường dẫn tới vách đá. Hội trưởng đang đứng ở mép nước, buộc dây neo chiếc thuyền máy. Trong thuyền, có hai người nằm sõng sượt. Một người còn đang trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Người kia thì vừa đạp chân tứ tung vừa la hét ầm ĩ. Nhìn qua có vẻ là triệu chứng của bệnh giảm áp2, chắc đang rơi vào cơn hoảng loạn. Nói gì cũng chẳng hiểu. Cũng không đứng nổi dậy mà đi nữa.

Chú dìu người đang nửa tỉnh nửa mê kia lên phía con đường dẫn tới vách đá.

Hội trưởng thì tay xách nách mang đống thiết bị lặn của họ, đi theo chú. Còn tôi thì cõng cái tay bị giảm áp kia. Còn chưa bước được bước nào, đã biết ngay ai làm tướng ở đây.

Hắn cứ rống lên như bò, vẫy vùng bất kể trời đất rồi bóp cổ cái phương tiện giao thông mà hắn đang cưỡi lên. Mấy lần tôi mất thăng bằng, suýt ngã xuống dưới vách đá. Chỉ cần ai đó cho phép thôi, là tôi đã quăng tõm cái tay đó xuống biển cho rồi. Hay là cứ quyết một bề rồi đá cho hắn một phát vào hạ bộ luôn cho rồi. Dù đang rên rỉ vì phải vác đống thiết bị nặng trịch, Hội trưởng cũng tóm tắt ngắn gọn chi tiết vụ tai nạn cho tôi nghe.

Nhóm Chevrolet xuống nước được khoảng 50 phút, Rayban đột nhiên nổi lên gần thuyền. Lúc đó đã quá giờ hẹn nổi lên 20 phút, Rayban bắt đầu mất bình tĩnh. Hội trưởng vừa hỏi những người khác tình hình sao rồi, Rayban đã quát ầm lên. Hắn bảo quay lại chỗ ngọn hải đăng ngay. Nghe nói vậy, Hội trưởng có thể đoán ra nhóm Chevrolet này xuống nước xong là tứ tán mỗi người một nơi.

Và cũng hiểu hắn là giờ ông tự đi mà tìm từng đứa về. Người thứ hai, tìm được ở mũi phía Bắc của đảo. Người thứ ba tìm được ở khu đá ngầm phía Nam, vừa leo được lên đến thuyền là không còn biết gì nữa. Tay camera thì rút cuộc vẫn chưa tìm được. Hội trưởng đành quay thuyền về phía ngọn hải đăng. Không phải vì gã Rayban cứ sấn sổ đòi tự quay thuyền, mà vì Hội trưởng thấy tình hình nạn nhân đang ngất xỉu kia, giờ phải ưu tiên đưa vào đất liền ngay. Gọi cho chú xong, Hội trưởng mới gọi cho 119 và cảnh sát. Hội trưởng bảo, trong lúc cuống cuồng như thế, Hội trưởng chỉ nghĩ ra mỗi chú.

Lúc chúng tôi đến trước ngọn hải đăng, 119 và cảnh sát vẫn chưa tới.

Rayban leo lên chiếc Chevrolet ngồi một mình. Hắn bật máy sưởi, trùm chăn kín đầu, thất thần nhìn chúng tôi đang mở cửa xe. Mắt hắn đầy vẻ khiếp hãi. Vẻ mặt hung tợn như thể chỉ cần động vào một cái là hắn sẽ cắn ngay. Hắn không lái xe trốn mất, có lẽ cũng là may rồi.

Tôi cho người bị giảm áp ngồi vào ghế. Chú cho người bất tỉnh kia nằm ra ghế sau, đeo mặt nạ dưỡng khí cho người đó rồi đến ngồi cạnh Rayban.

“Chuyện là thế nào?”.

“Tôi chẳng có lỗi gì cả.”.

Giọng hắn đáp lại cũng dữ tợn y như vẻ mặt. Chú túm vai Rayban lắc mạnh.

“Tôi hỏi cậu có chuyện gì, xảy ra ở đâu?”.

“Đừng có động vào tôi. Tôi đang đau đầu, buồn nôn, cảm giác như chết ngay được đây này.”.

Rayban xô vào ngực đẩy chú ra. Chú túm chặt lấy cổ rồi nhìn thẳng vào mặt hắn.

“Cậu có trả lời cho đàng hoàng không hả?”.

“Buông ra, mẹ kiếp!”.

Rayban vùng vẫy cố gỡ tay chú ra, thở hổn hển, vẽ mặt bắt đầu đỡ hung dữ hơn.

“Ở giữa khu tường đá ấy. Có cột nước lớn khủng khiếp ụp xuống đầu. Bọn tôi dựa vào sức nổi không để bị chìm sâu quá, rồi cố bám vào vách đá, nhưng đột nhiên bị bắn tung lên trên. Đủ chưa hả?”.

Nghe thế là thừa hiểu rồi. Phía Tây đảo đá, ở độ sâu chín mét, có hệ thống gờ đá nhô ra dọc theo vách đá dưới biển. Phía dưới đó là vùng đáy biển đầy khe vực phức tạp như mê cung, men theo khe vực dưới biển này, xuôi về phía Nam là đến một vùng bốn mặt dựng đứng, trơn nhẵn y như vách tường nhà cao tầng.

Đó là vùng tường đá mà Rayban nói. Đấy là vùng sâu nhất quanh đây, là nơi có hiện tượng dòng chảy ngầm. Dòng chảy này khi xuất hiện sẽ làm hình thành trên mặt nước những vệt dài, nên bằng mắt thường cũng có thể thấy được. Mặc dù có sức mạnh áp đảo, phạm vi ảnh hưởng của dòng chảy này có bề ngang chỉ khoảng tám chục phân, nếu cứ bám chặt lấy vách đá rồi di chuyển theo chiều ngang thì có thể thoát ra được. Lời cảnh cáo của chú lúc trước chính là ở chỗ này. Ban đêm, không thể nhanh chóng phân biệt được sóng biển với những vệt dài kia trên mặt nước. Nếu không biết rõ địa hình đáy biển thì khó mà thoát được. Không thoát được, có nghĩa là đã bị đẩy vào cái thang máy tạo thành từ cột nước kia, và thang máy đó sẽ đổ thẳng xuống vực sâu. Trong trường hợp điểm kết thúc của dòng chảy vượt quá 40 mét, người ở trong cái thang máy đó có thể sẽ đâm đầu thẳng xuống lớp đá tảng dưới đáy biển.

