Chuyện xưa chép rằng, vào thời Tuyên Vương nhà Chu, có một cung nữ mang thai hơn bốn mươi năm, sau sinh được một đứa con gái – Nhà vua cho hỏi thì cung nữ đó kể:
- Tiện thiếp nghe nói trong cung điện có một chiêc hộp quý đựng “nước dãi rồng” (có truyền thuyết cho là tinh dịch) từ đời nhà Hạ, một hôm tự nhiên chiếc hộp đó tỏa hào quang sáng rực khắp cung điện, Đấng Tiên vương truyền mở hộp ra xem, thấy trong có chiếc chậu vàng đựng một thứ nước lỏng - Tiên vương cầm chắc chiếc chậu vàng, lỡ tay đánh rơi, dãi rồng chảy lênh láng, rồi hóa thành một con giải nhỏ chạy biến vào cung… Lúc ấy tiện tỳ mới hơn mười tuổi, vô tình dẫm phải vết chân con giải đó, từ đấy trong người thấy khang khác, rồi bụng ngày một to ra như người có thai. Cho là quái dị, Tiên vương truyền lệnh cho giam vào nơi lãnh cung. Trải hơn bốn chục năm, đêm qua tiện tỳ thấy đau bụng, sinh ra một bé gái. Nội thị tâu lên Hoàng hậu, Hoàng hậu bảo đó là quái vật, và sai nội thị đem vứt bỏ ngoài lạch.
Lại nói về viên nội thị được lệnh vứt bé gái sơ sinh, thấy đứa bé vô tội, nên y để vào trong thùng gỗ lớn lót vải đầy rồi thả xuống sông Thanh Thủy. Khi vua Chu Tuyên cho người đến xem thì chiếc thùng đó đã trôi đi đâu không ai biết nữa.
Sáng sau ra chầu, Tuyên Vương kể chuyện “Dãi rồng” và đứa bé bị bỏ trôi sông, và sai Bá Dương Phụ bói một quẻ xem điều gì.
Bói xong Bá Dương Phụ tâu:
- Theo hạ thần thì trong cung vẫn còn tà khí.
Vua Chu bèn hạ lệnh: “Ai bắt được đứa trẻ trôi sông thì dù sống, dù chết cũng được thưởng lụa, bạc. Ai giấu diếm phải tội chết”. Lại sai đại phu Tả Nho đi qua các chợ, cấm không cho ai làm bán cung gỗ dâu và tên bằng cỏ cơ.
Hôm sau đoàn tuần tra gặp hai người. Người đàn bà đeo túi có mấy cái tên bằng cỏ cơ, người đàn ông đi sau mang mấy cánh cung làm bằng gỗ dâu, bèn giữ người đàn bà lại. Người đàn ông thấy thế sợ quá vứt cánh cung chạy trốn. Tả Nho bèn giấu chuyện người đàn ông chạy trốn và tâu với vua là đã bắt được “nữ hoa”. Vua ra lệnh chém đầu người đàn bà, và đốt cung tên ở giữa chợ để răn kẻ khác.
Người đàn ông chạy trốn tìm cách cứu vợ, nhưng khi nghe tin vợ bị hại, buồn bã đi lang thang. Khi đi bên bờ sông Thanh Thủy, bỗng nhìn thấy từ xa có một chiếc thùng gỗ đang trôi, trên có chim đậu, bèn tìm cách kéo vào bờ. Khi giở ra xem thấy có một bé gái sơ sinh đang khóc. Trong bụng chợt nghĩ “Có lẽ điềm gì may đây”, nói rồi bọc lấy đứa bé, tìm đường đến Bao thành, vào ở nhờ nhà người quen.
Không bao lâu Chu Tuyên Vương chết. Thái tử lên ngôi, tức Chu U Vương, lập con gái Thân hầu làm hoàng hậu.
U Vương vốn là kẻ hoang dâm bạo ngược, không lo chính sự. Bố vợ là Thân
hầu khuyên can nhưng không được, bèn bỏ về nước Thân. U Vương càng ngày àng buông tuồng, sai nội thị đi khắp nơi tìm con gái đẹp đưa về cung. Viên quan trấn thủ Bao thành là Bao Quýnh về chầu, thấy vạy can ngăn, U Vương liền sai bắt Bao Quýnh giam vào ngục. Lại nói về ngươif đàn ông nhặt được đứa bé gái trên sông Thanh Thủy, nhưng sau vì nghèo đói không nuôi nổi, may nhờ ngừoi hàng xóm có tên là Tự Đại hiếm hoi xin về nuôi, đặt tên là Bao Tự.