Mấy người đó chắc đã dựa vào sức nổi dương để chống lại sức mạnh đang ẩn xuống họ dưới đáy biển. Vì toàn thân đã bị đẩy bắn đi như vậy thì khó lòng mà điều chỉnh được sức nổi cho ra hồn. Lúc đưa không khí vào trong bộ BC3 để hạn chế sự chìm xuống, phải giữ tư thế phòng bị khẩn cấp, nắm chặt lấy van bộ lọc khí. Như vậy để ngay khi thoát ra khỏi dòng chảy thẳng đứng đó, có thể lập tức xả bớt khí ra. Trong trường hợp không làm được như vậy, cả người sẽ bị đẩy bắn lên mặt nước y như tên lửa. Chi tiết cưỡi tên lửa này là bằng chứng cho thấy Rayban là loại trưởng nhóm kiểu gì. Ngay cả một cái còi báo hiệu nguy cơ khi ở dưới nước cho các thành viên trong nhóm, hắn cũng còn chẳng mang theo bên mình.

“Từ giờ đến lúc xe cấp cứu đến, ngồi yên ở đây đợi đi. Đừng giở trò gì đấy.”.

Chú buông cổ Rayban ra. Rayban khịt mũi, nhìn chú chằm chằm. Hội trưởng ngồi lại bên chiếc Chevrolet. Nếu cảnh sát hay 119 đến thì cũng phải có người giải thích được tình hình. Rayban đang chẳng còn thần trí gì thế kia, cũng không thể giao hai người bị thương cho hắn được.

Chú cầm lái con thuyền. Tôi thấy hoài nghi công việc cứu trợ này. Khả năng sống sót của người quay phim là cực kỳ thấp. Mặc dù, nếu như dòng chảy ngầm đó không ghim chặt người đó xuống đáy biển, hay nếu như người đó không bị say ni-tơ rồi đâm ra phởn chí quá mà tháo luôn máy thở tặng con cá thái dương nào bơi ngang qua, hoặc nếu như người đó có đủ can đảm và bình tĩnh... thì tình hình có thể khác đi chút ít. Đó là vận may duy nhất có thể hy vọng trong tử nạn này.

Con thuyền đã đến chỗ mũi phía Tây. Biển thanh bình như thể đang hỏi làm gì có tai nạn nào bao giờ đâu. Gió nhẹ, mặt nước không gợn sóng. Giai đoạn biển lặng, dòng chảy tạm ngủ yên thế này, chúng tôi phải tranh thủ tối đa. Vì nếu nước bắt đầu rút thì mọi việc sẽ khó khăn hơn.

Chú neo thuyền lại, rồi thả cái phao tiêu màu huỳnh quang ở đuôi thuyền.

Đây là vật đánh dấu để chúng tôi thấy khi quay lên. Tôi ép chiếc BC thật phẳng, rồi giảm sức nổi. Chuẩn bị bình khí phụ và kiểm tra tình trạng máy thở xong, tôi buộc chặt dây chân vịt rồi nối dây buđy line với chú. Chúng tôi vào thế đứng, rồi nhảy xuống nước.

Biển lạnh đến rùng mình. Cảm giác dưới nách như kết một lớp băng. Nhảy xuống nước rồi, tôi vừa làm kỹ thuật popping4 vừa đáp xuống chỗ gờ đá. Trên gờ đá, lũ nhím biển ùa ra nhung nhúc. Rồi cả bọn lại kéo nhau núp vào vùng tối phía dưới gờ đá. Tầm nhìn chưa được tới 10 mét. Chú chỉ tay xuống hướng đó.

Là tín hiệu lặn xuống. Tôi ra hiệu OK.

Chúng tôi điều chỉnh sức nổi để kiềm chế tốc độ chìm, rồi trượt xuống phía dưới vách đá ngầm. Độ sâu 15 mét, 20, 25... rồi 32 mét, chú ra hiệu dừng lại.

Tôi chuyển từ thế lặn thẳng đứng sang nằm ngang. Vượt qua chỗ tường đá mọc um tùm san hô đen, chúng tôi đang bơi về phía Nam thì thấy một nơi phát ra ánh sáng. Khoảng ba phút đã trôi qua chăng? Chú chỉ xuống dưới chân. Tôi thấy một mái vòm do nhiều tảng đá lớn chồng chất, dựa vào nhau tạo thành.

Ánh sáng vừa rồi là từ trong đó hắt ra.

Vừa đi qua mái vòm đó là thấy hiện ra một không gian nhỏ gọn y như cái hang. Một ngọn đèn lặn đang chiếu sáng chính giữa hang. Một người nằm ngay ngắn ở đó, ngọn đèn lặn đeo trên trán, trông đúng là một cái xác. Vì người sống thì chẳng có lý gì đi lấy đáy biển làm giường mà ngủ cả. Chú co hai ngón trỏ và giữa, chạm vào lòng bàn tay kia. Nghĩa là bảo tôi quỳ xuống bên cạnh người kia. Tôi nghe theo chỉ thị. Người kia đang trong trạng thái vẫn mang trang thiết bị lặn như bình thường. Dây camera vẫn còn mắc ở cổ tay, mắt trợn ngược nhìn lên trên. Chú đưa hai ngón tay bắt chéo ngay trên kính lặn, ra hiệu bảo tôi đừng có nhìn vào mắt người đó, nhưng chậm mất một nhịp. Tôi đã kịp nhìn thấy. Cơn khó thở xuất hiện. Ngực tôi nghẹn lại giống như ngày xưa, khi tôi bị giam trong ánh mắt của một đứa bé gái.

Khi đó, không phải ở biển, mà ở hồ. Người kéo đứa bé gái lên là đội cứu hộ . Đứa bé gái đó tóc dài. Đôi môi dập nát há ra như đang cười, đôi mắt mở to như thể đang nhìn tôi. Cảm giác buồn nôn lúc đó, giờ đang sống lại nguyên vẹn.

Tựa như lúc đi vào tầng nước biến nhiệt, cảnh tượng trong mắt tôi chao đảo lờ mờ. Trên đầu tôi như có đàn cá ăn đêm phát sáng đỏ lừ đang chầm chậm chuyển động. Những ngôi sao như đang hành quân. Giống như trên bầu trời đêm cái hôm tôi ở cùng cô bé đó. Ở đâu đó trên bầu trời, vang lên một giọng nói trong trẻo.

“Hoa bất tử nở rồi!”.

Tiếng còi lặn phá tan ảo giác. Chú đang nhìn tôi. Tôi bắt đầu điều chỉnh lại nhịp thở. Một lát sau, tôi và chú mỗi người một bên, xốc nách người kia, dựa theo tốc độ nổi lên cho phép của đồng hồ chuyên dụng, bơi lên mặt nước. Đến độ sâu 6 mét, tôi nhận được tín hiệu dừng lại của chú. Tổng thời gian ở dưới nước đã được 19 phút. Hai chúng tôi và người kia đứng thành một hàng, bắt đầu bước vào khoảng thời gian tạm ngừng nổi để giảm áp an toàn. Bảy phút sau, chúng tôi phi lên phía mặt nước. Tôi xem lại sức nổi ở túi BC, thay máy thở bằng ống thở. Trong giây lát, đã thấy ánh đèn hải đăng quét qua mặt nước. Từ xa, xe cấp cứu đang hú còi.

Chú thích:

. Dây để nối cơ thể từng cặp bạn lặn dưới biển với nhau.

. Xảy ra khi người lặn nổi lên mặt nước quá nhanh, làm giảm áp suất đối với cơ thể một cách đột ngột. Triệu chứng có thể bao gồm đau khớp, ngứa ran tứ chi, đau đầu, đột quỵ vỡ mạch máu phổị..

. Thiết bị điểu chính sức nổi.

. Giống như nuốt nước bọt, dẫn không khí vào phía trong màng nhĩ, cân bằng áp suất phía trong và phía ngoài tai.

Số người thiệt mạng tăng lên thành hai người. Người bất tỉnh lúc trước cuối cùng cũng đã tắt thở. Rayban với người bị giảm áp kia được đưa đến trung tâm y tế Mokpo, nơi có phòng điều trị ôxy cao áp. Hai người đã kéo thi thể tay camera kia lên bờ là tôi và chú, cùng chủ thuyền là Hội trưởng, cả ba phải lên xe cảnh sát. Họ bảo cần lấy lời khai của nhân chứng.

Nhóm Chevrolet toàn là con cháu nhà có máu mặt. Rayban có bố là cán bộ cấp cao của Chính phủ, tay giảm áp có mẹ là giám đốc doanh nghiệp. Người chết trong xe có bố làm tới chức tướng trong lục quân, còn bố của tay camera làm cán bộ bên viện kiểm sát. Viên tướng và kiểm sát viên tuốt kiếm cầm trên tay, xuất hiện trước mặt chúng tôi. Chắc xác con họ đã biến họ thành vừa điếc vừa mù. Nếu không thì có thể họ cần một sinh vật sống nào đó có hai tay. Vì đâu thể nào làm cái trò còng tay biển cả lại được.

Chú, tôi và Hội trưởng tiếp nhận điều tra theo kiểu thẩm vấn. Cảnh sát yêu cầu chúng tôi tường thuật rõ ràng tình huống xảy ra tai nạn và quá trình cứu hộ.

Họ dồn ép hỏi trong quá trình cứu hộ, có phải đã có sai sót gì không. Từ vụ cãi nhau ở nhà trọ, cho đến lúc vớt cái xác, cùng một nội dung tường trình, họ bắt chúng tôi nhắc lại mấy lần. Họ cũng hỏi riêng từng người về chuyện đó. Các thi thể được đặc biệt đưa lên bàn giải phẫu tử thi.

Đến sáng, chúng tôi mỗi người đã được gán cho một tội danh. Chú bị nghi sử dụng bạo lực. Tôi đoán là việc chú đã túm lấy cổ Rayban. Có vẻ như những dấu vết bầm tím trên người Rayban được giải thích theo hướng bị hành hung. Đó là do đồ lặn khi mặc chèn ép lên da, gây ra sưng huyết, chú có giải thích như vậy nhưng chẳng ai buồn nghe.

Hội trưởng thì thành ra lão già vô liêm sỉ, dù biết nguy hiểm, nhưng mờ mắt vì tiền nên vẫn cho thuyền ra biển, giết chết hai thanh niên tiền đồ tươi sáng. Sự thật rằng chúng tôi đã ngăn cản nhóm Rayban, và vì ngăn cản nên bị họ nhục mạ.... những việc này đều bị phớt lờ. Tội danh đó là gì nhỉ. Hình như là ngộ sát do cố ý sai phạm.

Sau khi làm rõ tôi là ai, thì chẳng mất một chút thời gian nào. Đã từng ở trại giáo dưỡng, đi học thì chuyển trường hai mươi mốt lần, hiện tại đang tạm nghỉ học, bảy năm qua lang thang khắp nơi, một năm nay thì ở nhà trọ.... những tình tiết đó như thể phun ra hương hoóc môn pheromone vậy. Cảnh sát hình sự bám chặt sau tôi y như đàn chó động dục.

Khoảng giữa trưa, có kết quả khám nghiệm tử thi. Tay camera, nguyên nhân tử vong là bị liệt tim. Đây là quà tặng của cái thang máy tạo thành từng dòng chảy ngầm. Nạn nhân vì sợ quá mà chết. Người kia thì chết vì phổi bị tổn thương do sức ép. Đấy là cái giá cho việc cưỡi tên lửa. Cả hai, nồng độ cồn trong máu đều vượt quá 0,15. Chú cởi bỏ được cái mác “nghi sử dụng bạo lực”.

Bác sĩ pháp y chuyên về y học lặn đưa ra cùng một ý kiến với chú. Người bị giảm áp tình trạng đã khá hơn, y kể hết lại toàn bộ sự việc.

Mấy người đó đến nhà trọ Hải Đăng vào khoảng 4 giờ chiều hôm trước. Lúc đó, mặt trời sắp lặn nên Hội trưởng quyết định đến sáng hôm sau mới cho thuyền ra biển, Hội trưởng nhận tiền trọ và tiền thuê thuyền ứng trước. Sau khi rượu vào, mấy người đó lại đổi ý. Là do Rayban làm trưởng nhóm kích động mọi người. Hắn bảo biển giữa trưa giống như xe đạp, còn biển đêm là Harley Davidson. Rượu có rồi, Harley Davidson lại đầy sức cám dỗ, sẵn cơn ngông cuồng dựa hơi men, có trò gì là không làm được.

Tay giảm áp cũng thừa nhận đã bắt Hội trưởng lên xe, chạy ra biển rồi lôi Hội trưởng ra chỗ để thuyền. Có vẻ như con người bên trong của y cất lên tiếng nói lương tâm hay sao, mà y có vẻ vô cùng muốn biết tình hình thế nào. Phải chăng là dò cảm giác bị Rayban phản bội? Có lẽ chỉ cần mắt mũi không vấn đề là có thể nhìn ra ngay. Vì trưởng nhóm kiểu gì mà lại bỏ rơi thành viên trong nhóm như thế.