Bao Tự dần dần lớn lên, mười bốn mười lăm đã xinh đẹp tuyệt vời. Chỉ vì ở nơi xóm làng hẻo lánh, nên chưa đắt chồng.
Một hôm, con trai Bao Quýnh là Hồng Đức chợt có việc tới gần nơi đó, trông thấy cô gái xinh đẹp đang gánh nước, bụng nảy ý nghĩ: “Cha ta vì tính bộc trực can ngăn vua mà bị hạ ngục đã ba năm nay, nếu cô gái kia được dâng lên triều đình thì may ra cha ta được thoát.
Nghĩ vây, Hồng Đức bèn hỏi dò chung quanh về Bao Tự, sau đấy về nhà kể với mẹ. Mẹ Hồng Đức bằng lòng, cho người đem ba trăm tấm lụa đến nhà Tự Đại, xin đổi lấy cô gái.
Bao Tự về nhà mới, được tắm gội hương trầm hương, ăn uống các thức ngon vật quý,mặc toàn the lụa, lại học hát múa, lễ nghi nên chỉ mấy tháng sau càng đáng yêu hơn. Tiếp đấy, Hồng Đức mang vàng bạc lên kinh đô Cảo nhờ Quắc công tâu với U Vương răng Bao Quýnh nay đã ăn năn hối lỗi, lại có con trai xin dâng mỹ nữ để chuộc tội cho cha. U Vương nghe tâu, liền truyền Bao Tự vào cung. Khi nhìn thấy Bao Tự quỳ lạy dưới sân rồng, nhan sắc như tiên dáng thế, nha vua mê mẩn tinh thần, bèn đưa ngay vào Quỳnh đài, lại tha tội cho Bao Quýnh, phục chức như cũ.
Từ khi được Bao Tự, U Vương suốt ngày chỉ ở Quỳnh đài với nàng, cả tháng không coi chầu.
Có người nói với Thân hầu, Thân hầu giận lắm, đến ngay Quỳnh đài thấy nhà vua đang bá vai bá cổ Bao Tự vui đùa. Thân hầu cả giận mắng nhiếc Bao Tự:
- Con tiện tỳ kia, ở đâu mà dám đến làm nhơ bẩn nơi cung cấm?
Nói đoạn đi thẳng tới chỗ Bao Tự - U Vương sợ Thân hầu đánh nàng, liền đứng ra che cản và nói:
- Tiện tỳ là người mới tuyển về, chưa định thứ bậc, nên chua vào chào lạy Hoàng hậu đó thôi.
Thân hầu mắng nhiếc một hồi, rồi hằm hằm bỏ đi. Bao Tự hỏi nhà vua:
- Ai thế?
U Vương trả lời:
- Chánh cung Thân hậu, ngày mai ái khanh nên vào chào hỏi.
Bao Tự buồn rầu, im lặng. Sáng hôm sau cũng không vào cung Thân hậu.
Thân hậu vừa bực tức, vừa u sầu. Con trai là thái tử Nghi Cữu hỏi lý do, Thân hậu bèn kể chuyện U Vương si mê, bỏ cả việc triều đình, và chuyện Bao Tự không thèm chào hỏi gì mình, rồi nói:
- Mai mốt con yêu ấy mà được thế, thì mẹ con ta không có chỗ mà ở.
Nghi Cữu bực tức ra về, sáng hôm sau, nhân lúc U Vương ra coi chầu, Nghi Cữu sai cung nữ đến Quỳnh đài hái hoa lung tung, mấy cung nữ ở Quỳnh đài ra ngăn lại:
- Đây là các loại hoa quý, thánh thượng sai trồng để Bao nương nương ngắm cảnh.
Mấy người kia nói:
- Bọn ta vâng lệnh thái tử đến hái hoa để dâng chính cung hoàng hậu, ngăn cấm thế nào được?
Bao Tự thấy hai bên to tiếng bèn bước ra ngoài xem sao, thì Nghi Cữu đã xông ngay tới, nắm tóc Bao Tự, đấm tát và mắng:
- Mày là đứa nào mà dám tự xưng là nương nương, để ta đánh cho mày biết tay.
Mấy cung nữ nơi Thân hậu vội can ngăn xin đợi lệnh Thánh Thượng. Nhân lúc đó Bao Tự đi vào trong, nước mắt ròng ròng mặt mày rầu rĩ.
- Sao ái khanh lại buồn bực là thế?