Cởi bỏ được hiềm nghi rồi, chúng tôi cũng không được thả ra ngay. Người ta lại chuyển sang hướng điều tra mới. Như nghề nghiệp thật sự của chú là gì, lý do nhận nuôi con trai của Choi Hyun Soo rồi sống lang thang như thế, nguồn gốc số tiền chi phí cho việc đi lại, lý do lưu trú dài hạn ở nhà trọ. Như thể họ đã nhận được mệnh lệnh vậy. Kiểu mệnh lệnh như “bắt nó khai hết rồi treo cổ nó lên” nếu không thì chắc họ đang định tóm lấy một vụ để xoa dịu cuộc điều tra về lòng trung thành này.

Sáu giờ chiều ngày 25, chúng tôi ra khỏi phòng điều tra. Ở sảnh, có khoảng chục phóng viên đang chờ. Quy trình quen thuộc lại lặp lại. Tôi được hỏi nhiều câu đa dạng. Như cậu học lặn ở đâu, sao cậu lại nghỉ học... Câu hỏi lạ nhất là “Cậu nghĩ gì về chế độ tử hình?”. Tôi nhìn về phía người hỏi, chạm phải ánh mắt của một phóng viên trẻ.

Chế độ tử hình ấy à... Thà rằng cứ hỏi luôn là tôi đã tử hình ai chưa còn hơn.

Như vậy tôi còn có thể trả lời được. Người hành quyết đang sống trong tôi.

Người bị xử tử chủ yếu là bố tôi, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng buộc dây treo cổ người khác nữa. Cả người đàn ông mắt lác làm giáo viên chủ nhiệm của tôi cách đây đã lâu, cả hai con bé em họ chỉ cần nhìn thấy tôi là gào ầm lên, và có thể cả đám cảnh sát hình sự như chó động dục hôm nay, cả tay kiểm sát viên hay viên tướng lục quân nữa. Vậy nên anh phóng viên, anh hãy cẩn thận đấy.

Chú khẽ đập đập vào vai tôi.

“Đi thôi.”.

Trên xe trở về làng Hải Đăng, sự im lặng bao trùm. Chú thì lái xe, Hội trưởng thì ngủ. Còn tôi, lại một lần nữa, cho bố đứng lên giá treo cổ.

Tôi nhớ lần đầu tiên tôi hành quyết bố. Đó là vào mùa hè năm tôi chuẩn bị thi vào cấp Ba. Thời gian đó, chúng tôi đang ở Gunsan. Như thường lệ, tôi đến thư viện thì phát hiện ra trên giá sách có một cuốn tên là Chế độ tử hình - lý luận và thực tiễn. Hình như tôi đã quay lưng bỏ đi rồi lại quay lại mấy lần. Cuối cùng, tôi cũng rút cuốn sách từ trên giá xuống. Đứng trước cuốn sách, tôi lật trang đầu tiên. Ngồi co ro trên ghế, tôi gấp lại trang sách cuối cùng. Sau khi cất sách lên giá, tôi lập tức về nhà. Tôi phải học bài, hay bất cứ thứ gì như thế cũng được. Tôi muốn quên đi hình ảnh pháp trường vừa nhìn thấy. Giữa tiết Tam Phục1 trên 30 độ, tôi trùm chăn bông kín mít. Bóng tối đỏ sẫm bao phủ trên lưng tôi.

Tôi rơi xuống trước một ngôi nhà gỗ cũ kỹ. Cạnh cửa sổ có một cây hồng, ánh tịch dương ló lên phía trên mái nhà, cánh cổng gỗ tối màu chắn ngang trước mặt tôi. Tôi đưa tay thử đẩy cánh cổng. Cổng chầm chậm mở, tôi đi vào bên trong. Không có đèn, cũng không có cửa sổ, nhưng trong phòng lại sáng. Phía trước phòng, nền được đắp cao lên như bục giảng, trên có để chiếc bàn phủ khăn đen, phía sau, có buông một tấm rèm trắng như làm vách ngăn. Phía đó có bóng người. Tôi bước lên sàn, đi tới kéo rèm ra. Trên sàn nhà trải chiếu, có một người đàn ông trùm kín mặt đang ngồi. Buông xuống trên đầu người đó là một sợi dây thừng to như bắp tay trẻ em, quanh cổ người đó đầy mồ hôi. Đôi vai rắn chắc dường như hơi run lên. Trong khăn bịt mặt vọng ra tiếng thở dài như nức nở. Tôi chụp lấy cái thòng lọng, đeo vào cổ người đó. Tôi mở miệng, hạ lệnh.

“Tiến hành.”.

Vút một tiếng, sàn nhà biến mất, người đàn ông vụt biến khỏi mặt đất. Tôi tung chăn, ngồi bật dậy, ngoái đầu nhìn cửa sổ. Mặt trời chiều đỏ thẫm đang treo trên nền trời mờ tối. Đến lúc đó tôi mới hiểu ra. Người đàn ông biến mất hút xuống dưới sàn nhà đó, là bố tôi.

“Mọi việc kết thúc rồi.”.

Tôi nghe thấy tiếng chú. Chẳng hiểu chú nói gì, tôi chỉ im lặng chớp chớp mắt.

“Quên hết mọi chuyện đi.”.

Phải đến lúc đó, tôi mới tỉnh ra khỏi những ý nghĩ miên man về chuyện ngày xưa. Đúng vậy, chúng tôi đã ra khỏi đồn cảnh sát, và đang trên đường về nhà cơ mà. Tôi quay sang, gật đầu với chú. Chú đừng lo. Cháu sẽ quên hết. Việc đó chẳng phải ngay cả bọn bò sữa còn làm được hay sao? Chỉ có một vấn đề nhỏ ở đây, là tờ Sunday Magazine kia chắc hẳn phải thông minh hơn lũ bò sữa kia rồi.

Đêm sao dài dằng dặc. Hai ngày liền thức trắng nhưng tinh thần tôi vẫn tỉnh táo. Nhờ vậy, lâu lắm rồi mới dậy sớm đi làm. Là ngày đi làm cuối cùng. Vì chắc ông chủ hiệu thuốc cũng biết sự thật về tôi rồi, và tôi cũng có thứ phải nhận từ ông ấy. Tờ báo buổi sáng ném dưới cửa kính hiệu thuốc, tôi cúi xuống nhặt lên.

TAI NẠN KHU ĐÁ NGẦM NGOÀI ĐẢO Ở HUYỆN SHINSUNG. PHÁT HIỆN THỢ LẶN THAM GIA CỨU HỘ LÀ CON TRAI KẺ SÁT NHÂN CHOI HYUN SOO.

Đêm 24 vừa qua, ở vùng biển đảo đá tại bán đảo Hwa-won, đã xảy ra tai nạn.

Bốn du học sinh ở Mỹ về nước nhân kỳ nghỉ thu đã đi lặn đêm tại đây, trong đó, hai người chết và hai người bị thương. Được biết, ở khu vực vách đá phía Tây, những người này gặp phải dòng chảy đá ngầm nên đã xảy ra tai nạn. Sau khi xảy ra tai nạn, hai thợ lặn sống cùng nhà trọ lập tức đứng ra tìm kiếm cứu hộ, tìm được một người đã chết đuối, và một người thì tử vong sau khi được cứu, hai người còn lại được đưa đến trung tâm Y tế Mokpo. Khu vực vách đá phía Tây hòn đảo, thường xuất hiện dòng chảy ngầm, được biết đến là một nơi mà ngay cả thợ lặn lâu năm cũng tránh lặn đêm. Mặt khác, tham gia cứu hộ hôm đó có cậu Choi (18 tuổi), người được phát hiện là con trai của Choi Hyun Soo - thủ phạm gây ra thảm kịch hồ Se Ryung, hiện đang ở tù và vừa nhận phán quyết tử hình. Được biết, nhiều năm qua, cậu Choi không có nơi ở cố định mà sống nay đây mai đó, một năm sau thì sống ở nhà trọ, và đã tham gia cứu hộ trong tai nạn này. Cảnh sát cho biết đã cho gọi ông Ahn (39 tuổi), người tổ chức cứu hộ cùng với cậu Choi, và hiện đang điều tra cụ thể về trường hợp tai nạn này.

Tôi ngồi trước bàn. Những ngọn đèn dựng lên khắp nơi, nhấp nháy như mắt cú mèo. Trên trán tôi rịn đầy mồ hôi lạnh. Mỗi nhịp thở là ngực lại đau nhói.

Tiêu đề bài báo không còn là tổ hợp của những con chữ nữa. Mà là lưỡi dao của người đời đâm thẳng vào mạn sườn tôi.

Tôi mở internet, tìm đọc tin tức. Những đường dẫn tới tin tức liên quan đến sự việc hiện lên hàng loạt. Loạt bài báo được tìm kiếm theo tiêu đề “Con trai Choi Hyun Soo” nhiều hơn là tiêu đề về tai nạn đó. Tôi mở bài báo đầu tiên ra.

Có tới mấy nghìn bình luận. Tôi không đọc nội dung. Vì đã là con trai của kẻ sát nhân thì có làm việc tốt thì cũng chẳng ai buồn cúi đầu cảm kích đâu.

Tôi vừa đóng bài báo lại, thì chợt nhìn thấy phía trên trang web, ở ô tìm kiếm, cụm từ “Con trai Choi Hyun Soo” đã leo lên vị trí số một. Thật đúng là một uy lực đáng nể. Bảy năm đã trôi qua mà sự quan tâm của người đời đối với Choi Hyun Soo, so với khi đó vẫn không hề giảm một chút nào. Bây giờ, phải chăng biệt đội điều tra của cư dân mạng đã bắt đầu hành động? Nếu vậy, có lẽ đang nở rộ phong trào “moi thông tin đời tư” của con trai Choi Hyun Soo. Rồi cái ảnh tôi đầu cạo trọc hồi ở Trại giáo dưỡng, thế nào cũng bị truyền đi khắp nơi trên mạng. Giá tôi là một kẻ bị bệnh vĩ cuồng thì có phải tốt không...

Lúc tôi dọn dẹp gần xong thì chủ hiệu thuốc đến. Ông ta im lặng, ngồi vào bàn, mở tờ báo mà tôi để trên bàn. Tôi đợi đến khi ông đọc xong. Ba mươi phút sau, tôi ngồi trước mặt ông.

“Cháu sẽ làm việc hết hôm nay thôi ạ.”.

Nói xong, tôi chợt rùng mình. Rồi ngày mai tôi sẽ làm gì. Vì có làm gì, có đi đâu chăng nữa, dù cho không có tờ Sunday, cuộc đời thân mến này vẫn túm chặt lấy tôi không buông. Dược sĩ vắt chân chữ ngũ, ngước lên nhìn tôi. Tôi không tránh ánh mắt của ông. Tôi không muốn cúi đầu. Tôi không phải là tội nhân.

“Làm gì có chuyện đó.” Dược sĩ nói. “Vài ngày nữa sẽ chẳng còn ai để tâm đâu. Đi làm việc đi.”.

Thật bất ngờ. Liệu có phải ông ấy nghĩ nếu run lên bần bật mà đuổi việc tôi thì mất phẩm cách ông chủ quá chăng? Nếu không thì đây có phải là chút tình cảm với thằng bé đã làm việc ở đây cả năm nay?

“Thời gian qua, cảm ơn ông chú.” Tôi đáp lại.

Nếu nói không có gì nuối tiếc thì là nói dối. Chỉ là tôi không có ý định đón nhận ý tốt của người khác. Theo như kinh nghiệm đã dạy tôi, ý tốt không phải là thứ đáng tin. Thời hạn sử dụng của “ý tốt” chỉ kéo dài chừng nào người ban phát lòng tốt chưa thu hồi nó lại, và kiểu “ý tốt” một sớm một chiều đó thì nhiều vô số. Nói cảm ơn rồi từ chối, đó là cách giữ thể diện cho cả hai bên. Như thế, có thể vớ bở vừa được nhận lương lại vừa được nhận cả tiền thôi việc. Rồi còn có thể được nghe một câu từ biệt thật lạ lẫm, rằng khi nào cần việc làm thì cứ quay lại đây.

Bốn giờ chiều, sau khi dọn dẹp xong, tôi đi về. Dưới chân tường, không thấy đậu chiếc xe Bongo của chú. Tôi ngó qua cửa sổ, nhìn vào phòng. Cũng không có chú. Tôi nghẹo đầu nghĩ, hay là chú ra siêu thị Liên hiệp nghề cá? Nếu ra siêu thị, hiệu thuốc Papa ở ngay bên cạnh, không có lý gì chú không ghé qua.

Mà hình như chú cũng không đi lấy tư liệu viết. Túi đựng tư liệu của chú vẫn treo nguyên bên cạnh cửa. Tôi vừa dựng xe đạp ở sau nhà rồi đi ra, thì nghe sau lưng có tiếng của Hội trưởng.

“Về lúc nào thế cháu?”.

“Ông ở nhà ạ? Thấy nhà yên tĩnh quá, cháu tưởng ông đi đâu rồi.”.

“Không. Ông ở trong phòng.”.

Hội trưởng đưa cho tôi một hộp đồ. Hội trưởng bảo lúc nãy có chiếc xe mô tô giao hàng đem đến để đấy rồi đi. Cái hộp to hơn hộp giày một chút, cả địa chỉ, cả tên người gửi đều không có. Phần dành cho người nhận chỉ ghi địa chỉ nhà trọ với tên của tôi.