Bao Tự liền quỳ xuống, nắm vạt áo nhà vua, khóc và kể lại câu chuyện bị Thái tử Nghi Cữu đánh, ròi nức nở nói:
- Thái tử đã báo thù cho Hoàng hậu mà đánh, tì thế nào cũng giết hại thần thiếp rồi mới thôi. Nếu chỉ có mình thần thiếp thì cũng đành, nhưng còn dòng dõi bệ hạ trong bụng đã mấy tháng nay. Thôi, xin Thánh thượng cho phép hai mẹ con thiếp được về quê để bảo toàn được tính mạng của hai người.
U Vương nổi giận, hạ lệnh đầy Nghi Cữu ra nước Thân cho ông ngoại dạy bảo, và cách chức những người thầy học của Thái tử. Bọn Quắc Công, Doãn Cầu bèn cho người thân tín đến bàn với Bao Tự:
- Thánh thượng có ý cho Bá Phục làm thái tử. Bên trong có lời nương nương, phía ngoài có bọn hạ thần việc gì chẳng xong.
Bao Tự liền kết đảng với hai họ Quắc và họ Doãn. Ngày đêm cho người dò xét quanh chỗ Thân hậu ở - Có một cung nữ thương hại bèn nói với Thân hậu viết thư cho cha là Thân hầu bảo Nghi Cữu xin lỗi U Vương để về triều. Sau đó Thân hậu gải vờ ốm, và sai người cung nữ kia mời mẹ cô ta là bà Ôn làn nghề thuốc vào chữa bệnh.
Tin đó lọt đến tai Bao Tự. Nàng bảo nội giám:
- Khi nào bà lang Ôn trở ra thì hãy khám xét.
Khi bà lang Ôn xem mạch, thì Thân hậu lấy bức thư ở gối ra đưa cho bà, lại cho hai tấm lụa và dặn dò chuyển ngay cho Thân hầu.
Ra tới cửa cung, nội giám ngăn lại hỏi:
- Mụ mang lụa đi đâu thế?
Bà Ôn trả lời:
- Tôi vào thăm bệnh cho Chánh cung, nên Chánh cung ban cho.
Mấy nội giám xúm xít lại khám, tìm thấy bức thư, đem vào nộp Bao Tự. Bao Tự tức giận, xé nát tấm lụa quăng ra nền cung điện. Khi U Vương vào trông thấy hỏi căn do. Bao Tự nức nở nói:
- Thần thiếp may được tiến cung, ơn nhờ Hoàng thượng tới, nhưng nay Hoàng hậu giận ghen ghét, nhất là khi thấy thần thiếp sinh con trai, lại càng căm hận. Nay Hoàng hậu gửi thư cho Thái tử. Thế này hai mẹ con thần thiếp thế là không an toàn.
Rồi đưa thư cho U Vương, nhà vua xem xong, hỏi:
- Chứng cơ đâu?
Nội giám liền dẫn bà lang họ Ôn tới. U Vương rút gươm chém ngay làm hai.
Đêm đó, Bao Tự nỉ non bên gối U Vương:
- Lỡ ra mai đây, khi Thái tử lên ngôi báu thì Bá Phục và thần thiếp chết cũng không có đất chôn.
Nói rồi ngồi dậy, khóc nức nở. U Vương nói:
- Ta cũng có ý muốn phế bỏ Hoàng hậu và Thái tử, nhưng còn e các quan dị nghị.
Bao Tự nói:
- Bệ hạ là vua. Bầy tôi phải nghe theo lời vua. Kẻ nào chống lại là phản nghịch. Tâu bệ hạ, cứ nêu việc đó với trăm quan văn võ xem thử.
Ngay đêm đó, Bao Tự sai người tâm phúc báo tin cho Quắc Công và Doãn Cầu. Sáng sau, ra chầu U Vương nêu việc hỏi:
- Nay Chánh cung ngày đêm ghem ghét, oán trách nguyền rủa trẫm, các khanh nghĩ thế nào?
Quắc Công tâu ngay:
- Chánh cung cớ lỗi thì truất bỏ. Bệ hạ tìm người khác phong làm Hoàng hậu.
U Vương hỏi:
- Ai có thể thay?
Doãn Cầu tâu luôn:
- Hạ thần nghe nói có Bao Quý phi là người hiền đức, đáng mặt Chánh cung.
- Nếu phế truất Thân hậu, còn Thái tử ở Thân quốc thì sao?
Quắc Công tâu:
- Đã truất mẹ thì con cũng không được dùng:
Thế rồi U Vương ra lệnh giam Thân hậu vào lãnh cung, truất ngôi Nghi Cữu, phong Bao Tự làm Chánh cung, Bá Phục làm Thái tử, các quan có nhiều người bất bình xong không ai dám nói.