“Chú đi đâu rồi ạ?”.

“Thì đó. Ăn cơm trưa với ông xong, ngủ một giấc dậy thì không thấy đâu nữa. Cả xe cũng không thấy.”.

Tôi định quay vào phòng thì chợt nghĩ ra một việc, liền quay lại nhìn Hội trưởng. Sao ông ấy không bảo chúng tôi dọn đi nhỉ. Dù là nhà nghỉ đông khách hay vắng khách đi nữa, biết đâu vì tôi mà phải đóng cửa thì sao.

Tôi mở cái hộp ra. Lần lượt lần lượt từng đồ vật mà tôi không hiểu nổi. Sổ tư liệu của chú, cái đồng hồ ghi âm mà mỗi lần đi lấy tư liệu chú đều đeo, cái USB hình đồng xu mà chú tặng tôi nhân dịp tôi lĩnh tháng lương đầu tiên ở hiệu thuốc, một bó thư với cuốn sổ cắt dán buộc dây chun. Ở dưới cùng có để một tập giấy A4 dày. Trang ngoài cùng không viết gì cả. Lật qua trang bìa thì thấy xuất hiện một tiêu đề không thể ngờ được.

MỞ ĐẦU - 27.08.2004 HỒ SE RYUNG.

Còn chưa kịp hiểu ý nghĩa của tiêu đề, mắt tôi đã tự động di chuyển xuống dưới.

Cô bé đang đứng ở trạm xe buýt trước cổng trường, dựa vào cột biển báo, mũi giày đá đá trên mặt đường. Cô bé đang cúi đầu, không nhìn rõ mặt. Chỉ thấy vầng trán trắng trẻo, tròn trịa, và mái tóc dài bay bay trong gió.

Một chiếc xe Ben rầm rầm chạy ngang qua. Hình dáng cô bé bị chiếc xe che mất một thoáng, rồi lại hiện ra. Tiếp đó, một chiếc xe Bongo màu bạc chạy từ trong xã ra, dừng trước mặt cô bé. Là xe đưa đón của bên trung tâm dạy Mỹ thuật. Từ trong làn khói dày đặc, bật lên giọng nói đầy hớn hở.

“Chú ơi, hôm nay cháu không đến trung tâm được đâu. Có tiệc sinh nhật. Là sinh nhật cháu.”.

Chiếc Bongo quay đầu, rồi biến mất trên con đường lúc nãy vừa chạy đến.

Cô bé đi qua đường. Hai vai xuôi xuống, cúi nhìn mặt đất, lê từng bước chậm chạp. Seung Hwan đứng ở cửa cào lối đi phụ của Trạm dừng chân, nhìn cô bé đi tới. Lúc gần sáng hết đường, cô bé ngẩng lên. Nhìn vẻ mặt như thể đến lúc này mới nhận ra là có người đang nhìn mình. Nắng tháng Tám chiếu lấp lánh trên chiếc cặp cài trên tóc mái. Dưới vầng trán tròn trịa, khuôn mặt vẫn đầy vẻ tổn thương. Đôi mắt đen tròn nhìn thẳng vào Seung Hwan, đôi mắt đó đang ngập ngừng bất an. Suýt nữa thì Seung Hwan đã cất tiếng.

“Xin chào cô gái. Chúc mừng sinh nhật.”.

Cô bé quay người, đi ra phía cổng vườn cây Se Ryung. Seung Hwan đứng ngậm điếu thuốc lá, nhìn theo cô bé. Anh nghĩ tới bọn trẻ con ở khu ký túc xá vừa gặp 5 phút trước. Có vẻ như bọn chúng ta đang đi dự tiệc sinh nhật ai đó.

Cứ nhìn mỗi đứa tay cầm một gói quà, cùng kéo nhau vào tiệm McDonald's trong Trạm dừng chân là biết. “Ai đó” ở đây tất nhiên không phải là cô bé kia rồi.

Ở phía hồ Se Ryung vang lên tiếng trống Samul Nori2. Âm thanh báo hiệu bắt đầu lễ Vọng hương tế. Bọn trẻ làng Đất trũng có lẽ kéo nhau ra đó cả rồi.

Dân làng Se Ryung được chia thành hai loại - dân gốc ở đó và dân ở khu ký túc. Con đập được xây trên sông Se Ryung, làng Se Ryung cũ bị nhấn chìm, người dân ở đó đi thuyền đến đây. Họ lấy vùng đất bằng phía dưới đập làm nơi sinh sống mới. Vì vậy, người dân gốc với người làng Đất trũng nói cùng một giọng. Dân ở ký túc là Ban quản lý đập nước và gia đình họ. Những người đó sống trong khu vườn ươm Se Ryung phía Tây đập. Khu có tên “Rừng ký túc”.

nằm ở phía Nam khu vườn ươm, là khu ký túc cho nhân viên Ban quản lý thuê.

Khu có tên “Rừng Biệt thự” nằm ở phía Bắc khu vườn ươm, có ba căn nhà. Nhà số 101, số 102, số 103. Ba căn nhà gọi chung là “khu biệt thự”, trong đó, số , số 103 là nơi ở của các nhân viên công ty bảo vệ thuộc Ban quản lý đập.

Seung Hwan sống ở nhà số 102. Cô bé sống ở nhà bên cạnh, số 101 ở phía trong cùng. Đó là một ngôi nhà hai tầng, nhìn giống như thành trì của nhà vua vậy.

Đó cũng là nhà của người chủ khu vườn ươm, người đã lấy tên hồ nước này đặt cho con gái mình.

Seung Hwan chưa bao giờ thấy bọn trẻ con trong làng với bọn trẻ con ký túc xá chơi chung một chỗ bao giờ. Cô bé cũng không chơi chung với bên nào. Cô bé sinh ra ở cái làng Se Ryung xưa nay đã chìm trong nước, mang tên Se Ryung, nhưng lại sống trong khu vườn ươm, là người thuộc về ký túc xá. Giống như cô bé không còn nguyên vẹn là người dân gốc hay một người ở khu ký túc xá vậy. Đó chính là lý do một cô bé vào dịp sinh nhật thứ 12 của mình, trong một buổi chiều thứ Sáu ai cũng bận rộn, phải đứng một mình ở trạm xe buýt.

Seung Hwan ngậm điếu thuốc lá trong miệng, nhìn lên bầu trời. Mây xám cuộn lổn nhổn trên nền trời. Mặt trời đang khuất dần vào sau đám mây, tiếng ve kêu ngưng bặt.

Thật là một buổi chiều vừa nóng vừa ngột ngạt và tâm trạng chẳng ra sao.

Tôi gập tập bản thảo lại. “Seung Hwan” là tên của chú. Là bản thảo do chú viết. Mặc dù biểu đạt ở ngôi thứ ba, nhưng chẳng có gì phải nghi ngờ cả. Giọng ván thì quen thuộc y như khuôn mặt tôi vậy. Có thể đoán được ở trang tiếp theo, chuyện gì sẽ xảy ra. Nếu là chuyện đó thì vài năm trước, tờ Sun Magazine đã từng buộc tôi học đến khắc cốt ghi xương. Tôi không muốn giờ ôn tập lại làm gì. Nhưng tôi không khỏi thắc mắc. Tại sao chú lại viết cái này, người gửi có đúng là chú không. Nét chữ viết trên hộp thì lạ, nhưng người gửi chỉ có thể là chú thôi.

Tôi đạp xe tới ngọn hải đăng, ra mũi vách đá, ngồi bệt xuống, nhìn biển.

Đường chân trời đỏ rực như cánh đồng lửa cháy. Ngày 27 tháng 8 năm 2004, thứ Sáu, vào buổi chiều mà đứa bé gái vẫn còn sống... Tôi như bị túm cổ kéo về mùa hè của bảy năm trước.

Khi ấy gia đình chúng tôi vừa chuyển về hồ Se Ryung được hai ngày, hôm đó là Chủ nhật, ngày 29. Đúng lúc bố tôi nhận được lệnh làm Đội trưởng đội bảo vệ đập Se Ryung. Nhà số 102 khu biệt thự chỉ có hai phòng, và chú đã ở sẵn đó rồi. Bố mẹ quyết định ở phòng lớn. Tôi với chú thành ra bạn cùng phòng.

Chuyển nhà xong, chú dẫn tôi ra con đường mòn đó. Chính là con đường ở Trạm dừng chân nơi chú gặp cô bé tên Se Ryung trong phần mở đầu của bản thảo. Là con đường chúng tôi đi tìm bố. Bố đi ra ngoài mua đồ, hai tiếng đồng hồ không thấy về, mẹ cử chúng tôi đi truy bắt bố về. Men theo con đường mòn đi lên thì đến Trạm dừng chân đường cao tốc mà tôi đã ghé vào lúc trên đường chuyển nhà đến hồ Se Ryung. Tôi cứ lơ nga lơ ngơ, cuối cùng mất cả phương hướng. Từ Trạm dừng chân, đi xuống phía dưới một đoạn, có một giao lộ về phía xã Se Ryung. Lên đến giao lộ rồi, chạy một hồi thì đến hồ Se Ryung, vậy nên khoảng cách giờ thành ra gấp đôi một đoạn lúc nãy. Chú nhìn vẻ mặt tôi, rồi chỉ con đường mòn đó bảo.

“Con đường này giở trò ma thuật rồị..”.

Suýt nữa thì tôi đã tin những lời ấy. Khi đó, với khả năng xác định phương hướng của tôi, thì chỉ có thể hiểu được đó là “con đường ma thuật” thôi. Ai dám bảo đây là con đường đi xe hơi thì mất hơn 10 phút, còn đi bộ thì chỉ 5 phút đến nơi. Mà không phải chỉ có con đường đó là kỳ lạ. Ngay từ cái trạm dừng chân tự nó đã kỳ lạ rồi. Đối với xe qua xe lại thì đó chỉ là một trạm dừng chân bình thường, nhưng với người làng Se Ryung, nó giống như một căn cứ địa để hoạt động vậy. Khu cửa hàng ăn là địa điểm ăn ngoài của mọi người, cửa hàng tiện lợi là siêu thị, McDonalds là nơi tổ chức sự kiện của bọn trẻ trong khu, còn dưới cái dù bãi biển trên đài quan sát là quán rượu cho mấy tay bợm nhậu sống gần đó.

Chú dẫn tôi ra chỗ đài quan sát ở Trạm dừng chân. Ở đó, chúng tôi gặp bố, bố chưa gì đã thành sâu rượu trong khu chúng tôi ở. Dưới chân cột của cây dù bãi biển là hai vỏ chai soju. Chúng tôi ngồi xuống cạnh bố. Tôi nhìn xuống hồ Se Ryung dưới chân. Làng Đất trũng thì lui xuống phía dưới hồ Se Ryung một chút nữa. Tôi nói với bố.

“Giờ bố kể chuyện ma thuật cho con nghe đi.”.

“Ma thuật nào?” Bố hỏi.

“Ma thuật ở chỗ con đường mòn ấy.”.

Tôi trả lời. Bố quay sang nhìn chú. Chú cười ha hả.

“Seo Won, cháu có biết hình xoắn ốc như thế nào không?”.

Tôi giơ ngón tay vẽ một đường xoáy trôn ốc cho chú xem.

“Giỏi lắm. Hồ Se Ryung là hồ được tạo thành khi xây đập trên con sông Se Ryung. Sông Se Ryung vốn chảy men theo chân núi Se Ryung. Đương nhiên, như thế dưới chân núi sẽ chìm trong nước. Ngôi làng vốn trước đây ở đó, giờ chuyển tới vùng đất trũng nhất, còn bên cạnh núi Se Ryung thì người ta đào đường cao tốc, rồi xây cái Trạm dừng chân ở đầu đường. Nếu tưởng tượng tầng một là hồ Se Ryung, tầng hai là Trạm dừng chân thì sẽ hình dung ra, đúng không? Còn đường cao tốc chính là một cái cầu thang xoắn ốc, nối tầng một với tầng hai. Còn con đường mòn là một chiếc thang. Trèo lên thang này là tới ngay được tầng hai rồi.”.

Chúng tôi quên béng cả nhiệm vụ bắt bố về cho mẹ, cứ thế ngồi lì cạnh bố.

Tôi uống coca, bố uống soju, còn chú uống bia. Mặt trời đỏ dần, bóng dưới chân dần dần dài thêm. Trên mặt hồ Se Ryung tỏa lên một lớp sương nhẹ. Chú đưa tay chỉ nơi bình nguyên và bầu trời gặp nhau. Chú bảo vượt qua đường chân trời xa xôi đó, là vùng biển có tên là Deuknyangman. Chú bảo vào những đêm trời nổi gió Nam, nhớ mở cửa sổ rồi hít một hơi thật sâu. Chú bảo làm thế, mùi biển sẽ đi thẳng vào trong người tôi. Mỗi đêm, tôi đều mở cửa sổ, đợi gió Nam. Mỗi đêm, thứ đọng lại trong tôi lại là tiếng của đứa bé gái đó. Hoa bất tử nở rồi.