Bao hậu tuy đã toại nguyện, song chưa thấy yên ổn, thành thử đăm chiêu ngay đêm, từ đó không hề cười một tiếng nào. U Vương hết sức chiều chuộng, tìm đủ mọi cách cũng không sao làm được Bao Tự vui. U Vương nói:
- Vậy đàn sáo nào làm cho Hoàng hậu vui tai?
Bao Tự thưa:
- Từ hôm thần thiếp xé tan hai tấm lụa đến giờ thấy không còn tiếng nào êm tai hơn thế nữa.
Từ đó, vua sai quan coi kho hàng ngày phải nộp lụa đến chỗ Bao Tự, lại sai các cung mữ khỏe mạnh thay nhau xé lụa trước mặt Bao Tự. Tuy vậy cũng không làm cho hoàng hậu họ Bao vui hơn.
Nhà vua ra lệnh cho các quan hiến kế làm cho Bao Tự cười, sẽ được thưởng ngàn vàng. Quắc Công tâu:
- Đấng Tiên vương ta xưa có dựng mấy chục cái chòi và đóng mấy chục cái trống đặt quanh Ly sơn, đề phòng kinh đô không may bị giặc cướp thì đốt lửa, dóng trống cho chư hầu mang quân tới cứu viện.
Bấy giờ có Trịnh Bá Hữu can ngăn:
- Nay vô cớ đốt lửa là đánh lừa chư hầu, làm cho mọi người mất tín. Lỡ mai kia nguy cấp thực, thì còn ai mang quân đến giúp nữa?
Trịnh Bá Hữu bị quat mắng, U Vương liền truyền cho đốt các đống lửa, và dóng trống ầm vang – rồi cùng lúc cùng với Bao Tự ngồi trên đài cao uống rượu. Thấy ánh lửa ngút trời, hồi trống inh ỏi, chư hầu vội vàng kéo quân tới kinh đô. Nhưng khi tới nơi chỉ thấy U Vương cho người tạ ơn và bảo:
- Nay đất nước thanh bình không có giặc giã, không dám làm phiền đến binh mã các chư hầu.
Quân các nước nghe nói, chưng hửng ngơ ngác nhìn nhau, lại lục đục kéo quân về. Bao Tự đứng trên lầu, trông thấy cảnh ấy, bèn vỗ tay cười vang. U Vương nói:
- Một tiếng cười của Chánh cung đáng giá ngàn vàng.
Rồi ra lệnh thưởng cho Quắc Công ngàn vàng, vì đã có công hiến kế làm cho Hoàng hậu cười vui.
Thân hầu được tin dâng biểu can ngăn U Vương. Nhà vua tức giận sai Quắc Công đem quân đi đánh. Thân hầu hoảng sợ, có đại phu là Lã Chương nói:
- Thiên tử vô đạo, say mê Bao Tự giống như Hạ Kiệt say mê Muội Hỷ, Thương Trụ đắm đuối Đát Kỷ, điềm mất nước đó. Nay chúa công cùng liên kết với nước Khuyển Nhung cùng đem quân tới Kiểu Kinh trừ bạo nghịch, và hứa cho Khuyển Nhung thỏa sức lấy gì thì lấy.
- Vài ngày sau, quân Khuyển Nhung kéo tới, U Vương sai đốt lửa. Không có chư hầu nào mang quân tới vì sợ bị lừa.
Quắc Công ra đánh, bị tướng Khuyển Nhung chém chết. Quân Khuyển Nhung vào kinh thành đốt phá. U Vương hoảng sợ, vội sai đưa Bao Tự và Bá Phục ra cửa sau chạy trốn, lúc đó chỉ có Trịnh Bá Hữu theo hầu.
Trịnh Bá Hữu sai đốt lửa, thấy lửa cháy ngụt trời, vẫn không có quân chư hầu nào đến cứu. U Vương và Bao Tự nhìn nhau khóc lóc.
Trịnh Bá Hữu lại sai đốt lửa ở Ly sơn, rồi cầm giáo đi trước mở đường cho U Vương và Bao Tự đi theo. Trịnh Bá Hữu tả xung hữu đột giết được nhiều quân Khuyển Nhung, nhưng cuối cùng không địch nổi và bị hàng chục mũi tên nhằm trúng người.
Vua nước Khuyển Nhung bắt được U Vương và Bao Tự, liền giết chêt U Vương và Bá Phục, rồi mang Bao Tự đi theo.