“Cháu ơi. Nãy giờ làm gì ở đây thế? Trời tối rồi.”.

Sau lưng vọng tới tiếng của Hội trưởng. Tôi quay lại.

“Chú về rồi hả ông?”.

“Không. Không phải ông nhà văn, mà cái xe mô tô lúc nãy lại tới.”.

Lần này cũng lại là một chiếc hộp. Lần này thì có tên người gửi. Người gửi là “Bạn”. Hình như không phải của chú. Chữ viết khác với chữ của chú. Cũng khác với chữ viết của “Người vô danh” trên cái hộp đầu tiên. Mà chú thì rất hiếm khi dùng danh xưng là “Bạn”.

Trong hộp đựng một tờ tạp chí Sunday, với giày chơi bóng rổ hiệu Nike đã ngả màu ố vàng. Đã thế lại chỉ còn một chiếc, cỡ giày 245 mm. Trên miếng bọc giày có ghi tên. Nét chữ đã phai mờ nhưng vẫn đủ để đọc được.

Choi Seo Won.

Chỉ duy nhất một lần tôi từng có một đôi giày bóng rổ hiệu Nike. Đó là vào ngày tôi lên nhận giải thưởng ở Hội thi Toán học, bố đã tặng cho tôi. Người viết tên tôi lên miếng bọc giày cũng là bố. Đôi giày đó bị mất hồi tôi sống ở hồ Se Ryung. Vậy nên đó là đôi giày từ thuở tôi 12 tuổi.

Đậy hộp lại, tôi ngồi lui ra phía sau. Tôi muốn hỏi tờ Sunday. Mày là ai, mày muốn gì? Tôi cũng muốn khuyên nó một câu, nếu luôn trả thù, thì đi mà trả thù người đang đợi ngày tử hình ở trại giam Seoul ấy.

Từ sẩm tối, tôi đã trải chăn đệm rồi đi nằm. Tôi không sao ngủ được. Thời gian cũng chẳng trôi đi. Tất cả những câu hỏi cứ hỗn loạn trong đầu. Chú đi đâu rồi? Chú làm gì mà đến giờ vẫn chưa về? Tại sao ngay cả điện thoại cũng không gọi? Tờ tạp chí Sunday, chân tướng của nó là gì? Đồ của chú với chiếc giày Nike, trong cùng một ngày được giao tới đây, liệu có phải là ngẫu nhiên không, hay có sự liên quan nào đó?

Cho đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng tờ Sunday là người nhà của nạn nhân đã thiệt mạng vì bố gửi đến. Tôi kết luận rằng, nếu không phải như vậy, thì không lý gì lại truy lùng dai dẳng đến mức này. Vậy nhưng, khi kết hợp chi tiết đôi giày Nike bị mất ở hồ Se Ryung với tờ tạp chí Sunday, thì tôi buộc phải thay đổi suy nghĩ. Đó phải là người có mối liên quan trực tiếp với tôi, đồng thời cũng là người liên quan đến sự kiện hồ Se Ryung.

Tôi thử gọi vào điện thoại di động của chú. Một giọng nữ nào đó nói là điện thoại đang tắt. Tôi muốn thử gọi về nhà chú ở Seoul, nhưng cả điện thoại, cả địa chỉ, tôi đều không biết. Cha nuôi của tôi, tức anh ba của chú, bốn năm trước đã sang định cư ở Úc rồi.

Tôi mở máy tính ra, cắm USB của chú vào máy. Nếu đã có tập bản thảo in ra, thì có nghĩa là sẽ có file bản thảo. Không muốn đọc bản thảo mà chỉ muốn tìm kiếm từng phần theo ý mình, thì cần phải có file đó. Trên màn hình hiện ra hai thư mục có tên là “Tư liệu và “Hồ Se Ryung”. Tôi vào thư mục “Hồ Se Ryung” thì thấy hiện ra khoảng chục file word. Trong số đó, tôi bấm vào file có tên “Bản cuối”. Tên chương hiện lên giống y như trong bản in. Đoạn văn đầu tiên cũng đồng nhất với bản in. Tôi ấn nút “Tìm kiếm”, rồi gõ vào từ khóa “Nike”. Xuất hiện đoạn văn đầu tiên được đánh dấu.

Tháng Năm vừa rồi, Seo Won đi nhận giải thưởng ở Hội thi Toán học, Hyun Soo dùng thẻ quỹ đen mua đôi giày Nike.

Chuyện này cũng khớp với ký ức của tôi. Tôi tiếp tục bấm nút “Tìm kiếm”.

từ “Nike”. Qua thêm vài đoạn văn nữa. Tất cả đều là những câu có chủ ngữ là cái tên “Hyun Soo”. Phải gần đến phần cuối, lệnh “Tìm kiếm” mới tìm được một cái tên không phải là Hyun Soo, mà là một cái tên khác.

Young Je lôi từ trong túi nhựa ra chiếc giày Nike.

“Nhìn cỡ thì thấy hình như không phải của Đội trưởng. Tôi nghĩ có thể của con trai anh chăng...”.

“Young Je”... Tựa như sét đánh, một khuôn mặt đàn ông thình lình hiện lên trước mắt tôi rồi biến mất. Tôi gõ tìm từ “Young Je”. Sau khi qua vài đoạn văn mà tôi không thể xác định được chủ ngữ có phải cùng một người không, thì đến đoạn tiếp theo.

Về sau, anh có nghe thấy tiếng hét của Se Ryung thêm chừng hai lần nữa.

Nghe thấy cả tiếng gọi “Bố” đầy tuyệt vọng. Tiếng gọi lọt qua khe cửa sổ mở ra mà lúc ra khỏi nhà, anh đã nhìn thấy.

Ngôi nhà ấy, trên bảng số nhà 101 có đề tên “Oh Young Je.”.

Tóc tôi dựng ngược lên. Vậy là tôi nhớ đúng rồi. Oh Young Je là bố của đứa bé gái đó, bố của Se Ryung. Đồng thời cũng chính là người gửi tờ Sunday Magazine. Nhưng dự đoán này có một điểm sai về logic. Người đàn ông đó là người đã chết cách đây bảy năm rồi. Và người đó cũng chết dưới tay bố, chuyện đó cả thế gian này đều biết. Cơn hỗn loạn khủng khiếp trong tâm trí tôi dường như lan đi khắp toàn thân. Cảm giác không lành xộc tới, hệt như một luồng xú khí.

Tôi nhìn xoáy vào cái tên đã chuyển thành màu trắng trong những phần tìm kiếm được bôi đen. Oh Young Je.

Chú thích:

. Tiết nóng nhất trong mùa hè ở Hàn Quốc.